Tin tức

12/4
9:45 AM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (12-4-2017)

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” ra phiên bản tiếng Anh

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa ra mắt bạn đọc bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm được giải văn học đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức dịch sang tiếng Anh và ấn hành từ trong nước để giới thiệu với bạn đọc trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được ấn hành lần đầu vào tháng 4/2014. Trong 2 năm, cuốn sách liên tiếp giành được các giải thưởng ở trong nước và khu vực: "Giải thưởng Văn học năm 2014" của Hội Nhà văn Việt Nam, "Giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN)".

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" dày hơn 500 trang, vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí. Trong 19 chương, gần 600 trang của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, tác giả Trần Mai Hạnh đã phác họa sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4/1975). Bên cạnh việc tái hiện và khắc họa sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, cuốn sách còn có hơn 100 trang in toàn văn 21 tài liệu tham khảo nguyên bản về cuộc chiến mà ở thời điểm 40 năm trước là tài liệu tuyệt mật của phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ...

Việc dịch sang Anh ngữ cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” để giới thiệu với bạn đọc trên thế giới thực sự có ý nghĩa. Không chỉ bạn đọc các nước, mà bạn đọc trong nước có sử dụng tiếng Anh, đặc biệt sinh viên các trường đại học ngoại ngữ cũng có thể tìm thấy “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - phiên bản tiếng Anh sự hữu ích trong tham khảo dịch thuật cũng như sử dụng, viện dẫn bằng tiếng Anh những tài liệu, tư liệu lịch sử.

(Theo: dangcongsan.vn)

Khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 11-4-2017, hơn 100 chân dung các văn nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam được làm bằng tượng sáp đã được trưng bày và giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật tại Khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam, thuộc Nhà hát Hòa Bình (quận 10, TP Hồ Chí Minh).

Mỗi tác phẩm tượng sáp được mô phỏng theo vóc dáng, gương mặt của một nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, đó là các chân dung: Giáo sư Trần Văn Khê, Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga, nghệ sĩ Minh Vương, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ đàn tranh Cát Phượng… Các tượng sáp được trang điểm, hóa trang sinh động, phù hợp với tính cách, trang phục của từng người nghệ sĩ khiến người xem cảm thấy rất thú vị. 

Ông Tô Trung Kiệt, Giám đốc Nhà hát Hòa Bình cho biết, bên cạnh các tượng sáp, tại khu trưng bày còn có các thông tin về tiểu sử, sự cống hiến của từng nghệ sĩ đối với nền văn hóa nước nhà. Ngoài ra, tại khu vực sân khấu chính sẽ tổ chức nhiều buổi giao lưu, gặp gỡ giữa khách tham quan với các ca sĩ và nghệ sĩ được yêu thích, qua đó, tạo thêm điểm đến về văn hóa, nghệ thuật, du lịch mới, hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh. 
Khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam do Công ty Cổ phần Tượng sáp Việt đầu tư và thực hiện suốt 16 năm với mong muốn lưu lại dấu ấn tôn vinh sự cống hiến của các nghệ sĩ Việt Nam qua nhiều thế hệ. 

(Theo: TTXVN)

Tọa đàm “Văn học Yên Bái với nhà trường”

Nằm trong chương trình Lễ Phát động Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ IV, chiều ngày 10/4/2017, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái tổ chức Tọa đàm về văn học với chủ đề “Văn học Yên Bái với nhà trường”.

Dự buổi Tọa đàm có lãnh đạo, chuyên viên đại diện một số sở, ngành của tỉnh; các nhà văn, nhà thơ, tác giả văn học tiêu biểu trong tỉnh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành.

Cuộc tọa đàm đã cho thấy diện mạo, vai trò và vị trí của văn học Yên Bái trong sự nghiệp phát triển văn học nói chung và công tác giảng dạy ngữ văn địa phương trong nhà trường. Từ bức tranh tổng thể về văn học Yên Bái; vai trò của thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh trong việc động viên, khích lệ các tác giả sáng tác, xuất bản, quảng bá các tác phẩm văn học Yên Bái; các vị khách mời của buổi tọa đàm, các em học sinh đã cùng nhau trao đổi về sự tác động của văn học Yên Bái đến việc vun đắp tình yêu, lòng tự hào cho giáo viên và học sinh đối với mảnh đất Yên Bái, tạo nguồn cảm hứng cho các thầy cô và học sinh trong việc dạy và học, từ đó có những sáng tác và sáng tạo về quê hương Yên Bái thân yêu. 

Cuộc tọa đàm cũng đã làm rõ một số vấn đề đang đặt ra cho văn học địa phương trong giai đoạn hiện nay. Đó là làm thế nào để văn học Yên Bái đến được với đời sống đại đa số công chúng một cách sâu rộng hơn, thường xuyên hơn, chú trọng từng đối tượng để có cách truyền tải hợp lý nhất. Với đối tượng là giáo viên và học sinh các cấp học trong toàn tỉnh, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái với Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, và các đơn vị trường học, cùng với đó cần khích lệ, động viên những tác giả trẻ, ươm mầm lớp măng non kế cận của văn học Yên Bái trong tương lai.

(Theo: vanhocnghethuatyenbai.gov.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp         

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *