Tìm tòi thể nghiệm

14/4
9:31 AM 2017

NGÔ QUÂN MIỆN, NHÀ THƠ ĐẶC TRƯNG XỨ ĐOÀI

Đặng Hiển-Nhà thơ Tố Hữu có lần nói: “Nghệ sĩ là con đẻ tòan diện của hòan cảnh, nó đã sống như đứa con mang máu thịt và các mùi riêng cha mẹ. Con nào thì mùi của mẹ ấy, không lộn được”. Đó là Tố Hữu nói về quan hệ của nhà thơ với nhân dân và đất nước trong bài Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí.

                                                                      Nhà thơ Ngô Quân Miện

Nhưng ở đây tôi vận dụng vào một phạm vi hẹp hơn, quan hệ của nhà thơ với vùng đất đã sinh ra và nuôi dưỡng anh, vùng đất tôi định nói trong bài này cụ thể là xứ Đoài bao gồm Ba Vì, Sơn Tây, Tùng Thịnh, Phú Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và nhà thơ ở đây là Tản Đà đầu thế kỷ 20, Quang Dũng, Ngô Quân Miện giữa thế kỷ 20, Thế Mạc những năm 60, 70; Nguyễn Lương Ngọc những năm 80, Khuất Bình Nguyên đầu thế kỷ 21. Trong các nhà thơ trên theo ý tôi, Ngô Quân Miện đậm chất xứ Đoài nhất, không pha trộn chất kinh kỳ, chất thành thị, hay những vùng đất khác.

Thật vậy, Ngô Quân Miện sinh 1925 ở làng Khê Thượng huyện Ba Vì nằm giữa núi Tản và sông Đà. Cha mẹ ông cũng sống và mất ở nơi đây, bản thân ông cũng ở quê đến cách mạng tháng 8/1945, sau mấy năm kháng chiến, về Hà Nội, ông vẫn nhớ về quê hương và ông thầm muốn một ngày nào đó, tôi cũng sẽ trở về nằm vĩnh viễn ở đất làng, đầu kê vào núi Tản và mắt nhìn ra sông Đà, bên cạnh ông bà, cha mẹ tôi (Nền nhà cũ – ký sự Hoa niên). Văn hóa quê hương mà ông được hít thở, được hưởng thụ đã thấm vào máu thịt của ông như ông đã từng nói trong thơ: “Bao nét hoa văn của những thời xa cũ/ Trái tim tôi ghi khắc đến bây giờ/ Xương thịt tôi còn hằn bao thớ gỗ/ Làm nền cho đậm nhạt những câu thơ”.

Dòng sông quê hương – sông Đà- cũng đã gắn với bao kỉ niệm của ông về nhà thơ lớn đồng hương, hàng xóm, có bút danh rất đặc trưng quê hương núi Tản Sông Đà, đó là Nguyễn Khắc Hiếu. Chú bé 11 tuổi Ngô Quân Miện thương bỏ chơi đáo để chiêm ngưỡng nhà thơ lớn lúc này đã ở tuổi 47. Ngô Quân Miện nhớ lại: “Cháu từng thấy bác bơi vùng vẫy sóng sông Đà”. Thơ Tản Đà cùng ca dao mẹ hát, truyện cổ tích mẹ kể, thơ Chinh phụ ngâm cha giảng đã đi vào tâm trí ông từ thuở bé thơ.

Trước tiên, núi sông kỳ thú của quê hương Phố Thượng đã gieo mầm hồn thơ cách mạng cũng như đã từng tạo ra hồn thơ Nguyễn Khắc Hiếu. Sông núi ấy đã thành tên của một tập thơ của ông: Bóng núi, đã thành nội dung một bài thơ của ông, Tranh sông Đà, trong đó nghĩa là đã đi vào tâm thức, tiềm th ức, mĩ cảm của ông: “Không vẽ núi, tôi vẫn nhìn thấy núi/ Cái màu xanh đáy nước sắc Ba Vì/ Ra thế đó những màu sắc của đất/ Vẫn chìm sâu trong đáy mắt người đi”. Ông có hai bài thơ đã được tuyển thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ 20 đều là thơ về quê hương ông: Tranh sông Đà nói trên và Quê ngoại: “Quê ngoại là tình yêu của cha/ Bên Khê, bên Bộ một sông Đà/ Con sông ngăn cách hai làng ấy/ Để bắt người yêu phải lội qua…/ Ở đây một nửa tuổi thơ tôi/ Cách sông, quà bánh được nhân đôi/ Hai bế nội ngoại chia tay nắm/ Làm chiếc cầu phao dẫn ngược xuôi”, thêm một lí do để yêu quê hương, yêu dòng sông quê hương!

Thế giới nghệ thuật trong thơ Ngô Quân Miện là thế giới của làng quê với con đê, hoa xoan tím, hoa gạo đỏ, cùng mùi vượn, mùi cây, mùi đất đã trở thành gốc của hồn thơ ông: “Cái màu tím hoa cỏ may lấm tấm/ Con đê làng khi hội mới qua giêng/ Cái màu tím hoa xoan tơi tả rụng/ Xuống một chiều trở gió nhớ về em” (Cảm nhận). “Quá nửa đời, mấy lúa trở về đây/ Sao cứ thấy không khi nào vắng mặt/ Da diết thế cái hương nồng của đất/ Tóc thôi xanh, ngả trắng vẫn nguyên mùi/ Của đám cỏ gai bờ rụng gối đầu tôi/ Mùi rơm rạ, cây hăng và đất ải/ Đã ngấm xương thịt một đời người”…

Văn hóa quê hương, văn hóa xứ Đoài với những phong tục đẹp, những truyền thuyết linh thiêng đã tạo cho thơ ông một cái nền nhân văn sâu chắc. Hãy đọc một đoạn trong thiên ký sự Hoa niên tả cuộc đón dâu của Sơn Tinh trên sông Đà: “Chợt anh cảm thấy mũi thuyền khẽ động, mũi thuyền chìm nhẹ. “Lạy thánh mớ bái. Người đã xuống thuyền”. Anh ta (anh lái) tự nhẩm một mình. Tuy nhiên có mùi hương hoa thoang thoảng. Đúng là công chúa đã bước xuống thuyền. Người lái đò sẽ nâng tay chèo và mũi thuyền đã quay ra, tiếng nhã nhạc bay theo con đò. Tất cả các cụ đứng nhìn ra mặt sông, chỉ thấy thoáng một bóng thuyền lờ mờ rồi là bóng tối và tiếng sóng róc rách như nhỏ dần. Các cụ chắp tay bái vọng sang phía bên kia. Mãi rất khuya, người lái mới chèo thuyền quay lại bến, các cụ mới làm lễ tạ và trở về nhà”. Như một cuộc đón dâu thật!.. một cuộc đón dâu tưởng tượng mà hiển linh như thật của tiên thánh!

Cây cối, hoa cỏ của quê hương thẩy đều có linh hồn. Con ngựa đá của làng ông cũng vậy, đó là con ngựa trận mạc thời Hai Bà Trưng đến nay tim vẫn đập, mồ hôi ướt đẫm, không ngừng luyện tập để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Người quê hương (cha mẹ đẻ…) là những hình ảnh đẹp, mang tính truyền thống đậm nét trong văn thơ ông.

Ngô Quân Miện rất thuộc quê hương, lại có con mắt quan sát tinh tế nên cảnh quê hương trong thơ ông rất sinh động, rất quyến rũ, ở đó ông gửi gắm một niềm tiếc nuối, tiếp nuối quá khứ, chính là tiếc nuối những vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa quê hương đã ở xa mình hoặc đã phôi pha “Bỗng thu. Một tháng trưa hè/ Không sương khói, buổi chiều nghe cũng gần/ Cũng gần cả tiếng chuông ngân/ Cũng gần cả những vang âm một thời/ Cũng gần em nữa và tôi/ Với mình tưởng đã xa xôi cũng gần” gần mà hóa xa bởi đã có khoảng cách về không gian và thời gian, xa mà hóa gần vì vẫn ở trong tâm tưởng.

Có những hình ảnh không dính dáng đến quê hương nhưng đã in đậm vào thế giới nghệ thuật của ông vì đã chạm đến một sợi dây liên tưởng về quê hương. Đó là khi đứa con gái bé hái bông hoa cỏ cắm vào chiếc bình ở nứa sơ tán (Bông hoa cỏ).

Thơ Ngô Quân Miện thuộc gam rê thứ, điệu slow nhưng chính vì thế mà thấm sâu vào lòng người, vì thế khi đọc thơ tình của Ngô Quân Miện, trước một nét nhẹ nhàng tinh tế, có bạn thơ đã nghĩ: “Ông này này xưa cũng yêu ghê lắm”. Bài “Có gì đâu, trước cửa chùa” mà ông viết như thế này: “Áo mộc tà bay trước cửa thiền/ Mi cong chưa hết một tiền duyên/ Con sông quanh mãi miền trong được/ Em có tìm ra cõi lặng yên”. Nghe khúc Trương Chi là một điển hình về sự ám ảnh của thơ Ngô Quân Miện “Ai hát đó, tâm hồn tôi/ Mất tăm mất tích chân trời đau thương… Dẫu là anh cũng là tôi/ Dẫu ai thì cũng là người đang yêu/ Ai hát cho tôi hát theo/ Dòng sông thì chảy thả neo nỗi buồn”. Tôi đã thả neo vào nhiều bài thơ của Ngô Quân Miện.

Thơ Ngô Quân Miện là sự kết hợp ảnh hưởng của nhiều yếu tố văn hóa, tính cách và nội bao của nhiều phạm trù Đông và Tây, già và trẻ , quê hương và đất nước. Sự kết hợp đó có lúc nghiêng về phía này hoặc phía kia nhưng thường là hài hòa, nhuần nhị. Ví dụ ông viết “Chiều rơi lác đác tâm tư/ Rét như đang rét, buồn như đang buồn/ Một màu lá bỗng xanh non/ Tìm con mắt lá, gặp con mắt người”. Chính ông cũng đã tự nhận thức sự hài hòa đó khi ông tự nói về mình “Tay ôm đại thụ hồn nguyên thủy/ Mắt ngó mầu xanh mắt trẻ thơ”.

Có người nói thơ Ngô Quân Miện hiền lành, ít tâm tư xã hội, mỗi nhà thơ có một góc nhìn, một thế giới nghệ thuật, một cá tính sáng tạo riêng. Cái gốc của cái nhìn ấy, thế giới ấy là cảm thức nhân văn chứ không phải cảm thức xã hội. Có người bài thơ nào cũng đầy tâm trạng xã hội nhưng nhìn sâu vào cái lõi bên trong thì có khi đó là sự phủ định con người hoặc một thứ chữ nghĩa hư vô không mới mẻ gì. Ngô Quân Miện trân trọng những gì thuộc về con người, thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc. Những cái đó không mất đi, dù có lúc bị phôi pha ít nhiều. Những cái mất ấy lại được ông bù đắp bằng sự nuối tiếc Quê hương không còn mẹ nhưng “Quê ngoại cho mình thêm một quê/ Bao nhiêu mong nhớ đã đi về/ Mẹ tôi đã khuất, tôi nghe thấy/ Tiếng mẹ tôi trong tiếng các dò” Đời ông nhiều trải nghiệm, cay đắng có, ngọt bùi có nhưng tất cả với ông đều đáng trân trọng, đáng giữ gìn vì “Ôi món nợ suốt đời ta có pảhi/ Tôi hình hài trong nhào nặn đất đai/ Máu của đất đã dồn lên hoa trái/ Đắng ngọt của làng, đắng ngọt của tôi” (Làng). Niềm lạc quan trong thơ ông không phải là niềm lạc quan có tính kinh viện hay tính tiên nghiệm mà là tình yêu và niềm tin vào sự sống. Ông có một bài Hoa bay rất hay : “Hoa em tặng đấy, tím hồng/ Nửa mùa xuân – nửa mùa đông lạnh buồn/ Tím như một nửa hoàng hôn/ Hồng như một nửa tâm hồn đang yêu”. Hoàng hôn là cái đang mất, tâm hồn đang yêu là cái mãi còn. Cũng vậy: “Anh đi giữa phố đầy hoa nhựa/ Chát chúa mầu hoa, chát chúa nhìn/ Tìm đâu thấy lại buồng hoa cỏ/ Dưới cành cơm nguội thở bình yên” (Hoa nhựa) Bông hoa cỏ hơn một lần xuất hiện trong thơ ông vì nó là quê hương, là văn hóa, là cái bất biến ứng với mọi cái biến, là cái còn mãi trong tâm hồn ông.

Ngô Quân Miện không bộc lộ trực tiếp những bức xúc xã hội vì ông muốn góp với xã hội với nhân tâm bằng cách khác: Cách bồi đắp tâm hồn, tình yêu. Chứ không phải là ông “xuất thế”, bởi xuất thế lúc này cũng không được, như ông từng chia sẻ với nhân vật trữ tình trong Tọa thiền : “Anh ngồi thiền định thân tìm vô thức/ Mắt nhắm đêm sâu dội tiếng đời/ Ngắm lại câu thơ, dài sợi tóc/ Kiến đốt, gai chân giữa chiếu ngồi…”

Ngô Quân Miện còn là nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi. Thơ thiếu nhi của ông là tấm lòng của người ông đối với các cháu. Cũng là sự sống dậy của những kỉ niệm tuổi thơ của ông ở quê hương cộng với sự trải nghiệm và rung động của ông trước cảnh vật và muôn loài nên thơ và truyện thiếu nhi của ông đậm chất trữ tình, chất thơ. Có tác dụng bồi đắp không chỉ đạo đức, tri thức mà cả trí tưởng tượng và cảm xúc mĩ cảm cho tuổi thơ.

Trong tuyển tập Ngô Quân Miện có 13 bài thơ cho thiếu nhi. Những bài thơ giàu tri giác và sự quan sát sự vật chung quanh như Tháng ba với hoa xoan nở tím, quả bầu nặng trĩu đầu dân, cây ngô rắc phần, trận mưa rào đầu tiên: “Sáng ra bờ nước ngập tràn/ Lăng xăng rạch ngược một đàn cá rô” . Có một câu thơ mà chỉ Ngô Mạnh Quân mới viết được từ những trò chơi, những trải nghiệm tuổi nhỏ ở quê hương như “Phù sa sóng Hồng/ Như lông chim ngói”.

Nhưng thơ thiếu nhi không dừng lại ở tri giác, thơ là cảm xúc mà cảm xúc quý nhất là cảm xúc với người, từ người. Hoa bưởi thơm hơn vì được ướp làm bánh trôi mà người làm bánh lại là mẹ nên cậu bé nghĩ là mùi thơm hoa bưởi không chỉ từ hoa mà “từ tay mẹ thơm ra” (Mùa hoa bưởi). Nhìn cô hàng cốm gánh cốm mang theo cả cái cân, câu bé tự hỏi: “Hạt cốm thì câm được/ Hương cốm cân bằng gì”. Câu hỏi này đã nâng thời trân phẩm quê của quê hương về tài năng cũng như tấm lòng thơm thảo của người quê lên vô giá”.

Bó hoa tặng cô có ý, có tình nhưng ngôn ngữ hình tượng chưa thật tinh. Chim cu gáy mở rộng trí tưởng tượng như hình tượng chưa đủ. Hoa loa kèn nhiều hình tượng hơn, vừa trí tuệ vừa giàu cảm gíc hơn. “Chỉ thấy nhụy vàng/ Giọt sương lấp lánh/ Chẳng thấy tiếng kèn/Cất lên lanh lảnh/ Không bằng tiếng hát/ Thì bằng hương thơm / Nhạc không lời đấy/ Mà đầy dư âm”. Chất trí tuệ ấy cần tăng thêm nữa vì trẻ con bây giờ khôn lắm..

Truyện thiếu nhi của Ngô Quân Miện phần lớn ít truyện nhưng vẫn hấp dẫn vì giàu chất thơ, chất trữ tình, vừa nâng cao trí tuệ, tâm hồn, vừa bồi đắp trí tưởng tượng và cảm xúc cho trẻ.

Chú bé nhặt bông gạo nhặt từng bông gạo rơi quanh gốc cây để nhồi cho bà chiếc gối, chiếc đệm cho bà đỡ đau hơn, ngủ say hơn và sống lâu hơn.

Những võ sĩ phóng lao hình tượng hóa, thượng võ hóa động tác lao xuống sông bắt cá của các chú cá thiếu nhi.

Con sáo của ông tôi là tấm lòng thương yêu loài vật của ông. Ông nuôi nấng, chăm bẵm, dạy dỗ con sáo đến mức không cần lồng, không cần xén cánh, sáo vẫn quanh quẩn bên ông và khi sáo bị thất lạc hàng tháng mà chỉ nghe tiếng đàn của ông từ xa, sáo đã tìm về. Còn ông, cũng chỉ nghe tiếng sáo hót mà biết là sáo của ông đã về. Thật là hai chữ “tri âm” không chỉ dùng cho người với người.

Trước yêu cầu giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, những truyện như Con sáo của ông tôi hay Bạn nhỏ trong rừng thật có ích. (Chuyện chú bé che chở nuôi nấng sóc con khi tổ của chúng bị chồn phá), chúng bị lạc mẹ.

Và cũng như thơ, truyện thiếu nhi của Ngô Quân Miện không thể thiếu vắng hình ảnh đồng quê quê hương ông. Hoa đồngBông hoa cỏ trong văn xuôi “Từ một đám cỏ dưới chân, một mầu hoa gỗ lấp lánh như một giọt nắng vương rơi. Hà và Phương cúi xuống. Không phải giọt nắng mà nhiều giọt nắng. Một màu vàng tươi như kén tắm, đúng hơn, mầu của những mảnh ngô hạt mới xay: Hoa cơm cháy…”.

Sẽ là không đầy đủ nếu không nói tới hai mảng trong sự nghiệp thơ văn của Ngô Mạnh Quân, đó là lí luận phê bình và văn dịch. Trong tuyển tập, Ngô Mạnh Quân chỉ đưa ra mấy bài tiểu luận văn chương như Quang Dũng, con người hiền hậu, ngọn bút tài hoa, Trinh Đường da diết với niềm thơ, Tế Hanh và thơ tình yêu, Đọc lại Huy Cận qua tập thơ song ngữ: Nước triều đông.

Không nên tìm những lí luận “ốp”, “ép” trong các tiểu luận của ông. Vì đó là những bài rất gần với bút ký – bút ký văn chương . “Ốp”, “ép” thì ai cũng có thể đọc được, dẫn được những bút ký văn chương thì phải có tình, có vốn sống, có tư duy hình tượng. Bởi vậy, chỉ có ông mới hiểu tường tận hình tượng sông Đà vặn mình mấy khúc quanh. Trong bài Chơi Hòa Bình của Nguyễn Khắc Hiếu. Đó là do Nguyễn Khắc Hiếu đã viết khi ông đang bị thất tình (sau khi hỏng thi): “Vì ai tớ phải lênh đênh/ Nặng lắm ai ơi một gánh tình/ Non Tản trời cho bao tuổi lẻ/ Sông Đà ai vặn một dòng quanh”.

Với Quang Dũng cũng vậy. Là bạn tri âm, tri kỷ của Quang Dũng (cũng như Trần Lê Văn), ông đã bình đúng cái hồn của bài thơ Mây đầu ô của Quang Dũng: “Mây ở đầu ô, mây lang thang/ Ôi chật làm sao góc phố phường”. Ông viết lời Quang Dũng: “Cứ sểnh ra là ông ấy đi”… Nói về thơ tình yêu của Tế Hanh, Ngô Quân Miện đã bắt mạch trúng những khoảng im lặng trong tình yêu của Tế Hanh, một người đàn ông dịu dàng, ít nói, hơi nhút nhát nữa: “Tiễn em trong cảnh thu này/ Lòng ta muôn tiếng sao đầy lặng im” (Mùa thu tiễn em), hay “Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em” (Hà Nội vắng em). Và cũng chỉ có Tế Hanh mới có cái bất biến tuyệt đối trong cái biến thông thường của tình yêu: “Em không thể mãi là em/ Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa” (Cái nhìn). Đó là Tế Hanh nhưng đó cũng là con người.

Về văn dịch, với vốn tiếng Pháp sâu chắc và năng lực ngôn ngữ văn chương, ông đã dịch một tiểu thuyết và 2 tập thơ chưa kể những cuốn dịch chung.

Ngô Quân Miện thực sự đã có một sự nghiệp văn thơ nhất là thơ để lại dấu ấn trong văn học và trong lòng người mà nét đậm nhất là đặc trưng xứ Đoài. Là người khiêm nhường nên cuối đời ông đã viết về thơ mình như sau: “Chưa rộ mùa hương đã cuối mùa/ Dám đâu còn mất giữa sau xưa/ Xin làm hạt phấn trăn trở/ Vi lượng trong vô lượng mịt mờ”.

Là người lâu năm sống và công tác ở Hà Tây và cũng lâu năm được biết ông, đọc thơ ông, tôi xin phép đáp lời ông mấy vần : “Cây bên núi Tản soi gương suối/ Tám mươi xuân ấy vẫn xanh tươi/ Một mai hoa có về với núi/ Vẫn thơm vì đã đượm hương Người/ Vẫn rộ mùa hoa lúc cuối mùa/ Chắc tin: còn mãi giữa sau xưa/ Nguyện làm bụi phấn hoa trăn trở/ Nên thắm mùa xuân giữa mịt mờ”.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *