Văn học nước ngoài

27/3
9:30 AM 2016

Văn học nước ngoài - Thời tiết và văn học

“Sẽ không có bất kỳ hiện tượng khí tượng nào được tìm thấy trong cuốn sách này”, Mark Twain, đại thụ văn học Mỹ tuyên bố trong trang mở đầu Nguyên đơn Người Mỹ (The American Claimant, 1892). “Nhiều độc giả muốn đọc một câu chuyện không dính dáng gì đến ẩn dụ khí hậu”, ông viết. Đó là lý do nhà văn nhất định hoàn thành một tác phẩm không dùng các tượng trưng thời tiết.

LỜI ĐÙA THÀNH THẢM HỌA

Là một đối tượng của văn học, thời tiết một mặt bị xem như chủ đề tầm thường, rác rưởi, chỉ được sử dụng khi không còn gì để nói. Mặt khác, nó vĩnh viễn song hành với các tác phẩm tình cảm. “Đó là một đêm đen tối và bão tố”, Edward Bulwer-Lytton (Anh) mở đầu Paul Clifford (Paul Clifford, 1830). Sau đó là mưa xối xả, gió giật điên cuồng, mái nhà ồ ạt nước,… Mượn thời tiết làm mở đầu biến thành món khai vị tồi tệ nhất trong lịch sử văn học Anh.

Dù tuyên bố không sử dụng hiện tượng thời tiết, Mark Twain không hề có ý kỳ thị. Tuy nhiên, ngay cả khi ông thừa nhận “Thời tiết là đối tượng cần thiết để viết về câu chuyện kinh nghiệm của con người”, câu đùa của ông vẫn mang đến thảm họa cho tượng trưng khí hậu trong văn học.

Dọc theo lịch sử, chúng ta luôn mượn thời tiết để làm sáng tỏ văn hóa, chính trị, mối quan hệ, thậm chí tự bộc lộ. Trước Nguyên đơn Người Mỹ, hiện tượng thời tiết tràn ngập trong các tác phẩm, từ thơ đến tiểu thuyết. Twain không ngoa khi bảo rằng cuốn sách của ông là “nỗ lực đầu tiên” nhằm xóa bỏ thời tiết khỏi hư cấu.

Qua đời năm 1910, Twain không chứng kiến (có lẽ cũng chưa từng ngờ) sự ngạo mạn của mình trở thành kim chỉ nam sáng tác cho thế hệ sau. Thời tiết, cái vốn duy trì vai trò trung tâm trong văn học phương Tây, tuy không biến mất hoàn toàn, ngày càng nhạt dần, trở nên hết sức nhạt nhẽo trong đầu Thế kỷ XX.

Từ lâu, con người đã tìm cách giải thích các hiện tượng tự nhiên như sấm sét, lũ lụt và luôn kết thúc ở câu chuyện tâm linh, tin chúng là vũ khí hoặc công cụ của các vị thần. Trong thần thoại Hy Lạp, gió là sức mạnh được sử dụng bởi cả chục vị thần, điển hình là Thần Zeus và Thần Poseidon, người có thể khuấy động những cơn bão kinh hoàng. Kết hợp với chủ nghĩa độc thần, Zeus thành đấng tối cao, điều khiển thời tiết, mang đến phước lành cũng như quyết định cái chết. Trái đất sẽ mãi mưa thuận gió hòa nếu Adam và Eva đừng ăn trái cấm Vườn Địa Đàng, khiến Chúa Trời nổi cơn thịnh nộ.

Khoảng giữa Thế kỷ XVII, vai trò thần thánh của thời tiết bắt đầu thay đổi. Thay vì cố gắng giải thích, người viết dùng các biểu hiện khí hậu nói về bản thân. Thời tiết chuyển từ thần thoại sang ẩn dụ. Trong cách thức trực quan nhất, nó ứng với tính cách con người.

Tác phẩm Vùng khí tượng (Weatherland) của Alexandra Harris được xem như lịch sử thời tiết Anh. “Đối tượng của tôi không phải là thời tiết”, bà viết, “nhưng thời tiết, như thực tế, đang tái tạo mỗi ngày trong trí tưởng tượng của nhân loại”. Cũng theo Harris, “Khí tượng rất khó nắm bắt. Gió và hướng gió chỉ bộc lộ bản tính của nhân vật trong mối tương tác với các yếu tố khác”. Là một trong những sức mạnh siêu nhiên, thời tiết luôn luôn thay đổi và đầy bí ẩn.

Vì là đối tượng “khó nắm bắt”, nó đại diện cho kiểu nhân vật phức tạp. Shakespeare ví Vua Lear “phiền hà như thời tiết”. Ngay cả chúng ta cũng có thói quen ví von các tính cách với thời tiết. Chẳng hạn tính khí nóng, thái độ lạnh, tâm trạng mưa nắng thất thường. Ngoài ra, văn chương cũng thường xuyên dùng thời tiết biểu trưng cho các mối quan hệ cá nhân, xã hội. Nabokov (Nga) nói đời sống vợ chồng giữa ông và Vera Slonim “không một gợn mây”. Emily Bronte (Anh) mô tả Catherine Earnshaw trong Đồi gió hú (Wuthering Heights) như bóng ma trên ngọn đồi hút gió. Nếu Lear thất thường như mưa nắng thì Catherine và Heathcliff được ví là cơn bão kinh dị nhất từng quần đảo đồng hoang Yorkshire.

Sáu năm sau Đồi gió hú, cách 200 dặm về phía đông nam, Dickens (Anh) thiết kế Ngôi nhà ảm đạm (Bleak House) với mưa liên tục suốt 12 chương. Bầu trời cuồn cuộn mây đen, bụi than và khói. Sương mù chưa một lần tan. Bùn lầy lụa quanh năm như thể không từng biết nắng. Anh quốc thời kỳ công nghiệp sơ khai ngập trong những đám mây và bồ hóng. Không thể chối cãi thời tiết trong Ngôi nhà ảm đạm là một kiểu biểu tượng. Tại đây, bùn biểu trưng cho nền văn hóa nhọ nhem, vô vọng, sương mù tượng trưng cho hệ thống pháp lý thiếu minh bạch. Khí tượng là ẩn dụ của đạo đức và điều kiện thời tiết xấu đại diện cho xã hội u ám, cáu bẩn. Lo người đọc vì chìm trong các chi tiết ảm đạm mà quên mất trọng tâm, Dickens đặt tên cho nữ nhân vật thánh thiện của ông là Esther Summerson (tinh tú).

Tất nhiên, không phải tất cả các tác giả đều yêu thích việc lấy nắng gió ra biểu thị cho con người hay xã hội. John Ruskin (Anh) là một trong số đó. Trong Những Họa sĩ Hiện đại (Modern Painters), ông kịch liệt chỉ trích việc gán cảm xúc lên tự nhiên, thậm chí gọi đó là “thảm họa sai lầm”. “Mặt trời không thương tiếc”, ông khẳng định, “bầu trời chưa một lần khóc và sương mù dày đặc cũng không hề cấu véo chân tay một cậu nhóc như Diskens tả”. Dù vậy, Những Họa sĩ Hiện đại vẫn tràn ngập mây mưa, sương mù, sấm sét, bão tố.

HUYỀN THOẠI TAN VỠ

Bình minh Thế kỷ XIX, thời tiết vẫn còn là một hiện tượng bí ẩn. Không ai hiểu gì về gió, biết tại sao nhiệt độ ngày càng giảm khi lên cao, những đám mây hoạt động thế nào, tại sao chúng có thể lơ lửng trên trời. Không ai biết sét đến từ đâu, vì lý do gì nó hay đánh trúng tháp chuông nhà thờ.

Thiên Chúa ngự trị trời cao và điều hành mọi hiện tượng thời tiết là điều được văn hóa phương Tây tin tưởng. Dù các nhà khí tượng đấu tranh quyết liệt, họ thiếu lập luận và thực nghiệm chứng minh. Năm 1838, William Reid, một kỹ sư Anh nghiên cứu bão buộc phải thừa nhận thiên nhiên “được kiến tạo bởi sự khôn ngoan bí ẩn, dưới sự điều khiển của quyền lực tối cao” sau khi chứng kiến cơn bão tàn bạo quét qua vùng Caribbean. Tuy nhiên, những tên tuổi như Peter Moore, Robert FitzRoy, Charles Darwin cùng các nghiên cứu thời tiết của họ nhanh chóng đánh bại cách giải thích tôn giáo.

Khí tượng học không chỉ vẽ ra một câu chuyện hoàn toàn mới về thời tiết, họ còn phát triển hẳn một hệ thống thuật ngữ chuyên ngành. Trước Thế kỷ XIX, Moore nói “không có hệ thống ngôn từ nào để khoa học giải thích những gì họ nhìn thấy về thời tiết. Từ ngữ của chúng ta quá eo hẹp và cằn cỗi”. Nhưng lượng từ miêu tả khí tượng thật ra không nghèo đến thế. Người viết có thể mô tả thời tiết bằng nhiều cách, chẳng hạn ví bầu trời như bức bích họa trần cao, sơn véc-ni. Chỉ là cách ví von này có vẻ không phù hợp và phổ biến.

Năm 1663 nhà bác học Anh Robert Hooke từng đề xuất hệ thống từ vựng cho thời tiết. Ông cũng là người đề nghị phân loại các kiểu mây. Nhưng phải mất 140 năm nữa, ý tưởng này của Hooke mới được tiếp nhận. Năm 1803, Dược sĩ Luke Howard (Anh) bắt đầu phân tầng, lớp, loại mây. Hai năm sau, Francis Beaufort, sĩ quan hải quân Anh, do quá thất vọng với cách đặt tên thời tiết, đề xuất chia 12 sức gió, từ “bình thường” đến  “bão”. FitzRoy đóng góp từ vựng có lẽ là quan trọng nhất, “dự báo” (forecast).

Thời gian đầu, các nhà khí tượng gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo, dẫn đến nhiều thảm họa thảm khốc. Năm 1703, hơn 8.000 người thiệt mạng trong một cơn bão lớn ở Anh. Chi tiết trận bão được nhà văn Daniel Defoe ghi chép tỉ mỉ trong Bão tố (The Storm, 1704). Với vai trò cha đẻ của tiểu thuyết hiện đại, Defoe cũng tiên phong thể loại tường thuật thảm họa. Năm 1869, Ngũ Đại Hồ xảy ra 1.914 vụ đắm tàu. Không phải ngẫu nhiên ngành cứu hộ tàu đắm Ireland quyết liệt vận động chống dự báo thời tiết.

Cuối Thế kỷ XIX đầu Thế kỷ XX, dự báo khí tượng ngày càng chính xác, trở nên phổ biến, thu hút đông đảo lòng tin và, như Ruskin đã hy vọng, trở thành “toàn năng trên toàn cầu”. Sự lớn mạnh của nó thúc đẩy một cuộc cách mạng trong nghệ thuật biểu hiện thời tiết. Suốt nhiều thế kỷ, bầu trời là bức tranh xanh lam, cao xa bí ẩn giờ trở thành cái nền cho nhiều hoạt động nghệ thuật quan trọng. Họa sĩ John Constable (Anh), người rất quan tâm khí tượng hiện đại vẽ hàng trăm bức tranh về sự biến đổi thời tiết trên bầu trời, ghi chính xác từng chi tiết. Tác phẩm của Constable chân thật đến nỗi họa sĩ Henry Fuseli (Thụy Sĩ) phải kêu lên “Constable khiến tôi phải lôi ra áo khoác và cái ô”. Thời tiết rời vai trò ẩn dụ, trở thành chính mình, một hiện tượng tự nhiên có tác động và sức mạnh to lớn. Constable là người mở đường cho xu hướng này. Nối gót họa sĩ là các tên tuổi hội họa nổi tiếng khác như Delacroix, Whistler, Winslow Homer.

CHẾT VÀ HỒI SINH

Trái với hội họa, văn học không mấy mặn mà với việc trả thời tiết về bản chất tự nhiên. Lượng thuật ngữ chuyên ngành tăng mạnh nhưng không thu hút được sự yêu thích của cánh nhà văn. Nhiều tác giả hình như không thể hoặc ghét sử dụng nó.

Khi mưa nắng, gió bão, sấm sét trở thành đối tượng khoa học, bị mổ xẻ trực quan, nó cũng mất luôn sức ảnh hưởng thần thoại. Thời tiết chỉ đơn giản là sản phẩm của các lực lượng tự nhiên, hoàn toàn không liên quan đến tín ngưỡng trong nền văn hóa, càng không dính dáng tới mối các quan hệ cũng như linh hồn. Bão không là phán quyết của thần thánh. Sét chỉ đơn thuần là sự phóng điện do điện tích tụ giữa các đám mây. Sự bí ẩn của thời tiết biến mất, vai trò của nó trong văn học cũng nhạt dần. Bùn, mưa đá, tuyết không còn ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển khi xe cộ ngày càng hiện đại và đường trải nhựa sạch láng, thẳng tắp. Hệ thống sưởi, máy lạnh phổ biến. Nhiều người thậm chí không buồn quan tâm thời tiết biến đổi thất thường ra sao.

Rất dễ để tìm một cơn mưa hay buổi chiều ẩm ướt trong văn học Thế kỷ XX nhưng thời tiết thu mình, gần như mất hẳn vị trí trong văn xuôi, chỉ nán lại trong thơ và sách thiếu nhi. Nhiều lúc, với nhân vật, nó chỉ là hoài niệm, ký ức.

Khác với thời Mark Twain, hiện tượng thời tiết thành chuyện hết sức bình thường trong đời sống hiện đại. Người ta kháo nhau về thời tiết, nhàn rỗi tám nhảm về đợt nóng bất thường, cơn bão cuối tuần trước, dự báo. Những câu chuyện cường điệu, bí ẩn về khí hậu vắng bóng. Khoa học có thể giải thích bất cứ hiện tượng khí tượng nào. “Sẽ không có bất kỳ hiện tượng thời tiết nào được tìm thấy trong cuốn sách này”, lời tuyên bố của Mark Twain vô tình gióng hồi chuông kết thúc cho sức nặng của thời tiết trong văn học.

Tuy nhiên, sau thời gian dài hấp hối, hiện tượng thời tiết nhen nhóm lửa tàn, lần nữa cháy rực rỡ. Sáng tạo, qua thời gian chán chường bởi nỗi thất vọng, đột ngột bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ. Đối tượng thời tiết hồi sinh. Trong văn học ngày nay, thời tiết thực sự phản ánh hoạt động của con người. Cũng như ở các tác phẩm cổ xưa, nó tiếp tục khoác vai trò đạo đức linh thiêng.

Từ cuối Thế kỷ XX, tiểu thuyết khí hậu bắt đầu song hành khoa học viễn tưởng. J G Ballard (Anh) viết về biến đổi khí hậu trước cả khi biến đổi khí hậu thực sự xảy ra. Kim Stanley Robinson (Mỹ), Margaret Atwood (Canada) cùng nhiều tác giả khác dùng khoa học viễn tưởng tái dựng thế giới với chủ đề khủng hoảng khí hậu. Gần đây, các cuốn sách còn ngày càng xích gần thực tế, lôi tương lai về hiện tại, ví dụ Năng lượng Mặt trời (Solar) của Ian McEwan, Kỷ nguyên của những Phép màu (The Age of Miracles) của Karen Walker, Mưa (Rain) của Cynthia Barnett, và Sấm sét (Thunder & Lightning) của Lauren Redniss.

Tác phẩm tuyệt vời bổ sung cho bộ sưu tập tiểu thuyết khí hậu (sẽ xuất bản vào mùa thu năm nay) là cuốn sách đầu tay của Claire Vaye Watkins (Mỹ), Cam vàng (Gold Fame Citrus). Ở một tương lai gần, hạn hán kéo theo những hậu quả tàn khốc. Ngược đãi, phân biệt đối xử gia tăng, người người ngập ngụa trong nỗi tuyệt vọng. Đôi vợ chồng vạ vật trong biệt thự, ngao ngán từng giờ trôi, cho đến khi một cô bé nhếch nhác bước vào. Họ đứng dậy, cứu (hay bắt cóc) cô bé, gói ghém hành trang băng sa mạc.

Là một tác phẩm khoa học viễn tưởng nhưng Cam vàng cũng là sản phẩm của khoa học hiện đại. Ngay cả với thời tiết, chúng ta vẫn phải gặt những gì chúng ta gieo. Cái lạnh và sự trống rỗng của bóng tối luôn trở lại. Khí hậu từ lâu đã đi cùng với dự báo ngày tận thế. Lũ lụt, hạn hán, không khó gì để tưởng tượng một ngày kết thúc của thế giới với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Chúng ta đang nói về một “mùa đông hạt nhân”, khi thời tiết nóng hoặc lạnh đến cực hạn và biến đổi khí hậu quét sạch mọi sự sống trên hành tinh này.

Những câu chuyện về ngày tận thế, việc thoát ly ngay cả khi chẳng ai có thể trốn thoát, đói rách, mất mát,… níu kéo sự sống có vẻ ngày càng khó khăn. Với biến đổi khí hậu, nhà văn giúp chúng ta hình dung, không phải chết như thế nào mà sống ra sao. Chúng ta nên vui mừng bởi, sau tất cả, họ cho ta thấy lý do để phải vượt qua bức tường chất chồng lớp lớp trước mặt mà tồn tại.

VŨ THỊ HUẾ

Lược dịch theo Newyorker.com

(*) Phóng viên, biên tập viên và nhà phê bình Mỹ.

(Nguồn: Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *