Văn học nước ngoài

6/4
5:43 PM 2016

Khai thác mỏ quặng quá khứ

Cứ lấy từ lớp vỉa những gì bản thân từng sống qua và đưa vào tác phẩm, Paul Auster, nhà văn best-seller của văn học Mỹ đương đại, đã thành công với chủ trương này

                                                                              Nhà văn Mỹ Paul Auster (nguồn Internet)

KHI NHÀ HẬU HIỆN ĐẠI THÍCH EMILY BRONTE

Kể từ bước đột phá quan trọng vào năm 1987, Auster đã “chèn” các khía cạnh của bản thân và những người xung quanh vào trong tác phẩm của mình. Một Paul Auster xuất hiện, tay cầm bút, ở một cảnh của Thành phố thuỷ tinh (City of Glass) trong The New York Trilogy (Tam bộ khúc New York, được Trịnh Lữ chuyển ngữ sang tiếng Việt là Trần trụi với văn chương); Công viên hoàng hôn (Sunset Park) in bóng dáng của Willa Park, người phụ nữ viết thư cho Auster khi ông thu thập những câu chuyện thực trong đời sống cho đài phát thanh vào năm 2001; nhân vật Maria trong tiểu thuyết Leviathan (cuốn thứ 7 của ông) là kết quả vay mượn từ cuộc đời của nghệ sĩ Sophie Calle; nhầm lẫn hơn nữa, Auster có lần tuyên bố nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này kết hôn với nữ nhân vật chính của vợ ông (bà Siri Hustvedt, vợ thứ hai) trong cuốn tiểu thuyết Bịt mắt (Blindfold), trong một mối tình lãng mạn. Những thế giới vi mô này đã mê hoặc người hâm mộ nhưng đặt các nhà phê bình vào thế nước đôi.

Auster có nước da sẫm, cao nghêu, trông ông vừa giống một thần tượng của buổi biểu diễn suất chiều, vừa giống nhân vật phản diện trên màn bạc. Tính cách của ông cũng lưỡng diện như vậy: Tống đi những lời chỉ trích. Ông đã thôi đọc những bài phê bình vì “chẳng có gì tốt trong đó cả”, rằng ông “để dành” trái tim mong manh của mình”. Ông có lý do để bất mãn vì họ xếp tác phẩm của ông vào “trường phái Beckett”. Ông không đồng ý: “Tôi nghĩ tác phẩm của tôi không có gì liên quan với Beckett”.

Người ta gọi Auster là một bậc thầy hậu hiện đại về siêu tự sự, với thủ pháp truyện trong truyện, nhưng trên thực tế ông trích dẫn Emily Bronte (1818-1848) nhiều hơn Baudrillard (1929-2007, nhà triết học, xã hội học, văn hoá học, một chuyên gia về hậu hiện đại).

VẬT LIỆU KHÔNG Ở ĐÂU XA

Auster bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình một cách ngập ngừng. Thoạt đầu ông là dịch giả, sau đó là nhà thơ (ông gặp bà Hustvedt tại một buổi đọc thơ ngẫu nhiên) cho đến khi ông tạo được tên tuổi sừng sững vào những năm cuối độ tuổi 20. Ông chuyển sang văn xuôi và xuất bản một cuốn hồi ký có nhan đề Khởi sinh của sự cô độc (The Invention of Solitude) trước khi viết tiểu thuyết. Không có bí mật trong việc ông sử dụng các khía cạnh tiểu sử của mình để xúc tác cuốn tiểu thuyết thứ 15 của ông - Vô hình (Invisible). Truyện có bối cảnh năm 1967, nhân vật chính Adam Walker là một sinh viên trường Đại học Columbia, 20 tuổi và là người phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, anh này đến Paris theo một chương trình trao đổi học tập rồi trở lại nước Mỹ trong sự chán nản, làm việc tại thư viện Butler ở New York.

Đối với những ai từng đọc cuốn hồi ký Làm đồng nào, xào đồng đó (Hand to Mouth) ra đời năm 1997 của Auster, cuộc sống của Adam là vật liệu để tái hiện cuộc sống của chính Auster năm 1967- một năm thất bại ở nước ngoài và luôn nơm nớp nỗi sợ quân dịch. Đúng thế, ông thừa nhận, cuộc sống thuở hàn vi đã cung cấp cho cuốn Vô hình của ông một tấm biển chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là Paris thời tuổi trẻ mà ông luôn giữ liên lạc. “Tôi sống trong khách sạn đó (ở Saint Germain) với tấm nệm hình chữ U... Sẽ là ngớ ngẩn nếu phủ nhận rằng cuốn sách không sử dụng những ‘bộ phận’ của cuộc đời tôi, nhưng tôi đã sử dụng chúng chỉ như là một tấm dậm nhảy. Câu chuyện của Walker không phải là câu chuyện của tôi”, ông diễn giải, “Tôi lẩy ra một năm trong cuộc đời mình khi tôi ở vào tuổi 20 hồi năm 1967 và 1968. Thật khó để giải thích sự hỗn loạn thời bấy giờ. Sự tàn phá do cuộc chiến tranh Việt Nam gây ra trong xã hội Mỹ. Đột nhiên chúng tôi phải đối mặt với viễn cảnh quân dịch... các cuộc bạo loạn vì sắc tộc, những vụ ám sát, chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh. Mọi chuyện hỗn loạn, chúng tôi quá trẻ nhưng đủ lớn để có một ‘đầu óc’ để hiểu những gì đang xảy ra”.

Tuy nhiên chiến tranh đang ở bên rìa chứ không phải trung tâm của câu chuyện. Như một câu chuyện đào sâu vào “cơn thèm tình dục” thời trẻ của Adam, nó là cuốn tiểu thuyết với một câu chuyện bất ngờ về sự loạn luận anh trai-em gái. Adam và Gwyn, em gái tuổi teen của anh ta, bắt tay vào một “thí nghiệm vĩ đại” về mối quan hệ đam mê bắt đầu ở tuổi vị thành niên nhưng không để lại cảm giác tội lỗi và trụy lạc thường thấy trong các câu chuyện loạn luân. Tình yêu nồng cháy nhưng rốt cuộc kết thúc trong bất hạnh của họ được mô tả bằng ngôn ngữ lãng mạn tế nhị và hấp dẫn. “Đó là một trong những gì căng thẳng nhất mà tôi từng viết”, Auster kể, “Nó khiến tôi xúc động và viết ra. Tôi không hề nghĩ đến việc người khác sẽ nói gì về nó”.

Viết ra điều đó, Auster nêu lên một hiện tượng nguy hiểm có tính “trôi nổi tự do” về tình dục ở tuổi vị thành niên. “Những người rất trẻ, hoặc là ở những năm đầu thời vị thành niên hoặc lớn hơn một chút, biết rất ít về quan hệ tình dục nhưng họ rất hứng thú với nó. Tất cả mọi chuyện xảy ra mà không ai nói gì về chúng”, ông nói.

Rồi ông nói tiếp: “Có một số loại sách thu hút tôi thời trẻ, trong đó có hai cuốn để lại dấu ấn sâu sắc trong suy nghĩ của tôi. Đồi gió hú (Wuthering Heights) của Emily Bronte và Chữ A màu đỏ (The Scarlet Letter) của Nathaniel Hawthorne. Các bạn quá biết đây là những tác phẩm hư cấu. Hành động kể trở thành một phần của câu chuyện. Cuốn Vô hình là một sát hạch cho việc cuốn sách được viết ra như thế nào… Tôi đã đi đến cái nơi mà sự thính nhạy dẫn dắt”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Paris vào năm 2003, Auster đã nói về một dự án mà ông đã thực hiện với đài National Public Radio, khi 4.000 người đã viết thư cho ông về “câu chuyện có thật mà nghe như thể viễn tưởng”. Trước thắc mắc trên, ông đã giải thích: “Tôi muốn chứng minh rằng trong những câu chuyện như thế không có một người bình thường nào. Chúng ta đều có đời sống nội tâm, tất cả chúng ta đều cháy với niềm đam mê khủng khiếp, tất cả chúng ta từng sống qua những trải nghiệm đáng nhớ ở một thời điểm nào đó”.

GIẢN DỊ HAY LẬP DỊ?

Sinh năm 1952 ở nước Mỹ, nhưng Auster có những “hành tung” nghề nghiệp kể cũng khó tin.

Trước hết, đó là cách viết “quyến rũ, quá lãng mạn” so với thời nay. Từ năm 1974 cho đến giờ, ông viết văn bằng bút máy trên giấy trước khi gõ trên máy đánh chữ Olympia cũ kỹ. Ông cũng tránh Internet thời đại Google, cả email và Skype. “Nó là cái gì vậy?”, ông bối rối hỏi, “Tôi không thể gợi lên những hình ảnh bằng ngón tay trên bàn phím. Tôi cần một cây bút. Ngôn từ của tôi tuôn ra từ kiểu cử động vật lý này”.

 Về thời dụng biểu, ông bảo: “Tôi không muốn làm một điều gì khác trừ việc viết, xem các trận bóng chày và ở bên vợ”. Theo một bài báo trên tờ Notebook Red, chính bóng chày đã đưa dẫn Auster vào việc viết lách lần đầu tiên. Số là hồi nhỏ ông được dẫn đi xem một trận thi đấu của đội Giant và không xin được chữ ký của một cầu thủ yêu thích vì ông không có một cây bút chì nào. “Nếu không có gì khác, những năm tháng qua đã dạy cho tôi điều này: Nếu có một cây bút chì trong túi, có một cơ hội tốt vào một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy bị cám dỗ để bắt đầu sử dụng nó. Như tôi muốn kể cho các con tôi, đó là cách tôi trở thành một nhà văn”, Auster tâm sự.

XA RỒI THIÊN MỆNH

Những năm gần đây, tiểu thuyết của Paul Auster tập trung vào những nhân vật già nua, ốm yếu - từ Những chuyện nực cười ở Brooklyn (The Brooklyn Follies) bắt đầu bằng mấy chữ “Tôi đang tìm một nơi yên tĩnh để chết” cho đến sự than van đối với những mất mát chồng chất khi những người thân yêu qua đời trong Cuốn sách về ảo ảnh (The Book of Ilusions) và Người trong bóng tối (Man in the Dark). Phải chăng ông bận tâm với cái chết của chính mình? Ông từng phải vật lộn với bệnh tật và bị tai nạn xe hơi cách đây vài năm. Thế nhưng, ông quay lại với sự mạnh mẽ, muốn sáng tác càng nhiều càng tốt nếu thời gian cho phép với suy nghĩ rằng bản thân đang trở lại quỹ đạo trẻ trung. Sau Vô hình, ông viết tiếp Công viên hoàng hôn. “Tôi nghĩ rằng chu kỳ của một ông già ở tôi qua rồi. Vô hình viết về sự ngây thơ của thời thanh niên”, ông bộc bạch.

Việc tạm dừng viết không bao giờ là một sự dễ chịu. Auster nghĩ như vậy vào mỗi lần kết thúc một tác phẩm. Ông nói: “Ngay bây giờ, tôi không biết làm gì nữa đây”. Do vậy, ông lại “tan chảy” vào những con phố khu Brooklyn của New York.

Chất liệu đang chờ ông ở đó, ít nhất là từ một cửa hàng bánh kẹo gần nhà ông ở Park Slope, nơi mà theo cô hầu bàn thì “ông ấy đến đây luôn ấy mà, ngồi ở cái bàn này này”.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo independent.co.uk)- Nguồn: Báo Văn Nghệ HNV

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *