60 NĂM MỘT NỀN VĂN HỌC YÊU NƯỚC, DÂN TỘC, KHOA HỌC VÀ NHÂN VĂN
Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh Hữu Đố
Với niềm xúc động trong Ngày truyền thống vẻ vang, cho phép tôi thay mặt Đảng Đoàn, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng chào mừng và cám ơn Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, trân trọng chào mừng và cám ơn các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Ban, ngành đoàn thể của Trung ương và Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương, đại diện các tập đoàn kinh tế, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội, đại diện các nhà văn tại mọi miền của Tổ quốc đã về dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam.
*
Đúng ngày này, cách đây 60 năm về trước, tại Câu lạc bộ Đoàn kết Hà Nội đã diễn ra sự kiện văn hóa quan trọng: Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Với sự có mặt của 278 nhà văn Đại hội họp từ 1 đến 4 tháng 4 năm 1957, tiến hành thảo luận phương hướng hoạt động, thông qua Điều lệ và bầu Ban chấp hành đầu tiên gồm 25 thành viên. Đại hội quyết định 25 thành viên trong Ban lãnh đạo của Hội là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Đến ngày 11 tháng 4 năm 1957, Ban chấp hành họp Hội nghị thứ nhất bầu Ban thường vụ gồm 7 nhà văn: Chủ tịch Hội: Nhà văn Nguyễn Công Hoan; Phó chủ tịch Hội: Nhà thơ Tú Mỡ; Tổng thư ký: Nhà văn Tô Hoài; Phó Tổng thư ký: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, các ủy viên thường vụ: Nhà văn Nguyên Hồng, Nhà thơ Tế Hanh, Nhà văn Đoàn Giỏi.
Tiếp đó, trong Hội nghị lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 25, 26 tháng 4 năm 1957, Ban chấp hành quyết định thành lập cơ quan ngôn luận riêng của Hội là Tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ ngày nay) với Tổng biên tập đầu tiên là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Lập Nhà xuất bản Hội Nhà văn với giám đốc nhà văn Tô Hoài, lập Văn phòng và các cơ quan chức năng giúp việc Ban chấp hành. Như vậy, công việc thành lập Hội đã được hoàn tất về mặt tổ chức.
Sự ra đời của một hội chuyên ngành văn học đánh dấu bước phát triển mới của nền văn nghệ nước nhà. Đó là sự thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của các nhà văn phấn đấu đưa mọi hoạt động sáng tạo lên trình độ chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ngày càng cao thì hiệu quả xã hội càng lớn. Đó là đòi hỏi khách quan phù hợp với quy luật kết tinh các giá trị văn hóa.
60 năm qua, kế thừa truyền thống của Hội Văn hóa Cứu quốc và Hội Văn nghệ Việt Nam, trung thành với lý tưởng vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, các nhà văn đã phát huy cao độ trách nhiệm công dân và sứ mệnh nghệ sĩ, tình nguyện tắm mình trong cuộc sống chiến đấu và xây dựng vô cùng gian khổ và ác liệt, vô cùng sôi động và hào hùng của nhân dân ta. Nhà văn đã được cuộc sống ban tặng nhiều thứ. Và cuộc sống cũng nhận được ở nhà văn biết bao lấp lánh của tài năng, biết bao ấm nóng của tâm huyết. Nhà văn, trong tư thế đồng hành và vai trò sáng tạo, luôn luôn là người tiếp năng lượng cho cuộc sống. Văn học trở thành một binh chủng đặc biệt bên cạnh các binh chủng hợp thành trong chiến tranh. Biết bao tác phẩm được viết trong máu và nước mắt đã phát đi thông điệp nóng bỏng về lòng yêu nước và ý chí bất khuất của toàn dân tộc trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì độc lập, tự do của nhân dân ta, cũng là cuộc chiến đấu cho những giá trị phổ biến toàn nhân loại; Tất cả đã trở thành kho lưu giữ tinh thần đồ sộ và vô giá về một trong những trang oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc. Bạn đọc, qua những gì được tiếp nhận trên trang sách, còn khám phá ra vẻ đẹp ở phía sau trang sách. Đó là nhân cách nhà văn. Đã có biết bao nhà văn mặc áo lính xông pha trên khắp các chiến trường qua hai cuộc chiến tranh. Nhiều nhà văn bị địch bắt, gan góc chịu mọi tra tấn dã man, vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Nhiều nhà văn anh dũng hy sinh trong tư thế người nghệ sĩ - chiến sĩ. Trần Đăng, Nam Cao, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Bùi Nguyên Khiết và bao tấm gương hy sinh thầm lặng khác.
Bước vào hòa bình, đặc biệt là 30 năm đổi mới, văn học ta đã có bước phát triển đột phá về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, một không gian sáng tạo rộng thoáng chưa từng có mở ra trước mắt nhà văn. Nhà văn vươn tầm để nắm bắt đời sống trong sự vận động toàn vẹn của nó, bên cạnh việc phát hiện, ủng hộ cái mới, cái tích cực, đã thích ứng mau lẹ với vai trò phê phán, cảnh tỉnh, dự báo. Phê phán, cảnh tỉnh, dự báo mà không làm cho người ta bối rối, bởi vì nhà văn luôn luôn sáng tạo trong quỹ đạo của sự thật, của điều thiện và cái đẹp. Vấn đề đạo đức luôn ở trong tầm ngắm của văn học, bởi vì đạo đức là câu chuyện ngọc có mài mới sáng. Có thể có những đau đớn nhưng cần thiết cho sự điều chỉnh, có thể có những ngỡ ngàng nhưng hé lộ biết bao triển vọng và tiềm năng của những nhân tố mới đang xuất hiện. Nhà văn tham gia vào đời sống với tư thế chủ động là như vậy. Nếu như trong chiến tranh họ không để cho sự hèn nhát quật ngã thì trong xây dựng hòa bình, họ không thể để cho thấp kém, tẻ nhạt cuốn theo.
Bên cạnh sáng tác, các hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình đã có những chuyển động mạnh mẽ, nhằm đổi mới tư duy văn học, thiết lập những chuẩn mực mới, mở rộng kênh thông tin, đánh giá lại những giá trị trong quá khứ. Xóa bỏ mọi định kiến gò bó, chống lại cực đoan từ hai chiều, bình tĩnh thận trọng trong thẩm định, công tác nghiên cứu lý luận phê bình của chúng ta đã làm cho sinh hoạt văn học trở nên sống động, nhẹ nhõm, phù hợp với tiến trình dân chủ.
Chúng ta ý thức rất sớm việc tiếp thu các tinh hoa văn hóa nước ngoài. Tiến trình này không hề bị gián đoạn ngay cả khi chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Bước vào đổi mới văn học trong bối cảnh tan băng và hậu chiến tranh lạnh, chúng ta có điều kiện và tận dụng các điều kiện đó để mở rộng giao lưu với các nên văn học trong khu vực và quốc tế. Hội Nhà văn Việt Nam là nước khởi xướng giải thưởng Văn học sông Mê Kông và ngày càng thu hút nhiều nước trong khu vực tham gia. Các Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, các Liên hoan thơ quốc tế được tổ chức thành công mở ra những triển vọng tốt đẹp cho việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Việc phát hiện, bồi dưỡng, thu hút các tài năng trẻ từ lâu đã được xem là một việc làm có tính chiến lược để phát triển văn học. Chúng ta tiến hành bền bỉ các Hội nghị dành riêng cho các cây bút trẻ, các lớp bồi dưỡng, các cuộc thi văn học, các cuộc hội thảo... và bao trùm lên trên hết là sự trân trọng đón nhận những tiếng nói mới. Từ 278 nhà văn lúc thành lập, đến nay chúng ta đã có hơn 1000 nhà văn gồm nhiều thế hệ. Chúng ta hiểu rõ và quý trọng cái độc đáo, cái dị biệt, cái không thể thay thế của những tài năng. Chúng ta đã cố gắng cải tiến phương thức hoạt động của Hội để mọi tài năng đều phát triển, đảm bảo tính phong phú, đa dạng của một tổ chức văn học giàu sức sống.
60 năm qua, với sự đóng góp của nhiều thế hệ nhà văn nối tiếp nhau, chúng ta đã xây dựng thành công một nền văn học yêu nước, dân tộc, khoa học, giàu tính nhân văn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã kế thừa và đưa lên đỉnh cao mới di sản văn học dân gian vô giá của các dân tộc anh em. Chúng ta đã kế thùa và phát triển kho văn học Hán Nôm mực thước và cổ điển của ông cha ta; đã kế thừa và phát triển nền văn học quốc ngữ được mở đầu từ đầu thế kỷ trước. Đặc biệt, chúng ta đã học tập và kế thừa tư tưởng và các tác phẩm đặt nền móng cho một nền văn học mới, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới.
Với những thành tựu đã đạt được qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng nhất. 52 nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 150 nhà văn được trao Giải thưởng Nhà nước.
Nhiều nhà văn được giải thưởng quốc tế và khu vực.
4 nhà văn được trao tặng anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng thời kỳ đổi mới.
Từ những thành tựu và hành trình 60 năm, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm lớn sau đây:
1. Một là: Lý tưởng và khát vọng sáng tạo của nhà văn. Chúng ta không quan niệm lý tưởng khát vọng là vấn đề trừu tượng, siêu hình, mà nó rất cụ thể. Đó nhân cách nhà văn được kết tinh thành tư tưởng của tác phẩm, khiến người đọc phải ngồi lại để cùng triết lý, cùng lý giải với tác giả về những vấn đề đặt ra cho cuộc sống và con người.
2. Hai là: vốn sống và trải nghiệm. Để có vốn sống và trải nghiệm, đòi hỏi nhà văn phải dấn thân và nhập cuộc hết mình vào cuộc sống của nhân dân, là cơ sở để có những tác phẩm có sức khái quát cao, có sức sống lâu bền.
3. Ba là: Tôn trọng và phát huy tự do sáng tạo, mở rộng không gian sáng tạo, không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học.
4. Bốn là: Giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thóng và cách tân, kết thừa và phát triển, dân tộc và hiện đại.
5. Năm là: Hết sức coi trọng lao động nhà văn, làm cho mỗi tác phẩm là một sự ghi dấu công phu từng chặng đường sáng tạo.
*
Sau bao nhiêu năm tháng lao động sáng tạo, chiến đấu hy sinh thầm lặng và vô cùng anh dũng của bao thế hệ người Việt Nam đã đưa sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bước vào thời đại phục hưng mới với những triển vọng vô cùng tốt đẹp. Đất nước ta trở thành một quốc gia đang phát triển. Tiền đồ rộng lớn và sứ mệnh vẻ vang đang mời gọi mọi nghị lực và tài năng, mọi ý chí và hành động, mọi trách nhiệm và hy vọng tiến lên phía trước. Sánh bước cùng nhân loại có nghĩa là cùng chia đều những thời cơ và thách thức, cùng nhân loại; cộng thêm vào đó là những đặc điểm lịch sử của chính chúng ta. Chúng ta hiểu rất rõ điều đó, từ bậc thầy lớn muôn thuở là cuộc sống. Và chúng ta hiểu rõ đâu là vị trí của nhà văn, đâu là trách nhiệm của sáng tạo, tất cả hướng về mục tiêu chuẩn bị hành trang tinh thần cho nhân dân ta bước vào ngôi nhà của xã hội công nghiệp. Tất cả cho con người cũng có nghĩa là tất cả bắt đầu từ con người. Chưa bao giờ nhiệm vụ xây dựng con người, xây dựng văn hóa lại trở nên cấp bách, lớn lao và khó khăn như bây giờ. Khi mà vai trò của cá nhân được chấp nhận, dân chủ được thực thi lại rất dễ dẫn đến những suy nghĩ lầm lạc, quá đà. Quá trình hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội trở nên gian khổ, phức tạp. Trong chiến tranh cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược dù ác liệt, khó khăn đến mấy cũng đến hồi kết thúc. Nhưng cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác, cái phi nhân tính, chống suy thoái thì không bao giờ kết thúc, chừng nào con người còn muốn thực sự trở thành Con Người. Trong chiến tranh kẻ thù dã thất bại thảm hại trong dã tâm đưa dân tộc ta trở về thời kỳ đồ đá. Nhưng ngày nay thị trường, nếu không được kiểm soát rất dễ kéo chúng ta lùi về thời kỳ hoang dại. Và mở cửa, nếu không có bản lĩnh sẽ trở nên bơ vơ, cảm thấy "thiếu quê hương" ngay trên quê hương của mình.
Từ thực tiễn đó, chúng ta tự soi chiếu và nhận thấy hơn lúc nào hết, cần phải gìn giữ và nuôi dưỡng khát vọng và lý tưởng, cần gìn giữ và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo, cần gìn giữ và nuôi dưỡng ngọn lửa tâm hồn, phấn đấu để có nhiều tác phẩm ở lâu trong lòng người, cổ vũ và nâng đỡ, an ủi và cảm thông, làm tăng thêm sức khỏe tinh thần của mỗi con người và toàn xã hội.
Từ cột mốc lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, các nhà văn Việt Nam bày tỏ lòng tự hào và biết ơn vô hạn cuộc sống vĩ đại của nhân dân, ngọn nguồn sáng tạo không bao giờ cạn của văn học. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm lãnh đạo và tổ chức rất sớm của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ tận tình của các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị. Hướng tới bạn đọc, chúng ta xin bày tỏ lòng biết ơn và phấn đấu xứng đáng hơn nữa trong hiện tại và trong những năm tháng sắp tới.Nguồn: Văn Nghệ