Từ đời vào văn

24/6
8:00 PM 2020

HOÀNG KIM ĐÁNG, NGƯỜI VỀ TỪ TRƯỜNG SƠN

Phùng Văn Khai-Ông vào Trường Sơn cầm máy và cầm bút cùng lứa Cao Cân, Phạm Ngọc Huệ, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Vĩnh Phúc, Lục Văn Thao, Hoàng Đình Tài, Trần Nhương… Sau chiến tranh, người lính Trường Sơn ấy vẫn vẹn nguyên một tinh thần máu lửa Trường Sơn.

Tôi đã từng gặp nhiều người trở về từ Trường Sơn huyền thoại. Đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - người thực hành Trường Sơn, người anh cả của Trường Sơn, người mang dãy Trường Sơn trong trái tim mình không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình, luôn đứng mũi chịu sào ở trong những giai đoạn cam go nhất, những giai đoạn bước ngoặt của lịch sử, người đã lấy đầu mình ra để làm bằng được cây cầu Chương Dương mà chúng ta đang đi lại hàng ngày. Đó là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, một lái xe Trường Sơn trở thành vị tướng, một người nhiều lần bị bom vùi nơi sông suối núi rừng Trường Sơn giờ đảm đương cương vị chủ chốt của Hội truyền thống Trường Sơn, là linh hồn của hàng chục vạn anh chị em Trường Sơn. Đặc biệt, tôi đã gặp gỡ và làm việc với nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng, một người lính Trường Sơn thực thụ.

Ông vào Trường Sơn cầm máy và cầm bút cùng lứa Cao Cân, Phạm Ngọc Huệ, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Vĩnh Phúc, Lục Văn Thao, Hoàng Đình Tài, Trần Nhương… Sau chiến tranh, người lính Trường Sơn ấy vẫn vẹn nguyên một tinh thần máu lửa Trường Sơn. Thật kinh ngạc và thán phục, khi bước vào tuổi tám mươi, người lính Trường Sơn ấy đã tự hoạch định lịch trình cho mình mà chỉ cần nhìn vào đã thấy được sức vóc, khát vọng và sức bền của vị bạch đầu quân như là huyền thoại: Triển lãm “Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng” lần thứ 5; Lễ ra mắt 5 công trình ra đời ở tuổi 80 gồm: Vinh quang nhiếp ảnh Việt Nam (Sách ảnh); “Tình thơ - Ảnh nghệ” (Thơ - Ảnh); Những dòng cảm xúc chân thực (Bút ký, phóng sự, tản văn); Vĩ nhân thời đại; Nhiếp ảnh Việt Nam - Thực tiễn và lý luận (Tiểu luận tập II). Người lính Trường Sơn ấy còn đề ra lịch trình rằng nếu còn sống sẽ làm tiếp hai công trình nữa: Trường Sơn những năm đánh Mỹ; Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp - Danh tướng thế giới thế kỷ 21.

Ở đâu ra sức lực, khát vọng và sức bền ấy? Ở đâu ra ngọn lửa và niềm tin đến tận cùng vào chính bản thân mình, thời đại mình do những đồng đội đã hi sinh góp phần gây dựng lên ấy? Ở đâu ra niềm đam mê nghệ thuật trên nửa thế kỷ ấy? Và đặc biệt, ở đâu ra cách tổ chức cuộc sống, phong cách làm việc khoa học trong con người nghệ sĩ đã bước vào độ tuổi U90 ấy?

Những câu hỏi cứ vang lên. Như cuộc sống, hẳn là Hoàng Kim Đáng cũng chịu nhiều va đập, thách thức, thậm chí là bon chen, ganh ghét cũng là lẽ thường. Những người lính, cho dù là những người lính Trường Sơn cũng chỉ bằng xương bằng thịt. Những người lính Trường Sơn vẫn phải giáp mặt với cơm áo gạo tiền, với đời sống ngày càng coi trọng vật chất còn vô cùng lắt léo. Những thứ lẽ ra chúng ta phải xóa đi lại cứ hiện lên nhan nhản vây ráp người chiến sĩ, người nghệ sĩ Trường Sơn. Người phóng viên Hoàng Kim Đáng những ngày làm tờ tin Trường Sơn ganh thép, tờ báo Trường Sơn cùng đồng đội dường như đã quá quen và thích nghi một cách nhẹ nhàng với những vần xoay của mỗi khúc quanh đời sống. Ngày trước, hai câu thơ: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay của Phạm Tiến Duật, một nhà thơ đồng đội Trường Sơn cùng với ông đã như nói thay tất cả. Chúng ta từ trong rừng già Trường Sơn bom đạn trở về cuộc sống hòa bình để gây dựng và trổ những sắc hoa hữu ích cho đời sống chứ không có thời gian cho than vãn, đòi hỏi. Kể cả nỗi sợ hãi càng không. Những người lính Trường Sơn luôn biết tự quên mình đi để đưa những tinh hoa cuộc sống lên phía trước là vì vậy. Hàng vạn người lính Trường Sơn không trở về. Hàng vạn người mang trong mình chất độc da cam đang rất cần những tấm lòng và trái tim nghệ sĩ, đặc biệt là những tác phẩm để làm tươi mát tâm hồn họ, để nhân dân cần lao có những điểm sáng lấp lánh mà bước tiếp trong cuộc sống quá đỗi khó khăn mỗi bước đường đời.

Đã có nhiều người viết về nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng. Mọi đánh giá, nhận định, thậm chí cả những phản biện, soi xét về ông cũng đã khá công bằng và công tâm. Mọi người mặc cho ông tấm áo giản dị của chính ông, vừa vặn, đúng lúc đúng chỗ. Ở ta có không ít những kẻ la làng, những kẻ ngoài cái tên kêu binh bong, thật nực cười, tác phẩm lại vô cùng nhạt nhẽo và manh mún. Lại có không ít những người âm thầm dằng dặc với nhiều công trình lớn xây những viên đá tảng nền móng cho các ngành nghệ thuật lại rất khuất lấp. Cuộc sống nó thế. Cái nước mình nó thế. Nhưng tuyệt nhiên, không vì thế mà chúng ta buông bỏ nghệ thuật, buông bỏ khát vọng hoàn thiện con người Việt vốn đã phải trải qua dằng dặc chiến tranh đến mức hòa bình đã ngót nửa thế kỷ mà tiếng súng dường như vẫn còn văng vẳng, chậm chí luôn hiện ra trong cuộc sống hàng ngày từ phim ảnh, báo chí, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh…

Hoàng Kim Đáng từng tổ chức bốn cuộc triển lãm ảnh cá nhân. Đó là “Đất nước qua những tấm hình” (1982 tại Nghĩa Bình); Đất nước và Hội An đô thị cổ (1985 tại Hội An); “Thăng Long - Hà Nội trường ca bằng ảnh” và “Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng” (2000 tại Hà Nội). Qua mỗi lần triển lãm, công chúng yêu nhiếp ảnh đã phải kinh ngạc về sức lao động âm thầm nhưng vô cùng vạm vỡ của ông. Họ tìm thấy ở đó không chỉ phong cách Hoàng Kim Đáng mà còn là lẽ sống của một thời, của một giai đoạn lịch sử. Họ tìm thấy sự tôn vinh các giá trị lịch sử qua nhiếp ảnh một cách quyết liệt của chàng trai Hoàng Kim Đáng, vị trung niên Hoàng Kim Đáng và bậc lão trượng Hoàng Kim Đáng. Xem các tác phẩm nhiếp ảnh của ông, thấy thật rõ một điều, như nhà thơ Tago từng viết Em thế nào hãy cứ thế mà đến/ Chớ loay hoay trang điểm làm gì. Để đạt được sự hồn nhiên nhi nhiên ấy. Để cảm nhận và thể hiện được cuộc sống tươi mới mà thẳm sâu đến tận cùng như nó vốn có ấy, người lính, người nghệ sĩ đôi khi đã phải trả giá bằng tất cả trí tuệ, thậm chí là cả sinh mệnh của mình, của đồng đội mình. Tác phẩm nhiếp ảnh của Hoàng Kim Đáng đúng là sự trở về. Từ cội nguồn trở về cất lên tiếng nói sứ mệnh lịch sử. Thay mặt những đồng đội còn nằm lại Trường Sơn, Hoàng Kim Đáng trở về nói lên tất thảy tâm tư và khát vọng của họ. Những góc khuất. Những chất vấn? Và cả sự sáng suốt đến khôn cùng của những người đã hi sinh.

Hoàng Kim Đáng viết văn viết báo cũng tinh tường và nhiều mảng miếng lắm. Cả cái kho đồ sộ, phong phú chất ngất Trường Sơn giống như ngàn vạn ngăn kéo, ngàn vạn ô cửa mở để người nghệ sĩ thi thoảng, thậm chí có lúc là cấp tập lấy ra sử dụng. Có những tác phẩm báo chí của Hoàng Kim Đáng thấm đẫm chất văn học. Có những mảnh đời đang còn sống đây khiến chúng ta giật mình soi lại hình như đang có sự lệch lạc, sự nhập nhằng, khập khiễng ở đâu đó, ngay cả đối với những cơ chế tưởng như rất đúng đắn của chúng ta. Không ít bài báo khiến độc giả phải bàng hoàng. Có người âm thầm xây dựng nghĩa trang cho hàng vạn sinh linh nhỏ bé lẽ ra được chào đời bỗng đột ngột bị bóp nghẹt, phi tang vô nhân tính vì những động cơ quyền lực, ma xui quỷ khiến, sự bừa bãi, ẩu thả, trác táng và cách thức bọn chúng phủi tay bỏ mặc mới kinh tởm làm sao. Đó chính là nỗi đau của người nghệ sĩ họ Hoàng khi phải giáp mặt với sự thật. Một người lính từng vào sinh ra tử như ông bỗng chốc như thấy mình nhỏ bé, đơn độc.

Còn có một Hoàng Kim Đáng hăng say và mê đắm trong những công trình sưu tầm, biên soạn. Ở ông, dường như đang có sự hòa trộn phong phú của con người nghệ sĩ chỉ biết dốc hết tâm sức của mình cho nghệ thuật. Sẵn sàng viết một bài báo nhỏ. Sẵn sàng bỏ ra nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu và trực tiếp cầm bút viết cho những công trình lớn. Những bức ảnh nổi tiếng chụp chân dung Nguyễn Tuân, Văn Cao, Tào Mạt, Võ Nguyên Giáp nhiều người đều biết. Nhưng biết bao nhiêu gương mặt thầm lặng vô danh ông từng chụp, có những người chỉ một bàn tay, một mảnh vai, thậm chí một sợi tóc trong đám đông bạt ngàn kia cũng là tiếng lòng tri âm của người nghệ sĩ chứ. Chính những người thầm lặng như nhân dân luôn thầm lặng mới là sự góp lên phong cách và bản lĩnh của Hoàng Kim Đáng. Sức sống của người nghệ sĩ, đầu tiên và cuối cùng luôn bắt đầu từ nguồn cội nhân dân. Chính vì vậy, nhà thơ Tố Hữu khi tới thăm triển lãm “Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng” đã rất tinh tế khi ghi vào sổ cảm tưởng: Cả dân tộc và đất nước ta có thể tìm thấy hình dáng, màu sắc và cả tâm hồn mình trong phòng ảnh nhiều vẻ đẹp chân thực và sâu thẳm này của nghệ sĩ lớn Hoàng Kim Đáng”.

Đối với riêng cá nhân tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng trước tiên là một tấm gương lao động lớn. Không ồn ào. Càng không chờ đợi vào bất kỳ thứ gì khác. Người trở về từ Trường Sơn điềm tĩnh nhưng kiên gan, thong thả nhưng quyết liệt, không một giờ khắc nào ngưng nghỉ, như dòng sông bốn mùa luôn chảy về phía trước, chảy về phía biển. Người trở về từ Trường Sơn ấy đã từ lâu biết tổ chức và dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật. Nghệ thuật của ông, của lứa các ông, của những người trở về từ Trường Sơn huyền thoại luôn như những ngọn lửa tiếp sức cho thế hệ chúng tôi mạnh mẽ bước tiếp.

NGUỒN: VN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *