Tin tức

31/5
5:56 AM 2019

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ LÃO THÀNH CÁCH MẠNG CÙ HUY CẬN

Ngày 30/5/2019, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận (31/5/1919 - 31/5/2019). Tham dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh... cùng đông đảo các văn nghệ sỹ và đại diện gia đình Nhà thơ lao thành cách mạng Cù Huy Cận.

Nhà thơ Lão thành cách mạng Cù Huy Cận

Nhà thơ Cù Huy Cận sinh ngày 31/5/1919 trong một gia đình có truyền thống Nho học và truyền thống yêu nước ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc nhỏ, Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học, thi đậu Tú tài. Năm 1939, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh Nông. Huy Cận là người đa tài, ông có thơ đăng báo từ năm 1936. Tập thơ “Lửa thiêng” ra đời năm 1940 đã đưa ông trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào thơ mới. Năm 1942, Huy Cận tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh, được phân công nhiệm vụ vận động trí thức và thanh niên ở Hà Nội. Tháng 8/1945, ông được cử đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào, được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng.

Quang cảnh buổi lễ

Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà thơ Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào kinh đô Huế để dự lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Ông cũng là người được giao nhiều trọng trách trong Chính phủ như: Bộ Trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Cách mạng lâm thời năm 1945, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ… Nhà thơ Huy Cận là đại biểu Quốc hội nhiều khóa và là vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thứ 3, sau Nguyễn Tuân và Đặng Thai Mai.

Các tham luận, phát biểu của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học tại Lễ kỷ niệm đã một lần nữa tôn vinh những đóng góp nhà thơ Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà; đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, tiếp nhận Huy Cận và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản mà ông để lại. Trong đó, các tham luận đều khẳng định Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới. Phong cách và tầm vóc nhà thơ Huy Cận qua từng thời kỳ, toàn bộ hành trình thơ cùng những đóng góp của Huy Cận cho thơ Việt Nam hiện đại đã được thể hiện qua những đóng góp trên phương diện lý thuyết, hoạt động thực tiễn, ứng xử trước yêu cầu của thời đại, dân tộc và quốc tế.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Nhà thơ Huy Cận là một tác giả  có sự nghiệp sáng tác dồi dào và liên tục trong đội ngũ các nhà thơ, nhà văn Việt Nam thế kỷ XX. Ông cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như  tập thơ “Lửa thiêng” (1940), “Kinh cầu tự” (1942), “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958), “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963), “Chiến trường gần, Chiến trường xa” (1973), “Hạt lại gieo” (1984), “Ta về với biển” (1997), "Cha ông nghìn thuở” (2002)… 

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thi ca, Nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật... và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

(Theo: dangcongsan.vn)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *