Tin tức

18/8
4:28 PM 2018

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ NHÀ THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI

Sáng 18-8-2018, tại Hội trường Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Hà Nội), đã diễn ra hội thảo khoa học về danh nhân Trần Tuấn Khải. Ông là một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với các bút danh như: Á Nam, Đông Minh, Lâm Tuyền Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ... Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1895 tại làng Quan Xán, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống Nho học yêu nước, hậu duệ thứ 18 của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Phát biểu mở đầu hội thảo, giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, đã gợi lại những đóng góp cũng như tinh thần yêu nước của Á Nam Trần Tuấn Khải. Cụ Á Nam không những là tấm gương sống và viết bất khuất thanh cao mà còn là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với các thế hệ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, đổi mới, phát triển, giao lưu hội nhập của đất nước. Từ năm 12 tuổi, cụ Á Nam đã làm đủ các thể thơ bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Khi 19 tuổi, Á Nam đã có những bài thơ nổi tiếng như Tiễn chân anh khóa xuống tàu; Cô bán nước; Gánh nước đêm… Từ năm 1921 đến 1930, Á Nam Trần Tuấn Khải là một trong những tên tuổi nổi bật và có ảnh hưởng lớn nhất trên văn đàn Việt Nam với hàng chục cuốn sách bán rất chạy, gồm: Duyên nợ phù sinh (2 quyển), Bút quan hoài (2 quyển), Hồn tự lập (2 quyển)... cùng các bộ sách lớn dịch từ Trung Hoa như: Đông Chu liệt quốc; Thủy hử; Liêu Trai chí dị; Hồn hoa; Tam tự kinh tập đọc; Mạnh Tử... Những năm 1930- 1945, dù bị chính quyền thực dân theo dõi, kiểm duyệt gắt gao nhưng cụ Á Nam vẫn cho ra tập thơ Với sơn hà đầy khí phách yêu nước và gần chục cuốn sách khác gồm một số bộ tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp như: Thạch đầu hồn; Thiên thai lão hiệp; kiếm châu duyên; Không Động kỳ hiệp; Kiền khôn võ hiệp... và dịch hai bộ tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc là Hồng Lâu MộngHồng Tú Toàn. Năm 1947, nhà cửa sách vở của Á Nam bị đốt hết. Năm 1948 cụ đưa gia đình về lại Hà Nội, đi dạy học ở trường trung học Chu Văn An và trường nữ học Trưng Vương, trường Nguyễn Trãi... và một số trường tư thục.

Năm 1954, cụ vào Nam ở với mấy người con lớn đã sinh sống ở Sài Gòn từ lâu. Năm 1959, cụ chủ trương tờ Văn học tạp chí, nhưng chỉ ra được 2 số, sau không có tiền nên phải đình bản. Từ 1960, Á Nam Trần Tuấn Khải làm chuyên viên Hán học. Sang năm 1966, cụ cùng một số trí thức Sài Gòn ký tên yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình nên bị buộc nghỉ việc.

Trong khoảng gần 9 năm, từ tháng 5-1955 đến tháng 3 năm 1963 trên tờ Văn hóa Nguyệt san từ số 2 tới số 79, cụ Á Nam đã có tới 53 mục bài bao gồm khảo cứu, dịch thuật, sáng tác thơ, kịch bản sân khấu (theo thống kê của tiến sỹ Phan Mạnh Hùng, khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Á Nam Trần Tuấn Khải được mời về làm cố vấn cho Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Sau những bài Xẩm nổi tiếng, như: Tiễn Chân anh khóa xuống tàu (năm 1914); Mong anh khóa (năm 1915); Gửi thư cho anh khóa (năm 1922)... viết những năm trai trẻ, vào tuổi 80, Á Nam lại hân hoan viết bài Mừng anh khóa trở về để mừng non sông đất nước đoàn viên trong độc lập, tự do, hòa bình:

Sẽ cùng nhau thắt chặt sợi tơ đồng

Cùng nhau bồi đắp cơ nghiệp cha ông cho được vẹn toàn

Anh khóa ơi! Ta sẽ làm cho nổi tiếng với doanh hàn

Làm cho dân tộc với giang san rạng rỡ hơn người

Làm cho Bắc Nam sum họp chung vui

Cho nhau hưởng phúc muôn đời, anh khóa ơi!

Dường như thơ ca chưa đủ để nói lên tấm lòng yêu dân yêu nước của mình, Á Nam Trần Tuấn Khải còn sử dụng cả hình thức sân khấu, đặc biệt là chèo, môn nghệ thuật đặc sắc ở miền Bắc mà nhân dân vô cùng yêu thích.

Tại Hội thảo, Giáo sư Nguyễn Đình Chú khái quát: Á Nam Trần Tuấn Khải là ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1976 trong một lần được diện kiến Á Nam Trần Tuấn Khải, tôi cảm nhận đây là một bậc thi bá, một nhân cách, một cuộc đời sống trọn vẹn với chính nghĩa vốn có gốc gác Nho Phong, Nho cốt mà với tôi là điều hấp dẫn nhất khi nghĩ đến chân giá trị của một con người. Có hai điểm nổi bật trong thành tựu thơ ca của Á Nam Trần Tuấn Khải. Một là, Á Nam đến với thơ ca với một quan điểm nghệ thuật “Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn có non sông mới có hồn”. Từ quan điểm nghệ thuật này mà hầu như thi tài thi hứng suốt đời suốt cả đời thơ của Á Nam chỉ xoay quanh một chủ đề là tấm lòng với non sông đất nước. Hai là, Á Nam Trần Tuấn Khải bước chân vào văn đàn ở giai đoạn giao thời của văn học dân tộc đang quá độ từ phạm trù văn học trung đại mang dấu ấn khu vực sang phạm trù văn học hiện đại mang tính toàn cầu thế giới.

Giáo sư Hồ Sỹ Vịnh thì cho rằng, thơ Á Nam Trần Tuấn Khải mang đậm màu sắc, tình cảm dân gian, đồng thời mang tính hướng nội: trọng đạo lý làm người, làm công dân, nghĩa vụ cao cả của đấng nam nhi. Giá trị chân chính trong thơ ông với những câu thơ hào sảng, cảm hoài về non sông, về duyên nợ phù sinh, chua chát với đời, nhưng lại yêu đời. Những vần thơ, khổ thơ yêu nước thương nòi, lai láng tình người đã góp phần vào dòng thơ yêu nước và cách mạng trước 1945.

Hội thảo thống nhất đề nghị Nhà nước cần có sự tôn vinh xứng đáng đối với Á Nam Trần Tuấn Khải, đặc biệt là cần xuất bản thành bộ những tác phẩm văn học tiêu biểu của Cụ.

(Theo: vanhien.vn)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *