Tin tức

11/11
7:39 AM 2016

GIỚI THIỆU TẬP THƠ “GIÓ Ở CUỐI ĐƯỜNG” CỦA NHÀ THƠ TRỊNH NGỌC DỰ (THANH HÓA)

Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự, quê Thanh Hóa, hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, có thơ đăng từ những năm 1970-1971 trên các báo: Văn Nghệ, Nhân Dân, Tạp chí Văn nghệ Văn nghệ Thanh Hóa, Tạp chí Thơ; đã in 6 tập thơ, trường ca và phê bình. Thơ của Trịnh Ngọc Dự có những nét riêng của thế hệ thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ với tính trữ tình công dân khá sâu sắc.

THƠ TRỊNH NGỌC DỰ

 

Trên bến Xuân Sơn

 

 

Chia tay trên bến Xuân Sơn

Phà sang bên ấy em còn đi đâu?

Hỏi em, em chỉ cúi đầu

Tay vân vê cánh áo nâu... lại cười!

Phải em về với đường Mười

Hay là rẽ tuyến Hai Mươi - lối này

Con đường như một bàn tay

Xòe đi muôn nẻo nắng đầy em ơi!

Máy bay giặc rít ngang trời

Em nghiêng mái tóc nhìn rồi lại đi

 

Đường còn bao núi bao khe

Hai bên những hố bom kề hố bom

Em rằng: “Cứ thẳng phía Nam

Em đi đến chót con đường mới thôi!”

Vang trong bè bạn tiếng cười

Tưởng như lay cả núi đồi Trường Sơn

 

Biết lòng anh lại nhớ thương

Ơi em, cô gái mở đường phía Nam!

 

                           Tây Quảng Bình, 7/1971

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

Nói với con

 

Cha nối cầu phía Bắc

Mẹ vá đường phương Nam

Theo con đường đi mãi

Gặp nhau chân Trường Sơn

 

Sinh con đêm mưa xối

Cha kéo cáp lao dầm

Nghe tin con đường mới

Mẹ mỉm cười nhìn con

 

Cha về áo ướt sũng

Mắt sáng ngọn lửa hàn

Bàn tay chai ngượng nghịu

Mân mê vòng tay con

 

Mẹ nhìn mắt chớp chớp

Mở thơm hương bạch đàn

Con đường nhựa loang loáng

Mẹ nối dài tháng năm

 

Con lớn với thời gian

Theo con đường đi mãi

Một đôi mắt thợ cầu

Xanh biếc mùa sông bãi

 

Tiếng đầu tiên con nói

Là tiếng những con đường

Bước đầu tiên con bước

Dáng nhịp cầu vươn ngang

 

Con ơi! Mai con gặp

Chân bước suốt cuộc đời

Chiếc cầu kia - cha bắc

Con đường này - mẹ nuôi!

 

 

 

Lời nghe ở Hang Tám Cô

 

Tám nải chuối trên buồng chuối

tám tiếng tắc kè giữa trưa đường Hai Mươi

tiếng “Bầm ơi!” - không phải tiếng chúng tôi,

                                                          nhưng là tiếng gọi mẹ

mẹ ở Hoằng Trường miền biển Xứ Thanh

con gọi mẹ khi sướng vui, lúc tột cùng tuyệt vọng…

 

Tám chúng tôi không phải “tám cô” mà bốn trai, bốn gái

cùng đi một ngày, cùng về một “đêm”

hang đá sập, ánh ngày không còn nữa…

 

Anh cả nhớ con lết tìm cửa hang

hang đá kín bốn bề đâu là cửa?

đêm miên man cạn dần hơi thở

người ôm nhau, cánh tay lả dần…

 

Ở ngoài kia,

chúng tôi chỉ kịp nhìn lúc con đường oằn mình chống đỡ

đói và khát lắm rồi… lại những loạt B.52

các anh bộ đội pháo còn đâu đó?

 

Chúng tôi ra đi,

như các anh các chị Đồi Cha Quang

như Tiểu đội chị Tần, ngã ba Đồng Lộc…

 

Ngày ngày,

người tấp nập về Phong Nha Kẻ Bàng

qua ngôi đền chúng tôi

dâng trái chín, hoa tươi và lời cầu nguyện…

Chỉ xin mọi người một lời nhớ

còn bao đồng đội chúng tôi đã ngã dọc con đường…

 

 

Cơn mơ về những con đường

 

 

Con đường! Tôi gọi con đường

là khi em hát lời thương qua cầu

là khi bom dội trên đầu

đất đang ứa máu, cả bầu trời rung...

 

Con đường giờ khuất sau lưng

Máy bay còn đuổi theo từng cơn mơ

Bàn chân bước tự ngày xưa

Qua bao đường đất... như chưa đã từng!

Mắt nhìn gặp mắt rưng rưng

Chia tay cuối dốc, người dừng ngã ba

 

Lối nào về chốn phồn hoa?

Đường người thảm đỏ, đường ta gập ghềnh

Đường tơ con nhện giăng tình

Xa xôi... đường nhớ đã thành khói sương

Năng đi mà chẳng thành đường

Giờ em tít tắp ở phương trời nào

 

Chỉ còn trong giấc chiêm bao

Con đường cỏ dại hôm nào cũng qua

Đường đời mỗi bước một xa

Bình minh trước mặt đã là hoàng hôn

 

Mới hay muôn nẻo con đường

Khi kết thúc, cũng lối mòn đó thôi!

Ở miền đất đỏ

 

Ở đây mùa nắng em ơi!

Trên đồi cao gần với mặt trời

Miền đất đỏ, đỏ tươi màu đất

Lối về lẫn trong rừng phi lao

 

“Gió như tình yêu ngày thổi ra khơi

đêm gió từ khơi thổi lại” *

Hồi hộp mỗi lần anh đến gặp em…

 

Mảnh vườn xưa một góc bom đào

Lứa cây mới đã thêm mùa ra quả

Trái dưa ngọt nước như trào qua vỏ

Giữa bãi cát khô giòn, cây làm anh ngạc nhiên

Câu ai hò nghe thương hơn

Từ lúc có em và giọng nói miền Trung

                                           thương đến thế!

 

Ở miền đất đỏ

Gió biển lên từ mọi ngả

Nóng chẳng gì hơn nóng gió Lào

Bãi cỏ gianh dầm trong bão lửa

Thân cỏ khô rồi, che ngôi nhà ta ở

Gió biển mặn thổi trên bờ dương

Gió mài lá cây nhọn sắc như kim

 

 

Trước nhà em,

sóng núi nhấp nhô đổ lên Trường Sơn

Sau lưng,

sóng nước trập trùng dâng trên biển cả

Vị hồ tiêu thơm cay đậm nắng gió

Trái dưa ngọt đậm hương bãi bờ

Tình yêu em đậm niềm nhớ anh

 

Trên đồi cao

Gió thổi phân minh

Nơi gió biển hẹn cùng gió núi

Dải đất hẹp nói lời anh hiểu

Để rộng ra tình em và lòng đất quê mình.

 

* Ý một câu văn của Pau- tốp- sky

 

 

Miền Trung

 

Gánh nặng đè lên vai miền Trung

bao năm bom cày đạn xới

bão lụt liên miên…

                           những lứa cây chưa kịp đơm chồi

căn nhà bốn hướng thông thốc bốn mùa gió

em chưa kịp lại vườn xưa

chân trần ngược dốc

 

Miền Trung

những doi cát nắng rang gió bay ràn rạt

cơm ăn lẫn bụi cát

giờ nằm trong nước, cát không giữ được

                                       để cây bật tung theo nước

hố bom vừa liền nước xoáy cồn lên

miền Trung

cơn đau thắt!

 

Đâu căn hầm xưa nửa chìm nửa nổi

nước treo người nhấp nhô trên những mái nhà

nước cuốn tất cả, chỉ để lại hai bàn tay trắng

bàn tay bợt nắng lẩy bẩy bám trên ngọn cây

đói và rét.

 

Đất này

bão lụt liên miên

trẻ con lớn lên đều thuộc chuyện Sơn Tinh,

                                                                Thủy Tinh…

 

Bao giờ

về miền Trung

ta chung vai nâng dải đất này lên

hắt ra biển

những mùa bão lũ.

 

 

Thành phố ta về

 

 

Ta có gì để nói với nhau

thành phố ngày đi,

thành phố ngày trở lại

Câu thơ bạn dằn lòng ta buổi ấy

Thị xã hai mươi năm lầm lụi ánh đèn dầu...” (*)

Thị xã hai mươi năm lảnh lót tiếng còi tàu

người vào phương Nam, người ra phương Bắc

nhà văn xích lô, nhà thơ xe đạp...

 

Ta về

thành phố lạ mà quen

người tấp nập bốn bề ô cửa

Người đi hai mươi năm có gì để nhớ?

người đi hai mươi năm hàng cây còn đó

nỗi nhớ hai mươi năm

còn đầy.

 

Ta về

tìm lại kỷ niệm xưa

dãy phố có hàng cây đoàn xe nép mình

đêm đêm bật đèn rú ga vào mặt trận

người vội qua nhà

người ngược khu sơ tán

 

Thành phố

bạn bè mỗi đứa mỗi nơi

ta đắm mình vào lo toan

nỗi âu lo thường trực

Đâu công sở, đâu thương trường!

 

Thành phố rộng ra

Dự án như sao mỗi sáng

Biệt thự nhà vườn đèn đổ sáng trưng

Người đến người đi theo sấp ngửa đồng tiền

 

Hai mươi năm thị xã đã là thành phố

Không có ánh đèn dầu thương nhớ quá bạn ơi!

Hai mươi năm ngoảnh lại dáng mẹ ta tần tảo

Tiếng còi xe ánh ỏi mỗi ban mai.

 

 

(*) Thơ Lê Hữu Thuấn

 

Xa xa bờ bãi sông Hồng

 

Tới điếm canh đê con nhận ra lối rẽ

xanh xanh quê mẹ bờ bãi sông Hồng

mùa phù sa lên, cha vốc nước rửa mặt cho con

một đêm thức chờ xe, con lẫm chẫm dưới ánh

                                                                   đèn đỏ quạch

đêm sau chiến tranh những người lính trở về

con bạn cùng những con búp bê lạ lẫm

đến từ một thành phố phương Nam

 

Rồi ánh ngày cũng mở ra,

cha con ta cũng đến được quê ngoại

nơi ông bà từng đón con năm tháng cha đi xa

 

Cha dắt con qua bãi ngô nương dâu xanh mướt

nhận ra sông Hồng đang chảy xiết

nhận ra khúc đê vỡ năm nào trong lời kể của bà 

vì sao cuộc đời các cậu các dì còn lận đận,

                                                              sớm tối âu lo

không ai chọn ra nơi sinh cho mình

hàng tre phủ khói mỗi chiều xuống

để con có một quê ngoại

lui tới ngày lớn khôn...

 

Phải thế mà sông Hồng mang mang con nước

Gió dọc triền đê ngày theo bạn thả diều

nắng hoe vàng đất bãi

những thân ngô theo người về nhà

 

Phải thế mà con vội theo ông bà đến vậy?

bỏ lại ngày dằng dặc buồn tênh!

 

Nơi dương gian này

khi mi mắt cha trĩu nặng

nhìn xa xa... vẫn bờ bãi sông Hồng.

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *