CHI LÊ-MỘT KHUÔN HÌNH TRỰC CẢM
“Xa xôi thế nên một năm chưa đến chục đoàn Việt Nam đến thăm và làm việc”, Đại sứ Ngô Đức Thắng giải thích như thế. Quả vậy, đầu tháng 11 rồi mà chúng tôi mới là đoàn thứ năm. Theo kế hoạch, tháng 12 còn hai đoàn nữa, vậy là năm nay tổng cộng chỉ có 7 đoàn Việt Nam đến thăm và làm việc ở Chilê.
Khi chúng tôi đến, ở Chilê đang là mùa xuân. Ở bán cầu Nam, các quy luật thời tiết hoàn toàn trái ngược với nước ta. Bây giờ ở Hà Nội đang giữa mùa thu, ngày đang ngắn dần, cây lá sắp úa vàng, nhưng ở Santiago, mùa xuân đang độ chín. 8 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời 16 - 18 độ C, khoác chiếc áo khoác mỏng ra đường đã là dễ chịu. Buổi trưa, trời xanh ngăn ngắt, nắng vàng rười rượi, nhiệt độ lên đến 23 -24 độ C. Gần 8 giờ tối, vẫn thấy le lói đâu đấy trên vòm lá, những tia nắng cuối ngày còn sót lại. Trên các đường phố, cây lá xanh mướt mát, các loài hoa đua sắc rực rỡ.
Mới chạm mặt lần đầu, Santiago chẳng khác gì mấy thành phố châu Âu, Bắc Mỹ. Cũng những đường phố tấp nập xe cộ, những quảng trường với các tượng đài danh nhân, những khu nhà kiến trúc cổ điển, những đường phố rợp bóng cây phong. Nhưng quan sát kỹ mới thấy, hầu hết các công trình xây dựng ở đây đều mang dáng vẻ thô và chắc chắn, phía đỉnh bao giờ cũng thu nhỏ lại. Ngay cả toà cao ốc 82 tầng, ốp kính, chiếm kỷ lục về chiều cao ở khu vực Mỹ Latinh, mới xây dựng ở ngay trung tâm thành phố hầu như cũng không ra ngoài cái luật bất thành văn ấy. Thực ra, không phải là triết lý xây dựng phương Đông “thượng thu, hạ thách” có ảnh hưởng gì, mà là nguy cơ động đất buộc người ta phải bảo đảm một kết cấu thật bền vững cho mỗi ngôi nhà. Ở đây, mật độ những trận động đất vào loại dày đặc nhất thể giới.
Lịch sử phát triển của thành phố Santiago là một điển hình cho quá trình người châu Âu chinh phục vùng đất Mỹ Latinh. Sau khi Magienlăng khám phá ra con đường hàng hải từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương qua mũi đất cực Nam của châu Mỹ, người Tây Ban Nha bắt đầu đặt chân đến miền Trung của Chilê. Có lẽ do điều kiện khí hậu ôn hoà kiểu Địa Trung Hải và những thuận lợi cho phát triển trồng trọt và đánh bắt cá trên biển đã khiến những người Tây Ban Nha chọn nơi đây làm căn cứ để khởi đầu cho sự hiện diện của mình trên dải đất dài dằng dặc hơn 4.600 cây số này, nơi tựa lưng vào dãy núi Andes hùng vĩ, ngoảnh mặt ra Thái Bình Dương bao la. Năm 1541, Pedro De Vandivia, một người Tây Ban Nha, đã lập ra thị trấn Santiago, mở đầu cho lịch sử thành phố thủ đô của Chilê. Nhưng vùng đất Chilê vốn đã có chủ, là nơi sinh sống của những người thổ dân. Sự kháng cự của thổ dân Mapuche đã dẫn đến việc Santiago bị đốt cháy và Pedro De Vandivia bị giết chết ngay tại căn cứ cố thủ của ông trên đồi Santa Lucia vào năm 1553.
Tuy nhiên với sự hơn hẳn về vũ khí và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản, những người Tây Ban Nha nhanh chóng trở lại khôi phục Santiago, trấn áp các lực lượng thổ dân, nhanh chóng mở rộng lãnh thổ ảnh hưởng đến tận cực Nam của lục địa Nam Mỹ. Đến lượt mình, chính những người Tây Ban Nha ở Chi lê lại không chấp nhận sự trị vì của Hoàng triều ở quê hương của mình. Cuộc đấu tranh giành độc lập của Chilê đã thành công và ngày 22-2-1818, Chilê chính thức tuyên bố độc lập, thành nước Cộng hoà Chilê, tách khỏi đế quốc Tây Ban Nha.
Trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương từ 1879 đến 1883, quân đội Chilê dưới sự chỉ huy của viên tướng Baqueđano đã đánh bại quân đội của Pêru và Bôlivia để chiếm lấy toàn bộ dải đất ven biển Thái Bình Dương của hai quốc gia này. Đây là vùng đất chủ yếu là sa mạc, nơi có hoang mạc Acatama khô cằn nhất thế giới. Nhưng vùng lãnh thổ miền Bắc này lại là con gà đẻ trứng vàng cho Chilê khi người ta phát hiện ra các mỏ đồng ở đây. Ngày nay, Chilê là nước sản xuất ra 40% sản lượng đồng của toàn thế giới và đồng đem lại quá 1/3 thu nhập cho quốc gia này.
Santiago cũng chứng kiến những thăng trầm của Chilê thời hiện đại mà một trong số đó là cuộc đảo chính đẫm máu của viên tướng Augustô Pinôchê. Ngày 11-9-1973, Pinôchê đã huy động quân đội và xe tăng bao vây, nã pháo vào Dinh Tổng thống, giết chết Tổng thống dân cử Sanvađo Agienđê cùng hàng trăm người là thành viên chính phủ và những người bảo vệ trung thành với với Tổng thống. Chính phủ của Liên minh Đoàn kết bình dân do Đảng Xã hội cầm đầu liên minh với 16 đảng phái khác bị lật đổ. Chế độ độc tài quân sự của Pinôchê kéo dài đến năm 1989 và cùng với đó là “thành tích” 45,1% dân Chilê sống dước mức bần cùng.
Bây giờ Santiago đã là một trong những thành phố lớn nhất của Mỹ Latinh với hơn 6 triệu dân. Đứng trên núi San Cristobal cao 860 mét nhìn xuống, Santiago hiện lên với hai nửa khác nhau như tối với sáng, như đen với trắng. Nửa phía Nam thành phố là khu vực hiện đại, giàu có, với trục trung tâm là con sông Mapôchô bắt nguồn từ dãy núi Anđes chảy theo hướng đông - tây. Đây là nơi tập trung những cao ốc sang trọng, những khu phố sầm uất, những trụ sở ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, những khu văn hoá vui chơi, giải trí, nghĩa là tất cả những gì tinh hoa của thành phố. Nửa phía Bắc của Santiago như một tấm thảm cũ màu xám, dày đặc những ngôi nhà thấp lụp sụp, trải dài đến tận chân núi phía xa.
Ở Santiago, bất cứ nơi nào đều có thể nhìn thấy núi nếu tầm mắt không bị che khuất bởi các ngôi nhà. Núi bao quanh thành phố như một vòng thành thiên nhiên vĩ đại. Nếu quan sát kỹ, có thể phân biệt rất rõ hai phía của vòng thành núi này. Về phía đông, đông - Bắc, đông - Nam, là những ngọn núi cao phủ tuyết trắng. Đó chính là những ngọn núi của dãy Anđes, cột sống của lục địa Mỹ Latinh, chạy suốt từ phía tây Vênêzuêla cho xuống đến tận cực nam của lục địa, làm thành biên giới tự nhiên giữa Chilê với Argentina, Bôlivia và một phần với Pêru. Về phía Tây của Santiago là những dải núi thấp, không có tuyết phủ, đó chính là vùng đất thoải dần từ dãy núi Anđes ra bờ biển Thái Bình Dương.
Santiago nằm ở vị trí gần như chính giữa, cân đối về phía hai đầu của đất nước. Đây cũng là tâm điểm của vùng đất miền Trung Chilê. Khí hậu kiểu Địa Trung Hải, ôn hoà, quanh năm mát mẻ. Mùa hè rất ngắn, có lúc nhiệt độ ngoài trời cũng lên khá cao, nhưng do độ ẩm rất thấp nên chỉ vào bước vào bóng râm đã cảm thấy mát mẻ. Dãy núi Anđes như bức thành tự nhiên, che chắn giông bão từ phía đông, đồng thời cũng làm cho lượng mưa của Chilê khá thấp. Tuy nhiên, chính Anđes với lượng băng tuyết khổng lồ trở thành nguồn cung cấp, đáp ứng mọi nhu cầu về nước cho miền Trung Chilê. Với sự ưu đãi của thiên nhiên, chăn nuôi bò và trồng nho ở đây rất phát triển. Thịt bò ở Chilê ngon nổi tiếng thế giới. Cách chế biến thịt bò ở đây vừa kế thừa những tinh tuý ẩm thực của vùng đất cổ châu Âu, vừa pha trộn với những khám phá mới mẻ, những hương vị đặc trưng của vùng đất mới càng làm cho những món ăn từ thịt bò trở nên hấp dẫn với thực khách. Những vườn nho bạt ngàn trên những triền đồi thoai thoải dưới chân dãy Anđes. Có lẽ không khí trong lành, sự điều hoà của mưa, nắng và gió trên độ cao cả nghìn mét làm cho trái nho ở đây mang hương vị rất riêng, không lẫn vào đâu được. Bởi vậy nên rượu vang Chilê ngon nổi tiếng. Thịt bò và rượu vang đã trở thành một thứ văn hoá ẩm thực rất riêng, niềm tự hào của Chilê và một gu tiêu dùng với nhiều người trên khắp thế giới. Quả thật, những người chẳng mấy sành điệu về cái thú ẩm thực như chúng tôi cũng không cầm lòng được trước sự hấp dẫn của bít-tết bò và rượu vang đỏ Chilê.
*
Hôm ra đón chúng tôi ở sân bay, ngồi trên xe về khách sạn, Nguyễn Việt Thành, anh bạn làm việc ở Thương vụ của Việt Nam tại Chilê bình luận: “Đến Chilê mà chưa lên núi Anđes và ra biển Thái Bình Dương thì thật là thiếu sót”. Quả thật, chúng tôi mới chỉ có kế hoạch đi làm việc với lãnh đạo Hạ nghị viện Chilê ở thành phố Vanparaisô, cách Santiago 140 cây số về phía Nam. Đây cũng là thành phố cảng biển lớn nhất của Chilê, đồng thời là nơi có ngôi nhà bảo tàng của Pablô Nêruđa, nhà thơ lớn của Chilê. Thế là đã được một nửa ra biển. Còn nửa lên núi? Vậy là tranh thủ ngày nghỉ, chúng tôi lên kế hoạch thực hiện hành trình lên Valle Nevado (Thung lũng tuyết), một cơ sở dịch vụ thể thao mùa đông ở độ cao 2.860 mét trên dãy Anđes. Nguyễn Việt Thành là hướng dẫn viên kiêm lái xe.
Ra khỏi trung tâm Santiago khoảng 1 giờ đồng hồ, con đường lên núi bắt đầu trưng ra tất cả sự hiểm trở đến khắc nghiệt của nó. Càng lên cao, đường càng dốc, càng nhiều cua tay áo hiểm trở. Có đoạn, con đường xếp lớp như lò so, đến 11 khúc cua tay áo chồng lên nhau. Số đếm không thể nhầm vì người ta ghi rõ số thứ tự các vòng cua ở tấm biển ven đường trước mỗi khúc cua. Có đoạn, người ta phải xây cả bức tường đá thẳng đứng thay cho ta-luy dương đoạn đường dưới đồng thời trở thành ta-luy âm của đoạn đường phía trên. Thỉnh thoảng lại thấy bên ven đường, mấy cục đá xếp chồng lên nhau cùng những bó hoa đã héo khô hoặc một lá cờ Chilê cắm bên cạnh, dấu hiệu của tai nạn đổ xe, chết người. Ai nấy toát mồ hôi hột, ớn lạnh sống lưng. Gần hai giờ leo từ chân dốc với hai lần nghỉ mới lên tới nơi. Ớn là vậy nhưng được bù lại bởi bữa tiệc tuyệt hảo cho mắt. Những vách đá hiểm trở, sừng sững vươn ngang trời. Những thung lũng sâu hun hút, thăm thẳm. Những lớp sóng núi chập trùng đến tận chân trời. Và hoa, các loài hoa đẹp đến hút hồn, vẫy gọi, chào mời, quyến rũ mắt nhìn suốt dọc đường đi. Mấy người trong đoàn cứ xuýt xoa không ngớt về một loài hoa có bốn cánh mỏng tang, sắc vàng rười rượi. Anh bạn Nguyễn Việt Thành bảo đó là loài hoa dại có tên là Amapolas. Hoa Amapolas nở vàng rực rỡ khắp nơi, trên các dải đất ven đường, trên các sườn núi cheo leo, bừng sắc vàng trên nền những vách đá xám. Có nơi, loài hoa này tạo thành cả một thảm hoa, sắc vàng óng lên dưới nắng, hút hồn khách qua đường.
Phong cảnh Valle Nevado thật đúng là ngoạn mục. Nhìn xuống ngay chân mình, vực sâu thăm thẳm không nhìn thấy đáy dưới vách đá dựng đứng. Xa xa, những đỉnh núi cao chất ngất phủ tuyết trắng xoá, màu tuyết lẫn vào màu mây trời. Nền trời trong xanh ngăn ngắt, những con đại bàng Condor dang cánh chao liệng. Gió thổi lồng lộng, táp vào da mặt cái lạnh tê tái. Khoảng 30 phút ở ngoài trời đã cảm thấy cái lạnh ngấm vào da thịt, run từ trong run ra. Đành rút vào trong nhà hàng để rồi ngồi nhìn ra. Ông chủ nhà hàng bảo: “Ngoài trời đang là 4 độ C nhưng cảm giác chỉ là 2 độ thôi. Các bạn mặc đồ mỏng thế này không tốt cho sức khoẻ đâu!”. Quả thật, mỗi chúng tôi chỉ có áo sơ mi với cái áo khoác mỏng, nên rét là phải. Mới ngồi chưa ấm chỗ, món bít-tết bò chưa kịp mang ra, mây ở đâu đã ùn ùn kéo tới. Ông chủ nhà hàng lại nhắc: “Nếu không định ngủ lại thì muộn nhất là 3 giờ chiều các bạn phải xuống núi mới kịp!”. Vậy là dù thịt bò và rượu vang đỏ Camenere ngon đến mấy cũng không thể níu chân. Hai giờ rưỡi chiều, cả đoàn đã lên xe. Con đường xuống núi giờ mây mù dày đặc, tưởng như xắn ra miếng được. Trước đầu xe chỉ lờ mờ nhìn thấy vạch sơn vàng ở ven đường. Ai nấy nín thở trước mỗi vòng cua. Xuống đến chân đèo, tất cả đều thở phào như trút được gánh nặng. Ai cũng kêu lên: “Ông Thành giỏi thật!”. Mà lái xe đường đèo trong mây mù như thế với một người không chuyên nghiệp như ông bạn Thành thì quả là quá giỏi.
*
Khác với phần nhiều các quốc gia trên thế giới, nghị viện bao giờ cũng ở đóng ở thủ đô với vị trí trang nghiêm nhất, Nghị viện Chilê lại làm việc tại Vanparaisô, thành phố bên bờ Thái Bình Dương, cách thủ đô Santiagô 140 cây số về phía Nam. Con đường cao tốc từ Santiago đi Vanparaisôvới 3-4 làn đường mỗi chiều, xe chúng tôi chạy 140 km/giờ mà vẫn bị một số xe khác cho hít khói. Vượt qua mấy đoạn đường quanh co đèo dốc, Vanparaisô đã hiện ra trước mắt, chênh vênh bên bờ đại dương. Ngoại trừ một dải ven biển bằng phẳng rất hẹp, nơi rộng nhất dễ chừng cũng chỉ vài ba trăm mét, còn lại cả thành phố đếu nằm trên mặt bích nghiêng của những dải núi cao cỡ năm, sáu trăm mét. Nhà cửa san sát, phủ kín những sườn núi từ chân lên đến đỉnh. Nhiều đường phố vừa hẹp vừa dốc ngược, người yếu bóng vía chắc không dám ngồi lên xe. Vậy mà dân địa phương vẫn lái xe lên xuống bình thản, với tốc độ chóng mặt.
Tranh thủ thời gian sau khi làm việc với Hạ viện Chilê, chúng tôi đến thăm ngôi nhà - bảo tàng của Pablô Nêruđa. Ngôi nhà của nhà thơ với một tầng trệt, hai tầng lầu, xây trên lưng chừng núi. Ở vào điểm gần giữa đáy của một vòng cung núi hướng ra phía biển, trên độ cao cỡ đến ba trăm mét, nên hướng nhìn của ngôi nhà bao quát hầu như cả thành phố. Thẳng trước mặt, ngay phía dưới là cảng Vanparaisô tấp nập tàu bè. Có thể thấy rõ cả 5 - 6 chiếc tàu chiến đậu thành hàng dài trên một cầu cảng. Ngoài xa là mênh mông Thái Bình Dương, màu nước cũng bàng bạc trong lấp loá nắng chiều hoà lẫn với sắc mây trời phía cuối tầm mắt nhìn. Gần hết giờ mở cửa buổi chiều mà dòng người xếp hàng vào thăm bên trong ngôi nhà còn dài dằng dặc. Có xếp hàng thì chắc chắn chúng tôi cũng không kịp giờ vào thăm. Tiếc xót xa bởi đã vượt qua hơn hai chục nghìn cây số mới tới đây mà không được tận mắt nhìn những kỷ vật bên trong ngôi nhà đã gắn bó với một thời của Pablô Nêruđa, một nhà thơ lớn được nhận Giải Nobel văn chương mà tôi rất hâm mộ. Đành đi loanh quanh trong khu vườn trên những con đường nhỏ lòng vòng những bậc thang, dưới vòm lá xanh và những sắc hoa lạ để tận hưởng cái cảm giác được hoà mình vào cái không gian mà một thời nhà thơ đã sống, đã chiêm nghiệm về tình về biển, về quê hương và về số phận của nhân dân. Thôi đành tự an ủi mình bởi còn trước mắt cuộc viếng thăm bảo tàng La Chascona Pablô Nêruđa ở Santiagô.
Chúng tôi lần theo con ngõ nhỏ có địa chỉ là Fernaldo Marquez De La Plata, số 0192, để tìm đến La Chascona Pablô Nêruđa. Khu nhà nhỏ nằm ngay dưới chân phía Nam núi San Cristobal, từ xa đã có thể nhận ra bởi những bức tường sơn màu xanh nước biển. Gọi là khu nhà bởi các công trình xây dựng ở đây không liên kết thành một khối mà gồm ba phần khác nhau. Ở mặt bằng dưới chân núi là dãy phòng khách, nhà ăn, phòng bếp và một ô nhỏ để đồ đạc không dùng đến. Lần theo lối đi với những bậc thang đá lên sườn đồi phía bên trái là công trình nhỏ, hai tầng với phòng khách tầng dưới và phòng ngủ ở tầng trên. Đây là nơi dành cho người vợ thứ ba của Pablô Nêruđa, bà Matilđa Urrutia, người đã sống và chia xẻ buồn vui với nhà thơ đến những giây phút cuối cuộc đời. Lại lần theo một lối đường đất nhỏ lên cao hơn phía bên phải là phòng làm việc của nhà thơ. Trên bàn làm việc của Pablô Nêruđa là một trang bản thảo đã đánh máy đang được sửa với những dòng chữ viết màu mực đỏ đề chéo bên lề. Một cây bút đã đóng nắp đặt lên trên trang thơ như tượng trưng cho sự khép lại của một cuộc đời sáng tạo của nhà thơ. Ngay phía bên trái là hình một bàn tay bằng đồng đặt chặn lên một tập bản thảo khác. Người ta bảo, đó chính là nguyên mẫu bàn tay của vợ ông, bà Matilđa, bàn tay mà ông đã ngợi ca trong thơ: “Mềm mại đôi tay em; Bay qua thời gian; Trên biển và trên khói; Bay trên Mùa Xuân”. Phía bên phải là một chiếc hộp gỗ đựng bút, trên mặt hộp in hình con thuyền buồm đang rẽ sóng ra khơi. Trên bệ cửa sổ lớn nhìn lên núi San Cristobal là một kỷ vật đặc trưng của nước Nga, một con búp bê gỗ matruska cỡ lớn với 11 hình được mở ra và xếp hàng từ lớn đến nhỏ. Nửa còn lại của căn phòng là chiếc lò sưởi với ống khói được xây bằng đá núi San Cristobal. Đối diện với lò sưởi, chiếc bàn nước nhỏ, mặt bàn hình tròn sơn hình những cây đàn ghi ta, cùng hai chiếc ghế phô-tơi đơn, nơi nhà thơ thường ngồi chuyện trò với vợ hay bạn văn thâm tình. Theo một cầu thang gỗ bước xuống thấp hơn 3 - 4 bậc là căn phòng xép được nhà thơ đặt tên là Phòng France (Phòng Pháp), nơi ông lưu giữ những kỷ vật quan trọng: Huy chương giải thưởng Nobel về văn học, Huân chương Lê-nin, tấm bản đồ ghi dấu những nơi ông đã đến, chiếc la bàn cổ bằng đồng, tấm bản đồ cổ về đất nước Chilê… Đặc biệt, trên giá sách có nhiều cuốn sách tiếng Pháp. Thời trai trẻ, Pablô Nêruđa đã được học tiếng Pháp, đã từng đi dạy ngôn ngữ và văn học Pháp. Có lẽ vì thế mà ông rất yêu nền văn chương Pháp, đọc rất nhiều sách về văn hóa và văn học Pháp.
La Chascona là khu nhà được Pablô Nêruđa xây dựng năm 1953 để tặng cho Matilđa Urrutia và trìu mến đặt tên cho nó theo đặc điểm mái tóc của bà. Theo tiếng thổ dân Quechua, La Chascona nghĩa là “tóc rối”. Đây cũng là khu nhà mà nhà thơ không chỉ gửi gắm vào đó tình yêu cho nàng thơ Matilđa, mà còn cả tình yêu với biển cả. Cả khu nhà giống như một con tàu đang hướng ra phía Tây, phía Thái Bình Dương. Phòng làm việc của nhà thơ ở trên cao nhất như đài chỉ huy của con tàu. Trong căn nhà có rất nhiều kỷ vật gắn với biển, từ những chiếc vỏ sò, bản đồ hàng hải, chiếc la bàn cổ - một vật dụng không thể thiếu đối với những người đi biển ngày xưa, đến những bức tranh về những con tàu, về đại dương, những hình vẽ về biển trên các đồ vật. Chính tại đây, ngày 23 tháng 9 năm 1973, đúng 12 ngày sau cuộc đảo chính đẫm máu của Pinôchê, người thân và bạn bè đã đau buồn vĩnh biệt ông. Trái tim của nhà thơ lớn Pablô Nêruđa đã ngừng đập sau 69 năm lao động nghệ thuật và đấu tranh cho công bằng, lẽ phải và tự do của nhân dân. Cho đến bây giờ, nguyên nhân về cái chết của nhà thơ vẫn chưa được làm sáng tỏ. Sau khi quàn ở La Chascona, thi hài ông được mai táng tại nghĩa trang thành phố để rồi gần hai mươi năm sau, bạn bè đã đưa ông về an nghỉ tại một bán đảo nhỏ tuyệt đẹp phía Nam thành phố Vanparaisô. Nơi đây, tiếng lá reo trong gió và tiếng sóng vỗ ngoài đại dương xa ru yên giấc ngủ vĩnh hằng của Pablô Nêruđa, một người cộng sản, nhà thơ lớn của nhân loại, người con và lãnh tụ tinh thần của nhân dân Chilê, người suốt đời tụng ca tình yêu, đất nước và biển cả.
Từ bảo tàng La Chascona bước ra chỉ vài trăm bước chân đã là những đường phố tấp nập, những quán ăn ồn ào, những cửa hàng sang trọng, những nhà hát lộng lẫy, những trung tâm vui chơi giải trí sôi động của quận Bella Vista, một quận trung tâm nhộn nhịp vào bậc nhất của Santiago. Xa hơn là đại lộ Bernado O’Highins, đại lộ trung tâm mang tên người có công khai sinh nền độc lập của Chilê, với sự pha trộn những sắc hình cổ điển của kiến trúc châu Âu với chất phóng khoáng của kiến trúc không gian Mỹ Latinh, cùng sự tấp nập, phồn hoa của Santiago hiện đại. Xa hơn nữa, nơi những cửa ngõ ngoại ô của thành phố là những bộn bề của cuộc sống, nơi những ngôi nhà mới đang xây, những con đường mới đang mở và cả những khu ổ chuột của người nghèo khó, những lều lán tạm bợ của người nhập cư đang chờ bàn tay cứu giúp của xã hội. Santiago, một hình ảnh thu nhỏ đặc trưng của Chilê, đất nước đang trăn trở trên con đường phát triển.
Chúng tôi không có nhiều thời gian lưu lại ở Chi lê. Tất cả những gì cảm nhận được qua mấy ngày làm việc tại đây chỉ như một khuôn hình trực cảm rất nhanh về đất nước xa xôi nghìn trùng này. Nhưng không vì xa xôi thế mà Chilê với Việt Nam quá lạ lẫm hay xa cách trong tâm tưởng của nhân dân hai nước. Tôi nhớ mãi câu nói của ông Fidel Espinoza, Chủ tịch Hạ viện Chilê hôm tiếp đoàn: “Nói đến Việt Nam là chúng tôi nhớ đến Hồ Chí Minh. Đó là từ ngữ rất thân thuộc ở Chilê!”. Vâng, xin cảm ơn tình cảm tốt đẹp của các bạn Chilê dành cho đất nước chúng tôi. Với chúng tôi cũng vậy. Những tên tuổi của Chilê như Sanvađo Agienđê, Pablô Nêruđa cũng quá đỗi thân thuộc, gần gũi. Và chính tên tuổi những con người đã chiến đấu, lao động, dâng hiến vì tình yêu, tự do và hạnh phúc của con người đó đã làm cho hai đất nước xa cách nhau quá nửa vòng trái đất trở nên gần gũi và thân quen.
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018