GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VN 2017: TÔN VINH NHỮNG CÂY BÚT THẦM LẶNG
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017 nhận được sự hoan nghênh của dư luận bởi các tác phẩm đoạt giải đều có chất lượng tốt và được viết từ những cây bút uy tín. Thêm vào đó, đặc trưng các tác phẩm đoạt giải có tính tiên phong ở những mảng đề tài ít khi được các cây bút để ý “thâm canh”.
Trong số 4 giải thưởng, lĩnh vực lý luận phê bình có 2 tác phẩm: “Bóng người trong bóng núi” (NXB Lao động) của nhà thơ, TS Lê Thành Nghị và “Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” (NXB Khoa học xã hội) của GS Phùng Văn Tửu. Hai tác phẩm này đại diện cho hai khuynh hướng phê bình lý luận văn học nổi bật của văn học đương đại Việt Nam, đó là phê bình ấn tượng và phê bình hàn lâm.
“Bóng người trong bóng núi” là tập tiểu luận phê bình văn học của nhà thơ, TS Lê Thành Nghị, được xuất bản trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2017. Cuốn sách gồm 14 bài trực tiếp viết về 14 nhà thơ thuộc thế hệ thơ ca chống Mỹ, tiêu biểu như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa…
Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Nhà thơ Hữu Thỉnh trao Bằng Chứng nhận cho các tác giả đoạt giải.
Phương pháp phê bình ấn tượng với đỉnh cao là tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” (1942) của Hoài Thanh và Hoài Chân vẫn có giá trị ứng dụng đến tận hôm nay. Lợi thế của nhà thơ, TS Lê Thành Nghị khi viết tập sách đó là các nhà thơ đều là bạn bè, đồng nghiệp thân thiết nhiều năm nên ông đọc kỹ tác phẩm và hiểu các tính cách con người sáng tạo lẫn đời thường. Mặt khác, bản thân Lê Thành Nghị cũng là nhà thơ nên tác giả hiểu được phần nào con đường sáng tạo mà các nhà thơ đã trải qua. Hai điều này rất quan trọng với phương pháp phê bình ấn tượng khi đòi hỏi nhà phê bình phải “hóa thân” thành nhà thơ để cảm thụ thơ. Sau đó, nhà phê bình ghi lại cảm tưởng chủ quan của mình về tác phẩm bằng lối viết ấn tượng nhất, độc đáo nhất. Phương pháp phê bình này có mặt hạn chế là do năng lực, trình độ thẩm mỹ của nhà phê bình chưa tiệm cận với tác phẩm của các nhà thơ nên dẫn đến tình trạng có khi không hiểu được những cách tân mới mẻ, có khi lại “tán tụng” rộng làm lạc đề. Cuốn sách của Lê Thành Nghị chinh phục được độc giả bởi sự chừng mực trong đánh giá giá trị tác phẩm, hiểu được tinh túy của từng phong cách nhà thơ. Đặc biệt là việc phê bình thơ không sa vào võ đoán mà dựa trên phông nền văn chương sâu rộng, kết hợp với sự bình thơ tinh tế, tạo sự cân bằng trong cấu trúc bài phê bình.
“Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” của GS Phùng Văn Tửu là một công trình khẳng định thêm vị trí là chuyên gia hàng đầu về văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp, suốt hơn 20 năm qua của tác giả. Hướng nghiên cứu của GS Phùng Văn Tửu trước đây chủ yếu về cách tân thể loại tiểu thuyết ở nửa cuối thế kỷ 20, khởi đi từ phong trào Tiểu thuyết Mới ở Pháp với các công trình tiêu biểu như: “Tiểu thuyết Pháp hiện đại-những tìm tòi đổi mới” (NXB Khoa học xã hội, 1990), “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ 21” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2001), “Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật” (NXB Tri thức, 2010). Ông không chỉ đọc tác phẩm mà còn đọc lý thuyết để hiểu những thủ pháp, những tìm tòi nghệ thuật tân kỳ nhất để giới thiệu với người đọc; đồng thời cũng để ứng dụng phê bình một số tác phẩm văn học Việt Nam đương đại đáng chú ý.
“Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” tuy vẫn theo mạch nghiên cứu cách tân đổi mới của văn học phương Tây nhưng các trường hợp tác giả-tác phẩm được khảo sát lại trước thế kỷ 20 gắn với phong trào văn học lãng mạn, hiện thực. Với đại đa số độc giả, các tác phẩm của tác giả cổ điển ít được biết đến nhưng đã là văn học có giá trị thì sẽ tồn tại với thời gian, ít nhất ở khía cạnh tinh thần cách tân, không chịu để văn học đứng yên. Chẳng hạn tinh thần “phản tiểu thuyết” của Denis Diderot (1712-1784) trong “Những cuộc trò chuyện về “Đứa con hoang” khi tác giả trò chuyện với chính nhân vật mình đã từng sáng tạo ra; minh chứng cho một nhận định là mỗi thời đại đều có thời kỳ “hậu hiện đại” của riêng mình.
Ở hạng mục dịch thuật, việc trao giải cho bản dịch kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” (1824) của nhà viết kịch Nga Aleksander Griboedov (1795-1829) do dịch giả Lê Đức Mẫn chuyển ngữ có hai ý nghĩa. Thứ nhất, tôn vinh một tác phẩm dịch tiêu biểu trong Dự án dịch thuật xuất bản Nga-Việt - một dự án đã có 5 năm hoạt động và có công lao lớn giới thiệu văn học Nga trở lại Việt Nam. Thứ hai, tôn vinh công lao của dịch giả Lê Đức Mẫn bởi dịch tác phẩm này, dịch giả đối mặt với hai thử thách đó là vừa dịch làm sao để độc giả Việt Nam thấy gần gũi với bối cảnh xã hội tư sản Nga cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, vừa phải dịch làm sao có chất thơ để có thể trình diễn trên sân khấu Việt Nam về sau.
“Khổ vì trí tuệ” đã trở thành kiệt tác sân khấu bởi nội dung hiện thực phê phán sâu sắc. Nội dung vở kịch kể mâu thuẫn giữa Aleksandr Chatski với giới tư sản Moscow, đại diện là gia đình ông Pavel Famusov. Trong khi giới tư sản lo ăn chơi phè phỡn, giả dối, vô đạo đức, tham lam tiền bạc, trái ngược với con người trọng tri thức, ưa khám phá đổi mới của A.Chatski. Thế là mọi người lan truyền tin đồn A.Chatski bị điên-đây chính là nỗi khổ vì trí tuệ mà những người trí thức lạc thời gặp phải.
Bộ sách 18 tập về văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng đoạt Giải thưởng Sự nghiệp-một giải thưởng mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Bộ sách này từng nhận giải Sách Vàng tại Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lúc đó, bộ sách mới xuất bản được 12 cuốn. Với bộ sách này, nhà văn Vũ Hùng đã tạo nên những trang văn đẹp, hay hiếm có về muông thú, núi rừng, thiên nhiên hoang sơ ở Việt Nam. Tôn vinh nhà văn Vũ Hùng là tôn vinh một nhà văn suốt đời viết về thiếu nhi-một mảng đề tài ít nhà văn để ý, bị cho là… kém nghiêm túc. Hy vọng giải thưởng sẽ cổ vũ các nhà văn Việt Nam đương đại viết cho thiếu nhi nhằm giúp các em có tác phẩm hay để đọc, tránh xa những hoạt động không lành mạnh.
(Nguồn: qdnd.vn)