ĐỢT PHIM “MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN” TỔ CHỨC TRONG 2 TUẦN
TUYÊN HÓA - Đây là đợt phim kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2018) và mừng Xuân Mậu Tuất 2018, được tổ chức trên cả nước trong 2 tuần lễ, từ ngày 3-2 đến ngày 18-2-2018. Hoạt động này do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần phim Giải Phóng; Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo; Các Sở VH-TT-DL, Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, TP trực thuộc TW thực hiện. Hai bộ phim được chọn trình chiếu trong dịp này là phim truyện “Phép màu tình yêu” và “Cao hơn bầu trời”.
“CAO HƠN BẦU TRỜI” là bộ phim truyện truyền hình 50 tập do Nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc biên kịch. Bộ phim tái hiện thời khắc quân và dân Hà Nội mà nòng cốt là bộ đội PK - KQ đập tan cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy cuối tháng 12-1972. Tuy nhiên, để vít cổ được B52 thì chưa nước nào làm được, nên quá trình tìm tòi, nghiên cứu và chuẩn bị của Quân chủng PK-KQ hết sức công phu, tỉ mỉ. Đạo diễn tiền kỳ: Hồ Ngọc Xum và Lê Ngọc Linh. Đạo diễn hậu kỳ: NSND Đào Bá Sơn và Trần Ngọc Phong. Âm nhạc: NS Hồ Văn Thành...
Phản ánh đề tài lịch sử, nhưng đây là bộ phim truyện về thân phận con người đi qua cuộc chiến. Trong số hơn 140 nhân vật phim, ngoại trừ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, là người thật việc thật, còn lại, từ các cán bộ Quân chủng, Binh chủng cho đến các phi công chiến đấu, sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ cao xạ và trắc thủ radar, đặc biệt là các nhân vật nữ… đều được nhào nặn từ nhiều số phận khác nhau. Ngoài việc chú tâm xây dựng hình tượng những người con của miền Nam chiến đấu trên đất Bắc, bộ phim còn là tình yêu sâu đậm và lòng biết ơn của tác giả đối với đất và người Hà Nội linh thiêng. Bên cạnh đó còn có những bà mẹ, những nữ tự vệ nhà máy dệt và những người con của Hà Nội sẵn sàng sống chết vì Thủ đô với đầy đủ hình hài, tính cách và khí phách riêng của họ... Tên phim được “chiết” từ những dòng nhật ký của phi công Hà Vĩnh: Biết tin vợ có thai, những ngày trực chiến, Hà Vĩnh đều viết cho đứa con tương lai: “Con ơi, ngày mai bố sẽ vào trận. Phía trước là bầu trời, nhưng “Cao hơn bầu trời” là Tổ quốc Việt Nam!”. Bộ phim chuyển tải một thông điệp rằng: Chúng ta thắng đối phương không chỉ bằng sức mạnh thông thường mà bằng cả tình yêu, trong đó có tình yêu quê hương, xứ sở của những người lính, rộng ra là cả dân tộc. Một dân tộc thà chết chứ nhất định không chịu sống quỳ!
Khai thác đề tài về những thanh niên trí thức trẻ và sự lựa chọn tương lai của họ trước ngưỡng cửa cuộc đời, bộ phim “Phép màu tình yêu” kể câu chuyện về Nhật, một thanh niên trí thức sống ở thành phố nhưng từ chối sự sắp đặt công việc của gia đình để đi theo niềm đam mê nhiếp ảnh. Anh trốn nhà, tìm đến với cao nguyên để quyết tâm làm được một cuốn sách ảnh ghi lại vẻ đẹp con người, đời sống, văn hóa vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trải qua những ngày sống đầy ý nghĩa với đồng bào Tây Nguyên, Nhật không những tìm được tình yêu của mình mà còn góp phần quan trọng hàn gắn tình cảm giữa cha và mẹ.
Ngoài ra, trong đợt chiếu phim này, các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh tiếp tục khai thác để phục vụ nhân dân nhiều bộ phim khác như: Phim truyện “Nhà tiên tri”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Đường xuyên rừng”, “Những đứa con của làng”, “Những người viết huyền thoại”, “Sống cùng lịch sử”, “Mùi cỏ cháy”, “Đường thư”, “Đừng đốt”…; phim tài liệu “Đỉnh cao chiến thắng”, “70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng”, “Bác Hồ với nông dân”, “Đường tới độc lập, tự do”…