TIỂU THUYẾT - NHỮNG CHÂN TRỜI PHÍA TRƯỚC
Những năm qua đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị văn hóa quan trọng của đất nước và cũng là thời điểm sôi động trong đời sống văn chương. Sự hiện diện một cách ấn tượng của hàng loạt tiểu thuyết với những tác giả dồi dào bút lực như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Phấn, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Uông Triều… tạo hứng thú cho người đọc bởi sự phong phú, đa dạng và khả năng gợi mở suy tư, kiếm tìm đối thoại.
Tiểu thuyết là thể loại năng động và nhanh nhạy bậc nhất, có khả năng thu phát mọi tín hiệu của đời sống, của cái hiện tại chưa hoàn thành. Trong các tiểu thuyết đáng chú ý của năm qua, những vấn đề của xã hội được đề cập đến từ các góc nhìn đa chiều. Những sự kiện chính trị xã hội quốc tế và trong nước làm khơi dậy ý thức trách nhiệm với xã hội, đất nước, và tiểu thuyết, với tư cách là một thể loại văn chương, có khả năng xuyên qua sự kiện bề mặt để đi sâu vào thế giới tinh thần của mỗi cá nhân, soi chiếu hiện tại và quá khứ, lịch sử và số phận con người. Tiểu thuyết không chỉ là kể lại một câu chuyện mà thông qua câu chuyện và cách kể chuyện, mang lại cho người đọc cảm nhận về cuộc sống. Đó là nỗi âu lo về sự tha hóa của con người trong đời sống đang ngày càng đô thị hóa, vấn đề giáo dục nhân cách và khủng hoảng gia đình, khả năng chống chọi của con người trước nỗi cô đơn, bệnh tật và cái chết trong Cuộc đời ngoài cửa (Nguyễn Danh Lam), Nhắm mắt nhìn trời (Nguyễn Xuân Thủy), Ngựa thép (Phan Hồn Nhiên), Tưởng tượng và dấu vết (Uông Triều), ABCD (Y Ban),.... Mỗi tác phẩm có cách tiếp cận và thể hiện riêng nhưng đều hướng tới giải mã những tình thế khác nhau trong nỗ lực chống lại sự vô cảm, sự thiếu vắng tình người. Đó cũng là dư âm của quá khứ, lịch sử và chiến tranh vẫn không ngừng được truy vấn, phơi mở trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), và tiếp tục với những cái tôi thế hệ trong hành trình kiếm tìm bản thể ở Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Cơ bản là buồn (Nguyễn Ngọc Thuần), Xác phàm (Nguyễn Đình Tú). Ký ức chiến tranh vẫn ẩn náu trong tâm thế con người hiện tại theo một cách nào đó với độ lùi thời gian cho những chiêm nghiệm: vừa thực vừa ảo qua lời kể gián tiếp trong Mình và họ, Xác phàm, trực diện khốc liệt, ám ảnh trong Miền hoang, hay nhìn từ phía bên kia trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, thấm thía nỗi buồn hậu chiến ở bất cứ phía nào trong Cơ bản là buồn. Đặc biệt, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cùng được nhắc đến trong hai cuốn tiểu thuyết Mình và họ (dù tác phẩm này được viết từ trước đây ít lâu) và Xác phàm thể hiện tinh thần nhập cuộc của nhà văn với không khí thời đại. Đó cũng là ký ức về phố phường Hà Nội vừa chi tiết, chân thực vừa thi vị, mộng mơ như Phố vẫn gió (Lê Minh Hà), Dằng dặc triền sông mưa (Đỗ Phấn), Cửa hiệu giặt là (Đỗ Bích Thúy). Tiểu thuyết Me Tư Hồng (Nguyễn Ngọc Tiến) gợi lại không khí Hà Nội cách đây cả trăm năm - một Hà thành đang trải qua những cơn đau chuyển vần lịch sử với số phận của một người đàn bà An nam từng chịu nhiều phán xét như Tư Hồng. Nếu như Phố vẫn gió, Dằng dặc triền sông mưa đong đầy kỷ niệm về Hà Nội thời thơ ấu thì Cửa hiệu giặt là ánh lên cái nhìn hài hước, hóm hỉnh và tình yêu một góc phố nhỏ Hà Nội. Ba ngôi của người xuyên qua các lớp thời gian để cảm nhận sự đổi thay của thành phố qua những thăng trầm lịch sử và đối diện với không gian thực tại đan xen giữa thơ mộng và dung tục, xô bồ. Trong các tiểu thuyết, vấn đề đô thị hóa, sự biến mất của làng quê và văn hóa nông thôn được nhắc đến khá nhiều: có thái độ châm biếm về đời sống đô thị nhốn nháo lai tạp, có nỗi day dứt thân phận người trí thức, nhưng sau cùng luôn là ý thức tìm về với những gì nguyên sơ như sự thanh lọc tâm hồn và kết thúc là khởi đầu của một hành trình mới (Nhắm mắt nhìn trời, Ba ngôi của người, Lần đầu thấy trăng, Những đứa con rải rác trên đường, Hát, Thành phố bị kết án biến mất,…). Mối quan hệ con người với tự nhiên là câu chuyện mang tính toàn cầu, có ý nghĩa lớn lao đối với cả nhân loại, vấn đề mà các nhà phê bình sinh thái đã và đang đề cập đến một cách ráo riết: con người cần được đặt trong tương quan hài hòa với tự nhiên. Đây cũng là hướng tiếp cận mới của giới nghiên cứu phê bình khi chú ý đến con người và sự cân bằng môi trường sinh thái xã hội.
Đổi mới tư duy và những cách tân thi pháp tiểu thuyết đã không còn xa lạ với người đọc Việt Nam hiện nay, công chúng cũng dần thích ứng với lối viết kỹ thuật biến ảo và những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ. Đã có nhiều nỗ lực làm mới lạ hình thức tiểu thuyết thành công và sự đổi mới lối viết ngày càng đi vào chiều sâu. Tiểu thuyết năm qua đã thực sự tạo nên ấn tượng về bức thảm đan dệt từ những mảng màu đa sắc, với không - thời gian đa tầng, đa chiều. Trong số các tiểu thuyết đó, một số tác phẩm có cấu trúc kiểu lạ hóa như “ba truyện dài bằng một tiểu thuyết” (Những đứa con rải rác trên đường) hay kết cấu cốt truyện theo tên các chữ cái trong ABCD của Y Ban. Một số khác như Xác phàm lựa chọn cách tạo độ nén nội dung truyện trên nền sự kiện cuộc phẫu thuật chuyển giới, lồng ghép hai câu chuyện quá khứ và hiện tại hay Ngựa thép là ba câu chuyện độc lập với các nhân vật, hoàn cảnh, không gian khác nhau được gắn kết bằng mạch ngầm xuyên suốt, một sợi chỉ mỏng manh: hình ảnh bức tượng con ngựa thép, còn Miền hoangtạo điểm nhấn bằng việc cắt dán các bản tin thời sự từ nhiều phía khác nhau. Theo một hướng khác, Thành phố bị kết án biến mấttrình diễn trò chơi thị giác không chỉ ở hình thức lạ (tiểu thuyết không dấu phẩy) mà ở cách tạo dựng không gian hình ảnh đa chiều đầy những mảng khối, màu sắc khi ba nhân vật tên X sống trong cùng một khu nhà với những ký hiệu tràn ngập. Tưởng tượng và đấu vết là cuộc phiêu lưu của lối viết với yếu tố phi lý đậm đặc, đào xoáy vào thế giới tưởng tượng kỳ dị và bí ẩn trong nội tâm nhân vật, một chàng trai với hoàn cảnh đặc biệt, hàng ngày đơn độc nhìn ra ngoài khung cửa. Lối viết pha trộn hiện thực và huyền ảo của Nguyễn Bình Phương tiếp tục được thể hiện trong Mình và họ với kết cấu hồi cố và khả năng tạo độ căng chùng của thời gian trần thuật. Sự lồng ghép những môtip trinh thám, hình sự, kỳ ảo, phi lý,… trở nên linh hoạt, đa dạng hơn với ý thức “chơi văn’’ của người viết. Kiểu nhân vật ký hiệu khá phổ biến như các nhân vật X trùng tên (Thành phố bị kết án biến mất), các nhân vật mang tên X, K, F, J, Z (Cơ bản là buồn) hay nhân vật theo kiểu định tính: trung niên (Ba ngôi của người), ông Kễnh, "cô xuất khẩu", "anh trăn" (Những đứa con rải rác trên đường). Điều đó cho thấy quan niệm cởi mở về văn chương khi tác phẩm tiểu thuyết là nơi thể hiện những ý tưởng độc đáo của nhà văn. Nhưng tiểu thuyết cũng không vì thế mà đánh mất quyền lực riêng của nó: sức mạnh của ngôn từ. Trong các tiểu thuyết, một mặt hướng đến vẻ đẹp của ngôn ngữ, sự tinh tế, rung cảm của từng con chữ, mặt khác, giữ nguyên vẻ xù xì, thô mộc như chính sự hiện diện của nó trong cuộc sống.
Tiểu thuyết năm qua cho thấy xu hướng khá đậm nét là những những hành trình và kiếm tìm không ngừng về ý nghĩa cuộc sống và tồn tại. Đó là những hành trình xuyên qua không gian và thời gian của nhân vật qua mười kiếp luân sinh (Ba ngôi của người), nhân vật vô hình theo chuyến xe xuống sau cú bay thảng thốt tuyệt mỹ qua nhiều ngọn cây và đá (Mình và họ), hay nhân vật cô độc không thể tự đi lại bằng đôi chân của mình nhưng lại đi rất xa trong thế giới tưởng tượng và những cuốn sách đánh số ngẫu nhiên (Tưởng tượng và dấu vết), nhân vật cựu binh Mỹ tìm lại quá khứ chiến tranh như một sự giải thoát chính mình (Cơ bản là buồn)… Trên chuyến đi cuối cùng trong tan nát và thất bại, khi mọi thứ dần rơi tuột khỏi tay và biến mất hoàn toàn, ông giáo già đã chia sẻ những đồng tiền cuối cùng tới cảnh đời bất hạnh bằng lòng trắc ẩn (Cuộc đời ngoài cửa). Vẫn phong cách giễu nhại, xuyên qua những không gian rộng mở và những thế hệ nhân vật tồn tại bằng định tính, Những đứa con rải rác trên đường là kiểu con người quyền lực cuối đời đi tìm lại những tháng ngày đánh mất. Hành trình xe lên xe xuống là chuyến đi hai chiều kỳ dị của nhân vật khi lên là người, khi xuống là hồn, nhưng giọng kể dường như vô can, bình thản chỉ có ký ức vẹn đầy (Mình và họ). Với những hành trình và kiếm tìm trong thế giới đầy những đổ vỡ mất mát, bất an, con người mất niềm tin, trở nên vô cảm. Với những cái kết truyện day dứt, ám ảnh, cái chết, sự thất lạc tan biến,… đa phần tiểu thuyết tạo nên âm hưởng “cơ bản là buồn”.
Quả vậy, tiểu thuyết đem lại cảm giác thiếu vắng tiếng cười, cái hài hước trào lộng, sự thiếu vắng mà cái giễu nhại, châm biếm kiểu Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái chưa thể lấp đầy. Và còn những thách thức trong nhiều tiểu thuyết khác để tác phẩm có thể để lại dấu ấn và “nặng ký” hơn, chẳng hạn như như kiểu viết kỹ thuật ở Thành phố bị kết án biến mất, mẫu hình nhân vật trí thức trong Nhắm mắt nhìn trời hay mạch ngầm kết nối tiểu thuyết trong Ngựa thép. Năm 2014 cũng chúng kiến sự ra đi của những tác giả văn xuôi lão làng như: Tô Hoài, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Ngọc Tấn những cây bút có nhiều đóng góp lớn đối với văn chương Việt Nam hiện đại. Riêng với Tô Hoài và Bùi Ngọc Tấn dẫu sự nghiệp sáng tác và tầm vóc khác nhau nhưng với những sáng tác cuối đời đậm chất hồi ký, tự truyện và cái nhìn nhân văn, độ lượng cũng để lại nhiều suy nghĩ về đời văn và nhân cách văn chương. Cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam đã về đến chặng cuối, quy tụ các cây bút trên khắp mọi miền đất nước với số lượng tác phẩm tham dự khá lớn, trong đó đã xuất hiện thế hệ tiểu thuyết mới đa phong cách và đang độ chín.
Trong hội thảo Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế do Viện Văn học tổ chức hồi tháng 5 năm 2014, các nhà nghiên cứu phê bình khắp cả nước đã cùng gặp gỡ trao đổi về hành trình đổi mới văn chương nước nhà và đề xuất giải pháp phát triển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh ý thức về cái tôi cá nhân và tinh thần tôn trọng sự khác biệt, đó là là động lực của phát triển. Từ những tác phẩm giàu suy tư trăn trở và cá tính sáng tạo của năm qua, có thể nói rằng hành trình tiểu thuyết đang hướng tới những chân trời phía trước.
Nguồn: Viện Văn học