TƯỞNG NHỚ 64 CHIẾN SĨ HY SINH Ở ĐẢO ĐÁ GẠC MA NGÀY 14 /3/1988
Thanh Thảo
CHÂN SÓNG
(trích Trường ca chân đất)
Lên tám tuổi lần đầu nhìn thấy biển
lần đầu đi biển
ói mật xanh mật vàng
biển mênh mang
tôi nhỏ bé
những thủy thủ tàu Ba Lan dồi tôi như quả bóng nhẹ
họ cười mà tôi khóc
chỉ thế thôi
nhiều năm sau tôi không nhìn thấy biển
dù có “vượt trên đỉnh cao Trường Sơn”
cũng không nhìn thấy biển
suốt thời ấy biển với chúng tôi là tận cùng
cuộc chiến
một là được trở về với biển
hai là không bao giờ
chỉ thế thôi
con nào biết mẹ bạc đầu vì biển
mỗi làn sóng như một dải khăn tang
con nào biết mẹ đau vì biển
đau vì thiếu biển
đau vì thừa biển
đau vì biển thiếu con mình
đau vì biển thừa hy sinh
những mộ gió những hình nhân phơ phất
những hải trình dài suốt mấy trăm năm
những Bãi Cát Vàng san hô mê hoặc
những phận người bó chiếu giữa mông mênh
chỉ thế thôi nhưng mẹ ơi còn biển
là còn những chuyến đi không hẹn ngày về
nhưng mẹ ơi còn con trai trong bụng
là mẹ đẻ hết ra cho chúng giong khơi
người quê tôi không quen lời bay bướm
giọng nói nặng dây buồm
con trai biết bơi từ trong bụng mẹ
biết lắc thúng từ khi chưa biết chu vi hình tròn
biết tính cá bằng khoang
ăn sóng và nói gió
lặn sâu mấy chục sải
ngậm vật vờ ống thở
bơi bên cạnh hải sâm
như một chiếc tàu ngầm
tỉ tê cùng đáy biển
như một người bạn thân
lặn biển Hoàng Sa liệt nửa người
giờ ngồi xe chó kéo
người bé trên đảo Bé
mỗi khi nhìn thấy biển mắt rực cháy
“biển ơi biển ơi biển ơi”
thế thôi
lặng im như đá mồ côi
họ dạy anh tình yêu
không lời
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
Mai Phụng Lưu
mỗi bận xuống thuyền lại trực chỉ Hoàng Sa
như có ai dẫn
nỗi nhớ là hải bàn
mãi quay về một hướng
mỗi lần bị bắt mỗi lần bị đánh
lại tay trắng trở về dành dụm ra khơi
không thể sống thiếu Hoàng Sa
không thể sống thiếu biển
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
làm sao anh hiểu?
có những người lính đảo
trần lưng trước mưa đạn quân thù
“chỉ được xáp lá cà bằng lê”
nhưng với khoảng cách này là không thể
đành chỉ được chết vì đảo
đành cho lãng quên vùi mấy mươi năm
Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển
không quỷ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy
hãy kể cho con cháu anh
rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma
những tràng hoa biển ấy
dạt trôi
về ôm chặt Mẹ
chân sóng
bắt đầu từ đó
Nguyễn Việt Chiến
THÊM MỘT LẦN TỔ QUỐC ĐƯỢC SINH RA
(Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở đảo đá Gạc Ma )
Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Các anh lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm
Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Các anh lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương
Các anh hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa !
Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra
Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt
Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Việt Nam ơi ! dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
Những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
Dầu là máu thắp trên thềm lục địa
Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ thơ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
21-6-2011