Tác phẩm và dư luận

4/10
7:43 AM 2016

TÁC PHẨM MỚI: NGÀY TRỞ LẠI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Đây là câu chuyện kể về một người đã già, Đại tá Cảo thăm lại chiến trường xưa; nơi ông từng chiến đấu dũng cảm, sống sót sau rất nhiều cái chết của hai phía đồng thời hình như ông cũng làm một vài điều không phải, bên cạnh những chiến công oanh liệt mà hẳn ông nhớ không sai.

                                                           Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

Thăm chiến trường xưa và nhớ lại, nhưng trí nhớ của người già ký ức mờ chồng ký ức tỏ, chuyện xẩy ra trước có khi nhớ lại sau, có khi xẩy ra ở chỗ khác nhưng gắn với chuyện mình. Ký ức, do đó trở thành u u minh minh, thành “tiểu thuyết” và quả thực, ở tiểu thuyết này, phép bút mờ chồng văn bản “như của riêng” Nguyễn Bình Phương đã phát huy tối đa hiệu lực nén thời gian, không gian và một lượng sự kiện lớn trong những dòng ý thức kiệm lời đến tối giản. Tư tưởng nghệ thuật của tiểu thuyết, do đó mà bùng nổ, văng xa, lan thấm.

Chúng tôi trích giới thiệu tiểu thuyết mới nhất của cây bút đang rất sung sức này, nhà văn Nguyễn Bình Phương.   

 

8                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     Có lẽ chỉ hai đứa mình là biết chuyến về thăm lại chiến trường đã làm thay đổi tính tình Đại tá như thế nào. Theo chỗ tớ nhớ thì khoảng cỡ năm tám mấy gì đó, đúng không nhỉ? Đúng thì vẫy đuôi mấy cái chứ đừng kêu, mất đi cái tĩnh lặng trước khi tớ nhắc lại chuyện cũ.

Lần ấy Đại tá đi cùng tới với Hòa. Tớ được ké theo, vì mọi người trong gia đình thấy cần tớ để đỡ đần, phục vụ Đại tá. Bản thân bác ấy cũng muốn cho tớ đi để mở mang đầu óc vì tớ chưa hề được đi xa bao giờ, máy bay lại càng chưa. Nhưng người ngố nhất trên máy bay không phải tớ mà là Đại tá, thế mới buồn cười Phốc nhỉ. Trên máy bay, bác ấy loay xoay một hồi, ngó mây ngoài cửa sổ, ngó tiếp viên đi lại, ngó màn hình treo phía trước báo con số kilômét đã qua, con số kilômét còn lại, rồi ghé sang hỏi Hòa có nhớ cái vụ “giải quyết” tù binh theo mật lệnh của sư không. Hòa ậm ừ tron miệng như không muốn đap, nhưng lúc sau, khi nhìn đăm đăm ra cửa sổ bé tí hin, nơi mấy trắng lướt qua không ngừng, anh ta lại hạ giọng kể với tớ vụ đó.

Trận ấy đơn vị bắt được tù binh, chủ yếu là địa phương quân, tối thì nhận được điện của trên là bằng mọi cách “giải quyết” nhanh gọn để còn đánh phát triển xuống dưới. Thế là nửa đêm phải dẫn toàn bộ đám tù binh ra bờ suối. Trong ánh đuốc bập bùng và đèn pin nhoáng nhoàng, những dáng người quỳ gập, chúi về phía trước với sự nhẫn nại ghê gớm, không một lời van xin, tuồng như đó là dãy tượng bằng đất...

Xuống máy bay, đơn vị cho xe con ra đón, gặp mặt, ăn cơm với cán bộ chỉ huy của tiểu đoàn rồi hôm sau đi thăm mấy nơi chiến sự cũ. Cậu tuyên huấn tiểu đoàn dẫn bọn tớ ghé vào công ty trồng cao su trên địa bàn. Giám đốc công ty kể ngày đầu kéo quân vào đây khai phá đất, khi xuống suối tắm, anh em phát hiện ra cả đoạn dài toàn xương, lúc đầu chẳng biết của người hay của động vật, sau một cậu công nhân trẻ đi mò cá vô tình phát hiện thêm ở chỗ gấp khúc có một đống sọ người.

Trên đường ra suối, Đại tá ghé tai Hòa bảo bác ấy rất ngạc nhiên cái chi tiết sọ vun thành đống. Con suối nhỏ nhưng lại khá sâu, bờ bên này là cát và sỏi còn bờ bên kia thì đất bazan đỏ rực.

- Chỗ này phải không? - Đại tá hất hàm hỏi cậu tuyên huấn và khi cậu ta chớp chớp mắt thay cho lời xác nhận, bác ấy lại hỏi - Có đủ sáu bộ không? 

Cậu tuyên huấn gãi đầu:

- Báo cáo thủ trưởng, em vào sau nên chỉ nghe kể thế thôi, chứ có biết đâu. Nhưng mộ thì chôn ở kia thủ trưởng ạ.

Theo cái khoát tay của cậu tuyên huấn, Đại tá thấy chếch về phía trái một đoạn là bãi cỏ lượn sóng lô xô, bác ấy kéo tay tớ xăm xăm đi lại. Hai bác cháu đứng lặng trước mấy nấm đất. Không phải là sáu, chỉ khoảng ba nấm mộ, lùm lùm, xâm xấp dưới cỏ. Cậu tuyên huấn mở cái túi đeo bên người lấy ra một thẻ hương và chiếc bật lửa rồi ngồi thụp xuống khum tay che gió. Cậu ta vừa châm hương vừa giải thích sở dĩ chỉ có mấy ngôi thế này là vì xương cốt lẫn hết vào nhau, nên mò được bao nhiêu thì chôn chung luôn cho gọn.

Mọi người chia nhau hương cắm lên các nấm mộ. Tớ theo sát Đại tá đến đứng trước lùm đất to nhất. Gió ràn rạt bạt vía hương thành những làn khói mỏng mảnh, nắng dữ dội và ve kêu ran khắp bốn phía.

Khi quay trở ra, Đại tá bần thần ngó lại đoạn suối có khóm lau cao nhất rồi phỏng đoán với tớ lý do sọ người dồn đống có lẽ vì chỗ đó gấp khúc nên nước cuốn quẩn vào. Cậu tuyên huấn nói:

- Báo cáo thủ trưởng, khi anh em vớt lên, nghe nói phần lớn đều mất hàm. Cũng lạ.

Rất đơn giản, đạn đi từ ót xuyên ra và phá vỡ phần hàm.

- Giờ thì mình rởn.

Đại tá thì thầm với Hòa nhưng anh ta bình thản nhìn đi chỗ khác.

Buổi trưa hôm ấy hầu như Đại tá chẳng ngủ tí nào, cứ trằn trọc rồi vùng dậy ra hiên hóng gió. Qua khe cửa, tớ nhìn thấy lưng của bác ấy khòng xuống, rất tội. Khi tớ tới ngồi cạnh, Đại tá không hề ngoái sang, nhưng lại chỉ về cái cây to nhất, đứng riêng lẻ bên bìa lô cao su xanh thẫm, tán xòe rộng, uy vũ như đám mây trong những vụ thử hạt nhân mà tớ xem trên vô tuyến, hỏi tớ có biết đó là cây gì không.

- Cây Kơ nia đấy.

Đại tá tự trả lời và bác ấy kể cho tớ rằng có một gốc cây Kơ nia đã cứu bác ấy khi bác ấy bị trực thăng quần đuổi. Bác ấy đã rúc vào cái gốc cây mục ruỗng vì thế tránh được những luồng đại liên từ trực thăng bắn thẳng xuống.

Con người ta sống chết có số và không gì có thể làm cho nó thay đổi được. Đại tá của bọn mình thoát chết tới ba lần vì số chưa tận Phốc ạ.

Lần đầu, anh em trong tiểu đội kiếm được một con nai, tổ chức đánh chén. Đến khi chuẩn bị ăn mới phát hiện ra thiếu mấy đôi đũa nên Đại tá phải chạy đi kiếm. Lúc kiếm được đũa, đang về thì nghe có tiếng rít qua đầu, rồi một tiếng nổ to và chói, chỉ một tiếng duy nhất. Chạy tới nơi, bác ấy thấy chỗ cả tiểu đội đang ngồi đã biến thành cái hố pháo toang boàng, khét lẹt. Nhặt cho đến mẩu cuối cùng cũng chỉ đầy hai cái gùi và không thể phân biệt đâu là nai, đâu là xương thịt của mấy anh em. Từ đấy Đại tá không bao giờ ăn thịt thú rừng.

Lần thứ hai, Đại tá dẫn tiểu đoàn trưởng đi kiểm tra hệ thống đường dây thông tin liên lạc, vừa kiểm tra xong thì địch đổ bộ bao vây, bác ấy lệnh cho đơn vị phân tán, tìm cách thoát ra ngoài, còn mình và tiểu đoàn trưởng rút cùng với nhau. Tiểu đoàn trưởng bảo Đại tá đi chếch phía trước, ở thế cao hơn, tức là gần với sườn đồi, còn tiểu đoàn trưởng đi thấp phía dưới. Thường thì bọn biệt kích hay đặt mìn theo hướng hất lên để gây thương vong nhiều, nên đi theo hướng thấp sẽ an toàn. Đang đi, Đại tá đạp phải mìn. Không hiểu sao quả mìn lại bị đặt ngược cho nên sức công phá hất xuống mé dưới. Bác ấy chỉ bị đẩy tung ra xa, dính vài mảnh kim loại nhỏ còn tiểu đoàn trưởng thì hứng trọn vẹn quả Claymo. Phần còn lại của tiểu đoàn trưởng là hai cẳng chân, một thẻo sườn trái và mấy mảng tóc bết máu. Hồi ấy tiểu đoàn trưởng ít khi trực tiếp đi kiểm tra đường dây thông tin. Đến khi được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng thì người đầu tiên mà Đại tá của bọn mình nghĩ tới chính là vị thủ trưởng đã hy sinh vì quả mìn Claymo ấy.

Lần thứ ba, bác ấy không bao giờ kể nên thú thực là tớ cũng không biết.

Sáng hôm sau, theo đề nghị của Đại tá, tiểu đoàn cho xe đưa chúng tớ đi thăm lại Hờ Lênh và viếng nghĩa trang ở đó.

Hòa bảo với tớ rằng hồi trước, Hờ Lênh là nơi đơn vị của anh ta bị tiêu hao dần như miếng cá kho nhừ, mỗi ngày vữa một chút, sốt rét, vướng mìn, voi quật, sập bẫy thú của người dân tộc, phun rô bắn lén và biệt kích quân của địch bắt cóc.

Tớ quan sát, thấy mặt Đại tá ngày càng tái đi, khi ô tô dừng lại ven con đường đầy lá rụng thì bác ấy cứ như bị rút hết máu. Mỗi khi có gió những chiếc lá khô lại tạo ra một cảm giác lạ lùng với lớp lớp sóng màu lòng tôm dựng lên rồi rạp xuống chẳng theo quy luật nào. Những bụi cây bùng nổ xùm xòa càng phô thêm dáng xùm xòa của chúng khi lá trút bớt đi để lộ ra bộ khung xương phức tạp, chồng chất lên nhau nhưng không rối loạn mà có lớp lang. Vượt sang cái gờ thoai thoải ở bên kia có ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn đến mức nó như một người đang quỵ xuống. Theo như Đại tá nhớ thì ngôi nhà ở đó từ rất lâu rồi, hồi xưa nó gây chú ý cho mọi người là vì loại nhà ba gian hai chái, mái gianh, vách gỗ trong khi xung quanh toàn nhà sàn. Khi mới cơ động tới đây, Đại tá nghe báo cáo rằng gia đình sống trong ngôi nhà đó sống biệt lập, ít giao tiếp với dân địa phương, họ không ưa cả bộ đội Bắc Việt lẫn lính Việt Nam Cộng Hòa. Ông chủ nhà là người Kinh, vợ người Khơme, họ sinh được ba đứa con, hai gái, một trai. Đứa con trai một lần theo mẹ ra sông Công Pô đã ngã và bị cuốn trôi mất. Ông chồng chán đời đay nghiến, đánh đập vợ khiến chị ta uất quá treo cổ tự tử. Tất cả những thông tin ấy do trinh sát thu lượm, gom góp từ các nguồn mà có được và chẳng biết chính xác hay không. Giờ ngôi nhà vẫn còn, nhưng đã quá tạ tàn vì thế mà tớ nghĩ hẳn là tí nữa sẽ gặp ông chủ nhà cũng tàn tạ chẳng kém. Một cột khói cuốn lên từ gian bên trái như mời gọi và Đại tá, dĩ nhiên là cả tớ, dấn bước đi về phía ngôi nhà. Ngoài sân có cái giàn làm bằng tre đã ngả màu xám mục, bày lủng củng bát đũa, nồi niêu. Đại tá bạo dạn đi thẳng vào trong sân và hắng giọng.

- Ai đấy?

Tiếng phụ nữ hỏi vọng từ trong nhà, và rồi một người cỡ tuổi trên dưới bốn mươi vừa vấn tóc vừa bước ra, vẻ mặt ngái ngủ. Như nhận ra sự trớ trêu đến mức vô duyên của mình, Đại tá ngoái lại tìm Hòa và cậu tuyên huấn nhưng họ đứng ở cách đấy một đoạn và đang mải trao đổi gì đó với nhau. Người phụ nữ ngỡ ngàng nhìn Đại tá rồi nhìn tớ, tay kéo lại vạt áo vừa bị gió tốc lên.

Đại tá so vai thanh minh:

- Tôi từng ở đây, trước có nghe nói về ông cụ nhà cô...

Bác ấy bỏ lửng câu nói, như là sợ sẽ không biết giải thích thế nào cho người phụ nữ này nếu chị ta hỏi kỹ hơn.

- Có việc gì thế chị?

Một người nữa bước từ trong bếp ra, mặt đỏ văng vì nóng. Tới lượt tớ và Đại tá ngỡ ngàng vì hai người phụ nữ giống nhau đến mức họ có thể chập khít lại. Sau câu hỏi, thấy Đại tá và tớ, người phụ nữ thứ hai có vẻ ngượng, lí nhí chào.

- Bác ấy bảo biết bố.

Người phụ nữ là chị nói. Khi Đại tá lại khoát tay sang phía gờ đất chỉ cho hai người phụ nữ chỗ đóng quân trước kia của đơn vị mình, tớ thấy chiếc cúc ở cổ tay áo của bác ấy bắt nắng vụt lóe lên.

Vào hẳn trong nhà bọn tớ mới biết hai chị em nhà này không lấy chồng mà ở vậy. Hôm nay là ngày giỗ đầu của ông bố và cũng chỉ có chị em họ làm giỗ ông ta. Cái sơ sài bên trong ngôi nhà hắt lên mặt Đại tá một nỗi hoang hoải rất khó tả. Nó giống như nỗi hoang hoải trên khuôn mặt Liễu khi đến báo tin sẽ dọn lên khu Võ Nhai ở.

- Bác cho cháu đi theo bác được không?

Người em thật thà hỏi, nhìn Đại tá bằng đôi mắt chung chiêng như hai cái lá sắp rụng. Đại Tá bước giật lùi, lúng búng trong miệng rằng thực ra bác ấy cũng chỉ là người đi theo, chẳng có quyền quyết định gì. Sau đó là một tiếng thở dài không giấu diếm.

Quay lại, Đại tá lầu bầu với Hòa và cậu tuyên huấn là bác ấy không còn háo hức muốn gặp bất cứ người dân nào nữa vì đã nguôi đạn lửa mấy chục năm mà cuộc sống ở vùng này vẫn leo lắt, đìu hiu như cũ. Giọng Đại tá giận dỗi, khóe miệng trái sùi ra một đụn nước bọt.

Nghĩa trang nằm trên đỉnh đồi, giản đơn với một chiếc cột dựng cao ngất và những bức phù điêu vây bốn xung quanh. Phải leo tới mấy chục bậc nên Đại tá mệt, bác ấy liên tục dừng lại thở.

Trời đang nắng bất ngờ chuyển sang đùng đục với những đám mây lớn màu đen nhạt, mọng căng.

Lên tới đỉnh, những luồng gió rờn rợn quấn xiết dọc hai cánh tay tớ. Hòa bóc thẻ hương, châm lửa rồi trao cả bó cho Đại tá, sau đó đứng lùi lại. Đại tá cắm hương vào chiếc lư bằng xi măng và cúi đầu, khấn. Tớ ngoái sang, thấy Hòa vẫn đứng im nhưng thân hình run run lay động trước gió đang ngày một lớn, trước cả thứ ánh sáng màu xám đang phủ lên toàn bộ nghĩa trang. Tớ thề là tớ đã dựng tóc gáy khi nghe thấy tiếng rên rỉ ai oán lẫn trong tiếng gió ù hú rít xung quanh, cảm tưởng như có hàng ngàn người đang về, nhốn nháo vây quanh ngọn đồi. Bó hương cắm ở chiếc lư hực lên thành ngọn đuốc, đùng đùng cháy. Hòa vừa khóc nấc vừa nói với ai đó đang chờn vờn trong ngọn lửa trước mặt. Hẳn là Đại tá không nghe rõ Hòa nói gì vì tai bác ấy cứ giỏng lên một cách tuyệt vọng. Bốn phía tối sầm lại, chỉ một vệt sáng mảnh sắc chiếu chênh chếch làm tượng đài nổi bật lên như lưỡi kiếm xả xuống giữa tịch mịch, hoang vu. Tớ nói nghiêm túc đấy, không ngoa tí tẹo nào đâu.

Lúc tiễn khách ở cửa sân bay, trao tận tay hai thùng quà của tiểu đoàn xong, cậu tuyên huấn gãi đầu, gãi tai rồi rụt rè hỏi:

- Sao thủ trưởng lại nghĩ là sáu bộ xương ạ?

Đại tá ngước nhìn tấm bảng điện tử ở quầy làm thủ tục, đáp qua loa:

- Là tớ đoán bừa vậy thôi.

Giờ thì cậu có thể kêu lên mấy tiếng được rồi. Gâu gâu gâu...tốt rồi, tốt rồi. Cậu thấy đấy, chẳng mấy ai trong gia đình, trừ hai đứa mình, để ý rằng sau chuyến đi ấy tính tình Đại tá bắt đầu thay đổi. Bác ấy dễ nổi cáu và hay bất chợt hỏi người bên cạnh những câu không ăn nhập gì với chủ đề họ đang nói. Đặc biệt là từ lúc xảy ra cái tai nạn lật xe trên Đèo Giàng làm chết thảm hai người con của trung tá Vũ Đậu, bạn thân thiết với Đại tá từ hồi trong chiến trường, càng khiến bác ấy u uẩn, trầm mặc. Đại Tá không giấu được vẻ lo lắng, phấp phỏng mỗi lần ai đó trong gia đình có việc đi xa và bác ấy chỉ ngon giấc khi người đó trở về. Hình như Đại tá linh cảm một cái gì vô hình, vô ảnh đang lởn vởn quanh số phận bác ấy. Hôm thăm tướng Vĩnh nằm cấp cứu dầm dề ở viện, về nhà, Đại tá rất đăm chiêu, bác ấy đem rượu ra uống, đến lúc hơi gà gà mới vẫy tớ lại bảo nếu phải đi thì bác ấy mong mình đi càng nhanh càng tốt.

Tớ so vai, rụt cổ giống kẻ vừa nhai phải trái ớt cay sè cố gắng đè câu nói cho nó không bật khỏi họng, dù chẳng biết chính xác sẽ là câu gì.

- Không được chết đâu đấy.

Vẫn có một câu nói bật ra nhưng không phải là câu nói bị gìm nén trước đó. Tớ nhớ là cậu cũng hùa theo một tiếng ủng hộ tớ, đúng không Phốc. Cậu thật đáng nể. Cả khuôn mặt Đại tá rúm lại, những mạch máu ở cổ và thái dương phồng căng lên, giần giật.

- Ừ, hồi xưa cũng có ai nói thế rồi thì phải.

Tớ cam đoan là Đại tá thầm thì với chính mình. Và bác ấy càng ngày càng không thể phân biệt được các sự kiện từng xảy ra, đến mức chúng, các sự kiện ấy, quyện lẫn vào với nhau như mớ bòng bong.

Hôm vợ chồng Thảnh tổ chức sinh nhật cho Tuyên, Lanh kể cho cả nhà nghe chuyện con một người bạn của chị ta sinh ra đã thiếu cánh tay phải vì trước kia người bạn đó gặp phải con ranh lộn thai, chửa mấy lần mà cứ đẻ ra là chết. Nghe lời người ta mách, trước khi chôn gia đình đã chặt một cánh tay của hài nhi ấy, thế là lần sau sinh ra cậu bé này mới nuôi được. Nhưng cậu bé lại khuyết hẳn cả một cánh tay, trông rất thương tâm. Đại tá chăm chú nghe, đờ đẫn một lúc rồi nói mọi người đã báo lên ban chính sách để họ làm chế độ thương binh cho cậu bé ấy.

Cả nhà, từ lớn đến bé đều nhìn nhau cười mếu. Rõ nhất là lần tớ và Đại tá đang ngồi ăn cơm thì tự dưng bác ấy đặt bát xuống, tần mần hỏi tớ có nhớ lần bắt được con hổ do động rừng ở Hờ Lênh không.

Tớ ngẩn ra, cậu ngẩn ra, cả những người lính cũ trong ảnh cũng ngẩn ra. Chuyện ấy không phải ở Hờ Lênh mà ở ngay tại Tuyệt Sơn. Khi ấy cậu lại càng chưa biết gì, có khi chưa ra đời cũng nên.

Tớ nhớ như in là đêm trước trận động rừng có con thú lạc xuống, nó gõ móng lộp cộp trên mặt đường đá, kêu ư ử. Sáng hôm sau bố con lão Cần rỗ từ rừng về, bảo với mọi người sắp có động vì cây đổi màu lá, lay động, chao đảo ghê gớm. Đến gần trưa dân Tuyệt Sơn nghe tiếng ù ù ầm ầm hệt tiếng máy bay B52, sau đó thú rầm rập lao từ rừng ra, cuốn lốc bụi mù trên đường, nhiều con còn xông qua cả các vườn rau. Chim bay loạn trên trời, từng đám nháo nhác như tàn tro gặp gió. Đại tá vội vàng quờ tay tìm súng và lệnh cho đơn vị tản ra, nhưng bắt gặp khuôn mặt mấy người con vây quanh thì bác ấy bừng tỉnh, hơi chút ngượng ngập, bẽ bàng.

Bố con lão Cần rỗ đợi mấy ngày cho rừng ổn định mới dám tiếp tục đi lấy củi. Vành ngoài rừng vẫn bình thường, cây cối không suy suyển gì, nhưng vào sâu một chút thì thấy đất dưới các gốc cây đều tơi xốp, chỉ tác động một lực rất nhẹ là cây kéo nhau cùng đổ thành từng mảng lớn. Thẳm sâu dưới lòng đất thoang thoảng vọng lên những tiếng rền rĩ tê dại. Không lấy được củi, nhưng bố con lão Cần rỗ vớ được một con hổ bị cây đè đang ngắc ngoải. Lão Cần kín đáo thuê người từ Đồng Xẩm sang nấu cao hổ, tiền công trả bằng một phần tư số cao nấu được. Chuyện không giữ kín được, lọt ra ngoài, chính quyền xã tới đòi lập biên bản tịch thu nồi cao đang nấu nhưng lão Cần không chịu. Lão lập luận rằng ở cái đất này, từ trước tới nay, cứ năm ngày mấy ông lãnh đạo to nấu một nồi cao lớn, mười ngày mấy ông lãnh đạo bé nấu một nồi cao nhỏ, sao không đến mà lập biên bản tịch thu. Đây là lộc giời cho gia đình lão được hưởng, chẳng phải ăn trộm ăn cắp của ai cả nên đừng có bố con thằng nào dúng mũi vào. Hai bên cãi chày cãi cối một chặp, lão Cần tức khí liền xúc một xẻng cứt từ hố xí nhà mình đổ vào nồi cao, thế là hòa cả làng. Lộc trời cho từ trận động rừng bị xóa sổ bởi một xẻng cứt đầy tính chất manh động, may mà còn vớt vát được bộ da hổ do mấy đứa con nhanh chân tẩu tán kịp.

Khi được tớ nhắc rằng mình đã nhớ lộn thì đến lượt Đại tá đần người, mặt rượi buồn.

Rồi Đại tá bắt đầu thường xuyên nhầm lẫn chi tiết của sự kiện nọ với sự kiện kia. Có lúc đang kể về cuộc họp tiểu đoàn chuẩn bị cho chuyến vượt sông Công Pô đánh chiếm Ngọc Bờ Hênh, chỗ mà tớ đến rồi, bác ấy lại để lẫn vào đó chi tiết đặt trả cuốn kinh Phật trên gờ tường chùa Quang Minh, chùa ấy Liễu đã đến rồi, khi di chuyển tới trung tâm thành phố Sài Gòn. Tệ hại hơn, ngồi nói chuyện với bà Lan mà Đại tá còn gọi nhầm thành bà Ngải, nhầm đến mấy lần, khiến cho bà bạn già phát cáu bảo nếu nhầm lần nữa thì sẽ bỏ về. Bác ấy vẫn nhầm. Cũng chẳng ai bỏ về.

Và điều lạ lùng nhất là bác ấy tuyệt không một lời nhắc tới chuyến thăm lại chiến trường cũ kia.

Trí nhớ con người ta tương tự như bầu trời cậu ạ, thoạt đầu thì hưng hửng, tươi rói, sau thì chói chang, và kết thúc lại êm êm lìm lịm một cách đầy bẽ bàng.

Nhìn kìa Phốc, những vạt nắng đỏ ối nằm soãi trên mặt sông hắt lên hàng tre bờ bên kia những dải chờn vờn như lửa cháy ngầm. Lâu lắm sông Cầu chẳng dâng lũ, có lẽ thượng nguồn đang cạn kiệt. Sông vợi nước trông giống như thanh gươm cùn gỉ, lam nham, hẻo lả.

Về thôi, không nên nấn ná quá lâu ở chỗ hòang hôn tàn.

 

 

 

15

Đêm qua có ai đó đi ngang qua cửa sổ và tớ nhìn thấy dấu vết hằn trên không khí bởi vì sáng nay tớ dậy rất sớm.

Rửa mặt xong, tớ ăn quáng quàng bát phở quánh mỡ của vợ chồng nhà Rồ rồi qua gọi Thảnh cùng sang Tuyệt Sơn. Gọi tới câu thứ ba thì Lanh thò đầu ra  cửa nói Thảnh đã đến cơ quan.

Một mình tớ sang đó, theo đường từ hướng Đồng Xẩm.

So với gần hai chục năm trước, khi tớ đem thiếp sang mời mọi người dự đám cưới Hoành, con đường hầu như chẳng thay đổi. Vẫn lổn nhổn gập ghềnh bởi những viên đá quặng và hai bên là đồng lúa tràn chảy loanh quanh dưới chân những ngọn đồi trơ trọi.

Trong nắng buổi sáng, từ xa bãi tha ma trông vô hồn, lô xô những gò đống mà chẳng dậy mùi hoảng sợ. Ngày xưa, theo tớ nhớ thì ai cũng sởn gai ốc mỗi khi có việc đi qua đây vì ở những bụi cây nho nhỏ quanh năm úa vàng luôn lẩn quất những cái bóng dị thường, ảo mờ.

Tìm chỗ dựng được xe, tớ nhón chân nhảy qua cái rãnh rộng để vào bãi tha ma.

Một màu xám cằn cỗi phủ lên những bụi cây gầy guộc, những nấm mộ cũ kỹ, bệch bạc, ván mục vứt ngổn ngang, bừa bãi trên miệng những huyệt mộ trống hoác. Bóng các u gò đổ xuống làm mặt đất ngổn ngang hơn. Không một nấm đất mới, điều ấy chứng tỏ khá lâu chẳng có ai được đưa vào đây.

Hoành đã nói đúng.

Mấy con chim đen lượn lên lượn xuống trên cây Nhội cuối bãi tha ma. Gió vẫn lồng lộng cùng ánh nắng ủ ê hoang vắng. Tiếng chó sủa vu vơ đâu đó trong khu dân cư vọng tới, lúc thoảng lúc rõ. Chẳng hiểu sao tớ vẫn thấy thiêu thiếu một thứ âm thanh nào đó mà không tài nào nhớ ra được. 

Vừa mò mẫm đi tìm chỗ đất mà khả năng Hòa chọn cho Đại Tá, vừa ngó những tấm bia sơ sài cắm trên mộ, tớ nhận ra vài ba tên tuổi quen lờ mờ. Đến góc trái của bãi tha ma thì tớ gặp tấm bia nhỏ, mốc meo nhưng còn rõ tên. Đố cậu đoán được là của ai? Của thằng Tuấn bạn tớ đấy. Nó là con cô giáo Xuyến.

Hồi ấy Tuấn mắc bệnh viêm màng não, bệnh xá của đoàn địa chất đã trả nó về nhà để chờ chết. Lúc tớ vào thăm, thằng Tuấn nằm bẹp trên giường, mắt đóng sập, người trong suốt như một củ cải, bấy nớt, mong manh. Cô giáo Xuyến ấp tay lên trán con, nấn ná một lúc rồi đứng dậy ra ngoài để cho hai đứa bọn tớ nói chuyện với nhau. Tớ ngồi xuống mép giường, tránh chạm vào Tuấn dù tớ tin mười mươi nó biết đó là bệnh không lây. Thằng Tuấn cụng cựa, muốn nói gì đó và phải lúc sau nó mới phát ra thành tiếng hỏi xem tớ còn viên bi đá nào không. Tớ gật đầu, thè lưỡi liếm quanh miệng làm như môi mình cũng khô và nứt nẻ chẳng khác gì môi thằng Tuấn. Cho tao vay một viên nhé, vay thôi...Giọng thằng Tuấn khó nhọc, đứt rời ra. Chẳng giấu gì cậu, tớ đã nhìn bàn tay gầy guộc thò khỏi lớp chăn mỏng của thằng Tuấn bằng cái nhìn lờm lợm. Rồi tao sẽ trả, cái câu ấy nồng nặc mùi vị tuyệt vọng. Cho mày luôn, tao có hai viên, đang xoáy một viên nữa, tớ hấp tấp trả lời nó. Mặt thằng Tuấn hơi rạng lên. Những viên bi đá luôn là “đại tướng” trong đoàn quân bi đất. Dạo ấy, bi ve, loại bi óng ánh như ngọc, còn chưa tới được vùng Tuyệt Sơn xa xôi, gập ghềnh này. Các trận chiến chỉ có bi đất và bi đá chọi nhau. Cậu biết không, tớ đã mất ba ngày để xoáy một viên bi đá nữa nhưng chưa xong vì loại đá xanh ấy quá cứng, làm mòn đến hai vỏ ốc sên mà vẫn còn méo. Nếu hoàn thành viên bi đó, tớ sẽ có số bi đá bằng số bi của thằng Hiên. Giờ cho Tuấn thì tớ lại chỉ còn hai viên và vẫn kém thằng Hiên. Cho mày luôn, thật đấy, tớ nhắc lại, hơi hùng hồn như trấn an chính mình. Đôi mắt thằng Tuấn mở hết cỡ, những sợi máu đỏ li ti chạy ngoằn trong lòng trắng và đồng tử của nó dãn ra bằng đúng viên bi đá. Cô giáo Xuyến nói với tớ rằng tớ đã làm một việc có phúc.

Hôm sau, đúng lúc lũ từ mạn ngược tràn về dâng lụt cả vùng Tuyệt Sơn thì thằng Tuấn chết Phốc ạ. Sông Tuyệt cuồn cuộn, ngầu đục kéo theo trăm thứ bà rằn mà nó ngoạm được hai bên bờ. Phải chờ nước rút hết mới đem chôn thằng Tuấn được.

Ngay khi Tuấn chết, tớ đã nằm mơ thấy nó. Thằng Tuấn cầm tay tớ dắt vào giữa một đám người và đám người dạt ra nhường lối cho hai đứa. Tớ hỏi, mày dắt tao đi đâu đây? Thằng Tuấn không đáp, chỉ ầm ừ và khi đến một cánh cửa lóng lánh thì tớ ngập ngừng. Thằng Tuấn muốn tớ đi vào đó cùng nó, nhưng có ai cố gắng cản trở bằng cách làm nguội lạnh, tê điếng tớ ngay tại cánh cửa.

Ông thầy mo Quyền nói rằng cánh cửa mà tớ nhìn thấy là cửa tử.

Vì dừng lại ở cửa ấy nên bây giờ tớ mới có cơ hội quay trở lại đây như một người khách. Mà một người khách thì không thể đoán định được vị trí nào sẽ là nơi đào huyệt của Đại Tá, đúng không cậu?

Sau lớp ánh sáng bị không khí làm cho méo đi, núi Rùng, đứng một mình, cũng méo hơn. Rời bãi tha ma, nhìn đồng hồ, thấy còn sớm nên tớ quyết định đi lòng vòng quanh khu sơ tán nhưng có ý tránh không qua Ao Lang.

Nơi ở cũ của gia đình Đại Tá khác xưa nhiều. Ngôi nhà mái lá gồi, tường toóc xi giờ đã thay bằng nhà xây mái bằng, cái hủm phía trước đã được san đầy, nối với mảnh sân cho nên sân rộng hơn. Những dây hồng tiên hoa trắng quả vàng không còn dấu tích nào nữa, không còn dấu tích của những đám xấu hổ bùng nhùng, tròn tròn với màu xanh thẫm và những chùm hoa hồng tía đầy khêu gợi. Chỗ cây ổi đã thay vào một cây xoài to bằng thân của đứa trẻ đang tập đi. Tớ tiết lộ cho cậu điều này, ngày xưa, Thảnh đã ngã một cú trời giáng ở cây ổi đó khi cố nhoài ra hái quả.

- Bác tìm nhà ai đấy?

Một con bé khoảng sáu tuổi, gầy ngỏng, chạy ra chào đón tớ hơn là dò xét tớ, nó mặc chiếc áo hoa màu tím, chân đi đôi dép nhựa trắng đã ngả sang màu cháo lòng và đôi lông mày nhàn nhạt của nó vồng lên hình cánh cung. Nghe tớ trả lời rằng tớ chỉ sang chơi thì con bé hơi cau mày càu nhàu:

- Cái bác này buồn cười thật, ai lại đi chơi một mình. Mắt bác làm sao thế?

Tớ hỏi lại:

- Bố mẹ đâu?

- Trong nhà. Bố mẹ cháu bảo nhà này hồi trước là của ông Đại tá đấy. - Con bé nói với vẻ dọa nạt ngầm và cẩn trọng đóng cái cổng sắt lại, khi đã ở bên trong cổng sắt, nó mới yên tâm gặng tớ - Bác chẳng quen ai ở đây hả?

Tớ gật đầu, hơi lặng đi, chắc là nhìn bề ngoài trông tớ giống đám mây, đung đưa, bồng bênh. Hai tay giấu ra đằng sau, khuôn mặt quắt của con bé vênh lên:

- Mẹ cháu dặn là tránh gặp người lạ, họ không ăn cắp thì cũng bắt trẻ con mang bán sang Trung Quốc.

Sau câu nói của con bé, không khí cũ đi, ngả sang màu vàng úa bơ phờ.

Ngày ấy tớ đang đứng trước cổng nhà tò mò ngó dải sương mù dồn từ chân núi tới thì ông cụ râu tóc trắng lóe từ màn sương ấy bước ra, lẳng lặng cầm tay tớ dắt đi. Chẳng hiểu sao tớ lại ngoan ngoãn trôi theo ông cụ ấy. Trước khi rẽ vào cái lối nhỏ, tớ còn kịp nhớ và ngoái nhìn cây hồng đỏ rực quả của nhà mình. Tớ và con em gái tớ chưa bao giờ được ăn thỏa thuê hồng vì phải để dành cho bố mẹ mang sang thành phố bán lấy tiền mua gạo. Ông cụ bảo sẽ đưa tớ tới nơi có rất nhiều cây hồng như thế, sẽ tha hồ ăn, không ai cấm. Hai ông cháu đi mãi, đi mãi cho tới khi tớ mệt quá nhắm mắt ngủ và sáng hôm sau thì bàng hoàng nhận ra mình đang ở nơi khác, rất xa nhà. Tớ đã khóc, đã lăn lộn đòi về nhưng một người đàn ông da mai mái, gầy đẹt dọa sẽ móc mắt khiến tớ phải nín bặt và quãng thời gian ba năm ấy mãi mãi chỉ là dải sương mù chờn vờn với đôi cánh cửa bằng gỗ gụ chắc nịch, mở ra đóng vào một cách bí ẩn, lạnh lùng trong tâm trí tớ.

- Đã có bạn nào của cháu bị người dân tộc bắt chưa?

Tớ ngồi xổm trước cổng, hỏi. Con bé nhăn trán, có vẻ nó đang cố gắng lục lọi trí nhớ, lục lọi một cách kịch liệt nhưng cuối cùng đành thất vọng lắc đầu, mái tóc cũn cỡn văng vẩy sang hai bên. Tớ bảo:

- Nhưng vẫn phải cảnh giác.

Một chiếc xe công nông bành bạch chạy qua cuốn theo lớp bụi đỏ quạch phía sau. Con bé đưa hai tay lên bịt toàn bộ khuôn mặt để tránh bụi. Tớ cũng làm như nó. Chiếc công nông xa dần như một cơn lốc nhỏ, đơn lẻ, ngẫu hứng khi trời lộng gió. Con bé buông hai tay thõng xuống và một vệt bụi đỏ mờ hằn ngang giữa chân tóc và chân mày của nó, đó là nơi hai ngón tay không khít vào với nhau được.

- Cháu chẳng sợ ai cả, thật đấy, chẳng sợ tí nào. - Đột nhiên con bé leo lẻo - Cả cái mắt lác của bác cháu cũng chẳng sợ. Cháu chỉ sợ người lạ thôi.

Câu cuối con bé lí nhí, tuồng như nó ngượng với chính mình.

- Ừ, nếu có ai dỗ đưa đi ăn hồng chín thì nhớ là phải từ chối đấy, nhớ đấy.

Tớ bần thần dặn.

Bên kia đường, đối diện với nhà Đại tá là nhà ông Bách phệ, ngôi nhà khang trang, rộng rãi nhất cả khu sơ tán. Bây giờ chỗ ấy là năm sáu ngôi nhà hình ống xây sát nhau, như một dãy phố cỏn con, chính xác hơn, như một mảnh thị thành văng vào đây, chỉ là mảnh nhỏ xíu lạc lõng. Hồi trước phần lớn các nhà đều vách đất, mái lá gồi cho nên thi thoảng lại xảy ra một đám cháy và mỗi lần như thế là cả một cuộc long trời lở đất những tiếng rên la, nháo nhào.

Ngày tớ trốn qua được cánh cửa gỗ gụ dày ự của gia đình người Thổ kia, tìm được về cũng là ngày nhà tớ trở thành một đống tro khổng lồ. Do nhà bị cháy lúc nửa đêm cho nên mẹ và em gái tớ không kịp chạy ra ngoài. Tớ không khóc, nhớ nhé Phốc nhé, tớ không khóc, chỉ nhìn ngọn lửa như cái lưỡi khổng lồ cố gắng liếm vào cây hồng đang rụng hết lá, quả đỏ rực, chiu chít. Khi tớ bị dắt đi, cây hồng cũng đang độ quả chín. Cậu biết không, tớ được tự do rứt những quả hồng chín trong tầm với để ăn, tớ nuốt lấy nuốt để những quả hồng vào mồm như nuốt những cục than đượm. Rồi một người bộ đội với chiếc ba lô to kệnh sau lưng đến cầm tay tớ. Đó là Đại tá của bọn mình, là anh ruột của mẹ tớ, là bác của tớ. Tớ trôi theo Đại tá ngoan ngoãn như đã từng theo ông cụ dạo nọ, chỉ có điều lúc ấy bụng đã ních căng hồng. Tớ gia nhập gia đình Đại tá khi vừa tròn mười một tuổi. Mãi sau này cậu mới gia nhập.

Những lối đi cũ, những con đường mòn nhỏ hẹp dẫn tới các ngôi nhà giờ đã bê tông hóa nên sạch sẽ. Cả cái hàng mười chín cây lộc vừng lá mướt xanh cũng biến mất gần hết, chỉ còn lại một cây duy nhất, nó to lớn, tán lá xòa rộng nhưng cô đơn. Chẳng hiểu vì lí do gì mà nó sót lại. Những rễ cây gồ lên trồi lặn một khoảng rộng và nắng lọc qua tán lá in hoa văn trên những chiếc rễ khiến chúng như đàn trăn đất đang di chuyển xa khỏi tổ. Nắng cũng rải lên người tớ một giấc mơ hoa đượm vàng, phù du.

- Mả cái con mẹ nó chứ...

Tiếng người xào xạc phía bên kia hàng rào găng làm tớ giật thột ngoái sang. Một mái tóc bù xù nhấp nhô bên trên khuôn mặt hình tam giác đỏ lựng, một lão già, chắc là đang say rượu, chệnh choạng tiến lại gần bờ rào và hai cẳng tay gầy guộc khua lên.

- Mả cái con mẹ nó chú ạ, tôi đã bảo rồi, cứ thử lần nữa xem, nó vật chết đứ đừ ngay.

Mùi rượu thoang thoảng bay qua hàng rào tạt lại chỗ tớ. Trong buổi trưa tĩnh mịch, tiếng của lão già nghe rõ đến mức không thực nữa. Có thể lão già sẽ phi qua hàng rào găng để ra gây sự với tớ, phải phi qua thôi, chứ vạch rào thì không thể, bởi những cây găng đan nhau chật kín và gai tua tủa đến mức chó, gà cũng khó lòng chui qua. Thực ra lão già vẫn tỉnh táo, lão ta chỉ đỏ mặt và hơi gân gân vậy.

- Bác nói cái cây này ấy à?

Tớ hỏi. Lão già bảo:

- Thì nó chứ ai nữa. Vật hộc máu mấy thằng rồi, cho nên đừng có lảng vảng mà đo với đếm. Tôi đố chú dám mua đấy, mả cái con mẹ nó, thế mới hay chứ...

Lão già khạc đờm và đánh mặt sang bên nhổ phù một cái. Hóa ra tớ bị nhầm là người đi mua cây cổ thụ và tớ cũng hiểu tại sao mười tám cây kia biến mất không dấu tích. Lão già quay ra xua lũ gà đang bới tung đất ở gốc cây con mới trồng rồi bỏ vào nhà như lúc ra, đột ngột, bất lịch sự. Tớ mở to con mắt lành lặn nhìn ngôi nhà của lão ta, gọi với theo:

- Chú Cần phải không?

Lão già khựng lại như bị bập một nhát rìu vào trán. Khi lão ta quay mặt lại thì tớ nhận ra đích thị là lão Cần rỗ thủa xưa.

- Cháu là Phong cháu Đại tá đây.

Lão Cần ré lên:

- À, mả cái con mẹ nó, thằng hâm hấp, thằng cháu bồ côi bồ cút mắt lác của Đại tá đây hả? Tao nhớ cái lần Đại tá dắt mày về, cả khu đổ sang xem như xem một con lợn giống. Buôn cây lâu chưa?

Tớ cười gượng gạo, cải chính rằng tớ sang tìm Hòa có tí việc chứ không phải mua cây. Nói xong tớ lại thấy mình như đụn mây rung rinh, chao đảo. Lão Cần rỗ khoát tay một vòng, bảo:

- Đi đường kia, vào nhà chơi. Mả cái con mẹ nó, thế chứ, giờ toàn người ở đâu đến đây cả.

Còn lại một người cũ, một lão Cần rỗ ngạo ngược, cơ cực, thủa xưa chuyên vào rừng hạ cây làm củi đem sang phố bán. Bây giờ lão Cần sống với vợ chồng đứa con gái út, còn bốn người con trai đã tản mát ra ở riêng. Vợ chồng đứa con gái út của lão ta cùng công tác ở trường tiểu học bên Đồng Xẩm, vợ là giáo viên thể dục, chồng làm hiệu phó. Tớ theo lão Cần vào nhà, thấy mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ, phần lớn là mới hoặc được giữ cẩn thận nên vẫn mới. Chỉ trừ mỗi chiếc xe đạp dóng khung ngang dựng ở góc nhà là không ăn nhập gì, nó tróc lở, rách nát, lốp bó chằng bó đụp bằng những vòng dây cao su. Đó chính là chiếc xe ngày trước lão Cần hay dùng để thồ củi. Lão Cần bảo lão giữ làm kỷ niệm, nhắc cho vợ chồng đứa con gái út nhớ chúng nó sống được là nhờ cái xe này. Tớ hỏi về bộ da hổ thì lão Cần ran rân bảo cái dạo đói quá đã đem đổi lấy gạo mất rồi.

Cậu hình dung được không, ở khu Tuyệt Sơn, gia đình lão Cần sống vất vả nhất, nhếch nhác nhất vì đông con, có đến bảy đứa, sáu trai, một gái út. Năm thằng con trai đầu của lão ta chỉ học đến hết cấp Một rồi nghỉ, hàng ngày theo bố vào rừng lấy củi đem sang thành phố bán. Thoạt đầu cả nhà lão trông vào chiếc xe đạp dóng khung ngang, sau tích góp mua thêm hai chiếc nữa cho hai đứa con lớn.Mang tiếng là nhiều xe đạp nhất khu sơ tán, nhưng ba cái xe nhà lão gộp lại chẳng mua nổi một con Phượng Hoàng cánh chả của ông Bách. Để lấy loại củi đun trong gia đình, mọi người vào hông của núi Rùng, nó gần và cũng sẵn, chỉ có điều toàn cây nhỏ, còn loại để bán thì phải là cây to, chẻ thành thanh, đóng bó tròn trịa, đều tắp. Những cây to lần lượt bị đốn hạ hết, rừng chỉ còn lại những cây nhỏ, nên bố con lão Cần rỗ phải đi xa, vào tận Khe Bò để lấy. Cả khu sơ tán ngưỡng mộ những xe củi của bố con lão ta, đi thì đèo nhau, về thì dắt bộ, hai người một xe, kẻ dắt người đẩy, xe nào cũng chất ự củi, từ xa nhìn chỉ thấy một đống đỏ au lừ lừ chuyển động. Cái khoảng sân trống trải bây giờ, ngày trước từng lúc nào cũng chật củi, bó lớn bó nhỏ trông rất đẹp.

- Uống nước đi. Này, mả cái con mẹ nó, chú hỏi không phải, Đại Tá bị sao mà phải vời tới thằng lang băm kia thế?

Lão Cần xoa cật lực hai tay vào hai đầu gối. Tớ kể với lão Cần rỗ tình trạng của Đại tá và cái quyết định sang bên này xem đất chuẩn bị lo hậu sự cho bác ấy. Lão Cần rỗ nghe mặt ngẩn ra, rồi buông một câu chẳng đâu vào đâu:

- Từ dạo dân sơ tán về hết bên phố thì đất này chán hẳn. Lắm lúc...

Câu nói bị bỏ lửng như kẻ nói bỗng dưng rơi hút vào khoảng hư vô. Thoang thoảng những âm thanh chiêm chiếp chẳng rõ của loài gì, gà con hay chim trời, lả lướt rờ rờ trên khoảng sân vắng. 

- Mày bảo nhờ thằng Hòa lang băm xem đất cho ông cụ hả? - Lâu sau lão Cần mới lên tiếng trở lại, giọng lao xao - Bố nó thì xem ra còn được, chứ nó, chậc, chú nghi lắm. Chú thấy nó toàn ba hoa thánh tướng đẩu đâu, còn ở đây thì loay hoay mãi chẳng vực nổi cho thằng Hớn con bà Điệu đứng lên được. Nhưng quan hệ với bọn chính quyền thì công nhận là nó tài, cửa nào cũng qua được. Thế mày không buôn cây thì làm nghề quái gì?

Tớ không muốn bị hỏi lôi thôi nên nói dối là làm ở cơ quan nhà nước. Mặc dù nhìn tớ đầy nghi hoặc, nhưng lão Cần vẫn xa xót thốt lên:

- Thằng Việt nhà chú mà còn, giờ cũng có khi bò lên đến đại tá rồi.

Việt là con cả lão Cần, nhập ngũ tháng hai năm bảy chín và hy sinh sau đó đúng một tháng ở mặt trận Cao Bằng, Phốc ạ. Tớ nhớ là Việt không giống bố tí nào. Lão Cần xương xương, vèo vọ, còn Việt lại to đậm, chân đi chữ bát, hai cánh mũi tròn căng, bóng nhẫy như cánh mũi của trâu. Việt cả ngày chẳng nói một câu, ai trêu cũng kệ, chỉ biết ăn và đốn củi, nhưng cục tính, lúc đã nổi máu lên thì trời đối với Việt cũng chỉ là con gà mái mơ, có thể quăng rìu cho chết tươi. Khi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên thì Việt vừa cưới vợ được hai tháng.

Lão Cần khoe với tớ bây giờ vợ Việt đã có con đi làm ở thành ủy, nghe nói thư ký thư cọt gì đấy, có điều đó không phải con Việt mà là con của người chồng thứ hai.

Trong số mấy đứa con trai của lão Cần thì Khoa, em sau Việt, trước khi xảy ra vụ nạn kiều khoảng nửa năm đã chết vì đánh nhau với tay Voong người Hoa. Đến bây giờ tớ không nhớ chính xác ngày xảy ra vụ đánh nhau giữa tay Voong và Khoa, nhưng cái mùi của ngày ấy thì vẫn nhớ như in. Đó là mùi cơm khê, cứ khen khét, ngằn ngặt. Hàng xóm đã nhiều lần cảnh báo lão Cần nên khuyên con cái tránh xa gia đình nhà ấy ra, vậy mà lão ta không bảo mấy đứa con hung hăng của mình mà cứ để chúng xếp củi lấn sang đất nhà Voong và tay Hoa kiều ấy cũng không kìm chế được, thế là đôi bên văng nhau dữ dội. Khoa cậy mình vâm cây hơn nên đánh Voong trước mặt vợ con tay đó. Khoa tát mấy cái nảy đom đóm mắt Voong khiến đám con tay đó sợ hãi bìu ríu nhau khóc váng lên. Vợ Voong thì không phản ứng gì, chỉ lầu bầu nói tiếng Hoa với chồng. Voong bị đấm ngã dúi dụi, quệt máu mồm máu mũi đứng dậy, lại bị Khoa đạp cho một đạp giữa mặt, đổ vật xuống như cọc rào bị trâu xéo. Voong nằm một lúc, mắt trừng trừng nhìn trời, ai cũng tưởng không thể gượng lên được nữa, thế mà tay đó đứng bật dậy, gọn đến mức tất cả mọi người đều thất kinh. Voong lơ lớ bảo Khoa, mày đánh tao nhiều rồi, giờ tao sẽ đánh lại mày. Khoa cười hô hố, ưỡn ngực thách, địt mẹ thằng già này, tao cho mày đánh thoải mái. Tao chỉ đánh một cái thôi, đúng một cái, ba tháng sau mày sẽ chết, nói chưa dứt lời, Voong thoắt đảo người vòng ra sau và điểm vào bên dưới bả vai trái của Khoa. Điểm đúng một cái, rất nhẹ, rồi lại đảo người về đứng đối diện với Khoa. Ngạc nhiên quờ tay ra chỗ bị điểm, Khoa ngớ ngẩn hỏi, ông đâm tôi hả? Nhưng không ai thấy Voong cầm vật gì, chỉ chụm năm đầu ngón tay điểm nhẹ thôi. Voong dắt vợ con về nhà, mặc Khoa chửi rủa, sỉ vả, giễu cợt phía sau. Cú đánh ấy, như Khoa thuật lại sau đó vài tuần cho y tá của Trường lái xe Tiến Bộ, chỉ nhói một cái rồi chẳng thấy đau gì nữa. Chỗ bị Voong điểm vào không có vết thâm tím nào.

Mọi chuyện lại bình thường. Voong vẫn lù đù lờ đờ chấp nhận những đống củi ngất nghếu của gia đình lão Cần rỗ lấn sang phần đất nhà mình.

Chỉ có Khoa là tự nhiên thấy người yếu hẳn, hay tức ngực, hay ho khan và mỗi lúc một rộc đi. Khoa tới bệnh xá của Trường lái xe Tiến Bộ để khám, sau đó xuống bệnh viện huyện, lên bệnh viện tỉnh, nhưng cả ba nơi ấy đều không chẩn đoán ra bệnh. Rồi Khoa ho ra máu, nửa đêm là ho, máu lẫn với đờm như người lao. Lão Cần mời thầy mo Quyền tới, nhưng thầy mo Quyền lắc đầu bất lực, lại mời một ông lang ở Ba Bể xuống, ông này bắt mạch xong, lắc đầu không nói gì, khăn gói qủa mướp đi thẳng. Khoa chết lúc tảng sáng, trước khi chết hay nói hoảng, van vỉ cầu xin đổ nước vào miệng mình vì thấy lửa hun rần rật trong người.

Từ lúc bị Voong điểm cho tới khi Khoa chết, đúng ba tháng.

Trước khi Khoa chết khoảng một tuần thì gia đình Voong chuyển đi, sau đó tất cả người Hoa cũng bị quét sạch sành sanh. Thực ra gia đình Voong sống kín đáo, biết điều, con cái đứa nào cũng ngoan ngoãn, chỉ phải cái học không giỏi. Thầy mo Quyền bảo với dân Tuyệt Sơn rằng sự thông minh của người Hoa không đặt nặng vào học mà đặt vào cuộc mưu sinh. Việc gia đình Voong chuẩn bị chuyển đi cũng khá bí mật, chẳng ai biết cho tới khi chính ông Luân, người mua nhà của họ, nói ra thì tất cả mới ngã ngửa. Giá cả của ngôi nhà cũng không được tiết lộ chính xác, bị hỏi thì cả hai bên, mua và bán, đều trả lời ậm ờ, xuê xoa.

Bảo rằng không ai biết trước cũng chưa hẳn chính xác cậu ạ. Bà Hồng biết, mà biết từ tháng trước bởi chơi thân với bà Voong. Bà Voong nói riêng với bà Hồng rằng gia đình bà phải trở về bên kia vì linh cảm rằng mọi thứ sẽ không như trước nữa. Người Hoa tin vào linh cảm của họ. Bà Voong còn tặng bà Hồng bộ bàn ghế bằng gỗ trắc, một cái tủ chạn cũng bằng gỗ trắc cùng mấy thứ đồ lặt vặt khác mà họ không mang đi được. Đến khi gia đình Voong đi rồi, bà Hồng mới dám kể lại cho mọi người. Ông Bách phệ dè bỉu: Quẫn cả một lũ. Mãi mới lắng được một tí thì lại đùng đùng khuấy lên, có mà đói rã họng với nhau.

Cậu hình dung nổi không, thời gian ngắn sau thì linh cảm của gia đình Voong ứng nghiệm một cách khốc liệt.

Câu dè bỉu của ông Bách phệ cũng ứng nghiệm một cách khốc liệt.

Chiếc quạt điện của Tàu màu xanh nõn chuối êm ro lắc từ bên nọ sang bên kia, chậm chạp, từ tốn, từ tốn chậm chạp lại làm tớ cồn lên vì nhớ Liễu. Ngoài sân, mấy con chim sẻ tìm kiếm thức ăn cùng với đàn gà con, thi thoảng chúng túa lên rồi lại sà xuống.

Bỗng dưng tớ muốn chết thế cơ chứ.

- Ở đây ăn trưa với chú, có mình tao thôi. Lắm lúc buồn đứt ruột.

Lão Cần như vừa chồi lên từ hư vô để nói nốt câu đã bỏ dở lúc trước. Tớ từ chối lời mời, đứng dậy xin phép đi. Lão Cần cũng không giữ. Ra khỏi cổng, đi qua cây cổ thụ, tớ nghe tiếng lão ta với theo:

- Hai cây bị sét đánh chết, một cây bị sâu, còn lại thì bị chúng nó bứng sang bán cho dân phố hết. Còn mỗi cây này đấy. Mả cái con mẹ nó.

 

 

 

 

 

21

Hãy nhìn kỹ đi Phốc, ban mai đang đến. Thoạt đầu lớp mây phủ dày bầu trời cựa nhẹ, sau đó nứt dần để ánh mặt trời xuất hiện, cuối cùng thì mặt trời thò đầu ra, ngơ ngơ nhìn quanh. Buổi sáng nở tưng bừng như trứng gà nở. Chiêm chiếp, rạo rực.

Tớ phải quét sân sớm vì tí nữa nhà sẽ có khách. Hôm qua Vân bảo sáng nay chị em Hương Mai, Hương Mơ và Nguyên con rể bác hai tớ sẽ lên thăm Đại tá. Hoành qua, thấy tớ quét hết lá trên sân vào một góc, liền cằn nhằn tại sao không hót hết vào cái thùng rác rồi đem ra ngoài đường đổ mà lại vun vào đấy. Tớ bảo tớ chờ lá khô rồi sẽ đốt.

Hoành đi đi lại lại ở khoảng giữa tớ và cái đống lá ướt nhẹp. Tớ thú nhận với cậu ấy rằng lâu lắm rồi, kể từ hồi nhà tớ cháy, tớ không được ngửi mùi lửa. Mùi lửa ngày ấy còn luẩn quất trong khắp các tế bào của tớ. Mùi khói thì dễ ngửi thấy, nhưng mùi lửa thì không dễ, không phải ai cũng ngửi thấy mùi lửa.

- Mùi lửa ấy hả?

Câu hỏi đầy ngờ vực của Hoành khiến tớ nhận ra cậu ấy chẳng nhớ gì cả. Tớ giải thích với cậu ấy là tớ thèm được ngửi mùi lửa.

- Ông giời ông ấy cho ai thì người ấy ngửi được.

Nghe tớ nói, Hoành gần như cẫng lên vì kích động, cậu ấy hỏi dồn tớ xem mùi lửa nó thế nào.

- Nó giống mùi lá hồng khô.

Tớ nghĩ Hoành đã quên mùi ấy thật và muốn biết lại thật nên bảo cậu ấy. Hoành ngả hẳn người ra sau nhìn vẻ mặt nghiêm túc của tớ, sau đó cậu ấy gãy gáy, ra chiều phân vân. Khi ấy tớ làm chén nước sánh ra và dây mấy giọt vào cái áo sơ mi màu xanh lơ của mình.

Thoạt đầu tớ không xác định được đâu là Hương Mai, đâu là Howng Mơ vì lâu lắm chưa gặp lại chúng. Tới khi Vân chỉ Hương Mai cho tớ thì tớ mới nhận ra. Trước tớ có nghe Hương Mai yêu thằng Hợi, vốn là dân Thái Nguyên xuống Hà Nội làm thợ xây. Bất chấp sự ngăn cản của vợ chồng Vân, hai đứa vẫn quyết định cưới nhau. Lí do vợ chồng Vân và không chỉ vợ chồng Vân, tất cả mọi người trong gia đình Đại tá đều không đồng ý vì thấy khó mà chấp nhận một thằng thất học, nghề ngỗng vu vơ. Ở với nhau được sáu tháng thì vợ chồng Hương Mai ra tòa li dị và nó dọn về ở với bố mẹ.

Hương Mai mới hai mươi tuổi, mặt còn non choẹt, chất phác, pha giữa lơ ngơ với lãnh đạm. Hoàn cảnh mà Vân hay than vãn như trời sập thì đối với Hương Mai xem ra chẳng có gì đáng quan tâm. Chuyện vợ chồng bỏ nhau, chuyện phẩm giá thì tớ nghĩ, chỉ như bã kẹo cao su dính dưới đôi giày cao gót mà nó đang mang. Bề ngoài, Hương Mai trông hiền thục, thậm chí ngoan, không có nét gì của đứa từng gây sóng gió cho gia đình bằng cú lao đầu vào cuộc hôn nhân liều lĩnh. Con bé Hương Mơ thì khác, trông nó ngổ ngáo hơn. Với mái tóc nâu đỏ uốn xoăn điệu đàng, với đôi mắt kẻ thẫm và cặp môi như bóng đèn quả nhót trên ban thờ các gia đình, không thể nghĩ con bé Hương Mơ vừa học hết Trung học phổ thông và đang ôn thi vào đại học.

Xem ra Hương Mơ cũng không dại như Vân ca cẩm, trái lại, có vẻ nó đã từng trải, nhìn nét mặt, nhìn cách nghiêng đầu hất mái tóc sang bên để khoe cái cổ trắng ngần, mầm mẫm của nó thì bất cứ ai cũng phải nghĩ vậy. Vân khoe Hương Mơ sẽ thi vào nhạc viện vì nhiều người khen nó có tố chất trở thành ca sĩ. Nghe mẹ gọi, Hương Mơ ngước nhìn Vân rồi chậm rãi, oải uê đứng dậy, đôi mắt nó to đen, long lanh như hai hòn than đá vừa vớt lên từ nước, đó là đôi mắt đa cảm nhưng không mảy may dính dáng gì tới nghệ thuật. Thấy tớ tò mò quan sát mình từ đầu tới chân, con bé cắn môi, hai má nó hơi phính và xoáy đồng tiền ở má bên trái hiện ra hút ánh sáng xung quanh vào đấy.

Cũng may, lúc ấy Hoành xồng xộc vào, túm lấy hai vai con bé ấn mạnh xuống một cách thô bạo:

- Con này lâu không gặp, khác thế.

Hương Mơ thoát khỏi trạng thái xa lạ, chừng mực đang giữ với tớ, lập tức nghẹo đầu, nghẹo cổ nũng nịu với Hoành:

- Viêm màng túi nặng lắm cậu ạ.

- Mẹ, chỉ thế là giỏi.

Hoành ngoạc miệng cười hô hô, móc ví dúi cho Hương Mơ hai tờ năm trăm và con bé bình thản nhận tiền thây kệ mẹ cằn nhằn. Tớ lặng lẽ ra ngoài đứng với Nguyên. Nguyên liếc nhìn Hương Mơ rồi ghé tai tớ thì thào:

- Cái con này trông thế thôi, nhưng nó ghê lắm, ghê gấp mấy lần con chị đấy.

Nguyên ngả đầu ra xa cười he he, hồn nhiên, lại chúi vào thì thào rằng cái khóe miệng của con bé Hương Mơ trễ thế kia thì dứt khoát nó chỉ thích dấp dính với những người đàn ông cao tuổi hơn nó nhiều lần.

Hoành lấy ô tô chở mọi người vào viện. Tớ định ở nhà chơi với cậu cho cậu đỡ buồn nhưng vì Nguyên lôi kéo nồng nhiệt quá nên đành đi vậy.

Trái với chị, Hương Mơ có vẻ ngại không muốn lại gần giường bệnh, khi bị Vân lừ mắt nó mới miễn cưỡng nhón tay chạm vào tay Đại tá sau đó chạy ra ngay. Nguyên cố rít xong hơi thuốc cuối cùng, dí mẩu thừa vào góc tường, khoác áo của bệnh viện săm sái tiến vào. Lúc lâu sau Nguyên đi ra, mặt quan trọng, mắt trợn lên, bảo rằng hồi xưa bố anh ta tai cũng héo y như tai Đại tá lúc này, sau đó bốn ngày thì mất.

- Bốn ngày à?

Thảnh buột miệng kinh ngạc. Nguyên không hiểu thái độ của Thảnh, hăng hái khẳng định:

- Đúng bốn ngày. Sai thì anh hộc háu chết ngay trước mặt các chú.

Buổi trưa mọi người ăn ở quán sau đó lại kéo về nhà ngồi uống trà khoảng hơn tiếng rồi Hoành lại chở ba người ra bến xe để về Hà Nội. Nhìn Nguyên co rúm người chui vào ô tô, Thảnh khinh bỉ nói nhỏ với tớ:

- Cái tay này cứ hâm hấp thế đéo nào ấy.

Không khí dịu lại, nắng dịu lại, những cái lá ít lấp lánh, tấp tênh hơn. Và rồi từ trên cái bầu trời đùng đục thấp từ thấp tẹt thõng xuống một ngón tay út, ngón tay út thành sợi dây chão màu xám đậm. cái vòi rồng lả lướt quét dọc theo phía Tây, đúng đấy là hướng Tây không nhỉ Phốc nhỉ, dồn không khí mát lạnh ra xung quanh. Nhưng đó là cái vòi rồng vô hại, chỉ ngẫu hứng chơi chơi thế. Chả hiểu cậu thế nào, chứ tớ thì tớ thấy nó giống như chuyến thăm chớp nhoáng ngẫu hứng của mấy đứa chấu Đại tá vừa rồi.

Con bé mà Đại tá của bọn mình gặp ở cổng chùa Quang Minh cách đây mấy chục năm cũng trạc tuổi Hương Mơ bây giờ. Khi đơn vị của Đại tá dẹp xong ổ kháng cự, mở toang được cổng chùa thì thấy con bé ấy. Nó đứng một mình giữa những bức tượng phật đổ trỏng trơ, những bản kinh đang lem lém cháy, tay ghì chặt cuốn sách màu nâu vào ngực, rúm người trước nòng súng sạm khói của những người lính Bắc Việt. Ai hỏi thế nào con bé cũng không trả lời, chỉ chăm chăm nhìn Đại Tá, tuồng như nó chờ đợi bác ấy đã lâu. Đại tá nghĩ con bé dùng cuốn sách để che phần áo bị rách, nhưng hóa ra không phải. Khi một chiến sĩ khoác chiếc áo bộ đội lên vai nó thì nó hẩy ra và chìa cuốn sách cho Đại tá. Bác ấy đón lấy, giở ra, đọc lướt qua. Một cuốn kinh Phật với nội dung mù mờ, tối nghĩa, chẳng liên quan gì tới Đại tá dù cho vài câu vô tình lọt vào đầu bác ấy và nương náu kín đáo ở góc nào đấy. Đại tá cho con bé một phong lương khô và trả lại cuốn kinh nhưng nó chỉ cầm phong lương khô rồi lẳng lặng biến vào trong hậu cung tăm tối của chùa. Chẳng biết làm gì với cuốn kinh, vứt vào đống lửa đang cháy thì không đành, mang theo cũng chẳng được, Đại tá uể oải đặt nó lên gờ bức tường bao của nhà chùa, sau đó lệnh cho đơn vị tiếp tục di chuyển vào trung tâm thành phố. Có thể con bé ấy bây giờ đã thành một người đàn bà đứng tuổi, chồng con đề huề rồi. Nhưng cũng có thể số phận nó đổ theo hướng khác, bởi khi tham dự cuộc họp cùng ủy ban quân quản để rút kinh nghiệm, Đại tá được nghe báo cáo có hơn bảy trăm người bị hiếp giữa những ngày đô thành Sài Gòn rơi vào vòng tao loạn. Trong hơn bảy trăm người bị hiếp kia làm sao loại trừ được con bé ấy khi mà hoàn cảnh của nó thuận lợi nhất cho một vụ cưỡng bức: một thân một mình trong ngôi chùa mở toang cổng, áo rách toác ở phần ngực để lộ ra sự phổng phao trước tuổi. Thuốc súng làm người ta say máu, cũng khiến người ta thèm giao cấu. Một lần Đại tá kể, chỉ cho riêng tớ thôi, rằng bác ấy đã mơ thấy con bé ấy, nó vẫn đứng giữa sân chùa với cuốn kinh ghì trên ngực nhưng tóc tai chải gọn gàng, chiếc áo lành lặn, rực rỡ, tương phản với những gì chuyển động xung quanh. Mặc dù đứng sau lưng con bé, nhưng bác ấy đinh ninh nó đang mỉm cười, nụ cười vô ưu như hoa nở. Đấu tranh mãi, cuối cùng bác ấy cũng không dám tiến lên đối diện với con bé, trong mơ bác ấy vẫn sợ mình nhầm, biết đâu chẳng có nụ cười nào cả. Đó là lần thứ hai Đại tá thấy con bé. Bây giờ Phốc ạ, đứa cháu gái Hương Mơ có thể lại khiến bác ấy nhớ tới nó với cái ngày hai mươi chín tháng tư bừa bộn, ngổn ngang đến mức khủng khiếp ấy. Sáng hôm sau, ngày ba mươi, khi thành phố đã bớt  nhốn nháo vì lực lượng ngoan cố của Việt Nam Cộng Hòa thối lui tuốt luốt về miền Tây, duyên số đã đưa đẩy để Đại tá của bọn mình quen biết một sĩ quan của bên thất trận: thiếu tá Cảo.

Khi ấy thiếu tá Cảo cùng bạn mình, cũng là sĩ quan, đang bị tổ tuần tra giữ lại hạch sách giấy tờ và có nguy cơ bị xách cổ lên xe chở đi đâu đó. Nhìn thấy thiếu tá Cảo, tự dưng ruột gan Đại tá của bọn mình nôn nao rất khó tả, ngay lập tức bác ấy bảo với cậu tổ trưởng tổ tuần tra là bác ấy cần trưng dụng một tên. Cậu tổ trưởng tổ tuần tra cãi rằng đây là hai sĩ quan cấp tá, không thể trưng dụng vào việc gì ngoài việc gom lại và đưa đi thẩm tra gấp. Đại tá nói bác ấy là chỉ huy cao nhất ở đây, vì thế bác ấy có quyền quyết định cuối cùng. Cậu tổ trưởng định phản đối nhưng nghe tiếng lên đạn lạch xạch, ngó quanh thấy mấy chục anh em phía sau Đại tá lăm lăm súng trong tay, đành dẫn một viên sĩ quan đi, viên còn lại thì bàn giao cho Đại tá.

Đại tá nhờ thiếu tá Cảo tìm và trao tận tay gia đình chiếc ba lô của người chụp ảnh đã chết mất xác. Lúc ấy Đại tá chọn thiếu tá Cảo vì thấy cần phải chọn chứ hoàn toàn không hề biết rằng đó là người trùng cả ngày sinh, năm sinh với mình.

Sau lần ấy thì Đại tá có một người bạn ở phương Nam, đích thị là một người bạn. Thiếu tá Cảo vẫn thi thoảng viết thư thăm hỏi Đại tá. Nhờ mối quan hệ ấy mà Đại tá biết thêm kiến thức về Nam bộ, cái vùng đất ì oạp sông nước, lừng thơm hoa trái. Qua thư, thiếu tá Cảo hay kể về vùng quê Bạc Liêu và bà chị của mình, một người đàn bà quanh năm linh đinh trên sông nước, thi thoảng ghé lên thành phố thăm cậu em, vứt cho cậu ta mớ cá, mấy giỏ trái cây kèm theo dăm ba câu trách móc vì không về thắp hương cho tía má.

Tớ tin là bà chị của thiếu tá Cảo thường làm cho Đại tá liên tưởng tới hình bóng của Ngải với dáng người đậm đà, nước da trắng, tóc dày đổ xõa như tàu lá chuối đen và đôi mắt lay láy ướt.

Sau nữa thì Đại tá còn biết thiếu tá Cảo không phải là lính hậu cần như ông ta khai lúc đầu, mà một thời từng được xung vào đội biệt kích của tổ chức SOG, chuyên bắt cóc ngư dân Bắc Việt để đưa về cù lao Chàm. Theo như thiếu tá Cảo kể thì bọn họ xâm nhập vào vùng biển miền Bắc bắt cóc ngư dân, bịt mắt đưa về cù lao Chàm ở Đà Nẵng, cho đi thăm quan khu dân cư trên đó đã được xây dựng theo đúng như một làng chài ngoài Bắc, nhưng giầu có hơn, rồi bảo đấy là vùng đã được tổ chức kháng chiến giải phóng trên đất Bắc. Sau một thời gian cho ăn ở sung sướng, suốt ngày nghe chương trình của đài Gươm thiêng Ái quốc, nhồi nhét vào đầu những tư tưởng nổi loạn chống chính quyền, thì lại bịt mắt đem ra vùng giới tuyến thả về để họ tuyên truyền cái vùng tự do sung túc, giàu có ấy cho những người khác.

Khi nghe thiếu tá Cảo thú nhận, Đại tá bảo bác ấy không hề giận mà chỉ ngạc nhiên là tại sao trong chiến tranh người ta lại phải bày ra những thủ đoạn lạ lùng, tinh vi, tốn kém như thế.

Năm bảy mươi tám, thiếu tá Cảo ra thăm Đại tá. Ông ta chỉ mang được mấy gói kẹo mè xửng và dăm cân hoa quả, trong đó có hai trái sầu riêng mà chẳng ai ăn nổi, đành bỏ. Thế cũng là nhiều vì thời điểm ấy cảnh ngăn sông cấm chợ đang ở đỉnh cao. Trong lúc chờ ăn cơm, Đại tá đem chai rượu làng Vân và gói lạc rang ra nhâm nhi cùng thiếu tá Thảo. Chuyện một hồi, thiếu tá Cảo nói với Đại tá nếu tình trạng cấm đoán này còn kéo dài thì ông ta sẽ sang “bển” ở với vợ chồng người con cả. Đại tá khuyên bạn nên suy nghĩ lại, sống thế nào cũng là sống, ăn bánh xăng đuých hay ăn cơm độn khoai cũng vẫn là ăn và sẽ có cơ đổi khẩu vị. Nhưng quê hương mãi mãi không thể rũ bỏ, cũng như nước Mỹ mãi mãi chỉ là nước Mỹ, là một cửa hàng bách hóa lớn, không thể thành quê hương của ai bởi đất ấy chưa từng được thau bằng máu của bất cứ dân tộc nào. Thiếu tá Cảo ca cẩm bị chính quyền thành phố làm phiền nhiều, đi đâu cũng phải xin phép, trình báo, còn Đại tá lại cho rằng, với một thiếu tá biệt kích của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thế vẫn còn là ít, lẽ ra ông ta phải bị dẫn đi đâu đó biệt tích.

- Tôi đã thấy cả ruột, cả bọng đái, cả dạ dày của cậu trợ lí tác chiến đơn vị tôi.

Đại tá nhìn thẳng vào mắt thiếu tá Cảo và nói. Sau, để bớt vẻ nghiêm trọng, Đại tá lại bảo con người ta sống được là quý nhất, còn lại mọi thứ đều tầm phào. Thiếu tá Cảo cúi đầu, xoay qua khen rượu làng Vân ngon. Đại tá, và dĩ nhiên cả tớ nữa, chưa có cậu đâu nhé, chẳng hiểu đấy là lời khen thật hay khen xã giao vì trước đấy một lúc, chính thiếu tá Cảo đã nói dân Nam kỳ chỉ dừng lại ở rượu đế. Tóc thiếu tá Cảo dạo ấy bạc, còn tóc Đại tá vẫn đen nên ông ta thắc mắc với Đại tá:

- Hai thằng mình cùng tuổi, cùng ngày sinh, mà tóc tôi thì đã bạc còn tóc ông chưa mấy sợi phai màu là sao?

Đại tá vừa cắn nhỏ hạt lạc vừa vui vẻ nói có thể là do bác ấy thường xuyên nhấm nháp lạc rang, mà trong lạc rang thì có chất bùi bùi của người chiến thắng. Thiếu tá Cảo hơi nhếch môi, giọng xoay sang tếu táobảo cũng có thể là do bác ấy chưa bao giờ hút Caraven và lén đi Bar nghe Chế Linh hát.

Hai người cùng cười thỏa mãn. Sau đó thiếu tá Cảo nghiêm mặt hỏi Đại tá hồi ấy, cái hồi bảy lăm ấy, nếu mà tình thế đảo ngược thì mọi chuyện sẽ ra sao.

- Không đời nào.

Đại tá đáp chắc nịch nhưng chén rượu trên tay lại sóng sánh. Thiếu tá Cảo nài nỉ rằng đây chỉ là hai cựu binh ngồi với nhau, chẳng mất mát, đụng chạm, chẳng quan điểm quan điếc gì cho nên cứ giả sử một tí cho vui. Đại tá cau mày, sẵng giọng:

- Có những điều không bao giờ được phép giả sử.

Sau đó Đại tá và thiếu tá Cảo im lặng như lỡ đi quá đà. May có tớ nhanh nhảu mời vào ăn cơm, không thì cũng chẳng biết nối lại cái khoảng lặng ấy thế nào.

Ăn xong, lúc ngồi sỉa rằng, tự nhiên thiếu tá Cảo tháo cái đồng hồ tặng lại cho Đại tá và dặn rằng dù gì cũng đừng có vứt nó đi. Không ai để ý chiếc đồng hồ đó đã chết ở con số 10 giờ 30, chẳng biết là 10 giờ 30 đêm hay 10 giờ 30 trưa. Mãi hai ngày sau khi mở ra, mà người mở là Thảnh chứ không phải Đại tá, mới phát hiện ra điều ấy. Nhưng chính Đại tá lại là người không cho ai lên dây cót đồng hồ để nó chạy. Bác ấy giữ nó đúng như một kỷ vật chứ không phải như một vật dụng.

Chẳng có đứa con nào hiểu vì sao đồng hồ lại dừng ở con số 10 giờ 30. Cũng chẳng người con nào biết được cơn giận dữ của Đại tá với thiếu tá Cảo.

Ở sân ga Đồng Quang, khi tiễn thiếu tá Cảo lên tàu về lại Nam, Đại tá của bọn mình thấy mắt thiếu tá Cảo không nhìn lên, chỉ đăm đăm ngó xuống hàng bánh tàu nối liền nhau như chân của con quấn chiếu. Đột nhiên thiếu tá Cảo hỏi Đại tá có nhớ viên sĩ quan đi cùng ông ta hôm bị tổ tuần tra giữ lại không. Đại tá bảo vẫn nhớ. Thiếu tá Cảo cho biết người ấy phải đi cải tạo ở Vĩnh Phú, sau đó lên Yên Bái, vì sức khỏe kém quá nên vừa mới chết. Thế là Đại tá vỡ nhẽ ra thiếu tá Cảo lên thăm mộ người bạn, sau mới ghé vào thăm bác ấy. Tớ cảm giác có một nồi nước sôi ngùn ngụt bốc lên. Đại Tá nói thẳng với thiếu tá Cảo là ông ta rất giận vì thiếu tá Cảo không nhờ ông ta dẫn lên Yên Bái mà một thân một mình lặn lội ở cái nơi xa lạ heo hút ấy. Đại tá giận cả vì chuyện bác ấy chỉ là địa điểm tiện thể ghé qua trong chặng hồi hương của thiếu tá Cảo. Nhìn con tàu trườn đi, Đại tá đã nói với tớ rằng ngày ấy biết thế cứ để cho nhóm tuần tra xử lí thiếu tá Cảo như với viên sĩ quan bạn của ông ta. Vì tớ là cháu ruột của bác ấy, nên bác ấy mới nói thế, nói rất nhanh, rồi ngay sau đó lại hối hận rằng lẽ ra không nên cay nghiệt với một người đã mất hết cơ hội kiêu hãnh.

Đó là lần cuối cùng Đại tá và thiếu tá Cảo gặp nhau, còn lại họ chỉ trao đổi qua thư từ và điện thoại.

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *