Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Bạn láng giềng" - Phi Tiến Sơn

05-08-2011 02:40:56 PM

VanVN.Net - Những đợt bom lại trút xuống. Từ nơi sơ tán cách Hà Nội ba mươi cây số tôi nhìn về thành phố thân thương đang mịt mù trong chớp lửa.

Những đợt bom lại trút xuống. Từ nơi sơ tán cách Hà Nội ba mươi cây số tôi nhìn về thành phố thân thương đang mịt mù trong chớp lửa.

Sau 12 ngày đêm khủng khiếp dưới làn bom B52 là những ngày người lớn căng thẳng chờ kết quả tại hội nghị Paris. Còn lũ trẻ mới lớn chúng tôi nhìn chiến tranh thật đơn giản, là phải xa nhà, phải đội mũ rơm, phải chui xuống hầm. Và hòa bình thì ngược lại, không còn tiếng rít của động cơ phản lực lao xuống cắt bom nữa. Bầu trời không còn là thảm họa mà bỗng trở lại tĩnh lặng khác thường, có thể nghe thấy cả tiếng gió nhẹ rung ngọn bàng vừa nảy lộc non xanh. Trên cao, một chiếc là khô nâu bạc sót lại qua mùa bão lửa giờ mới chịu rời cành buông xuống.

Mùa xuân yên bình đầu tiên sau nhiều năm bom đạn.

Gia đình tôi từ nơi sơ tán trở về. Bố tôi điều khiển cái xe đạp chất đầy đồ đạc, còn tôi đẩy đằng sau, vừa đẩy vừa đỡ vì trên xe lỉnh kỉnh toàn thứ to nặng. To nặng nhất là cái tủ chè gia bảo do ông bà để lại, ở trên còn buộc thêm giá sách, va ly, chăn chiếu… Mẹ tôi gánh trên vai toàn thứ thiết yếu cho cuộc sống thời hậu chiến: xoong nồi, chai lọ, rổ rá, củi gạo, rau cỏ. Cái Thắm, em gái tôi mới 11 tuổi, chân tập tễnh vì phải đi bộ một quãng đường xa nên được ưu tiên xách mấy cái làn đựng toàn bằng khen với cả huy chương của bố.

Căn nhà của chúng tôi nằm bên rìa thành phố, mới có mấy năm vắng chủ mà xác xơ hoang tàn, ngoài vườn cây cối ngổn ngang, cỏ dại tua tủa. Bên cánh cổng xiêu nghiêng được khóa cẩn thận bằng sợi xích to, tôi gỡ bỏ mấy tấm bảng viết từ ngày đầu Mỹ trở lại ném bom: “Gia đình tôi sơ tán về xóm Chùa- Vân Đình- hỏi nhà cụ Thạc”, “Ai cần liên hệ gì xin để lại tin ở nhà bác Toại- Tây Tựu”.

Bố tôi loay hoay mãi vẫn không mở nổi cái khóa đã sét rỉ.

Chú Dzếnh hàng xóm bước từ nhà ra đưa cho bố tôi cái rìu.

- Cổng nhà tôi cũng không mở được. Phải giáng mấy nhát mới chịu bung ra. Hề hề! Cho hỏng luôn, mai mốt mua khóa mới.

Mẹ tôi vui vẻ:

- Nhà bên ấy về từ bao giờ thế?

- Mấy ngày rồi. Ây dà, nghe tin nó chịu ký hiệp định là tôi cho vợ con về luôn.

Nhà chú Dzếnh sát ngay nhà tôi. Hai cái vườn liền kề nhau, chỉ cách một hàng rào râm bụt. Vợ chú tên là Dìn, cũng là người Hoa. Thằng Côn con trai của cô chú bằng tuổi tôi, năm nay 13 tuổi. Vì hai đứa cùng đẻ vào năm 1960, năm Đồng Khởi sục sôi ý chí tiến công, nên tôi được đặt tên là Tiến, còn nó là Công. Nhưng nhà nó người Hoa nên toàn nói thành Côn. Tôi thấy tên Công hay hơn vì Tiến Công nghe “khí thế” quá.

Việc đầu tiên khi trở về ngôi nhà cũ là lau chùi bụi bặm, dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Tôi giúp bố khiêng cái tủ chè vào vị trí giữa buồng khách, rồi kê bộ bàn ghế phía trước. Mẹ tôi cẩn thận đặt bát hương lên bàn thờ còn cái Thắm quét nhà. Khi cần treo chồng khung ảnh, giấy khen vào khoảng tường trang trọng, chúng tôi tìm mãi không thấy cái thang đâu.

- Rõ ràng trước khi đi sơ tán chính tay anh treo nó đằng sau bếp. - Bố tôi cằn nhằn.

- Không nhẽ cái thang biết đi. Anh cố nhớ lại xem!- Mẹ tôi mát mẻ.

- Tiến, sang hỏi chú Dzếnh! Kiểu này chỉ có nhà bên ấy.

Tôi phóng ra vườn, vén hàng rào nhảy sang nhà hàng xóm. Vừa tới cửa thì cô Dìn trông thấy tôi vội gọi.

- May quá, cô đang định sai thằng Côn mang bánh sang biếu nhà cháu. Hôm nay mới về, chắc mải dọn dẹp nên chưa nấu nướng gì đúng không?

Cô Dìn nói quá đúng, tôi đang đói meo cả bụng. Nhìn cô tưới tương ớt vào cái bánh gối vàng ngậy, tôi ứa cả nước bọt. Thứ bánh gối này là đặc sản của người Hoa, cả cách pha tương ớt cũng vậy, ngọt vừa phải và không quá cay nên ai ăn cũng thích. Tôi cắn một miếng thật to làm tương ớt trào cả ra hai bên mép đỏ loét khiến chú Dzếnh cười hề hề.

Mải ăn bánh gối, tôi suýt quên cả việc tìm thang, mãi đến lúc thấy thằng Côn chui từ gác xép ra tôi mới nhớ. Chú Dzếnh đứng trên thang đón cái hòm gỗ từ tay thằng con. Chú phủi bụi, mở khóa rồi cẩn thận nhấc từ trong ra mấy cái hộp và vài quyển sách cũ, trong đó đẹp nhất là quyển trước tác Mao Trạch Đông bìa đỏ rực in chữ vàng. Mấy năm trước thằng Côn lén lấy cho tôi mượn, tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả.

- Cháu sang đòi thang à, mang về đi, nói chú cám ơn bố nhá!-  Chú Dzếnh vẫn hề hề vô tư.

Thằng Côn giúp tôi khiêng cái thang về. Đến chỗ hàng rào râm bụt, nó nhìn tôi vẻ ngượng nghịu.

- Pá tớ muốn hỏi mượn nhưng bên ấy không có ai ở nhà nên...

Cái thang tre chả là cái gì so với đĩa bánh gối thơm giòn cô Dìn vừa cho. Nếu cứ thế này thì tôi chỉ muốn ngày nào chú Dzếnh cũng sang mượn thang.

Về nhà, để khỏi phiền phức, tôi nói dối là tìm thấy cái thang ở sau giếng. Bố tôi xoa tay vào quần, cắn ngập răng miếng bánh gối nhồm nhoàm:

- Lát nữa con Thắm lấy mấy quả hồng xiêm sang biếu cô chú, nói là quà mang từ chỗ sơ tán về! Quái thật, không hiểu bí quyết gì mà họ làm bánh ngon thế!

- Bí quyết gì, bí quyết hễ thấy người ta hở ra cái gì là coi như của mình. Tự nhiên hơn ruồi! – Mẹ tôi cằn nhằn.

Cái Thắm em tôi đang chọn hồng xiêm, mắt nó nhìn tôi nghi ngờ như thể đã biết hết chuyện cái thang.

Sáng sớm hôm sau, anh em tôi bị đánh thức dậy bằng lời qua tiếng lại giữa mẹ tôi và cô Dìn. Hai người hai bên hàng rào. Trước mặt mẹ tôi là một đống rác, lá khô lẫn cây que, giấy vụn…

- Đừng tưởng nhà cô về sớm là muốn làm gì thì làm. Vườn nhà tôi không phải là bãi rác nhà cô.

- Vườn lâu không dọn thì phải có rác chứ.

- Lá thì tôi chấp nhận. Nhưng cô mở mắt ra mà nhìn xem cái gì đây. Mấy mảnh báo in tiếng Hoa này không của nhà cô thì của ai hả?

- Đúng là của nhà em… nhưng chắc là tại gió.

- Gió! Gió mà thổi được cả cái thang tre sang bên ấy chắc?

- Thì ngày trước, chị may đồ xuất khẩu gió chả bay sang nhà này trắng cả sân là gì. May mà máy bay Mỹ nó không trông thấy.

Chú Dzếnh từ sau nhà ra, tay chân lấm láp bùn đất:

- Thôi thôi, chuyện nhỏ. Đi giải quyết việc to trước đã. Tiến về gọi bố ra giúp chú một tay. Phải thau lại cái giếng thì mới có nước sạch mà dùng chứ.

Cái giếng đào ở cuối hàng rào, hai nhà dùng chung. Ngày nào rửa ráy, tắm giặt cũng nhìn thấy nhau. Là nơi chia sẻ bơ gạo mớ rau, là nơi thăm dò ý tứ, bắt bẻ nhau lời ăn tiếng nói… Cứ như vậy, hai nhà luôn có những va chạm nho nhỏ và những công việc cùng chung tay góp sức giải quyết. Mỗi lần có chuyện phức tạp, bố tôi luôn nói “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Không hiểu nhà hàng xóm bên kia, chú Dzếnh có khuyên vợ con thế không. Chỉ biết là nhà nào có chuyện vui chuyện buồn gì thì nhà kia biết ngay, tất cả đều do tôi, thằng Côn và cái Thắm ngày nào cũng chơi đùa trò chuyện bên cái hàng rào râm bụt.

Nhưng vui nhất là ngày thống nhất đất nước năm 1975. Cô chú Dzếnh làm bánh gối, bi don don, bánh chín tầng mây chiêu đãi cả xóm. Mẹ tôi may cờ phát không cho mọi người, may bao nhiêu cũng không đủ. Cô Dìn có thư họ hàng trong Chợ Lớn. Bố tôi được một chú đồng đội cũ tặng cái khung xe đạp mang từ trong Nam ra. Lũ trẻ con chúng tôi cầm cờ chạy tung tăng hát “Như có Bác Hồ”.

Riêng thằng Côn có vẻ buồn, nó chỉ đứng bên cửa nhìn ra ngoài. Con Thắm em tôi tinh ý, xin mẹ lá cờ rồi ngồi tháo ngôi sao vàng khâu vào góc bổ sung thêm mấy ngôi sao nhỏ xung quanh. Thế là cả ba chúng tôi vẫy cờ chạy ra tận Bờ Hồ, tôi cờ đỏ sao vàng, con Thắm cờ mặt trận nửa xanh nửa đỏ, thằng Côn cờ Trung Hoa. Chú Dzếnh uống rượu với bố tôi khẳng định: chiến thắng này cũng là chiến thắng của nhân dân Trung Quốc anh em.

Vì bố tôi là thương binh Điện Biên Phủ nên tôi được ưu tiên chọn đi học nghề ba năm ở tận bên Đức. Hôm chia tay, thằng Côn hứa sẽ phụ đạo thêm môn toán cho con em tôi.

ở nước ngoài, tôi ít nhận được tin tức về gia đình láng giềng. Có lần cái Thắm viết thư nhờ tôi gửi bột nở về cho nhà anh Côn. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn ta thán chuyện cô Dìn tham quá, vườn nhà tôi ló quả nào sang là hái tiệt. Chú Dzếnh vẫn mắc cái tật mượn đồ không cần hỏi. Quen sống ở châu Âu nên tôi nhìn vấn đề cởi mở hơn, người ta khó khăn quá giúp được thì nên giúp. Vả lại cành cây nhà mình thò sang đất người ta, theo luật ở Đức thì họ có quyền sử dụng.

*

Năm 1978 tôi về nước, biết nhà nghèo nên cố mang theo thật nhiều đồ dùng. Mấy cái valy to đùng làm mẹ tôi vất vả phân chia quà cáp cho họ hàng, cơ quan, chòm xóm. Tôi bây giờ đã thành người lớn, sang chơi nhà bên bằng đường qua cổng hẳn hoi, mang tặng chú Dzếnh cái mũ nồi, cô Dìn hai mét lụa đen. Riêng thằng bạn được hẳn hộp bút đầy đủ com-pa, thước cong để vẽ kỹ thuật. Thằng Côn nhận quà miệng cười mà mắt buồn buồn. Sau này tôi mới biết nó đã nghỉ học ở nhà làm bánh phụ bố mẹ từ gần năm nay.

Tối muộn nào sau khi ủ bột, thằng Côn lại mò ra vườn, chúng tôi gặp nhau để nghe nhạc từ cái máy cassette tôi mang về. Tôi khoe mấy ban nhạc nổi tiếng như Abba, Boney-M nhưng cái Thắm với thằng Côn không thích, hai đứa chỉ khoái nghe loại nhạc cũ kiểu như “ Trở về Xuriento”, “ Mặt trời của tôi” của Robectino. Dần dần tôi nhận thấy thằng Côn có vẻ thích em gái tôi. Năm nay nó cũng 18 như tôi, gầy và đen hơn, đầu cắt cua và có đôi mắt một mí sáng và sắc lẻm. Cái Thắm mê giọng hát cao vút của thằng Côn. Tôi cũng ủng hộ hai đứa vì  thấy tìm được một đứa có nụ cười hiền và chăm chỉ như thằng bạn hàng xóm là hiếm lắm.

Mẹ tôi đi chợ về có vẻ hốt hoảng:

- Con Thắm đâu rồi?

- Nó bảo con sang nhà chú Dzếnh học làm bánh.

- Bí quyết gia truyền ai dạy cho người ngoài! – Bố tôi thắc mắc.

- Lạ nhỉ? Thảo nào mấy hôm trước cô Dìn rửa bát ngoài giếng cứ khen con Thắm nhà mình ngoan.- Mẹ tôi tủm tỉm cười.

- Cười cái gì? – Bố tôi nhăn mặt. - Người ta khác,  mình khác. Làm hàng xóm thì được chứ thông gia phiền lắm!

Tuy nói vậy nhưng bố tôi cũng không cấm. Bữa cái Thắm làm cái bánh đầu tiên đem về nhà báo cáo, tôi nếm thử thấy ngon như ngoài hiệu. Từ đấy quan hệ hai nhà càng gắn bó. Chú Dzếnh cần dùng thang là cứ vén rào trèo sang lấy tự nhiên. Giờ không chỉ buổi tối mà bất cứ lúc nào có điều kiện là thằng Côn nhảy sang nhà tôi nghe nhạc, thực ra để được gần cái Thắm.

Nhưng tình thân giữa hai nhà không kéo dài được bao lâu, nó kết thúc vào cái hôm bố tôi tặng chú Dzếnh một cây hồng xiêm. Thằng Côn đang hì hục đào hố trồng cây gần hàng rào bỗng dừng lại chạy vào nhà gọi chú Dzếnh ra vườn. Hai bố con thò tay móc móc tìm gì dưới hố rồi kéo nhau ra thì thầm bàn bạc. Khi tôi định chạy sang giúp một tay thì thằng Côn vội ra ngăn lại. Hôm sau lại thấy cả nhà  mua tre, liếp về sửa hàng rào. Nói là sửa nhưng thực ra là che kín không cho nhà tôi nhìn sang được.

Bố mẹ tôi tưởng chúng tôi gây ra chuyện gì liền kéo sang hàng xóm hỏi. Cô chú Dzếnh tiếp đón ngập ngừng, chỉ nói sắp tới bên ấy phải làm nhiều bánh nên che lại để cháu Côn tập trung lao động. Bố tôi bảo hay cho hai đứa nhà tôi sang giúp thì cô Dìn từ chối ngay. Sự cố tình ngăn cách làm nhà tôi rất áy náy khó hiểu. Chỉ khổ con Thắm suốt ngày ngóng sang nhà hàng xóm.  Cây hồng xiêm nằm trơ trọi không được trồng xuống đất giờ đã héo khô. Mấy ngày trôi qua tôi để ý theo dõi nhà bên, không thấy khói bếp, cũng không ngửi thấy mùi nướng bánh thơm ngất. Họ không làm bánh mà lại dậy rất muộn, mãi đến trưa mới trông thấy chú Dzếnh ra cửa vươn vai ngáp. Một lần thằng Côn lén ra ngoài nhét vội cho tôi lá thư lem nhem đầy đất: “Mến gửi em Thắm! Tạm thời không gặp nhau nữa. Khi nào xong việc anh nói với em sau”. Tôi đọc trộm và cũng chẳng hiểu có chuyện gì.

Rồi một buổi sáng sớm, bố tôi phát hiện ra bên bờ giếng dấu vết bùn đất chứng tỏ ai đó vừa cọ rửa. Cách đấy một đoạn có cái xẻng cán cắt ngắn, lưỡi sáng loáng. Bố tôi suy luận nhà bên đang lén đào hầm hay tìm cái gì đó sâu dưới lòng đất. Đêm hôm ấy, chờ rất khuya tôi bí mật bò đến sát hàng rào, ghé tai xuống đất, tôi nghe thấy tiếng đào đất thình thịch, chậm nhẹ thận trọng nhưng đều đặn. Bố tôi rít một hơi thuốc gật gù:

- Tiếng này giống như hồi quân ta đào đường hầm đặt mìn đánh sập đồi A1 ở Điện Biên Phủ.

- Thảo nảo tháng trước nhà nó có họ hàng từ Chợ Lớn ra thăm. – Mẹ tôi reo lên.-  Đích thị nó đưa bản đồ kho báu!

- Con nghe rõ ràng họ đang đào chéo sang phía vườn nhà mình.

- Thế thì phải hành động ngay. Thằng Tiến đi lấy cuốc xẻng! Còn em thắp đèn bão lên!- Bố tôi ra lệnh.

Chúng tôi kéo ra vườn, đào ngay cái hố thẳng xuống, đón đầu hướng đào chéo của nhà bên kia.

Chú Dzếnh chui từ dưới lòng đất lên, thở hồng hộc:

- Dưng mà nhà tôi phát hiện ra nó trước.

- Cửa hầm bên chú nhưng nó nằm trên đất nhà tôi. Tôi đào là quyền của tôi.

- Chính tay cháu đào hố trồng cây thì thấy dấu vết đường hầm này.- Thằng Côn cãi cho bố.

- Luật châu Âu quy định cây xòa cành sang vườn nhà ai thì thuộc sở hữu người ấy.- Rõ ràng tôi am hiểu luật pháp hơn nó.

- Thế tôi hỏi, năm ngoái cô chú hái cành táo nhà tôi mọc chờm sang bên ấy, tôi có ý kiến gì không?- Mẹ tôi đưa ra ví dụ.

- Tôi không lý luận. Ai đào được thì nó là của người ấy.

Nói dứt lời, chú Dzếnh cầm cuốc chui xuống hố. Thằng Côn lấy xẻng vun đất ra xa. Cô Dìn quyết định “trường kỳ kháng chiến - ăn no đánh thắng” chạy ngay xuống bếp làm thức ăn. Mẹ tôi cũng ra lệnh cho cái Thắm về làm bánh khẩn trương, làm đúng loại bánh gối cho họ tức không đào đất được nữa.

Càng về khuya, tiếng đào dội lên từ hai bên lòng đất càng rộn rã. Bố tôi và chú Dzếnh mệt dần nên tôi với thằng Côn là chủ lực. Thỉnh thoảng chui lên mặt đất nghỉ tôi mới nhìn thấy nó. Đầu tóc mặt mũi lấm đầy đất, chỉ còn hai con mắt một mí liếc sang sắc lẹm.

Gần sáng trời đột nhiên trở gió, rồi mưa trút xuống. Kệ, mưa cũng đào. Lấy vải mưa che miệng hố, rồi be bờ không cho nước tràn xuống. Cuộc ganh đua không khoan nhượng mà đích chắc phải là một hòm toàn vàng bạc châu báu. Mẹ tôi thì thào kể người Tàu ngày trước sang đô hộ thường đào hầm giấu của cải, có khi còn chôn theo cả trinh nữ làm thần giữ của nữa. Tôi rùng mình bất giác nhớ đến đứa em gái.

Tôi chạy về nhà lấy thêm cái xô múc nước. Qua bếp thấy cái Thắm đang ngồi rán bánh, vai nó rung lên từng đợt cùng tiếng nấc nghẹn…

Trưa hôm sau, cái hố đã lút đầu người. Ngồi trong lòng đất tôi nghe rõ tiếng đào, tiếng thở của thằng Côn. Hầm bên ấy đi chiều nghiêng nên chắc phải dài hơn bên này, càng sâu xuống càng khó thở. Tiếng thở gấp gáp, tiếng ho khèn khẹt, rồi tiếng kêu cứu. Chú Dzếnh vội thả dây xuống kéo nó lên. Bất giác tôi cũng thấy mệt, tai ù mắt hoa, vội giật dây báo cho bố.

Tôi ngồi lên mặt đất thở, nhai vội miếng bánh, nuốt ngụm nước lớn. Bố tôi muốn xuống đào thay nhưng tôi không chịu. Bên kia hàng rào, chú Dzếnh hốt hoảng lau mặt cho thằng Côn, còn cô Dìn quạt lấy quạt để. Thấy tôi chuẩn bị chui xuống đào tiếp, thằng Côn cũng bật dậy, giật cái thuổng bò đến miệng hố. Hai đứa nhìn nhau giây lát, rồi tụt nhanh xuống lòng đất.

Tiếng đào đất rào rào, hối hả. Bất ngờ lưỡi thuổng bên kia thục sang suýt trúng đùi tôi. Tảng đất sụt xuống, thằng Côn hiện ra trong ánh sáng lờ mờ.

- Mày định giết tao hả?- Tôi nổi cáu.

- Tao không cố ý. Tao xin lỗi! – Cặp mắt một mí cụp xuống.

- May mà chỉ xượt qua đùi. - Tôi cười.

- Đã thấy gì chưa Tiến ơi? - Tiếng bố tôi vọng xuống.

Thằng Côn lại hăm hở thục lưỡi thuổng lên. Tôi cũng nhấc cao xẻng thục xuống. Hai thằng đào chung một cái hố, mỗi đứa một góc. Bỗng hai tiếng “kịch kịch” vang lên khô lạnh, mũi thuổng, lưỡi xẻng cùng chạm vào vật gì đó rất cứng. Cả hai thằng cùng reo lên “Đây rồi!”. Rồi hai thằng lao vào nhau, giật dụng cụ của nhau, ngăn không cho nhau đào tiếp.

Tiếng hai ông bố vọng xuống:

-Tiến, việc người lớn để bố giải quyết!

- Côn, lên ngay. Để pá xuống xem sao!

Lên tới mặt đất rồi chúng tôi vẫn còn hầm hè “Tao phát hiện ra vết chôn đầu tiên”, “Nhưng cái hòm nằm trên đất nhà tao”...

Ngay lúc đó, tiếng gọi thất thanh, tiếng kêu cứu của hai ông bố dội lên. Chúng tôi vội quăng dây xuống kéo. Lên đến mặt đất, hai ông bố mặt tái xanh, lôi vợ con chạy thật xa hai miệng hố.

Đó là một quả bom chưa nổ của không lực Mỹ. Chắc rơi xuống từ nhiều năm trước, rồi bị thời gian, đất đá, cây lá chôn vùi.

Xe của công binh, cứu hỏa, y tế ùn ùn kéo đến. Một khu rộng lớn bị căng dây cấm ra vào.

Cả một cụm dân cư phải tạm thời sơ tán. Hai gia đình tá túc nhờ ông cắt tóc đầu phố. Đồ đạc hầu như không kịp mang theo. Bố tôi tiếc cái khung xe đạp treo trên gác xép định để dành cho cái Thắm. Chú Dzếnh buồn vì lo mất cái thùng gỗ đựng Mao tuyển. Tôi tức vì đống ảnh kỷ niệm chụp hồi bên Đức.

Cái Thắm định mang cho thằng Côn cốc nước bị tôi lừ mắt vội rụt lại. Mẹ tôi  nhìn sang  nhà kia cáu cẳn:

- Đang yên đang lành tự dưng đi đào tung cả lên!

- Bom nằm trong vườn bên ấy, nó mà nổ nhà chị chết trước!

- Phỉ phui cái miệng cô đi. Nhà tôi nổ thì nhà cô chú thoát được à?

Một tiếng còi lanh lảnh cắt ngang cuộc khẩu chiến giữa hai bà mẹ. Sau hơn hai giờ căng thẳng, bộ đội công binh đã vô hiệu hóa được quả bom và lôi nó lên mặt đất. Đại diện hai gia đình là bố tôi và chú Dzếnh được mời vào làm việc. Dù đã cố đùn đẩy trách nhiệm, hai nhà vẫn phải chia đôi khoản lệ phí khắc phục sự cố.

Sau vụ quả bom, thằng Côn luôn tránh mặt tôi. Mấy lần tôi bắt gặp nó lén ra sau hàng rào nghe trộm nhạc từ nhà tôi vọng sang, lần nào cũng là bài “Mặt trời của tôi”. Tôi đoán con Thắm cố tình mở to bài hát này cho Côn nghe. Bố mẹ hai nhà cấm đoán nhưng cánh trẻ chúng tôi vẫn bí mật tìm cách gặp nhau, phần lớn ở bên hàng rào vào buổi tối. Tôi mang máy cassette, thằng Côn thủ theo mấy cái bánh hoặc gói bi don-don, cái Thắm tranh thủ hỏi bài...

Khoảng tháng 8 tháng 9 tôi nghe lỏm người lớn nói chuyện về những va chạm ở biên giới phía Bắc. Ngày Quốc khánh 2-9 không thấy cô Dìn mang bánh biếu bà con hàng xóm. Thằng Côn bị cấm hẳn, không dám ra nghe nhạc. Từ mấy hôm nay nhà bên ấy đã thôi làm bánh, không thấy khói và mùi thơm cám dỗ bay ra từ căn bếp nữa. Đêm đêm có những bóng người ra vào thầm thì. Khắp nơi người ta kháo nhau việc người Hoa rục rịch về nước.

Một đêm, tiếng lao xao bên nhà hàng xóm làm chúng tôi bừng tỉnh. Trong bóng tối, gia đình chú Dzếnh đang khuân đồ chất lên cái xe bò trước cổng. Mỗi lần ra vào thằng Côn đều ngoái nhìn sang bên nhà tôi như có ý ngóng chờ. Cái Thắm định chạy sang nhưng cửa đã bị khóa trái, bố tôi cầm chìa khóa, nói việc người ta đừng có dây vào.

Cổng nhà bên, đồ đạc đã chất đầy, khi xe chuyển bánh bỗng thằng Côn quay lại hát rõ to: “Có ánh sáng tuyệt vời. Đó chính là nụ cười của người tôi yêu...”(*). Chú Dzếnh vung tay tát ngang mặt Côn. Tiếng hát nín bặt. Tiếng xe bò lộc cộc xa dần.

Cái Thắm đứng bên khe cửa khóc dấm dứt. Tôi bỏ lên giường nằm, trùm chăn kín đầu để giấu giọt nước mắt chỉ chực trào ra.

*

Hai tháng sau tôi đi bộ đội, huấn luyện ba tuần rồi hành quân gấp lên biên giới nơi xung đột vừa nổ ra.

Có cảm giác hàng trăm cây số vùng biên chìm ngập trong khói lửa. Người chết, người bị thương nhiều vô kể. Có lúc nòng súng của tôi nóng bỏng đến mức đạn rơi ngay trước mặt. Từ hai ngày nay giành giật từng mô đất gốc cây, chúng tôi đang gần như kiệt sức, lương khô sắp hết, nước uống cạn kiệt thì bên kia cũng không dám xông lên nữa. Những quả đạn cối như có mắt rót đúng chiến hào, đẩy bật tổ chúng tôi ra khỏi công sự. Luồng hơi nóng bỏng thổi bật tôi ngã xoài, lăn nhiều vòng xuống chân dốc.

Tiếng reo hò, tiếng tù và rúc lên.

Tôi tỉnh dậy, người đau ê ẩm, bàn chân phải trúng mảnh pháo, máu vẫn ứa ra. Bầu trời trong veo, tiếng súng từ rất xa vọng lại. Dưới chân đồi, xa xa trước mặt là đám cây xanh tốt, chắc có con suối gần đây. Tôi quờ tìm khẩu súng rồi bò tới.

Dòng suối mùa này gần như cạn kiệt, tìm một lúc tôi mới thấy một lạch nước nhỏ chảy qua khe đá đọng lại thành vũng to chừng cái mũ cối. Tôi vừa vục mặt xuống định uống thì nghe có tiếng người, vội lùi lại khẽ đẩy chốt an toàn khẩu AK 47.

Bên kia bờ suối, bóng một người lính Tàu xuất hiện. Nhìn thấy nước, gã định chạy lại uống nhưng chợt sững lại khi nhận ra tôi. Tôi lạnh lùng điểm xả hai phát gã lập tức cũng lia sang một tràng. Đạn găm sùn sụt lên bờ đất. Tôi bắn trả rồi vội lăn sang nấp sau tảng đá, người lính bên kia cũng bật lại trốn sau một gốc cây lớn.

Anh ta là một tên lính khá thông minh và lì lợm. Tôi giở mọi kế để lừa gã ra khỏi chỗ nấp mà không xong. Khi tôi tìm cách để di chuyển sang vị trí khác thuận lợi hơn liền bị đường đạn của gã găm lại. Một tay súng có kinh nghiệm, cũng điểm xạ hai, ba phát một, không phí đạn lại đủ để buộc tôi bất di bất dịch. Vũng nước ở cách không xa mà không ai dám bò ra. Tôi khát cháy cổ, mắt mờ đi, người lả dần mà ngón tay không rời cò súng.

Cứ như thế hai bên căng thẳng canh chừng nhau. Mặt trận có vẻ đang chuyển sang hướng khác. Im ắng lạ thường. Nơi đây chỉ có hai người lính đang héo dần.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Tôi đoán thế nào đối phương cũng lợi dụng bóng tối để ra uống nước. Tôi mệt lắm mà không dám ngủ. Chắc đối phương cũng vậy. Đề phòng ngủ quên, tôi gom mấy cành cây khô ném sang bên kia, chỉ cần nghe tiếng rắc nhẹ là tôi biết người lính đã di chuyển. Hắn cũng không vừa, ném sang bên tôi vỏ mấy lon nước. Giữa đêm khuya tĩnh lặng, tiếng kim loại sẽ kêu rất vang. Biết vậy nên tôi không dám bò ra.

Trời mờ sáng, côn trùng đã đi ngủ hết còn chim muông chưa dậy nên nghe rõ tiếng thở đều đều từ sau gốc cây. Tôi lấy hòn đá nhỏ ném vào cái vỏ lon. Tiếng “cạch” vừa vang lên thì nòng súng bên kia lập tức nhả đạn. “ Mày giỏi lắm. Cứ bắn đi cho hết đạn đi con.”- Tôi khoái chí ném thêm lần nữa. Hắn không mắc lừa còn cất tiếng cười khùng khục.

Nắng lên dần. Đâu đó lại vọng về tiếng súng.

Gần hố nước có một xác chết không biết là lính hay dân thường mới hôm qua còn đen nhẻm, queo quắp, giờ qua một đêm phơi sương rồi đội nắng từ sáng tới giờ đã bắt đầu trương lên, bốc mùi khó chịu.

Người lính Tàu bên kia chốc chốc lại lấy cành lá vừa bẻ quạt xào xào, vừa khua ám khí vừa làu bàu chửi “ Tỉu nà ma”.

Tôi cười thầm trong bụng, mong cho gió tạt nhiều sang phía bên đó. Nhưng bên dưới lòng suối cạn này địa hình quanh co nên gió đổi chiều liên tục. Không còn chịu nối, tôi tháo viên đạn, dốc thuốc súng ra tờ giấy, gói lại, châm lửa rồi ném về phía xác chết. Mùi khét át hẳn mùi hôi thối.

- Đốt nữa đi! - Hai viên đạn thằng kia ném sang rơi ngay trước mặt tôi.

- Hả, mày vừa nói cái gì?- Tôi ngạc nhiên không tin nó vừa nói tiếng Việt nên hỏi lại.

- Điếc à? Tao góp thuốc súng để mày đốt cho hết thối.

Tiếng thằng kia dù khàn khàn ngắt quãng nhưng vẫn thấy quen quen. Giọng nói này đã từng vui đùa, học hành, cãi cọ nhau hơn chục năm trời. Tôi reo lên:

- Côn đấy hả?

- Gì?

- Mày là Côn, con chú Dzếnh phải không?

- Gốc cây bên kia lặng đi chốc lát rồi rụt rè:

- Đấy có phải tên là Tiến không ?

Tôi vừa nhô ra va ngay phải cái ống bơ, giật mình vội tụt vào ngay.

- Mày sợ à?- Côn hỏi.

- Sợ mày á, vớ vẩn ! Nhưng tao cảnh giác.

- Khát ra mà uống nước. Tao không bắn đâu.

- Mày khát, mày ra trước đi !

- Tao không khát, sao tao phải ra trước ?

Tôi nhìn vũng nước, nhìn gốc cây thằng Côn nấp, đắn đo.

- Nếu không bắn thì mày ném súng ra!

- Mày ném súng trước đi!

Thằng này khôn thật, từ ngày xưa nó vẫn khôn như vậy. Nhưng nằm mãi sau tảng đá này cũng chẳng ích gì. Không chết vì bom đạn thì cũng chết vì khát. Tôi cân nhắc vài giây rồi gọi với sang:

- Thôi được rồi, để công bằng, tao hô một, hai, ba là cả hai thằng cùng ném súng ra, nhất trí không?

Phía bên kia im phắc rồi bỗng “kịch”, khẩu AK47 văng ra cắm nòng xuống đất và đổ nghiêng xuống. Thằng này lỳ lắm, ngày còn nhỏ đi ăn trộm táo, cả lũ chúng tôi còn ngần ngừ đùn đẩy thì nó đã trèo phắt lên cây rung cho táo rụng rào rào. Nghĩ đến táo, nước miếng bỗng ứa ra chua chua trong cổ họng, tôi lấy hết sức lẳng khẩu súng đi.

Từ sau tảng đá tôi cảnh giác nhô dần ra. Phía bên kia, một cái đầu quấn băng lem nhem đất lẫn máu cũng thận trọng không kém. Khuôn mặt hốc hác nhem nhuốc nhưng đôi mắt một mí và sắc lẹm thì không thể lẫn đi đâu được.

Tôi vịn mép đá bước lên.

Thằng Côn cũng bò ra khỏi chỗ nấp, chắc nó bị mất máu nhiều nên gượng đứng dậy mấy lần mà không nổi.

Tôi loạng choạng bước tới bờ suối, quỳ xụp xuống vục cả mặt xuống dòng nước tươi mát.

Thằng Côn lết đến, rất chậm. Nó kêu thất thanh “Nước!”. Tôi khum hai bàn tay lại, vục nước đem đến cho thằng bạn hàng xóm thuở nào. Cặp môi khô nứt nẻ mở rộng hớp hớp đón dòng nước từ tay tôi chảy xuống. Nước trào ra mặt làm trôi đi mảng tro đen bấm trên má. Tôi sững người rồi chồm lên đè thằng kia xuống, giật cái băng quấn ngang trán ra khỏi cái đầu húi cua lởm chởm.

- Mày... mày là thằng nào? Sao mày biết tên tao?

- Thằng kia thở dốc, cố gỡ tay tôi khỏi cổ.

- Tao là... bạn... cùng đơn vị thằng Côn...

Nó yếu lắm rồi, không đủ sức thoát khỏi bàn tay tôi đang xiết chặt.

- Thằng Côn đâu?

- Chết rồi... hôm kia!

Đôi mắt một mí sắc lem nhìn tôi chờ đợi. Sao giống mắt thằng Côn thế. Tôi buông tay ngồi dậy. Thằng kia vuốt cổ thều thào.

- Tao là A Sáng... ở phố Mã Mây... Cho tao xin nước nữa!

Tôi với cái ống bơ ra bờ suối.

A Sáng ngồi tựa vào tôi, thong thả thưởng thức từng ngụm nước mát. Nó chậm rãi kể.

- Cả đại đội chỉ có hai đứa trước kia nhà ở Việt Nam nên thằng Côn hay kể chuyện với tao. Kể nhiều lắm. Chuyện quả bom, chuyện may cờ Trung Hoa, chuyện nghe nhạc, nhiều nhất là chuyện em gái mày...

Trời buổi sáng se lạnh, sương mù tan nhanh. Tôi không hiểu tại sao bỗng chốc người ta có thể trở thành đối nghịch của nhau nhanh đến như vậy. Những xích mích va chạm qua lại bên cái hàng rào không thể là nguyên nhân của cuộc chiến này. Liệu ở chiến tuyến bên kia thằng Côn đã có lúc giương súng ngắm vào đầu tôi?

- Thằng Côn còn dạy tao hát nữa. Hai thằng chui vào hầm hát thật khẽ vì sợ chỉ huy nghe thấy “ Có ánh sáng tuyệt vời. Đó chính là nụ cười của người tôi yêu...”

A Sáng vươn cổ nghêu ngao. Tôi thì thầm hát theo.

Bỗng những tiếng rít cắt ngang. Những tiếng nổ chát chúa. Người A Sáng dựng lên rồi gục xuống. Tôi nhào tới đỡ. Thân nó mềm nhũn, máu xối ra từ cổ, từ bụng. Hai bàn tay tôi đỏ ối.

Đất đá mù mịt. Những trái pháo từ phía bên kia liên tiếp dập xuống. Rồi tất cả chìm trong im lặng, chỉ thấy những ánh chớp chói lòa, khói lửa ngút trời, che lấp cả trời xanh trên kia.

Lại một loạt pháo trút xuống. Tôi như vẫn nghe thấy tiếng hát của thằng A Sáng: “Có ánh sáng tuyệt vời. Đó chính là nụ cười của người tôi yêu”...                  

P.T.S

Tháng 6- 2011

(*) Lời bài hát Mặt trời của tôi.

(Nguồn Văn nghệ)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...