Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Người lính già"

E. Franklin Evans (Hoa Kỳ) - 04-08-2011 12:51:31 PM

VanVN.Net - Chiếc xe SUV chở cả gia đình nặng nề tiến vào cổng nghĩa trang. Đó là một ngày nắng nóng, nhiệt độ lên tới 900C và độ ẩm khoảng 60%. Cho dù không hoàn toàn thoải mái nhưng chiếc xe có gắn điều hòa cũng giúp mọi người cảm thấy dễ chịu...

Phải mất hơn một giờ mới tới được bờ biển. Lúc này, hai đứa trẻ đã bắt đầu sốt ruột. Chúng nóng lòng muốn được ra biển. Như thường lệ, trên đường đi, cậu anh Frankie lại ra sức chọc giận cô em gái Barb. Và phải đến khi được mẹ bảo hát, hai anh em mới thôi không chọc nhau nữa. Cuối cùng thì bọn trẻ cũng ngoan ngoãn được một lúc. Nhưng giờ đây, chúng lại muốn nhanh chóng tới biển. Phía sau chiếc xe SUV chất đầy phao bơi, đồ chơi, xô, xẻng để hai đứa trẻ xây lâu đài cát. Còn trong chiếc giỏ đựng thức ăn và thùng ướp lạnh thì đầy ắp những đồ ăn ưa thích của cả gia đình. Chưa gì bụng Frankie đã sôi lên sùng sục.

 “Dừng ở đây được rồi. Chỗ này có nhiều bóng mát, lại còn có thể nhìn thấy tất cả những lá cờ đang bay phấp phới trên các ngôi mộ nữa”, người cha nói rồi cho xe lăn bánh khỏi con đường nhựa tới bãi đậu xe trải đầy sỏi gần một cây sồi lớn.

Nhìn thấy hàng trăm lá cờ nhỏ xinh đang bay phấp phới trong gió nhẹ, tựa như một biển cờ với các màu sắc đỏ, trắng, xanh càng khiến Frankie thêm ước ao được rời khỏi chỗ này thật nhanh để ra biển.

 “Cha ơi, chúng ta tới biển luôn đi, đừng lãng phí thời gian ở đây nữa.”

 “Con trai ạ, không có gì là lãng phí khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng của mình đối với những người đã hi sinh cả cuộc đời để phục vụ cho tổ quốc. Con hãy nhớ rằng bác con cũng nằm trong số đó. Bác ấy không ở đây, mà ở tận nước Bỉ, một nơi cách chúng ta rất xa. Cha vẫn luôn nhớ đến bác ấy. Tên con cũng được đặt theo tên của bác ấy đấy.”

 “Con biết mà cha. Chúng ta đừng nhắc tới chuyện này nữa.”

Cửa xe mở, mọi người bước xuống. Cha mẹ hai đứa trẻ đứng đó một lúc, mắt nhìn chằm chằm vào biển cờ. Barb muốn được mẹ bế, nhưng người mẹ bắt cô bé phải tự đi bộ vì trời quá nóng.

 “Chúng ta hãy đi dọc theo hàng bia mộ này và đọc những cái tên được khắc trên đó”, người cha đề nghị.

 “Cha ơi, con không muốn đi. Con chỉ muốn tới ngồi trên chiếc ghế băng dưới bóng cây kia thôi”.

 “Tốt thôi, Frankie. Cha rất buồn vì con không muốn đi cùng mọi người, nhưng tùy con thôi. Hãy ngồi yên trên ghế. Cha mẹ sẽ không đi xa đâu.”

Ngồi trên chiếc ghế băng dưới bóng râm thật là mát mẻ và dễ chịu. Frankie nằm dài ra ghế, ngắm nhìn những đám mây trên cao biến hóa từ hình dạng này sang hình dạng khác. Chẳng bao lâu, cơn gió nhẹ cùng cảnh tượng biển cờ tung bay trong gió như thôi miên, khiến Frankie cảm thấy buồn ngủ.

 “Này cậu bé, bác có thể ngồi đây một lát không?”, người đàn ông lớn tuổi mặc quân phục cất tiếng hỏi.

 “Vâng, thưa bác”, Frankie đáp. “Cha mẹ cháu cũng vừa tới đằng kia thôi.”

 “Ồ! đừng lo, cậu bé. Bác không làm phiền cháu đâu. Bác chỉ muốn ngồi nghỉ một lát và ngắm nhìn những lá cờ kia thôi.”

 “Bác ơi, bác cũng tới dự buổi tưởng niệm cùng những người lính và nhiều người khác nữa phải không ạ?”

 “Ừ, cũng đại loại thế cháu ạ!”

Frankie nhận ra bộ quân phục qua các bức ảnh của bác Frank mà cậu đã được xem.

 “Bác đã từng tham gia Thế chiến thứ hai phải không ạ? Trước kia, cha và các bác của cháu cũng tham gia Thế chiến thứ hai đấy.”

Người đàn ông cười và đáp: “Đúng vậy, con trai ạ. Cứ ngày này hàng năm, bọn bác lại tụ họp ở đây để gặp mặt bạn bè cũ và tham gia các nghi thức tưởng niệm. Mọi người kể chuyện cho nhau nghe rồi cùng ôn lại kỉ niệm.”

 “Ý bác là câu lạc bộ của bác hay những đồng đội một thời cùng chiến đấu với bác phải không ạ?”

Người lính già mỉm cười và nói: “Đúng vậy, cháu có thể gọi đó là câu lạc bộ cũng được. Nó bao gồm rất nhiều ban hội ở khắp nơi trên toàn nước Mỹ và thậm chí còn có một vài ban hội ở nước ngoài nữa. Câu lạc bộ của bọn bác có rất đông thành viên, thuộc nhiều quân chủng khác nhau, nhưng tất cả đều có một mối liên hệ chung, đó là lòng yêu tổ quốc. Một khi vẫn còn có người đến để tưởng nhớ và tôn vinh sự hy sinh của những anh hùng đã dành trọn cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp thì bọn bác cũng sẽ còn tiếp tục tới đây.”

Frankie nhìn quanh tìm cha mẹ.

 “Cháu có nhìn thấy tấm bia mộ ở gần lối đi đằng kia không?”

 “Có ạ, thưa bác.”

 “Tấm bia mộ đó là của một trong số những người bạn thân nhất của bác. Bọn bác đã từng đến đây cùng nhau. Bác ấy rất tốt bụng. Là một nhân viên bán hàng. Có một vợ và hai con.”

Frankie bắt đầu cảm thấy hơi khó chịu nên đành nói: “Vâng, có lẽ giờ cháu nên đi tìm cha mẹ”

 “Tốt thôi, con trai. Bác nghĩ bây giờ cháu đã hiểu rồi phải không?”

 “V…âng, thưa bác”. Frankie bắt đầu cảm nhận được bầu không khí tĩnh lặng bao trùm bởi cậu đã suy nghĩ thông suốt.

 “Cậu bé thân mến, bây giờ bác phải đi rồi. Bác là thành viên trong Ban Tiếp đón. Bọn bác còn phải tiếp nhận một số hội viên mới vừa tới đây. Họ ở đằng kia kìa.”

Frankie nhìn theo hướng người lính già chỉ. Cậu nhận thấy có một nhóm khoảng 10 thanh niên mặc quân phục, gồm cả nam và nữ, đang háo hức nhìn xung quanh, từ các nghi thức tưởng niệm cho tới những lá cờ. Đám người đứng trò chuyện cùng nhau, nhưng dường như không ai chú ý tới sự có mặt của họ.

 “Tạm biệt, cậu bé. Cảm ơn cháu đã dành thời gian tới đây”.

Frankie đứng dậy và mỉm cười, cùng lúc một giọt lệ từ khóe mắt cậu chảy xuống.

 “Cảm ơn bác. Vì tất cả những gì mà các bác đã hy sinh trong suốt cuộc đời.”

Frankie bất ngờ đứng ở tư thế nghiêm như thể đó là điều tự nhiên nhất. Cậu bé và người lính già từ biệt nhau rồi bước đi.

 “Tiện thể, nếu bác có tình cờ gặp bác Frank của cháu, làm ơn hãy chuyển lời tới bác ấy giúp cháu rằng cháu luôn ghi nhớ và biết ơn bác ấy.”

 “Chắc chắn rồi, con trai ạ. Bác sẽ chuyển lời giúp cháu.”

Đi gần tới nhóm hội viên mới đến, người lính già đưa tay ra vẫy. Nhóm thanh niên cũng đưa tay vẫy lại. Khi đến chỗ của họ rồi, người lính già quay lại nhìn Frankie và vẫy tay. Cậu bé cũng vẫy tay lại rồi dõi theo nhóm thanh niên, giờ đây do người lính già phụ trách, từ từ đi khỏi.

Frankie nhìn thấy cha mẹ ở đằng xa, còn cô em Barb thì đang bước đi giữa các hàng bia mộ và những lá cờ. Mặc dù không chắc cha mẹ có thể nghe thấy tiếng mình từ xa, nhưng cậu bé vẫn cất tiếng gọi: “Cha mẹ ơi! Cho con đi cùng với. Bây giờ con đã hiểu hết rồi. Đợi con với!”

Phương Thúy dịch

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...