Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Một thế hệ bị tổn thương

Maya Jaggi * (Hàn Quốc) - 01-07-2014 07:15:42 AM

Kyung-Sook Shin, tác giả sách bán chạy nhất của Hàn Quốc nói rằng: “Trong độ tuổi 20 của mình, tôi đã sống qua một thời đại của các sự kiện chính trị khủng khiếp và những cái chết đáng ngờ.” Đó là lý do tại sao cô ấy thích hét lên từ trên đỉnh núi Bugaksan.

 

Tác giả Kyung-sook Shin

Cung điện Gyeongbokgung tại trung tâm Seoul, một cung điện với phong cách của thế kỷ XIV được trang hoàng bằng hai sắc màu đỏ và xanh lá cây, là một trong những địa điểm yêu thích của Kyung-sook Shin. Tất cả con người của Seoul, như Shin đã viết, sống dưới “đôi cánh che chở” của nó. Dù vậy, Shin cũng không thể nào quên được nỗi khủng khiếp của cô khi lần đầu tiên bước chân vào thủ đô Hàn Quốc 35 năm trước, khi mới 16 tuổi và là con gái một nông dân. Trong chuyến tàu đêm, Shin đã không ngừng sợ hãi “những tòa nhà lớn sẽ đổ xuống và đè bẹp chúng tôi”.

 

XIN HÃY CHĂM SÓC MẸ

Những tòa nhà cao chọc trời lờ mờ hiện ra trong ký ức thời niên thiếu trong cuốn tiểu thuyết, Xin hãy chăm sóc mẹ (Please Look After Mother). Cuốn sách nói về câu chuyện một phụ nữ nông dân không biết chữ bị mất tích tại nhà ga Seoul trong khi đi thăm con cái đã trưởng thành. Gia đình náo loạn đi tìm người mẹ và hàng loạt những lo âu hiện đại, những nỗi nhớ và thất vọng được đề cập đến trong tốc độ điên cuồng của cuộc sống đô thị.

Cuốn tiểu thuyết Xin hãy chăm sóc mẹ của Shin đã bán được hơn 2 triệu bản tại Hàn Quốc, được Knopf tại New York mua lại với số tiền lên đến sáu con số và được xuất bản tại 34 quốc gia trên thế giới. Sau khi được dịch sang tiếng Anh bởi Chi-Young Kim, Xin hãy chăm sóc mẹ nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất vào năm 2011 trên New York Times. Lúc này, Shin đang là một giảng viên thỉnh giảng của Đại học Columbia. Tại Hàn Quốc, cuốn sách của Shin được ca ngợi như là một phần của “làn sóng Hàn” hay Hallyu, làn sóng đã đưa văn hóa Hàn lây lan khắp Đông Nam Á trong thời điểm chuyển giao thế kỷ. Vào năm 2012, Xin hãy chăm sóc mẹ trở thành cuốn sách đoạt Giải thưởng Văn học Man Asian, cùng năm với Gangnam Style của Spy đạt kỷ lục một tỷ lượt người xem trên YouTube.

Xin hãy chăm sóc mẹ được kể thông qua con mắt của các thành viên trong một gia đình có một cô con gái là một nhà văn thành công, là người ăn cơm ngoài hàng quán nhiều hơn là có mặt trong những bữa cơm gia đình. Nhưng, khi tiếng nói của người mẹ vọng đến, đời sống nội tâm và mong muốn của bà đã được đưa ra ánh sáng. Câu chuyện của anh chị em trong một gia đình gợi lên một cái gì đó lớn hơn. Shin nói rằng, “Họ đã bỏ quê hương, mảnh đất nơi mà họ được sinh ra, tìm kiếm giáo dục và công ăn việc làm để rồi kết thúc bằng việc mất đi người mẹ. Đó là cuộc sống của những con người Hàn Quốc hiện đại. Các thế hệ trước đã hy sinh mọi thứ họ có để chúng tôi phát triển. Bản chất của câu chuyện là những con người không nhận ra giá trị của một cái gì đó cho đến khi nó bị mất đi. Trước khi để mất mẹ, bạn đã từng quên bà ấy.”

“Phép lạ kinh tế” của Hàn Quốc tăng trưởng nhanh, nhất là sau cuộc nội chiến với Triều Tiên vào những năm 1950–1953, tạo ra một khoảng cách xa thăm thẳm giữa nông thôn và thành phố, thậm chí là giữa các thế hệ. Nó cũng là một câu chuyện quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Shin đã nhìn thấy nó, “những con người đã mất một cái gì đó quan trọng mà họ cho là điều đương nhiên và sự mất mát khiến cho họ bị hủy hoại”. Hình ảnh người mẹ bị mất tích là tượng trưng cho sự biến mất của lương tâm. “Thật sai lầm khi nói bản năng làm mẹ chỉ thuộc về người mẹ. Bạn phải thay đổi ý nghĩa của nó để mọi người đều có thể có nó. Chúng ta sống trong một thời đại mà chúng ta phải đóng vai trò người mẹ với nhau”.

Shin có cảm giác rằng, “giá trị bị mất khi chúng tôi chuyển sang hiện đại” đã được chia sẻ rộng rãi trong người Hàn Quốc kể từ sau thảm họa phà Sewol vào ngày 16 tháng 4 năm 2014 vừa qua. 288 người chết đã được xác nhận, trong đó chủ yếu là học sinh, 16 người vẫn còn mất tích. Shin đang ở Đức trong thời điểm ấy, sau khi cô tham gia Hội chợ sách London vào đầu tháng 4. “Tôi đã rơi nước mắt và tìm mọi cách để có thể ngay lập tức trở về Seoul”, Shin nói. “Chúng tôi thậm chí không trong tình trạng chiến tranh, làm thế nào mà điều này có thể xảy ra?” Tâm trạng của Hàn Quốc, theo Shin, là sốc và hổ thẹn. Tuy nhiên, thảm họa của nó cũng phần nào giải thích cho sự yêu thích rộng rãi đối với cuốn sách của Shin.

 

NỖI ĐAU CỦA MỘT THẾ HỆ BỊ TỔN THƯƠNG

Shin, 50 tuổi, sống cùng với chồng là Nam Jin-wo, một nhà thơ đồng thời là một giáo sư, tại một địa điểm gần với các quán cà phê trên núi Bugaksan, nơi tôi đã gặp cô ấy vào đầu năm nay. Shin đã rời khỏi Seoul cách đây 20 năm, trước khi các trưng bày nghệ thuật mọc lên như nấm tại đó, đến nơi gợi lại ký ức tuổi thơ được bao quanh bởi các dãy núi. Shin thường tham gia cùng với một đám đông đi bộ đường dài cuối tuần, “Tôi thích leo lên đến đỉnh núi và hét lên một tiếng”. Phía bên kia ngọn núi là khu phi quân sự giáp biên giới Bắc Triều Tiên, một nơi đã đặt ranh giới trong nhiều thập kỷ và căng thẳng đã tăng thêm một lần nữa. Chỉ cần xuống khỏi dốc núi là đến Nhà Xanh. Khi còn trẻ, Shin là một trong những người Hàn Quốc biểu tình phản đối tổng thống đương nhiệm trên đường phố.

Cuốn tiểu thuyết Tôi sẽ đến ngay (I’ll Be Right There) của Shin được dịch sang tiếng Anh bởi Sora Kim-Russell sẽ được xuất bản trong tháng sáu năm nay, kỷ niệm lần đầu tiên Shin tới Seoul vào năm 1980. Nó là sự tổng hợp của các mối nguy hiểm hàng ngày trong suốt hơn một thập kỷ biểu tình ủng hộ dân chủ. Một cuộc điện thoại từ người yêu cũ đã thông báo cho người kể chuyện rằng, giáo sư ngày xưa của cô trong trường đại học mắc bệnh nan y và từ đó, những ký ức về cuộc sống thời sinh viên trong thời đại lính nhảy dù xâm chiếm Tòa thị chính, các sinh viên tử nạn vì cảnh sát chống bạo động tại nhà thờ Myeong-dong, hiện lên. Sự ám ảnh xuyên suốt trong cuốn tiểu thuyết. Shin nói rằng, “Trong độ tuổi 20 của mình, tôi đã sống qua một thời đại của các sự kiện chính trị khủng khiếp và những cái chết đáng ngờ. Đối với thế hệ chúng tôi, dường như tất cả mọi ngày đều là biểu tình, bị bắt giữ, tra tấn và “biến mất”. Các chàng trai trẻ, những người đứng đầu các cuộc biểu tình đã chết một cách bí ẩn trong cuốn tiểu thuyết của tôi là một sự tôn kính đối với họ…”.

Shin nhận công việc thủ công trong một công ty điện tử và đi học vào ban đêm. Cô đã học sáng tác tại Học viện Nghệ thuật Seoul và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, Truyền thuyết mùa đông (Winter Fable), vào năm 22 tuổi. Sau đó, cô làm việc trong ngành xuất bản và phát thanh. Nơi chiếc đàn Harmonium từng đứng (The Place Where the Harmonium Was – 1992) đã làm nên tên tuổi của Shin như một người sáng tạo đột phá. Câu chuyện kể về một người phụ viết thư yêu cầu người yêu cùng bỏ trốn. Nó là nỗi khát khao và lòng trắc ẩn đối với gia đình nhưng, người phụ nữ ấy vẫn muốn được tự do hôn nhân khi cô nhớ lại cuộc sống đầy trắc trở của cha mẹ cô.

Shin chuyển đến Seoul sau khi Park Chung-hee, nhà độc tài quân sự, bị ám sát vào năm 1979. Khi Chun Doo-hwan áp đặt thiết quân luật sau một cuộc đảo chính, ông đã đóng cửa các trường đại học và cấm các cuộc biểu tình. Điều này làm dấy lên một phong trào ủng hộ dân chủ trong những năm 1980. Đó là một cuộc chiến tranh lạnh. Những lãnh đạo biểu tình của sinh viên bị bắt giữ. Nhiều người đã bị nhốt trong nhà tù khét tiếng Seodaemun, Seoul, một nhà tù được xây trong thời kỳ cai trị của thực dân Nhật Bản, 1910 – 1945. Họ bị ném vào phòng tra tấn dưới hầm. Trong lúc Shin đang đi học vào ban đêm, quân lính đã xông vào một thành phố cách không xa ngôi nhà của cô và trấn áp cuộc nổi dậy “Mùa xuân Gwangju” vào tháng 5 năm 1980. Shin nhớ lại, “Giáo viên đã nói với chúng tôi rằng, có một cái gì đó rất đáng sợ đã xảy ra ở phía Nam. Chúng tôi không biết rõ, bởi vì tin tức đã bị chặn.”

Đối với thế hệ của Shin, vụ thảm sát Gwangju là một bước ngoặt còn khủng khiếp hơn cả chiến tranh Triều Tiên. “Nó tượng trung cho một nỗi buồn sâu thẳm”, Shin bộc lộ. “Gwangju hôm nay vẫn phải nỗ lực để đi lên. Nhưng, chúng tôi còn nhớ. Nó đã thúc đẩy các cuộc biểu tình sinh viên rầm rộ nhất. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi phải thay đổi điều này”. Vị giáo sư  trong Tôi sẽ đến ngay được mô hình hóa từ người thầy đại học của Shin, người đã “giúp chúng tôi vượt qua nỗi đau”. Shin nói rằng, cô tôn trọng ông ấy. Bất cứ điều gì người giáo sư ấy đã làm, mọi người đều noi theo. Shin vẫn còn cảm thấy tiếc nhớ một người bạn, người đã “đi đến một ngôi nhà trống, sau đó tiếp tục tuyệt thực và khi được tìm thấy, cô ấy đã chết. Cô ấy đã viết một bài thơ hay. Sau đó, tôi nghĩ, nếu cô ấy vẫn sống, cô ấy sẽ viết như thế nào? Tôi vẫn còn cảm thấy nhớ tiếc. Tôi tiếp tục đọc thơ trên khắp thế giới vì cô ấy.”

Shin, với tư cách là một người sống sót, đã miêu tả lại một thế hệ bị tổn thương. Cô nói rằng, “Tôi còn rất trẻ và những sự kiện ấy ảnh hưởng đến tôi một cách sâu sắc. Tôi cảm thấy tôi viết không chỉ vì tôi. Tất cả mọi thứ, bài viết của tôi, chuyến du lịch của tôi, hạnh phúc của tôi, tôi đã sống như một đại diện cho những người đã không thể sống sót. Tôi cảm thấy tôi đang sống phần đời của họ. Chúng tôi có một danh sách dài những người bị mất tích. Và, vẫn còn những trường hợp tử vong chưa được giải thích.”

Chiến tranh lạnh đã khắc một vết sẹo thù địch trên bán đảo Triều Tiên. Shin, trong bài phát biểu tại lễ trao giải Man Asia ở Hồng Kông vào năm 2012 đã thể hiện sự phản đối với việc cưỡng chế hồi hương của Trung Quốc đối với những người tị nạn Bắc Triều Tiên. “Nó không phải là một chỉ trích chính trị”, Shin nói. “Mặc dù bị gọi là ‘đào ngũ’ nhưng họ chỉ đơn giản là muốn sống. Bắt họ phải quay trở về là đẩy họ vào nguy hiểm”. Shin cũng là một trong số các tác giả Hàn Quốc đã đến thăm Bắc Triều Tiên cách đây vài năm. Cô nói rằng, “Các nhà văn chúng tôi đã gặp gỡ và có một cuộc trò chuyện giữa sự giám sát của các thanh tra. Họ đều ca ngợi hệ thống”. Shin cũng bị sốc bởi ngôn ngữ Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng. “Các từ vựng rất khác nhau. Mặc dù chúng tôi giống nhau, chúng tôi vẫn kết thúc bằng cách nói khác nhau. Tôi muốn chúng tôi thống nhất trước khi điều đó xảy ra…”.

Về lý do phía sau sự gia tăng của văn hóa Hàn Quốc, Shin nói: “Hôm nay, bạn có thể đặt bản thân lên trước xã hội. Trong quá khứ, cá nhân được yêu cầu phải hy sinh rất nhiều. Điều quan trọng là để thoát khỏi điều đó, đặc biệt là trong nghệ thuật. Thế hệ của tôi đã không được tự do nhưng thế hệ trẻ ngày nay có quyền tự do sáng tạo”. Chỉ khi tất cả mọi thứ dường như tan vỡ, Shin khẳng định, “Chúng tôi không có sự lựa chọn nhưng, sẽ bắt đầu như một đứa trẻ tập đi, tập luyện để sống như một cá nhân và như một quốc gia.”.

           

Thái Lương (Theo Theguardian.com)

 

* Nhà văn, nhà phê bình và nhà báo từng đoạt Giải thưởng Văn hóa. Cô viết báo cáo nghệ thuật và văn hóa từ khắp năm châu, là một tiếng nói có ảnh hưởng trong văn học thế giới, đồng thời là một nhà phê bình đã có nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải thưởng David Cohen, Orange và Commonwealth Writers.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 26/2014)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...