Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Một nỗi đau truyền đời

Nhân đọc “Người về chốn cũ” của Nhà văn Xuân Mai - NXB Văn học ấn hành tháng 5/2014

Phạm Ngọc Chiểu - 11-06-2014 08:56:44 AM

Đó là nỗi đau, truyền qua mấy chục thế hệ con cháu suốt 585 năm qua, kể từ ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429), ngày vị tướng quân tài ba họ Trần là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cùng đoàn gia thần nội thủ và đồng chí hướng nhất loạt trầm mình, lấy cái chết để tỏ tấm lòng và khỏi phải chết bởi tay Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi. Câu hỏi lớn của Tả tướng quốc khi ông ngửa mặt hỏi trời cao, trước khi cùng mọi người lao xuống ghềnh Đông Hồ tự chết, còn vang động đến hôm nay:

- Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước cứu dân. Nay nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi,Hoàng thiên có biết không?

Sự kiện động trời này, lạ thay, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 trang 374, NXB Khoa học Xã hội, 2009 (in theo Quyển 10, bộ cổ, phần Kỷ Nhà Lê Thái Tổ Cao hoàng đế (1418 - 1433), Thuận thiên năm thứ 3, Kỷ Dậu), chỉ ghi vẻn vẹn có một dòng chú thích như sau: “Tháng 2 này còn có việc bắt giết Trần Nguyên Hãn”, với lời dặn: xem Cương mục chính biên, Quyển 15, tờ 20A. Đang đi tìm sách đọc theo lời dặn nhưng chưa tìm được thì may sao lại nhận được tiểu thuyết “Người về chốn cũ” của nhà văn Xuân Mai gửi cho, mà, ngay trang đầu cuốn sách ông đã trân trọng ghi lại: “Sử làng Sơn Đông viết về Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn: “Thập đại kinh luân mao ức lý, nhân trạch từ miếu” (Sau mười năm đi chinh chiến, về ở lại nơi nhà cũ).

Từ một câu chú thích trong sách Sử và thêm một tờ 20A ở Cương mục chính biên, với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu lịch sử Lê Kim Thuyên và bà Trần Thị Phú mà nhà văn trân trọng cảm ơn ngay ở “Lời đầu sách”, ông đã viết nên quyển tiểu thuyết lịch sử đầy đặn ba trăm trang in, đủ thấy công sức nhà văn dành cho vị Tả tướng quốc đầu tiên của triều vua Lê Lợi đến mức nào.

Câu chuyện bắt đầu từ việc dân thôn Đa Cai, trang Sơn Đông một ngày nọ bỗng thấy một cặp vợ chồng trẻ đến ngụ cư ở bên khoảng rừng cuối làng, ngày ngày phát nương trồng lúa, trồng ngô, lại biết làm ra thứ dầu từ quả dọc đem bán. Hỏi mới biết chồng là Trần Nguyên Án, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi đời thứ bảy của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, vì lánh nạn tìm diệt dòng dõi nhà Trần của Hồ Quý Ly mà cùng vợ là Lê Thị Hoàn phải dạt lên Đa lai, chờ thời. Rồi họ sinh được cậu con trai kháu khỉnh, hơn tháng tuổi mà dài rộng như con nhà người ta ba bốn tháng, tóc xanh ngần, miệng rộng, tai to, mắt sáng và xếch. Ba mươi tám năm sau, cậu bé có dung mạo khác thường ấy đã là vị quan đầu triều, với tước phong Tả tướng quốc khi Lê Lợi lên làm vua, xưng hiệu là Thái tổ Cao hoàng đế. Đó chính là Trần Nguyên Hãn, một vị tướng hữu học thức, tinh binh pháp, lập những chiến công lẫy lừng, lên đến tột đỉnh chức quan nhưng rồi phải trầm mình tự vẫn vì sự đố kỵ, nhỏ nhen của bọn gian thần và của chính người ông từng tôn là minh chủ. Lịch sử các bậc quân vương nước nhà, Lê Lợi là con người thật đặc biệt. Công lao của ông đối với non sông đất nước rất to lớn, đánh đuổi được giặc Minh, dựng lên nhà hậu Lê dài 354 năm, riêng thời Lê Sơ thực quyền của ông và con cháu đã 99 năm. Nhưng, cũng chính vị vua xuất thân hào trưởng này đã nghe bọn gian nịnh mà giết hại các bậc khai quốc công thần từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử giúp ông lên tột đỉnh vinh quang, trong đó tiêu biểu là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Phạm Văn Xảo… Sau này, con ông giết tiếp bậc Đại quân sư Nguyễn Trãi, để lại những nỗi đau trong lịch sử. Về cái chết của Nguyên Trãi thì Văn học - Nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhưng nỗi đau về vị quan võ đầu triều Trần Nguyên Hãn, thì “Người về chốn cũ” của nhà văn Xuân Mai, như tôi biết, đây là cuốn sách đầu tiên - một tiểu thuyết dã sử viết công phu và khá thành công.

Người về chốn cũ” là tiểu thuyết dã sử viết theo lối cổ điển, gợi ta nhớ về bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Pi e Đại đế” của văn hào A lêc xây Tôn-stôi. Nhân vật chính của tiểu thuyết là một nhân vật có thật trong lịch sử, được nhà văn chăm chút tái hiện từ lúc sinh ra cho đến tận cuối đời. Việc này thật không dễ. Vốn liếng “thực tế” chỉ là một ít trang sách và mấy câu chuyện dã sử lưu truyền trong dan gian, trong khi nhà văn phải giới thiệu với người đọc cả cuộc đời của nhân vật, với đầy đủ dung mạo, tính tình, mối quan hệ xã hội, rồi những biến cố lịch sử nhân vật trải qua cách nay ngót sáu trăm năm.

Thật mừng là nhà văn Xuân Mai đã hoàn thành rất tốt các ý tưởng của mình khi viết cuốn tiểu thuyết dã sử này. Một Trần Nguyên Hãn hiện lên trước mắt người đọc khá sống động, từ lúc còn là cậu bé con, đến lúc là trang nam nhi tuấn tú luôn ấp ủ thù nhà nợ nước, biết yêu và lấy vợ, sinh con, cho đến khi là tướng võ nghệ cao cường, tinh thông binh pháp, đánh đâu thắng đó. Những trận Trần Nguyên Hãn cùng Thượng tướng Doãn Nỗ dẫn quân vào đánh chiếm hai xứ Tân Bình, Thuận Hoá, sau đánh thành Xương Giang trên xứ bắc chỉ vẻn vẹn trong có hai giờ lấy được thành, cho đến những trận đánh viện binh của Liễu Thăng khi cùng Lê Sát, lúc cùng Lê Lý… được ngòi bút Xuân Mai tái hiện thật sinh động. Đọc những trang sách này của nhà văn Xuân Mai gợi ta nhớ những trận đánh thời Tam Quốc bên Tàu được La Quán Trung viết lại vậy.

Một thành công nữa rất đáng ghi nhận là trong “Người về chốn ” Xuân Mai đã kết hợp đưa vào mạch truyện chính rất nhiều truyện dân gian, những phong tục tập quán, những lễ hội, những trò chơi dân gian. Người đọc sẽ khó quên món “kẹo đất”, còn gọi là “bánh ngói” của dân Sơn Đông dành cho đàn bà có mang ăn “rở”; trò thi tài nấu cơm nồi đồng điếu; trò chơi đánh “phết” trong hội xuân, đến lễ hội Thánh Gióng ở Cổ Loa… Cả lối triết tự cắt nghĩa các chữ Hán, những câu thơ cổ,những lời Khổng Tử,những bài khấn… cũng được nhà văn đưa vào truyện đúng cảnh đúng dịp. Có thể thấy nhà văn Xuân Mai có một vốn liếng văn học dân gian dày dặn, phong phú và ông có ý thức dân gian hoá lịch sử nên đã chọn lọc, đưa vào “Người về chốn cũ” những chuyện dân gian khá đắc địa, giúp cho tiểu thuyết có không khí xã hội sinh động để nhân vật chính có đất sống và hoạt động “như thật”, không bị khô cứng.

Tôi rất ấn tượng với trang miêu tả về cái chết đầy bi tráng của Trần Nguyên Hãn và đoàn người đi theo ông khi họ nhất loạt gác chèo để thuyền lao xuống ghềnh Đông Hồ. Câu hỏi lớn của Trần Nguyên Hãn khi ông ngửa mặt hỏi trời cao trước khi chết thật có sức lay động người đọc - một thành công trong sáng tạo của Xuân Mai khi khép lại câu chuyện về bậc danh tướng.

“Người về chốn cũ” đã đến tay người đọc. Mừng cho nhà văn Xuân Mai, bước vào đúng tuổi “xưa nay hiếm” (Ông tuổi Giáp Thân - 1944 theo cách tính tuổi thọ dân gian thì năm nay đã sang tuổi 71) lại có sách mới tặng bạn Văn, bạn đọc một tiểu thuyết dã sử viết công phu, sinh động, rất đáng được ghi nhận.

 

Hà Nội, 15/6/2014

P.N.C

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...