Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Con người – giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa

(Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam)

Hồ Sĩ Vịnh - 29-06-2014 10:10:16 AM

Từ độ lùi thời gian 15 năm, Nghị quyết Trung ương V khóa VIII, năm 1998 được công bố, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa XI), năm 2014 tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Nghị quyết đánh giá cao Nghị quyết V, coi đó là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng ta, có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa của thời kỳ đổi mới. Kế thừa, bổ sung Nghị quyết V trong tình hình chính trị - kinh tế - xã hội vào những năm đầu thế kỷ XXI, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết 9 (khoá XI) nêu điểm nhấn: trọng tâm là xây dựng con người trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu với các nước trong khu vực và thế giới.

Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển nên hiểu như thế nào? Tinh thần là khái niệm vật chất, mang tính độc lập tương đối. Nếu nền tảng vật chất bao gồm các nhu cầu và hoạt động: ăn, ở, đi lại, lao động, sáng tạo và các nhu cầu cần thiết khác, thì nền tảng tinh thần là lĩnh vực sáng tạo tinh thần: khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, dân trí, bồi dưỡng năng khiếu, khuyến khích nhân tài, tôn vinh danh nhân, nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật, niềm tin tôn giáo, v.v… Văn hóa tự bản chất là một tập hợp rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực đời sống.

Nhờ có tinh thần mà con người không chỉ phản ánh hiện thực mà còn cải biến nó. Có lúc, có nơi tinh thần biến thành sức mạnh vật chất, đi trước vật chất, mà ngày nay các chính khách gọi là “quyền lực mềm”. “Quyền lực mềm” có khi đi trước kinh tế, quân sự. Trong lịch sử giữ nước, cha ông ta đã vận dụng trí tuệ thông minh, ứng xử khéo léo, nghĩa cử hòa hiếu để biến tinh thần thành sức mạnh nội sinh. Sau khi đánh tan 29 vạn quân Thanh, để phòng ngừa tâm lý phục thù nước lớn, vua Quang Trung đã có những hành xử nhân đạo với kẻ thua trận được thể hiện trong Chiếu dụ giặc Tàu ô; Biểu đòi lại bảy châu xứ Hưng Hóa với lời lẽ nhã nhặn, lịch thiệp, nhưng về nguyên tắc thì dứt khoát không nhân nhượng. Việc dâng biểu cho vua Thanh diễn ra đồng thời với việc “các quan chức văn võ đến địa hạt Hưng Hóa lần lượt điều tra cho rằng, địa giới của bảy châu để đưa về đồ họa của bản gốc”(1). Phương châm xử thế của vua Quang Trung là: ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn. Sức mạnh nội sinh trước hết phải là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự cường, tính cộng đồng cao, ý thức đồng thuận lớn, tính cần cù, cường độ lao động mạnh, truyền thống hiếu học, giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình Việt: nhà, làng, nước (gia phong, lệ làng, phép nước)…

Khi biện giải xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cần lưu ý hai điểm đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nói tiên tiến là nói tư tưởng tiến bộ, lý tưởng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hiện đại hóa trong lối sống, thiết chế văn hóa. Hiện đại hóa không đồng nhất với phương Tây hóa, sự đồng phục trong ăn, mặc, sự lạm dụng và tôn sùng lối sống xô bồ lai căng từ bên ngoài. Cần có những cơ chế, định thức bảo hiểm, tức là phải xây dựng, tổng kết hệ giá trị mới của tính cách dân tộc và sản phẩm sáng tạo. Hệ giá trị mới nảy sinh trên mảnh đất thời đại với thành tựu của các ngành công nghệ đang đi vào mọi lĩnh vực đời sống, thì văn hóa cần phát triển theo phương châm: dân tộc, nhân văn, hiện đại. Giá trị mới cũng bắt nguồn từ bản sắc dân tộc, nhưng bản sắc không hoàn toàn là khái niệm bất biến. Điều quan trọng là giữ cho được Tinh, Khí, Thần, Hồn thiêng sông núi, hồn cốt của người Việt Nam. Khí trong văn hóa tinh thần của người Việt không có tính chất siêu hình, mơ hồ như trong Kinh dịch. Khí là khí thế, khí huyết, vượng khí trong lao động sáng tạo. Đồng thời không bỏ lỡ cơ hội để học cái hay, cái đẹp của người, ngăn ngừa tâm lý bài ngoại hoặc phục ngoại, sao chép của ngoại một cách vô cớ. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài giữa hành vi bảo vệ bản sắc dân tộc, chấp nhận đa nguyên văn hóa, chống mọi dòng đục văn hóa thứ cấp, yếu tố phi nhân tính không phù hợp với truyền thống dân tộc. Truyền thống không phải là cái bất biến. Có cái được kế thừa, nếu phù hợp xu thế hiện đại, có cái mất đi do không có tiền đề bảo tồn, lại có cái tái sinh cả tiến bộ và lạc hậu. Tư duy nhân loại không ngừng phát triển. Tương đối hóa các thang giá trị là đặc điểm của văn hóa hậu hiện đại. Ngoài những giá trị cơ bản về lôgic là cái đúngcái sai, nay thêm một giá trị nữa là xác suất (nói nôm na là vừa đúng vừa sai). Vì vậy, khi khảo cứu cần có sự lựa chọn, thanh lọc để tránh những giá trị rởm.

Nói nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ trí thức tinh hoa. Xã hội nào muốn phát triển bền vững đều phải coi là khâu trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực kinh tế, vừa phù hợp với lòng dân. Từ thời cổ đại, nhà thần học Thomas Aquinas có câu nói nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh” đã ảnh hưởng đến toàn bộ văn hóa phương Tây mấy trăm năm. Trong triết học phương Đông, các triết gia thường tư duy bằng trực giác, nhìn mọi vật từ khuynh hướng vô cùng, thiếu khúc chiết. Tôn trọng truyền thống, học tập truyền thống được coi như một tiền lệ mỗi khi gặp những thách thức. Từ chỗ đó tạo nên một khuynh hướng mà học giới gọi là triết học hậu thoái về lịch sử (unephilosophie)(2). Điều đó chỉ đúng một nửa, bởi nó dễ bị khuôn vàng thước ngọc, trói buộc. Tình thế đó đòi hỏi giới trí thức cần khai phóng tư duy độc lập, lật trở sáng tạo, tìm kiếm phương pháp, bởi phương pháp sinh ra tri thức, đừng sợ tranh biện, cần có sự hoài nghi mang tính khoa học (doute scientifique) bởi nó tìm ra chân lý, mà chân lý là cụ thể.

Nhiều thập kỷ trước đây, không phải ngẫu nhiên Bác Hồ coi 5 phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ là: trí, tín, nhân, dũng, liêm, mà số một là trí. Trong đó trí là trí tuệ, tri thức, ánh sáng; trítri hỗn hợp là tri thức đa ngành, tri thức của phương pháp trong tư duy thực tiễn và tư duy suy định, tránh xa lối suy nghĩ sáo mòn, lối hành xử kinh nghiệm chủ nghĩa dẫn đến thảm trạng bảo thủ, trì trệ… Trong gần 30 năm qua, đường lối đổi mới do Đảng đề xướng đã thu được nhiều thành quả về “cởi trói” phương thức sản xuất trước khi đổi mới chính trị, nhờ ra đề đúng, giải đúng nên hợp lòng dân. Tuy nhiên ở bình diện tổ chức, xây dựng Đảng, lĩnh vực giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, công chức, lớp trẻ lại bị buông lỏng. Sự tha hóa quyền lực, tha hóa lao động là hai hệ quả của nhà nước quan liêu, cồng kềnh do sự vận dụng giáo điều quan điểm quá nhấn mạnh đấu tranh giai cấp trong việc đào tạo, sử dụng nhân tài… Điều đó dẫn đến những hạn chế, thiếu hụt trong quá trình hội tụ trí thức tài năng.

Trong nền kinh tế thị trường, lao động chất xám và lao động cơ bắp đều được coi trọng. Trong triết lý sống, cán bộ lãnh đạo cần làm gương để giáo dục lớp trẻ sự hoàn thiện nhân cách: tôn trọng những giá trị tinh thần cũng ngang bằng với những giá trị vật chất (nếu không muốn nói là hơn)... Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: “Thực hiện việc tôn trọng nhân cách là làm cho cái tốt trong con người luôn luôn sinh sôi, nảy nở; những cái xấu được dần dần đẩy lùi; làm cho con người trở nên tốt đẹp nhờ tự phê bình và phê bình…”. Con người không phải lúc nào cũng tự làm chủ được bản thân, nhất là số đông cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm trong tay quyền lực về các dự án lớn, tài chính, tiền tệ, đất đai, tài nguyên… nên phải nhờ vào những biện pháp giáo dục, nhưng quyết định là tự giáo dục. Những hình thức xử phạt nghiêm khắc, dù là bằng các chế tài pháp lý cao nhất, dù là bằng phạt tiền rất nặng, suy cho cùng, chỉ là tình thế, nếu như ý thức con người không “tự kỷ”, “tri túc” khi vấp sai lầm, thậm chí dẫn đến hành vi vô luân, vô đạo. Một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ nắm trong tay quyền lực lớn, phai nhạt lý tưởng, đạo đức suy đồi, lối sống buông thả là do họ “đức ít mà ân sùng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn”, người xưa coi đó là tam đại họa. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với họ và khuyến khích dư luận rộng rãi, sự giám sát công khai của các tổ chức quần chúng. Các bệnh nan y đã được phát hiện, chỉ chờ những phương thuốc điều trị hữu hiệu. ở đây đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, kiên tâm trong tự phê bình và phê bình: một hành vi văn minh, văn hóa, chứ không vùi dập con người.

Con người và sự hưởng thụ văn hóa: Đời sống văn hóa của nhân dân đã được cải thiện một bước rõ rệt, nhất là ở các đô thị. Nhưng ngay cả ở đô thị, trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều hiện tượng đáng lo ngại cũng đang làm vẩn đục môi trường văn hóa. Các loại văn hóa độc hại đang truyền bá tràn lan vào tận giường ngủ của mỗi gia đình. Điều đáng báo động là đối tượng tiếp nhận văn hóa độc hại số đông là thanh, thiếu niên, học sinh. Hiện tượng tiêu dùng vọng ngoại đã sinh ra tâm lý sùng ngoại, phục ngoại một cách vô cớ. Giữa lúc đó thì các tác phẩm nghệ thuật cách mạng và tiến bộ của chúng ta cũng như nhiều nước trên thế giới đã biến mất trong đời sống xã hội. Nghệ thuật quảng cáo thương mại không bỏ lỡ cơ hội để hàng ngày tuồn vào nước ta một lối sống tiêu dùng, buông thả; trong khi đó, sự hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất thấp. Người dân tộc thiểu số không biết tiếng dân tộc mình, không biết hát dân ca dân tộc mình, không mặc y phục dân tộc trong lễ hội, không hát múa những bài hát, điệu múa dân tộc... Tất cả những sự thiếu hụt của gốc rễ văn hóa đó đã dẫn đến việc một số không ít người thiếu hiểu biết đã tìm đến trú ẩn nơi các tôn giáo và tín ngưỡng phản động….

Còn nhân dân ở nông thôn đối xử với văn hóa ra sao? Phần lớn dân cư nông thôn sống dựa vào nông nghiệp, giá nông sản quá rẻ, trong khi đầu vào sản xuất lại càng cao. Nông thôn Việt Nam chưa hình thành nền sản xuất hàng hóa, cơ sở hạ tầng yếu kém. Những hủ tục nặng nề trong ma chay, cưới xin, lễ hội góp phần làm cho người dân nghèo khó hơn. ở nhiều vùng, tỷ lệ mù chữ còn rất cao, một bộ phận hầu như chưa được hưởng những thành quả của cuộc đổi mới(3).

Vào vài chục năm gần đây, do sự phát triển của các loại hình nghe nhìn như video, vô tuyến truyền hình, Internet, rồi văn hóa mạng… làm cho văn hóa đọc bị thu hẹp, thậm chí bị lép vế. Sự thờ ơ của người đọc đối với sách là một sự thật đáng buồn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giá trị thông tin đang được lưu hành, sử dụng qua nhiều kênh thông tin, không ai ngăn cản được sự tự do, sự dân chủ hóa tri thức qua mạng Internet; Nhưng từ đó không thể không thừa nhận sự thua thiệt của văn hóa đọc. Thao tác lật từng trang sách dần dần nhường chỗ cho thao tác nhấn chuột để tìm kiếm tri thức, thông tin trên mạng. Văn hóa đọc còn có giá trị nữa hay không tùy ở sự tự giác của người đọc. Nhưng mặt trái của văn hóa mạng là có thật và vẫn đang phát tác. Nhiều hiện tượng lừa đảo, dối trá, bôi đen như phim đồi trụy, thư nặc danh, những cảnh đâm chém nhau, bôi nhọ, đánh ghen, xuyên tạc những hiện tượng vốn tốt đẹp trong xã hội. Những trang web đen, những blogger tự do quá trớn, dân chủ cực đoan mưu toan với nhiều ý đồ chính trị đen tối, nhằm ý đồ chống đối chế độ đang yên ổn của chúng ta, cần được nghiêm trị để trở lại bản chất đúng đắn của loại hình văn hóa này.

Văn hóa nói cho cùng là cuộc hành trình không mệt mỏi đi từ cái tồn tại (exiter) đến cái thực thể (être) (theo J.P.Sartre) được hiểu rộng là đi từ cái bất biến đến cái khả biến, từ văn hóa hiểu biết (học vấn) đến văn hóa được giáo dục (ứng xử), từ con người yếu đuối đến con người cường tráng theo triết học nhân bản của L.Feuerbach. Còn K.Marx thì nói: “Thực chất của chủ nghĩa xã hội tương lai là chủ nghĩa nhân đạo”. Tất cả vì Con người, do Con người; Con người là giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa.

----------------------------

(1). Văn học Tây Sơn, Nguyễn Lộc tuyển, giới thiệu, Sở VH-TT Nghĩa Bình, 1986, tr.109.

(2). Dẫn theo GS. Nguyễn Thạch Giang trong cuốn: Hoa trái cuối mùa (Tuyển tập, tập cuối, Nxb. KHXH, H, 2011, Viết lại cái đã viết, tr. 51).

(3). Xem Nguyễn Công Tạn: Văn hóa và vấn đề phát triển nông thôn nước ta, báo Nhân dân, ngày 20-4-1997. Mười lăm năm sau, thực trạng trên ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao… cũng chưa được cải thiện bao nhiêu (t.g).

 

(Nguồn: Văn nghệ số 26/2014)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...