BÁNH TRÔI HOA- TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ HÀ NGÂN
Mặc dù chiều con gái, nhưng song thân nàng nghiêm lắm. Nếu không ngơ ngẩn trước đầm sen cuối mùa, nhặt từng cánh sen tàn trên mặt nước, nhắm mắt khấn nguyện, gieo quẻ bói nhân duyên thì nàng cũng đã về tới nhà lâu rồi. Sen cuối mùa phơ phất, mặt nước mờ xa như khói phủ, nàng mơ hồ cười trong khoảng nắng cuối ngày còn sót lại trên tán cây muỗm cổ ven hồ. Rẽ đám sen đang tàn, neo thuyền vào bến, nhẹ nhàng ôm hoa bước lên bờ.
- Thưa tiểu thư, làm ơn cho tôi hỏi, đường về Cổ Nguyệt Đường còn bao xa?
Xuân Hương ngỡ ngàng ngước lên. Đôi mắt lá đào bối rối, môi son cắn chỉ khẽ mím lại, một chút e ấp ngước lên nhìn khách. Vầng trán anh tú, cặp mắp sáng nghiêm nghị, nét tao nhã hiện lên trong dáng dấp nho sinh, khiến nàng yên lòng. Giọng nói đàng trong ấm áp làm nàng vững dạ. Một chút nghịch ngợm trỗi dậy trong lòng nàng.
- Người đàng trong hỏi Cổ Nguyệt Đường có việc gì không?
Khách im lặng, thoáng nhìn thiếu nữ ôm sen trước mặt rồi chợt mỉm cười:
- Thưa, tôi muốn về thăm cụ đồ Diễn, xin tiểu thư chỉ dùm.
Nho sinh ngước nhìn mặt nước xa xăm, những lá sen cuối thu xao xác, chàng chợt tư lự. Tiếng thở dài loang trong gió, chứa đựng bao ẩn ức của khách phong trần. Lòng Xuân Hương chợt chùng lại, nàng khép nép:
- Thưa vâng! Xin hãy theo em.
Tiếng “em” ngập ngừng thốt lên ấm lòng lữ khách. Chàng mừng rỡ cảm tạ, rảo bước theo chân thiếu nữ.
Chẳng dám bước mau, vì sợ chàng chê hấp tấp, nhưng bước chân sáo của nàng rồi cũng về tới cổng nhà.
Người cha thấy con gái yêu dẫn theo nam sinh vào nhà thì nghiêm giọng:
- Sao giờ này con mới về, có hái được sen cho cha ướp trà không? Đèn đã rạng rồi! Mau cùng mẹ lo cơm nước đi là vừa.
Nàng khép nép bước ra sân sau. Khách vòng tay thi lễ:
- Dạ thưa! Vãn bối là người đàng trong, ở trong tư dinh của quan Tham tụng Nguyễn Khản ở góc Tây Hồ, nay qua đây vấn an thầy mong trau dồi thêm nghiên bút.
Ông đồ Diễn ngỡ ngàng, rồi lên tiếng:
- Quý hóa quá! Vậy ra công tử đây là Thanh Hiên hiền sĩ, người nức tiếng văn chương hay sao? Vinh hạnh cho chúng tôi quá!
Chàng mỉm cười chua chát trước cái xuýt xoa khách sáo của cụ đồ Diễn, chẳng biết nói gì ngoài chắp tay cung kính.
- Không dám! Học trò họ Nguyễn tên Du, em trai Nguyễn Khản.
Đêm ấy, dưới ngọn bạch lạp chập chờn gió thu, một già một trẻ, luận bàn nghiên bút, má hồng e ấp ngồi từ xa trông lại. Câu chuyện mỗi lúc thêm mặn mà, chỉ khi gió khuya thổi mạnh, ùa vào thư phòng, khách mới giật mình tỉnh giấc xin cáo từ.
Xuân Hương bối rối tiễn khách nơi đầu ngõ, nàng ngượng ngùng đưa chiếc áo ấm của cha mình cho khách khoác tạm kẻo đêm lạnh, trời khuya. Hương thiếu nữ nồng nàn làm khách ngơ ngẩn, bàn tay đưa áo vô tình chạm nhẹ vào tay chàng, khiến tim chàng rộn rã. Cái cảm giác yêu đương làm chàng nóng bừng. Chút xuân thì vội vã khiến chàng khao khát. Nàng quay gót như chạy, mà bước chân như bị níu gọi từ xa. Nguyễn Du thấy lòng mình ấm lại, dịu đi bao hoang hoải, buồn phiền, thấy như mình được đáp đền trong những tháng ngày gió bụi từ đàng trong ra kinh thành Thăng Long hoa lệ, ở cùng anh.
“Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không”... Gà đã sang canh mà Xuân Hương vẫn còn thao thức, nàng không dám trở mình nhiều, sợ mẹ mất ngủ. Sương lạnh rơi lộp độp vào tàu tiêu sau nhà. Càng khiến nàng bâng khuâng. Giấc xuân chập chờn ảnh hình người trai mới gặp. Nhịp tim thiếu nữ mười bảy rộn rã. Cảm giác lạ lùng, căng chật ngực yếm đào, một chút khao khát ước ao, xốn xang ùa dậy. Nàng lo sợ nhưng sao toàn thân cứ nóng bừng, khó tả lắm!
Đêm chìm sâu mộng mị, bồi hồi nàng thiếp đi trong cảm giác mới lạ, chưa từng gặp bao giờ.
Ánh sáng ùa vào buồng ngủ, nàng giật mình nghe tiếng mẹ ngoài sân:
- Gớm! Con gái con đứa... Sao hôm nay ngủ muộn thế, có dậy giúp mẹ làm bánh trôi nước không đây. Dậy đi con, trưa lắm rồi, nhanh lên kẻo hỏng hết bột bây giờ.
Người mẹ mắng con mà miệng vẫn cười hiền. Vì Xuân Hương chính là bảo ngọc trân quí trên tay ông bà Đồ. Nàng là tấm lụa bạch mà mẹ nàng chưa chịu bán chợ đàng xa. Bao đám danh giá quyền môn dạm hỏi, nhưng nàng chưa ưng ai cả. Mười bảy tuổi, nàng nảy nở rực rỡ như đóa Hải Đường trong gió xuân, thông minh, ứng đối như nước chảy ngoài bến sông, khiến bao kẻ phải ngậm ngùi thấy mình không xứng. Xuân Hương vẫn treo cao giá ngọc, rong ruổi trên cánh đồng chữ, mơ một ngày nao có kẻ xứng đáng để nàng nâng khăn sửa túi.
Sợ con mải mê thơ phú văn chương, bà đồ dạy con nghiêm cẩn nữ công gia chánh. Và bây giờ, dưới giàn hoa thiên lý ngan ngát hương, nàng đang ngoan hiền bên mâm bột chuẩn bị làm bánh trôi. Bao lần mẹ giảng giải cách làm bánh trôi, nàng đã thuộc lòng, nhưng mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại mong nàng khắc cốt ghi tâm.
- Con nhớ là khi làm bánh trôi, con phải lựa nếp thật dẻo nhé! Cái loại nếp cái hoa vàng vẫn bán ở kẻ chợ ấy chưa hẳn là đã rền thơm đâu con ạ! Hạt nếp phải to tròn, sắc trắng mịn màng, vốc lên tay hạt phải đều tăm tắp. Nếu lựa nếp Vò Di của người Sơn Nam Hạ cũng tốt con ạ! Hạt nếp ngon sẽ làm cho miếng bánh thật vị hơn.
Giọng bà đồ đều đều trong gió thu, Xuân Hương thả hồn theo đôi vàng anh đang âu yếm nhau trên giàn thiên lý, giật mình khi nghe mẹ gắt:
- Cái cô này, hôm nay làm sao thế? Cứ như kẻ mất hồn...
Nàng sợ hãi cúi xuống giả lả:
- Mẹ ơi! Khi ngâm gạo phải ngâm tới ba canh giờ mẹ nhỉ? Con còn nhớ là mẹ dặn phải pha bốn phần nếp với một phần gạo tẻ khi làm bánh trôi, thì vo bột mới không dính bết và không nát.
Bà đồ lại cười:
- Còn gì nữa, cô kể tiếp cho mẹ nghe nào. Cố mà học ăn học làm, kẻo về nhà người ta lại bị chê là đoảng vị đấy con ạ!
- Vâng! Lựa gạo xong thì ngâm gạo ba canh giờ cho mềm, thay nước vài lần cho bột khỏi chua. Vo gạo cho sạch, để ráo nước, rồi cho vào cối bột quay đều, nhẹ nhàng. Nước bột trắng mịn sẽ ùa ra, cho bột vào túi vải phơi trong gió, nước bột nhỏ ra, bột đọng lại, rồi ngào bột thật mềm và nặn hình bánh. Đúng chưa thưa mẹ!
Bà đồ gật đầu vừa lòng vì thấy con đã nhập tâm. Nàng đang thao thao bất tuyệt, chợt cảm thấy gáy mình nhồn nhột, vội ngước lên. Chàng, đứng khoanh tay trước mặt nàng từ lúc nào. Nàng bối rối.
- Mời chàng lên thư phòng đàm đạo cùng cha em. Em làm bánh một chút là xong, sẽ mời chàng dùng thử thứ bánh dân dã xứ Bắc.
Nguyễn Du nhìn đôi bàn tay khéo léo của Xuân Hương mà thèm vụng. Đôi mắt chàng chợt buồn bã, thê thiết. Chàng nhớ mẹ, nhớ thứ bánh trôi chay mà mẹ chàng làm, vào những ngày tết Hàn Thực thuở xa vắng. Mẹ chàng cúi mặt, âm thầm khép nép bưng mâm bánh lên thư phòng cha chàng, trong ánh nhìn cay nghiệt, tiếng hấm hứ của bà cả. Tiếng là con quan, danh gia vọng tộc, nhưng chàng chỉ là con thứ thiếp. Bao tủi hờn cay đắng của thân phận, chàng cũng đã nếm trải cùng mẹ, giờ đây, nhìn thứ bánh Xuân Hương làm, chàng lại ngùi ngùi, mắt chợt cay cay.
Như đọc được niềm ẩn ức trong lòng khách, qua phút giây bối rối, Xuân hương cúi xuống thau bột. Đôi bàn tay nàng như múa trong màu lụa, viên bột được chia đều ra mâm. Miếng đường phên, cắt nhỏ như chiếc cúc áo xinh xắn, bọc lớp đỗ xanh đồ chín, giã mịn ra ngoài, thành nhân bánh. Bột bọc nhân, bánh vo thật đều tay, hình tròn xinh xinh được xếp lên mâm.
Bà đồ Diễn ý tứ lảng ra vườn, mặc cho khách và con gái mình nói chuyện tự nhiên. Có phải nắng thu bừng sáng, hay ánh nhìn của khách mà gò má Xuân Hương đỏ lựng lên. Cái tinh nghịch giờ trỗi dậy, nàng xoa đôi bàn tay trắng bột chợt cất tiếng ngâm nga:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Nguyễn đắm đuối, ngắm cái cổ trắng như ngó cần, cặp môi hồng thạch lựu, ánh mắt lá đào sóng sánh. Chàng chỉ muốn áp mặt vào đấy. Chiếc yếm lụa đào phập phồng hơi xuân càng làm Nguyễn khao khát. Tiếng ngọc bên tai du dương khiến chàng đắm say.
Mâm bánh trắng ngần đặt sang bên cạnh, thau bột nếp ngào gấc đỏ thắm được đặt vào. Bánh son dưới tay nàng xếp hàng đều đặn tươi tắn trước ánh nhìn của Nguyễn Tiên Điền. Thấy chàng chăm chú nhìn mình, Xuân Hương thẹn thừng nhắc khéo:
- Mời chàng lên thưởng trà cùng cha em, việc bếp núc là của nữ nhi, xin chàng đừng lưu lại e rằng em thất lễ...
Nguyễn mỉm cười:
- Thứ bánh trôi của kinh thành Thăng Long, sao đẹp lạ lùng vậy? Ta cứ tưởng người ta chỉ làm bằng bột trắng và đường phên thôi chứ, sao lại cách điệu thêm ra đến thế này ư?
Má nàng hồng chín, lời nói ân cần của Nguyễn khiến Xuân Hương mạnh dạn.
- Vâng! Hạt nếp là ngọc thực mà trời đất ban tặng cho con người, các thứ bánh lại do sự sáng ý và khéo léo từ những bàn tay con người làm ra.
Chỉ sang mâm bánh trôi gấc son hồng, nàng tiếp lời:
- Với thứ bánh màu đỏ thắm này, không chỉ bọc đường phên, mà nhân của nó là những hạt mứt sen bọc đường trắng tinh xảo, vừa mềm vừa thơm, quấn lớp đậu xanh, trộn dừa bào làm nhân, sẽ tạo độ ngậy thanh cho món quà.
Nguyễn âu yếm nhìn bàn tay đảm khéo của nàng, tim chàng dâng lên nhịp tơ vương đắm đuối...
Tiếng e hèm của cụ đồ Diễn ở nhà trên khiến Nguyễn bừng tỉnh, chàng vội vàng rảo bước lên thư phòng. Xuân Hương cũng ngơ ngẩn theo bước chân thư sinh họ Nguyễn.
Lửa hồng trên bếp reo vui tí tách, nồi nước luộc bánh sôi lục bục, nàng nhanh tay thả bánh vào nồi. Nước sôi nhấn chìm những viên bột trắng nõn, mịn màng như làn da thiếu nữ. Lửa củi thật đều, bánh chìm xuống rồi lại nổi lên, lênh đênh trên mặt hồ thu. Viên bột nhỏ xinh giờ phồng căng, nở đều óng mịn. Nhìn viên bánh tròn trịa, Xuân Hương lại nghĩ tới phận mình và những người đàn bà trong cuộc đời này. Nàng chợt thở dài, trĩu nặng ưu tư, thoắt nhiên buồn bã, như chiều dâng trong lòng. Lo khách chờ lâu, Xuân Hương vội vã ra vườn, ngắt những cánh hoa nhài trắng muốt đem về mâm bánh. Bánh trôi xinh được bày ra đĩa, vừng rang chín khéo xát vỏ rắc đều lên trên đĩa bánh, cùi dừa xắt đều như tơ được rắc lên, như những nét Hán tự tài hoa viết thảo. Bông hoa nhài thanh khiết lặng lẽ tỏa hương, trên đĩa bánh trôi.
Má thắm, môi hồng, bánh trôi hoa làm Nguyễn ngất ngư say. Chàng ngỡ ngàng trước nhan sắc giai nhân, ngỡ ngàng trước sắc hương đang réo rắt suối thơ trong lòng chàng:
Bánh trôi xinh, bánh trôi xinh
Nổi chìm chi để đượm tình nước non
Mai còn son, mãi còn son
Khối tình kia chớ héo mòn lòng ta
Xuân Hương e lệ, hàng mi diễm kiều cúi xuống thẹn thùng, chỉ một thoảng thôi, môi hồng xinh như hoa đào hàm tiếu chợt buông lời:
Hỏi rằng trời đất bao la
Cái hồng nhan sợ la đà khói sương
Chén quỳnh tương lỡ sầu vương
Thiếp như phận bánh nhạt đường lại lo...
Thấy con gái đã lên tiếng, sợ con mình thất lễ với Nguyễn công tử, thầy đồ Diễn e hèm, rồi nhắc con lui vào nhà sau.
Xuân Hương lui gót mà Nguyễn còn ngơ ngẩn trước mâm bánh đang tỏa hương. Thầy đồ Diễn phải nhắc, chàng mới ngượng ngùng tỉnh mộng dùng đũa.
Thấm thoát đã mấy tuần trăng qua đi, công tử của dinh quan Tham tụng Nguyễn Khản đã trở thành khách quý của Cổ Nguyệt Đường. Xuân Hương ngày càng rực rỡ mặn mà nhan sắc. Bao lần chàng và nàng xướng họa, tâm hợp ý đầu. Nguyễn mừng rỡ vì có được một hồng nhan tri kỷ, niềm vui đong đẩy trong lòng chàng. Nhưng Nguyễn lại thoắt lo trước cái tài hoa trác tuyệt, lo cái thông minh hóm hỉnh sắc xảo của nàng. Nguyễn lo và thương Xuân Hương biết nhường nào, khi chiều kia chàng tới muộn, gặp nàng thẫn thờ bên khung cửa mắt ứa lệ. Câu thơ Nôm như cất lên ai oán thê thiết:
Mây Tần liễu rủ còn buông
Bóng con chim nhạn cuống cuồng lìa xa
Này là nguyệt, nọ là hoa
Rượu kia khéo ủ chỉ ta uống mình
Lời thơ còn bồn chồn chưa dứt, đôi mắt đẫm lệ trông lên, nàng gặp Nguyễn đắm đuối nhìn nàng xót xa. Xuân Hương nhìn chàng hờn giận. Cặp môi đỏ mọng, dỗi hờn, khiến Nguyễn muốn điên lên, chỉ muốn ôm lấy mái tóc đuôi gà và cắn vào bờ môi chín mọng đó.
Chiều lang thang ngoài bãi dâu, Nguyễn tha thẩn theo nàng khắp bãi bờ. Dâu non như mời gọi những búp tay ngọc của Xuân Hương. Bao lần nàng cất tiếng:
- Chàng về đi kẻo chiều muộn, đừng theo em nữa, để em còn hái dâu kẻo lỡ lứa tằm, mẹ em mắng!
Nhắc chàng về kèm theo cái nguýt yêu, càng khiến Nguyễn như mê trong cơn chống chếnh, bàn chân chàng theo nàng mãi không dứt. Ngọn dâu non mơn mởn, bến sông trở gió, bãi bờ ngan ngát màu xanh, con thuyền cô đơn trôi trên bến nước. Xuân Hương lo ngại nhìn Nguyễn, nửa như giục giã chàng trở về, nửa như níu giữ. Chí tang bồng hồ thỉ, nam bắc đông tây giờ cũng ngả nghiêng trong sóng thu ba của giai nhân. Ánh mắt đắm đuối như trao gửi ân tình. Con sâu dâu vướng trên tóc nàng, không thể kiềm lòng, Nguyễn đưa tay nhặt lấy vứt ra xa. Xuân Hương sợ hãi, chực ngã. Chỉ một thoáng thôi, nàng đã thổn thức trong vòng tay Nguyễn. Hương trinh nữ làm chàng sôi sục. Chàng vục xuống đôi gò bồng đảo như cơn sốt. Xuân Hương lả đi trong phút giây đắm đuối của người viễn mộng. Trời đất như mỉm cười, cây lá như vây bọc, cho sự tài hoa trác tuyệt quyện hòa. Nguyễn ngất ngây trong hoan ca, ngọt ngào mê mị, chỉ khi trăng non bẽn lẽn tỏa ánh xanh dịu dàng lên bãi dâu, chàng và nàng mới bừng tỉnh. Xuân Hương thảng thốt rời khỏi tay chàng ngẹn ngào thốt lên:
Trăng non đã hóa trăng già
Suối đào nguyên, thôi đã là nhớp nhơ
Dương liễu kia xanh ngẩn ngơ
Hỏi thuyền quân tử xa bờ còn thương....
Nàng run rẩy ngay trong chữ nghĩa, càng khiến Nguyễn thêm kính yêu, giai nhân tài hoa của kinh thành Thăng Long diễm lệ. Nước mắt Xuân Hương lã chã, tim Nguyễn cũng tan nát theo tiếng nức nở của nàng. Kéo nàng gục đầu vào ngực mình, Nguyễn an ủi:
- Nàng yên lòng, nàng đã thuộc về ta rồi. Ta sẽ mau chóng xin anh ta cưới nàng làm vợ. Dù vật đổi sao dời, dù bể cạn non mòn ta cũng không thể quên được tấm tình nàng...
Gió sông dờn dợn, bãi dâu loang bóng tối, lá dâu run rẩy trong gió lạnh. Lửa chài đã vương trên bến vắng, vài chiếc nhạn đang mải miết thiên di trên bầu trời. Nguyễn vùi mặt vào tóc đuôi gà, uống từng giọt nước mắt nóng hổi trên gò má thanh tân của mỹ nhân! Ôi chao! Tang bồng hồ thỉ, nước mắt nóng làm Nguyễn nghẹn lòng. Thôi thì thôi! Thế thì thôi, văn chương và đắm say giờ đang lên ngôi trong lòng Nguyễn.
Đêm ấy nước mắt đẫm gối, Xuân Hương buồn khóc cho phận mình. Một vì sao lạnh gối khuya, thiên hà run rẩy âu lo theo nhịp tim của nàng. Tiếng vạc ăn sương vọng vào khắc khoải, biết là dại nhưng nàng không ân hận vì đã trao cái ngàn vàng cho người tình chung.
Hoàng hôn buông, trăng lặn sao mờ, tiếng vạc chiều cũng ngậm ngùi trong chiều xuân nàng tiễn đưa Nguyễn trở lại quê nhà, xây cất từ đường tổ phụ.
Thăng Long hoa lệ rực thắm sắc xuân. Những cánh đào phai bay trong gió lạnh, tóc đuôi gà buồn ngơ ngác, má thắm ướt lệ xuân. Gió xuân cồn cào, hoa đào rùng mình rã cánh bay lả tả xuống tây hồ. Mặt nước hồng phơn phớt sắc hoa, lũ cá chép tưởng mồi bơi theo lớp tớp, đuổi mãi những cánh hoa vô định trôi trên mặt nước. Lá vàng cuối đông còn sót lại cũng theo gió lướt xuống mặt hồ. Một vài bóng hồng dạo gót ven bờ nhưng không làm cho cảnh xuân ấm lên. Xuân Hương tê tái nhìn người yêu buồn rầu tư lự bên cạnh. Người đi có bao giờ trở lại Thăng Long, có nhớ nhụy đào phong kín vẫn chờ quân tử hay không?
Người đi sương lạnh có nhớ về Cổ Nguyệt Đường, nhớ bãi dâu non thấm đẫm ân tình nàng trao gửi? Bánh trôi son đỏ thắm, ướp hoa nhài thơm ngát, nàng dậy từ gà gáy canh đầu, lụi cụi làm cho chàng đem theo làm quà trên đường xa. Bánh trôi tròn xinh như khuôn trăng thiếu nữ, màu đỏ của gấc quyện trong bột nếp đỏ thắm, thơm thảo sắc son như tình nàng dành cho Nguyễn. Người đi dặm dài thiên lý, sao hiểu hết được cái đau đáu nhớ nhung của kẻ trông theo. Bánh trôi ơi nổi chìm trong nước lửa, long đong của phận gái má hồng. Nguyễn bùi ngùi, Xuân Hương đớn đau... tao loạn và gió bụi đã mất hút bóng người xa trên dặm dài... Để hậu thế còn ngậm ngùi cho một kiếp bánh trôi...
Nguồn Văn nghệ số 34/2017