Chân dung văn

12/12
5:26 PM 2020

DOSTOEVSKY: TẠI SAO PHƯƠNG TÂY KHÔNG HIỂU NƯỚC NGA

Theo báo Literarni Noviny (CH Sec).TÔ HOÀNG.Có những nhà văn qua các tác phẩm và thế giới quan của họ, họ đã hóa thành lương tâm của nhân dân. Những nhà văn vĩ đại nhất trong số ấy đã biết vươn cao hơn thời đại của mình và ngôn ngữ họ sử dụng, để tư tưởng của họ trở thành di sản tổng hợp của nền văn minh. Những nhà văn như vậy không đông đảo. Và thậm chí nhiều thế kỷ trôi qua văn chương của họ vẫn mở ra điều gì đó mới mẻ.

Fedor Mikhailovst Dostoievsky – nhà tư tưởng đã bị người đời phê phán trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng cũng chính thời gian đã tạo nên thiên tài của ông ta. Và nếu vào đầu những năm 1990 nữ ca sĩ Liusie Bila của chúng ta hát rằng Dostoievsky đang tới thì hôm nay không còn nghi ngờ gì chúng ta có thể xác nhận Dostoievsky đã ở đây với chúng ta. Tầm tiên đoán trong di sản của ông đã đặt lên đôi vai thế kỷ của chúng ta một gánh nặng lớn, chứ đâu chỉ ở thế kỷ 19. Nếu có ai đó cách đây chưa lâu còn nói rằng chúng ta sẽ chiến đấu với nước Nga chắc chúng ta sẽ coi đó là một kẻ điên rồ. Nhưng thế giới của chúng ta, tuy đã vượt qua những khác biệt về ý thức hệ nhưng vẫn chưa đạt được hòa bình và ổn định. Về sự đối lập giữa nền văn minh phương Tây và văn minh Nga người ta đã tranh luận khi những dân tộc nhỏ ở Đông (và Trung) châu Âu chỉ vẫn đang đi tìm ngôn ngữ và sự đồng nhất. Lối hành văn đặc biệt của Dostoievsky không chỉ mở ra cách suy nghĩ độc đáo của người Nga, mà còn là bản đúc luôn được lặp lại tính vị kỷ của người châu Âu. Tác phẩm của Dostoievsky đã được viết tại nước Nga - Sa Hoàng sau những cuộc chiến của Napoleon, trong thời đại của những hy vọng và mong đợi lớn. Những hy vọng mà không bao giờ thành sự thật. Y hệt như ngày hôm nay.

ĐIỀU BÍ ẨN CỦA CON NHÂN SƯ

“Nếu có trên thế gian này một xứ sở dường như chưa từng được biết, chưa từng được ngó ngàng tới; một xứ sở rất khó hiểu và không thể hiểu nổi - xứ sở ấy, không cần tranh cãi - đó là nước Nga đối với các nước phương Tây láng giềng” - Fedor Dostoievsky đã viết vậy vào năm 1861 trên tạp chí Thời đại mà ông xuất bản cùng với Mikhail, em trai của mình.

“Không một nước Trung Quốc nào, không một nước Nhật bản nào có thể che đậy những bí mật đối với thói tò mò của châu Âu, như nước Nga, ngay lúc này và thậm chí, sẽ còn kéo dài rất lâu trong tương lai. Chúng ta không cường điệu. Trung Quốc và Nhật Bản, trước tiên, là ở quá xa châu Âu, sau nữa muốn tới hai nước đó đôi khi rất khó khăn. Nước Nga lồ lộ tất cả trước châu Âu, người Nga giữ mình hoàn toàn không cài khuy trước người châu Âu, thêm vào đó tính cách Nga, thậm chí trong ý thức của người châu Âu còn được hình dung ra một cách yếu ớt hơn, so với tính cách của người Trung Quốc hay người Nhật. Ấy vậy mà đối với châu Âu - nước Nga là một trong những điều bí ẩn của Con Nhân Sư”.

Dostoievsky rất quen thuộc với đặc điểm của xã hội phương Tây: một số tác phẩm xuất sắc của ông đã được ông viết trong thời gian các chuyến đi sang châu Âu. Ông hiểu sự khác nhau của hai nền văn minh cận kề nhau. Ông hiểu cái đặc sắc của xứ sở mình và chế nhạo những mưu toan phân tích tâm hồn Nga:

“Người châu Âu tin chắc rằng từ lâu họ đã hiểu thấu chúng ta. Trong những thời kỳ khác nhau những người láng giềng tò mò, tọc mạch ấy của chúng ta đã dồn nỗ lực lớn để nhận biết chúng ta và đời sống thường nhật của chúng ta. Đã từng có những văn bản, những con số, những sự việc; đã có những công trình nghiên cứu mà chúng ta đặc biệt cám ơn, bởi vì những công trình nghiên cứu này đối với chúng ta là rất bổ ích. Và những nỗ lực toàn diện ấy được đúc rút từ tất cả các văn bản, các số liệu, những sự việc trên phản ánh những gì khá cơ bản, đúng đắn, xác thực về con người Nga; có điều gì đó như phép tổng hợp của những cái đúng. Tất cả những nỗ lực ấy luôn luôn phơi bày ra những gì không thể định đoạt trước đầy hiểm họa, dường như đối với ai đó, đối với điều gì đó. Khi sự việc xẩy tới với nước Nga một sự đần độn kỳ quái rơi trên đầu chính những người thường thích tưởng tượng ra những kho thuốc súng và ưa đếm sao trên bầu trời, cuối cùng để rồi cường điệu lên tựa như họ có thể gom hết số sao ấy trên bầu trời kia”.

Các bạn chú ý tới điều này không, rằng F.M Dostoievsky muốn chúng ta giới thiệu để tiếp cận với các cuộc tranh cãi của các chuyên gia Sec hiện đại về nước Nga: M.Ts Putnyi, Libor Dvojak và Vrachislav Doybek dưới sự điều khiển rất dễ mến của ngài Vladimir Cutsera trên buổi truyền hình Histories.cs. F.M Dostoievsky liệu có thể thêm thắt điều gì nữa đây?

“Nói thêm, điều gì nữa họ biết về người Nga chúng ta? Họ biết, ví dụ như nước Nga luôn đi ngủ ở nhiệt độ nào, thừa thãi cái gì, những nơi nào thường đi lại trên những chiếc xe do chó kéo. Họ biết, ngoài chó ra ở nước Nga còn có những con người, rất lạ lùng – giống mọi người khác, đồng thời dường như không giống ai cả. Giống người châu Âu đấy mà dường như cũng giống những kẻ man rợ. Người châu Âu biết rằng dân tộc chúng ta hoàn toàn sáng trí nhưng không có tài, rất đẹp, sống trong những ngôi nhà gỗ nhưng không có khả năng vươn tới sự phát triển cao mà nguyên do là vì băng giá. Họ biết rằng ở Nga có quân đội, thậm chí có một đạo quân đông đảo, nhưng họ cho rằng người lính Nga chỉ là một cỗ máy hoàn hảo, được đẽo gọt ra từ những khúc gỗ, tiến lui bởi những cái lò xo, không nghĩ ngợi, không cảm xúc gì, bởi vậy đám lính ấy chỉ là bày đàn khi giáp trận mà không có mảy may tính độc lập và trong tất cả mọi mối quan hệ người lính ấy đều thua người lính Pháp”.

Những nhận xét về quân đội của F. M Dostoievsky là rất đúng lúc. Trong thời buổi của Dostoievsky nước Nga một lần nữa lại biến thành mối hiểm họa cực kỳ nghiêm trọng đối với nền văn minh của toàn châu Âu. Sa Hoàng Aleksandr II đã cười nhạo và không tán thành (thậm chí chỉ về mặt giao thương hàng hóa) các nước khác của Thế giới cũ ở Đông Nam châu Âu giao lưu (thậm chí chỉ về mặt giao thương hàng hóa) với người Thổ. Vì đường lối chính trị độc lập trong quan hệ với bạn bè phương Tây nên kết quả là nước Nga quân chủ đã phải trả giá vào năm 1917: Lenin nhận tiền vì cuộc cách mạng của mình ở Đức. Dostoievsky và Zola hồi ấy cũng là những người lên tiếng chỉ trích gay gắt nhất đường lối chính trị của phương Tây.

CHÂN DUNG CỦA NGƯỜI CHÂU ÂU

“Người Pháp tin rằng họ không mang ơn ai, chẳng chịu ơn vì điều gì, cho dù thực ra người khác đã làm cho họ điều gì đó. Không phải bởi vì người Pháp có trái tim lạnh giá, thậm chí còn ngược lại. Mà bởi vì họ đinh ninh tin rằng không ai mang lại cho họ điều gì, ví như chỉ một sự hài lòng nhỏ bé nào đó. Và họ tin bản thân họ sẽ  cảm thấy hạnh phúc dù chỉ bằng một biểu hiện nào đó, rồi họ sẽ an ủi, ban phát và làm mãn nguyện tất cả mọi người và mỗi người trên con đường họ gặp được”.

Não bộ của một kẻ ngốc nghếch tốt bụng chứa đầy thiện chí là rất điển hình cho người dân châu Âu hiện đại. Khi đề cập tới ý kiến của các nhà văn Pháp viết về nước Nga, Dostoievsky đã góp thêm như sau: “Ngay khi còn đang ở Paris, các ông ấy đã biết mình sẽ viết gì về nước Nga; thậm chí viết bằng những ấn tượng qua các cuộc dạo chơi ở Paris, trước khi tới viếng thăm nước Nga, bù đắp thêm bằng kiến thức thâu gom được từ sách vở, để sau đó khi đến với nước ta các ngài ấy sáng mắt ra, mê mẩn và bay bổng”.

Cũng có phần khoan dung hơn, Dostoievsky nói với người Đức: “Thoạt tiên, hãy nói về người Đức - ông bạn láng giềng gần gặn của chúng ta. Người Đức tới nước Nga bằng mọi giá: với các nhà khoa học nhắm mục đích nghiêm chỉnh là mô tả về nền khoa học ích lợi ở nước Nga, còn với những người bình thường thì với mục tiêu khiêm tốn hơn và cũng rất thiện chí là học cách làm bánh mì trắng và xông khói giò”.

Vào những năm tháng ấy quả là có một lượng đông đảo người Đức tìm tới nước Nga. Tới Nga còn có nhiều người Sec vẫn chiếm số đông nhất tại nước Nga Sa Hoàng. Dostoievsky đã miêu tả ấn tượng của họ về nước Nga như sau:

“Dường như không hề có sự khác biệt giữa những nhà nghiên cứu người Đức với người Đức dân thường trong sự hiểu biết, trong vị trí xã hội, trong học vấn khi họ tới nước Nga. Tại nước Nga tất cả những người Đức ấy nhanh chóng hòa nhập làm một trong những ấn tượng họ gây ra. Có một thứ tình cảm yếu đuối nào đó của sự thiếu niềm tin; có một thứ bệnh hoạn gì đó trong việc dung hòa với những gì họ thấy giống họ; ở họ thiếu đi năng lực đoán ra những gì mà người Nga không hề lưu tâm ở người Đức. Vì vậy người Đức không thể đo đếm được bằng cái thước đo của họ và cuối cùng, hiển hiện hay còn ẩn náu, trong mọi trường hợp vẫn phơi bày ra tính kiêu căng vô lối của người Đức đối với người Nga. Điều này khá điển hình cho mỗi người Đức trong cách nhìn nhận tại nước Nga”.

Dostoievsky cũng dành một đoạn để nói về người Anh:

“Cho tới nay người Anh vẫn còn chưa bỏ qua việc thiếu lý tính trong cuộc sống của người Pháp. Còn người Pháp thì coi việc ấy không đáng giá một đồng xèng, dù cả hai đang ở trong một liên minh vững bền”.

ĐỪNG SÙNG BÁI HỌ QUÁ  

“Còn gì nữa đây? Liệu chúng ta có nên lên án những người nước ngoài vì ý kiến như vậy không? Lên án họ đã ác cảm với chúng ta, coi chúng ta là ngu dốt? Cười nhạo họ vì không biết nhìn xa trông rộng, vì tầm nhìn hạn hẹp sao? Nhưng họ đã phát biểu như vậy không chỉ một lần, với một người nào đó. Ý kiến ấy được lan truyền khắp châu Âu, trong mọi hình thức, mọi khuôn khổ với sự khinh miệt lạnh lùng và với sự bẻm mép của những kẻ hạ lưu, của những ông chủ, của cả những người có lòng trung thực cao; cả trong văn xuôi lẫn trong thơ ca, trong tiểu thuyết và trong sử sách, ngay ở tại premier-Paris 1 từ diễn đàn của các nhà hùng biện. Nói ngay, ý kiến đó dường như không phải chung cho mọi người và vì vậy cũng khó mà lên án tất cả mọi người. Và sẽ kết án vì điều gì đây? Vì tội nào? Nói thẳng, ý kiến đó không có tội gì hết và thậm chí chúng ta phải thừa nhận ý kiến đó hoàn toàn bình thường, là hiện thân sự vận động của cuộc sống, tuy có điều gì đó hoàn toàn giả dối. Nguyên do là người nước ngoài không thể hiểu chúng ta một cách khác, tuy dường như chúng ta không thể chấp nhận được. Nhưng sao lại không chấp nhận nhỉ? Trước hết, với tất cả sự có thể, người Pháp không đặt mua tạp chí Thời đại tuy chính ông Siseron cũng không phải là cộng tác viên của chúng ta. Thêm nữa, người Pháp không đọc câu trả lời của chúng ta; số người Đức còn lại cũng vậy. Lẽ thứ hai, phải công nhận rằng, ở họ quả là có những điều chúng ta không hiểu nổi. Người nước ngoài cũng không hoàn toàn hiểu nhau “.

Ngày hôm nay chúng ta còn chưa biết cụ thể Dostoievsky ám chỉ điều gì trong đoạn văn trích ở trên, nhưng ngẫm ra thì điều nhà kinh điển muốn nói tới cũng không quá phức tạp. Nói đúng ra, đoạn văn thể hiện chỗ rất giống nhau ở thói khoa trương hiện nay trong thái độ đối với Nga tại châu Âu. Trong những đoạn trích từ tạp chí Thời đại 1861 được công bố trong cuốn sách Nhật ký nhà văn 1873 (được in bởi Lodiznhikov vào năm 1922 tại Berlin) có một số chỗ rất thú vị. Trước tiên, Dostoievsky lưu ý tới số đông người đọc: “Chúng ta không cường điệu”. Văn hào phản ánh quan điểm của toàn bộ xã hội Nga, kêu gọi đồng bào của mình lưu ý tới những ý kiến của ông về châu Âu. Tiếp tới, điều này có thể tha thứ cho thiên tài khi ông hoàn toàn không đếm xỉa tới một số điểm giống nhau xét về mặt địa lý của thế giới hiện đại.Đương nhiên không nên quở trách ông không động chạm gì tới Ucraina. Cái tên này chỉ bắt đầu được xử dụng tại Liên bang Xô Viết vào năm 1919. Những đường biên giới của châu Âu thuở xa xưa chưa chia ra thành người Ba Lan, người Sec. Dostoievsky viết: “Thoạt tiên, hãy kể tới người láng giềng gần gặn của chúng ta, người Đức”. Bài báo được viết ngay trước khi xuất hiện một nước Đức hợp nhất (1896), chính vì vậy sự phát tán sau này là điều Dostoievsky chưa thấy được. Thế giới đã thay đổi cơ bản. Cho dù thế nào đi nữa cũng không thể lên án Dostoievsky bởi ông chưa hề biết tới những tộc người Slavơ nhỏ bé. Ngược lại, văn hào đã rất ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh của họ vì độc lập.

Theo báo Literarni Noviny (CH Sec).

TÔ HOÀNG

Chuyển ngữ từ bản tiếng Nga

Nguồn Văn nghệ số 50/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *