NHẠC SĨ NGUYỄN TÀI TUỆ- BẢN HỢP TẤU CỦA TÀI NĂNG, TÂM HỒN VÀ NGHỊ LỰC
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Và ngay tức khắc, làm lay động sâu xa cảm quan của ta về cái đẹp, đánh thức nhân tính, an ủi và chắp cánh cho những gì thánh thiện nhất, nó khiến ta vừa là ta vừa là một cái gì khác. Nó làm cho ta cảm thấy đáng sống, tin yêu và khoan dung lạ thường! Sau bao nhiêu năm, đến nay tôi còn giữ được gần như nguyên vẹn cái cảm giác tuyệt vời khi nghe Xa khơi và Tiếng hát giữa rừng Pác-bó của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Tôi thầm khao khát được một lần được gặp mặt để cảm ơn nhạc sĩ.
Và bây giờ thì tôi đã gặp, một cuộc gặp với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ấy. Về con người thì tiếc rằng chỉ mới rất gần đây tôi mới được “diện kiến” anh trong một số cuộc hội nghị đông người. Tuy thoáng chốc và chiêm ngưỡng từ xa, tôi vẫn nhận ra và rất ấn tượng với gương mặt thư thái hào hoa còn phảng phất những nét thi sinh của anh. Mái tóc bạc nhưng vẫn còn dày tôn lên vẻ đăm chiêu của vầng trán thoáng mở. Trẻ trung nhất vẫn là nụ cười rất “duyên trai” phô diễn cái chất trữ tình sâu lắng của một tâm hồn đa cảm. Tâm sinh tướng! Các cụ vẫn thường dạy vậy mà!
Nhưng cuộc gặp thực sự là sau khi tôi gấp lại bản thảo tập hồi ký Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ dày gần 300 trang khổ A4. Một tập sách hay. Một ấn phẩm kỹ lưỡng được viết với một văn phong sáng sủa đầy cảm hứng. Tác phẩm vừa tuân thủ nghiêm nhặt những yêu cầu của thể loại sách danh nhân, mặt khác lại khéo léo kết hợp rất đúng chỗ cái hấp dẫn của thể hồi ký. Và sau nữa, nó chứa rất nhiều hàm lượng của kỹ năng nghiên cứu âm nhạc. Với ưu điểm của ba sự kết hợp thể loại đó, tác giả, nhà thơ Bùi Tuyết Mai luôn luôn tạo nên sự đảo phách, tránh được một điều tối kỵ nhất cả trong nhạc và văn là sự đều đều, bằng phẳng. Chị đã khéo dẫn dắt người đọc đi từ cao trào này đến cao trào khác, vừa kỹ càng vừa cuốn hút người đọc. Liền trong 5 tháng, có tới bốn lần chị Bùi Tuyết Mai đưa tập bản thảo mới cho tôi, bởi vừa đợi tôi đọc, chị vừa sửa chữa bản thảo. Hóa ra thầy nào trò ấy, Bùi Tuyết Mai đã học tập và ứng dụng ngay bài học của người thầy được chọn làm nhân vật chính của tác phẩm.
Anh Nguyễn Tài Tuệ may mắn được sinh ra và kế thừa truyền thống của một gia đình nho gia danh giá, đời nào cũng có người đỗ đạt thành danh, đặc biệt là cụ tổ 26 đời Nguyễn Trung Ngạn - một nhân vật kiệt xuất của thế kỷ thứ XIII. Anh đã được rèn cặp theo một tinh thần khắc kỷ với những luân lý, lễ nghĩa rường cột của đạo cương thường, nhưng cũng lại vô cùng thức thời với tầm nhìn xa rộng của người cha, cụ Nguyễn Tài Độ quyết định cho anh vào Sài Gòn Tây học khi mới tròn 5 tuổi. Nếu cốt cách anh được chuẩn bị từ người cha thì tâm hồn anh lại được bồi đắp từ người mẹ! Thật là một thời vàng son của tuổi thơ! Sau những buổi được người cha chỉ vẽ cặn kẽ cho đạo thánh hiền là những ban trưa, buổi tối được nghe tiếng thoi đưa lách cách làm nhạc đệm cho những lời đối đáp theo điệu ví giặm nồng nàn và xa xôi của mẹ và của chị. Đó là cái vốn âm nhạc nằm lòng của anh để trở thành một nền tảng, một vốn liếng lâu đời, rồi ra cùng với hành trình rong ruổi của số phận sẽ mở ra những chân trời mới lạ của dân ca các dân tộc Thái, Mường, H’Mông, Tày, Nùng v.v.. của miền núi phía Bắc và các dân tộc Tây Nguyên. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã chọn một con đường đi cho riêng mình, nỗ lực chịu đựng mọi gian nan đến mức cùng cực, tạo ra những giá trị tinh thần có thể đi xuyên qua thời gian và không gian. Bằng lao động sáng tạo cần mẫn của riêng anh, những tinh hoa âm nhạc dân tộc đã cất cánh nâng giá trị của âm nhạc dân gian lên bầu trời cao rộng của âm nhạc chuyên nghiệp đỉnh cao. Trong căn nhà sàn của cụ Bùi Văn Vị, thuộc một bản Mường xa khuất của tỉnh Hòa Bình, nơi nhen nhóm những nốt nhạc đầu tiên của ca khúc Xa khơi bất hủ, anh Nguyễn Tài Tuệ tâm sự: “Càng lên núi tôi càng nhớ quê nhà da diết. Không hiểu sao đang ở nhà bác, tôi lại nhớ Cửa Tùng, nơi vĩ tuyến 17, cái vùng giới tuyến trong đợt đi thực tế với nhà thơ Lưu Trọng Lư. Mỗi lần nghe bác Nịnh (vợ cụ Bùi Văn Vị - HT) hát ví Mường, rồi nghe tiếng thoi đưa, tôi lại thương nhớ mẹ tôi và chị gái tôi hay hát ví phường vải, giặm đường trường và những điệu hò xứ Nghệ bên khung dệt. Tôi đã nhận rõ hồn vía của xứ sở căng đầy trong lồng ngực và tôi muốn nó phải hiện lên bằng âm nhạc một cách nhân văn, trữ tình, lắng lại lâu dài”.
Trong tâm niệm sáng tạo, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ luôn khát khao vươn tới sự toàn bích. Mấy chục năm sau khi Xa khơi ra đời, được bao nhiêu ca sĩ tài danh, khởi đầu là Tân Nhân đã thể hiện thành công ca khúc này, cho đến Anh Thơ - lần đầu tiên công chúng được nhận thức về giá trị biểu đạt của Xa khơi một cách hoàn mỹ nhất! Trong đó, một ví dụ nhỏ về mặt lời ca, từ chữ sóng chiều được dần thay bằng chữ sóng liền, rồi sóng lượn và cuối cùng đọng lại ở sóng liệng với Anh Thơ. Anh giải thích “sóng liệng vừa có sức nặng biểu cảm, mỹ cảm, vừa có đường nét mạnh mẽ, hòa quyện với sông nước, lại hợp với cách diễn đạt trong ca từ của bài hát này. Có liệng trong câu, từ đã nối từ êm chắc, sóng của từ xô vào nhau như những lớp sóng biển. Và tôi tin từ đây, những xung động của tâm hồn nơi tôi gửi gắm trong ca khúc khiến người yêu âm nhạc cảm nhận được đầy đủ nhất. Hơn nữa, khi phát âm về thanh nhạc, âm của “liệng” không cạn như “liền”, không nâng mỏng như “lượn” mà sâu lắng và đẹp hơn”. Đoạn này tôi phải trích hơi dài để thấy cái lao tâm khổ tứ đáng khâm phục của anh Nguyễn Tài Tuệ, hơn nữa, để nói một đặc điểm, một thế mạnh của anh: Nguyễn Tài Tuệ là một trong số không nhiều các nhạc sĩ viết phần lời rất hay, đến mức có thể gọi là nhà thơ trong âm nhạc, giống như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi v.v.. Và ngay cả điều này tôi cũng tin là anh học thêm được từ dân ca, vì trong dân ca có rất nhiều câu thơ hay khơi gợi niềm đam mê sáng tạo mới những thi tứ bay bổng cho người nghệ sĩ.
Tác giả Bùi Tuyết Mai là một nhà thơ đang nổi của dân tộc Mường, chị rất có ý thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong tập hồi ký này, chị đã tập trung khai thác và làm nổi bật chủ đề này lên, đến mức tôi nhận thấy vấn đề bản sắc dân gian đã ngấm thành máu, thành hồn của anh Nguyễn Tài Tuệ từ rất sớm. Vấn đề giữ gìn bản sắc dân gian là xuyên suốt và nổi bật trong sáng tạo âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ. Tính dân gian dân tộc buộc phải sáng tạo phát triển theo kịp với thời đại, đó là một đòi hỏi vừa khách quan vừa khoa học. Tác giả Bùi Tuyết Mai đã rất thành công, bằng nhiều “ngón nghề” để người đọc nhận ra một Nguyễn Tài Tuệ khao khát được nâng cao học vấn của mình như thế nào. Nói về sự học nói chung, tôi rất cảm động bởi các chi tiết anh Nguyễn Tài Tuệ cùng một nhóm bạn bè đã cuốc bộ mười ngày từ Thanh Chương, Nghệ An ra Hà Nội để tìm thầy học đạo. Ra đến nơi, các trường đã khai giảng được hai tháng, anh đành phải đi kéo xe bò ở bến Phà Đen, ngày 3 chuyến, mỗi chuyến 6 xu, tính ra chỉ cần làm một ngày cũng đủ ăn trong một tuần, anh dành sáu ngày còn lại để vào thư viện tìm sách tự học. Rồi đến cái đoạn để được đi học nước ngoài mới là cả một cuộc vượt thử thách trường kỳ! Nào là hai năm đi lên vùng núi cao cheo leo mãi tận Lao - Hà - Yên đem chuyên môn giúp dựng lên một đoàn văn công, nào là đi mỏ than Quảng Ninh xúc than học tập tư tưởng công nhân và phát triển lực lượng sáng tác nghiệp dư cho vùng mỏ để được giảm nhẹ tình tiết trong lý lịch con nhà địa chủ, rồi kiểm tra trình độ với các chuyên gia Liên-xô v.v... Gian khổ mấy, nhọc lòng mấy anh cũng chấp nhận, miễn là đạt cái đích được đi học. Được đi rồi, sang đến Bình Nhưỡng, tưởng mọi việc đã êm xuôi, hóa ra lại vướng cái chuyện chứng chỉ, bằng cấp do hoàn cảnh cá nhân. May mà có một ông Đại sứ đầy hiểu biết là Lê Thiết Hùng, đề nghị bên nước bạn phối hợp tổ chức sát hạch riêng để kiểm tra trình độ âm nhạc của anh xem có đủ thích ứng với trình độ tiếp thu kiến thức đào tạo của Nhạc viện hay không. Mọi thủ tục phiền hà, khiến đã sang muộn càng thêm muộn. Thật là một cái dốc quá cao dựng lên trước mặt. Tôi không thể tưởng tượng nổi một sinh viên đang tuổi ăn tuổi ngủ mà ngoài giờ lên lớp cả ngày, cứ 12 giờ đêm anh lại phải học thêm với thầy đến 2 giờ sáng! Ròng rã như thế bao năm trời, mỗi đêm anh chỉ được ngủ 3 tiếng, để không những đuổi kịp trình độ chung mà còn lấy được tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc. Thật đáng khâm phục! Đáng khâm phục!
Dân tộc và hiện đại là đôi cánh để đưa sáng tạo nghệ thuật đến đỉnh cao. Đó là một chân lý. Trong những xác tín về những giá trị mang tính phổ quát về cốt cách của một văn nghệ sĩ, Nguyễn Tài Tuệ rất dân tộc mà cũng rất hiện đại. Và bằng những cống hiến trọn đời cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc dân gian dân tộc đã tô đậm trách nhiệm công dân, tinh thần dấn thân và nhập cuộc hết mình cho sự nghiệp vĩ đại của nhân dân. Biết bao vùng đất anh đã đến lặn lội và kham khổ cùng đồng bào, biết bao con người giúp đỡ anh và được anh giúp đỡ, tất cả tạo nên bản giao hưởng đầy tình nghĩa.
Ngoài cống hiến to lớn về sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã động viên tiếp sức cho người bạn đời là bà Vũ Thị Cẩm Tú bỏ ra biết bao công sức xin được gần 7.000m2 đất để xây dựng Trụ sở của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Đó là một cống hiến mà ngay cả trong mơ cũng không dám nghĩ tới. Và sau đó, hai ông bà còn phải gian nan vất vả biết bao nhiêu để giữ mảnh đất vô giá ấy mãi mãi là vương quốc của nghệ thuật dân gian dân tộc của đất nước, quyết không để bị một nhóm người xoay chuyển sang hướng xây khách sạn thuần túy kinh doanh trục lợi.
Cuốn hồi ký cuốn hút, xúc động, dựng lên một nhân cách văn nghệ sĩ tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử không bao giờ quên. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Tài Tuệ là một nhạc sĩ lớn, có những tác phẩm để đời cả thanh nhạc và khí nhạc. Tác phẩm của anh đã đi vào lòng người, trở thành tài sản tinh thần của hàng triệu con người. Và chắc chắn nhiều nhạc phẩm của Nguyễn Tài Tuệ sẽ có sức sống vượt thời gian. Năm tháng trôi qua, lớp trẻ sẽ lớn lên, cuộc sống cũng sẽ có nhiều thay đổi, nhưng những ai muốn tìm đến với những giá trị nghệ thuật âm nhạc đích thực, muốn tìm về với quá khứ, muốn tìm thấy năng lượng và hơi ấm của quá khứ, nhất định họ sẽ tìm đến âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ. Cuộc đời và sự nghiệp của anh là bản hòa tấu đẹp đẽ của tài năng, tâm hồn và nghị lực, một tấm gương sáng cho hôm nay và thế hệ mai sau.
Nguồn Văn nghệ