Chân dung văn

22/3
9:07 AM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG-NGƯỜI LẪN VÀO NHÂN DÂN

PHẠM DUY NGHĨA-Với nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, tôi chỉ có một kỉ niệm nhỏ. Đó là mùa thu năm 2007, đoàn công tác của Văn nghệ quân đội lên thành phố Lào Cai làm việc với địa phương để tiếp nhận tôi về ban biên tập của Tạp chí. Đoàn đi hai xe con.

                  Nhà văn Nguyễn Chí Trung (ngoài cùng bên phải) cùng tác giả và các em nhỏ tại Sa Pa
 Một xe của nhà văn Nguyễn Bảo - Tổng biên tập. Xe kia, chiếc Toyota hiệu Altis màu đen, là xe riêng của nhà văn Nguyễn Chí Trung, do cậu lái xe của Văn nghệ quân đội và cậu cháu họ của ông thay nhau cầm lái.

Khi ấy, hình như tôi chưa được gặp ông bao giờ. Tôi cũng không biết vì lí do gì mà một vị tướng, từng là trợ lí thân cận của Tổng Bí thư, nghỉ hưu đã lâu như ông lại trực tiếp đi cùng đoàn lên tỉnh miền núi chỉ vì việc lấy người về Tạp chí công tác – một việc khá bình thường của Văn nghệ quân đội. 

Đối với tôi lúc đó, ông chỉ là một ông già hiền lành. Lặng lẽ, gần như không nói gì cả. Khi đoàn làm việc xong và trở về Hà Nội, ông ở lại Lào Cai và bảo tôi đi cùng ông lên Sa Pa.
 

Sa Pa, mới đầu thu nhưng đã lạnh. Sương mù vương vấn trong ngõ ngách. Vị tướng già đội một chiếc mũ thổ cẩm của đồng bào dân tộc, đi lẫn vào dòng người trong thị trấn. Ông trầm mặc như những cây thông cổ thụ bên đường.

Tối hôm đó, tôi và hai cậu lái xe theo ông vào ngôi nhà thờ đá ở trung tâm thị trấn Sa Pa. Lần đầu tiên tôi dự một buổi lễ trong nhà thờ. Không biết vị tướng già dạn dày bom đạn nghĩ gì, trong ánh sáng xanh lộng lẫy và tiếng thánh ca réo rắt của nhà thờ, chỉ thấy ông ngồi trầm ngâm. Sau này tôi mới biết ông đi đến vùng đất nào cũng dành thời gian quan sát và tìm hiểu tường tận mọi thứ. Lịch sử, tôn giáo, kinh tế, chính trị, địa văn hóa... không gì vượt ra khỏi sự quan tâm sâu kĩ của ông. Lúc đó, ông là nhà văn sống trọn vẹn với nghề. Hàm lượng văn hóa, tri thức đời sống trong tác phẩm của ông cao, là vì vậy.

Cũng đêm ấy, khi ông ở một mình trong nhà khách, tôi cùng hai cậu lái xe ra chợ Sa Pa ăn đồ nướng. Rủ thêm vợ chồng nhà văn Tống Ngọc Hân (sinh sống tại Sa Pa) đến nữa, cùng nhau uống rượu tới khuya. Có chút bận lòng khi để ông ở phòng một mình. Hai chàng trai trẻ kia có vẻ như cũng áy náy về việc đó, nhưng chén này tiếp chén khác, vui quá không đứng dậy được. Một cậu nói: “Ông vẫn chưa gọi điện giục về mà. Nếu ông đói thì ông sẽ bảo mua cho ông một nắm xôi”.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung vẫn ăn uống đạm bạc như vậy. Tôi được biết điều đó ngay trong bữa tối khi xe đến Sa Pa. Dẫn ông vào quán đặc sản thịt thú rừng, nghĩ ông là khách từ Hà Nội lên, còn mình ở Lào Cai nên có bổn phận phải tiếp đón cho chu đáo, tôi hỏi: “Bác thích ăn món đặc sản nào, cháu gọi?”. Ông bảo: “Cháu thích ăn món gì thì cứ gọi mà ăn”. Tôi gọi thịt nai nướng. Đĩa thịt đó, cuối cùng chỉ có tôi và hai cậu lái xe ăn, còn ông ăn món giản dị thường ngày của mình: đậu phụ xốt cà chua. Ăn xong, ông dứt khoát trả tiền bữa đặc sản, và từ đó cho đến hết chuyến đi ông không cho tôi được trả bất cứ một khoản nào. Ông nói rằng ông chủ động mời tôi đi Sa Pa cùng, khi đó tôi là khách của ông và do vậy không được phép trả tiền.

Chỉ việc nhỏ ấy đã cho tôi thấy một con người thanh bạch, có phần khắc kỉ và sống rất có nguyên tắc. Những năm sau này làm việc tại nhà số 4 phố Lý Nam Đế, hình ảnh nhà văn Nguyễn Chí Trung trong kí ức tôi càng đầy đặn, rõ nét. Cái tiếng liêm khiết, ngay thẳng, đôi khi khe khắt của ông thì ai cũng biết. Dù đã từng ở cương vị quan trọng không thiếu những người có tai mắt đến cầu cạnh, nhờ vả, từng có mặt trong những cuộc họp cơ mật của “triều đình”, ông vẫn giữ nguyên cốt cách một cán bộ kháng chiến nằm rừng. Một mẫu người “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”, sống với dân, ở trong dân, không gì mua chuộc được.

Cái sự bình dị, gần gũi với đời sống cần lao của ông, tôi cũng được thấy trong thoáng chốc khi cùng ông lên khu vực bãi đá cổ, cách trung tâm thị trấn Sa Pa vài cây số. Trong buổi chiều nắng xiên khoai đó, bên tảng đá có khắc những dòng chữ cổ, ông đã chụp ảnh chung với các cô bé Dao, Mèo đi bán hàng rong. Chúng quây quần quanh ông như đàn cháu xúm quanh người ông thân thiết của mình, dù không biết ông là ai. Ông đội mũ thổ cẩm, chống gậy, mặc chiếc áo dạ cấp tướng đã cũ không có quân hàm (tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông đeo quân hàm). Các cô bé lam lũ rất có lòng tự trọng, năn nỉ khách mua hàng nhưng khách cho tiền thì không nhận. Ông mua hàng cho chúng, dù những món đồ bé nhỏ ấy chẳng biết dùng để làm gì.

Những bức ảnh đáng nhớ ấy, hiện giờ tôi vẫn còn giữ. Ảnh được chụp bởi một khách du lịch không quen biết. Người phụ nữ này đã chụp bằng máy ảnh của mình và thật bất ngờ, một thời gian sau chị gửi từ Sài Gòn ra những bức ảnh do chị tự tráng in trên gỗ rất đẹp, tặng tôi hai bức và nhờ tôi chuyển giúp hai bức khác tới ông. Chị không hề biết ông là một vị tướng, một nhà văn nổi tiếng. Trong thư, chị (một người làm nghề thiết kế đồ họa) nói rằng chị chỉ biết ông là một người lính già, có gì đó thật giản dị đáng mến, khiến cho chị vừa gặp đã thấy rất quý ông. Chị viết: “Chị thấy ở ông có gì đó cứ như Bác Hồ vậy”.

Điều làm tôi nhớ nhất ở ông có lẽ là sự khiêm nhường. Những năm cuối của cuộc đời, sống trong ngôi nhà số 4 u trầm tĩnh mịch ấy, ông như một cái bóng lặng lẽ đi về. Với lớp nhà văn trẻ chúng tôi, ông luôn tỏ ra tôn trọng, không bao giờ ra giọng bề trên. Đôi khi ông đến phòng một người trẻ nào đó (khi đã yếu, tự chống gậy hoặc có người dìu), hỏi han chuyện làm báo, chuyện viết lách, hoặc mượn một cuốn sách mà ông muốn đọc. Ông quan tâm chúng tôi đang viết gì, nghĩ gì. Có năm trước khi nghỉ Tết, ông mời tất cả các anh em trẻ ở nội trú tại Văn nghệ quân độiđến phòng ông ăn bánh, uống chén rượu chia tay. Chẳng biết mọi người ở cơ quan khi ra sách mới có ai tặng ông không, còn ông thì có cuốn nào mới in cũng đem tặng mọi người. Cuốn sách về văn nghệ sĩ Liên khu 5 dày cộp, tặng tôi, ông đề: Kính tặng nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Khi tôi tỏ ý ngại ngần vì hai chữ kính tặng dành cho một người trẻ chỉ đáng tuổi cháu ông, ông nói để tôi yên tâm: “Tôi tặng sách cho ai cũng đề kính tặng cả”.

Không phải ai cũng làm được như vậy, tôi biết điều đó. Trong làng văn Việt, có nhiều “ông”, “bà” luôn luôn nhìn những cây bút trẻ dưới tầm mắt mình (cho dù người trẻ đó có thể tài năng hơn họ). Đôi khi có việc cần liên lạc với các ông bà ấy, dù tin nhắn hoặc e-mail của mình rất đúng mực, lễ phép, họ không thèm trả lời. Mười năm làm biên tập, tôi thấm thía điều này. Bởi vậy, những người biết quan tâm và tôn trọng các nhà văn trẻ như Nguyễn Chí Trung, tôi thực sự cảm kích. Ở nước ta, nhà văn Ma Văn Kháng cũng là một người như thế, ông đọc rất nhiều của lớp trẻ, nhắc đến tên cây bút trẻ nào ông cũng biết. Mỗi lần gửi thư, bài cho tôi (và chắc là gửi cho nhà văn trẻ nào cũng vậy), ông đều viếtKính gửi nhà văn..., rất mực trân trọng. Ngày tôi còn ở Lào Cai, ông đã tự viết thư tay và gửi lên động viên khuyến khích tôi, dù tôi chưa được gặp ông lần nào. Những việc tưởng như nhỏ này đã nói lên cốt cách văn hóa của một con người. Thường thì càng lớn càng khiêm nhường, và ngược lại.

Cũng chính vì sự quan tâm đến thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục giữ gìn “long mạch” của Văn nghệ quân đội mà nhà văn Nguyễn Chí Trung - dù nghỉ hưu đã lâu - đã lên Lào Cai mùa thu năm ấy. Mãi sau này, nhà văn Nguyễn Bảo mới cho tôi biết rằng: “Nghe nói Nghĩa là người được học hành cẩn thận, bác Trung muốn lên tận nơi xem mặt, với ý định bồi dưỡng Nghĩa trở thành cán bộ tốt của cơ quan sau này”.
 

***

Tôi không biết nhiều về thời trai trẻ của nhà văn Nguyễn Chí Trung. Nhìn bức ảnh ở tuổi thanh niên mà ông treo trong phòng, thấy đó là một người rất đẹp trai, cương nghị và mẫn tiệp. Thời đó, hẳn là có nhiều phụ nữ yêu ông. Những giai thoại về ông cho biết ông là con người duy mĩ và cầu toàn. Người luôn hướng đến cái đẹp tuyệt đối. Văn chương của ông cũng bộc lộ điều đó.

Những gì khá ít ỏi đọc về ông cũng đủ để tôi, một người cầm bút thuộc lớp hậu sinh cách xa khói lửa chiến tranh, kính phục trước một tuổi trẻphong phú, sôi động, những năm tháng gian khổ mà ông làm được nhiều việc, trong đó có những việc mang phẩm chất của anh hùng. Như việc một mình ông chèo thuyền đi tiếp tế lương thực cứu sống bà con bị mắc kẹt trong mùa lũchẳng hạn. Những năm cuối đời, thỉnh thoảng ông lại rời căn phòng đơn sơ chỉ toàn sách vở ở ngôi nhà số 4 đi đâu đó dài ngày. Nghe nói ông đi thăm lại bà con ở chiến khu xưa, tìm hiểu những mô hình hợp tác xã, viết tiểu thuyết và viết cả sách kinh tế - chính trị nữa. Chỉ biết làm việc suốt đời và không đòi hỏi gì cho mình, không cần danh hiệu gì to tát khoác lên mình, ông thực sự là con người của lí tưởng, lí tưởng từ trong máu.

Con người bình dị ấy vẫn lặng lẽ đi về với nhân dân, sống lẫn vào nhân dân.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *