KHÔNG GIAN TRẦN HÒA BÌNH
Nhà thơ Trần Hòa Bình
Ông là người thầy luôn mang đến cho sinh viên những điều mới, gợi lên những khát khao. Khối kiến thức phong phú ngoài sách vở nhà trường của ông khiến cánh sinh viên sư phạm thích, sinh viên báo chí càng thích. Có người nói: Người thầy giỏi không phải là người truyền dạy tri thức, mà là người truyền cảm hứng sáng tạo cho học trò. Tôi nghĩ, Trần Hòa Bình chính là người thầy như thế.
Nói đến thơ ông, phải kể đến bài thơ Khi mùa mưa đến, tác phẩm đã làm nên tên tuổi Trần Hòa Bình từ khi còn rất trẻ. Bài thơ này được tuyển trong tập Thơ 1980-1985, NXB Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam). Sau này, các bạn yêu thơ, nhất là các bạn trẻ, nhớ ngay đến bài thơ Thêm một. Tác phẩm làm ông thêm nổi tiếng này được viết năm 1985. Tôi nhớ vì nó gắn với sự kiện cuối năm đó có Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3 mà ông được tham dự. Đêm thơ sinh viên 9/1/1986 ở Xuân Hòa, lần đầu tiên Trần Hòa Bình công bố bài thơ Thêm một. Và trong khoảng dăm bảy năm sau đó, thời kỳ nở rộ thơ “xuất bản miệng” (đọc thơ tại các câu lạc bộ thơ sinh viên), Thêm một đã đến với nhiều đêm thơ của các câu lạc bộ thơ ở Hà Nội.
Những tháng năm Xuân Hòa, với những đêm thơ sinh viên, đã hút hồn thầy trò tôi đến cả sau này. "Dù sau này có đi đâu, có làm đến bộ trưởng chẳng hạn, thì mình vẫn không thể quên được cái không khí tuyệt vời (và cực nhọc) ấy. Nhưng xét cho cùng nó có ý nghĩa biết bao!" (Trích thư ông gửi tôi ngày 19-3-1988).
Nhóm thơ Xuân Hòa thời đó, về các thầy giáo, cùng với ông có Bùi Quang Thanh, Lê Toan, Ngô Đăng Huyến, Lê Triển, sau này có Nguyễn Trọng Hoàn... Sinh viên có Cẩm Minh, Du An, Xuân Ngọc, Thân Thị Phương Thu, Hà Thị Hải Yến... Thầy Lê Di luôn thể hiện vai trò "ông bầu" của các đêm thơ này. Một buổi chiều mùa đông Xuân Hòa, khi đàm đạo văn chương, ông bảo tôi bỏ bút danh theo tên thật Văn Trường đi, như lối “Tuấn Thừa Sắc” của cụ Nguyễn Tuân, "chú là Trương Thiếu Huyền". Vậy là tôi có bút danh ấy.
Có lần Trần Hòa Bình tâm sự, nếu được làm lại từ đầu, ông sẽ làm nhạc sĩ. Gần ông, tôi biết, đêm đêm ông thường nghe quan họ, các ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Ông từng dự thi vào trường Mỹ thuật. Tôi thêm bất ngờ khi ông còn cho biết: Tớ đã từng đi khám tuyển phi công đấy nhé. Kể cũng lạ, một người từng khám tuyển phi công như ông và luôn xê dịch mà lại chưa một lần xuất ngoại.
"Mình vẫn viết như điên giống như mọi khi, thành một thói quen mất rồi. Vì kiếm sống một phần, và vì nhu cầu tự thân một phần. Xét cho cùng, đó cũng là một hạnh phúc". (Trích thư ngày 21-4-1988). Làm báo, ông viết, vẽ đủ thứ, với rất nhiều bút danh gắn với tên con, tên vợ, tên quê, tên loài hoa: Hà Trang, Hòa Quỳnh, Qui Li, Trần Lạc Thảo, Bình Phủ Quảng, Tễu, Trần, Mộc Miên... Đấy là chưa kể tới cái tên quen thuộc Tầm Thư trên báo Tiền Phong một thời.
Sinh thời Trần Hòa Bình chưa in tập thơ riêng nào, trong khi có không ít người nhờ ông viết giới thiệu tập thơ. Ông có nói với tôi: Sau này, nếu in tập thơ, mình sẽ cho Hà Trang (con gái ông) viết giới thiệu... Chắc ông nói vui vui thế thôi. Thơ đăng báo, ông luôn chọn báo nào, tạp chí nào in giấy đẹp và trình bày sang. Lựa chọn như thế cũng là cách tôn vinh thơ của ông.
Năm 1985, Báo Tiền Phong có chùm thơ tự chọn của ông gồm ba bài: Lời trai rừng trước đồng cói; Nha Trang biển; Và nếu thế…. Báo đã giới thiệu: "Ngay từ khi còn là sinh viên đại học sư phạm một số bài thơ đăng báo của anh đã được chú ý. Bài thơ Với dòng sông ấy được chọn vào trang thơ hay báo Nhân Dân (1978). Bài Về Bát Tràng thăm bà là một trong những bài thơ được tặng thưởng 5 năm (1976-1981) của Hội Văn nghệ Hà Nội". Ông chăm chú viết báo và làm sách với các nhà xuất bản, mặc dù sáng tác nhiều, nhưng trước khi mất, ông mới chỉ có tập sách riêng duy nhất là Chú tắc kè về phố, tập truyện viết cho thiếu nhi.
Sau khi ông qua đời, nhân dịp giỗ đầu, cuốn sách khá dày dặn gần 1000 trang có tên Trần Hòa Bình – Tuyển tập tác phẩm, do các bạn ông Bùi Quang Thanh và Nguyễn Chí Bền tập hợp - NXB Hội Nhà văn 2009. Đến năm 2011, tập thơ Ru hoa sen ra đời, cũng do NXB Hội Nhà văn ấn hành, và đây là tập thơ riêng đầu tiên của Trần Hòa Bình. Tin rằng ở nơi xa, ông vừa ý với tập thơ này.
Trần Hòa Bình rất “hạp” (cách nói của ông) với vùng sơn cước. Những bài thơ hay nhất của ông là viết về tình yêu đôi lứa ở nơi xứ núi. Đắm mình trong các làn điệu dân ca, có bài thơ ông gọi thẳng “Bắt chước dân ca Mông” để làm tên bài. Thôi đành mãi mãi… là bài thơ vừa mới tìm thấy, trong sổ tay của Nguyễn Danh Giao, một học trò của ông, đã giàu thêm phần thơ “tiễn dặn người yêu” của Trần Hòa Bình: “Bao giờ người đi lấy chồng/ Chiều hôm tìm ra bờ suối/ Thả theo một nụ cười buồn/ Cuối sông có người ngóng đợi”.
Với Trần Hòa Bình, con mình là nhất. Trong các bài viết về thơ Trần Hòa Bình, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, tác giả bài thơ "Tiễn con gái lớn về nhà chồng", đồng điệu những bài thơ, câu thơ ông viết về con gái duy nhất, về ăn năn với mẹ già, về sự cô đơn của chính ông, trong tình cảnh “gà trống nuôi con”. Mới đây nhà phê bình Văn Giá đã chọn và chia sẻ “5 bài thơ đỉnh cao” của ông: Thêm một; Bài hát ru hoa sen; Mai em về nhà chồng; Không đề vàKhau vai. Tôi có trao đổi với nhà phê bình là, bài Không đề không hề vượt trội so nhiều bài khác, vả lại có câu:“Mây bay đầu núi sương giăng cuối ghềnh/ còn đây thơ Trần còn kia nhạc Trịnh”, không hợp với tinh thần dung dị, chia sẻ của Trần Hòa Bình. Văn Giá nhắn lại: “Theo mình nghĩ lại hay chứ: Lão bạn chúng ta kiêu ngầm lắm đấy. Mà mình lại thấy được ở điều đó. Có lần mình giục in thơ, lão bảo: Anh in lại giống cái đám kia à?... Tức lão chỉ cái đám in thơ dễ dãi, đầy rẫy hiệu sách... Lão ấy kiêu lắm đấy. Mà tài thơ như thế là được quyền kiêu”.
Bạn tôi Vũ Khánh, tác giả truyện ngắn Sen hồng mấy độ viết về chân dung Trần Hòa Bình. Vũ Khánh đã nói về ông khi truyện ngắn này được Tuần báo Văn nghệ chọn trong tốp 10 truyện ngắn hay năm 2017: “Nguyên mẫu nhân vật, đời thực có tiếng là đa tài trên nhiều lĩnh vực: giảng dạy văn chương, báo chí; nghiên cứu, phê bình văn học; làm thơ, vẽ tranh, làm báo... Tưởng là mâu thuẫn mà lại rất thống nhất trong anh: "một chàng sinh viên phá cách" quần bò áo phông kính cận bên ngoài với một cụ đồ nho bất đắc chí "áo dài khăn đóng" bên trong. Thơ hay mà không in tập. Nghiên cứu sâu mà không làm bằng tiến sĩ. Tài sản xem ra cũng chẳng có gì để lại cho cô con gái duy nhất... Kiểu người như thế trên đời, thường dễ đem lại cho người ta những cảm khái văn chương”.
Ông từng đã đăng ký luận án tiến sĩ: "Vai trò của báo chí đối với công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX". Một lần thầy Tạ Ngọc Tấn có nói với tôi: Mình hướng dẫn luận án cho Trần Hòa Bình, giục mãi mà "ngài" cứ vâng, vâng. Cuối năm 1991, ông lại làm thầy và tôi lại làm trò ở Khoa Báo chí - Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tôi hẳn là người đầu tiên được ông hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp tại Khoa Báo chí. Ông và tôi cùng bàn rồi quyết định chọn đề tài: "Vai trò của Trương Vĩnh Ký với báo chí tiếng Việt buổi đầu". Một đề tài rất mới tại Đại học Tuyên giáo khi đó. Và ông đã mang đến Khoa Báo chí những cái mới như thế.
Theo tư vấn của ông, lớp báo chúng tôi tổ chức đêm thơ nhạc "Mùa hạ trắng", gợi từ tên ca khúc Hạ trắng của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi cũng phải giải thích với các cán bộ của khoa, của trường về cái tên này vì nó cũng lạ. Sau đêm thơ này, phong trào "xuất bản miệng" thơ của Đại học Tuyên giáo cũng sôi nổi không kém các nơi khác ở Hà Nội. Nhà ông ở khu tập thể nhà trường cũng là địa điểm quy tụ các bạn viết cùng trang lứa: Phạm Công Trứ, Thế Sinh, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn cùng nhiều các bạn từ Trường viết văn Nguyễn Du, từ các câu lạc bộ thơ sinh viên của Hà Nội. Cả thầy giáo của ông, thầy Lê Hữu Tỉnh, khi chuyển công tác từ Xuân Hòa về Hà Nội cũng nhập cuộc vào không khí này. Đến thầy Nguyễn Tri Niên, mặc dù lớn tuổi, cũng trẻ lại với các cuộc giao lưu văn chương. Một thời gian sau, Văn Giá cũng đầu quân về Đại học Tuyên giáo.
Dự kiến vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ phối hợp với một số cơ quan báo chí, văn nghệ, cùng các lớp học trò tổ chức hoạt động kỷ niệm 10 năm nhà thơ Trần Hòa Bình đi xa…“Thôi đành mãi mãi…”. “Dẫu những câu thơ như phận lá về nguồn”. Không gian Trần Hòa Bình vẫn luôn hiện hữu.
Nguyễn Trọng Hoàn
... VÀ SEN
(Kính anh THB)
Vụt đã thời gian mười năm
Mười năm không chỉ là xa và vắng
Đoá sen ngưng vệt nắng
Điềm tĩnh
An nhiên
Nhẩn nha sông suối dốc đèo
Trái tim dịu dàng hát ru đằm sâu quyết liệt
Là cái lúc anh cặm cụi viết
Mỉm cười những chuyện tào lao
Không quen chỗ ồn ào
Có những áng mây những suy tư những âm giai nhẹ qua nhưng dư ba vết xước
Không bận tâm mất/được
Chỉ tài hoa nhân hậu chỉ tình nghĩa nặng lòng
Dẫu rất nhiều thứ nhiêu khê nhiều phiền toái long đong
Xuân Hoà
Những đêm miên man quán chiếu
Khoai sắn nướng thơm hơn mọi văn hoa cường điệu
Sông Cà Lồ và long não ngạt ngào
Núi Thằn Lằn và xoan tím nôn nao
Nhưng
Vẫn chưa thành mùa xuân
Nếu không mộc miên Tây bắc
Vâng, mười năm!
Bàng hoàng sáng nay Trần Ngũ Châu em trai nghẹn nhắc
"Thêm một" lạ mùa quen
Anh! Ngơ ngác. Và sen.
Ngâu, 2018
Nguồn Văn nghệ số 34/2018