Chân dung văn

10/12
9:18 PM 2018

CÒN MÃI MỘT HỒNG NGUYÊN ĐỂ NHỚ

Bút kí văn học của LÊ VẠN QUỲNH

Nhà thơ Hồng Nguyên (1922 - 1951)

Chuyện những tài năng lớn bị đẻ rơi trên vạt cỏ xứ miệt vườn hay lọt lòng nơi ổ rơm cạnh vườn chuối xóm quê giờ nghe thấy cứ quen quen. Ví như, trường hợp nhà thơ Hồng Nguyên quê Thanh, tác giả bài thơ Nhớ, ngày sinh ngày mất của ông nhiều chỗ ghi không trùng nhau cũng không có gì lạ. Hồng Nguyên, theo tôi được biết, tên khai sinh là Nguyễn Văn Vượng người làng Đức Thọ Vạn, tổng Thọ Hạc, phủ Đông Sơn, nay thuộc phường Trường Thi, TP. Thanh Hoá. Có tài liệu viết: Ông sinh 1924 mất 1951, hoặc sinh 1920, mất 1954... nhưng di ảnh nơi thờ tự Hồng Nguyên ghi sinh 1922 mất 1951.

Ông Nguyễn Văn Nam - trưởng họ Nguyễn Văn, bố của Hồng Nguyên mất sớm. Mẹ nhà thơ, bà Đỗ Thị Tô do có gánh hàng nồi đất nên miếng ăn trong nhà cũng đỡ chật vật. Hồng Nguyên theo học Colege Thanh Hoá, tham gia cách mạng từ 1939, thành viên Hội truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức hoạt động công khai của Đảng cộng sản và là Uỷ viên ban chấp hành Hội văn hoá cứu quốc liên khu IV. Sau cách mạng tháng Tám, ông là cán bộ Văn hoá - thông tin, đầu năm 1947 được cử làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền của tỉnh. Cuối năm 1947, Hồng Nguyên bị bệnh lao phổi phải điều trị tại bệnh viện tỉnh đặt ở Hà Lũng, huyện Thọ Xuân. Ông đoản mệnh ở tuổi 29. Đám tang có vài mươi người đưa tiễn (do trọng bệnh cùng nguy cơ lây nhiễm), thi hài ông được chôn cất tại nghĩa địa làng Cầu Vàng huyện Yên Định. Nhà thơ Mai Ngọc Thanh trong kí sự Đi tìm phần khuất lấp của nhà thơ Hồng Nguyên có kể hành trình tìm mộ nhà thơ Hồng Nguyên nhưng cho đến nay công việc vẫn chưa thành. Mới biết, thời gian nghiệt ngã hay thi nhân số kiếp lắm nỗi đa đoan? Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

Chuyện một tác giả sáng tác nhiều hay ít nhưng thi phẩm để đời còn lại duy nhất xưa nay không hiếm. Có thể kể đến, Félix Arvers lãng tử nước Pháp thế kỷ 19 chết mê chết mệt nữ sỹ Marie Nodier có Tình tuyệt vọng, đọc lại giờ vẫn thấy bâng khuâng đơn phương một mối tình: Lòng ta chôn một khối tình / Tình trong giây lát mà thành thiên thâu... nhưng trước đó hơn nghìn năm, Trương Kế sống thời Đường Túc Tông (Trung Hoa) khi thi trượt, ghé qua Tô Châu tức cảnh mà sinh tình một Phong Kiều dạ bạc:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Lại nói chuyện xứ ta, thời kháng Pháp có anh Vệ quốc người dân tộc xin đơn vị về thăm vợ lí lẽ hồn nhiên và thật thà đến độ:

Tôi nhớ vợ tôi lắm

Xin được về hai ngày

...

Ngày kia tôi sẽ đến

Lại cầm súng được ngay

Tôi càng bắn đúng Tây

Vì tay có hơi vợ

Tác giả của Nhớ vợ Bạc Văn Ùi / Cầm Vĩnh Ui tức Cầm Giang. Điều đáng nói chất giọng kiểu báo tường của bài thơ lại sốngtươi như cỏ gặp tiết xuân.

Hồng Nguyên tuy viết văn và làm thơ không nhiều, nhưng chỉ riêng một Nhớ cũng đã cho ông mãi còn lại với thời gian. Khi phân tich cái lâu bền tựa ngọc của bài thơ, sánh với Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Trịnh Thanh Sơn sôi nổi: “Bài thơ như một kịch bản phim tài liệu, nói về một cuộc hành quân chiến đấu của những người lính Vệ quốc đoàn trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Chỉ cần đem phân cảnh rồi quay phim, chúng ta sẽ có được một bộ phim tài liệu tên là Nhớ”. Mà phim thường đi với hoạ, với nhạc cùng bao nhiêu là giai điệu, tiết tấu cung bậc tình cảm. Người lính chiến ở đây mới vừa bước ra từ mái gianh, từ luống cày đất đỏ, chân chất quê mùa được ấp iu đùm bọc bởi xóm làng Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa rồi khung cảnh Cả lũ cười vang trên ruộng bắp / Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu hiện lên thật lãng mạn cho vơi đi cái phần gian khó, hiểm nguy của đời người lính chiến.

TP Thanh Hoá có ba đường phố mang tên ba nhà thơ trẻ thời chống Pháp. Một sự vinh danh bởi những cống hiến của các ông cho cách mạng, nó hàm chứa cả sự tri ân của nhân dân thành phố đối với thi ca nói chung và thi ca cách mạng nói riêng. Trần Mai Ninh với Nhớ máu, Tình sông núi… Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn... Ngày 3-2-2004, tên Hồng Nguyên trở thành tên đoạn đường ngắn chưa đầy một phần tư cây số nối hai đường lớn Lò Chum và Trường Thi. Nói đến Lò Chum, người ta liên tưởng ngay Bến Ngự, khúc sông Nhà Lê, nơi các vua triều Nguyễn ngự thuyền Rồng về bái tổ hàng năm. Đận ấy, sông nước con người nơi đây nao nức mùa lễ hội bắt cái hò khoan, thuyền Rồng Bến Ngự, các quan chèo đò. Bạn tôi, Trương Vạn Thành nhà ngay phố Bến Ngự, phía tây có chùa Thanh Hà và xa chút xíu phía đông xôn xao bến nước. Là doanh nhân nhưng tôi quí cái chất thi nhân ở Trương Vạn Thành, đặc biệt tâm sự vừa u hoài vừa thảng thốt miên man thế sự trong bài thơ Thành phố mình 210 tuổi làm cách đây chưa lâu:

Hồn vua còn lạc nơi Bến Ngự

Thao thiết tình quê tiếng chuông chùa

Một bến nước văn hoá - lịch sử đẫm đầy thi hứng như đang lạc trong rực rỡ đèn hoa khi thành phố được công nhận đô thị loại 1 và hơn hai thế kỉ tồn tại, phát triển.

Biết tôi đang muốn viết một cái gì đó về nhà thơ Hồng Nguyên và bài thơ Nhớ của ông, Vạn Thành nói nên đến gặp bác Nguyễn Xuân Ba, bác là nhà Lò Chum học - Theo cách nói vui của dân phố. Nhà bác Xuân Ba ở gần Bến Ngự. Bác tiếp tôi trong căn nhà hai tầng mặt quay ra ngõ nối với phố Hồng Nguyên. Người lính từng nhiều năm ở Thượng Lào, trước lúc hưu mang hàm đại tá trông hiền như thầy giáo xóm quê. Đúng như lời đồn của dân phố, bác Xuân Ba là kho tư liệu của xứ này. Trước hết, bác cho tôi xem 4 tấm ảnh của nhà thơ xấu số, cái xưa nhất chụp 1942 và gần nhất 1949, xưa bác trọ học vùng Bến Ngự - Lò Chum, thỉnh thoảng theo bạn tới nhà Hồng Nguyên phần vì tò mò và phần nữa do ngưỡng mộ thơ ông. Tôi vào gian trong thăm tủ sách của bác và thật bất ngờ tủ chật cứng những sách và báo. Bác trao tôi nhiều trang báo, có bài ngắn chừng vài trăm chữ, tất cả đều là tư liệu quí về Hồng Nguyên. Bác có viết cả sách, đáng kể nhất là Làng gốm Lò Chum - vang bóng một thời, không có ý định xuất bản, chỉ cốt lưu giữ cho con cháu. Sách có ghi tên họ nhiều nhân sỹ, trí thức tầm cỡ, thậm chí tên họ từng người học và đậu diplôme, primaire, Hồng Nguyên cũng được ghi trong tập này. Chia tay, bác tiễn tôi ra tận phố Hồng Nguyên, rồi trao tôi tập sách Hồng Nguyên nhà thơ, nhà báo cách mạng do bác viết. Thật bất ngờ, đoạn kết bài viết có ghi cảm tác của anh Nguyễn Văn Thăng, từ miền Nam về thăm quê, xúc động khi phố mang tên chú ruột mình:

Cảm xúc qua phố

      Phố Hồng Nguyên một khúc

Ngắn như cuộc đời ông

Khổ đau và bệnh tật

Hiu hắt lúc tàn đông

Muộn màng...

Thôi cũng được

Em, cháu mừng cho ông

Đời cắm cho chút đất

Linh hồn đỡ lông bông

(Quê, mùa đông Ất Dậu - 2006

Cháu ruột: Nguyễn Văn Thăng)

Thế mới hay không phải chỉ trong lòng người, mà cả thành phố Thanh Hoá, vùng đất địa linh, xứ sở của những địa chỉ văn hoá, lịch sử nổi danh cả nước cũng đã dành cho ông, không phải một chút mà cả con phố nối với Lò Chum xôn xao Bến Ngự, con phố hiển hiện để nhắc ta rằng, trong cuộc đời này mãi còn một Hồng Nguyên để NHỚ.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *