Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Về một hiện tượng truyền thông năm cũ
Cập nhật: 11:49:00 2/1/2011

Ảnh 1
VanVn.Net - Nói là năm cũ, vì nó xẩy ra trong năm 2010, nhưng vẫn còn mới, vì đó là những ngày cuối tháng 12 và nhất là ảnh hưởng của nó thì vẫn còn rất nóng trong đời sống tinh thần của chúng ta: Lục Tiểu Linh Đồng thăm Việt Nam!...

Văn Chinh

Hầu như tất cả các báo, đài phát thanh, truyền hình, công nghệ giải trí cho đến các báo điện tử Đảng Cộng sản và hãng thông tấn lớn nhất nước là Thông tấn xã Việt Nam…đâu đâu cũng có bài, có nhiều bài và hoặc truyền hình trực tiếp hoặc giao lưu trực tuyến trên mạng. Chính hai loại hình truyền thông sau cùng đã “đưa” Lục Tiểu Linh Đồng đến tận hang cũng ngõ hẻm, đánh thức đến tận sâu thẳm ký ức của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là một hiện tượng khác thường và do đó mà phải bàn.


Ảnh 2

Công bằng mà nói, phim truyền hình Tây du ký chẳng những là một thành công vang dội của phim truyền hình Trung Quốc; nó còn góp phần xóa đi những ký ức không vui, thậm chí khắc khoải của thế hệ trung niên chúng tôi, làm bình thường hóa sâu hơn giữa hai nước Việt Trung. Xin nhớ lại, phim Tây du ký là một trong những tác phẩm văn nghệ đầu tiên của Trung Quốc vào Việt Nam kể từ năm 1978 và làm nức lòng dân chúng. Nhưng cũng xin nhớ lại, cái nền để phim thành công là do tiểu thuyết Tây du ký của nhà văn Ngô Thừa Ân dầy công xây đắp mấy trăm năm; nếu không có sự hiểu biết kỹ lưỡng về cốt truyện và các chi tiết đầy tính triết luận của tiểu thuyết của khán giả Việt Nam, thì vị tất phim Tây du ký đã có được vị trí sâu sắc đến thế trong tâm hồn người Việt. Tại buổi giao lưu trực tuyến, Lục tiên sinh có khẳng định ở Việt Nam ông được chào đón nồng nhiệt nhất, tôi tin ông nói thật; ở những nước chưa dịch tiểu thuyết cùng tên, phim Tây du ký khó lòng có được hiều fan cuồng nhiệt đến vậy. Ở chỗ này các phương tiện truyền thông đã “đồng tâm hiệp lực” quảng bá cho văn hóa nghe nhìn, làm lu mờ văn hóa đọc đã làm nên ký ức dân tộc, làm nên tầm cao văn hóa Đại Việt. Có một bài báo đặc biệt trong chiến dịch truyền thông Lục Tiểu Linh Đồng với tên Cái đuôi Tôn Ngộ Không, không biết tên tác giả, chỉ ghi bên dưới là Theo 117 Chuyện kể về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp thêm sức thuyết phục cho nhận định trên. Bài báo viết, sau khi kể chi tiết Tôn Ngộ Không hóa thành cái đình để lừa bọn ma vương, Bác Hồ nhận xét: “Còn Tôn Ngộ Không vì không tu thành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hoá phép làm cái cột cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra có đuôi của Tề Thiên Đại Thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ Tôn bị thất bại … ''.Bác nói tiếp:

“Người cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ có ngày gây hậu quả khôn lường” …

Mọi người đều biết Bác Hồ không xem phim Tây du ký, mà chỉ đọc tiểu thuyết. Chính văn hóa đọc làm nên sức vóc tâm hồn Bác, làm nên cả trí lự và ý chí phi thường của Người!

Lục Tiểu Linh Đồng là một tài năng, một tài năng đáng yêu quý; ông đóng góp làm nên thành công của bộ phim. Nhưng Mã Đức Hoa cũng đóng góp ít nhất là bằng Lục Tiểu Linh Đồng, vì sao chúng ta không mời Mã mà lại chỉ mời Lục? Vì Mã đã cùng Lục sang Việt Nam vào năm 1998 rồi ư? Sao năm qua chúng ta còn mời Lục? Hay có thể mời Mã mà Mã thấy “không nên tắm hai lần trên cùng một dòng sông” nên Mã tiên sinh đã cứ ở nhà với vợ?

Một ông bạn của tôi nêu giả thiết: Có thể vì Mã Đức Hoa không có sách “ăn theo” vinh quang quá khứ, không cần bán sách ăn theo vinh quang quá khứ nên sang Việt Nam làm gì?

Tôi không muốn tin đó là một giả thiết đúng. Nhưng sự thật lại là Lục tiên sinh ký “mỏi tay” tặng cho những người mua sách của ông. Vì vậy, tôi sợ rằng giả thiết của ông bạn tôi có nguy cơ là thật. Vậy thì các cơ quan truyền thông của chúng ta thực ra đã làm cái gì trong những ngày cuối năm vừa rồi?


Ảnh 3

Ôi cái thứ sách hậu trường làm phim! Ôi cái thứ phim sau phim, cái thứ tuồng sau tuồng mà chỉ nói với một phim Tây du ký mà chúng ta đã xem nhan nhản trên VTV và sân kháu Việt, nó đã là một ví dụ hãi hùng về cái văn hóa “ăn theo”. Được biết, Lục tiên sinh sang Việt Nam lần này với tham vọng xây dựng một nền văn hóa Tây du ký, nói nôm là văn hóa ăn theo. Đây có thể sánh với việc Tề Thiên đại thánh đại náo văn hóa đọc chân chính của người Việt.

Dù sao thì cũng xin cảm ơn các nhà báo, các cơ quan truyền thông đã cho biết một tham vọng đại náo đến như vậy của Lục tiên sinh!
------------------------

Chú thích ảnh:

Ảnh 1, diễn viên kỳ cựu của "Tây Du Ký" ký tặng sách cho công chúng. Lục Tiểu Linh Đồng có thể ký rất nhanh, khoảng 1000 chữ ký trong vòng một, hai tiếng đồng hồ để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ảnh 2: Một cảnh phim Tây du ký

Ảnh 3: “Văn hóa Tây du ký” (Màn diễn "Ba lần đánh hạ Bạch Cốt Tinh" được diễn viên Hồng Kỳ và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ thể hiện trên sân khấu. Hồng Kỳ, một gương mặt vốn rất quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam, diễn vai Tôn Ngộ Không, cùng ba nghệ sĩ khác vào vai sư phụ Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng).

Văn Chinh

1
2
3
4
5
6
7
8
9
Tin mới