Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Nhớ ngày thơ Việt Nam ở quê tôi
Cập nhật: 19:41:00 12/2/2011

VanVn.Net - Quê tôi ở cuối dòng sông Gianh. Chỉ một vùng đất hẹp thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mà thời chống Mỹ đã xuất hiện ba anh hùng. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, quê tôi còn có truyền thống văn hóa, thể thao. Đội bóng chân giày Sông Gianh của quê tôi đã từng “vang bóng một thời”. Đội Văn nghệ xã tôi cũng đã giành nhiều giải thưởng trong các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh. Cậu bé làm thơ nổi tiếng cùng thời với thần đồng Trần Đăng Khoa là Hoàng Hiếu Nhân cũng gốc gác quê tôi. Trong xã hiện có ba hội viên Hội Nhà văn Việt Nam : Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Mai Văn Hoan

Các tác giả Cảnh Giang (hội viên Hội VHNT Quảng Bình), Đức Sơn (hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế) cũng đã có một số tập thơ “trình làng”... Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch là con rể xã nhà. Năm ngoái, lần đầu tiên Hội Nhà giáo hưu trí, CLB Văn nghệ và trường THCS Thanh Trạch phối hợp tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Trong phạm vi cấp xã mà tổ chức được Ngày thơ Việt Nam tương đối “hoành tráng” có lẽ là điều “xưa nay hiếm” nếu không có tiềm năng, nội lực và lòng yêu mến thơ ca.

Đúng hai giờ chiều, ngày 27 - 2 - 2010 (14 tháng giêng), bà con và các em học sinh đã kéo đến chật cứng cả hội trường xã. Nhà thơ Hoàng Bình Trọng nghỉ hưu ở Quảng Hòa, Quảng Trạch, anh Nguyễn Tri Phương (anh hùng thời chống Mỹ), nhà thơ Lý Hoài Xuân ở Đồng Hới cũng về dự. Tiếc là nhà thơ Nguyễn Hứu Quý – công tác tại Tạp chi Văn nghệ Quân đội, vì bận việc nên không thể về được. Diễn văn khai mạc do nhà thơ Cảnh Giang (chủ tịch Hội nhà giáo hưu trí) trình bày vừa đầy đủ vừa súc tích, đã làm nổi bật truyền thống thơ ca của dân tộc Việt Nam từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... đến Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Xuân Hoàng... Ban tổ chức đã tuyển chọn năm bài thơ tiêu biểu của các tác giả là con em của quê hương để các nghệ sỹ không chuyên diễn ngâm. Bài thơ viết về nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Liên của Nguyễn Hữu Quý đã làm cả hội trường nghẹn ngào, xúc động : Giây phút ấy sững sờ / Giây phút ấy thiêng liêng / Khi bắt gặp dòng chữ ghi tên bạn : Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên... Hy sinh.../ Nét chữ đỏ trang nghiêm tạc vào bia đá / như tạc vào lòng đất nước bạn ơi ! / Tôi không nói được nên lời / Ngọn gió Trường Sơn nghiêng về tưởng nhớ / Mùi hương bay đâu đó / như hương lúa chín quê mình / kết dâng trên đồi bạn nghỉ... Cảm động nhất là chú Xuân. Chú năm nay đã bảy lăm tuổi. Thời tuổi trẻ chú là một cầu thủ bóng đá có cú đánh đầu khá lợi hại. Chú ít nói, hay cười. Mấy năm gần đây mắt chú không may bị mù. Học tập tấm gương Nguyễn Đình Chiểu, chú miệt mài làm thơ, ghi lại lịch sử quê hương, đất nước lưu truyền cho con cháu. Chú đọc bằng trí nhớ phần mở đầu bài thơ lục bát trường thiên. Mặc dù lời thơ đang còn thô vụng nhưng lòng yêu mến thơ ca của chú khiến cho mọi người vô cùng khâm phục. Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc đọc thơ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đọc thơ ngay trên quê hương trong ngày hội thơ nên cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Năm ngoái, Ngày thơ Việt Nam ở quê tôi diễn ra trong không khí thật ấm cúng, chứa chan tình cảm. Phút chia tay, các em học sinh cứ quây lấy các anh Hoàng Bình Trọng, Lý Hoài Xuân... xin chữ ký . Đây là một cuộc hội ngộ đáng nhớ trong đời làm thơ của tôi. Thành công của Ngày hội thơ trên quê hưong Thanh Trạch cho tôi thêm vững tin: công chúng không bao giờ quay lưng với thơ nếu thơ nói được những tâm tư sâu kín của họ.

(Hội VHNT Thừa Thiên Huế, 26 Lê Lợi)

Mai Văn Hoan

Tin bài mới

Pre
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Tin mới