Văn Chinh
Vừa mở TV, nghe 21 loạt đại bác nổ vang trời, bỗng giật mình nghĩ việc của xưa nay. Nước ta, khởi từ năm 1945 không mấy khi dùng nghi thức đại lễ trang trọng đến thế với hồn thiêng sông núi. Hồi bé, tôi có vài lần chứng kiến Lễ đón nguyên thủ quốc gia bè bạn sang thăm chính thức, có bắn đại bác; về sau thì bỏ lệ. Lâu lâu làm lễ kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi, 700 năm sinh Trần Quốc Tuấn, ngày ca khúc Khải hoàn Thống nhất đất nước 15 – 5 - 1975 và ngay cả khi nâng ngày Giỗ tổ Hùng Vương lên thành Quốc giỗ, thành ngày nghỉ lễ của người lao động, chúng ta cũng không bắn đại bác. Vì vậy mà 21 loạt đại bác xứng đáng được coi như những hồi chiêng trống của con cháu hôm nay trước nhà Thái Miếu thờ ông cha, trước Thái Miếu của kinh thành Thăng Long Hà Nội thờ Đức Lý Thái tổ anh minh.
Chuẩn bị bắn đại bác
Xa xưa, mỗi khi chiến thắng ngoại xâm, vua vẫn dẫn đầu triều đình vào làm lễ Hiến phù trước nhà Thái Miếu, dâng hương lễ rồi dóng chiêng trống mà kính báo với tổ tiên đại sự quốc gia. Đại lễ hôm nay như gộp cả ngàn năm chiến thắng mà khải hoàn. Chiến thắng giặc phương Bắc, phương Nam rồi chiến thắng giặc phương Tây. Chiến thắng hàng ngàn cơn bão lụt từng gây kinh hoàng trong ký ức dân tộc nhưng cũng để lại những minh triết của tồn tại và phát triển, ấy là tình thương yêu đùm bọc giống nòi, là miếng ăn sẻ nửa, là gian nhà chia nhau để hàng xóm lân bang khỏi màn trời chiếu đất. Chiến thắng những ấu trĩ, tập tục hủ lậu (hỡi ôi, người Việt xa xưa thờ đa thần giáo, thần cây đa, ma cây gạo, thờ cả dâm thần và tướng giặc cụt đầu!) để giờ đây chỉ còn tam giáo là chủ yếu: Thờ Tổ tiên, thờ Phật và thờ Thiên Chúa – thực ra là thờ nguồn cội và lòng bác ái tương thân. Chiến thắng cả những thiên kiến hạn hẹp vốn sinh ra từ ham hố đặc quyền để cả nước bước vào đại lễ với tuyên ngôn đại đoàn kết những ai con Rồng cháu Tiên (Chim Lạc), hễ cứ có dòng máu Việt chảy trong huyết quản thì đều có quyền có bổn phận phải bảo vệ và xây dựng Tổ quốc giầu mạnh công bằng văn minh như lời diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, như mô hình diễu hành của đoàn người Việt ở nước ngoài lần đầu tiên có mặt trong một đại nghi thức như thế!
Cảnh sát biển
Xin cảm ơn 21 loạt đại bác khiến nức lòng sỹ khí quốc dân, nó làm được một việc lớn hơn nhiều, rất nhiều cái giá trị vật chất của mình.
*
* *
Có những con số do được nghĩ ngợi và chuẩn bị thấu đáo nên mang thật nhiều ý nghĩa:
Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội có 40.000 người tham gia; trong đó có 12.000 chiễn sỹ diễu binh (đặc biệt có cảnh sát biển và những cánh buồm của du lịch biển) có 10.000 người diễu hành (trong đó có cả đoàn Việt kiều và đoàn người nước ngoài đang học tập công tác tại Hà Nội, có đoàn của 54 dân tộc anh em) có 8.000 người dự đại lễ, 5.000 người xếp hình, xếp chữ, (ôi cái khối người khi thì hiển thị mặt Hồ Gươm xanh ngắt, lúc lại biến thành lá cờ đỏ sao vàng với xiết bao bồi hồi náo nức) 1.000 học sinh sinh viên, 1.000 thiếu nhi, 1.000 nghệ sỹ và 1.000 tay trống hội, 1.000 vận động viên. Ấy là chưa kể những vật mang sinh khí tâm linh, gồm 1.000 con chim bồ câu, 1.000 quả bóng bay đã được thả lên trời xếp thành những con rồng bay làm nức lòng quốc dân.
Có lẽ không cần nói gì thêm về 12 ngàn chiến sỹ vừa bay lên trời, vừa tạo thành những khối người tươi trẻ, dịch chuyển đều tăm tắp thật hùng dũng kia nói lên những gì; quân đội của nước này từ ngàn xưa đã biết thua để rồi bao giờ cũng thắng, có trận thắng vĩ đại như huyết chiến Bạch Đằng khiến đội kỵ binh từng gây rung chuyển cả gầm giời là Nguyên Mông phải bạt vía kinh hồn mà từ bỏ dã tâm phục thù. Chúng tôi, những người già đã cảm động ngắm nhìn rồi rưng rưng nước mắt dõi theo phần diễu hành của Thủ đô Hà Nội. Dẫn đầu khối diễu hành là xe mang hình ảnh rồng thời Lý. Rồng thời Lý mềm mại, không hung dữ cứ như là doạ người ta như từ sau Trần trở đi đã gói ghém thật nhiều minh triết; đó chính là tư tưởng của đại Việt, là vũ khí thiêng liêng nhất, thiêng liêng một cách chiến lược, rồi mới đến nỏ thần An Dương Vương và thanh kiếm Thế Thiên của Đức Lê Thái tổ hoàn trả lại Trời sau khi đã chiến thắng giặc Minh. Chính nhờ vũ khí linh thiêng ấy mà sau khi UNESCO phong tặng Hà Nội mỹ danh Thành phố Vì Hoà bình chỉ có mấy năm, lại đã công nhận Hoàng Thành Thăng Long, phần tiền thân của nó là Di sản Văn hóa thế giới. Trong lời thuyết minh Đại lễ và diễu hành, giọng nghệ sỹ Thanh Hùng vang lên: (đại ý) Chúng ta hội nhập thế giới trước hết bằng văn hiến, văn hoá của Đại Việt mà tinh tuý của nó là mềm mại, là nhu thắng cương, là niềm nhân ái và tha thiết cùng 6 tỷ người sống hoà mình trong ngôi nhà chung: Trái đất.
*
* *
Không đừng được, cả nhà tôi kéo nhau ra đường, dù biết đường phố lúc này người người nêm chật. Quả nhiên, đến đầu cầu Chương Dương phải quay lại vì cấm ô tô, lại phải đi lối cầu Vĩnh Tuy. Mở VOV, mục Giao thông nóng, thấy nói cả phố Bà Triệu Tràng Thi Đinh Tiên Hoàng chỉ nguyên người đi bộ đã chỉ có thể dịch chuyển chậm rãi từng bước một. Người người nô nức, cả dân các tỉnh, cả dân kẻ chợ ai ai cũng nhìn nhau hớn hở và thân thiện. Có một bác nông dân từ Nam Định lên Hà Nội từ bữa trước, do cấm đường, phải gửi xe cách Lăng Bác 8 cây số mà đi bộ lên từ sáng sớm. Tôi nhớ hơn 40 năm trước, nhân ngày lễ 10 năm Giải phóng Thủ đô, có người cha của bạn học từ xã Long Cốc về ký túc xá trường tôi là huyện lỵ Thanh Sơn (Phú Thọ), ngủ với con một đêm, hôm sau về Hà Nội xem lễ duyệt binh. Ba hôm sau về lại ký túc xá, ông ở thêm 3 ngày để kể về Lễ Duyệt binh (năm 1964), riêng hình ảnh Bác Hồ bỏ mũ, vẫy chào đoàn bộ đội và diễu hành ông kể mấy mươi lần không biết chán. Với khí dân ấy, đủ để đất nước đi 10 năm qua bao bom rơi đạn nổ, đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và ca khúc khải hoàn. Bẵng đi mấy mươi năm nhiều trầm bổng, khí dân hôm nay lại bừng lên, như có sự tiếp sức của tâm linh, của hồn nước. Nhiều thanh niên vẽ cờ đỏ sao vàng lên mặt, nhiều cái mũ in dòng chữ “Thăng Long Hà Nội,” lại nhiều người quàng biểu ngữ “Tôi yêu Việt Nam” mà hăm hở bước đi - sỹ khí đấy. Một khi khí dân được đánh thức, nếu biết tập hợp và dẫn dắt bởi sự mềm mại, nhân ái và kỷ cương phép nước, nó sẽ tạo đà cho ngàn năm mai sau.