Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Nền cộng hoà non trẻ với tự do báo chí
Cập nhật: 15:12:00 1/9/2010

Nhật Hoa Khanh

Năm 1992, một trong bốn lần được nghệ sĩ cách mạng Nguyễn Đình Thi tiếp chuyện tại TP Hồ Chí Minh, ông có nhắc nhở tôi: nên tìm hiểu vấn đề quan hệ của cụ Huỳnh với tự do báo chí.

Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh: cũng như Võ Nguyên Giáp, Huỳnh Thúc Kháng là một nhà cách mạng, một nhà lãnh đạo quốc gia luôn luôn tìm nhiều cách mở rộng quyền tự do báo chí và quyền tự do sáng tác văn học nghệ thuật.

Đầu tiên là đến hỏi Thượng tướng Trần Văn Trà (tại nhà riêng của ông lúc đó, thuộc quân 3, TP Hồ Chí Minh). Thượng tướng trả lời: chính ông cũng biết cụ Huỳnh là một nhà lãnh đạo cách mạng luôn luôn tôn trọng, trên thực tế, quyền tự do báo chí; và Thượng tướng, lâu nay, vẫn tìm tư liệu về Huỳnh tiên sinh với tự do báo chí mà chưa thấy.

Rời nhà Thượng tướng Trần Văn Trà, tôi bắt đầu tìm đọc lại một số cuốn sách về Huỳnh Thúc Kháng. Tuy nhiên, tác giả những cuốn sách đó đều chỉ nói đến sự nghiệp văn chương, sự nghiệp chống thực dân Pháp trước khi bùng nổ cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp làm báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh. Không cuốn sách nào trong số này nói rõ về hoạt động của cụ Huỳnh thời kỳ làm Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946, 1947).

Năm 1995, nhân kỷ niệm lần thứ 40 cách mạng Tháng Tám, từ TP Hồ Chí Minh, tôi ra Huế và Hà Nội. Tại hai thành phố này, tôi đã gặp bốn nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, năm nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Cả chín vị đều trả lời đại ý: Huỳnh Thúc Kháng tuy là một nhà cách mạng nhưng lại là một trí thức phong kiến, một nhà nho, mà đã là một trí thức phong kiến, một nhà nho thì cụ Huỳnh không thể nào tán thành tự do báo chí được!

Sau khi rời Huế và Hà Nội, tôi xuống Hải Phòng. Tại xứ Cảng, tôi tìm gặp một nhà báo cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp. Ông nói: vấn đề Huỳnh Thúc Kháng với báo chí thời kỳ ngay sau cách mạng Tháng Tám, tôi có được nghe qua, nhưng lâu năm rồi, đã quên hết.

Năm 1998, nhân kỷ niệm Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 300 tuổi, tôi tìm gặp tám nhà nghiên cứu văn học và lịch sử Việt Nam hiện đại đã ở Sài Gòn trước tháng 4-1975. Vị nào cũng lắc đầu và nói: chưa bao giờ nghe thấy chuyện Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng có quan hệ với quyền tự do báo chí của nền báo chí cách mạng nước ta.

Không nản lòng, tôi tìm đọc các cuốn sách viết về lịch sử báo chí Việt Nam bằng tiếng Việt và một vài cuốn viết về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tuy nhiên, những cuốn đó cũng không có một đoạn nào nói về quan hệ của Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng với tự do báo chí.

Đầu năm 2002, nhân chuyến ra Hà Nội nghiên cứu về Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, tôi lại được gặp Nguyễn Đình Thi nhiều lần. Trong tám buổi tiếp tôi tại Hà Nội năm đó, tác giả Vỡ bờ tiếp tục khuyến khích tôi nên cố tìm ra bằng được những thông tin chính xác về vấn đề Huỳnh Bộ trưởng với tự do báo chí.

Cuối năm 2003, chợt nhớ đến một nhà sưu tầm sách báo cũ đang sống ở TP Hồ Chí Minh và đã từng ở Sài Gòn trước ngày giải phóng, tôi liền đến thăm ông.

Sau ngày giải phóng Miền Nam, vào TP Hồ Chí Minh công tác, tôi được quen ông. Biết tôi là một người nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, ông luôn luôn giới thiệu với tôi, trong nhiều năm, không ít sách báo cũ mà tôi cần.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng của tôi và suy nghĩ hồi lâu, ông hẹn: một tháng nữa, quay trở lại.

Đúng ngày giờ hẹn, tôi trở lại.

Người chuyên lưu trữ và bảo quản sách báo cũ nói trên đã để sẵn trên bàn mấy tập nhật báo Độc Lập (cơ quan của đảng Dân chủ trong Việt Minh) các năm 1944, 1945, 1946. Tất cả đều được đóng thành từng tập cẩn thận. Tập báo 1944 và 1945 còn thiếu vài chục số. Từ 19-8-1945 đến 19-12-1946 còn đầy đủ.

Ông bảo: Việt kiều nhiều người về thăm Việt Nam hỏi mua với giá rất cao, nhưng tôi không bán, chỉ cho họ chụp ảnh.

Tôi xem bảy ngày liền, mỗi ngày ba tiếng tại nhà ông. Xem đi xem lại mấy trăm số báo, đều không thấy gì.

Ngày thứ tám, xem vào buổi tối, không xem vào ban ngày như trước đó. Mười giờ đêm, buồn ngủ quá, tôi định ra về, mai lại đến. Nhưng ông bảo tôi ngồi lại uống cà phê (do tự tay ông pha). Thấy ông quá tận tình, tôi ở lại một lúc. Uống xong, tỉnh hẳn. Lại tiếp tục xem.

Chợt cúi xuống trang 1, số báo Độc Lập ra ngày thứ bảy, 23-3-1946, tôi bất ngờ nhìn thấy dòng chữ: CHẾ ĐỘ BÁO CHÍ ĐƯỢC MỞ RỘNG.

Đọc tiếp, tôi thấy đây chính là tư liệu mà mình đã dày công đi tìm.

Bài báo trước mặt tôi nói về cuộc họp báo của Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng chiều 21-3-1946 tại Hà Nội!

Trong cuộc họp báo vô cùng quan trọng này, Huỳnh Bộ trưởng, thay mặt Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tuyên bố một dự định mới của Chính phủ về việc mở rộng quyền tự do báo chí.

Toàn văn bài báo như sau:

“CHẾ ĐỘ BÁO CHÍ ĐƯỢC MỞ RỘNG

Báo chí xuất bản chỉ phải báo trước 48 giờ với nhà chức trách, nhưng vẫn phải kiểm duyệt. Một uỷ ban định thể lệ kiểm duyệt sẽ thành lập.

3 giờ chiều hôm 21- 3-1946, cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã triệu tập các nhà báo tại Phủ Bắc Bộ để tuyên bố một dự định mới của Chính phủ về chế độ báo chí.

Bộ Nội vụ sẽ ra một sắc lệnh y cho báo chí từ giờ xuất bản sẽ không phải xin phép mà chỉ cần phải thông báo cho các nhà chức trách biết mà thôi.

Vì tình thế đặc biệt, sự kiểm duyệt vẫn còn giữ. Nhưng việc kiểm duyệt sẽ thi hành trong giới hạn nào cho sự ngôn luận khỏi làm hại đến công cuộc của Chính phủ về mặt nội chính, ngoại giao và quốc phòng. Bởi vậy, một uỷ ban kiểm duyệt sẽ được thành lập. Uỷ ban này gồm năm viên: một đại biểu Bộ Nội vụ, một đại biểu Bộ Ngoại giao, một đại biểu Bộ Quốc phòng, một đại biểu Quốc hội và một đại biểu báo giới.

Quyền hạn của Uỷ ban Kiểm duyệt sẽ là:

1. Đặt những nguyên tắc cho Ty Kiểm duyệt theo đó mà thi hành, sau khi Bộ Nội vụ đã chuẩn y ;

2. Mỗi khi cơ quan kiểm duyệt làm sai nguyên tắc, Uỷ ban Kiểm duyệt sẽ xét những lời khiếu nại của nhà báo. Nghị quyết của Uỷ ban (cho đăng hay không đăng) sẽ thi hành nếu Bộ Nội vụ không bác đi sau hạn 48 giờ.

Mừng quá! Mừng quá!

Tôi không thể gọi điện thoại tới Nguyễn Đình Thi được (vì ông đã qua đời từ khoảng quý 1, năm 2003). Tôi chỉ có thể nối đường dây ngay với nhà thơ Huy Cận. Lúc đó là 22 giờ 30 phút một ngày cuối năm 2003. Huy Cận vui vẻ nói: Chúc mừng nhà nghiên cứu! Bao giờ đăng tin này trên bất cứ tờ báo nào, nhớ gửi ngay cho mình!

Đầu năm 2004, ra Hà Nội, tôi gặp lại tác giả Lửa thiêng. Vị đại biểu chính thức tại Quốc dân Đại hội 1945 hỏi ngay: đăng chưa? Tôi đáp: thưa anh, báo nào cũng lưỡng lự, chưa đăng. Huy Cận chau mày: một thông tin đầy tinh thần dân chủ Hồ Chí Minh như thế mà cũng khó được đăng trên báo chí cách mạng, thế thì Huỳnh Bộ trưởng làm sao mà ngậm cười nơi chín suối được!

Xin cảm ơn nghệ sĩ cách mạng Nguyễn Đình Thi! Xin cảm ơn nhà thơ cách mạng Huy Cận!

Năm nay, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 65 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mồng 2- 9, 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 120 năm sinh Bác Hồ, tôi muốn chính thức công tư liệu vô cùng quan trọng này của Huỳnh Bộ trưởng, một nhà cách mạng xuất sắc, một nhà thơ yêu nước, một nhà báo tài năng, một nhà nho cương trực, một nhà dân chủ lớn.

Cố đô Thăng Long,

mùa thu 2010


1
2
Tin mới