Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

"Đi trong cõi người" Đi dưới vầng trăng trần thế
Cập nhật: 15:52:00 14/10/2010
Nhà thơ Mai Phương xuất hiện rất sớm trên thi đàn, từ năm 1962, vậy mà về hưu mới lại vồn vã với thơ: Ông làm thơ, đọc thơ của bạn, rồi lọc cọc đi phát hành vào các mỏ, vào tận vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Ninh những Tạp chí Thơ, Tạp chí Nhà văn, báo Văn nghệ và sách thơ văn của bạn. Một bài phê bình của Hữu Tuấn, một chùm thơ Mai Phương, ấy là một chút hôm nay đồng nghiệp đáp lại tình yêu thơ say đắm ấy!

Hữu Tuấn

1. Tôi không đủ khả năng bình giá toàn bộ thơ Mai Phương. Thứ nhất, vì đã có các vị lão tướng trên văn đàn Quảng Ninh như: Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến. Triệu Nguyễn nhận xét rất chuẩn xác và sâu sắc. Thứ hai, vì nội dung thơ Mai Phương rất phong phú, tâm hồn anh rất đa dạng, bút pháp thơ anh nhìn ngoài giản dị, mộc mạc, tưởng như ai cũng viết được, nhưng kỳ thực, đấy là sự mộc mạc, giản dị đã qua tinh luyện nhiều năm, chỉ những cây bút thực nhiệt tâm mới vươn tới được. Nếu cần nêu một ý kiến ngắn gọn thì tôi xin nói, thơ Mai Phương là sự kết hợp hài hoà giữa chất phóng khoáng, hồn nhiên phương Nam với chất suy tư sâu lắng đất Bắc, tạo nên một phong cách trữ tình đa sắc, chân phương mà da diết, đắm say mà tỉnh táo, đau đời mà yêu đời, có lúc chất phác đến dễ thương, nhưng khi cần thì triết lý tới tận ngọn nguồn:

Ôi cuộc đời! Vui buồn ta nếm hết

Vị ngọt tan rồi. Cay đắng vẫn còn nguyên.

(Không đề)

Hay:

Cũng đừng tưởng lắm tiền nhiều hạnh phúc

Bóng nhà cao không che nổi mẹ lưng còng

(Trở về)

2. Vì những lẽ trên tôi chỉ xin dừng lại ở một khía cạnh nổi bật trong thơ Mai Phương. Đó là hình ảnh vầng trăng, vẻ đẹp diệu kỳ mà tạo hoá ban cho loài người. Xưa nay, nhà thơ nào chẳng nói đến trăng. Song "Đi trong cõi người", ta sẽ chiêm ngưỡng vầng trăng tràn trề cảm xúc của một nhà thơ đa tình, đa cảm, một vầng trăng vừa thấm đượm sắc thái cổ điển "Rừng phong thu trong chén rượu trăng vàng" (Trung Hoa), vừa dào dạt hương vị ca dao "Đêm đêm vầng rrăng xóm dưới. Em thường theo mẹ quay tơ" (Đôi bạn), lại vừa mênh mang tứ thơ lãng mạn thời tiền chiến:

Trăng hay ai bước qua thềm

Khẽ lay cành liễu, êm đềm gió qua.

(Không về)

3. Trong thơ Mai Phương, trăng trước hết gắn liền với quê hương. Không ai quên được những hình ảnh "Cành dừa soi bóng đêm trăng" hay "Trăng nghiêng nghiêng đầu ngõ" (Quê chồng), chúng gần gũi như thế có thể nắm bắt được nhưng lại cao vời vợi toả sáng cả làng quê, toả sáng cả tâm hồn những đứa con xa quê. Đi đâu, vầng trăng vẫn trôi theo người với nỗi nhớ thiết tha:

Nhớ trăng đỉnh núi cứ luồn trong mây

... Nhớ đêm trực chiến bến Triều

Đem trăng bên ấy về theo bên này

(Nhớ)

Lý Bạch từng viết:

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương (Tĩnh dạ tư)

Tạm dịch:

Ngẩng đầu ngắm trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

Trăng Lý Bạch thường ở thì hiện tại. Còn trăng Mai Phương phần nhiều hiện qua lớp sương mờ dĩ vãng, nặng hoài niệm, đặc biệt khi nhà thơ nhớ lại tình yêu thời trai trẻ:

Nhớ. Nhớ còn nguyên bao nỗi nhớ

Đêm tàn trăng, hai bóng nép ven đê

(Xóm cũ)

Trăng lúc này có vẻ như khách qua đường, lặng lẽ nghiêng xuống chân trời nhưng lại chứa đựng bao nỗi niềm, bao tâm trạng, đưa cuộc tình chìm sâu vào mộng tưởng. Cả khi dưới vầng trăng vừa mới mọc, đôi tình nhân cũng được bao bọc một thứ ánh sáng diệu huyền đầy ước hẹn:

Nhớ ngày nào hai đứa dưới trăng lên

Trên bến vắng, con sông dòng nước chảy

(Bài thơ tặng vợ)

Chẳng hiểu sao, những vần thơ về tình yêu thuở ban đầu của Mai Phương thường dạt dào ánh trăng, thường diễn ra trong tận cùng trời đất, trong bao la vũ trụ và hợp lại trong tĩnh lặng cõi lòng:

Em rót trăng mời anh

Hương rừng vào tận cửa

Cành phong lan chia nửa

Phân đôi sắc hoa vàng.

(Sắc hoa vàng)

Chén rượu đầy trăng đó đã cùng chàng trai si tình đi suốt cuộc đời sương nắng:

Vầng trăng không nhắp mà say.

Tình em còn mãi những ngày xa xưa

(Người xưa)

Do vậy trong thơ Mai Phương, trăng còn tượng trưng cho sắc đẹp thanh xuân của người con gái, ấy là khi anh ngây ngất trước gương mặt kiều diễm và thánh thiện của nàng Tiểu Hương, tỷ phú Sài Gòn, bao la trong Trái tim nhân ái:

Ôi, em là một mảnh của cung trăng

Hay tất cả vầng trăng sao đẹp thế.

Hình ảnh chưa phải độc đáo nhưng tấm lòng của nhà thơ thì thật đáng trọng.

Trăng Mai Phương không chỉ mộng mơ, duyên dáng mà còn khoẻ khoắn, tinh nghịch khi anh gắn nó với cuộc sống lao động và chiến đấu. Ta biết, Mai Phương từng cầm súng xông pha trên nhiều chiến trường, từng có mặt ở vùng than từ cái thủa "Trời mỗi ngày lại sáng". Anh tả cảnh giã gạo đêm trăng rất hay:

Đối đáp gái trai bên cối gạo

Gạo trắng chày đôi giã cả trăng

(Quê chồng)

Đọc hai câu thơ dí dỏm trên, tôi chợt nhớ đến bài hát "Tiếng chày trên Sóc Bom Bom" của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Cùng với hình ảnh đó là những "cô gái nhỏ dưới trăng ngực căng áo mới, nhanh nhảu tay gầu, cười với chàng trai", là chú thương binh:

Rủ cả bóng trăng đi lật từng luống đất

Những đêm trăng quây quần ca hát

(Quê hương)

Tất cả tạo nên bức tranh lao động khoẻ khoắn, tươi vui, đầy chất thơ. Cũng vậy, khi Mai Phương viết "Chị Ba vào du kích. Vót chông ngồi dưới trăng" và đưa ta đi theo một đơn vị bộ đội, chứng kiến cảnh:

Ánh trăng chảy vàng con suối

Đoàn quân ngồi dưới lửa thiêng

(Đôi bạn)

Thì chất lạc quan trong chiến đấu bỗng bừng lên giữa những năm tháng gian lan chống thù trong giặc ngoài.

4. Ánh trăng hiền dịu đôi lúc là niềm vui đời thường:

Hạ Long soi bóng Bài Thơ

Bố say đọc báo, con đùa với trăng

(Sáng rồi ta lại chuông chèo ra khơi)

Và khát vọng muốn thả mình vào không gian mát mẻ, thoáng đãng khi suốt cả ngày phải giam mình trong góc phố chật hẹp, bụi bậm bức bối đến khó chịu:

Thành phố không có trăng

Về ngoại ô chống hạn

Tay vụng chiếc gầu sòng

Được cả đồng trăng sáng

(Trăng)

Một nét đầy cá tính sáng tạo của Mai Phương là anh kéo trăng về, gần với phong cách nhà thơ, nhà văn. Trong "Lời anh" tác giả nhắc đến ý kiến của Xuân Diệu:

Làm thơ anh dạy tôi rằng

Phải chơi với gióí, với trăng thật nhiều

Và:

Hứng hết gió, gạn sạch trăng

Rồi đem chưng cất sôi bằng men tim

Tôi hiểu, nhà thơ phải tìm cảm hứng trong thiên nhiên, trong cuộc sống, chắt lọc chúng, đặng rút ra cái tinh tuý, để rồi qua sự xúc động mãnh liệt của trái tim nghệ sĩ mà cho ra đời những tác phẩm văn chương đích thực. Trước kia Xuân Diệu viết:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

Để tâm hồn ràng buộc với muôn dây

Hay chia xẻ bởi trăm tình yêu mến...

(Cảm xúc)

Đúng như thế! Mai Phương cho rằng "Người hiền" Võ Huy Tâm "Trang đời và trang thơ: "Thơm như trăng. Đẹp cũng như trăng". Một tính cách mạnh mẽ, bốc lửa như Tô Ngọc Hiến, phải gặp ngòi bút Mai Phương mới hiện rõ nét trên trang thơ:

Uống cạn trăng, vò nát cả trăng

(Nhớ Hiến)

5. Chất nhân văn thấm nhuần toàn bộ thơ Mai Phương. Tôi đã từng xúc động khi nghe anh đọc "Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi", "Bài thơ tặng vợ", "Bến phà Gianh em bé ấy", "Xuôi Phú Thọ", "Nhớ"... với giọng trời phú, rất giàu cảm xúc, ấm áp mà âm vang, xuất phát từ trái tim đa cảm của anh. Trăng là nửa tâm hồn anh, cũng là nửa cuộc đời anh. Nó xa lắc xa lơ vì đã chìm vào lớp bụi thời gian, nó lại hiện hữu rung rinh trên bầu trời hoài niệm:

Ánh trăng chiều chiếu muộn

Làm ngây ngất hồn ta

(Muộn)

Tôi chia sẻ với anh niềm vui tuổi già, lớp người xưa nay hiếm, vẫn đang may mắn tận hưởng lộc biếc của đất trời:

Còn được nhìn liễu nở

Còn được ngắm trăng rơi

(Hoa và bánh)

"Đi trong cõi người", đi dưới vầng trăng trần thế, với thơ Mai Phương trước hết sáng lên cõi lòng tác giả, sau nữa rạng ngời những tâm hồn, những gương mặt, những cuộc đời của bao con người, những bà mẹ anh hùng, những em bé bán bánh trên phà sông Gianh, những Tiểu Hương tỷ phú cả tiền tài và cả tấm lòng nhân hậu, những cô gái chàng trai lao động quên mình và chiến đấu dũng cảm trên mọi miền đất nước.

HT



Thơ Mai Phương


THẾ GIAN NÀY CHỈ RIÊNG BÁC MÀ THÔI

Con không nói được gì về Bác nữa đâu

Có bao điều về Người nhân loại trên hành tinh đều nói hết

Con chỉ còn biết khóc

Khi thấy Bác mặc quần đùi hành quân và vừa đi vừa phơi áo

Đạp nước guồng trắng xoá dưới đôi chân

Trùm khăn rét mùa đông bên ruộng mạ

Cái mũ Bác đội đầu là cái mũ giống người dân.

*

Lãnh tụ là thế này ư?

Đi chân đất trên cánh đồng nứt nẻ

Ôm hôn và cho quà con trẻ

Chỗ bác ngồi là dệ cỏ ven đê.

*

Con không nói được gì về Bác nữa đâu

Người lớn rộng bóng trùm lên ngôn ngữ.

Chỉ còn khóc

Nước mắt thay dòng chữ

Yêu kính Người đến tột đỉnh vinh quang

*

Giản dị của Người to lớn quá hoá mênh mang

Nắng ngả đèo cao chiều Tây Bắc

Cương ngựa Người cầm

Súng quàng vai vượt thác

Lạc trong rừng già Ké hỏi đường dân

Thế giới này còn có nữa hay không?

Lãnh tụ ma sao đơn giản thế?

*

Tên tuổi Người đã thành kho chuyện kể

Hình ảnh Người ở trong khắp muôn dân

Bóng hình người như thể bóng người thân

Trong tất cả mọi người không kể tuổi.

*

Người con gái Ê-Đê ngồi bên suối

Kể chuyện Bác Hồ vừa đến thăm buôn

Rừng miền Trung A-Lưới hết đau buồn

Bao năm tháng ngóng mong Người bên cửa sổ.

*

Bác mang cho gạo - muối - lửa ngày ngày

Dân làng cao Khánh Vĩnh - Rắc Lây

Còn bảo rằng Người đã cho ánh sáng

Người cứu tinh. Người cứu mạng: Bác Hồ.

Giữa pháp trường Nguyễn Văn Trỗi còn hô

Tên Người: Hồ Chí Minh chói rạng.

*

Con không nói được gì về Bác của muôn dân

Mà chỉ khóc khi thấy Người cởi trần múa võ

Chuyền bóng chuyền cho bộ đội với dân quân

Mỗi sáng sáng chiều chiều trong rừng sâu xanh lá.

*

Bên suối reo Bác Hồ ngồi câu cá

Như tiên ông. Như bụt hiện về

Cá câu rồi Bác tặng lại thương binh

*

Tôi lục tìm trên khắp cả hành tinh

Có ai như Bác Hồ mình thăm bộ đội lại đi từ bếp đến

Chia kẹo đều cho chiến sỹ lập công.

*

Thế giới này còn có nữa hay không?

Lãnh tụ mà sao đơn giản thế.

Cả năm châu yêu kính gọi Già Hồ

Mặc ngày thường mộc mạc vải nâu thô

Chân đi dép thì Hồ Chí Minh là một.
*

Con không nói được gì vĩ đại về người cha

Của dân tộc lại: Kiệm - Cần - Liêm - Chính

Bữa cơm của Người là cá kho - cà ghém

Sách đọc của Người là Kiều và trước tác Lê Nin.

*

Con không nói được gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vị Chủ tịch của dân mình đi dép lốp

Vì nước hy sinh là số một.

Cả cuộc đời vì Khổ đau dân tộc

Vì hạnh phúc Nhân dân quên hết chuyện riêng mình.

*

Con không nói được gì bởi Bác là Hồ Chí Minh

Chỉ biết khóc

Khi Người là vô biên sức mạnh

Khi toàn dân tôn vinh Người là thánh

Khóc vì Người giản dị quá, Người ơi!

*

Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi./.

2001

KHÔNG EM

Tặng B.

Em đi rồi trời không xanh nữa

Nắng đã không mà gió cũng không

Bếp vắng người bếp không hồng ánh lửa

Trời đang hè sao lạnh tựa chiều đông?

Ôi! Có thể một ngày em không trở lại

Sớm ta mà chiều tối chỉ mình ta

Câu thơ hồng bỗng đổi màu tím tái

Người đang gần phút chốc trở nên xa

Chiều không em cơn giận đã thôi buồn

Vi vút gió trời thay dần sắc nắng

Ta đã hiểu thế nào ngày em vắng

Và thế nào ngày tháng nếu không em?

7/2003

TRUNG HOA

Bỗng nhớ Diêu

Ta đã từng mê nước Trung hoa xưa cũ

Buồn, không tiền để một phút bên nhau

Một phút bên triền thơ Đỗ Phủ[1]

Đêm nằm nghe tuyết rụng ở Dương Châu[2]

Không! Lòng tôi đây một Trung Hoa chất ngất

Sóng Trường Giang từng ngợp giấc chiêm bao

Áo em khép mở hai hàng cúc

Đôi mắt buồn như điệu nhạc Dương Lâu[3]

Bến Tầm Dương. Lá lau mơ một lần được thấy[4]

Rừng phong thu trong chén rượu trăng vàng

Ôi! Ta đã từng một Trung Hoa rồi đấy

Dẫu chưa một lần chiều Biên giới ta sang.

GỬI NGƯỜI TÔI YÊU

Em vẫn đó trong vòng tay âu yếm

Sao tôi buồn như thu chết đêm qua?

Em vẫn đó mắt và môi kiều diễn

Sao tôi ngờ như em đã đi xa?

Bởi say đắm trời cho tôi hạnh phúc

Tôi gặp em trong một cuộc vô tình

Mới chỉ thoáng nhìn thôi qua khóm trúc

Tôi tưởng chừng đêm tối gặp bình minh.

Em chúc tôi một đêm dài ngon giấc

Tôi bàng hoàng như đã được rồi em

Ta đã đến bên nhau và ngây ngất

Nhưng lại buồn sao chẳng được gần thêm?

Và tôi sợ sẽ có ngày em mất

Một mình tôi như dại lại như điên.

Trái tim yêu không chia bôi gì tất

Dành cho em như thể một lời nguyền.

Tôi sẽ chết nếu điều này là thật

Là em xa tôi còn lại một mình

Và mãi mãi hồn tôi luôn lẩn quất

Mãi bên em đêm tối tới bình minh.

Đừng em nhé! Tình yêu nhiều ngang trái

Lẫn vui buồn. Cay đắng. Khổ và đau.

Ta cầu nguyện cho ta rồi mãi mãi

Hết kiếp này sang kiếp khác bên nhau.

Thu 2007


 



[1] Đỗ Phủ: Nhà thơ lớn Trung Quốc

[2] Các địa danh của Trung Hoa

[3] Các địa danh của Trung Hoa

[4] Từ hai câu thơ: "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu".


Tin bài mới

1
2
3
4
5
Tin mới