Văn học với đời sống

27/10
3:06 PM 2016

VINH DANH BOB DYLAN: NOBEL VĂN CHƯƠNG CHUYỂN SANG BƯỚC NGOẶT MỚI

ĐINH HOÀI BẢO-Bất ngờ thật sự của Nobel Văn học 2016 là sự thay đổi tự thân của giải thưởng này. Bằng việc công nhận thành tựu của Bob Dylan, Ủy ban Nobel đã thể hiện sự thay đổi ngoạn mục về tiêu chí chấm giải, “cởi mở” hơn và “trẻ” hơn.

                                         Nhạc sĩ-nhà thơ Bob Dylan

Lịch sử thay đổi mỗi ngày, một khái niệm, một tiêu chí đặt ra cũng đến lúc phải thay đổi. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần xác lập lại khái niệm văn học?

Những ngày vừa qua, báo chí trong lẫn ngoài nước liên tục đưa tin về việc Viện Hàn lâm Thụy Điểncông bố thông tin trao giải Nobel Văn học 2016 cho nghệ sĩ Bob Dylan. Khi quyết định trao giải thưởng này cho Bob, các viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển đã thừa biết sẽ tạo nên làn sóng tranh luận dữ dội này.

Lần đầu tiên một nhạc sĩđược trao giải Nobel Văn chương

Điều này hơi khác biệt so với truyền thống trao giải nhưng không lạ lẫm với truyền thống văn học. Từ thuở sơ khai, thi ca và âm nhạc đã có mối quan hệ chặt chẽ. Ngày nay, quan niệm về "liên văn bản" càng phản ánh rõ điều đó, thậm chí còn mở rộng hơn.

Salman Rushdie – một tiểu thuyết gia Anh gốc Ấn – đồng tình với quyết định của Ủy ban Nobel, ông viết trên Twitter: “Một lựa chọn tuyệt vời. Từ Orpheus (một nhân vật trong thần thoại HyLạp) cho tới thi sĩ người Pakistan Faiz, thơ và nhạc đã gắn bó với nhau rất chặt. Ông Dylan là một người kế thừa tài hoa của truyền thống thơ nhạc đó.”.

Nữ nhà văn Mỹ Joyce Carol Oates – ứng cử viên sáng giá của giải Nobel năm nay, cũng vui vẻ chúc mừng Bob Dylan. Bà nói: “Âm nhạc và ca từ đầy ám ảnh của ông ấy dường như luôn chứa đựng những cảm xúc sâu sắc nhất, đầy tính văn chương.”.

Nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ niềm vui khi hay tin Bob đoạt giải. Với họ, Boblà một nghệ sĩ mang đến cảm hứng bất tận. “Ông ấy là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới và ông ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng tôi bằng thơ ca và những gì đã viết.” (Marianne Faithfull).

 

 

Tuy nhiên, việc trao giải cho Bob Dylan cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí ông bị chỉ trích ngay chính tờ báo chính thống ở Hoa Kỳ. Tờ New York Times tỏ ra quyết liệt: “Bob Dylan không xứng đáng được giải Nobel Văn chương” và cho rằng, Ủy ban Nobel đã bở lỡ cơ hội tôn vinh một nhà văn thực thụ khi quyết định tôn vinh một nhạc sĩ.

Một số nhà văn bày tỏ sự bức xúc với quyết định của Ủy ban Nobel. “Quyết định của họ là một sự coi thường với các nhà văn. Tôi thích Dylan nhưng tác phẩm văn học của ông ấy đâu? Tôi nghĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tự biến họ thành trò lố bịch” (Pierre Assouline), còn Irvine Welsh, tác giả cuốn “Gary Shteyngart”, mỉa mai: “Tôi hoàn toàn hiểu cho quyết định này của Viện Hàn lâm Thụy Điển, việc đọc sách hẳn là rất khó khăn”.

Làn sóng tranh luận không phải bất ngờ!

Khoan hãy bàn cãi về kết quả của Nobel Văn học 2016 mà hãy chậm rãi nhìn nhận lại, đây không phải lần đầu tiên Ủy ban Nobel bị chỉ trích về việc “bỏ lỡ” hay “chọn nhầm”. Các đại thụ trên văn đàn thế giới như Lev Tolstoy, Vladimir Nabokov, Italo Calvino, Jorge Luis Borges, Salman Rushdie,... từng bị làm ngơ.

Năm 1974, Ủy ban Nobel bị hoài nghi đã thiên vị khi trao giải cho hai tác giả Thụy Điển Eyvind Johnson và Harry Martinson. Sau đó tai tiếng lại xảy đến khi Nobel Văn chương 1997 thuộc về Dario Fo – người được đánh giá chỉ nổi bật ở vai trò diễn viên. Đến năm 2004, xung đột xảy ra ngay nội bộ hội đồng chấm giải khi Elfriede Jelinek thắng cuộc. Năm 2005, lại lần nữa dự luậnbất bình khi kịch gia Harold Pinter nhận giải thay vìphải là Orhan Pamuk. Đến năm 2006, Orhan Pamuk mới được vinh danh với giải Nobel Văn học.

Nobel Văn chương là giải thưởng dễ gây tranh cãi nhất so với các hạng mục khác. Giải thưởng này không hoàn toàn được xét chọn theo thị hiếu số đông, mà được cân nhắc bởi các tiêu chí riêng, thuộc về tư tưởng. Khó có một lựa chọn nào làm hài lòng 100% người hâm mộ khắp thế giới.

Haruki Murakami – tiểu thuyết gia đương đại Nhật Bản, luôn nằm trong top 3 ứng cử viên sáng giá (8 năm liên tục) trên các trang đặt cược nổi tiếng do độc giả bình chọn. Nhưng đến nay ông vẫn chưa rơi vào tầm ngắm của Ủy ban Nobel với lý do “thiếu hàn lâm”.

Quay lại với trường hợp Bob Dylan. Khách quan mà nói, có hay không có giải Nobel Văn học không thành vấn đề với Bob Dylan khi ông ấy đã nhận hầu hết các giải thưởng danh giá khác: Grammy, Quả cầu vàng, Oscar, và Pulitzer.

Lý do Bob được trao Nobel Văn học 2016giống với lý do ông được nhận giải Pulitzer 2008

"Đóng góp đặc biệt của ông cho âm nhạc và văn hóa, chủ yếu quaca từ phức tạp kết hợp với sức mạnh đặc biệt của thi ca." (Hội đồng trao giảiPulizer, 2008). "Bob Dylan được vinh danh vì sáng tạo những phương thức biểu đạt thi ca mới trong truyền thống âm nhạc Mỹ." (Ủy ban Nobel).

Giải Nobel Văn học 2016 lần nữa khẳng định thành tựu của Bob Dylan ở phạm vi rộng hơn!

 

Quay lại lịch sử đề cử, Bob Dylan không phải một nhân vật mới được đề cử năm nay. Cũng không có trường hợpBob tự đề cử mình (Ủy ban Nobel không cho phép điều này). Hằng năm, người hâm mộ vẫn đặt cược cho ông nhưng đạt tỷ lệ thấp và đôi khi, họ nghĩ "mọi chuyện đã qua rồi".

Điều này cho thấy, độc giả-thính giả khắp thế giới vẫn xem Bob là một nhà thơ (âm nhạc mang màu sắc thi ca). Hướng sáng tác nàyrất độc đáo, và chắn chắn không phải nhạc sĩnào cũng thành công với lối sáng tác này. Vậy nên việc bất ngờ trao giải cho Bob đã gây "sốc". "Sốc" vì "hiếm".

Trao Nobel Văn học cho một nhạc sĩ có phải vô cớ?

5 năm trở lại đây, Nobel Văn học đang hướng mũi nhọn sang các thể loại khác, ngoài thể loại chủ đạo là Thơ và Tiểu thuyết, và thậm chí vươn xahơn ở các thể loại ngoại vi. Alice Munro (Canada) nhận Nobel Văn học 2013 với thành tựu về truyện ngắn, nữ nhà báo Svetlana Alexievich (Belarus) nhận Nobel Văn học 2015 với thể loại phóng sự, phi hư cấu.

 

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là tác phẩm nổi tiếng của Svetlana Alexievich, xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983. Nhà văn Nguyên Ngọc đã dịch và xuất bản ở Việt Nam cuối thập niên 1980. Nhưng đến năm 2015, bà Svetlana Alexievich mới được gọi tên (ở tuổi 67). Do đó, Ủy ban Nobel xướng tên Bob Dylan trong lúctruyền thông “ngủ quên” không phải chuyện bất ngờ.

Bất ngờ thật sự của Nobel Văn học 2016 là sự thay đổi tự thân của giải thưởng này. Bằng việc công nhận thành tựu của Bob Dylan, Ủy ban Nobel đã thể hiện sự thay đổi ngoạn mục về tiêu chí chấm giải, “cởi mở” hơn và “trẻ” hơn. Lịch sử thay đổi mỗi ngày, một khái niệm, một tiêu chíđặt ra cũng đến lúc phải thay đổi. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần xác lập lại khái niệm văn học?

 

Trao giải cho Bob Dylan, Ủy ban Nobel cũng tái khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác. Khẳng định vị thế trung tâm của Văn học với đời sống tinh thần con người. Đồng thời đề cao khai phóng tiềm năng văn học để kiến tạo nên các hình thái mới,chấp nhận những điềugọi là “cận văn học” hoặc “bán văn học”.

Trải qua 115 năm lịch sử hình thành giải thưởng (tính đến 2016), Nobel Văn chương - cùng các giải thưởng Nobel Khoa học, đã trải qua một hành trình dài. Giải thưởng này đã góp phần vinh danh các tên tuổi có cống hiến lớn lao cho nhân loại. Tuy nhiên, nếu việc xét giải cứ khăng khăng một tiêu chí tuyệt đối thì rất có thể, sẽ đến lúc nào đó chúng gây nhàm chán.

Văn học luôn vận động và thay đổi qua thời gian để tiến bộ.Hằng năm, Nobel Văn học thường được trao cho một cá nhân xuất sắc. Điều này khiến cho cuộc đua đạt đến chiến thắng vô cùng gian nan. Danh sách các tên tuổi được đề cử từng năm được giấu kín đến 50 năm sau mới công bố. Nên việc đoán mò rất khó chính xác.

Trước áp lực dự luận, Bob có vui lòng nhận giải?

Từ hôm công bố người thắng giải Nobel Văn học 2016 (13/10/2016), Bob Dylan vẫn im hơi lặng tiếng với công chúng và chưa có phản hồi trực tiếp cho Viện Hàn lâm Thụy Điển. Liệu rằng, ông có đến Stockholm vào ngày 10 tháng 12 tới đây để nhận giải hay không?

Hay Bob sẽ bất ngờ từ chối nhận giải như nhà văn Jean-Paul Sartre đã từng làm thế năm 1964.

(Nguồn: Văn hóa Nghệ An) 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *