Văn học với đời sống

24/9
8:40 AM 2016

GIỚI THIỆU CÁC CÂY BÚT THAM GIA HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC : LÝ HỮU LƯƠNG, LỤC MẠNH CƯỜNG

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ vào tháng cuối tháng 9/2016 tại Hà Nội, trang VANVN.NET giới thiệu sang tác của một số cây bút trẻ tham gia hội nghị này. VANVN.NET chúc mừng những người viết văn trẻ cả nước về dự hội nghị này.

LÝ HỮU LƯƠNG (VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI)

 

Mẹ ơi

 

Mẹ ơi

dưới chân con những bờ ruộng mật

bên nào cũng sóng sánh những

vàng từ đôi mắt

vàng từ đôi tay

vàng từ nơi nơi ký ức

không còn thời gian cho sự loã thể mài mòn

lũ chúng con tự gặm nhấm chúng con

tấm áo manh quần lên thành thị…

 

Hoa gạo trổ đằng tây

ễnh ương bỏm bẻm nhai trầu không

mẹ bảo: - Tháng ba sấm dậy...

đời con chữ thì nhọc nhằn

đời mẹ thì nghiêng bờ cạn ngửa bờ đầy

mẹ bảo: - Lúa có thì…

đêm qua mơ vợi vợi bao khuôn mặt của làng

bây giờ chẳng còn trâu ăn lúa

mẹ thèm đánh đít mấy thằng cu…

 

Đời thì chửa biết chửa chưa

cô đơn mẹ giữa mùa mưa lúa cờ?

 

 

Người rừng1

 

Bằng giọng kể từ mấy trăm năm trước

như tự thủa Bàn Hồ cắp đầu vua giặc về dâng

như tự bảng văn mà cầu khẩn mưa nắng

những cuộc thiên di mười hai họ

ai còn

ai mất?

 

Người rừng

những nấm mồ tan vào bụi lau rừng nứa

cuộc đồng sàng dị biệt của đất và đá

những mặt phẳng bị san bằng

loài muỗi vo ve tìm chỗ ngụ

trên thân trên bóng những vạt sồi…

 

Trong tiềm thức của chúng tôi là những lời ca

pải dung2

bữa nay ru bao nhiêu giấc ngủ

những đứa trẻ chết vì xì ke

những đứa trẻ chết vì xe cộ

những đứa trẻ không chết già…

 

Những ông già áo vải

những bà già áo nâu

mồm nhai trầu và quệt lên cay đắng

trong những hốc mắt sâu

 

Bằng tiếng nói lời mưa trên lá cọ

bằng tiếng kèn gọi ma đi hoang

người rừng

trở mình trước mê sảng hoàng hôn…!

––––––––––––––

1 Tự gọi của tộc người Dao Nga hoàng.

2 Điệu hát lối.

 

 

Pái dung

em hát mấy câu rồi?

 

 

Đuôi mắt

cong lá ngô non

Cứa vào ai mà sắc lẹm

Pái dung em hát mấy câu rồi?

 

Ới… à

bên đồi này con trai

Ới… à

bên đồi con gái

chúng nói thương nhau

tay kéo vào thung

tiếng cười cứ dài theo mó nước

 

Ới… à

Này em đã thu ngô lên giàn

Anh trai đã chêm xong cán nỏ

Nhà ngang sao anh ngồi

Cho một góc buồng thức

 

Ới… à

hoa quế nhà ai treo cửa

để thơm

thơm mấy lối về?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Con chim di trú cuối cùng

 

 

Trăng đêm qua về làm tổ

trên mái ngói nhà mình

mẹ bắt con chim di trú cuối cùng      

trên mái ngói nhà mình

mẹ chắp tay và nói về

những vĩ độ của cuộc thiên di

không có chân mây

không tràn giấc mơ cỏ

bên kia bờ thời gian là dòng sông

những kẻ tự câu mình trong cái vòm

thở đầy nhục cảm sân si

mà ngẫm cuộc đời bóng nước…

 

mẹ lội ra đồng

châu chấu đá vào tay

mẹ và châu chấu gom miếng ăn trong vòm ngực

lúa mẩy và căng

 

con chim di trú cuối cùng thở một tiếng

thì bay đi...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vấn tóc

 

 

Một chiều

hoa rơi đỏ giành núi

tóc đã thôi đếm tuổi mình

gió đổ bên song gọi

rằng: cô em Dao đỏ mắt trong

ngày mai bắt chồng

 

Hoa quế trắng

Hoa quế xanh

Ai ru tiếng khèn ngày hội

Ai tung còn làm em bắt

Vòng bạc mẹ cho đã thôi lần con gái

Này thì sẽ áo hoa

Này thì sẽ khóc…

 

Ngày mai vấn tóc

Em làm dâu nhà người...

 

 

 

LỤC MẠNH CƯỜNG (HÀ GIANG)

CÂY PNÀNG HƯƠNG

 

Truyện ngắn

 

Nắng loang vàng dát bến sông. Con đò rẽ nước chầm chậm sang ngang. Tiếng cười nói xôn xao, đầy ắp. Chiếc áo dài đen, chiếc thắt lưng xanh làm Va thật đẹp nhưng không làm lòng Va vui.

"Nước biển đỏ như máu (*)

Nước biển nóng như lửa"

Câu then "Khảm hải" làm Va choáng váng. Cô đứng dậy. Một người vội vã níu cô lại. Va vùng vằng giật tay ra. Tiếng người kêu thét, nhốn nháo. Sông Lô mở rộng lòng mình ra. Mênh mang...

 

*

"Ngày nọ tôi có hai anh em

Như đôi chim tha mồi

Cùng kiếm củi lần hồi nuôi nhau"

Có ai đó chạm khẽ vào vai. Va giật mình trở về thực tại. Tiếng pụt(**) Khiêm trầm trầm. Tiếng "mác lính" leng cheng. Bà Lung đẩy nhẹ tay Va. Cô nhớ mình đang là "Nàng Hương", mà "Nàng Hương" thì không được sao nhãng việc thắp hương, rót rượu. Cô vội vã châm thêm hương cắm vào bát gạo đặt trên mâm cúng.

Đêm tĩnh mịch. Chỉ còn tiếng cười của mấy người đang chuẩn bị đồ lễ dưới gầm sàn. Va rót thêm rượu. Một chiếc đầu, bốn cái chân, một cái đuôi lợn, một con gà, một con vịt đã làm chín xếp đầy mâm. Ánh đèn thắp sáng gian nhà giữa làm Va thấy nóng bức. Cô cầm chiếc quạt nhỏ phe phẩy cho pụt Khiêm. Một chút gió thoang thoảng. Gương mặt Pụt giãn ra đôi chút. Trong ánh sáng đèn dầu, nhìn Pụt thật đẹp. Thân hình cao lớn dưới chiếc áo dài đến chân. Chiếc mũ Pụt che kín mái tóc khiến đôi lông mày rậm thêm rắn rỏi. Đôi mắt lim dim, giọng then trầm ấm khiến Va bị cuốn theo từng nhịp, từng nhịp. Bài then "Khảm hải" trong lễ "làm khoăn", cúng cầu cho linh hồn khỏe mạnh. Bài hát kể về chàng mồ côi phải làm đầy tớ chèo thuyền vượt biển. Va thấy mình bồng bềnh trôi theo điệu then huyền diệu.

*

Va thấy mình trong đám cưới. Đám cưới to lắm. Người ngồi kín sàn, kín cả gầm sàn. Toàn người lạ. Họ ăn mặc cũng lạ lắm, như người “mường trên”. Có người đến kéo tay cô vào mâm. Đôi mắt sáng, bờ vai rộng, thân hình lực lưỡng. Va giật mình, pụt Khiêm? Chàng trai mỉm cười nhìn cô, không nói. Hàm răng trắng và nụ cười làm Va đỏ mặt. Cô bẽn lẽn cầm đũa. Xôi xanh, xôi đỏ gói lá dong. Thịt lợn, thịt gà đầy mâm. Chén rượu đầy ăm ắp. Một phụ nữ đưa chén cho Va. Hương rượu nếp thơm ngào ngạt. Vị rượu hoẵng ngọt lừ. Va thấy mình chuyếnh choáng. Cô bồng bềnh trôi giữa cánh đồng lúa xanh ngút ngắt. Cô thấy mình theo chân chàng trai về một túp lều nhỏ. Túp lều làm Va có chút hờn tủi. Chàng trai nắm tay cô dẫn vào lều. Bàn tay chai sần nhưng ân cần của chàng làm Va ấm lòng. Cô không nghĩ nhiều đến sự chật hẹp. Vòng tay rắn chắc và bờ ngực chàng rộng rãi. Với Va, thế là đủ ấm áp, đầy yêu thương.

"Ngày ngày anh sung sướng

Em khổ tưởng chết đi

Anh không hề nhòm ngó

Bỏ mặc em đói nghèo..."

Điệu then buồn bã văng vẳng bên tai. Cuộc sống của Va giờ đây gắn bó với túp lều nhỏ nơi góc ruộng. Phía bên kia, nhà anh chồng năm gian gỗ lim. Chị dâu thương hai vợ chồng cô nhưng chỉ là phận đàn bà. Ngày qua ngày, sức lực Va cạn dần. Cô không thể cầm nổi đôi ống ra suối lấy nước. Không thể nấu cho chồng bữa cơm, không thể vá cho chồng manh áo rách. Chỉ có ánh mắt, nụ cười, những cái ve vuốt của chồng mới níu giữ Va lại. Mỗi khi được ở bên chồng lòng Va đầy ắp cảm xúc. Cô vui sướng và muốn được ở lại nơi này. Mãi mãi.

Một buổi chiều, nắng hiu hắt trên khóm rong riềng hoa đỏ. Vài tia nắng vàng vọt rọi qua mái lều lợp lá cọ rách bươm. Không khí oi bức, ngột ngạt. Va thấy khó thở. Không khí đặc như bùn. Cô há mồm như con cá cạn nước. Cô chống tay ngồi dậy nhưng không nổi. Cô giơ chân mình lên và hoảng hốt thấy bàn chân mỗi lúc một nhỏ đi như chân đứa bé. Cô hét lên nhưng không có âm thanh nào phát ra. Cô muốn vùng vẫy mà không được. Đầu nặng trĩu. Những câu then mà cô đã nghe trong bao nhiêu lần làm "Nàng Hương" vọng lại ám ảnh, day dứt:

"Chị thương em nước mắt ứa ra

Chị lại gần khẽ bảo:

- Rách hết rồi,

Lên nhà chị lấy kim khâu lại mau em!

Ai ngờ dấu chàm đen

Anh cho em nên tội

Anh giận dữ hằm hằm

Rằng: Chim sẻ ăn gạo nếp

Em chú tằng tịu với chị dâu

Hằm hằm anh mang dao đi mài

Hằm hằm anh mang gươm đến chém

Chém đầu em treo ngọn cọ

Chặt chân em treo ngọn vông"

Va rùng mình. Phải chăng mình là vợ người em mồ côi trong "Khảm hải". Chồng mình sẽ bị chém? Va thấy lòng mình quặn thắt.

- Đừng! Đừng chém chồng tôi.

Va cố hết sức trườn ra. Cô ngã vật xuống nền đất. Chân tay đau buốt như dập nát hết cả. Va không quan tâm. Lòng cô đang chảy máu. Trái tim cô đau như ai lấy gai cọ chọc vào. Va lê lết ra cửa lều. Tiếng người tớn tác. Tiếng chân chạy lịch bịch. Tiếng ai đó vọng lại:

- Chồng mày bị chém rồi! Đầu nó bị treo ngọn cọ, chân nó bị treo ngọn vông...

Màu nắng loang đỏ thành máu. Mặt trời đỏ rực. Tim Va bị ai bóp chặt rồi dứt ra. Hơi thở tắc nghẹn. Va bay lên, bay lên.

Chợt có ai đó túm tay Va kéo lại. Bàn tay rắn chắc và nóng rực. Mắt Va tối sầm lại. Những hơi thở đầu tiên quay về chậm chạp và ngắt quãng. Va cố gắng mở mắt. Mấy người đàn bà đang xúm lại xoa ngực, xoa tay, bóp chân cho Va. Tiếng bà Lung thở phào.

- May quá! Mày về rồi. May mà Pụt Khiêm cao tay. Nếu không là mày ở lại “mường trên” rồi!

Va cố ngồi dậy. Chân tay bải hoải như vừa qua một cơn say. Pụt Khiêm nhìn cô. Đôi mắt đầy lo lắng:

- Cô không sao chứ?

Va lắc đầu. Cô thấy xấu hổ vì không làm chủ được mình, không làm tốt công việc của "Nàng Hương". Cô ngồi dậy châm thêm hương. Pụt Khiêm giữ tay cô lại.

- Thôi, cô nghỉ đi...

Cảm xúc dịu dàng dâng lên trong lòng Va. Bàn tay này, giọng nói này đã làm Va rất vui trong giấc mơ, làm cho cô không muốn tỉnh lại. Cô bẽn lẽn rụt tay về rồi đứng dậy đi ra phía cửa. Đêm lung linh ánh trăng. Phía rừng cọ, một cơn gió rì rầm cất lên êm êm...

*

Trăng buông từng giọt ngoài cửa sổ. Mái cọ nhà sàn đẫm ánh trăng. Giấc ngủ chờn vờn lẫn tiếng then. Va trở mình. Đã mấy lần Va đi làm "Nàng Hương" cho các đám cúng "khoăn" nhưng chưa bao giờ như vậy. Người già vẫn kể về nàng Hai, người làm "Nàng Hương" giỏi nhất vùng. Một lần, nàng theo hầu Pụt Kía. Pụt Kía mải mê "Khảm hải", không để ý đến "Nàng Hương" của mình. Khi xong việc thì nàng Hai đã thiếp đi mê mệt. Nàng không tỉnh lại nữa. Nàng đã là người mường trên. Dân bản lập miếu Nàng bên bến sông. Từ đấy những người đi làm "Nàng Hương" thường tới đó thắp hương.

Va ngồi dậy. Cô đưa tay vấn mái tóc dài. Trăng xuyên qua cửa sổ, chảy tràn dưới tay cô. Ánh mắt lo lắng của pụt Khiêm làm Va ửng hồng đôi má. Không phải là ánh mắt sắc lạnh của pụt Lang, không phải là đôi mắt hấp háy của pụt Chẩn. Ánh mắt pụt Khiêm ấm áp và yêu thương như mắt chàng mồ côi. Bất giác Va sờ lên vai. Vòng tay rắn chắc, vầng ngực vững trãi và làn môi thơm của chàng mồ côi. Va nhớ rõ như nó ở ngay đây. Không phải là giấc mơ. Va thấy mặt mình nóng ran. Không thể như thế được! Va chưa ở gần chàng trai nào đến thế! Cô ngượng ngùng nằm xuống, kéo chăn chùm kín đầu. Mình không được nghĩ đến chàng mồ côi, nghĩ đến pụt Khiêm. Chàng mồ côi chỉ có trong bài then "Khảm hải". Pụt Khiêm thì đã có vợ rồi. Vợ Pụt cũng đẹp lắm! Mình phải quên đi thôi. Va cố nhắm mắt lại. Ánh trăng lặng lẽ rút ra ngoài cửa sổ. Va đưa tay sờ khe khẽ lên môi mình. Hơi ấm vẫn còn lẩn quất đâu đây.

*

Nhà Ta Thương làm khoăn. Mẹ không cho Va đi làm "Nàng Hương". Mẹ bảo những người "Khoăn ón" (nhẹ vía) như Va dễ bị "phi nhăm" (ma nhập). Mẹ sợ Va bị thêm một lần sẽ không tỉnh lại nữa. Va cũng không muốn làm "Nàng Hương" cho pụt Chẩn. Va sợ ánh mắt của ông ấy. Bây giờ, Va chỉ muốn làm "Nàng Hương" cho duy nhất một người.

Trăng mười sáu treo ngang đỉnh Khau Hốc. Trăng rắc bụi vàng xuống thung lũng Nậm Ngoan. Rừng cọ xõa bóng xuống chân ruộng. Va tựa nhẹ vào vai Khiêm. Trái tim cô rộn ràng. Không phải trong túp lều rách nát. Không có ánh mặt trời màu máu. Chỉ còn thân hình vững trãi của chàng mồ côi. Chỉ còn ánh mắt sáng như sao và đôi môi thơm mùi cốm. Va thấy người như say, như không còn ở thực tại. Cô vươn người ghé sát vào mặt Khiêm. Đúng là chàng rồi, chàng mồ côi! Cô nhắm mắt đặt môi mình lên môi Khiêm. Một cảm giác lâng lâng lan tỏa khắp người. Như luồng nước mát chảy lan khắp thửa ruộng khô nứt nẻ. Va choàng tay ôm lấy cổ Khiêm ghì chặt. Bàn tay rắn chắc giữ vai Va lại:

- Va à! Tôi có vợ rồi.

Câu nói như một tiếng sấm rền. Va vẫn như người mê muội:

- Không phải là tôi sao?

- Không phải là "Khảm hải". Tôi...

Va buông tay, gục mặt. Không phải là giấc mơ cùng chàng mồ côi. Cô ngồi tựa vào gốc cọ già. Như có một nhát dao chặt, khoảng cách giữa hai người rộng ra. Va thấy lòng mình cũng có ai chặt. Vết thương mỗi lúc một hằn sâu. Va úp mặt vào hai bàn tay.

- Sao anh còn đến đây?

- Tôi không biết! Tôi... muốn gặp Va... một lúc thôi!

 Câu nói buông xuôi lẫn vào tiếng gió. Rừng cọ xào xạc, lao xao. Gió dồn ánh trăng chạy về phía cánh đồng. Một khoảng tối xẫm tràn lên rừng cọ.

"Hằm hằm anh mang dao đi mài

Hằm hằm anh mang gươm đến chém

Chém đầu em treo ngọn cọ

Chặt chân em treo ngọn vông

Em chết cả mường bản lại xem

Em chết cả mường người đến ngó

Hồn em bay trên không

Mới hóa thành sa dạ sang sông

Mới hóa thành sa dồng qua biển

Ngày chết chẳng tấm chiếu bó thân

Ngày chết mang mình trần em đi

Cay đắng lắm, cực nhục thay

Chao ơi, trời đất ơi!"

Tiếng hát then hòa vào tiếng reo rừng cọ. Va thấy trái tim mình loạn nhịp. Không phải là em chú yêu chị dâu. Không phải là ngày chàng mồ côi bị chém. Vậy mà Va thấy tim mình nhói lên. Nước mắt chảy như ánh trăng. Nước mắt chảy qua kẽ ngón tay ướt đầu gối. Không phải là "Khảm hải" mà sao cuộc đời còn ngang trái, còn nhiều nước mắt. Va vùng dậy, bỏ chạy. Một bóng người lẩn sâu thêm xuống bóng tối dưới gốc cọ như một con chồn ác. Khiêm đứng dậy bước xuống con đường loang loáng trăng. Chưa bài then nào khó và làm Khiêm mệt mỏi, rã rời đến thế.

Người đàn bà túm tóc Va giữa chợ. Hai cái tát nảy đom đóm mắt. Xoỏng cải non trước mặt Va tung tóe. Mái tóc dài xổ tung. Người đàn bà dúi đầu Va xuống. Va bối rối, hoảng hốt không hiểu tại sao. Cô cố giữ tóc và kêu lên yếu ớt.

- Bỏ tôi ra! Sao lại đánh tôi?

- Sao à? Già mồm à... Mày ngủ với chồng tao còn hỏi sao à!

Người đàn bà vừa chửi vừa dúi đầu Va. Đám đông xúm lại xôn xao. Không ai xông vào can cả. Va vùng lên xô người đàn bà ra.

- Tôi không ngủ với ai cả. Bà đừng nói oan như thế...

Người đàn bà lại xông vào thì một bàn tay giữ lại. Một người đàn ông chặn trước mặt hai người. Người đàn bà gào to:

- Mày không cho tao đánh nó! Mày ngủ với nó nên bênh nó à...

Khiêm nhíu mày. Mặt anh đỏ lựng lên vì xấu hổ và giận dữ. Đôi mắt anh như có lửa. Khiêm gằn giọng:

- Ai bảo thế?

- Ông Chẩn bảo thế! Ông ấy bảo thấy hai người ngủ với nhau trong rừng cọ.

Trong một thoáng, mặt Khiêm trắng bệch rồi tái đi:

- Ngốc thế! Thế mà cũng tin được à? Ở nhà sao không hỏi lại ra đây gây chuyện. Không thấy ông Chẩn thù tôi à? Ông ấy làm pụt không giỏi như tôi. Người trong bản không quý, không đón. Ông ấy ghét tôi nên nói xấu! Không biết nghĩ à?

Người đàn bà khựng lại. Nhìn vào mắt chồng, lửa trong người cô như tắt hẳn. Ừ nhỉ! Tại sao mình không nghĩ đến điều này nhỉ? Tại sao mình lại nghe người ta xui làm xấu mặt chồng giữa chợ? Người trong bản có còn ai tin, ai quý chồng mình. Người đàn bà cúi gầm mặt. Nước mắt chảy ra.

- Thôi! Xin lỗi người ta rồi về đi!

Người đàn bà cun cút nhặt rau cải vào xoỏng cho Va rồi cúi mặt bước. Va ngẩng lên. Đôi mắt sáng nhìn cô đầy đau đớn. Cô quay đi. Khiêm cũng quay bước. Như hai người đi về hai mường khác. Trái tim Va lại nhói lên. Câu hát then vẩn lên theo gió:

"Cay đắng lắm, cực nhục thay

Chao ơi, trời đất ơi!"

Những đêm trăng suông, Va thường ngồi nhìn ra cửa sổ. Cánh đồng trải dài về phía chân núi bàng bạc. Tiếng dế kêu rền rĩ cho đêm thêm âm u. Gió thổi những hồi dài trên mái cọ. Tiếng con mèo động đực gào rú trên rừng vầu sau nhà. Va thấy lòng mình rời rã. Cô không thiết đi chơi cùng chúng bạn. Mấy đứa bảo chắc vì Va sắp lấy chồng. Va không biết. Cô không muốn lấy chồng nhưng ngày ấy cũng sắp đến rồi. Cô chỉ thấy nhớ, chỉ muốn gặp một người. Không phải chàng mồ côi. Người có khuôn mặt của chàng mồ côi. Người có giọng nói của chàng mồ côi. Va thấy lòng mình héo đi. Ước gì mình được nhìn thấy mặt người, được nghe giọng then ấy. Chỉ cần thế thôi...

*

Nhà Ta Thương làm đám cưới. Năm ngày nữa cũng đến đám cưới của Va rồi. Nhà chồng Va bên kia sông. Một thằng trai mới mười lăm tuổi nhưng nhà nó có bảy chục cân gạo nếp, bảy mươi cân lợn, bảy mươi lít rượu, bảy đồng bạc trắng, bảy con gà thiến... để xin cưới. Ăn hỏi từ năm trước, năm nay cưới vừa đẹp tuổi. Người già bảo thế. Va chỉ biết nghe, không biết cãi. Con gái lớn thì bố mẹ gả chồng. Sinh ra ở bản này là thế. Va vẫn chưa biết mặt chồng!

Va sang giúp đám cưới bê mâm. Gần một trăm mâm cỗ. Ngôi nhà sàn bảy gian chật kín. Ăn ba ngày. Người ra vào tấp nập. Mổ một con trâu và ba con lợn to như con bê. Lượt cỗ này dọn, lượt cỗ khác lại bê lên. Mùi khói bếp, mùi mỡ lợn, mỡ trâu bám vào không gian đặc quánh hơi người. Mệt mỏi nhưng không thể trễ việc. Ông trưởng bếp luôn mồm quát giục. Lửa cháy đùng đùng làm những khuôn mặt nấu bếp đỏ lựng. Va hối hả chạy lên, chạy xuống cầu thang bưng mâm lên, dọn mâm xuống. Mắt Va vẫn ngóng ra cổng. Va biết Khiêm không hay đến đám cỗ cưới. Khiêm là "Pụt" nên không muốn ăn uống chung với mọi người. Biết vậy nhưng cái bụng vẫn như có lửa đốt, đôi mắt không nghe theo cái đầu. Biết đâu "chàng mồ côi" sẽ đến. Va chỉ mong được gặp chàng một lần thôi, trước khi lấy chồng. Rồi Va sẽ quên, sẽ quên "Nàng Hương", quên chàng mô côi và cả bài then "Khảm hải".

Một người say rượu bước lảo đảo xô phải Va. Bát canh bí vừa múc trong nồi đổ ụp vào tay. Nóng như lửa đốt. Rát buốt tận gan ruột. Một bàn tay túm lấy Va kéo về phía máng nước. Nước nguồn xối vào tay làm giảm cái nóng, cái rát. Cô giật mình khi nhận ra người kéo mình đi ngâm tay.

- Anh đến từ bao giờ?

- Tôi đến một lúc rồi. Tại Va bận nên không nhìn thấy.

Va bỏ tay ra khỏi dòng nước lạnh. Cái nóng, cái rát quay lại. Nước mắt Va trào ra không rõ vì đau hay tủi:

- Tôi sắp lấy chồng rồi!

- Bao giờ? - Khiêm giật mình.

- Năm ngày nữa!

Khiêm cúi xuống cầm tay Va dúi vào dòng nước máng. Mặt Khiêm tái đi. Môi Khiêm run run:

- Phải ngâm cho đến lúc hết nóng, hết rát. Tối ngày kia, tôi đợi ở rừng cọ!

Có tiếng chân người. Ông Ta Thương đến hỏi thăm Va. Khiêm tránh mặt vào nhà sàn, ngồi vào mâm cỗ.

*

Đêm không trăng. Trời se lạnh. Va gục mặt vào ngực "chàng mồ côi" của mình, không ngại ngùng, ngượng ngập. Cô khóc. Nước mắt hoen ngực áo. Ngày kia Va theo chồng về bên kia sông, như chàng mồ côi thành sa dạ, sa dồng chèo thuyền vượt biển. Biết có còn gặp lại nhau, nhìn thấy nhau? Như thế làm sao Va sống nổi! Vòng tay Khiêm siết chặt. Va nhỏ bé biết bao nhiêu, vậy mà anh không thể cưới Va về làm vợ. Mấy ngày không gặp, anh nhớ cô tới mụ mị cả người. Nhưng Khiêm là "Pụt", Khiêm không thể bỏ vợ, không thể cưới Va. Khiêm thấy khóe mắt mình cay cay. Anh cúi xuống Va. Mùi thơm nhẹ như hương lúa. Hơi thở anh thơm hương rượu nếp. Hơi thở quyện vào nhau nồng nàn hương mật. Đám cỏ mềm ướt đẫm sương đêm. Những cơn gió mơn man trên cánh đồng, rừng cọ. Cả hai ghì chặt, cuốn xiết. Gió nhẹ nhàng, ve vuốt hôn lên làn da đêm. Gió vờn trên rừng cọ, ngọn đồi, con suối. Đêm mênh mang tan ra. Gió cuốn vào đêm trong niềm hạnh phúc bất tận.

Một ánh sáng lóe lên trong đêm. Tiếng cười khùng khục xóa tan sự tĩnh lặng đê mê trên rừng cọ. Một con dao dí sát cổ Khiêm:

- Nằm yên đó! Để cho cả bản thấy cái mặt đểu của mày. Xem còn ai tin mày là một thày Pụt tốt! Ới làng ơi...

Khiêm vùng dậy. Bằng một cái gạt tay, con dao nhọn đã nằm gọn trong tay Khiêm. Cơn giận bùng lên như lũ quét, con dao cắm thẳng vào ngực kẻ phá đám kêu làng. Giọng lão Chẩn tắc nghẹn. Lão lảo đảo gục xuống. Va thấy mắt mình hoa lên, ánh đèn bùng lên màu máu. Như buổi chiều trong giấc mơ "Khảm hải", Va thấy chân tay mình co quắp. Sức lực rút đâu cạn kiệt cả. Va thấy mình được bế trên tay, sấp ngửa chạy trên những bờ ruộng nhấp nhô.

*

Người già bảo đám cưới Va to nhất làng. Mẹ mặc quần áo đẹp và đeo chiếc vòng bạc trắng cho Va. Khuôn mặt Va nhợt nhạt. Ánh mắt thất thần. Ngoài kia, người ta ăn uống, nói cười rộn rã. Chỉ mình mẹ tất tả trang điểm cho con. Mẹ nhìn Va mà đau lòng quá! Nhưng mẹ cũng chỉ là đàn bà. Mẹ về làm dâu năm mười sáu tuổi. Mẹ sinh và nuôi Va lớn nhưng gả Va về đâu thì do bố quyết. Người đàn ông là trụ cột gia đình. Giờ đây, những người đàn ông đang ngồi uống rượu. Tiếng hò hét, hô hào uống cạn làm căn buồng nhỏ rung lên bần bật. Mẹ ôm Va vào lòng khóc rưng rức. Va lặng thinh. Cô không nói gì, không để ý đến những gì đang diễn ra quanh mình. Cô chỉ nhớ Khiêm đã đi rất xa, nhớ chàng mồ côi thành sa dạ, sa dồng, bị quan Slay bắt đi chèo thuyền vượt biển. Những lời then của chàng mồ côi hay chính những tiếng nói từ lòng Va.

"... lại nhé cái nhà bốn góc

ở lại nhé cây củi đương hồng

ở lại nhé cái nồi miệng bằng

ở lại nhé cái kiềng ba lưỡi

ở lại nhé mái cọ bên ngoài che dột

ở lại nhé sợi lạt buộc chắc bên trong

ở lại nhé sàn thích gỗ bay

ở lại nhé thang cây gỗ viền"

Những bước chân đờ đẫn bước xuống cầu thang. Hồn Va đang gửi trong câu hát. Câu hát then của người yêu dấu, của chàng sa dạ, sa dồng. Câu hát nâng bước chân qua tảng đá rửa chân, qua cái cổng tre thấp. Câu hát đưa Va qua con đường gập ghềnh ra bến sông. Những câu hát day dứt, xót xa.

 "...Ở lại nhé ba tấc đất chôn nhau

Ở lại nhé miếng đất bằng ta đứng

Thân tôi khổ đến chết

Dưới bãi chẳng sợi rơm

Cổng vườn chẳng vỏ trấu"

Đám rước dâu dừng lại bên bến sông. Con đò chờ sẵn. Cô dâu, chú rể và những người đưa đón bước xuống thuyền. Bước chân Va vẫn nhẹ bẫng, lâng lâng. Nước lờ đờ chảy. Nắng vàng lóa cát bến sông. Câu hát then văng vẳng.

"...Khổ không chết mới sống

Chèo đi thôi chèo đi

Nước biển đỏ như máu

Nước biển nóng như lửa

Cay đắng lắm đời sa dạ sa dồng"

Tai Va ù đi. Nắng hóa máu chảy lênh láng như buổi chiều chàng mồ côi bị chém. "Đợi tôi với chàng sa dạ, sa dồng. Tôi là vợ chàng thì tôi sẽ theo chàng. Tôi không sợ mười hai rán nước đầy thuồng luồng, ma quỷ. Tôi chỉ cần được ở bên chàng". Va vùng dậy. Con đò tròng trành. Tiếng người kêu thét hốt hoảng. Một vực xoáy bất ngờ hiện ra. Hun hút. Va bay lên. Không còn bàn tay nào níu giữ lại.

Sông Lô vẫn chảy. Miên man...

 

(*) Những câu thơ in nghiêng đều nằm trong bài then "Khảm hải" của dân tộc Tày.

(**) Pụt: Thầy cúng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRĂNG TRÊN KHAU LUÔNG.

 

Truyện ngắn.

 

Tiếng gà rừng gáy trên đỉnh Khau Luông vọng lại. Dấu trở mình. Cả người mỏi nhừ và lạnh buốt. Cô trở dậy thêm củi vào bếp. Ngọn lửa bùng lên. Hơi ấm làm Dấu cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút. Một cơn gió nhỏ ào qua làm khói bay vào mắt cay xè. Mắt Dấu nhoè đi. Trong quầng lửa, nụ cười của Dòng hiện lên lấp loá. Người Dấu nóng bừng, râm ran như lên cơn sốt.

Dấu gặp Dòng trong đêm mùng ba tết ở nhà cô bạn thân. Bên bếp lửa, những chén rượu thơm nồng nàn. Ánh mắt Dòng như có lửa. Lời Páo Dung tha thiết. "Thấy bông hoa nở bờ bên. Muốn sang không có bè thuyền để sang". "Muốn sang thăm hoa dễ thôi. Hái lấy chiếc lá anh ngồi mà sang". Lời Páo Dung đượm như bếp lửa nồng nàn cả đêm. Giữa bao nhiêu người, lời Páo Dung, ánh mắt, nụ cười của Dòng như chỉ dành riêng cho Dấu. Trong đêm mùa xuân ấy, Dấu biết mình đã yêu một người.

Đêm mười lăm, mặt trăng trốn sau những đám mây nhưng ánh trăng vẫn soi rõ mặt người con trai hát Páo Dung trước cổng nhà Dấu lâu nay. Khuôn mặt đẹp mà Dấu vẫn thấy rõ trong cả những giấc mơ. Khuôn mặt làm cho Dấu quên cái mỏi lưng của những ngày khom người cấy lúa, của cái bỏng rát bàn tay cả ngày cầm cuốc vun ngô. Dòng ôm Dấu thật chặt trong vòng tay rắn chắc.

- Dấu về nhà tôi ở nhé!

Dấu lưỡng lự. Ở bản người Dao này, về nhà người mình yêu ở trước đám cưới cũng là chuyện bình thường nhưng Dòng có nghĩ cho Dấu không?

- Dấu đồng ý đi. Tôi muốn được ở cùng Dấu. Tôi muốn lúc nào cũng được ở bên Dấu. Tôi không chịu được những lúc thiếu Dấu. Tôi làm gì cũng chỉ nghĩ đến Dâu thôi… Nhưng giờ nhà tôi nghèo quá chưa xin cưới được. Dấu thương tôi chứ?

Vòng tay Dòng xiết chặt. Dấu như mê đi. Cô không nghĩ được gì nữa. Cô mỉm cười gật đầu hạnh phúc.

Dấu về nhà Dòng vào mùa gặt. Dấu bắt tay vào việc của người con dâu lớn. Sớm dậy trước con gà, đi gánh nước thổi cơm. Cùng mọi người đi gặt, đập lúa. Tối về lại nấu cám cho đàn lợn. Cả nhà Dòng đón nhận Dấu một cách bình thản và lặng lẽ. Dấu không biết cả nhà có đồng ý với việc Dấu làm hay không. Không ai nói gì với Dấu cả. Chỉ mình Dòng an ủi làm Dấu thấy vững lòng hơn. Rồi mùa gặt qua, công việc vẫn ngập mặt: Lấy củi, hái chè, sao chè… Đôi tay dấu ngày càng thô kệch. Đôi má như nhạt hồng…  Dạo này Dòng lại hay đi chơi, có hôm cả đêm cũng không về. Chỉ còn Dấu với bao công việc không tên buộc chặt chân. Những lúc buồn không ai nói chuyện, lúc mệt không ai động viên. Dấu muốn giữ Dòng ở nhà lại không dám.

Rồi cũng đến lúc bố mẹ Dòng sang nhà Dấu. Dấu nửa mừng, nửa lo. Bố mẹ Dòng sang nhà Dấu hỏi tuổi để rồi đi xem bói. Nếu thầy cúng nói Dòng và Dấu hợp tuổi thì tiếp sau đó sẽ là lễ ăn hỏi, rồi lễ cười. Nhưng nếu không hợp tuổi thì… Dấu không dám nghĩ nữa. tục lệ người Dao nơi đây là như vậy. Dấu không muốn mình lại phải ôm quần áo ra khỏi nhà người mình thương.  Một suy nghĩ chợt đến làm Dấu thấy yên lòng. Anh Hì và chị Dim cũng không hợp tuổi nhưng họ vẫn yêu nhau, vẫn ở với nhau đấy thôi!

Buổi chiều, Dấu đang thái chuối cho lợn thì mẹ Dòng gọi Dấu vào nhà nói chuyện. Dấu cảm thấy một điều chẳng lành…

- Dấu à! Mày về nhà tôi đã lâu. Mày chăm làm, ít nói. Chúng tôi muốn mày làm con dâu…

Bà ngừng lại. Dấu cúi đầu im lặng. Một cảm giác hồi hộp dâng ngập lòng.

- Nhưng … thấy cúng bảo mày với Dòng không hợp tuổi. Chúng mày không thành vợ chồng được. Mày phải đi thôi!

Dấu bàng hoàng, hụt hẫng. Cô không ngờ một kết cục đau đớn như vậy lại đến với mình. Gục mặt xuống đầu gối, Dấu khóc. Cô nhớ đến lời mẹ. "Xấu mặt lắm" nếu phải quay về. Chỉ còn một hi vọng duy nhất là Dòng vẫ còn yêu Dấu. Hai người sẽ sống với nhau như anh Hì và chị Dim. Dòng đi lấy củi vẫn chưa về. Chưa lúc nào Dấu mong Dòng đến thế.

Bữa cơm tối chỉ có Dấu và Dòng. Bố mẹ và hai đứa em nhỏ đi đám cưới. Mấy lần Dấu định nói với Dòng lại ngập ngừng rồi thôi. Ăn cơm xòng, Dòng với lấy cái áo vắt lên vai đi ra cửa. Dấu vội nói:

- Dòng à. Ở nhà đã. Tôi muốn nói chuyện.

Dòng quay lại nhìn Dấu, không nói gì nhưng vẫn quay lại, vắt áo lên dây và ngồi xuống bên bếp lửa. Đã hơn tháng nay, Dòng rất ít khi nói chuyện với Dấu. Chỉ còn một chút hi vọng mỏng manh nhưng Dấu cố níu lấy. Hít một hơi dài. Dấu nói:

- Dòng à! Chiều nay mẹ nói với tôi…

Dòng im lặng.

- Dòng không muốn biết mẹ nói gì với tôi sao?

Dòng vẫn im lặng. Dấu thấy nghẹn nơi cổ họng. Cô nói vội:

- Mẹ nói tôi với Dòng không hợp tuổi, không lấy được nhau. Tôi phải đi.

Dòng ngồi im như tảng đá. Tảng đá bên dòng suối, dù mưa to, dù lũ cuốn vẫn im lặng. Dấu oà khóc tức tười. Cô vơ lấy túi quần áo sắp sẵn lao ra ngoài. Dòng vẫn ngồi im không ngước lên. Ánh lửa hắt bóng Dòng lên vách, to lớn, lạnh lùng.

"Dòng yêu mình ít thế thôi à? Tại sao tình yêu Dòng dành cho mình ít quá? Mình có làm gì sai đâu?..." Những câu hỏi quay cuồng trong đầu Dấu. Bước chân vội vàng trong đêm mấy lần vấp ngã. Dấu không thấy đau. Lòng Dấu đang tê dại. Có gì đau hơn thế? Dấu muốn gào to lên, hét to lên cho thoả nhưng không được. Rừng đêm im lặng quá. Một con chim giật mình bay lên cao. Đêm nay Dấu cũng đơn độc như con chim kia nhưng Dấu còn khổ hơn con chim. Con chim không biết yêu, không biết nghĩ… Còn Dấu nghĩ nhiều lắm. Dòng đã nói gì với Dấu? Dòng quên hết rồi sao? Dòng nói Dòng yêu Dấu, muốn lấy Dấu làm vợ. Con trai người Dao đã yêu thì lâu quên lắm. Thế mà người con trai đẹp như Dòng lại nhanh quên thế. Để Dấu đêm nay một mình, như con dê lạc đường không biết về đâu. Dấu ngồi xuống tảng đá bên đường. Dấu khóc. Bóng tối xung quanh Dấu dày đặc.

Dấu về nhà bố mẹ đã hơn nửa tháng. Cô nằm cả ngày, không ngủ cũng không hoàn toàn tỉnh táo. Đầu óc cứ nghĩ, cứ nhớ đến Dòng, nhớ những ngày ở bên Dòng. Bố mẹ thương Dấu không nói gì chỉ thở dài. Từ hôm Dấu về, không khí trong nhà trầm hẳn xuống. Nhà ít tiếng cười, tiếng nói. Hai đứa em nhỏ cũng ít nô đùa hơn. Ghều, đứa em gái giáp Dấu thay Dấu làm mọi việc. Đêm đêm, Ghều ôm chị thật chặt như để an ủi và truyền hơi ấm cho Dấu mà chẳng thể làm lòng Dấu ấm lên đôi chút.

Lại một cơn gió lạnh thổi quá khe cửa. Tàn tro bay quẩn khắp nhà. Ngọn lửa vạt về một bên. Bóng Dòng vẫn nhảy nhót trong quầng lửa. Dấu nhắm mắt lại. Nước mắt chảy tràn trên má.

Dấu cứ ngồi như thế đến hết đêm. Có tiếng chim kêu lách chách bên nhà. Tiếng chim báo sáng. Dấu mở của. Bố mẹ và hai em vẫn đang ngủ. Đầu Dấu cứ ong ong. Bước chân vô định đưa Dấu đi. Dấu cứ bước theo con đường, con đường về nhà Dòng. Lúc bàn chân đặt xuống dòng nước suối lạnh, Dấu mới bừng tỉnh. "Mình không về nhà Dòng được, không được!..." Dấu ngẩng mặt nhìn trời. Chợt cô nhìn thấy phía trên cao chiếc cầu treo bắc ngang suối. Dấu đang đi trên con đường cũ. Chỗ này suối nước rộng nhưng nông, có thể lội qua được. Ở phía trên có một vực nước sâu nhưng hẹp. Khi làm đường mới, người ta đã bắc một cây cầu treo ngang trên vực nước. Một ý nghĩ chợt chạy ngang qua óc Dấu: "Phải rồi! Mình chẳng còn gì. Mình yêu Dòng, hết lòng với Dòng nhưng Dòng lại bỏ mình. Mình còn sống làm gì nữa?". Dấu quay lại đi lên cầu. Một ý nghĩ thích thú dại dột khi tưởng tượng đến sự hối hận của Dòng… Đứng trên cây cầu lộng gió, Dấu chỉ nghĩ đến Dòng. "Dòng ơi! Tôi muốn lúc nào Dòng cũng nhớ đến tôi!..." Dấu bước ra khỏi cầu, người lịm đi. Thế nhưng khi vừa chạm mặt nước lạnh, như có một dòng điện chạy dọc người Dấu khiến Dấu bừng tỉnh. Lúc này đầu óc Dấu thật tỉnh táo. Cô nhớ bố mẹ và hai em. Họ sẽ đau lòng lắm. Dấu vùng vẫy nhưng cô không biết bơi. Ý nghĩ cuối cùng xuất hiện trong đầu Dấu: "Mình dại quá! Dòng sẽ không nhớ tới mình đâu!"

*

*        *

Dấu từ từ mở mắt. Cô thấy mình đang nằm trên một tảng đá lớn. Dấu chưa hiểu tại sao mình lại nằm ở đây. Bên cạnh, một anh bộ đội đang nhìn cô. Thấy Dấu tỉnh, anh mừng rỡ:

- Dấu tỉnh lại rồi! Tốt quá!

Dấu nhắm mắt lại. Cô nhớ lại tất cả. "Thì ra mình vẫn chưa chết". Một cảm giác là lạ lan toả khắp người. Cô không hiểu là mình vui mừng hay tiếc nuối. Cô chống tay ngồi dậy:

- Anh cứu tôi à?

- Ừ! Mà dù có chuyện gì thì Dấu cũng không được làm thế…

- Tôi biết rồi. Tôi ngu quá. Tôi phải về!

Dấu gượng đứng đậy. Anh bộ đội đỡ Dấu nhưng cô vùng ra. Loạng choạng đôi chút rồi Dấu cũng đứng vững. Dấu cố bước.

- Để tôi đưa Dấu về!

- Kệ tôi! - Dấu vùng vằng, liêu xiêu bước.

*

*        *

Ba ngày sau, Dấu khoẻ hẳn. Bây giờ cô mới nhận ra mình còn rất muốn sống. Dấu còn bố mẹ, còn các em. Cô là ruột thịt, là nguồn vui của họ. Thế mà chút nữa Dấu đã lấy đi niềm vui của những người mà cô thương yêu. Dấu giận mình lắm. Cô chăm chỉ làm việc để bù lại những ngày qua. Chỉ đôi khi Dấu nghĩ đến Dòng nhưng không phải là để nhớ, để yêu mà nghĩ đến để quên. Thỉnh thoảng, Dấu lại nghĩ đến anh bộ đội đã cứu mình. Người ấy biết Dấu mà Dầu không biết gì về người ấy cả. Đôi lúc Dấu cũng băn khoăn: "Tại sao cả bản không ai biết Dấu đã có lần nhảy xuống cầu?".

Mùa xuân đến. Hoa mận, hoa mơ nở trắng thung lũng. Con trai, con gái dưới chân núi Khau Luông lại rủ nhau đi uống rượu và hát Páo Dung. Dấu cũng len lén ngắm mình trong gương. Đôi má trắng hồng và đôi mắt đen lay láy. Cô còn trẻ lắm, mới qua mười chín mùa cây đào trước ngõ nở hoa. Ghều soi gương, vấn khăn. Cô vụng về bôi chút son lên môi. Cô với chiếc áo thổ cẩm sặc sỡ sắc đỏ và lấp lánh hai hàng cúc bạc:

- Chị Dấu à! Mặc quần áo nhanh lên. Sáng nay mọi người thi đẩy gậy, đánh cù ở bãi Mây Keo đấy...

- Mày đi đi. Tôi còn nấu cám lợn. Bố mẹ đi chơi tết hết rồi...

- Không lo. Đi chơi đi rồi chiều về nấu. Hôm nay vui lắm. Con trai, con gái ở bản Khuổi Luông cũng sang đấy!

- Không! Tôi không đi đâu!

Dấu đứng dậy bỏ xuống gian bếp nhỏ. Cô cho thêm củi mặc ấm nước trên bếp đang sôi. Tiếng trống thùng thùng từ xa vọng đến. Ở phía xa kia đang là ngày hội. Mọi người đang chơi đánh cù, đẩy gậy. Những người con trai thi tài bắn nỏ, những người con gái thi tài thêu hoa văn trên áo. Lời "Páo Dung" say hơn men rượu. Dấu gục mặt kệ cho nước mắt chảy ra thấm ướt cánh tay áo...

  Dấu chờ mãi mà không thấy Ghều về. Ngoài kia, sương rơi đã ướt đẫm đám cỏ ngoài sân chuồng vịt, ướt sũng tảng đá cạnh chuồng trâu. Tiếng sáo từ xa vẳng lại. Dấu mở cửa bước ra sân. Đêm tối mịt mùng. Con trai, con gái người Dao không sợ đêm tối. Đôi chân như có mắt. Lời Páo Dung như ánh đèn dẫn đường cho họ tìm gặp nhau. Qua mùa xuân năm trước, những người bạn gái của Dấu đã đi lấy chồng hết. Mùa xuân năm nay, là mùa yêu của Ghều và những người con gái tầm tuổi ấy. Dấu ngồi xuống tựa lưng vào cửa. Có thật là Dấu đã già không? Nếu Dấu vẫn ở nhà Dòng chắc mùa xuân này Dấu cũng ngồi tựa cửa đợi Dòng về. Có những người con trai chẳng bao giờ biết yêu vợ. Có những người con gái một đời ngồi đợi cửa và chờ trời sáng, chờ bước chân chồng như con chó ngồi giữ cổng nhà và đợi bước chân của chủ. Có tiếng bước chân lạo xạo trên con đường đá nhỏ. Hai người. Bước chân dừng trước cổng. Có tiếng thì thầm và tiếng cười khúc khích. Có mùi thơm của một loài hoa nở về đêm. Dấu đứng dậy và khẽ khàng quay vào nhà, lén đưa tay lau một giọt sương vừa bám lên mi mắt.

- Chị Dấu à! Tôi có người yêu rồi...

Ghều quay sang ôm Dấu. Hơi nóng rực từ Ghều phả sang làm Dấu lo lắng. Cô quay lại nắm lấy tay em gái:

- Thật à! Ai vậy?

- Anh Thàn, người bên Khuổi Luông.

- Ghều à. Tôi muốn mày suy nghĩ kĩ. Đừng vội vã nghe miệng người con trai đổ nước đường vào lỗ tai!

- Anh Thàn khác. Anh ấy tốt lắm mà...

- Thì tôi nói thế! Biết mặt, biết người nhưng không biết được cái bụng của họ đâu! Không phải người con trai đẹp nào cũng tốt đâu...

- Tôi biết mà. Anh Thàn không như Dòng đâu!

Dấu thấy tai mình ù đi. Hình như ngoài kia vừa có một tiếng sét. Cái tên Dòng làm tim Dấu đau nhói. Dấu nằm im mặc cho nước mắt mình chảy xuống gối.

Mùa trăng non đầu tiên của năm, Dấu nghe thấy tiếng sáo. Đêm đầu, Dấu không để ý. Ở bản người Dao này, tiếng sáo thay lời tỏ tình của những chàng trai. Chắc một chàng trai nó đang để ý đến Ghều. Đêm thứ hai, tiếng sáo lại vọng đến. Ghều đã đi chơi. Dấu cười thầm chàng trai ngơ ngẩn nào đó nhưng Dấu cũng thầm khâm phục chàng trai. Tiếng sáo thật mượt mà. Nó làm Dấu nhớ những đêm trăng hò hẹn cùng các bạn trên những mỏm đá phía sau cánh đồng Mây Keo. Cả bọn trèo lên những mỏm đá cao nhất nhìn lên đỉnh Khau Luông. Đỉnh núi in vào nền trời thăm thắm. Có lúc tiếng sáo làm Dấu thấy mình đang loay hoay giữa rừng thảo quả hái từng chùm quả thơm nồng, nặng trĩu...

Vào lúc trăng già, khi gà đã lên chuồng lâu lắm, ông trăng mệt mỏi mới leo qua được đỉnh Khau Luông thì Dấu thấy mình nhớ tiếng sáo. Đêm hôm ấy, trăng lên rồi mà vẫn chưa nghe tiếng sáo. Dấu thấy người bồn chồn. Cô đi ra, đi vào như người khát đang chờ ngụm nước ngon chảy mãi mà chưa về đến đầu máng. Nồi cám lợn bắc xuống sắp nguội mà Dấu vẫn chưa muốn lên giường. Mẹ trở mình mãi rồi cũng nói vọng ra:

- Dấu à! Tiếng sáo không dành cho mày đâu...

Dấu thấy da mặt mình tê dại đi. Nước mắt cô chực trào ra. Cô làm gì dám mơ có người con trai nào đó thổi sáo vì cô chứ. Chẳng qua cô chỉ muốn nghe tiếng sáo như người ta ngắm mảnh ruộng tốt của người khác mà thôi!

- Tôi biết rồi. Tôi chỉ muốn đợi để nói cho người ta biết Ghều không ở nhà thôi mà. Để họ đừng đến thổi sáo nữa. Khổ thân họ!

Tiếng sáo cất lên khi trăng đã cao hơn đỉnh Khau Luông năm cái với tay. Dấu mở của bước ra sân. Cái dáng người cao lớn và vững chãi ấy hằng đêm ngồi trên tảng đá lớn, dưới gốc cây mận già nở hoa trắng muốt, Dấu nhìn đã quen. Vậy mà hôm nay, đứng trước người ấy, Dấu thấy đôi chân mình run, mồ hôi rịn ra dưới tấm khăn che đầu:

- Ai đấy? Đi về thôi! Ghều đi chơi rồi! Không ở nhà đâu!

Tiếng sáo ngưng lại. Người con trai bước đến trước mặt Dấu. Thật gần. Trăng không sáng lắm nhưng đủ để Dấu nhìn rõ mặt người trai ấy. Khuôn mặt vuông vức, lông mày rậm và đôi mắt sáng. Dấu giật mình. Đôi mắt này, quen lắm:

- Dấu à! Tôi không đến thổi sáo vì Ghều. Tôi đến... vì Dấu!

Dấu bước giật lùi. Cô không ngờ người con trai đêm đêm thổi sáo trước nhà chỉ để gặp được cô. Người trai ấy có ngốc không khi định nhặt lại miếng dẻ lau chân người ta đã bỏ đi. Dấu chạy vội vào nhà, để mặc người con trai ngẩn ngơ trước cổng.

Khi ông trăng sắp leo đến giữa trời, Ghều mới về. Dấu vẫn đợi Ghều, một phần vì lo lắng và phần khác vì ánh mắt người trai ấy. Dấu kéo tay Ghều ra trước sân:

- Ghều à! Mày yêu người ấy đến thế sao?

- Anh Thàn là người tốt mà, lại rất yêu tôi! Tôi không được yêu anh ấy sao?

- Không phải thế! Mày yêu nhưng mày phải giữ. Không được ngu như tôi rồi khổ. Con gái lỡ dại bước theo chân con trai mà không cưới hỏi, rồi một đời như con chó rúc trong bếp nhà họ thôi...

- Kệ tôi. Tôi yêu anh Thàn. Chị không cần lo cho tôi.

Ghều bỏ mặc Dấu đứng đó đi vào nhà. Nước mắt Dấu tràn trên má. Cô lo sợ cho Ghều. Nó còn trẻ quá! Nếu nó giẫm vào vết chân Dấu thì sao?

Những ngày không có trăng, tiếng sáo vẫn réo rắt trước cổng. Mẹ không còn phàn nàn khi Dấu bồn chồn đứng ngồi đợi tiếng sao. Vào một đêm trăng đầy của mùa trăng mới, bố Dấu đi hộ người trong bản lợp nhà về. Ông đứng trước cổng nghe tiếng sao thật lâu rồi bước đến trước mặt người trai ấy. Người trai theo ông vào nhà. Ông cho thêm củi vào bếp lửa để đun sôi ấm nước và khêu to ngọn đèn để thêm sáng. Ông gọi Dấu lấy cho ông bình rượu ngâm mật ong ra. Ông rót hai bát thật đầy.

- Mày cũng là người Dao?

- Vâng!

Ông già cười sảng khoái, giơ bát chạm bát rồi ngửa cổ uống.

- Mày tên gì? Ở đâu?

- Cháu tên Giàng, ở bên Khuổi Luông!

- Tôi đi khắp đất Khuổi Luông rồi! Một thằng con trai đẹp và thổi sáo giỏi như mày sao tôi không biết?

- Cháu đi học nội trú từ nhỏ rồi cháu đi bộ đội. Cháu vừa xuất ngũ.

Dấu thấy một cơn lạnh chạy dọc sống lưng. "Bộ đội!" - Có phải là người ấy? Dấu ngẩng lên. Người trai ấy đang mỉm cười nhìn Dấu. Hàng răng trắng và đều. Đôi mắt sáng như hai vì sao. Đúng rồi! Đôi mắt ấy. Dấu không nhầm được!

- Mày đến thổi sáo trước nhà tôi vì con Dấu! Mày có biết gì về nó không?

- Cháu biết Dấu từ hai năm trước nhưng Dấu không biết cháu!

- Thế mày có biết nó...

Ông già buông bát rượu thẫn thờ nhìn đống lửa.

- Cháu biết ạ. Tuổi trẻ ai cũng có sai lầm. Cháu cũng từng mắc sai lầm. Quan trọng là phải biết đứng lên. Đừng để sai lầm kéo mình ngã xuống. Như con rùa hôi bên khe suối, cứ nghe tiếng sét là rụt đầu vào mai...

- Được! Tôi uống với mày hết bát rượu này. Dấu! Mày có muốn uống không?

Dấu bưng bát rượu lên. Ngọt và đắng. Cô nghe rượu như hơi lửa đang sưởi ấm khắp thân mình. Chợt cô nghe thấy tiếng hát. Lời Páo Dung của người trai ấy là lạ nhưng vẫn nồng nàn.

Trăng lặng lẽ rắc đầy ánh sáng lên dãy Khau Luông. Dấu ngồi tựa lưng vào cột nhà. Ngoài kia, tiếng sáo lại réo rắt. Tiếng sáo nghe ăm ắp niềm vui như ánh trăng chảy tràn trên con suối róc rách vào một ngày thu đẹp. Dấu mỉm cười. Cô không biết đêm nay Ghều cũng vui lắm. Ghều đang nắm tay người con trai của mình đi về Khuổi Luông. Chỉ có điều, cả hai chị em đều không biết, ngày mai trăng có còn đẹp như đêm nay...

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *