Văn học với đời sống

10/10
7:11 AM 2016

TÙY VĂN CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN LINH KHIẾU

Manuka - nơi tận cùng thế giới - Cuối tháng 8 năm 2016, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có chuyến công tác ngắn ngày tại New Zealand. Trong dịp này nhà thơ đã viết một tập Tùy văn hơn 70 bài với tên gọi Manuka - nơi tận cùng thế giới. Vanvn.net xin giới thiếu một số bài trong tập bản thảo này mà tác giả vừa gửi tới.

                                           Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

Cỏ xanh

 

Cuối đông nhưng Auckland đâu đâu cỏ cũng xanh mướt. Một màu xanh già dặn đằm thắm. Một màu xanh viên mãn yên ả thanh bình.

Nhìn cỏ ta hoàn toàn tin cậy. Lòng thảnh thơi thư thái. Trên mặt đất cỏ xanh là thông điệp bình yên. Nhìn cỏ ta biết mình đã tới nơi chốn phì nhiêu dịu dàng nhân ái.

Dù chỉ thoáng qua vài ngày nhưng ta biết Auckland là nơi thật đáng sống biết bao.

 

Du thuyền

 

Bến tàu Auckland nằm trong một vịnh biển. Đó không phải bến tàu của ngư dân hay tàu hàng tàu khách. Đó là bến của du thuyền.

Có hàng ngàn chiếc du thuyền trắng phau xếp ngay ngắn theo các ô cố định. Mỗi chiếc có một khoang riêng. Các ô san sát nhau tạo nên một quang cảnh vô cùng tinh khôi kỳ vĩ.

Hàng ngàn chiếc du thuyền hàng triệu đô hạ buồm ngoan ngoãn trong các âu tàu. Trên bờ bạt ngàn bãi xe với những chiếc xe sang trọng đắt tiền nhất thế giới.

New Zealand là xứ sở kỳ lạ. Những người giầu đến đây thụ hưởng cuộc sống và họ biến nơi hẻo lánh tận cùng trái đất thành thiên đường.

 

Nhà giầu

 

Hai bên đường đi tới miệng núi lửa là khu biệt thự nhà giầu ẩn hiện giữa đại ngàn nguyên sinh.

Những nhà giầu hàng đầu thế giới quần tụ về đây. Vì nơi đây là tự nhiên nguyên thể hiếm hoi còn sót lại trên trái đất. Đó là thiên đường.

Muốn được sống ở thiên đường phải có nhiều tiền. Muốn kiếm tiền phải ở địa ngục.

Muốn kiếm được nhiều tiền phải đẩy mọi người xuống đáy địa ngục. Muốn sống nơi thiên đường phải đẩy biết bao người xuống địa ngục của địa ngục.

 

Number One

 

Nữ tiếp viên hàng không sau khi đeo mặt lạ cho mình rồi làm động tác đeo mặt lạ cho em bé. Làm xong cô giơ ngón tay chỉ vào ngực và nói Number One.

Mình đã bay hàng trăm chuyến bay hàng trăm tuyến đường và biết mười mươi qui trình cứu hộ trong trường hợp bị ngạt hơi trên máy bay.

Thế nhưng hôm nay trên chuyến bay Sydney - Auckland khi tiếp viên hàng không cầm mặt lạ chống ngạt và chỉ vào ngực nói Number one thì mình ớ ra.

Khi sinh tử mình là Number One.

 

Hoa cỏ

 

Trên những thảm cỏ Auckland xanh biếc bị gió thổi nằm rạp nơi cực Nam trái đất vẫn bời bời những bông hoa cỏ.

Hoa cỏ thật nhỏ bé mong manh khiêm nhường. Những bông hoa bé li ti dáng hình khó nhận dạng sắc màu nhạt nhòa hương thơm hư ảo. Hoa cỏ như một nỗi niềm quá xa xôi nhạt nhòa mờ tỏ.

Bao giờ gặp hoa cỏ mình cũng sững sờ bứt rứt. Không hiểu vì sao sững sờ. Không hiểu vì sao bứt rứt.

Hoa cỏ là một quá khứ đã lánh xa cuộc đời ta. Đã lánh xa thật xa. Đã lánh xa đến tận cùng thế giới. Không hiểu sao một ngày mình lại tìm đến. Để lại sững sờ bứt rứt không thể nguôi ngoai.

 

Con tàu trắng

 

Đứng trên Auckland Harbour Bridge chợt phát hiện ra một chấm trắng từ ngoài khơi. Một chấm trắng nhỏ nhoi giữa trời xanh biển biếc đang dần dần hiển hiện.

Không biết do ở quá xa hay do di chuyển chậm mà cái chấm trắng đó mãi mà chẳng lớn được là bao. Đó là một con tàu trắng đang chạy về Auckland Harbour.

Giữa chói chang nắng trưa mình chờ đón con tàu trắng kia làm gì. Nó đâu có đến đưa mình đi tới những vùng đất mới. Nó đâu có đến đưa mình trở về quê hương.

Một con tàu trắng giữa trời xanh biển biếc nơi đất khách quê người chẳng có thông điệp gì. Chẳng mang tới một hy vọng gì. Chẳng mang tới một thất vọng gì.

 

Chiếc cốc

 

New Zealand có nhiều quà souvenir đặc sắc. Đó là tượng gỗ thổ dân khỏa thân nhe răng sắc ôm bụng. Đó là con thằn lằn cổ đại. Đó là chim kiwi. Đó là cành dương xỉ bạc.

Mình chỉ xem qua cho biết. Mình biết mình mua gì rồi. Đó là một cốc sứ. Đây sẽ là chiếc cốc thứ 19 của 19 nước mình đã đến. Đã có 18 chiếc cốc biểu tượng của 18 quốc gia. Không lẽ New Zealand lại không có sao.

Khi chọn mua cốc lại bắt đầu phân vân. Có nhiều biểu tượng đặc sắc in trên cốc souvenir. Nhưng có hai biểu tượng thật sự ấn tượng. Đó là chim kiwi và cành dương xỉ bạc. Chim kiwi duy nhất có ở New Zealand. Duy nhất ở New Zealand có dương xỉ bạc.

Mình đã chọn chiếc cốc màu đen nhức nhối với cành dương xỉ bạc vươn cao vút. Quá sang trọng và kiêu sa. Mình chọn cành dương xỉ là chọn biểu tượng cỏ cây. Trên trái đất này chỉ có cỏ cây là đáng tôn thờ. Chọn dương xỉ bạc là chọn chính mình.

 

Bóng người

 

Sau khi lượn một vòng con phố mua sắm giữa đông mà ướt đẫm mồ hôi. Mình ngồi lại một chiếc ghế công cộng vỉa hè.

Vừa nghỉ ngơi thư dãn vừa nghĩ vẩn vơ chợt mình nhận ra một điều. Đó là trong bóng người nườm nượp đi bộ trên đường phố Auckland hầu như có đủ các chủng tộc. Đủ các dân tộc. Đủ người của mọi quốc gia.

Một mảnh đất xa xôi hẻo lánh đất không rộng dân số chỉ hơn bốn triệu người mà có đủ chủng tộc đủ dân tộc đủ dáng vẻ đủ sắc màu thì mới kỳ diệu làm sao.

Đến một ngày nào đó nếu mọi nơi trên trái đất đều giống Auckland thì sẽ không còn quê hương không còn tổ quốc không còn đất nước không còn lãnh thổ. Đến lúc ấy sẽ chẳng có gì để tranh chấp. Sẽ không còn những kẻ hiếu chiến nhân danh tổ quốc để gây chiến tranh nữa.

Cái ngày tuyệt vời đó sao chưa đến nhỉ. Cái ngày tuyệt vời đó không biết có còn lâu nữa không.

 

Miệng núi lửa

 

Trèo mãi rồi cũng tới miệng núi lửa Eden. Núi lủa đã ngủ hàng ngàn năm rồi vẫn còn nguyên một cái miệng tròn vành vạnh sâu thẳm. Một cái miệng xanh thắm xinh xắn tươi rói như miệng hoa hậu.

Xung quanh là rừng đại ngàn hàng ngàn tuổi. Nhưng từ miệng núi lửa xuống tới tận đáy chỉ mọc toàn cỏ. Cơ man nào là cỏ. Cỏ xanh thăm thẳm không thể nào tin được một cái miệng cỏ tuyệt vời như thế.

Mình đứng trên miệng núi lửa. Đó là đỉnh cao nhất Auckland. Trước mặt là thành phố an lành diễm lệ. Sau lưng là thăm thẳm miệng núi lửa tưởng chừng không đáy.

Chợt nghĩ vào lúc này núi lửa bừng tỉnh thì sao. Thì sao nhỉ. Dĩ nhiên là lửa sẽ phun lên đỉnh trời. Dĩ nhiên là nham thạch sẽ tuôn trào bao phủ mặt đất. Dĩ nhiên là chẳng ai biết được những suy nghĩ này của mình.

 

Vịnh Hauraki

 

Dọc bờ vịnh người ta đặt những chiếc ghế gỗ lan thưa rộng lớn nghiêng nghiêng hình dáng uốn lượn theo sóng. Đang lúc vắng vẻ mình nằm ườn trên ghế ngắm vịnh Hauraki vắng hoe. Nước mênh mông xanh biếc. Chỉ có bầy mòng trắng tung tăng nhào lộn. Có được những giây phút hoàn toàn vắng vẻ như thế này mới tuyệt vời làm sao.

Nước biển mênh mông xanh thẳm vắng lặng lạ lùng làm mình chột dạ. Nghĩ quanh quẩn rồi nghĩ dại. Nghĩ dở. Bất ngờ sóng thần xuất hiện thì sao. Vì đây là quê hương của động đất và sóng thần mà. Thì sao nhỉ. Chỉ trong tích tắc tất cả sẽ biến mất. Dĩ nhiên là mình cũng sẽ biến mất vĩnh viễn.

Biến mất với sóng thần cũng tuyệt vời chứ sao.

 

Hát rong

 

Ở những quảng trường hay nơi đường phố rộng đông người thường ầm ĩ tiếng đàn hát của những người hát rong.

Hát rong có khi chỉ có một người vừa đàn vừa hát cũng có khi là một nhóm người như một ban nhạc. Quần áo họ mặc theo phong thái nghệ sĩ trông rất phủi. Tác phong biểu diễn của họ rất chuyên nghiệp.

Họ thường hát ròng rã say sưa liên tục nhiều giờ. Họ chỉ quan tâm đến đàn và hát mặc mọi người đi qua. Có ai cho tiền hay không họ cũng không để ý. Ai cho bao nhiêu xin hãy đặt vào một chiếc hộp đựng nhạc cụ họ để gần nơi hát.

Những nơi có người hát rong thường rất đông người quây quần đứng nghe. Đôi khi có người đi đường cao hứng xin vào góp vui vài bài. Sau khi hát họ thường nói lời kêu gọi mọi người ủng hộ nghệ sỹ.

Hát rong là một sinh hoạt đường phố rất vui nhộn ở Auckland. Mình cứ băn khoăn đó là biểu diễu nghệ thuật trả công tự nguyện hay là ăn xin. Nếu là nghệ thuật thì nhếch nhác quá. Nếu là ăn xin thì sang trọng quá.

 

Uyên ương

 

Nơi bến cảng Hauraki giữa làn nước trong xanh như ngọc mình bắt gặp mấy đôi uyên ương lẹ làng bơi lội.

Quê hương của Uyên ương là ở vùng Đông Á. Nam cực chỉ là nơi chúng di trú. Những con uyên vô cũng rực rỡ. Những con ương nhu mì bầu bĩnh.

Trong văn hóa Á Đông chim uyên ương là biểu tượng của thủy chung hạnh phúc. Với mình những khái niệm này thật xa vời ảo ảnh. Thế nào là hạnh phúc. Thế nào là thủy chung. Đó là cảm nhận cá nhân. Đó là lựa chọn sống. Cuộc sống lại quá ngắn ngủi.

Ngắm từng đôi uyên ương thư thái bơi lội giữa lăn tăn sóng nước giữa trời xanh biển biếc. Bỗng nhẹ lòng nỗi niềm hạnh phúc khoảnh khắc ðời ngýời.

 

Ngửa mặt

 

Trong các bức ảnh chụp trong ngày có một bức mình nhờ một người đồng hành chụp mình đang đứng trên miệng núi lửa Eden.

Mình đứng một mình trên đỉnh núi cao nhất Auckland. Đó là đỉnh chóp chon von miệng núi lửa. Xung quanh cỏ nằm rạp xuống vì gió. Trước mặt toàn cảnh thành phố Auckland mỹ lệ nhạt nhòa. Sau lưng là rừng đại ngàn thăm thẳm. Xa kia là Thái Bình Dương xanh mịt mù bất tận. Trên đầu mây mưa vần vũ.

Mình đứng đó. Đầu trần gió thổi dựng tóc bay tứ tung. Quần áo mùa đông và giầy thể thao. Ra dáng oai phong lẫm liệt. Mặt ngửa lên trời cười thầm.

Xem bức ảnh thấy mình lạ quá. Khoảnh khắc ấy chả hiểu sao mình lại ngửa mặt lên trời cười thầm.

 

Mòng biển

 

Đi hết con đường mua sắm Queens sẽ tới cảng biển. Một bên là cảng hàng hóa với bạt ngàn cần cẩu. Một bên là bến tàu khách.

Khi mình tới bến tàu khách vắng hoe. Chỉ có khách du lịch tới ngó nghiêng và đám thanh niên đang chơi thể thao ở trong các nhà kính.

Cửa biển gió dữ vô hồi kỳ trận. Những mái tôn kêu la thoảng thốt. Những tấm bạt quảng cáo khóc thét. Những ngọn cờ bị xé rách tua rua réo lên những giai điệu tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Mình ngồi lặng bên cầu tàu. Những chú mòng biển to lớn tưởng mình đã chết hạ cánh xuống bên cạnh táo tợn xói mói.

Chúng quanh quẩn bên mình và khiu khíu trò chuyện. Chúng hỏi nhau: Gã ta đã ngẻo chưa. Và tiếng trả lời: Đợi thêm chút nữa ngẻo đến nơi rồi.

Thấy lũ chim kéo đến ngày càng đông mình giơ tay xua đuổi. Cả lũ mòng biển hung dữ nhao nhao phản đối. Ý chúng là chết đến nơi rồi còn xua tay nỗi gì. Chả hiểu sao lũ ác điểu này lại nghĩ là mình sắp ngẻo nên gọi nhau kéo về phá cỗ.

Lũ mòng biển nhầm to. Mình chưa thể ngẻo được. Mình đang nghĩ vì sao mình lại sinh ra trên đời. Vì sao mình lại đến nơi tận cùng trái đất này làm gì. Và vì sao lũ mòng biển ở Auckland lại có thể nghĩ là mình sắp ngẻo.

 

Auckland, 25-28/ 8.2016

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *