Tìm tòi thể nghiệm

27/4
11:04 PM 2018

HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH

Nhà thơ NGUYỄN TRÁC

Từ những năm 12-13 tuổi tôi đã đọc và thích thơ Nguyễn Bính khi đang ở với ông bà ngoại bên Gia Lâm. Cái phố nhỏ dưới chân cầu Long Biên hồi ấy còn chưa sầm uất như giờ mà hiu hắt như một phố huyện trong thơ ông.Tôi thích và yêu thơ Nguyễn Bính đến mức gom những bài thơ của mình viết tặng cô bé cùng lớp nhà  bên kia đường lại thành tập mỏng và cũng đăt tên là “Tâm hồn tôi” như tên một tập thơ của nhà thơ. Chẳng may cậu tôi (hồi ấy tôi gọi bố mẹ là cậu mợ) phát hiện được. Ông đọc xong và lẳng lặng ném nó vào lửa mà không nói một lời nào trong khi ông cũng rất yêu thơ. Bố tôi có hẳn một tập cắt dán từ các báo thơ của các nhà thơ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Thái Can, Bàng Bá Lân… và nhờ thế mà hồi đó tôi có cái để đọc. Tập bản thảo đầu tiên của tôi đã bị mất như thế. Chắc khi đọc xong bố tôi thấy nó “sướt mướt” quá?

Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2018)

Bàn về thơ và cuộc đời Nguyễn Bính đã có nhiều công trình công phu và sâu sắc của các nhà chuyên môn . Đó là những bài viết về thi pháp, về sự tiếp thu truyền thống và tính hiện đại , về hồn quê trong điệu thơ và câu chữ của ông, về sự khác biệt giữa lục bát Nguyễn Bính và lục bát Huy Cận v.v…

Trong bài viết ngắn này, nhân kỉ niêm 110 năm sinh của ông (1918-2018) tôi chỉ xin lẩy ra vài hình ảnh người phụ nữ với nhiều cung bậc khác nhau trong thơ ông .

Nguyễn Bính là một nhà thơ bẩm sinh và nổi tiếng rất sớm. Từ 1937, trong khoảng có mấy năm ông đã cho ra đời bẩy tập thơ là “Tâm hồn tôi” (1937), “Lỡ bước sang ngang” (1939), “Hương cố nhân” (1941), “Người con gái ở lầu hoa” (1942), “Mười hai bến nước” ( 1942) , “Mây Tần” (1942). Trong đó, “Tâm hồn tôi” là tập thơ được giải thưởng Tự lực văn đoàn nhưng “Lỡ bước sang ngang “mới là tác phẩm trước cách mạng được chú ý nhất. Ông cũng là nhà thơ đầu tiên trong các nhà thơ mới tham gia kháng chiến. Bài thơ “Cửu Long giang” viết về tiểu đoàn 307 (sau trở thành bài hát) là tác phẩm đầu tiên của ông và cũng là của các nhà thơ tiền chiến đóng góp cho  thơ ca kháng chiến nước nhà.

Bài thơ in báo đầu tiên trước cách mạng của Nguyễn Bính là bài “Cô hái mơ” (1937).  Một bài thơ hay nhưng khác lạ với những gì mà sau này người ta hay nói về bút pháp thơ ông. Bút pháp của “Cô hái mơ” lãng mạn, sang trọng tinh tế, hơi Tây chút ,dù vẫn phảng phất chút liêu trai phương Đông.

Ông đã bắt đầu như các nhà thơ tiền chiến cùng thời đã bắt đầu.

Nhưng rồi ông thay đổi khi tìm trúng mạch của mình. Tiếp thu truyền thống, tắm mình trong ca dao tục ngữ và hòa mình vào  đời sống dân tộc-kể cả đời sống tâm linh - ông đã theo một thi pháp khác mộc mạc chân quê và dân giã như những chuyện kể những lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân quê .

 Đọc tiểu sử ông ta thấy như có sự tương đồng giữa cuộc đời ông và những gì mà ông phản ánh. Ông sinh trưởng ở vùng quê chiêm trũng mỗi năm thường chỉ một mùa lúa lại mồ côi mẹ từ lúc ba tháng tuổi. Bố tục huyền , ba anh em ông sống nhờ bên ngoại. Lớn lên tuy có được học hành, có ít chữ nghĩa nhưng suốt đời ông vẫn nghèo khó cô đơn và vất vả. Ông  từng viết: Người ta đi kiếm giàu sang cả/ Tôi chỉ mơ toàn chuyện viển vông... Ông lang bạt kì hồ làm báo viết văn để kiếm sống. Lúc cùng cực quá thì lại viết: Ta đi nhưng biết về đâu chứ?/  Đã dấy phong yên khắp bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ /Uống say mà gọi thế nhân ơi! (Hành phương Nam )

Trong bốn phương trời lăn lóc ấy ông đã gặp và đã yêu bao nhiêu đàn bà con gái. Các nhà văn nhà thơ cùng thời kể ông rất đa tình. Nghèo, túi luôn rỗng và áo quần thường xộc xệch nhưng ông lại rất dễ yêu, yêu rất nhiều dù thường đơn phương! Đó là hạnh phúc mà cũng là bi kịch đời ông. Những người phụ nữ mà ông gặp, nếu giàu có thì họ chỉ yêu thơ ông chứ không yêu ông và càng không thể lấy ông, còn người nghèo khó thì cũng đa đoan bất túc như ông. Cũng theo các nhà văn cùng thời hình như phần nữ tính trong ông nhiều hơn nam tính. Có khi,chẳng biết cơn cớ gì, giữa đêm ông vừa uống rượu, vừa làm thơ vừa ôm mặt khóc rưng rức. Cuộc đời ông và cuộc đời đàn bà con gái nói chung, nhất là những người bất hạnh đa đoan là hai nhánh của một bình thông nhau. Có lẽ bởi vậy ông rất quan tâm đến phụ nữ, dễ thông cảm với những đau buồn mất mát thua thiệt của họ trong mê đắm tình yêu của mình. Càng yêu càng chẳng được gì nhưng ông vẫn không hận mà càng yêu thêm nữa. Người mẹ mất sớm đã để lại cho ông tình yêu và lòng nhân hậu không cùng ấy. Hầu như đàn bà con gái đã chiếm lĩnh hết đời ông và cũng chiếm lĩnh hoàn toàn thơ ông, nhất là ở những bài hay.

Bắt đầu từ kí ức tuổi thơ là hình ảnh Nhi - cô bạn nhỏ- và “mối tình trẻ con “hồn nhiên trong sáng: Em nhỏ là Nhi ,bạn nhỏ tôi / Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi /Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ /Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi…/Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà /Người ta bắt chước chị người ta /Ra vườn nhặt những hoa cam rụng /Về bỏ đầy nồi cất nước hoa (Hoa và Rượu). Là hình ảnh các cô cậu học trò cùng trang lứa: Học trò trường huyện ngày năm ấy /Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ /Những buổi học về không có nón /Đội đầu chung một lá sen tơ (Trường huyện). Là người con gái bên khung cửi: Em là con gái trong khung cửi / Dệt lụa quanh năm với mẹ già /Lòng trẻ còn như cây lụa trắng /Mẹ già chưa bán chợ đường xa./…/Lòng thấy giăng tơ một mối tình/Em ngừng tay lại giữa thoi xinh /Hình như hai má em bừng đỏ /Có lẽ là em nghĩ đến anh (Mưa xuân).

Trong sáng và hồn nhiên là nét nổi trội trong những hình ảnh ấy. Còn đây lại là sự tươi vui rực rỡ không chỉ của trời đất: Đã thấy xuân về với gió đông /Với trên màu má gái chưa chồng /Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm /Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong...

Nhưng không chỉ thế. Nguyễn Bính còn hướng ngòi bút tới những người phụ nữ đang ngày đêm lao động tần tảo nuôi chồng nuôi con: Vì tằm tôi phải chạy dâu /Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay /…/Một quan là sáu trăm đồng/Chắt chiu ngày tháng cho chồng đi thi /Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui / Hai bên có lính hầu đi dẹp hàng /Tôi ra đón tận gốc bàng /Chồng tôi xuống ngựa cả  làng ra xem...

Công danh sự nghiệp, mũ áo cân đai không chỉ là mơ ước nghìn đời của cánh mày râu xưa mà còn là mơ ước của cả những người vợ. Vất vả bao năm người đàn bà quê kiểng, người vợ tấm mẳn đã được đền bù bằng niềm vui và lòng tự hào với làng xóm.

Sau Cách mạng, thơ Nguyễn Binh vẫn tiếp tục có nhiều hình tượng đẹp như hình ảnh người phụ nữ hậu phương trong lao động sản xuất ở “Bức thư nhà” ông viết năm 1965 hay hình ảnh người vợ miền Nam chờ chồng tập kết trở về: Sao Hôm như mắt em ngày ấy /Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu /…/Em ở bên kia bờ giới tuyến /Nhìn sao thao thức mấy năm rồi... Và: Trời còn có bữa sao quên mọc/ Anh chả đêm nào chả nhớ em là một trong những câu thơ tình giản dị mà  hay trong bài “Đêm sao sáng”. Nhưng để thực sự lấy được nước mắt thiên hạ (như cách nói của ai đó) thì phải là hình ảnh người con gái bị ép buộc tơ duyên trong bài “Lỡ bước sang ngang” - một bài thơ tiêu biểu cho Nguyễn Bính. Bài thơ từng lay động tâm trí bao bạn đọc xưa và sau mấy chục năm giờ đọc lại nhiều bậc cao niên-nhất là phụ nữ -vẫn không khỏi sụt sùi: Trời mưa ướt áo làm gì / Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng /Người ta pháo đỏ rượu nồng /Mà tâm hồn chị một vòng hoa tang /…/Em về thương lấy mẹ già /Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công /Chị giờ sống cũng bằng không /Coi như chị đã sang sông đắm đò... Bài thơ dài 110 câu mà nhiều người ngày ấy thuộc lòng. Giản dị ,dễ hiểu như lời ăn tiếng nói hàng ngày và nhiều khi rất “mùi mẫn” thơ Nguyễn Bính đã thành ca từ cho nhiều gánh hát xẩm trên tàu điện ở Hà Nội

Thơ Nguyễn Bính thường rất hay khi viết về những nỗi buồn đau mất mát thua thiệt. Hình ảnh những người phụ nữ mà ông vẽ ra thường là những  người phụ nữ không may mắn: Môi nàng tự thuở son tô đỏ / Chưa nở lần nào với ái ân /Nhưng tự thuở son tô đỏ má /Má kia nước mắt thấm bao lần... (Đôi nhạn). Nghĩ về lịch sử nước nhà ông không quên Bà Trưng Bà Triệu… nhưng lại thương nhất là Huyền Trân Công chúa , người con gái phải xa nhà, vĩnh biệt người yêu để lấy Vua Chiêm đổi đất cho Đại Viêt. Vào Huế, ở “Xóm Ngự viên mà nhớ Ngự Viên “vì ông gặp cảnh “Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo” để kiếm sống trong khi ngày  xưa: Sớm Đào trưa Lý đêm Hồng phấn /Tuyết Hạnh sương Quỳnh máu Đỗ Quyên /Cung tần mỹ nữ ngời son phấn /Theo gót nhà vua nở gót sen... Và còn nhiều hình ảnh khác như “Cô lái đò” bị phụ tình hay ở “Người con gái ở lầu hoa”, “Mười hai bến nước”, “Viếng hồn trinh nữ” v.v...

 Thời kì Nguyễn Bính xuất hiện trên thi đàn cũng là thời kì phong trào Âu hóa đang lên , lối sống phương Tây xâm nhập và tấn công mạnh tới sát lũy tre làng. Cuộc tấn công ấy nhằm vào một trong những mắt xích yếu nhất của nếp sống cổ truyền là đàn bà con gái bởi họ là những người nhạy cảm và yếu đuối nhất: Hôm qua em đi tỉnh về /Đợi em ở mãi con đê đầu làng / Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng /Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi… Ông đã dưng lên hình ảnh các cô gái trẻ chúng ta trước làn gió hung bạo của lối sống thực dụng phương Tây. Nhưng rồi ông cũng chỉ trách và khuyên bảo rất nhẹ nhàng: Hoa chanh nở giữa vườn chanh /Thầy u mình với chúng mình chân quê / Hôm qua em đi tỉnh về /Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...

Thơ của mỗi nhà thơ chính là thái độ sống, là tiếng nói nhà thơ ấy trước thời cuộc.Trong thời cuộc mất nước ngày ấy-nói như Chế Lan Viên - nếu Lưu Trọng Lư là con nai vàng ngơ ngác, Thế Lữ là con hổ trong vườn bách thú, Chế Lan Viên là tiếng ma Hời… thì Nguyễn Bính là con đê làng trước mùa bão lũ.

Trước khi kết thúc bài viết  này tôi muốn trở lại  với bài Cô hái mơ: Thơ thẩn đường chiều một khách thơ /Say nhìn xa rặng núi xanh lơ /Khí trời lăng lẽ và trong trẻo /Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ... Hình ảnh về cô hái mơ chỉ “thấp thoáng” có thế. Ngoài bút pháp khác lạ bài thơ còn khác lạ về đối tượng phản ánh . Nếu hình ảnh người phụ nữ ở các bài thơ khác đều là thực với một số phận thưc thì ở Cô hái mơ  hình ảnh cô thực đấy mà hư ảo đấy. Tưởng gần mà xa đấy. Ta hãy thử đi xa hơn: Tại sao ở đây lại là cô hái MƠ chứ không phải cô hái chè hay cô gái tát nước đêm trăng khác? Chữ mơ ở đây có mang một nghĩa kép nào không. Mơ là quả mơ mà cũng có thể là ước mơ, giấc mơ. Và nếu cứ đà suy diễn ấy liệu ta có thể nói bài thơ còn cài đặt một mật mã: Phụ nữ là một phạm trù khó nắm bắt, thân phận con người nhất là thân phận phụ nữ là không cùng và vẽ lên hình ảnh những người phụ nữ  là một đam mê và thách thức mỗi nhà thơ… ? Xin lỗi bạn đọc nếu như tôi có quá suy diễn vì đây mới là bài thơ in báo đầu tiên của Nguyễn Bính…

                                                                                Long Biên đêm 18-4-2018

                                                                                                  NT

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *