Tìm tòi thể nghiệm

22/2
9:36 AM 2019

MÙI HƯƠNG-KÝ HIỆU THẨM MỸ TRONG VĂN XUÔI ĐỀ TÀI LỊCH SỬ

LÊ THỊ HƯỜNG-Không có thế mạnh trong việc phản ánh trực quan như nghệ thuật nghe nhìn, văn học chỉ có thể tác động đến người thưởng thức bằng các giác quan bên trong, nhờ vào liên tưởng, tưởng tượng. Tuy vậy, nhờ các kí hiệu ngôn ngữ, văn học có nhiều ưu thế trong việc diễn tả những cảm xúc tinh tế, những hương vị vô hình.

 Miêu tả về mùi hương, mã hóa mùi hương thành một kí hiệu thẩm mĩ chính là thế mạnh riêng của văn học so với các loại hình nghệ thuật khác.

Trong văn chương, mùi hương có thể là biểu tượng đa nghĩa. Việc “tạo mã” (nhà văn) và “giải mã” (người đọc) kí hiệu thẩm mĩ này không phải lúc nào cũng tạo được sự đồng thuận. Ở một số trường hợp, mã kí hiệu này tạo độ vênh trong tiếp nhận, dẫn đến tình trạng đọc đúng/ đọc sai/ không thể đọc văn bản theo quan niệm của các nhà giải cấu trúc. Lấy mùi hương làm biểu tượng trung tâm, tiểu thuyết của Patrick Suskind đã từng làm các nhà phê bình châu Âu choáng váng vì hương thơm được tinh chế bằng những cái chết trinh nữ (Mùi hương). Ở ta, các truyện ngắn Phẩm tiết (Nguyễn Huy Thiệp), Dị hương (Sương Nguyệt Minh) gây ra những hiệu ứng thẩm mĩ khác nhau suy cho cùng cũng bởi một mùi hương nữ.

Mùi hương - quyền lực sắc đẹp

Lịch sử đã ghi lại những mối tình gắn với motif anh hùng và mĩ nhân. Khúc xạ qua văn học, hằng số lịch sử và phép hư cấu giúp nhà văn sinh động hóa những dòng sử biên niên. Xoay quanh nhân vật lịch sử không chỉ là chiến công, chiến trận, quyền bính vương triều mà còn là những “bí mật hậu cung”. Mối tình trớ trêu, vượt lễ nghi triều đình giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thuận Thiên trong Sương mù tháng giêng của Uông Triều. Mối tình oan nghiệt giữa Gia Long và Ngọc Bình trongDị hương của Sương Nguyệt Minh. Mối tình giữa Trần Quốc Tuấn và Quế Lan, giữa Quốc Tuấn và công chúa Thiên Thành, giữa Thoát Hoan và An Tư công chúa trong Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh… Điểm chung của các nhà văn là đều sử dụng mùi hương để biểu đạt cái đẹp, cái thiện và cả cái dục. Mùi hương được nhà văn sử dụng như một kí hiệu thân thể, gợi mở những vùng thẩm mĩ. Qua đó, nhân vật lịch sử được nhìn từ nhiều góc nhìn (giải thiêng, giải mờ, thế tục hóa…) làm cho câu chuyện về lịch sử đa dạng hơn (từ cái viết), hấp dẫn hơn (từ cái đọc). Lịch sử nhìn từ cái đẹp trở nên đa khối, đa chiều.

Trong nhiều tác phẩm viết về lịch sử, hương thơm gắn với thiên tính nữ. “Hương thơm biểu thị của các đức hạnh; hương thơm có tác dụng tinh lọc; hương thơm và mùi có một quyền năng đối với con người” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới). Từ góc nhìn giới, hương phụ nữ được hiểu theo nghĩa vẻ đẹp tâm hồn. Hương cũng mang ý nghĩa vật chất đầy đủ của nó - là mùi thơm được cảm nhận bằng khứu giác, là một phần vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, khơi gợi cảm xúc, cảm giác. Trong nhiều trường hợp, mùi hương trở thành diễn ngôn thân thể. Qua hương thơm, các nhà văn đã cực tả vẻ đẹp tự nhiên của mĩ nhân lịch sử, có lúc, có thời bị kìm hãm trong mớ xiêm y hoàng tộc. Tiểu thuyết Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh chủ yếu tái dựng cuộc đời Đức Thánh Trần với những chiến công vang dội bên cạnh nhân cách ngời sáng. Nếu dừng lại ở đó, dẫu ngòi bút nhà văn có múa lượn thế nào cũng chỉ là minh họa thêm cho chính sử. Như một dụng ý nghệ thuật, nhà văn sử dụng mùi hương mĩ nhân như một mã thẩm mĩ, khiến nhân vật anh hùng càng ngời ngời sức sống. Những người nữ bên ông, liên quan đến ông ai cũng đẹp quyến rũ, ai cũng tỏa hương. Trong mối tình giữa Trần Quốc Tuấn với Thiên Thành công chúa, hương thơm biểu hiện cho sự hòa hợp khiến cảm xúc thăng hoa. Vẻ đẹp của người nữ hòa quyện với thiên nhiên: “Tóc và thân thể của Thiên Thành tỏa ra một mùi hương thanh khiết, hòa vào mùi thơm nồng nàn sực nức của đám cỏ mật mà hai người đang nằm lên”. Với Quế Lan, mối tình ngắn ngủi nhưng bền chặt qua mùi hương hoa lan vấn vít suốt chiều dài văn bản: “Hương trinh nữ thanh khiết từ người nàng nồng lên một mùi thơm mê dụ. Mùi hương thơm tỏa ra từ thân thể một người con gái đẹp làm Quốc Tuấn hứng khởi… Mọi cảm giác khao khát trần tục của một viên võ tướng trẻ tuổi sung mãn từ đâu bỗng bừng bừng trỗi dậy…”.

Riêng một góc nhìn, mùi hương chính là một trong những yếu tố làm nên rung cảm thẩm mĩ của câu chuyện lịch sử; đặc biệt hơn là hương thơm gắn liền với sinh thực khí nữ (hương hoa và hoa). Nó khiến cho ngai vàng, chiến tranh không còn tanh lợm mùi tà khí, binh khí. Thực ra, đã có một hệ biểu tượng sinh thực khí trong văn hóa dân gian, tồn tại trong văn học đương đại như một dạng vô thức tập thể, di truyền văn hóa; nhưng trần trụi gắn kết với mĩ nhân và anh hùng lịch sử thì không phải lúc nào cũng thuận chiều trong tâm lí tiếp nhận. Ban đầu, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp gây chấn động văn đàn khi dùng kí hiệu này để biểu đạt motif anh hùng và mĩ nhân. Hương thơm của Ngô Thị Vinh Hoa khiến không ít độc giả đương thời bối rối. Nếu Nguyễn Huy Thiệp gắn kết hai biểu tượng giới để giải thiêng nhân vật lịch sử, thì càng về sau, với nhiều tác giả, sự gắn kết này nhằm giải mờ, tôn vinh thiên tính nữ. Ngòi bút Trần Thanh Cảnh “bạo liệt” hơn khi tượng hình, tượng thanh, gợi tình, gợi cảm để tả một An Tư - nàng công chúa đời Trần hiến mình cho giặc dữ theo kế mĩ nhân - hoàn toàn không giống với sử sách. Quan niệm viết là trò chơi (dẫu chơi với lịch sử là điều không dễ) khiến nhà văn thổi vào An Tư cái bản năng giới trần trụi bị vương triều gia giáo kìm hãm. Trong kế mĩ nhân với Thoát Hoan không hề có hận thù hay nhẫn nhục, công chúa hay tướng giặc, chỉ còn một An Tư thăng hoa trong những phút giây nhục cảm. Mùi hương là ma lực khiến anh hùng không vượt qua ải mĩ nhân. Mùi hương đàn bà đã cứu đất nước qua cơn nguy biến. Tách ra khỏi lối quen, nhà văn chơi trò chơi sáng tạo để cực tả một An Tư tràn trề sắc dục: “Hương thơm từ nguồn suối ái ân đó tỏa ra thơm nức, thơm đến mê man”. Hương thơm xóa bỏ nhị nguyên đối lập giữa giặc và ta, tình yêu và quyền bính, yêu nước và hận thù. Mùi hương mĩ nhân trở thành một thứ quyền lực “vượt qua mọi định kiến, mọi thù địch, mọi ngôn ngữ khác biệt xa lạ”. Mà cần gì ngôn ngữ, chính diễn ngôn thân xác đã lên tiếng đủ đầy.

Về quyền lực giới qua biểu tượng mùi hương phải kể đến Sương mù tháng giêng của Uông Triều. Cái khác trong tiểu thuyết lịch sử của Uông Triều là mùi hương không gắn với mĩ nhân lịch sử hay anh hùng. Cũng viết về kế mĩ nhân đời Trần, nhưng An Tư công chúa trong trường nhìn của Uông Triều là một góc chết. Điểm chọn lịch sử của nhà văn là cuộc đời Trần Khánh Dư, người đàn ông phóng đãng, vị tướng thao lược kì tài. Tác phẩm thu hút người đọc ở một cấu trúc liên văn bản và nghệ thuật trần thuật lạ. Qua cuộc đối thoại giả tưởng giữa người hôm nay (người ghi chép xưng tôi - người viết truyện này) và người hôm qua (nhân vật lịch sử), nhà văn đã xóa mờ khoảng cách lịch sử, đồng hiện không-thời gian, suồng sã chất vấn, làm rõ những khoảng mờ trong nội tâm nhân vật. Chọn cách viết dòng ý thức, Uông Triều đi vào thế giới bên trong đa phức của những nhân vật lịch sử vốn được nhìn từ một phía. Phạm Nhan, con người bỉ ổi, gian thuật, phù phép, “ra sức phò trợ đế quốc ngoại tộc” đã được nhà văn dò tìm và phát hiện một khoảnh khắc người trỗi dậy từ một mùi hương. Những trường đoạn thể hiện quyền năng phái đẹp, sự cảm hóa từ thiên tính nữ chỉ qua một mùi hương là những trang đầy sức nén và gợi (chương Nước mắt sông Cầm). Những con chữ nặng trĩu. Những câu văn cụt ngủn. Những dấu chấm xuống hàng vô lối. Ảo và thực. Tà phép và hóa giải… Những khoảng lặng, khoảng trống văn bản dồn hết vào một mùi hương trinh nữ bâng quơ. Không có thật. Bảng lảng. Nhưng lại đủ quyền uy làm mềm lòng Phạm Nhan. Mùi hương bồ kết mái tóc của Nhiên chính là quyền uy tối thượng khiến “bao nhiêu công lực, yêu thuật bao năm rèn luyện tan biến hết. Cổ hắn oặt xuống không xương. Nước mắt tuôn ra không sao kiềm lại được”. Mùi hương (xuất hiện trên văn bản chỉ một lần) ôm chứa trong đó là cố hương, dòng sông, tình mẹ, tuổi thơ, vỏ ốc ngũ sắc, tình yêu trong trẻo…, trở thành biểu trưng cho cái đẹp mang quyền lực làm tan chảy hận thù.

Trong nhiều tác phẩm lịch sử, mùi hương biểu hiện tính thiện - ác. Cũng là hương đàn bà, nhưng “mùi hương sực nức” tỏa ra từ Diên lại biểu trưng cho cái ác và quyền lực, bởi đó là “cái mùi trầm sang trọng được chưng cất bởi mồ hôi, có khi cả máu của những gia nhân xấu số chẳng may bỏ mạng trên con đường thiên lí đi tìm loài trầm đắt giá nhất tận phương Bắc để ủ cho nhà Diên thành hầu” (Giàn thiêu - Võ Thị Hảo). Trong truyện của Nguyễn Thị Kim Hòa, mùi hương xuyên suốt, biểu đạt những ám ảnh, dằn vặt của một người đàn bà bị lịch sử lên án. Với Tuyên phi Đặng Thị Huệ, từ cô gái quê vùng chè Kinh Bắc, lúc nắm quyền bính trong tay gây ra bao tội lỗi thì “mùi hương con gái, hương chè thanh thoát quyện tràn trề trong gió nhạt dần”. Mùi hương lấp đầy nội tâm nhân vật; vừa lưu giữ kí ức văn hóa, hướng về cõi tinh thần còn trong trẻo của Tuyên phi, vừa là biểu tượng cho tội lỗi. Mùi hương thôn dã chính là cái bóng âm, cái bản ngã ẩn khuất của Tuyên phi trong những khoảnh khắc đối lòng. Nó là một thứ ngôn ngữ vô thức trong trạng thái ngày càng hoảng loạn của người đàn bà đẹp đầy mặc cảm về một “cánh hoa rã nát không sắc không hương”. Nó trở thành diễn ngôn sám hối, lời tự thú đầy day dứt: “Ta ngày ngày vò lá xanh đưa ngang mũi đợi một mùi hương trở lại. Và ta đợi mãi… Như buổi chiều mười sáu tuổi tiến cung. Quê hương đã cắt lìa ta đến cả chút hương vị cuối cùng rồi” (Hương thôn dã). Bằng cách hoán dụ, Nguyễn Thị Kim Hòa đã chiêu tuyết một tấm lòng phụ nữ?

Mùi hương - bi kịch hồng nhan

Trong đời sống tôn giáo, hương thơm gắn liền với thánh lễ, nghi lễ cổ xưa. Viết tiểu thuyết Giàn thiêu, Võ Thị Hảo đã tìm về cổ mẫu, những tín hiệu ban đầu của kí ức nhân loại. Dựng lại lịch sử đời Lý, một trong những yếu tố đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết Võ Thị Hảo chính là “rừng biểu tượng”. Sự đan kết giữa cổ mẫu, huyền thoại, biểu tượng vừa dồn nén được những sự kiện đầy biến động, những góc khuất của vương triều, vừa làm nổi rõ khoảng mờ bên trong nhân vật lịch sử. Trong hệ thống biểu tượng trùng phức, mùi hương biểu đạt đến cùng thân phận đàn bà. Qua mùi hương, Võ Thị Hảo vừa dựng lại không gian nghi lễ xưa, vừa tạo mã về thân phận người phụ nữ dưới hệ thống quyền lực vương triều. Cuộc tắm rửa của Ngạn La được nhà văn miêu tả tỉ mỉ như một nghi lễ tế thần, lễ rửa tội. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, phép rửa tội thường là nghi lễ tôn giáo - gắn liền với Kito giáo; rửa tội bằng cách dìm xuống nước lưu hành từ lâu trong lịch sử nhân loại. Theo đó, “Các chất thơm có vai trò đặc biệt quan trọng trong các nghi lễ của người Do Thái cổ. Trong các nghi lễ tôn giáo của người Hi Lạp và La Mã, người ta rắc chất thơm lên các bức tượng thần, các thi hài được tẩm hương thơm”. Kết hợp cổ mẫu nước và hương thơm, Võ Thị Hảo đã phục hiện nghi lễ vương triều, qua đó phát ra những kí hiệu phản đề. Lễ tắm đã biến Ngạn La, cô bé tuổi mười ba đẹp hoang dã thành một cung nữ/ vật hiến dâng lộng lẫy hương. Lần thứ nhất, “Kiệu vừa đặt xuống, mặc nàng khóc giẫy, bốn thị nữ đã xúm lại lột hết bộ đồ màu đen còn mùi bùn đất, dìm nàng trong một bồn nước thơm”, “Rồi họ xức khắp người nàng một thứ dầu thơm mùi hoàng lan…”. Lần thứ hai, tiên đế băng hà, đời vua Lý Thần Tông, thoát khỏi lãnh cung, “một lần nữa tấm thân mảnh mai như lụa của Ngạn La lại được tẩm hương… Nàng lờ mờ hiểu rằng mình đang được chuẩn bị cho một lễ dâng hiến”. Oái oăm và cũng là số phận của Ngạn La, hai lần tẩy trần, hai lần lên giàn lửa, dẫu bị cưỡng bức hay tự hiến, cho đến chết Ngạn La vẫn là một trinh nữ tuổi mười ba. Từ diện rộng, trong toàn bộ văn bản tiểu thuyết, sự đan lồng các mã lịch sử, dã sử, văn hóa, tín ngưỡng, huyền thoại, cổ mẫu, biểu tượng… đều mang chứa nỗi niềm phụ nữ. Từ một điểm, mùi hương, vút lên tiếng nói nữ quyền sâu sắc. Kí hiệu thân thể này khắc tạc đậm hơn, sâu hơn một định đề truyền thống là thân phận đàn bà.

Xoay quanh số phận mĩ nhân triều Nguyễn, Sương Nguyệt Minh để mùi hương dẫn dắt cảm xúc sáng tạo. Trong Dị hương, mùi hương ma mị quyến rũ từ một thân thể đàn bà trở thành biểu tượng đa nghĩa, lặp đi lặp lại, chi phối hành vi, tâm lí của nhân vật. Trần Huy Sán ba lần vươn cổ ra chịu chém chỉ để bảo vệ chiếc yếm thắm tỏa ra mùi hương kì lạ của nàng công chúa nhỏ. Cũng hương thơm đó, “mùi hương da thịt con gái nồng nàn trộn lẫn mùi bạch lan đài các và cỏ thi dân dã quý hiếm” dẫn dụ khiến Nguyễn Ánh điên cuồng vung gươm báu chém đầu năm cung nữ cản đường. “Thứ mùi hương kì lạ thanh tao tỏa ra từ ngọc thể của Ngọc Bình” dường như được tinh chế từ lửa, nước, đất, trời. Lửa bản năng khiến Ngọc Bình tự hiến, tự hòa điệu trong bản nhục dục làm đảo điên đất - trời - sông nước. Mùi hương là biểu tượng của sự sống ở dạng tinh túy nhất. Nhưng mùi hương cũng là tụ điểm xung đột âm và dương, nhục thể và tâm hồn, sự sống và cái chết. Khi nam quyền/ vương quyền ngự trị, hương thơm ma mị của chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn bị lấn át: “Dị hương sang trọng quý phái thanh tao biến mất. Cứ mỗi lần ân ái xong là Đức phi tam cung Ngọc Bình như con cá ươn nằm trên thớt”. Khi dương khí (“Ánh là Tà hương, là âm u, lạnh lẽo, thiên về sức mạnh độc đoán”) ngự trị, triệt tiêu âm khí (“Ngọc Bình là Dị hương, là mùi thơm vừa trần tục vừa thanh tao, dịu dàng mà quý phái, cuồng dại mà thanh bình”) thì bi kịch hồng nhan lịch sử lên đến đỉnh điểm.

Bất kì một văn bản văn học nào cũng đều được đan dệt bởi một hệ thống kí hiệu chằng chịt, từ kí hiệu ngôn từ đến kí hiệu văn hóa, từ kí hiệu của đời sống đến các kí hiệu thẩm mĩ. Nói cách khác, mỗi tác phẩm sẽ có một kí hiệu quyển (Iu.M.Lotman) riêng. Viết về lịch sử, mỗi nhà văn có một đường biên, một góc nhìn, một điểm chọn. Tuy vậy, ở một số tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại, độ giao thoa giữa các kí hiệu quyển này là khá lớn. Điều này có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa các tác phẩm, song kì thực, bối cảnh chung về văn hóa, lịch sử, sự đồng dạng về motif… khiến các nhà văn gặp gỡ nhau từ vô thức tập thể. Kí hiệu mùi hương chính là kết quả của cùng một quan niệm sử dụng kí hiệu để mở rộng trường nghĩa của cái được biểu đạt, nhất là khi cái biểu đạt và cái được biểu đạt luôn bị bủa vây bởi các lớp sương mờ ảo của sự thật lịch sử. Dùng kí hiệu này như một ám dụ để “đọc” văn bản cũng là một cách khám phá lịch sử từ một lối đi khác, trong vô vàn những con đường dẫn tìm về quá khứ.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *