Tìm tòi thể nghiệm

24/12
6:04 PM 2018

CHÙM BA TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN CẦM SƠN

Nhà văn Cầm Sơn sinh năm 1952 tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, Hội Điện ảnh Hà Nội; đã xuất bản 7 tập thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông đã được trao Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2013; Giải thưởng VHNT Hùng Vương - Phú Thọ lần thứ 7 (2010 – 2015). VANVN.NET trân trọng gới thiệu chùm truyện ngắn của ông.

TRUYỆN NGẮN CẦM SƠN

1- TIẾNG SÁO

                                                                        

  Động hơn tôi hai tuổi nhưng học cùng một lớp, cứ mày tao với nhau chứ chẳng bao giờ tôi gọi Động bằng anh.Tôi theo mẹ sơ tán lên Vùng núi Thanh Sơn vào học lớp bảy thì gặp Động. Động cao to, mặt hơi rỗ hoa càng tôn thêm vẻ cứng rắn phong trần. Gia đình Động ở Hà Nam lên khai hoang xây dựng quê hương mới. Động và tôi có chút hoa tay viết vẽ đẹp nên được cử  phụ trách làm báo tường cho lớp. Lên học cấp ba tôi và Động vẫn học chung một lớp và vẫn được cử làm báo tường. Có lần tôi và Động bị gọi lên Hội đồng nhà trường và bị chất vấn về việc viết bẩn ra bàn nói xấu thầy giáo. Chúng tôi chẳng hiểu gì cả nhưng vẫn bị nghi án về tội ấy. Hoá ra là thằng Chanh bị thầy giáo Kha phạt vì lỗi không học bài, nhân việc thầy đang có tai tiếng nó đã viết ra bàn bôi nhọ là thầy hủ hoá. Mấy đứa trực nhật hôm sau thấy thế xoá đi nhưng báo cáo lớp trưởng. Trong ban cán sự lớp lại có người báo cáo lên nhà trường nghi là chỉ do hai đứa chúng tôi viết vì hai thằng này hôm trước ngồi làm báo tường hết cả buổi chiều, còn ai vào đấy nữa. Thế là chúng tôi bị thầy chủ nhiệm tỏ ra ác cảm mà lại còn bị đánh giá hạnh kiểm thấp ( bấy giờ điểm hạnh kiểm là quan trọng lắm). Chẳng hiểu làm sao Động bắt trúng phóc và thằng Chanh phải nhận là do nó viết. Động nói với tôi:

 - Nó nhận thế là tốt rồi, không được nói cho ai biết nghe chưa! Nhà trường chỉ nghi cho hai đứa mình chứ chẳng có bằng chứng gì nên không kỷ luật được. Còn lộ ra thằng Chanh thì chắc chắn là nó bị đuổi học, phải giữ cho nó.

 Tôi đã là một học sinh nghịch ngợm, nhưng thằng Chanh còn nghịch hơn. Buổi chào cờ thứ hai nào cũng nổi danh toàn trường không chuyện nọ thì chuyện kia. Biết làm thế nào được, chúng tôi còn trẻ con quá, cứ vô tư theo bản năng chứ đã có ý thức gì nhiều đâu.

   Bấy giờ trường của chúng tôi là những cái nhà lán nằm sâu trong rừng. Cả ba huyện mới có một trường cấp ba. Học sinh ở xa thì xúm nhau vào đẵn cây, gồi lá dựng nên những cái lều nhỏ có sạp nứa làm giường ngủ ở luôn lại cạnh trường. Tôi và thằng Chanh ở cùng một cái lều nhưng khác tổ. Mỗi tổ lại có một cái lều nhỏ làm bếp nấu ăn của tổ mình. Nhà Động gần, không ở chung  nhưng Động thường xuyên la cà ở chỗ chúng tôi, thỉnh thoảng  nghỉ qua đêm còn sách vở thì  để luôn ở lại. Thằng Chanh vốn là người Hà Nội theo gia đình vừa là sơ tán vừa là định cư xây dựng quê hương mới ở Võ Miếu.Thuở thiếu niên, ở Hà Nội nó cảm phục và thấy hình ảnh người lính chữa cháy luôn luôn là thần tượng đáng ngưỡng mộ, nó bảo sau này sẽ quay trở về Hà Nội làm lính chữa cháy. Một hôm, sau buổi học, đoàn viên chi đoàn cả lớp ở lại sinh hoạt. Tôi và thằng Chanh chưa phải là đoàn viên về nghỉ trước. Tôi đang lúi húi mồi lửa nấu cơm thì bỗng nghe Động quát ngoài sân:

 - Thằng Cầm đâu, mang nhanh cho tao con dao!

Tôi chẳng hiểu gì, vớ vội con dao lao ra. Động nhảy phốc lên nương sắn chặt luôn một bó nhỏ chạy lại nơi góc lán, chỗ ấy ngọn lửa đang bốc lên to. Thằng Chanh đứng như trời trồng, mặt xanh lét ngây như ngỗng ỉa. Động dùng bó cây sắn vừa dập lửa vừa sai khiến:

 - Hai thằng chúng mày mang thùng xuống suối lấy  nước, nhanh nhanh lên!

 Chúng tôi sách được nước về thì  lửa đã tắt. Động bảo:

 - Đổ nước ra chậu rồi hắt lên từng ít  cho nó tắt lim hết tàn lửa đi!

 Hóa ra là trong lúc tôi vào bếp nấu cơm, thằng Chanh sách một thùng nước ra góc sân nhà rồi châm lửa đốt thực tập chữa cháy. Lúc lửa cháy to nó đổ nước từ thùng ra chậu đề hắt lên góc mái nhà cháy, lập cập thế nào làm thùng nước đổ ào xuống đất.

  Động bị chi đoàn bắt làm kiểm điểm tường trình cái sự việc viết láo ra bàn, anh đã viết nhưng để ở chỗ chúng tôi nên quay về lấy. Gặp đúng lúc thằng Chanh đang cuống cuồng không biết làm thế nào trước ngọn lửa ngày một to thêm.

 Động nói với hai thằng chúng tôi:

 - Bây giờ tao phải vào sinh hoạt tiếp. Lớp nó hỏi cứ khai là tàn lửa do người ta đốt nương nó bay vào gây cháy, nghe chưa! Còn cái thằng Chanh kia từ rày không được nghịch ngợm kiểu trẻ con như thế nữa. Đến lúc làm lính cứu hỏa thật không khéo thấy cháy lại lủi xa ý chứ!

 Buổi chiều, cả lán phải đi gồi lá dọi lại góc mái nhà bị cháy. Hẳn nhiên là thằng Chanh rất tích cực. Động cũng ở lại tham gia. Do có sự chứng kiến của Động và đúng là lúc ấy trên núi có nhiều nương rẫy đang được đốt, tàn lửa bay đầy trời rơi xuống đen sân nên ai cũng tin vụ cháy là do tàn lửa nương rẫy gây ra thật. Thế là  thằng Chanh không những không bị kiểm điểm mà cả nó và tôi đều được biểu dương. Cuối năm học ấy còn được kết nạp vào Đoàn.

. Từ đấy, bộ ba chúng tôi chơi với nhau rất thân thiết. Động lớn tuổi hơn nên điềm đạm và chắc chắn. Cuối năm học lớp tám Động đã có người yêu. Người  yêu   là Hòa, cô bạn học cùng lớp. Còn tôi và thằng Chanh thì chưa biết yêu ủng là gì. Học hết lớp chín chuẩn bị khai giảng năm học mới thì Động đến nhà tôi bảo là  đã có giấy gọi nhập ngũ. Hôm đó, tôi và Động đã đi bộ trên 30 Km sang tận Trung Hà để Động đón xe về quê chơi vài ngày trước lúc tòng quân.

      Động nhập ngũ tháng 8 năm 1968. Đến sau năm 1975  tôi mới được biết tin Động đã hy sinh. Anh là bộ đội lái xe của đường dây 559.

 Học hết lớp mười, bạn bè đứa đi học nước ngoài, đứa đi học đại học trong nước, cũng có đứa có giấy gọi đi đại học cùng với giấy gọi nhập ngũ thì đi bộ đội. Có đứa trở về vinh quang. Có đứa vĩnh viễn không trở về, thằng Chanh nằm trong diện ấy. Nó đã xung phong nhập ngũ và cũng đã anh dũng hy sinh trên thành cổ Quảng Trị.

    Đầu năm 2010, tôi  theo đoàn Văn nghệ sỹ Phú Thọ đi dự hội thảo Văn nghệ năm vùng kinh đô xưa và nay ở Huế. Khi về, đoàn vào viếng  mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn. Trong khi cầm hương đi cắm cho các mộ liệt sỹ, tình cờ tôi  thấy mộ anh, anh Trần Văn Động - bạn tôi.

  Ở nghĩa trang Trường Sơn, có những cháu bé thường la cà ở các khu mộ chí vô tư giúp đỡ khách phúng viếng hoặc tìm mộ người thân. Thấy tôi bần thần đứng trước ngôi mộ,có một cháu đến gần hỏi:

 - Đây là mộ người thân ông à!

 - Phải rồi, đây là mộ một người bạn học với bác!

 - Ông nằm dưới mộ là bạn chiến đấu với ông cháu đấy!

 - Ồ thế à! Thế nhà cháu có gần đây không?

 - Nhà cháu thì gần đây nhưng nhà ông cháu ngoài thị trấn Cam Lộ. Ông cháu dặn hễ gặp ai là người thân của ông Động đến viếng mộ thì mời vào nhà ông cháu.

 - Hôm nay ông đi theo đoàn, không thể vào thăm nhà ông cháu được rồi. Nhà ông cháu có điện thoại không?

 - Ông ghi vào máy của ông đi, ông cháu có số di động, cháu đọc cho.

  Năm nào cơ quan chúng tôi cũng tổ chức cho anh em đi thăm quan du lịch. Do có ý nên năm ấy tôi bố trí cho đi thăm quan Thành cổ Quảng Trị, cả đoàn đi bằng một chiếc xe lớn của công ty du lịch còn tôi đi bằng xe con riêng. Trước chuyến đi, tôi đã liên lạc với Hiền ( ông ngoại cháu bé tôi gặp ở nghĩa trang).   Khoảng 2 giờ chiều, đoàn chúng tôi đi qua thị trấn Cam Lộ, tôi tạm chia tay đoàn để đến thăm nhà ông Hiền. Qua điện thoại, ông Hiền đón tôi ở ngay đầu thị trấn Cam Lộ. Xe đưa tôi chạy thẳng  vào tận sân nhà ông. Nhà ông Hiền là một ngôi nhà xây cấp bốn nằm giữa một mảnh vườn rộng có nhiều cây cối dâm mát. Chúng tôi xuống xe vào nhà thì xảy ra một tình huống thật bất ngờ, người đàn bà đi ra chào khách lại chính là bà Hòa, bạn học cùng lớp và là người yêu của Động khi xưa.

  Tôi gọi điện cho anh phụ trách đoàn du lịch của cơ quan yêu cầu thay đổi kế hoạch. Đêm nay đoàn nghỉ lại đâu đó để mai vào viếng liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn trước, sau đó mới đi các chương trình khác. Đêm ấy, tôi nghỉ lại nhà vợ chồng Hiền Hòa để nghe ông kể chuyện về bạn tôi và họ.

  Hiền là người ở Cẩm Khê, Vĩnh Phú. Nhập ngũ cùng đợt, cùng dự lớp học lái xe cấp tốc rồi được phân công về cùng một đơn vị với Động và bổ xung ngay cho chiến trường miền Nam. Hiền cũng học hết lớp chín rồi đi bộ đội. Hai người cùng tuổi lại có hoàn cảnh giống nhau nên rất tâm đầu ý hợp. Địa bàn hoạt động của chúng tôi ( Hiền kể ) chạy suốt tuyến từ Hà Tĩnh vào đến Quảng trị, lúc ở Binh trạm 12 lúc lại ở Binh trạm 14, có rất nhiều trọng điểm ác liệt như Khe Tang, Khe Dao, Ngầm Ve, trọng điểm 050 qua Cổng Trời nối Đông với Tây Trường Sơn... Không ngày nào không có người hy sinh. Thường mỗi đêm tuyến đường chúng tôi chạy trên một trăm cây số, cả đi cả về gần ba trăm cây, chỉ khi về đến binh trạm mới biết là còn sồng. Vì vậy mỗi lần nhận nhiệm vụ là những người ở binh trạm lại chia tay những người lên đường rất quyến luyến và trịnh trọng vì không biết rằng sáng mai trong số những người ra đi ấy, ai sẽ là người không trở về. Những chuyến hàng vào thời điểm ác liệt thì chúng tôi còn làm lễ truy điệu sống cho những người sắp khởi hành. Thực mà nói cũng có có lúc mềm lòng đấy. Hồi ấy  lái xe  không chỉ là nam giới thôi đâu, còn có cả cánh lái xe nữ nữa. Một lần có nhiệm vụ đi qua Cổng Trời chở hàng sang Cha Lo rồi đón thương binh về vào thời điểm ác liệt. Anh biết trọng điểm Cổng Trời được gọi là gì không? là “Cửa tử” đấy! Tất nhiên chúng tôi cũng không tỏ ra nao núng, ai cũng đều xung phong đi cả, nhưng  chỉ huy Binh trạm lại cử xe của hai cô gái đi đầu mới đau chứ. Chuyến ấy tôi không đi, sáng hôm sau quay về Động bảo: “ Cánh thím xế này nó hăng lắm, tay lái cừ chẳng kém gì đám mày râu, nó dẫn đầu, cả đoàn phải đi theo sự chỉ huy của nó. Lúc lên dốc Cổng trời đèn hắt ngược, nó tăng ga yêu cầu cả đoàn lao nhanh, vừa qua khỏi được dốc thì bom tọa độ trút xuống nát đồi. Mấy ông lãnh đạo Binh trạm cũng thâm lắm, Bọn mình lớ sớ là xấu hổ với các thím ấy đấy”.Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi chẳng dấu nhau điều gì, thỉnh thoảng có được một lá thư gia đình thì tất cả đều đọc. Bà Hòa đây cũng có vài lá thư lại còn có cả ảnh gửi vào, chúng tôi đều được xem cả. Bao giờ trước lúc lên đường Động cũng mang cây sáo ra thổi bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Động thổi sáo rất hay, hình như bài hát nào hễ cứ thuộc là anh đều thổi được, những buổi sinh hoạt văn nghệ chị em ngâm thơ mà được anh thổi sáo đệm thì tuyệt cú. Động bảo tôi: “Bài Quảng Bình quê ta ơi là ám hiệu gọi người yêu của tao đấy. Nhà tao cách nhà nàng  mấy thửa ruộng, muốn gặp nhau thì cứ thổi sáo bài hát ấy xong rồi thì đi ra chỗ hẹn”. Thế rồi Động dậy tôi thổi sáo, rồi gần như cả đơn vị ai cũng có sáo. Không khó khăn gì lắm, cắt một gióng nứa rừng lấy thanh sắt nung đỏ dùi lỗ là xong thôi

  Có một lần, khi ấy chúng tôi thuộc Binh trạm 14,  hết xăng mà đường thì bị bom đánh tắc hết. Chúng tôi  phải xuống kho xăng dưới chân trọng điểm Chà Ang để vần những phuy xăng bằng tay về binh trạm. Trong khi chúng tôi đang mải miết làm thì bị đánh bom, một phuy xăng  dính mảnh bom bốc cháy. Anh em chặt cành cây dập lửa, xăng bắn ra bám lửa vào một chiếc phuy xăng khác. Nếu không dập được có thể phuy xăng này gây nổ thì rất nguy hiểm. Động hét:” Mọi người cởi áo ra để bịt lửa”. Nói rồi anh lao tới phuy xăng bén lửa, vơ thêm được mấy chiêc áo nữa, anh xòe đám áo bịt ngọn lửa rồi ôm dịt luôn đám áo đó áp vào chiếc phuy xăng. Khi mọi người dập được ngọn lửa thì Động đã bị bỏng nặng. Câu  cuối cùng anh nói với tôi: “ Hết chiến tranh, mày về gặp Hòa bảo tao gửi lời chào, mong cho cô ấy hạnh phúc!” rồi anh lim đi. Chúng tôi đưa anh về Binh trạm được vài giờ sau thì anh ra đi vĩnh viễn. Hiền kể đến đây thì lặng đi, Hòa đứng dậy vào nhà trong lấy khăn lau nước mắt.

  Hiền với tay rót nước mời tôi, anh cầm chén nước chiêu một ngụm rồi kể tiêp:

 - Chỉ sau vài năm thì giải phóng. Việc đầu tiên khi tôi được về nhà là vào Thanh Sơn chuyển cho gia đình Động những kỷ vật của anh. Tôi đưa lại những lá thư   và chuyển lời nhắn cuối cùng của Động cho Hòa. Tôi nhớ là lúc ấy Hòa đã ngất xỉu, gia đình phải xúm vào xoa dầu nặn bóp mãi mới tỉnh.

 Tôi được vào trường văn hóa học tiếp rồi đi  đại học Sư phạm. Trong thời gian đi học, tôi và Hòa thường liên hệ với nhau, lúc ấy Hòa đã là cô giáo cùng nghề tôi học nên càng gần gũi hơn. Rồi chúng tôi đến với nhau. Ra trường, có anh Dần là bạn cùng đơn vị lại cùng học rủ về quê anh, bố mẹ tôi  đã mất cả nên tôi và Hòa quyết định vào đây, nơi chiến trường năm xưa mà tôi và Động đã sát cánh bên nhau.

  Trưa hôm sau, đợi xe của đoàn cơ quan tôi đến. Vợ chồng Hiền, Hòa gọi thêm  Dần cùng đoàn chúng tôi lên nghĩa trang Trường Sơn

 Xe của đoàn chúng tôi chạy thẳng vào khu vực nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi thắp hương viếng các liệt sĩ ở đài tưởng niệm, anh em chia nhau hương đi cắm cho các ngôi mộ. Bốn người chúng tôi mang hoa đến thắp hương viếng mộ Động – người bạn, người anh thân thiết của tôi thời niên thiếu. Sau khi thắp hương vái lễ mộ bạn, ông Hiền lấy từ trong cái túi mang theo một cây sáo. Ông đưa lên môi và thổi bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Chúng tôi lặng người nghe tiếng sáo bổng trầm vang vọng lan tỏa giữa đại ngàn Trường Sơn. Anh Động ơi! em Cầm đây, Hòa người yêu của anh đây, Hiền, Dần bạn chiến đấu của anh đây. Từ nơi sâu thẳm ấy, anh có nghe thấy tiếng sáo hẹn người yêu của anh không?

 Bất chợt tôi lại nhớ đến Chanh. Chanh ơi! Bây giờ anh đang nằm ở nơi đâu? Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hy sinh và tinh thần của các anh các chị là bất tử. Hơn hai vạn bộ đội và Thanh niên xung phong nằm xuống vĩnh viễn dọc tuyến đường Trường Sơn, hơn bốn ngàn liệt sĩ hy sinh cho cuộc chiến thành cổ Quảng Trị và bao nhiêu các anh hùng liệt sĩ khác đã cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương cho nền độc lập tự do của đất nước này, cho chúng tôi ngày hôm nay. Đứng trước các anh, tự nhiên chúng tôi thấy bé nhỏ và xấu hổ vì những tính toán vụ lợi bon chen trong đời sống thường nhật ngày hôm nay. Các anh sẽ còn sống mãi  trong lòng bạn bè, người thân và trong lòng dân tộc. Động ơi! Anh nằm đây cùng đồng đội vẫn  tề chỉnh thẳng hàng. Vẫn thể hiện là một đoàn quân hào hùng, mang đầy sức mạnh tâm linh dân tộc.

    Giữa bạt ngàn Trường Sơn, tiếng sáo bổng trầm hòa quyện với khói hương và  hương rừng ngào ngạt. Tôi chợt nhìn ra phía bên lề nghĩa trang, mấy cây hoa phượng đang trổ hoa đỏ rực trời chiều Quảng Trị.

                                                       C.S       

 

 2- HOA  ĐỖ QUYÊN       

          

        Vào những năm đầu thế kỷ hai mươi, địa giới hành chính xã Xuân Đài bao gồm cả các xã Kim thượng, Xuân Sơn, Minh Đài, Vinh Tiền thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ ngày nay. Dưới sự kiểm soát của Thực dân Pháp, ở Xuân Đài có một đồn lính gọi là đồn Gò Đèn. Bố trí lực lượng ở đồn Gò Đèn gồm một đồn trưởng, mười bẩy lính người Việt, hai người Pháp là viên Thiếu úy cố vấn và một trung sỹ  phụ trách máy thông tin. Lính trong đồn chủ yếu là người Kinh miền xuôi lên, duy chỉ có Hà Văn Lượng là người dân tộc Mường quê ở  Yên Lập.

    Trong một lần đi khảo sát địa hình ở khu vực Xuân Sơn, viên thiếu úy cố vấn Sanchez tình cờ bắt gặp một cây hoa đỗ quyên trong rừng. Anh ta rất mê thích loài hoa này. Một buổi tối sau bữa cơm rượu vui vẻ, những người lính trong đồn ngồi uống nước ăn bánh bích quy do viên trung sỹ thông tin mới mang từ Hà Nội lên cùng một gói bưu phẩm riêng của Sanchez. Trong gói bưu phẩm, có một tấm ảnh chụp vợ con anh ta. Sanchez vô cùng hứng khởi cho mọi người xem tấm ảnh và  kể chuyện đời tư: Sau khi học xong trung học, anh ta xung vào quân đội, học qua một khóa huấn luyện võ bị rồi sang Việt Nam, Mấy năm sang Việt Nam toàn ở chung với lính Việt nên anh ta nói tiếng Việt rất sõi.  Trước khi đi, cô vợ trẻ xinh đẹp Mouron đã kịp sinh cho anh ta một bé gái . Mouron là con một gia đình khá giả trong thành phố Toulouse, quê Sanchez ở một vùng nông thôn ngoại thành, những bụi đỗ quyên được trồng trong vườn các gia đình cuối mùa xuân nở hoa đỏ rực. Mouron trong một lần đi du ngoạn đã rất mê thích những bụi đỗ quyên này, và chính nhờ từ những bông hoa đỗ quyên ấy mà Sanchez đã cưới được cô vợ trẻ đẹp. Tấm ảnh chụp một người phụ nữ kiều diễm ôm một bé gái khoảng năm tuổi bụ bẫm với đôi mắt tròn mở to ngây thơ đứng bên bụi  đỗ quyên nở hoa dầy chi chít. Sanchez nói trong giọng rượu ngà ngà:

 - Không ngờ ở Việt Nam cũng có hoa đỗ quyên, hoa đỗ quyên là thần tài đem lại những điều may mắn, nó đẹp như con gái xứ sở này. Giá mà trong đồn có mấy bụi đỗ quyên thì chúng mày thích bao nhiêu gái đẹp cũng có.

  Thực hiện theo ý của Sanchez, trung úy đồn trưởng Tạ Dương Cấn (vì làm đồn trưởng nên quen gọi là Đội Cấn) huy động lính vào rừng đào cây đỗ quyên  đem về trồng trong sân đồn. Do vội vàng và lại đang là tháng sáu nắng nóng nên  cây này chết khô hết lá. Đội Cấn nói với  Lượng:

 - Anh là người dân tộc thành thạo rừng núi, cử anh vào rừng  tìm lấy vài cây hoa đỗ quyên, tìm thấy thì thuê người đánh gốc cẩn thận mang về trồng ở đồn. Nhớ là phải giữ được cái bầu đất để  trồng nó còn sống được.

  Lượng đeo một cái mõ dao, khoác chiếc nỏ anh vẫn thường dùng đem theo một ruột tượng gạo và ít muối lên đường. Anh nói với Đội Cấn:

 - Loài cây này thường mọc trên núi đá, việc lấy về trồng vào mùa này là khó sống đấy. Dù sao thì tôi cũng sẽ cố gắng.

 - Thế thì mới cần đến anh, thôi đi đi!

 Đường vào Xuân Sơn là một con đường mòn cheo leo thăm thẳm, đi được đến xóm Dù thì trời đã ngả về chiều, xóm Dù là một xóm gồm có người Mường và người Dao ở xen với nhau. Lượng tìm vào một nhà người Dao là ông Min, vốn hai người đã biết nhau ở mấy lần lễ hội bản tổ chức bắn nỏ thi. Ông Min bảo Lượng

- Mày cũng đã biết con Lâm nhà mình, nó đến tuổi ngủ thăm rồi, thanh niên trai bản lục xục cả đêm, khó ngủ đấy!

 - Dạ, không sao. Cháu cũng là người dân tộc miền núi, quen cả rồi mà. Bây giờ nhờ bác mua hộ cháu một con gà, bác cháu mình cùng uống, rượu say rồi còn lo gì khó ngủ.

  Bữa cơm được dọn ra. Cô con gái ăn nhanh rồi đứng dậy, mặc hai người đàn ông ngồi nhâm nhi với nhau. Câu chuyện trong bữa rượu làm cho hai người thân thiện nhau hơn. Chủ nhà tên đầy đủ là Đặng Tài Min, nhà chỉ có hai cha con, bà vợ mới mất hai năm trước. Cô con gái tên là Đặng Thị Lâm năm nay mười sáu tuổi, đang độ các trai làng rình rập đến ngủ thăm. Bao nhiêu thanh niên đã đến với con gái, ông Min cũng chả nhớ, chỉ biết rằng nó vẫn chưa ưng đứa nào. Được biết lý do của Lượng, ông Min bảo:

 - Cái loài hoa mày nói dân mình gọi là hoa Thanh Minh, vì nó nở vào dịp tết thanh minh. Hoa đấy có nhiều loại thôi, loại trắng là dễ trồng nhất đấy, loại vàng thì khó sống lắm không trồng được đâu. Loại màu đỏ thì còn có thể trồng được. Hoa này ở trên  núi Ten có nhiều mà.

 Hai người ăn xong bữa cơm thì đã có ba thanh niên đến chơi, một người vào thẳng gian buồng của  Lâm, được một lúc  thì quay ra.

 - Hôm nay nó cũng không cho mày ngủ à Tính?

 Thằng Tính ậm ừ rồi nói:

 - Con Lâm này nó không “ hợp hơi “tao, thôi thì mày vào thử xem.

 Nghe thằng Tính nói thế, thằng vừa hỏi nhanh nhảu lao ngay vào buồng, thằng Tính cùng người còn lại sang gian nhà đầu hổi dọn chiếu nằm. Được một lát thì thấy tiếng nói to qua lại trong buồng, rồi  thấy người thanh niên đi ra. Ông Min lắc đầu ngao ngán nói với Lượng:

 - Mày cũng biết tục ngủ thăm của người Dao mình rồi đấy. Toàn những trai làng tốt khỏe mà nó chẳng chịu đứa nào. Không biết nó còn chờ ai nữa. Mà thôi, mày cũng đi ngủ đi mai còn phải đi nhiều đấy!

 Lượng sang nằm với hai thanh niên, thằng Tính hỏi Lượng:

 - Mày là người ở đâu, cũng đến nhà này ngủ thăm à!

 - Không! tôi là lính ngoài đồn Gò Đèn, có chút việc vào đây thôi.

 - Ừ, thế thì được, mày là người ngoài, không ngủ thăm như chúng tao được đâu.

  Qua câu chuyện được biết họ đã đến nhiều lần nhưng chưa lần nào  Lâm cho ngủ cùng. Họ vẫn cứ kiên trì theo đuổi, biết đâu đến lúc nào đấy lại chả “hợp hơi nhau”. Người Dao có tục lệ khi thanh niên nam nữ đến tuổi trưởng thành thì người con trai đến buồng  người con gái nằm cùng, nếu “hợp hơi nhau” thì quyến luyến, yêu nhau rồi mới làm đám cưới. Nếu không “hợp hơi nhau” thì người con gái sẽ không cho ngủ cùng, anh nào sàm sỡ có thể sẽ bị người con gái lấy dao để dưới chiếu phản đối. Đến lượt người thanh niên thứ ba cũng đi ra thì cả ba cùng  bỏ về.

 Suốt hai ngày lang thang khắp các sườn núi mà Lượng không tìm thấy cây hoa nào. Đêm ấy ông Min bảo Lượng:

 - Ngày mai mày đi cùng mình lên nương rồi mình chỉ đường lên núi Ten cho, cây này phải lên cao mới có nhiều, mày đi loanh quanh dưới này khó thấy lắm!

 Sáng hôm sau, cả ông Min và  Lâm cùng lên nương. Lượng đi theo hai người, ông Min bảo Lượng:

 - Hôm nay tịa con mình phải rào lại một đoạn rào bị đổ, nếu không thì mình sẽ dẫn mày đi tìm. Hoa này trên đỉnh núi Ten có  nhiều mà.

 - Thế thì cháu cùng làm với bác, làm xong bác cháu ta cùng đi tìm hoa cũng được.

 - Ồ! thế cũng tốt mà!

 Có ba người cùng làm, lại được Lượng nhanh, khỏe mà thạo việc nên đoạn rào đổ chỉ làm trong buổi sáng  là xong. Buổi trưa, ba người ăn ngô luộc với thịt chuột gỡ bẫy quanh nương  chấm muối ớt. Ông Min bảo  Lâm lấy ống rượu trên chòi xuống,  Lâm rót cho mỗi người một bát đầy, ông Min bảo: Nào uống đi! rồi bưng bát rượu uống một ngụm trước.  Lâm đưa bát rượu  cho Lượng rồi cô cũng bưng bát  lên mời:

 - Nào, cạn nhé!

 Lượng ngỡ ngàng khi thấy  Lâm uống một hơi hết bát rượu. Ông Min dục:

 - Mày uống đi chứ, nhìn gì. Con gái người Dao mình uống rượu thế là thường nhưng ít khi  uống. Chắc mấy ngày ở gần thấy mến mày nó mới uống thế đấy, uống cạn với nó đi!

 Lượng ngửa cổ uống hết bát rượu, đặt bát xuống nhìn sang  Lâm, anh bắt gặp đôi mắt Lâm  cũng nhìn anh long lanh da diết. Hình như có một tia chớp lóe sáng làm anh tê choáng cả người.

 Buổi chiều,ông Min dẫn Lượng lên tận gần đỉnh núi Ten, ở đây hoa đỗ quyên rất nhiều, phần lớn bám trên vách núi, tìm một lúc mới thấy hai bụi mọc ở chỗ đất bằng. Theo chỉ dẫn của ông, hai người đào quá nửa vòng xung quanh bụi cây rồi lại lấp đất trở lại. Phải chờ mươi hôm sau cho phần rễ bị đứt hôm nay liền sẹo, nhú chồi mới đào nốt phần còn lại để bứng bầu, ông Min bảo: mùa nắng này, không làm thế thì trồng kiểu gì cây cũng chết. Trên đường về, ông Min bảo Lượng:

  - Mình xem con  Lâm nó thích mày đấy, nếu mày cũng thích nó thì tối nay ngủ thăm xem sao

  - Nhưng còn đám trai làng, cháu làm sao dám vào.

 - Mấy thằng  hôm nọ, hôm nay nó chưa đến đâu, phải vài ngày nữa chúng nó mới lại đến. Còn những đứa khác thấy mình đóng cửa gian bên thì chúng nó cũng sẽ không vào, tục người Dao ta thế!

 Chiều về, ông Min dục ăn cơm sớm, sau đó ông đóng hết tất cả các cửa rồi lên phản ngủ, mặc cho Lượng phụ giúp  Lâm dọn dẹp mâm bát.

  Nắng tắt, núi rừng chuyển sang màu tím xẫm, Đêm trùm xuống rất nhanh. Trong bầu không gian yên ả tĩnh mịch, vang lên lảnh lót tiếng đôi chim Từ quy ở hai đầu núi càng hót càng nhích gần lại với nhau.

   Lượng ở lại  giúp ông Min sửa lại cái chòi trên nương ngô. Thấy Lượng và  Lâm quấn quýt, ông Min rất phấn khởi. Được vài hôm, mấy thanh niên lại đến, thằng Tính nói với Lượng:

 - Mày làm gì mà ở lâu thế. Xong việc thì về đi chứ.

 - Tao chưa xong việc, mà tao ở đây thì liên quan gì chúng mày.

 - Sao lại không liên quan, đây là đất của chúng tao, đâu phải của mày.

 - Nói thế không được, đất nào của chúng mày!

 - À thắng này, dám khinh trai làng ta hả, chúng mày đâu, cho nó một trận.

  Thằng Tính gầm lên vớ được cái cây chống cửa định xông vào thì  Lâm chạy đến ngăn lại.

 - Chúng mày làm gì thế,  đây là khách của nhà tao, cái bụng tao ưng nó rồi, chúng mày về cả đi!

 Nghe Lâm nói thế, lại thấy Lượng mặt lạnh tanh không hề nao núng, thằng Tính nghĩ nó là con nhà binh vừa khỏe vừa có võ cũng nên. Gã nói với hai thanh niên kia:

- Thôi! hôm nay ta về. Còn thằng này sẽ chừa mặt nó sau.

 Đám trai làng đi rồi, ông Min nói với Lượng:

 - Mai mày hãy về đi đã, để ta còn lựa dân bản và họ hàng.

  Theo báo cáo của Lượng, mấy ngày sau, Sanchez  kéo theo Lượng và ba người lính nói là đi khảo sát địa hình nhưng chủ yếu để bứng hai cây đỗ quyên về đồn. Tốp người vào đến nương ngô thì gặp cha con ông Min ở đấy. Sanchez nói:

 - Ồ ồ! chào ông già, tốt lắm! chiều đi tiếp lên núi với moa nhé. Còn cô gái, xinh lắm, con gái người Dao xinh lắm!

 Hắn giơ tay định véo má cô gái thì Lâm nghiêng đầu tránh được, cô lảng nhanh ra nương ngô. Toán người nghỉ ăn trưa ở chòi canh nương rồi đi tiếp. Sanchez  phân công một người lính về cùng Lâm làm cơm để chiều về nhà ông Min ăn rồi ngủ đêm tại đó.

 Sau khi bứng được hai cây đỗ quyên, trên đường về, ông Min bảo dừng lại để ông chặt sào chọc mấy quả théng  già về ăn tối. Lượng bảo ông Min:

- Bác để đấy cháu lấy cho!

 Nói đoạn anh rút tên ra khỏi ống, dương nỏ ngắm vào đoạn cuống  quả théng treo lủng lẳng trên dây. Ba phát tên bắn đi, ba quả théng tròn căng rơi xuống. Đám lính Việt thì không  lạ gì vì ai cũng biết tài thiện nghệ bắn nỏ của Lượng. Sanchez do mới đến chưa biết nên tròn mắt nhìn. Còn ông Min thì bảo:

 -  Mình bắn cũng được, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ dùng nỏ để bắn rụng quả théng. Mày giỏi lắm! làm cái gì cũng giỏi!

  Buổi tối , khi rượu đã nghiêng nghiêng, Sanchez quay về phía Lâm nói:

 - Người Dao có tục ngủ thăm, tối nay moa vào ngủ thăm toa có được không?

Ông Min nói chẹn ngay:

 - Mày là người nước ngoài, ai biết mày đã có vợ con chưa, con gái làm sao nó ưng mà ngủ thăm

 - Ô la lá! biết đâu nó lại chả ưng moa, cô em nhỉ!

  Mấy người lính phải đào đất, khiêng cây, mệt mỏi nằm lăn ra ngủ tít. Nửa đêm, Sanchez mò vào buồng Lâm, hắn khe khẽ nằm xuống bên cạnh rồi lân la xích lại gần. Hắn choàng tay ôm Lâm bị cô đẩy ra. Sanchez thì thầm:

 - Xuỵt! Cho moa ngủ moa sẽ cho nhiều tiền.

 - Không được, tao không ưng mà, nằm xa ra.

 Sanchez lại xích vào vòng tay ôm xiết lấy Lâm, Lâm vùng dậy rút con dao dưới chiếu đứng xuống đất nói không to nhưng cũng không nhỏ:

 - Mày đi ra ngay, tao chém đấy!

 - Ồ ồ, không..không! không cho thì moa ra, con gái gì mà dữ như hổ thế!

 Nói rồi hắn lủi nhanh ra nhà ngoài.

 Sáng hôm sau, Sanchez lệnh cho lính thu xếp ra về sớm. Sắp sửa đi thì có một ông già  cùng mấy thanh niên hôm nọ đến. Ông già nói:

 - Chào ông đồn trưởng, chào mấy ông lính đồn!

 - Moa không phải đồn trưởng, moa là cố vấn thôi – Sanchex trả lời

 - Vâng, chào ông cố vấn, mình có chuyện muốn nói với ông cố vấn đây. Ông Min đâu, cả con Lâm nữa, ra đây cùng nghe.

 ông Min đang giúp mấy người lính bó buộc lại cái bầu cây đầu nhà đi vào.

 -Chào bác Sính trưởng họ, việc trong nhà em đã nói với cả họ là để từ từ rồi tính, liên quan gì đến lính đồn mà bác phải đến đây.

 - Sao lại không liên quan, mình là trưởng họ mình phải có lời. Dạ thưa ông cố vấn! lính của ông có cái thằng Lượng nào đấy nó nèm chài con gái nhà này – ông Sính ngừng lời quay lại hỏi đám thanh niên:

 - Có thằng Lượng ở đây không?

 - Nó là  thằng đang quấn dây ở cái bầu cây ngoài đầu nhà kia kìa!

 Ông Sính quay lại phía Sanchez nói tiếp:

 - Đấy, cái thằng Lượng ấy, nó là người ngoài không lấy gái người Dao mình được!

 - Nhưng con Lâm nó ưng thằng Lượng mà, ai bảo bác không lấy được, đã khối người lấy chồng, lấy vợ người Mường, người Kinh đấy thôi! – ông Min vặn lại

 - Ai không biết, họ nhà này không có, người Mường nó không thờ ma, con Lâm lấy chồng Mường, ma nó đi về đâu?

 Sanchez gật gật cái đầu nói nhỏ như tự nói với mình:

 -Ồ ồ! thì ra là thế, moa hiểu rồi.

  Rồi hắn quay sang ông Sính nói to:

 - Yên tâm đi,  moa về sẽ  bảo đồn trưởng xử lý. Thôi nhé, bây giờ moa phải về thôi, chào người anh em! – hắn quay sang đám lính nói như hô lệnh:

- Retirer rapidement! ( Khẩn trương rút lui!)

  Tốp lính đồn đi rồi, ông Sính vẫn tiếp tục nói ông Min:

 - Trai làng cả đám to khỏe, không ưng lại đi ưng cái thằng người Mường, khối đứa nó ngủ thăm được rồi nó bỏ không thấy à!

 Thằng Tính được thể chen vào:

 - Có khi cái thằng Lượng nó có bùa yêu ma chài đi dụ dỗ lừa gạt con gái, vừa mới đến mà con Lâm nó đã cho ngủ thăm.

  Vừa lúc đó Lâm đi từ ngoài vào nói:

 - Mày chỉ nói sai cho người khác thôi. Tao không chài nó thì thôi chứ đứa nào chài được tao. Cái bụng tao ưng nó, tao chọn nó làm chồng rồi!

 - Không được, mày là con gái Dao phải lấy người Dao. Mày theo cái thằng ấy, Tao là trưởng họ, tao không đứng ra làm đám cưới cho đâu!

 - Thôi! bác Sính trưởng họ và chúng mày về đi, việc nhà mình để từ từ mình tính! – ông Min nói

 - Tính gì thì tính, từ nay chú không được cho cái thằng lính ấy nó đến nữa, họ nhà ta không bằng lòng đâu! – nói rồi ông Sính kéo bọn thanh niên đi.

  Buổi tối, tại đồn Gò Đèn, Đội Cấn tập hợp tất cả lính đồn bắt Lượng đứng lên phía trên. Đồn trưởng Dương Cấn chất vấn:

 - Cử anh đi làm nhiệm vụ sao dám ngủ với con gái nhà dân?

 - Ngủ thăm là tục lệ của người Dao, có yêu thì con gái nó mới cho ngủ, nhưng chỉ là nằm với nhau để nói chuyện tìm hiểu chớ không có làm gì khác! cũng như con trai con gái người Kinh, người Mường ngồi với nhau ngoài vườn ngoài rừng thôi!

Sanchez cười khẩy:

 - Thằng này nói lạ, trai gái đang độ sung mãn nằm với nhau cả đêm mà không làm gì, ai tin mày được?

 - Không tin cũng không sao, tôi sẽ về xin phép gia đình cưới cô Lâm làm vợ.

 Sanchez bỗng bật cười sằng sặc rồi nói:

 - Thằng này lảm nhảm gì thế, người ta đang kiện mày lên đồn về cái tội ngủ với con gái người ta kia. Mày đang  làm nhiệm vụ lại đi làm cái trò ấy. Đồ ngu! thích thì lúc nó ở trên nương sao không trần nó ra mà nện lại làm công khai để dân nó kiện.

 Bỗng Sanchez thấy nẩy đom đóm mắt, một cái tát thẳng cánh của Lượng vả vào mặt Sanchez

 - Câm mồm, đồ khốn nạn!

  Vì là ngày thứ bẩy nên Lượng bị nhốt vào nhà kho đợi đến thứ hai sẽ bị áp giải xuống Phủ Hưng để thụ lý hồ sơ chờ ngày ra tòa án binh. Sanchez hậm hực nói với Đội Cấn:

 - Thằng này phải làm hồ sơ khép vào tội tử hình.

   Đội Cấn và anh em lính Việt đều cho rằng  thực ra chẳng có gì ghê gớm, chỉ tại cái thằng Sanchez  không ngủ được với cô Lâm gây ức chế cho cả hai người mới xẩy ra sự việc đáng tiếc này. Nếu  giải Lượng về Phủ Hưng thì chắc chắn sẽ bị kết tội nặng.

 Chiều ngày chủ nhật, đám lính Việt mang về một con lợn còi và mấy ống nứa to đựng đầy rượu hoẵng. Họ xúm vào mổ, thui, nấu nướng thơm lừng nói là để xả hơi ngày chủ nhật. Trong bữa rượu họ chúc mừng Sanchez có cô vợ đẹp và đứa con xinh. Rượu ngon, mồi nhậu ngon, mọi người vui vẻ say khướt. Đội Cấn bí mật cho người bẻ song cửa sổ tạo hiện trường giả giúp Lượng bỏ trốn. Đội Cấn còn bố trí cho Lượng mang cả tượng gạo, tư trang, tên, nỏ coi như Lượng trốn ra vào lúc mọi người đang say rượu và dặn phải vào núi ẩn ở đâu đó chưa được về nhà ngay. Lượng nghĩ  trước mắt chỉ có thể vào Xuân Sơn, nơi ấy núi non hiểm trở, nhiều hang động có thể trú ngụ, mặt khác lại còn liên lạc được với tịa con nhà Lâm là chỗ dựa thân tín để sinh sống lâu dài. Lượng đi suốt đêm lần vào cái chòi canh ngô của  ông Min. Hôm sau gặp ông Min và Lâm, Lượng kể lại sự việc và nói:

- Bây giờ cháu đang bị  truy nã, anh em lính Việt thì không lo nhưng thằng Sanchez  nhất định  sẽ còn lùng sục, thế nào nó cũng sẽ mò vào đây.

 - Mày ở đây không được đâu, cũng có lúc có người qua lại.

  Nói rồi ông Min quay sang Lâm:

 - Mày đã ưng cái bụng mày với nó rồi, bây giờ dẫn nó vào một cái hang nào mà không có người đến ấy. Ẩn tạm ở đấy ít ngày chờ cho nó dịu đi rồi tính sau. Mày ở luôn với nó ở đấy, có ở nhà cũng không yên với thằng Tây ấy đâu.

 Cái hang Lâm đưa Lượng đến trú ẩn ở giữa một vạt rừng cây râm rạp, cửa hang  nhỏ, dây leo trùm kín nhưng bên trong thì  to rộng. Ban ngày có thể ở ngoài, nếu thấy người thì rút vào hang. Ban đêm rải lá cây khô làm đệm ngủ, không khí rất trong mát, có thể ẩn được dài ngày. Những ngày hai người được sống bên nhau thật hạnh phúc, họ giành tất cả cho nhau, tan vào nhau, hòa quyện với gió ngàn, chim ca, suối hát. Ban ngày thì trèo tít lên núi  bắn chuột, bắn cầy ngắm hoa lộc vừng, hoa đỗ quyên cùng mây trời, núi biếc. Ban đêm thì ra nương bẻ ngô đem về hang sì xụp, ân cần trao gửi. Họ mơ đến một túp lều tít hút trong rừng sâu với những đứa con quây quần bên bếp lửa, đường đi lên nhà họ phải qua chín suối mười khe, loại người như Sanchez mà vào thì chỉ cần tặng cho một mũi tên nỏ ngâm nhựa sui là đủ.

 Đúng như dự đoán của Lượng, mươi ngày sau Sanchez dẫn một toán lính Việt vào nhà ông Min. Trước khi vào nhà, chúng đã xục xạo khắp khu vực nương ngô và vùng phụ cận.  Sanchez hạch sách ông Min:

 - Ông già kia! Thằng Lượng nó có đến đây không?

 - Mình không thấy có đứa nào đến cả!

 - Thế con gái ông đâu?

 - Nó sang thăm dì nó đang bị ốm bên Trạm Tấu rồi!

 - Nó đi từ bao giờ?

 - Đi nửa tháng rồi, nó vắng nhà cả xóm đều biết mà!

 - Hừ! có khi nó dẫn thằng Lượng trốn sang Trạm Tấu cũng nên?

 - Cái đó mình không biết!

 Hắn quay sang nói với đám lính:

 - Vẫn phải lùng xục khu vực này, thằng Hoàn đi gọi trưởng bản đến đây!

 Một lúc trưởng bản và mấy thanh niên cùng đi đến. Sanchez trao đổi với trưởng bản  rồi  cùng ba thanh niên bản kéo đi. 

 Chúng lùng sục hết cả một ngày. Buổi chiều hôm đó, thằng Tính đã đoán không nhầm. Nó dẫn Sanchez đến một vùng cỏ cây rậm rạp, đúng là không có thằng Tính thì Sanchez không thể nào hình dung ra ở đấy lại có một cái hang . Sanchez bảo thằng Tính:

 - Mày vào trước đi, nếu có chúng nó ở trong ấy thì gọi cho moa!

 Một lúc lâu sau, thằng Tính quay ra đưa cho Sanchez một mảnh giấy rồi nói:

 - Hai đứa chúng nó đã lấy mũi tên tẩm nhựa sui rạch vào tay, chết rồi!

 Mảnh giấy chỉ gỏn gọn có mấy dòng chữ:

 Sanchez! hôm qua tao đã ngắm đúng vào ngực mày bằng một mũi tên ngâm nhựa sui để trừng trị tội dám xúc phạm em Lâm và một tập tục đẹp của người Dao mà loại người như mày không thể nào hiểu nổi. Nhưng khi sắp bật lẫy, tao bỗng hình dung ra tấm ảnh vợ con mày đứng bên bụi đỗ quyên nở hoa dầy chi chít, và thế là tao đã hạ nỏ, không bắn nữa!

                                             ***

 

  Ở xóm Dù trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn có một cái hang mà dân bản gọi là Hang Lun. Dịch nghĩa tiếng dân tộc thiểu số là Hang Tình Yêu. Có người còn gọi là Hang Đỗ Quyên. Hang Lun nằm dưới chân một ngọn núi đá vôi có tự bao giờ, không biết! Chỉ biết nó còn tồn tại mãi mãi với thời gian và là chứng tích của một cuộc duyên tình giữa chàng trai người Mường với cô gái người Dao bi thương, huyền diệu.

 

                                                        C.S

       

 3- SÍN LỦ

 

1.

  Đám cưới của Giàng Sín Lủ với viên trung uý đồn trưởng Đồn Mù người Pháp Benjamin Fouché không chỉ ngỡ ngàng cho thanh niên bản Măng mà còn làm chấn động dư luận khắp cả xứ Mường Kịt. Thực ra thì trước khi làm đám cưới với ngài đồn trưởng người Pháp, Sín Lủ chỉ mới gặp mặt  Fouché một lần trong dịp tết Síp xí của người Thái nhưng chưa hề có trao đổi, giao lưu gì chứ đừng nói là yêu đương hoặc cảm mến nhau. Rồi thì chuyện ấy cũng qua đi như cơn giông  làm sơ xác lá rừng, như trận lũ ống bất ngờ ập xuống dòng suối, cuốn đi tất cả những gì nó gặp  kể cả đất đá, cây cối, cửa nhà nhưng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. Thế rồi người bản Măng lại quen với cảnh bà đồn trưởng có cái tên Sinlu Fouché thôi không mặc váy lanh chàm in sáp hoa văn xanh đỏ, áo xẻ nách có miếng vải thêu đủ màu rực rỡ bịt ngực, bịt vai mà lại mặc váy áo đầm Tây, chân sỏ giầy Tây cao gót đi dạo về làng mỗi dịp có cuộc sên bản, sên mường. Duy chỉ có mái tóc là Sín Lủ không cắt bỏ để “phi dê” (coiffure) như mấy mẹ đầm và cũng không độn thêm tóc rụng cũ của mình làm Pờ ló ho như người Mông Hoa mà lại cứ để nó buông dài xuống tận dưới khoeo chân như những cô gái người Kinh.

     Bản Măng chủ yếu là nơi quần tụ của người Mường, người Thái. Nhưng chẳng biết từ bao giờ, khi Sín Lủ lớn lên đã thấy có hàng chục ngôi nhà của người Mông nằm chênh vênh trên sườn núi Lanh, trong đó có nhà của gia đình Sín Lủ và nhà của gia đình Thào Sếnh ở múi đồi phía Tây bên cạnh. Ngay từ lúc sáu, bảy tuổi, Sín Lủ đã được mẹ dạy thổi kèn lá dựa theo những bài dân ca Mông truyền thống: “Em đang ở nhà em không biết/ Nhà trai sang la liệt dù, ô/ Dù, ô đã ngoắc cột nhà/ Thế là thành vợ, thế là làm dâu./ Hẹn ba ngày, ba đầu gà trống/ Mẹ bảo em : cơm sớm rồi đi/ Em rằng : con chẳng thiết chi/ Không đi đâu cả, cơm thì không ăn…”

   Cho đến khi Sín Lủ mười sáu tuổi thì tiếng kèn lá của Sín Lủ đã làm ngơ ngẩn biết bao chàng trai cả người Mông lẫn người Mường, người Thái. Mỗi khi sương chiều buông tím, phủ mờ trùng trùng những nương ngô trên lưng chừng dãy núi Lanh, khi tiếng kèn lá của Sín Lủ vang vọng từ múi đồi phía Đông thì cũng là lúc tiếng sáo của Thào Sếnh từ múi đồi phía Tây nổi lên hoà quyện, quấn quýt lan toả đến từng nhà người Mường, người Thái trên khắp bản Măng. Mỗi tháng một lần vào tối hôm trước ngày trăng rằm,  khi cả tiếng kèn lá và tiếng sáo mông chìm dần, chìm dần xuống đến khe suối Khắc thì  trăng bắt đầu nhô lên trên đỉnh núi Lanh, nhưng trăng cũng không đủ sáng, thanh niên cả người Mường, người Thái lẫn người Mông tụ tập đông đủ ở bãi soi bên dòng suối Khắc lấy nứa khô, lấy củi đốt một đống lửa to vây xung quanh chơi đủ các trò mà người ta có thể chơi như múa xoè, nhảy dây, đánh quay, hát ví…và đến lúc ấy thì tiếng sáo mông của Thào Sếnh và tiếng kèn lá của Sín Lủ cũng tạm ngừng. Thào Sếnh dắt cây sáo vào lai quần, lấy cây nỏ đeo ở sau lưng xuống cùng Sín Lủ và mấy trai làng đi đến khu rừng mà Thào Sếnh đã theo dõi từ chiều, nơi đàn cò xà xuống ngủ qua đêm. Những trai làng cũng có người bắn nỏ khá nhưng chưa ai có thể sánh được với Thào Sếnh, mỗi một mũi tên bật đi trên cánh nỏ của Thào Sếnh thì nhất định sẽ có một chú cò rơi xuống. Sín Lủ có nhiệm vụ nhặt lấy bỏ vào cái gùi đeo phía sau lưng. Bắn cò ban đêm là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng nhìn thấy con cò đậu trên tán cây, bởi mặc dù có ánh trăng nhưng dưới tán cây rừng vẫn cứ tối, chỉ thấy nhờ nhờ, bàng bạc bởi đôi chỗ tán cây thưa lá. Phải đi thật nhẹ không được để bước chân gây ra tiếng động đánh thức đàn cò. Khi đã giương lẫy thì phải bắn thật trúng, bởi nếu bắn chệch, mũi tên đập vào cành cây gây ra tiếng động sẽ làm cả đàn cò giật mình cất cánh bay loạn xạ, và dĩ nhiên là sẽ phải huỷ bỏ chương trình đi bắn tiếp theo.

  Khi gùi cò của Sín Lủ đem về đến bãi soi thì cũng là lúc đống củi đã cháy gần hết,  nhưng lại có rất nhiều cục than hồng rực, ánh sáng của ngọn lửa sắp tàn, nhưng thay vào đó là trăng đã lên cao tỏ sáng. Đám thanh niên xúm vào vặt lông, mổ bụng, chặt khúc rồi bóp với muối và lá rau răm hái dưới suối Khắc, sâu những miếng thịt cò thành xiên đem nướng trên đống than hồng. Thịt cò nhất thiết phải bóp với rau răm mới hết tanh mà lại thơm. Có lẽ không thể nơi nào có loại rau răm cay như ở suối Khắc, nó còn cay hơn cả ớt chỉ thiên, nếu người chưa biết chỉ cần đưa lá lên môi nhấp một chút cũng làm cho lưỡi rụt lại, bỏng rát đến mấy ngày, ấy vậy mà đem bóp với thịt cò nướng thì vị cay  lại giảm đi và bù vào là mùi thơm rau răm lẫn với mỡ cò toả lên đến quyến rũ. Lúc ấy, những ống nứa đựng rượu hoãng của người Mường, rượu ngô của người Thái và rượu táo mèo của người Mông sẽ đươc rút bỏ nắm lá chuối rừng bịt miệng đổ ra những ống nứa ngắn hơn, nhỏ hơn thay cho cái bát. Thanh niên cả nam, cả nữ cùng ăn thịt cò, cùng uống rượu hoẵng, rượu ngô, rượu táo mèo, cùng đánh mắt giao duyên, cùng hát giang hát ví, câu khắp câu lượn, và tiếng kèn lá của Sín Lủ, tiếng sáo mông của Thào Sếnh lại quấn quýt, vang vọng, mênh mang « Anh muốn tìm đến lại sợ mẹ cha/ Muốn gọi em ra nhưng em nhiều việc… Gặp em bàn chuyện anh cướp em về… Anh hẹn ngày kia chạy ra đầu bản/ Miệng vờ hô hoán: “Trai họ cướp tôi”/ Nhìn em anh cười, ta là sức mạnh/ Trai làng kiêu hãnh đã cướp được em/ Đàn môi gảy lên, điệu khèn tiếng sáo/ Cho em ca hát, ta cùng yêu nhau…” Khi thịt cò gần hết và các ống rượu sắp cạn, nhiều người bỏ ra về, nhưng cũng có những cặp gái trai tản đi hoà nhập vào nương ngô ngập tràn ánh trăng sáng bạc hoặc tan chảy xuống dòng suối Khắc với rì rào nước, gió lao xao. Họ nói gì với nhau, họ làm gì với nhau thì chỉ có gió, nước và trăng mới biết…

 

2.

  Năm 1946, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên được ra đời tại hang Trò Giót trên mảnh đất Mường Kịt được mang tên: chi bộ Thu - Kiệt – Lai bởi nhiệm vụ của chi bộ là lãnh đạo phong trào kháng chiến của các địa phương bao gồm suốt từ  Kiệt Sơn, Lai Đồng đến tận Thu Cúc. Ở xã Lai Đồng đã có Uỷ ban hành chính kháng chiến. Tháng 3 năm 1946, trung đội tự vệ đầu tiên của xã Lai Đồng được thành lập, nhưng mọi hoạt động vẫn còn nằm trong bí mật. Đêm là của phía bên này, ngày là của phía bên kia. Hầu hết đám trai làng bản Măng cả người Mường, người Thái, người Mông đều tham gia. Nhưng Thào Sếnh thì lại trở thành lính nguỵ trên Đồn Mù. Từ đấy, người bản Măng không  nghe thấy tiếng sáo mông của Thào Sếnh đã đành mà kể cả tiếng kèn lá của Sín Lủ chiều chiều cũng không còn nghe thấy nữa. Những đêm trước ngày trăng rằm, đám trai làng vẫn tụ tập ở bãi soi bên bờ suối Khắc nhưng không còn đông như trước. Không có tiếng sáo của Thào Sếnh, Sín Lủ giận Thào Sếnh lắm, sao không vào đội tự vệ của làng lại đi với đồn Tây, thế là người của phía bên kia rồi. Sín Lủ là con gái, nhà lại ở tít trên lưng chừng đồi nên không có tên trong danh sách của đội tự vệ, nhưng Sín Lủ  được kết nạp là thành viên của Mặt trận Liên Việt xã, có nhiệm vụ vận động trai làng không đi lính cho đồn Tây. Thế mà chính người hàng xóm, chưa phải là bạn tình, chưa đến lúc bàn chuyện bày trò cướp nhau nhưng đã là người thân thiết, Thào Sếnh lại đi theo đồn Tây, không giận sao được…

   Đội tự vệ được chỉ đạo chuẩn bị cho một trận phục kích tiểu đội lính Lê dương người Ma Rốc sẽ hành quân xuất phát bên Mường Kịt qua xã Lai Đồng để sang Thu Cúc theo mật báo từ người của Việt Minh ở phía bên kia. Sín Lủ cũng tham gia vót chông, đào hầm làm bẫy sập cùng với đội tự vệ của làng. Trận ấy, đội tự vệ tiêu diệt được một lính bị sập hầm chông, bẫy đá ném bị thương nhiều lính khác và thu được một khẩu súng trường. Sau sự kiện ấy, tinh thần của thanh niên làng càng thêm nhiệt huyết, càng thêm gắn bó với nhau. Những đêm trước ngày rằm, Sín Lủ lại thổi kèn lá giao duyên. Cánh trai làng người Thái được thể thả sức trổ tài thổi khèn bè nhằm dẫn dụ, vuốt ve lấy lòng tiếng kèn lá của Sín Lủ. Nhưng tiếng khèn của người Thái không giống tiếng khèn của người Mông, lại càng không  thay được cho tiếng sáo mông, nó không thể hoà hợp, quấn quýt với tiếng kèn lá. Vì vậy, mỗi khi Sín Lủ bứt lá đưa lên môi thì các tiếng khèn đều ngưng bặt, các chàng trai túm lại vây quanh Sín Lủ, không biết các chàng trai có hiểu hết những âm thanh phát ra từ chiếc lá trên đầu môi Sín Lủ không nhưng ai cũng chăm chú, chủ yếu là để ngắm nàng, ai cũng muốn ánh mắt giao tình của mình lọt vào đôi mắt trong suốt của Sín Lủ. Suối vẫn reo, gió vẫn hát và trăng vẫn sáng như hồi Thào Sếnh còn ở nhà, nhưng tiếng kèn lá của Sín Lủ bây giờ sao mà buồn rượi: “ Người ta thì vui chơi nhảy múa/ Không lứa đôi, tủi hổ khóc than/  Lẻ loi đơn chiếc buồn tênh/ Như thân gái goá cày nương không bờ/ Chiều tối lũ chim cò về tổ/ Ta đêm đêm trông ngóng đợi ai/ Sáng ra chim hót chim vui/ Ta thì lủi thủi trên đồi nắng trưa...”

 

   Cái đêm trước ngày rằm tháng bẩy năm Sín Lủ ở tuổi mười bảy là một bước ngoặt định mệnh. Tết  Síp xí của người Thái năm ấy, đồn trưởng Đồn Mù Benjamin Fouché dẫn một toán lính xuống bản vừa là để lấy lòng dân, vừa là để được xem con gái người Thái múa xoè. Trước khi vào quân đội, Fouché vốn đã từng học qua một trường nghệ thuật nên khi sang Việt Nam, ông ta rất chú ý đến những tài sản văn hoá phi vật thể của các tộc người bản xứ. Trong toán lính đi cùng ông ta có cả Thào Sếnh được phân công dẫn đường và hướng dẫn. Buổi chiều, sau khi dự tết Síp xí ở nhà chánh tổng Mường Kịt là Trùm Mun, Fouché cùng Trùm Mun đi thăm, tặng quà một số gia đình trong bản rồi tất cả kéo ra bãi soi bên bờ suối Khắc xem con gái Thái múa xoè. Theo nếp sống của người Thái, múa xoè là điều không thể không biết đối với các thiếu nữ, ngay từ lúc còn nhỏ các em đã được người lớn hướng dẫn, uốn nắn cử chỉ, động tác cho từng điệu múa. Trong một bản của người Thái có thể có đến năm, bẩy đội múa tuỳ theo lứa tuổi, chính vì vậy mà mỗi điệu múa đều có những đặc điểm riêng biệt, uốn lượn, bay bướm, biến hoá khôn lường. Vì có ngài đồn trưởng Pháp đến dự nên lý trưởng sở tại đã cho chuẩn bị khá chu đáo, có ghế ngồi, có bàn bày sẵn các ly rượu ngô để mỗi khi một điệu múa kết thúc, những vị khách danh dự như ngài đồn trưởng,  lính tháp tùng và các chức sắc trong làng đứng lên hai tay cầm hai ly rượu đến mời và cùng uống với một trong những cô gái ở đội múa mà mình thích. Hành động này của người Thái giống kiểu như phong cách của người Tây mỗi khi lên sân khấu tặng hoa cho ca sĩ. Do có nhiều đội nên sau một vài điệu múa, Fouché đã đến lúc thấy men rượu làm cho ngây ngất, ngả nghiêng. Đám trai làng yêu cầu tạm dừng múa để nghe Sín Lủ thổi kèn lá. Thào Sếnh đưa mắt ra hiệu cho Sín Lủ đừng thổi, nhưng Sín Lủ không những không hiểu ý của Thào Sếnh mà nàng lại càng thấy giận Thào Sếnh hơn. Mấy trai làng nhanh nhẹn chạy đi vặt hẳn cả chùm lá cho Sín Lủ. Khi tiếng kèn lá của Sín Lủ cất lên, Fouché bỗng dưng bừng tỉnh. Trong các loại hình nghệ thuật, ông ta vốn rất mê và cũng rất am hiểu về âm nhạc, thậm chí còn có ý thức sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca của từng dân tộc. Chính vì vậy nên Thào Sếnh rất được ông ta yêu mến bởi có tài thổi sáo. Mặt khác, mới chỉ lên đồn tiếp xúc với người Pháp có nửa năm trời mà Thào Sếnh đã có thể sử dụng tiếng Pháp trong các trường hợp giao tiếp. Thực ra điều đó cũng dễ hiểu, bởi thanh ngữ của người Mông thuộc loại đa âm, tương tự với thanh ngữ của người Âu châu nên người H,Mông thường học tiếng của các nước châu Âu dễ dàng hơn người Kinh, người Mường và nhiều tộc người khác sử dụng thanh ngữ đơn âm. Nhờ sự hướng dẫn của Thào Sếnh, Fouché còn có thể thổi được một vài bài sáo mông, tuy chưa hay nhưng cũng đã đúng thanh, đúng nhịp. Fouché gọi Thào Sếnh lại gần nói:

   - Toa lấy sáo cùng thổi để tạo ra hợp âm, sẽ hay hơn nhiều!

   - Thưa sếp, em lại không đem cây sáo đi rồi!

   - Ồ! Thật đáng tiếc. Đêm nay cho toa ở lại, ngày mai mời bằng được cô gái thổi kèn lá lên đồn.

   - Dạ thưa sếp, cái đó không được đâu, con gái người H,Mông không bao giờ tự ý đi theo con trai!

    Lý trưởng  Đinh Văn Lánh vốn là người được học hành, thành thạo tiếng Pháp. Ông ta lại ngồi cạnh Fouché nên nghe rõ những lời trao đổi của hai người. Đợi cho Thào Sếnh quay trở lại vị trí cũ, ông ta ghé vào tai Fouché nói nhỏ:

   - Người H,Mông có tục Háy pú (bắt vợ). Nếu sếp thích, có thể cho lính đồn bất ngờ bắt nó đi. Có điều để trai làng và dân bản không cản trở thì phải công khai ai là người đàn ông bắt, người ấy sẽ là chồng của nó nếu cái bụng nó ưng. Còn không, sau vài ngày lại cho người đem trả về tận nhà tử tế và nói với gia đình là nó không chịu. Biếu cho cha mẹ nó mấy đồng bạc trắng để cúng tổ tiên gọi ma nó về là xong.

    Ngay ngày hôm sau, nghe theo lời lý trưởng Lánh, Fouché cử mấy người lính dân địa phương đi bắt Sín Lủ rồi gọi Thào Sếnh lên phòng chỉ huy đồn trao đổi:

   - Moa cho người đi bắt cô Sín Lủ về làm vợ cho toa. Toa nghĩ sao?

   - Ấy chết! dạ thưa sếp, việc bắt vợ không làm thế được. Nói là bắt chứ thực ra cả hai người đều đã ưng nhau. Việc bắt chỉ là vờ thế thôi!

   - Toa thổi sáo, vợ toa thổi kèn lá, chả hạnh phúc lắm sao?

   - Không được đâu, thưa sếp, đúng là không chỉ mình em mà trai làng nhiều người thích Sín Lủ, nhưng chưa bàn gì với nhau mà đi bắt là không được.

   - Ấy là moa có ý tốt với toa, còn toa không đồng ý thì thôi.

   Thào Sếnh đi rồi, nói thì nói thế nhưng bấy giờ Fouché mới thấy lúng túng, khó xử. Thôi thì cứ mặc kệ đám lính. Bần cùng lắm thì đổ cho một người lính nào đó rồi đem trả người về và xin lỗi gia đình họ như lời lý trưởng Lánh hoặc lấy lý do đồn cho mời lên vì nghi vấn là Việt Minh. Thiếu gì cách.

  Rất may cho đám lính, khi xuống đến bản Măng thì Sín Lủ đang dẫy cỏ một mình ở nương ngô. Một người lính nói:

   - Sín Lủ à, ngài đồn trưởng cử cái mình cho bắt mày lên đồn.

   - Cái mình có tội gì mà bị bắt?

   - Mày không có tội gì cả, là ngài đồn trưởng sai cái mình đi bắt mày theo tục Háy pú của người H,Mông ta thôi.

   - Thế đứa nào bắt cái mình?

   - Chỉ biết ngài đồn trưởng sai cái mình đi bắt mày về làm vợ thôi, còn là do thằng Thào Sếnh hay là ngài đồn trưởng thì cái mình không biết đâu.

   Sín Lủ thấy như có cả một cục hơi nghẹn lên tận cổ. Thào Sếnh mới lên đồn Tây chưa đầy một năm mà đã thành người khác rồi ư. Có bàn bạc gì đâu mà dám nhờ lính tráng đi bắt người ta…Nhưng nếu  do Thào Sếnh thì phải có nó ở đây chứ. Chẳng lẽ lại do ngài đồn trưởng? Người Tây cũng có tục Háy pú hay sao, mà dẫu có tục ấy thì cũng phải hỏi người ta đã chứ?.. Cái đầu Sín Lủ như nghe thấy cả một bầy ong rừng vỡ tổ, cả cái nương ngô, cả con suối Khắc như nhoà đi, như quay cuồng trước mắt… Thôi thì đành cứ đi theo bọn nó lên đồn gặp Thào Sếnh, gặp ngài đồn trưởng của nó xem sao.

  Lên đến đồn, Sín Lủ được đưa thẳng vào phòng chỉ huy.  Fouché đã đợi sẵn ở đấy. Bằng những cử chỉ rất lịch sự, Fouché chìa tay mời Sín Lủ ngồi sang chiếc ghế đối diện với ông ta rồi quay sang nói với một người lính bằng tiếng Pháp:

   - Anh ở lại một chút dịch tiếng cho tôi! ( Je suis un peu de traduction pour moi!)

Fouché rót một cốc nước đặt trước mặt bàn phía Sín Lủ ngồi rồi nói bằng một thứ tiếng Việt ngọng lơ lớ

   - Moi co uong nuoc!

 Đến tận khi ấy, vẫn chưa hết ấm ức, Sín Lủ nhìn thẳng vào mặt Fouché hỏi một câu gay gắt:

   - Ngài đồn trưởng, tại sao mày cho bắt cái mình?

Sau khi người lính dịch lại,  Fouché vừa cười vừa ôn tồn trả lời Sín Lủ:

   -  Ồ không! Bởi vì tôi yêu nghệ thuật thôi! ( Oh non! Parce que J,aime I,art! )

Trong hoàn cảnh đồn trưởng vừa cử mình đi bắt Sín Lủ với nội dung theo tục Háy pú của người H,Mông. Vả lại anh lính người địa phương cũng không hẳn thành thạo tiếng Pháp cho lắm nên chưa phân biệt được những thanh âm tương tự đã dịch nhầm cho Sín Lủ là:

   -  Ồ không! Bởi vì tôi yêu em thôi! ( Oh non! Parce que je t,aime! )

    Không còn gì để phải nghi ngờ, băn khoăn thêm nữa. Cứ nghĩ là nó nhờ đồn trưởng đi bắt mình, làm như thế dù có thô bậy nhưng dẫu sao cũng vẫn còn cái tình. Hoá ra là nó lại dâng mình cho quan thầy nó. Cái bụng thằng Thào Sếnh thật dơ dáy thối tha. Như giọt nước tràn ly, Sín Lủ thấy trời đất tối sầm lại…cô gục xuống, ngất sỉu…

   Fouché luống cuống cho gọi đốc tờ đến cấp cứu. Nhưng rồi cũng không sao, chỉ sau vài phút sức dầu, bấm huyệt, Sín Lủ đã tỉnh táo trở lại. Đến nước này thì còn gì nữa để mà nuối tiếc. Thào Sếnh ơi, mày đã đi theo người Tây, mày bán rẻ tất cả lương tâm, danh dự, tình người. Bây giờ, dẫu sao thì tao cũng đã bị trai nó bắt, ma của tao đã ra khỏi nhà tao rồi, có quay trở về thì cũng vất vưởng, lắt lay. Cái bụng mày đã xấu như thế thì tao sẽ làm vợ của sếp mày để rồi xem mày xử sự ra sao. Mũi tên đã bật đi rồi, chỉ còn chờ con cò có rơi xuống nữa hay không thôi. Cùng lắm thì chỉ cần vài cái lá ngón là đủ. Con gái người H,Mông ta đâu có ngại gì nắm lá ngón… Sín Lủ quay về phía người lính:

   - Mày nói với nó là cái mình đồng ý ở lại, sau ba ngày nữa hãy hay.

   Fouché mừng rối rít, sai người sắp xếp chỗ ở, chăm sóc và thực hiện những yêu cầu của Sín Lủ. Ngay buổi tối hôm ấy, Sín Lủ đồng ý thổi kèn lá và cố tình tỏ ra rất vui vẻ,  Fouché cho gọi Thào Sếnh để cùng thổi sáo nhưng Sín Lủ không những không thổi cùng Thào Sếnh mà còn không thèm nhìn mặt và nói gì với Thào Sếnh nữa. Thào Sếnh thì quá bất ngờ, hoá ra là hai người này đã có hẹn hò bàn bạc với nhau rồi nên Sín Lủ mới vui vẻ đến thế. Thôi thì biết làm sao khác được, mình đã là cái gì của Sín Lủ đâu. Mà ngài đồn trưởng uy quyền, thế lực như thế, họ thích nhau thì ai làm gì được họ. Tiếng kèn lá của Sín Lủ cất lên lần này sao mà nhấp nhô, dữ dội và cay đắng đến thế: “Mẹ sinh em phận làm con gái/ Phải lão Đen mối lái buộc duyên/ Mẹ cha em nghĩ cũng phiền/ Những vờ nhổ tỏi, sang bên gọi làng…/Trời ơi/ Thân như thể thân trâu thân ngựa/ Chẳng khom lưng hạ túi hạ thồ/ Này đây lá ngón bên bờ/ Làm ngay một nắm, nuốt cho xong đời./ Lá thuốc độc cay ơi cay lắm/ Lá thuốc đau bỏng đắng buồng gan/ Cho thân quằn quại quay cuồng/ Hồn lìa khỏi xác thoát làm dâu... thôi !”

 Biết Fouché cũng thổi được sáo mông, trong mấy ngày ở đồn, Sín Lủ ra sức kèm để tiếng sáo của Fouché hoà hợp, nhịp nhàng với tiếng kèn của Sín Lủ. Sín Lủ phải có được một người chồng thổi sáo không thua gì Thào Sếnh, phải làm sao cho Thào Sếnh đau sót, hổ thẹn và tiếc nuối.

  Vốn dĩ đã là người có kiến thức về âm nhạc lại say mê, lại được tập tành chung với người đẹp nên kỹ năng thổi sáo của Fouché tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau hai ngày, tiếng sáo, tiếng kèn của họ đã đan quyện, nhịp nhàng, vấn vít, hài hoà…Thế rồi, từ trong tâm can sâu kín, Sín Lủ như thấy có ngọn lửa thắp lên làm ấm lại cái lạnh giá của sự cay đắng, ê chề hôm mới bị bắt. Sín Lủ thấy Fouché cũng xứng là một người đàn ông đáng yêu, đáng mến, còn Fouché thì hoàn toàn bị hút hồn bởi cô gái mười bảy tuổi người Mông xinh đẹp có giọng kèn lá đến mê hồn…Và… như bạn đọc đã được biết ngay từ đầu câu chuyện: “Đám cưới của Giàng Sín Lủ với viên Trung uý đồn trưởng Đồn Mù người Pháp Benjamin Fouché không chỉ  ngỡ ngàng cho thanh niên bản Măng mà còn làm chấn động dư luận khắp cả xứ Mường Kịt…”

 

3.

   Mặc dù được Fouché rất yêu quý, nhưng rồi Sín Lủ cũng biết được rằng chẳng qua Fouché chỉ là người bị động trong việc phải cưới Sín Lủ vì sự hiểu lầm của anh lính phiên dịch. Nếu không có sự nhầm lẫn ấy thì chắc rằng sự việc đã khác. Lúc đầu Fouché cũng  lúng túng vì ông ta  đã có vợ, có con ở bên xứ sở của mình. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, ông ta thấy cũng đầy những sĩ quan xa xứ như ông ta có vợ bé. Thôi thì chậc lưỡi cho qua, được cô vợ bé vừa xinh, vừa trẻ lại cùng sở thích về âm nhạc thì cũng là một niềm hạnh phúc. Còn Sín Lủ lại thấy ân hận và thương cho Thào Sếnh, thương cho thân phận mình phải làm lẽ mọn dưới con mắt kỳ thị của cả bản, cả mường. Nhưng sự đã rồi, mũi tên đã bắn đi, con cò cũng đã rơi xuống, chỉ còn có việc nhặt bỏ vào gùi để chờ bóp với rau răm nướng trên than củi nữa thôi, mà người bật lẫy bắn mũi tên ấy đâu phải là Thào Sếnh, tại Sín Lủ đó, còn người được ăn thịt cò vừa thơm, vừa béo không phải Thào Sếnh, cũng không phải Sín Lủ mà  lại là Fouché. Việc đã rồi, thôi thì nhắm mắt mà bước. Thân phận đàn bà Mông vốn dĩ là vậy. Bước chân về làm dâu nhà nào thì phải theo nền nếp nhà ấy. Sín Lủ vận trang phục Tây, học tiếng Tây nhanh đến nỗi ngay cả Fouché cũng phải kinh ngạc và sung sướng, tự hào về cái sự nói năng và phong cách giao tiếp với bạn bè, với cấp trên của chồng ở cô vợ trẻ. Bỏ qua những tai tiếng xì xèo, bỏ qua những ánh mắt miệt thị của họ hàng bà con, Sín Lủ vẫn thường xuyên vận đồ Tây, đi đứng theo kiểu người Tây về bản, vẫn được những chức sắc hàng tổng, hàng xã trọng vọng, xum xoe bà đồn trưởng. Sín Lủ thường xuyên có quà cho họ hàng làng xóm. Lúc đầu nhiều người còn dè bỉu, ngại ngần, nhưng về sau thì lại vui mừng và  khen ngợi, khoe mẽ với xóm giềng  vì có đứa cháu, có cô em, có bà chị…hào phóng, tốt bụng.

    Sín Lủ ra thị xã phố tỉnh thăm và chu cấp cho đứa  em trai mình là Giàng A Trư và cả em trai Thào Sếnh là Thào A Lếnh mà mấy năm trước Sín Lủ đã đưa chúng ra học, hai đứa vốn cùng tuổi, lại là bạn bè thân thiết với nhau. Đời mình coi như đã xong. Nếu ai bảo mình sung sướng, nhung lụa trắng trong, ừ thì là sướng. Nếu ai bảo mình tủi nhục, vợ tạm chồng hờ, không hơn cái lũ bán trôn nuôi miệng, ừ thì tủi nhục. Nhưng còn chúng nó, phải cho chúng nó đi học để thành người. Không thành người nhà họ Thào nhưng Sín Lủ sẽ mãi mãi coi người nhà họ Thào như người nhà họ Giàng, chứ còn cái họ Tây Fouché là cái mượn, cái bám, cái nhờ như kiếp phù du bèo bọt. Thào A Lếnh xin chị Sín Lủ mua và coi như là quà của nó cho anh trai Thào Sếnh một cái đèn ló sử dụng nguồn điện bằng pin dùng để đeo trên đầu khi đi săn bắn ban đêm. Mãi đến nửa buổi chiều Sín Lủ mới về đến nhà. Sau khi lau rửa qua loa, Sín Lủ đi ngay lên đồn tìm gặp Thào Sếnh để đưa quà. Thấy Thào Sếnh đang ngồi nhặt rau dưới bờ suối với anh lính nấu bếp Hà Văn Thành. Sín Lủ đi xuống bếp, đang định ra để gặp họ thì nghe Thào Sếnh nói:

   - Đi ngay đi rồi không quay trở lại đồn nữa. Coi như đã bị lộ. Gấp lắm rồi, nhớ lời tôi dặn.

   - Tôi nhớ rồi, để tôi bảo thằng Hùng là đi mua thêm rau cho nó có cái cớ.

   Sín Lủ vội nhẹ nhàng quay trở lại. Hoá ra họ là người do phía Việt Minh cài đặt. Khổ cho Thào Sếnh quá, bị biết bao nhiêu người hiểu sai. Ngay cả mình mà nó cũng ngậm miệng không cho biết để ra đến nông nỗi này. Sín Lủ bỗng ứa nước mắt, vội lấy tay áo che chấm làm như bị bụi, phòng khi có người nhìn thấy. Không biết lại có việc gì sắp sảy ra nữa đây. Từ đầu năm, liên tiếp du kích của Việt Minh bẻ gãy các cuộc càn quét ở đồi Lò Rèn, đồi Nà Réo của cả quân Pháp, quân Lê dương lẫn quân người Việt. Họ còn tấn công cả đồn Quéo bên xóm Phắt gây thiệt hại lớn cho quân đội Pháp. Sín Lủ bỗng thấy lo cho Thào Sếnh. Người Pháp đã có ý nghi ngờ trong đội ngũ lính Việt có người của Việt Minh. Họ đang ngấm ngầm theo dõi. Mặt khác, họ cũng có người được cài cắm từ phía bên kia nên nếu không cẩn thận thì sẽ rất dễ bị lộ. Ngay như cuộc trao đổi vừa rồi để Sín Lủ nghe thấy cũng thể hiện là họ còn quá thiếu kinh nghiệm…

  Vĩnh viễn Sín Lủ không bao giờ còn có cơ hội trao được món quà là cái đèn ló cho Thào Sếnh nữa. Theo mật lệnh của thiếu tá đồn trưởng Benjamin Fouché, ngay đêm hôm ấy, Thào Sếnh được lệnh chỉ huy một tốp lính bất ngờ đánh úp để bắt gọn toàn bộ đảng viên cùa chi bộ Thu – Kiệt – Lai nhóm họp tại một cái trại trông nương thuộc xóm Lèn. Đúng 8 giờ 30 phút buổi tối, nhóm của Thào Sếnh phải có mặt tại khúc đường mòn dưới chân đồi đi lên trại để phối hợp với các mũi khác bất ngờ ập vào vây bắt.  Cũng vào đúng cái giờ định mệnh ấy,  bốn người trong nhóm của Thào Sếnh đã lọt vào tầm ngắm của ổ phục kích bên Việt Minh và bị tiêu diệt toàn bộ.

 Thào Sếnh chết đã làm cho Sín Lủ ngơ ngác như  mất hồn. Mặc dù cô là người thông minh, biết kín đáo che dấu cảm súc, suy nghĩ của mình, nhưng vẫn không qua được mắt Fouché. Một buổi tối, sau gần nửa giờ đồng hồ Fouché cùng Sín Lủ hoà tấu sáo, kèn. Bằng giọng nói và thái độ trịnh trọng, Fouché bảo Sín Lủ hãy yên lặng để nghe ông ta nói:

   - Trong mấy năm chúng ta sống với nhau. Anh liên tục được thăng tiến phải kể đến công lao không nhỏ trong cách xử sự, giao tiếp của vợ anh. Điều đó anh phải cám ơn em nhiều. Người Việt các em có câu ngạn ngữ: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” quả là không sai. Nhưng anh lại còn biết, trong lòng em chưa lúc nào nguôi về tình yêu, về sự nuối tiếc với Thào Sếnh. Có điều em cũng đã biết dừng đúng chỗ. Và cũng chính vì thế, khi được thăng lên hàm thiếu tá, chuyển sang sân bay Đồng Thân phụ trách toàn bộ hệ thống đồn bốt trên đất Mường Kịt này, anh vẫn cho mang Thào Sếnh cùng đi. Nếu Thào Sếnh chỉ là người lính giỏi giang về thổi sáo, về bắn nỏ không thôi thì hắn cũng sẽ cứ tiếp tục được thăng chức. Nhưng rất tiếc, hắn lại là người của Việt Minh. Những thất bại liên tiếp của quân đội Mẫu quốc gần đây là có bàn tay hắn và có cả sự tiếp tay vô tình của em. Nếu anh bắt hắn thì chính anh cũng phải ra hầu toà án binh. Thông minh như em, không cần nói chắc em cũng sẽ hiểu về cái chết của hắn là do đạn của phía bên nào. Thực lòng anh vẫn tiếc và thương cho hắn. Nhưng anh là quân nhân, lại là sĩ quan, anh có nhiệm vụ phải trung thành với quân đội và Quốc gia của mình. Trả giá cho cái chết của hắn, hắn sẽ  được tuyên dương là người hùng của quân đội Quốc gia, còn có thể được đề nghị về Mẫu quốc tặng thưởng Bắc Đẩu bội tinh. Riêng về em, bây giờ em phải dời khỏi xứ sở này để về Hà Nội. Anh đã  mua nhà, em hãy chọn một nghề buôn bán gì đó kiếm sống. Anh sẽ về thăm mỗi khi có dịp kể cả khi đã trở về Mẫu quốc. Bây giờ em không cần nói gì. Cứ suy nghĩ vài ngày rồi trả lời anh.

   Nói rồi, Fouché đứng dậy cầm cây sáo mông đưa lên miệng. Tiếng sáo lại gồ ghề, khấp khểnh như núi rừng Tây Bắc.

   Cứ nghĩ đơn giản Fouché chỉ là một gã chơi bời đam mê nghệ thuật. Bây giờ mới thấy ông ta cũng là một nhà quân sự lão luyện, thâm sâu. Chẳng có cuộc họp chi bộ nào cả,Thào Sếnh đã bị sập bẫy của ông ta. Không những thế, cấp trên trực tiếp của Thào Sếnh là cụ chánh tổng Trùm Mun cũng  bị Fouché cho bắt về tạm giam dưới tỉnh chờ ngày ra toà. Duy chỉ còn Hà Văn Thành là con cá săn sắt được thả để lộ diện con cá rô Trùm Mun. Rõ thật là nham hiểm và tinh quái. Tự nhiên Sín Lủ thấy lợm giọng, thấy tanh nồng những máu me, khét lẹt những lửa đạn khi phải nghe tiếng sáo của Fouché. Tai nàng ù đi, choáng váng…

 Mấy ngày sau, hết giờ làm việc, từ đồn quay về nhà. Không thấy Sín Lủ đâu, Fouché vào buồng ngủ thấy một mảnh giấy đặt ngay ngắn trên bàn phấn của Sín Lủ:

  Kính gửi Benjamin Fouché!

    Xin phép từ bây giờ được gọi là ngài thiếu tá Fouché. Thưa ngài! Sín Lủ đã làm được nhiều việc cho gia đình là nhờ từ ngài. Ngài cũng là người rộng lượng, hào hoa và có lòng vị tha  đáng kính trọng. Về cá nhân, Sín Lủ rất biết ơn ngài. Tuy nhiên, như ngài đã nói, ngài có nhiệm vụ trung thành với quân đội và Tổ quốc của ngài. Sín Lủ cũng có quê hương và rất yêu quê hương. Vậy, cũng như ngài, Sín Lủ phải có trách nhiệm trung thành với làng bản, quê hương mình. Sín Lủ không thể theo ý ngài về Hà Nội được, việc này còn là để gỡ khó cho ngài, bởi dù sao, Sín Lủ với ngài cũng chỉ là vợ tạm, chồng hờ. Sín Lủ phải ở lại quê hương mình thôi. Xin được trả lại ngài cái họ Fouché. Từ nay, Sín Lủ chỉ là  Sín Lủ. Khi ngài đọc những dòng chữ này thì Sín Lủ đang đi trên con đường mà Sín Lủ đã chọn, không ai có thể nhìn thấy Sín Lủ nữa đâu. Ngài cứ nói với mọi người rằng Sín Lủ đã về Hà Nội để đỡ phiền phức cho ngài. Tuy nhiên,, dù sao cũng đã có một thời  là vợ, là chồng nên ngài vẫn có thể gặp được Sín Lủ lần cuối cùng, đồng thời cũng là để ngài tiếp tục làm nốt một số việc nhằm đảm bảo bí mật như những gì bí mật mà ngài đã từng làm. Ngài nhìn thấy chỗ nào có vẽ hình bông hoa đào năm cánh bằng son môi thì đi theo nó. Cần phải giải thích để ngài hiểu thêm, đối với những cái họ của người Mông, đều có những linh vật tương ứng, ví dụ như họ Sùng là con gấu, họ Mã là con ngựa, họ Giàng là con dê còn họ Thào là bông hoa đào…

                                                                                           Vĩnh biệt Benjamin Fouché

                                                                                                          Sín Lủ

4.

   Sau giải phóng năm 1955, đoàn Khảo sát của Bộ Canh Nông về Mường Kịt khảo sát làm đề án thành lập và xây dựng các Nông, Lâm trường Quốc doanh. Đoàn được chính quyền địa phương bố trí ăn ở tạm thời tại khu vực sân bay Đồng Thân. Ở đấy còn một số căn nhà làm trại lính, nhà điều hành sân bay và một dãy nhà riêng cho khu gia binh đang bỏ không. Chỉ cần cho vệ sinh, cũng có cái ở được ngay, có một số cái phải sửa chữa, quét vôi lại mới dùng được. Những cán bộ, nhân viên thường xuyên làm việc tại nhà thì được bố trí ở khu trung tâm. Những cán bộ, công nhân của đội Thiết kế do phải đi ngoại nghiệp, đo đếm ngoài hiện trường, thời gian làm việc thất thường nên được bố trí ở tại khu gia binh, mỗi phòng vài người và cũng chỉ cách khu trung tâm vài chục mét. Đội Thiết kế của Nguyễn Thế Vĩnh rất cần một số người địa phương thông thạo địa hình. Được sự đồng ý của đoàn trưởng, Vĩnh đến Uỷ ban hành chính xã đặt vấn đề xin người. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu của đoàn trưởng, Vĩnh được bố trí làm việc trực tiếp với đồng chí chủ tịch:

   - Báo cáo đồng chí chủ tịch xã, Đoàn chúng tôi cần tuyển dụng khoảng ba người là thanh niên địa phương có đủ sức khoẻ làm việc cho đội Thiết kế. Nếu có trình độ học vấn cao càng tốt, còn không thì cũng phải biết đọc, biết viết và làm những con tính thông thường.

   - Chúng tôi đang phải lo tập trung xóa mù chữ, ngay như tôi đây cũng mới chỉ biết đọc, biết viết mà đôi lúc còn phải đánh vần. Lấy đâu ra lắm người nhiều chữ thể

   - Cũng có đấy bác ạ! – Một bác chừng tuổi trung niên đang rít dở điếu thuốc lào nói xen vào.

   - Là ai thế?

   - Thằng Thào A Lếnh và Giàng A Trư chẳng đã học hết đít lôm ( Diplôme) rồi hay sao?

   - Nhắc gì đến hai thằng ấy. Gia đình chúng nó thuộc diện gia đình nguỵ quân, anh chị chúng nó là lũ phản động. Ngay cả bây giờ dân quân du kích vẫn còn phải để mắt theo dõi chứ đừng nói cho nó chui vào cơ quan Nhà nước để chúng phá hoại à.

   Việc tìm người không thành vì không biết chữ thì không thể tuyển dụng được. Đoàn trưởng cho phép đội của Vĩnh thuê người dẫn đường theo nhu cầu của từng ngày làm việc. Đội phải chia làm ba nhóm nên thường xuyên phải thuê ba người. Ngay từ ngày đầu, nhóm của Vĩnh đã có một cô thanh nữ người Mông xinh đẹp đến xung phong xin đi dẫn đường, công xá muốn trả bao nhiêu cũng được. Vĩnh hỏi tên, cô nói là Thào Nhếnh. Thào Nhếnh không những thông thạo núi đồi, khe rạch mà cô còn tỏ ra rất thông minh. Những khi nhóm ngồi nghỉ, cô còn có khả năng tư vấn để Vĩnh phác thảo sơ đồ địa hình toàn khu vực. Có cô, nhóm của Vĩnh làm việc với một tiến độ nhanh và chính xác hơn các nhóm khác. Những hôm ở nhà làm nội nghiệp, cô cũng có mặt để giúp Vĩnh chỉnh lý, bình sai. Cả nhóm ai cũng mến cô. Riêng Vĩnh hôm nào không gặp được cô lại thấy nhớ, hình như có cái gì  gần gũi, gắn bó lắm…

   Bấy giờ muốn đo đếm một diện tích rừng nào đó, người ta phải đạc lần rồi về vẽ ra giấy ô ly để tính diện tích. Một lần làm nội nghiệp, thấy có một lô sự sai số lớn quá mức cho phép, theo nguyên tắc thì cả tổ phải vác mia, vác máy đi đạc lại. Thào Nhếnh bảo: “Em biết các anh bị sai ở chỗ nào rồi. Chỉ cần anh Vĩnh đi cùng em đến chỗ ấy em sẽ chỉ cho”. Hai người đi lên rừng theo đường tuyến đã được phát dọn, Vĩnh kiểm tra từng lần ngắm máy, đối chiếu với hiện trường. Đến đoạn khúc gấp giao điểm giữa con suối Khắc và con suối Thúc thì bỗng Thào Nhếnh nói với Vĩnh: “Các anh bị sai phương vị ở điểm này đây”. Vĩnh kiểm tra lại số liệu thấy đúng như lời Thào Nhếnh nói. Vĩnh hỏi:

   - Tại làm sao mà em lại biết ngay là các anh bị sai ở điểm này?

   - Tại vì lúc ấy em đứng gần máy ngắm, thấy kim la bàn chỉ góc 75 độ nhưng anh Tĩnh lại đọc thành 105 độ.

   - Thật đơn giản, cậu ta bị nhầm, đọc ngược kim la bàn. Cũng vì đang nắng nóng lại đến gần con suối mát mẻ thế kia thì nhầm cũng không đáng trách lắm. À, nhưng mà sao em bảo không biết chữ mà lại đọc được cả phương vị la bàn?

   - Không biết chữ nhưng em biết số.

   - Ừ, cũng có lý. Nhưng anh vẫn thấy thế nào ấy, không biết chữ nhưng nói năng như người có học. Hình như em không nói thật.

   - Thôi đi mà, xuống suối ngồi nghỉ rồi em sẽ kể cho anh nghe về nhà em.

    Hai người lội ngược lên một đoạn theo dòng suối Khắc, chặt mấy tàu lá chuối, chọn một bãi đá cuội dải ra ngồi . Nơi này tĩnh lặng, hai bên bờ cây cối mọc dầy, tán cây giao nhau che kín cả dòng suối, có ngồi nói chuyện cả ngày cũng không sợ bị ai quấy rầy, hai người chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng gió lao sao và tiếng chim lích chích đuổi nhau. Nắng xiên khoai qua những lỗ thủng của vòm cây, lấp loá  trên mặt nước trong veo, nhìn rõ từng hòn đá cuội trắng muốt, tròn vo, lung linh méo mó. Thào Nhếnh gỡ bỏ búi tóc trên đầu, Pờ ló ho của cô không cần độn thêm tóc bởi cô có mái tóc dầy xoả xuống dài quá cả khoeo chân. Vĩnh chỉ còn biết ngồi im ngắm cô chải tóc. Thế rồi Thào Nhếnh búi lại mái tóc theo kiểu người Kinh. Cô bảo Vĩnh đi kiếm củi khô còn cô đi chặt ống nứa để đốt cơm lam, cô đã chuẩn bị sẵn mọi thứ trong cái ớp nhỏ. Khi Vĩnh ôm được một bó củi về thì Thào Nhếnh đã cho gạo vào ống, hai con cá chày mắt đỏ to bằng cổ tay được xiên dọc theo một thanh tre. Thào Nhếnh bảo con suối này nhiều cá lắm, có nhiều cách bắt cá, nhưng bắt theo kiểu này thì phải đi trên bờ để không làm động nước, dùng một cái xiên chọc ngay phía trước đầu con cá thì sẽ trúng giữa lưng. Lửa được đốt lên, ống cơm lam và cá được hơ trên ngọn lửa phập phồng mỗi lúc mỗi thơm…

  Thào Nhếnh có một ông anh trai tên là Thào Sếnh, anh ấy yêu chị Sín Lủ và chị Sín Lủ cũng yêu anh Thào Sếnh lắm. Anh Thào Sếnh theo Việt Minh làm điệp viên trên đồn Tây. Chị Sín Lủ hiểu nhầm dẫn đến việc trở thành vợ đồn trưởng sân bay Đồng Thân. Viên đồn trưởng đã tạo ra một thông tin giả gài được anh Thào Sếnh vào bẫy, kể cả cụ Trùm Mun là cấp trên trực tiếp của Thào Sếnh cũng bị bắt rồi bị toà án Pháp xử tử hình. Chỉ còn anh cán bộ điệp báo cấp dưới của Thào Sếnh tên là Hà Văn Thành thì thoát và sau đó được tổ chức đưa xuống huyện đội rồi xung vào quân chủ lực. Sau khi Thào Sếnh chết, chị Sín Lủ cũng ăn lá ngón tự tử. Bây giờ, chị Sín Lủ thì bản làng coi như là bà đầm đã theo chồng người Tây sang Pháp hoặc biệt tích về Hà Nội. Anh Thào Sếnh thì bị coi như là một nguỵ quân nguy hiểm vì còn được quân đội Pháp tuyên dương.  Rất khổ cho những người còn lại của hai gia đình ấy, mang tiếng là gia đình của kẻ phản quốc. Chị Sín Lủ thì thôi chẳng nói làm gì. Nhưng còn anh Thào Sếnh thì oan khuất quá. Thành tích của anh đối với kháng chiến không nhỏ, nhưng ai chứng minh được điều ấy? Cụ Trùm Mun thì mất rồi nhưng dẫu sao cụ cũng còn được công nhận là liệt sĩ. Bây giờ chỉ còn hai người có thể minh oan cho anh Thào Sếnh. Đó là Benjamin Fouché và Hà Văn Thành. Fouché ở mãi tận bên Pháp, là người của phía bên kia, dẫu có tìm được thì cũng chả ai tin. Còn lại Hà Văn Thành chỉ biết tên là thế chứ quê quán cũng chẳng biết ở đâu. Vào bộ đội chính quy, tiếp tục đi chiến đấu, bây giờ biết còn hay mất…Nước mắt lưng tròng, đôi vai Thào Nhếnh rung lên, cô gục đầu ôm gối nức nở. Vĩnh cũng mềm nhũn cả người, câu chuyện đã động đến lòng trắc ẩn sâu thẳm tận tâm can khiến Vĩnh tự nhiên ôm lấy vai Thào Nhếnh, an ủi, vuốt ve…

 Khi cơn xúc động tạm thời dịu xuống, Thào Nhếnh ngẩng lên mở to đôi mắt trong suốt nhìn thẳng vào mắt Vĩnh:

   - Anh Vĩnh, anh là người có học, có vị trí trong xã hội lại được đi nhiều, biết nhiều. Anh có thể giúp em tìm ra anh Hà Văn Thành để minh oan cho anh Thào Sếnh được không?

   - Biết rằng việc này rất khó, nhưng anh xin thề với em, còn sống ngày nào anh sẽ hết sức cố gắng giúp em tìm ra anh Hà Văn Thành.

   - Ôi! Em phải mang ơn anh nhiều lắm!

 

      Mãi đến tận gần trưa ngày hôm sau, đội thiết kế mới tìm thấy đội trưởng Nguyễn Thế Vĩnh nằm bên bờ suối Khắc. Mọi người hoảng hốt cả lên vì nghĩ anh bị cảm, nhưng rồi lay gọi thì anh tỉnh lại, lúc đầu còn mơ màng, ngơ ngác, nhưng sau khi vốc nước suối rửa mặt, Vĩnh trở lại hoàn toàn bình thường. Anh bảo;

    - Tôi nhớ rõ ràng là đêm qua, tôi cùng Thào Nhếnh ăn cơm lam, cá suối ở đây, ăn xong Thào Nhếnh về nhà cô ấy, còn tôi vẫn ngủ tại cái giường ở phòng tôi.

   - Thì chúng tôi cùng với anh vẫn đang đứng trên bờ suối Khắc. Rõ ràng là đêm qua anh đã ngủ cùng Thào Nhếnh ở đây.

   - Vớ vẩn, thế cô ấy đâu rồi?

   - Anh phải hỏi anh chứ, sao lại hỏi chúng tôi?

  Sự việc của Nguyễn Thế Vĩnh trở nên rắc rối. Người ta quy anh vào khuyết điểm hủ hoá, bị đình chỉ công tác và ngồi viết kiểm điểm. Nhưng rồi cũng kể từ hôm ấy, bặt tăm không thấy Thào Nhếnh ở đâu. Đoàn khảo sát cho người đi làm việc với xã, với các bản cũng không tìm thấy cô gái nào có tên là Thào Nhếnh. Căn cứ vào bản tường trình của Vĩnh, người ta lại nghi ngờ rằng cái cô Thào Nhếnh nào đó là gián điệp, đang được cài cắm để phá hoại công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hiện đang còn ẩn náu đâu đây. Một cuộc truy lùng được tiến hành, người ta đi khắp bờ bụi, khe suối, hang hốc quanh vùng. Nhà cửa cũng được xem xét lại kỹ lưỡng, đặc biệt là phòng của Nguyễn Thế Vĩnh, mặc dù đã là Đảng viên, đội trưởng đội Thiết kế nhưng trong vụ việc này vẫn là đối tượng bị nghi vấn. Trên trần nhà trong phòng Vĩnh có một cái lỗ hình vuông là lối để trèo lên kiểm tra trần và mái nhà, bên mép lỗ thấy có hình một bông hoa đào năm cánh kiểu như được vẽ từ một thỏi son môi. Người ta phán đoán có thể Thào Nhếnh đang ẩn náu ở trên đó. Thế là một phương án tác chiến truy bắt đối tượng được vạch ra. Tự vệ của đoàn Khảo sát phối hợp với dân quân xã, có bao nhiêu khẩu súng được huy động sử dụng hết. Người ta cho bắc một cái thang tre ghếch lên miệng lỗ rồi dùng loa điện kêu gọi đối tượng ra tự thú để được hưởng chế độ khoan hồng. Nhưng cho gọi nhiều lần mà trên trần nhà vẫn không thấy có động tĩnh gì. Thế là lại tới lúc cần đến lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh của các dân quân, tự vệ. Có vài người xung phong leo lên trước. Trong tư thế súng đã lên nòng, sẵn sàng nhả đạn nếu tên gián điệp ngoan cố chống cự. Nhưng có đến mấy người, hễ cứ trèo gần lên đến cái lỗ, người thì bị trẹo chân, người thì bị dính rằm tre đâm , thậm chí có người còn bị té ngã. Lúc ấy người ta mới nghĩ đến việc yêu cầu Nguyễn Thế Vĩnh trèo lên trước. Có thể vì không phải đeo súng, dành cả hai tay nắm vào các bậc thang, hoặc cũng có thể vì một yếu tố tâm linh gì đó, Vĩnh đã không bị ngã và trèo được lên trần nhà một cách dễ dàng. Sau khi Vĩnh đã đứng ở trên trần nhà thì những người có chức trách khác cũng nhanh nhẹn trèo lên. Trong tư thế lom khom, dưới  ánh sáng mờ mờ của căn gác sép, người ta nhìn thấy có một khối gì đó dài dài, đen đen nằm ở khoảng giữa trần nhà, xung quanh mạng nhện chăng dầy. Khi đi đến gần, người ta mới nhận ra đấy là một cái quan tài được gắn kết, bịt bọc rất cẩn thận.

    Tất nhiên, các thủ tục về hành chính để xử lý vụ việc người ta đã làm rất đúng quy định. Chỉ biết, theo biên bản của bên pháp y thì trong cái quan tài ấy có một  bộ hài cốt của người phụ nữ với mái tóc dài gần chấm gót chân và một cái đèn ló sử dụng nguồn điện bằng pin.

 

                                                                 C.S

                

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *