Tìm tòi thể nghiệm

14/3
10:56 AM 2019

NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN: DỊCH TÁC PHẨM VĂN HỌC, CÁNH CỬA ĐẦU TIÊN CẦN PHẢI MỞ LÀ VĂN HÓA BẢN ĐỊA

Viết nhiều, in/ xuất bản nhiều, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và nhận được nhiều giải thưởng văn học (cả trong và ngoài nước)… Ấy là những gì mà bất kỳ bạn đọc nào yêu văn chương nào cũng có thể ngay lập tức cảm nhận được về Mai Văn Phấn.

                                               Nhà thơ Mai Văn Phấn

Nếu tính từ lần đầu tiên cái tên Mai Văn Phấn xuất hiện như một tác giả văn học trên thi đàn (Tập thơ Giọt nắng, do Hội Văn Nghệ Hải Phòng ấn hành năm 1992); thì cho đến nay ông đã sở hữu trên dưới 20 đầu sách (bao gồm các tập thơ, trường ca, tiểu luận, phê bình…) xuất bản trong nước; cùng hàng chục đầu sách xuất bản ở nước ngoài bằng hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ... Ngoài ra Mai Văn Phấn cũng là nhà thơ sở hữu khá nhiều giải thưởng văn học, trong đó đáng chú ý là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2010) và Giải thưởng Văn học Cikada của Thụy Điển (năm 2017)…

Nhân dịp này, Văn nghệ đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề dịch tác phẩm ra nước ngoài, lĩnh vực mà ông hiện vẫn giữ vị trí “quán quân” trong làng văn về số lượng tác phẩm

 

* Phóng Viên: Là một trong những tác giả văn học đương đại được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, ông có thể nói gì về việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới từ trước đến nay?

- Nhà thơ Mai Văn Phấn: Dịch thơ không đơn thuần dịch nghĩa, sát nghĩa của văn bản gốc, mà cần chuyển tải được thần thái, cảm xúc của tác phẩm, quan trọng hơn, cần tạo dựng một phong cách thơ trong ngôn ngữ khác. Chất lượng văn bản thơ là tạo ra được những hấp lực, quyến rũ người đọc. Một câu thơ trong tiếng Việt, khi thêm hoặc bớt đi một vài chữ, thậm chí dịch chuyển một dấu phảy đã thấy nội lực của nó thay đổi. Câu thơ ấy khi dịch sang ngôn ngữ khác, chẳng khác nào ta thả con chim lên bầu trời. Một hừng đông hay hoàng hôn đang cần con chim ấy bay qua thì nó lại rẽ sang hướng khác. Việc thơ tôi được dịch sang một số ngôn ngữ, trước hết nhờ chữ “duyên”, gặp được những dịch giả yêu thích, hiểu thấu đáo thơ mình. Hai dịch giả đầu tiên tôi muốn xướng danh họ với lòng kính trọng là nhà thơ Trần Nghi Hoàng và nhà thơ - GS Frederick Turner. Họ là đôi bạn thân có quan điểm hòa đồng, ăn ý khi dịch tập thơ “Bầu trời không mái che” của tôi sang tiếng Anh. Tiếp đến là nhà thơ Lê Đình Nhất-Lang, nhà thơ Susan Blanshard, nhà thơ - GS Pornpen Hantrakool (Thái Lan), nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tiến Văn, dịch giả Hồ Liễu, TS Bùi Thị Hoàng Anh, nhà thơ - GS Jean-Michel Maulpoix, nhà thơ – họa sĩ Dominique de Miscault (Pháp)... Họ là những dịch giả chuyên nghiệp, tài năng đã cho tôi những tập thơ tiếng Anh, tiếng Pháp có chất lượng. Những tác phẩm ấy tựa những hạt giống tốt có thể lan truyền sang những ngôn ngữ khác.

 

* Qua một số tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài, theo ông, rào cản ngôn ngữ, những khác biệt văn hóa, tâm lý của mỗi dân tộc được các dịch giả khắc phục và vượt qua nó như thế nào? Ông có thể nêu vài ví dụ cụ thể?

- Những khác biệt, rào cản ấy phải được các dịch giả hóa giải/ giải mã bằng tinh thần thi ca. Nếu cứ bám theo nghĩa của chữ thuần túy thì khi dịch sang ngôn ngữ khác thơ chỉ còn xác chữ, bởi thơ là không gian tinh thần, không gian văn hóa, cõi sống, là hồn vía… Bài thơ phải được rung vang qua trái tim người dịch nó. Dịch giả cần trải nghiệm lại những khoảnh khắc mà nhà thơ từng sống và sáng tạo. Họ chính là người mẹ thứ hai của đứa con tinh thần nhà thơ. Xin kể lại một chi tiết trong buổi hội thảo tập thơ Höstens hastighet (Nhịp mùa thu) của tôi, do Hội Nhà văn Thụy Điển tổ chức tại thủ đô Stockholm vào tháng 10 năm ngoái để làm rõ hơn. Hôm đó một số bạn đọc Thụy Điển đã nêu những câu hỏi cho hai dịch giả Erik Bergqvist và Maja Thrane, những người đã dịch thơ tôi từ tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Thụy Điển. Hai dịch giả đã kể lại câu chuyện đi tìm ẩn số của văn hóa Á Đông trong quá trình dịch thuật. Họ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lịch sử dân tộc Việt, nhất là những biến động trong thế kỷ vừa qua. Họ cần có khái niệm cơ bản về thuộc tính dân tộc, tâm lý, cũng như phong tục tập quán trước khi chuyển tải tác phẩm. Trong khi dịch những bài thơ của tôi, họ đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về tín ngưỡng Đạo Mẫu, nghi thức hầu đồng, những trò chơi dân gian như chơi chuyền, đánh khăng, chơi ô ăn quan… đã hiện hữu trong những bài thơ của tôi. Kiến thức về văn hóa cũng như những cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Việt đã trở thành khí lực cho các dịch giả biểu đạt lại tác phẩm của tôi trong ngôn ngữ mới.

 

* Hiện nay các tác phẩm của ông đã được dịch ra bao nhiêu tiếng nước ngoài? Ông có bao nhiêu cuốn sách được xuất bản ở các nước? Yếu tố cần và đủ cho một tác phẩm văn học để có thể dịch ra tiếng nướcngoài là gì?

- Thơ tôi hiện được dịch sang 25 ngôn ngữ, trong đó có 15 tập thơ phát hành ở châu Âu, Úc, Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc... Yếu tố cần và đủ cho một tác phẩm văn học có thể trụ được ở bên ngoài, theo tôi trước hết, thi pháp thơ không lạc hậu so với thơ ca thế giới. Lịch sử văn học một số quốc gia từng tạo ra những cuộc cách mạng thơ ca, theo tôi không quá phức tạp, nhưng ta cần đầu tư thời gian tập hợp một cách hệ thống và nghiên cứu thấu đáo. Chúng ta cần tỉnh táo đánh giá lại những thành tựu của các khuynh hướng thơ đã qua và đang thịnh hành, nhận ra những hạn chế của nó để chắt lọc những tinh hoa, làm giàu có thêm nền thơ đương đại chúng ta. Điều quan trọng nữa cần có trong tác phẩm thơ chính là căn tính dân tộc. Căn tính ấy chính là bản sắc dân tộc được lưu giữ trong không gian văn hóa hay còn gọi lãnh thổ văn hóa, từ phong tục, tập quán, ngôn ngữ … đến nếp sống, nếp cảm, nếp nghĩ… Thi pháp hiện đại và căn tính dân tộc chính là đôi cánh của hành trình sáng tạo nói chung, đặc biệt thơ.

 

*  Được biết ông mới có tập thơ “Sinh đôi trong đại dương” in chung với một nhà thơ hàng đầu của Hàn Quốc. Mối duyên này được bắt đầu khi nào và từ đâu?

- Vào cuối năm 2010 nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi được phía Hàn Quốc mời tham dự Festival Thơ ca và Văn học Hàn Quốc-ASEAN. Trong chuyến đi này, tôi đã gặp nhà thơ Ko Hyung-Ryul - Tổng biên tập Tạp chí “Thi học hiện đại”. Tạp chí của ông sau đó đã giới thiệu khá nhiều thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi. Từ dư luận trên tạp chí này, nhà xuất bản Poetry & Expression của Hàn Quốc đã đặt Giáo sư Bae Yang Soo tuyển dịch 40 bài thơ của tôi từ tiếng Việt sang tiếng Hàn, xuất bản cùng với những bài thơ của Ko Hyung-Ryul, lấy tên “Sinh đôi trong đại dương”.

 

* Qua những bài thơ được tuyển dịch sang tiếng Hàn, ông có thấy sự tương đồng và khác biệt nào về thẩm mỹ giữa bạn đọc Hàn Quốc và bạn đọc phương Tây?

- Sự tương đồng như anh nêu chính là thi pháp hiện đại. Đó là cách kết nối không gian và thời gian đa chiều, đa tuyến tính. Tôi đã đọc khá nhiều thơ của các nhà thơ Hàn Quốc đương đại, thấy giữa các thế hệ thơ của họ không có khoảng cách quá xa trong thiết lập không gian và kết nối điểm nhìn. Ở Hàn cũng như một số nước châu Âu mà tôi được biết, các nhà thơ hầu như ít dùng lại phương pháp hiện thực và lãng mạn vốn thịnh hành vào những năm đầu thế kỷ hai mươi ở châu Âu. Tóm lại, thi pháp hiện đại song hành với căn tính dân tộc, theo tôi là bài học thành công của thơ ca Hàn Quốc đương đại. Nó đã làm nên tầm vóc, tên tuổi một số nhà thơ đương đại xứ Kim Chi được thế giới công nhận và ngưỡng mộ, như Ko Un, Shin Kyong-rim, Moon Chung-hee, Kim Kwang-kyu… Còn sự khác biệt về thẩm mỹ giữa bạn đọc Hàn Quốc và bạn đọc phương Tây ư? Qua cách chọn thơ của Giáo sư Bae Yang Soo cho thấy, bạn đọc Hàn Quốc yêu thích những bài thơ mang vẻ đẹp tĩnh lặng, giàu tính thiền trong thế giới tâm linh. Trong khi bạn đọc phương Tây có ấn tượng hơn với những bài thơ giàu lý trí, sắc gọn, chuyển động nhanh, va đập mạnh…

 

* Ông đã đọc thơ của tác giả Ko Hyung-Ryul chưa? Ông lý giải sao khi Nhà xuất bản Hàn Quốc quyết định cho sự “sinh đôi” này?

- Tôi được dịch giả TS. Nguyễn Thị Thu Vân gửi cho 40 bài thơ của Ko Hyung-Ryul đã được chị dịch sang tiếng Việt. Cảm nhận ban đầu của tôi là, thơ Ko Hyung-Ryul tràn ngập ánh sáng, vẻ đẹp của nhân ái, lòng vị tha cao thượng. Vẻ đẹp ấy được hiển lộ trong hình tướng thanh sạch của nước, của khí trời, thẳm sâu lòng đất, lòng biển, của bản tính tự nhiên, hồn nhiên của cỏ cây, muông thú, côn trùng… Chúng rạng lên, soi tỏ nhau, tan hòa tựa những giọt nước, hạt nắng kết thành dòng thác ánh sáng, chuyển dịch mạnh mẽ và liên tục. Về sự “sinh đôi” vừa rồi, có lẽ thơ Ko Hyung-Ryul và tôi tương đồng trong kết nối điểm nhìn và biểu hiện khá rõ bản sắc văn hóa của mỗi nước.

 

* Vậy là yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc quảng bá tác phẩm văn học ra nước ngoài nằm ở nhà văn, cơ quan quản lý, hay các tổ chức xã hội?

- Tôi chỉ biết các dịch giả, nhà xuất bản nước ngoài thường làm việc trực tiếp với tôi mà không thông qua bất kỳ cơ quan quản lý hoặc tổ chức nào. Trong chuyến thăm Thụy Điển vào tháng 10 vừa rồi, tôi có đến thăm nhà xuất bản Tranan ở trung tâm thủ đô Stockholm. Đây là nhà xuất bản đã ấn hành các tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn Việt Nam, như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Đoàn Lê, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần,... và một số nhà thơ Việt Nam như, Nguyễn Quang Thiều, Ý Nhi, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Lương Ngọc,  Ngô Tự Lập, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… Nhà xuất bản Tranan đã làm việc trực tiếp với các tác giả để có tác phẩm xuất bản bằng tiếng Thụy Điển. Qua đây cho thấy vai trò và uy tín cá nhân của nhà văn là yếu tố quan trọng để tác phẩm có thể lan tỏa sang những quốc gia khác.

 

* Ông từng đoạt một số giải thưởng văn học của quốc tế, ông nghĩ sao nếu các tác phẩm văn học của chúng ta được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều hơn thì liệu tên của các nhà văn Việt Nam có được vinh danh nhiều hơn trong các giải thưởng văn học đó không?

- Vâng, dĩ nhiên như anh nói. Đúng là cần cho bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về thành tựu cũng như đời sống văn học chúng ta. Trong thời gian ở Thụy Điển, tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà văn, học giả, bạn đọc mọi tầng lớp, thấy họ chưa có hình dung đầy đủ về diện mạo văn học Việt Nam. Văn học Đông Nam Á nói chung hiện chưa có vị trí xứng đáng ở các nước phương Tây. Tôi cũng chưa dám so sánh văn học Việt Nam với Nhật bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

 

* Với giải thưởng Cikada Thụy Điển mà ông đã vinh dự được nhận cuối năm 2017, ông thấy họ chú ý đến điều gì ở tác phẩm, như văn hóa bản địa, hay tính phổ quát nhân loại...

- Cánh cửa đầu tiên mà họ cần mở ra là văn hóa bản địa. Các nhà xuất bản thường chú ý khai thác những giá trị mới lạ, khác biệt, đem đến cho bạn đọc nước họ những món ăn tinh thần độc đáo. Thông qua những tài năng văn chương, bạn đọc sẽ nhận thấy đi đến tận cùng văn hóa bản địa sẽ gặp tính phổ quát nhân loại.

 

* Ông đánh giá thế nào về quá trình nối tiếp giá trị truyền thống và sự tìm tòi đổi mới sáng tạo trong các thế hệ nhà thơ của chúng ta?

- Giá trị truyền thống là kết quả của quá trình giao lưu, cộng sinh và tiếp biến văn hóa. Sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt qua các thời kỳ cho thấy nó được thông qua ba yếu tố vừa nêu, đặc biệt là tiếp biến văn hóa. Như vậy, hàm nghĩa truyền thống nên được hiểu ở trạng thái động chứ không tĩnh, không cố định, đóng băng. Sự tìm tòi đổi mới sáng tạo là việc tối cần thiết để làm giàu có thêm và cũng để duy trì sức sống của văn hóa dân tộc. Thời gian sẽ tự đào thải những yếu tố không phù hợp với đặc tính dân tộc, và dĩ nhiên, trầm tích thêm những giá trị mới vào vỉa tầng truyền thống.

 

* Với tư cách một nhà thơ có nhiều thành công, ông đánh giá thế nào về đời sống thơ ca của chúng ta hiện nay?

- Thơ chúng ta đang chuyển động nhanh, khá đa dạng. Người đọc cũng phân hóa theo nhiều khuynh hướng đọc, tự do chọn lựa phong cách thơ yêu thích. Những người quen thuộc với thơ truyền thống đã lắng lại, bình tĩnh hơn khi tiếp cận những giá trị đổi mới, khác biệt; khác với thái độ phản ứng tiêu cực, cả quá khích như trước đây. Các tác giả cách tân đã tìm về mạch nguồn căn tính dân tộc, khảng định được phong cách hiện đại, tạo được tiếng nói riêng của thế hệ mình. Số ít tác phẩm của họ đã có vị trí trong lòng bạn đọc trẻ tuổi và cả những người lớn tuổi có cách đọc tự do, cầu thị. Sự đa dạng hóa các phong cách thơ là thể hiện tinh thần dân chủ và bình đẳng trong sáng tạo nghệ thuật. Nó phù hợp với sự tiến bộ, văn minh trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Tôi tin văn học đương đại chúng ta sẽ có vị trí xứng đáng trong lòng bạn đọc quốc tế trong tương lai không xa.

Trần Vũ Long (Thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 7/2019

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *