Tìm tòi thể nghiệm

4/11
3:50 PM 2018

THƠ TANKA CỦA NHẬT BẢN

NGUYỄN BÍCH NHÃ TRÚC-Tính nữ trong văn học Nhật được thể hiện tập trung, đẹp đẽ và diễm tình nhất trong những vần thơ tanka - thể loại được sáng tác nhiều nhất trong thời Heian. Từ Vạn Diệp Tập đến Cổ Kim Tập, tanka là kết tinh cho vẻ đẹp tính nữ của văn chương Heian- "kỉ nguyên vàng" trong lịch sử văn học Nhật Bản. Tanka là thể thơ mẫu mực đã trở thành cổ điển của nền văn học Phù Tang.

Đặc trưng của văn học Nhật Bản là vẻ đẹp tính nữ. Tính nữ ấy xuyên suốt quá trình phát triển của văn học từ cổ đến cận - hiện đại. Dấu ấn tính nữ có trong những truyền thuyết, huyền thoại từ ngàn xưa; tính nữ bàng bạc trong nền thơ ca cổ điển từ thời Nara tới Edo; tính nữ ẩn hiện trong kiệt tác Truyện Genji - cuốn tiểu thuyết được xem là đầu tiên của nhân loại; tính nữ còn được lưu giữ trong những sáng tác của các thế hệ nhà văn hiện đại Nhật Bản sau này, đặc biệt là Kawabata Yasunari (giải Nobel năm 1968). Với tanka - một thể thơ cổ xuất hiện từ thế kỉ thứ IV, vẻ đẹp tính nữ của văn học Nhật Bản đã trở thành tính nữ vĩnh cửu. Bên cạnh haikư, thể thơ ngắn nhất được cả thế giới biết đến, người Nhật còn tự hào vì là chủ nhân của tanka - những vần thơ được xếp vào loại diễm tình bậc nhất.

Nói đến dấu ấn "tính nữ", không chỉ có ở riêng Nhật Bản mà đây là hằng số chung của nhiều nền văn hóa, văn học khác nhau trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Á. Thế nhưng, có lẽ không ở đâu, dấu ấn tính nữ lại đậm nét như ở xứ sở Phù Tang. Có thể nói, vẻ đẹp tính nữ chính là một "kỳ quan" trong văn hóa, văn học Nhật Bản.

Tính nữ trong văn học Nhật Bản có lẽ bắt nguồn từ dòng văn học nữ lưu thời đại Heian. Do những đặc điểm rất riêng biệt trong thể chế cung đình, người phụ nữ thời kì này được đề cao. Những phụ nữ quý tộc trong cung đình Heian tự do sáng tác văn chương về tình yêu và cuộc sống. Văn học "nữ lưu" của Nhật Bản là hiện tượng độc nhất vô nhị trong văn học nhân loại với những cây bút tài hoa, đa tình đã để lại những kiệt tác văn chương bất hủ: Murasaki Shikibu với Truyện Genji; Sei Sonagon với Sách gối đầu giường (Nhật kí bằng thơ) hay nữ sĩ Komachi tài hoa trác tuyệt với những vần tanka bất tử...

Văn chương nữ lưu thời Heian đã ghi dấu ấn và ảnh hưởng sâu sắc trong việc định hướng cảm hứng chủ đạo cho nền văn học Nhật Bản là văn học "sắc tình" và "nữ tính". Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã nhận xét: "Thời Heian, đặc biệt là phụ nữ đã tạo nên một nền văn hóa độc đáo mà nhiều yếu tố của nó đã trở thành nền tảng văn hóa dân tộc"[1]. Mặc dù đến sau thế kỉ XII, vai trò của người phụ nữ trong xã hội mất dần, chế độ phong kiến chuộng võ lên ngôi với sự thống trị của tướng quân Sogun, tầng lớp võ sĩ được đề cao, văn học chuyển dần sang tính chất "võ sĩ đạo" nhưng dấu ấn " tính nữ" của văn chương nữ lưu thời Heian vẫn được lưu giữ và ảnh hưởng sâu đậm, dài lâu. Kawabata đã đánh giá: "Thời kì Heian đã đặt nền móng cho truyền thống vẻ đẹp Nhật Bản, và trong suốt tám thế kỉ đã ảnh hưởng đến truyền thống văn học Nhật Bản, xác định tính chất của nó"[2].

Tính nữ trong văn học Nhật được thể hiện tập trung, đẹp đẽ và diễm tình nhất trong những vần thơ tanka - thể loại được sáng tác nhiều nhất trong thời Heian. Từ Vạn Diệp Tập đến Cổ Kim Tập, tanka là kết tinh cho vẻ đẹp tính nữ của văn chương Heian- "kỉ nguyên vàng" trong lịch sử văn học Nhật Bản. Tanka là thể thơ mẫu mực đã trở thành cổ điển của nền văn học Phù Tang.

Tanka (waka: đoản ca, hòa ca) vốn có nguồn gốc là một thể thơ truyền thống của Nhật Bản, được ghi chép vào thời Nara. Đây là thể thơ đầu tiên, ra đời sớm nhất tại Nhật Bản. "Cổ kí sự"- bộ sử rất quan trọng của người Nhật ghi lại một huyền thoại kể rằng thần bão tố Susano chính là người đã sáng tạo ra bài thơ đầu tiên gồm ba mươi mốt âm tiết, đó là khởi nguyên của tanka[3]. Tập thơ đánh dấu thời kì đầu của tanka là "Vạn diệp tập"- công trình độc nhất vô nhị, "ngọn hải đăng" của thơ ca Nhật Bản. Vạn diệp tập hay còn gọi là Tập thơ của mười ngàn chiếc lá gồm 20 quyển thơ với 4500 bài. Tác giả của nó là những người có tên (khoảng 400 người) và không tên.

Hình thức của tanka rất ngắn, gồm 5 dòng thơ và 31 âm tiết (theo cách cấu tạo của chữ Nhật). Nó được chia một cách bắt buộc: 5 7 5 7 7. Với 31 âm tiết, bài tanka không quá 12 từ. Và đó là thể thơ ngắn thứ hai chỉ sau haiku. Sở dĩ tanka được người Nhật yêu thích và sáng tác nhiều hơn haiku bởi nó không tuân theo quy tắc phải có quý ngữ (kigo); mặc khác, tanka còn được gieo vần tự do hơn và đặc biệt, nó có thể diễn tả rất uyển chuyển bất kì tình cảm, cảm xúc nào của con người, đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Mỗi bài tanka tuy chỉ có 5 dòng, 31 âm tiết nhưng ý tình đều trọn vẹn, đó thường là một câu chuyện tình được cô đọng chặt chẽ và hàm súc trong số lượng ngôn từ hữu hạn; hình ảnh thơ trang nhã, mực thước nhưng cũng rất dung dị. Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ tanka là loại ngôn ngữ quý tộc được trau chuốt một cách tinh tế, mượt mà nên dễ lay động lòng người.

Đội ngũ sáng tác của tanka khá đa dạng nhưng chủ yếu là tầng lớp quý tộc cung đình Heian, không phân biệt nam hay nữ giới. Trong đó có cả những vị vương công, công chúa, công nương, hoàng thân, thiên hoàng, cựu hoàng, phu nhân...; thậm chí có cả các nhà sư, hòa thượng. Tanka được đánh giá "là thể loại thơ cao cấp và được trau chuốt, phần lớn ca ngợi cái đẹp và những tình cảm nghiêm túc"[4].

"Tao nhã và dịu dàng, đó là cái đẹp của tanka"[5]. Có thể ví những vần thơ tanka như hình ảnh các nàng geisha thấp thoáng dưới bóng hoa anh đào: đẹp diễm tình và buồn man mác. Bước vào thế giới "tao nhã và dịu dàng" ấy, người đọc sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên xứ sở Phù Tang và tâm hồn Nhật Bản, đặc biệt là tâm hồn người phụ nữ.

Nội dung lớn nhất, đặc trưng quan trọng nhất của tanka là tiếng nói tình yêu nam nữ. Tanka được coi là thể thơ tình của người Nhật. Khi muốn thổ lộ tình cảm luyến ái, trai gái Nhật làm thơ tanka: "Dù ở nhiều xứ khác, thơ ca cũng có vai trò "mối lái" trong tình yêu nam nữ nhưng đặc biệt ở Nhật, nhất là vào thời Heian, việc nam nữ tâm tình với nhau bằng các bài thơ là vô cùng phổ biến..."[6].

Tanka diễn tả mọi cung bậc của tình yêu - yếu tố bản thể, thuộc tính thiêng liêng nhất của con người. Từ những cảm xúc nhẹ nhàng, man mác của tình yêu chớm nở chảy tràn trong tim, bộc lộ ra sắc diện:

"Giấu tình yêu đi

Nhưng mà sắc mặt

Dường như thầm thì

Và người ta hỏi

Phải rằng đang si"

(Kanemori)

đến tình yêu mãnh liệt, tha thiết như sóng triều dâng:

"Như trong phong ba

Sóng đập vào bờ đá

Em đừng sợ

Tâm hồn tôi cũng thế

Dâng trào thiết tha"

(Shigeyuki)

Chân thực và tinh tế, tanka diễn tả nỗi khắc khoải trong tình yêu khi phải chia xa:

"Em đâu biết được

Lòng anh thế nào

Sáng chia tay nhau

Tóc đêm còn rối

Hồn thì nao nao"

(Công nương Horikawa)

Cảm nhận hạnh phúc vẫn còn lưu giữ trong tâm hồn của một công nương sau khi người yêu đã rời xa được chắt lọc một cách tinh tế chỉ trong năm dòng thơ và ba mươi mốt âm tiết. Bài thơ tiêu biểu cho chất "dư tình" lắng đọng trong cảm xúc thơ tanka.

Đặc trưng lớn nhất của những bản tình ca ấy vẫn là vẻ đẹp, buồn, đầy hoài niệm. Tâm hồn người Nhật hiện lên thật trọn vẹn và chân thực:

"Tôi đi đây

Nhưng nếu em đợi

Như cây thông gầy

Đứng trên đỉnh núi

Tôi lại về ngay".

(Yukihira)

Bài thơ đã đem đến cho người đọc một cảm giác nao lòng. Cũng là nói về sự thủy chung đấy mà sao chất chứa bao niềm tin tưởng và yêu thương trong lời nhắn gửi. Trái tim của chàng trai đa tình như tin chắc một điều rằng người mình yêu giống như "cây thông gầy" trên đỉnh núi cao - biểu tượng của sự đợi chờ, chung thủy sắt son. Trong tình yêu, niềm tin thật cần thiết bởi đó là ngọn lửa sưởi ấm cho nhau dù muôn vời cách trở, giống như niềm tin của cựu hoàng Sutuko trong bài thơ dưới đây:

"Dòng nước đang trôi

Rẽ theo ghềnh đá

Rồi lại chung đời

Thành dòng thác đổ

Em về bên tôi"

Những muộn phiền và khổ đau trong tình yêu mà tanka diễn tả cũng thật nhẹ nhàng, bao dung:

"Dù người bỏ rơi

Tôi không hận

Nhưng lời thề xưa

Nếu như linh hiển

Sợ lắm người ơi!

(Công nương Ukon)

Sự đợi chờ và nỗi lo sợ phải chia ly nhiều khi trở thành ẩn ức trong cõi vô thức con người, ám ảnh cả trong những giấc mơ:

"Bờ Suminôê

Sao người không đến

Sợ thế nhân ghê

Trong mơ cũng thế

Người không thấy về"

(Toshiyuki)

Đặc biệt, tanka còn dành những vần thơ đẹp đến nao lòng để khóc thương cho cái chết trong tình yêu.

"Nàng có là hoa không

Khi tro tàn hài cốt

Tôi đem rắc trên đồng

Tàn tro bay nhè nhẹ

Hương hoa vào hư không"

Bài bi ca của một tác giả vô danh thật nhẹ nhàng nhưng có sức ám thị rất lớn. Hình ảnh chàng trai đang rắc tro tàn hài cốt của người yêu gây cho người đọc nỗi xúc động sâu xa. Ta có cảm giác như trong gió lạnh, giữa đồng vắng, hình bóng chàng thật lẻ loi, chìm khuất trong làn tro bụi quấn quanh người đang bay nhè nhẹ theo làn gió.

Người Nhật tôn thờ tình yêu nhưng cũng cảm nhận rất rõ về sự mong manh, hư ảo, vô thường của nó. Họ thường xây dựng cho mình một lí tưởng để tồn tại, nhưng khi lí tưởng ấy không còn thì cũng sẵn sàng hủy hoại bản thân. Thật hợp lí khi cho rằng: "...người Nhật, bên cạnh việc tìm cho mình một ý nghĩa sống của cuộc đời thì vẫn sẵn sàng hủy hoại mạng sống của mình khi ý nghĩa đó không còn nữa"[7]. Không ít người đã chọn tình yêu là lẽ sống duy nhất của cuộc đời. Tình yêu dường như đã trở thành "sợi dây vô hình" nối từ quá khứ đến hiện tại, xuyên kết những tâm hồn vĩ đại Nhật Bản như: các nhà văn, nhà thơ nữ thời Heian (Komachi, Izumi, Murasaki Shikibu...), tới Kawabata ("tình yêu là sợi dây độc nhất giữ đời tôi lại") và Murakami Haruki - nhà văn đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản sau này. Trong những tác phẩm của Murakami, tình yêu là ý nghĩa duy nhất đối với cuộc đời con người, đặc biệt tình yêu gắn liền với thể xác là nơi trú ngụ của nỗi cô đơn và sự mất mát trong tâm hồn của những người trẻ tuổi.

Các nhà thơ nữ tài sắc của thời kì Heian như: Komachi, Izumi, Ise, Sakanoeno Iratsume... đã viết nên những bài tanka tình yêu hay nhất. Tình yêu đam mê, tận hiến và giàu hi sinh của người phụ nữ Nhật Bản chính là điểm sáng nhất của thiên tính nữ trong thơ tanka:

"Nếu yêu là chết

Thì thiếp đã chết rồi

Chết đi

Chết lại

Chết trăm nghìn lần"

(Phu nhân Kaxa- thế kỉ VIII)

"Yêu là chết". Vậy mà vẫn cứ dâng hiến tất cả cho tình yêu: "Chết trăm nghìn lần". Đó là sự khẳng định cho lí tưởng sống coi tình yêu là cả cuộc đời của những cô gái Phù Tang có vẻ ngoài mảnh mai, dịu dàng, e ấp như những nụ hoa đào nhưng ẩn chứa bên trong là những trái tim yêu mãnh liệt, thiết tha, giàu nữ tính.

Komachi- một trong 6 ca tiên, người con gái nổi tiếng tài sắc mà cuộc đời đã trở thành huyền thoại, là chủ nhân của những bài tanka diễm tình nhất. Tình yêu của nàng luôn cháy bỏng đam mê. Đó là một tâm hồn đa cảm, khao khát tình yêu, khao khát tri âm, tri kỉ:

"Từ khi tôi nhìn thấy

Người tôi mong chờ

Trong một giấc mơ

Thì niềm tin từ đấy

Tôi đặt vào trong mơ"

Komachi là niềm ước ao, ngưỡng vọng của biết bao chàng trai. Truyền thuyết kể lại rằng một chàng trai vì quá si mê Komachi nên đã chấp nhận đứng trước cửa nhà nàng trong trời giá lạnh suốt 100 đêm. Nhưng đến đêm thứ 99 thì chàng si tình ấy đã gục ngã. "Đẹp như Komachi" cũng là một đề tài trong văn học Nhật. Vốn kiều diễm và được nhiều người say mê là vậy, nhưng dường như Komachi vẫn là người "bất hạnh" trong tình yêu. Tiếng thơ của nàng chứa đầy ẩn ức và tâm sự về những mối tình thầm kín. Thơ Komachi mềm mại, dịu dàng, đẹp đẽ và đầy nữ tính. Đó là sự kết hợp của trái tim tình yêu cuồng nhiệt, nồng nàn và một bút pháp tài hoa, lãng mạn phi thường:

"Có một thứ nhạt phai

Mà không ai nhìn thấy

Bởi sắc ngoài còn tươi

Đóa hoa vô định ấy

Là trái tim con người"

Ca tiên Izumi- tuyệt thế giai nhân tài hoa, là con quan tổng đốc trong triều đình. Thơ Izumi là tiếng lòng của một cuộc đời riêng không hạnh phúc. Nhật kí bằng thơ của Izumi được coi là một loại tiểu thuyết ngắn về tình yêu. Tình yêu đơn phương, bấp bênh, vô định của nàng được ghi lại trong "Từ thế chi ca"- bài thơ viết trước khi từ biệt cõi đời:

"Kỉ niệm cuối cùng em hỏi

Khi đi khỏi thế gian này

Mà tim em khao khát

Hãy đến, anh ơi, lần nữa

Kẻo rồi em chết ngày mai"

Các nhà thơ tanka đã để lại những nốt nhạc lòng về tình yêu và nhân thế giữa cõi phù sinh ngắn ngủi. Lấy tình yêu làm cứu cánh cho cuộc đời, tanka đã chạm vào những góc khuất tình cảm riêng tư, sâu kín nhất của con người. Đó là nguyên nhân lí giải vì sao những ai đã và đang sống trọn vẹn với tình yêu của mình, khi đọc thơ tình tanka đều rung cảm sâu xa trước một sức mạnh vô hình, giàu nữ tính.

Nội dung thứ hai của tanka - phương diện khác của vẻ đẹp tính nữ là hình ảnh thiên nhiên diễm tình, quyến rũ.

Thiên nhiên trong thơ haiku thường được nhìn dưới góc độ khách quan, thiên nhiên "như nó là" và "thiên nhiên đích thực là thiên nhiên"[8], không bị cái nhìn chủ quan của con người chi phối. Nhà thơ haikư luôn nhìn thiên nhiên như bản thân nó vốn có, và thường "chụp" lại những khoảnh khắc bất chợt bắt gặp được trong cuộc sống, trên bước đường du hành. Khác với haikư, thiên nhiên trong tanka lại là thiên nhiên đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của con người. Thiên nhiên là đối tượng để con người kí thác, giãi bày tâm sự. Vì vậy, thiên nhiên trong tanka là những bức tranh đẹp diễm tình với vẻ đượm buồn của cảnh, gửi gắm tâm sự của thi nhân về tình yêu và nỗi sầu nhân thế. Ta hãy cảm nhận một đêm trăng thu đẹp mà buồn như vậy:

"Khi tôi nhìn trăng

Nghìn điều vương vấn

Sầu đau ngỡ ngàng

Dù thu đâu phải

Một mình tôi mang"

(Chisato)

Thiên nhiên trong tanka có đủ bốn mùa với những hình ảnh rất đặc trưng của xứ sở Phù Tang như: tuyết, trăng, hoa anh đào... Tuy nhiên, thu lại là mùa xuất hiện nhiều nhất trong tanka. Có lẽ vì đây là mùa của những cảm thức tế vi của con người trước trạng thái chuyển giao của đất trời: "Mùa thu là mùa cây cỏ hoa lá úa vàng, con người buồn, sinh vật ít hoạt động, nhưng cũng là giai đoạn đang còn tăng tiến của tính chất này, chưa phải là đỉnh cao của sự tàn lụi (như mùa đông). Nó là cái âm chưa trưởng thành đầy đủ..."[9]. Mùa thu là không gian tâm trạng phù hợp nhất cho tâm hồn Nhật Bản vốn nhạy cảm trước sự phập phồng của những vận tiết dù là nhỏ nhoi nhất của vũ trụ.

Thơ tanka có nhiều bài hay viết về thu:

"Trong cỏ dại

Mái lều nằm sâu

Giữa niềm cô tịch

Dù không khách viếng

Mùa thu ghé vào"

(Pháp sư Egyô)

Bài thơ như một cơn gió dịu nhẹ thoảng qua nhưng chứa đầy thi vị. Hình ảnh "mùa thu ghé vào" "mái lều nằm sâu trong niềm cô tịch" "trong cỏ dại" kia dường như đã thâu tóm được khoảnh khắc linh diệu của đất trời khi có sự hiện diện của mùa thu. Thu đang về trong một mái lều nơi "không khách viếng", lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao sự bí ẩn, diệu kì...

Cũng có khi thiên nhiên trong tanka hiện lên là một bức tranh trong sáng, đầy khoáng đạt với hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ - biểu tượng thiêng liêng, niềm kiêu hãnh của xứ sở Phù Tang, ngàn năm đứng lặng yên, trầm mặc:

"Từ biển bờ Tago

Ta nhìn lên núi

Fuji ơi

Một màu trinh bạch

Tuyết buông xuống đời"

(Akahito)

Hay một bức tranh sinh hoạt của con người vô tình được nhà thơ bắt gặp trong khoảnh khắc giao mùa từ xuân sang hạ:

"Mùa xuân qua rồi

Và mùa hạ đến

Thấy chăng, dưới trời

Áo người đang phơi"

(Nữ hoàng Jito)

Nhưng những bài thơ miêu tả thiên nhiên tươi vui, giàu sức sống như vậy là không nhiều. Thiên nhiên trong tanka chủ yếu là những gam màu buồn và hình ảnh "điêu linh" của cái đẹp, của cây lá cỏ hoa:

"Vào giữa mùa đông

Ngôi làng trên núi

Âm u vô hồn

Cỏ cây tàn tạ

Con người héo hon"

(Muneyuki)

Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thiên nhiên trong tanka là ở đó thường chất chứa nỗi lòng của những người đang yêu, thiên nhiên là người bạn thân thiết, tâm giao của con người. Tôn thờ tín ngưỡng Kami, người Nhật cho rằng trong mỗi sự vật đều có một linh hồn. Vì vậy, họ không ngần ngại thổ lộ tình yêu với người bạn thiên nhiên thủy chung và thầm lặng ấy:

"Bụi trúc nhỏ nhoi

Giấu mình trong cỏ

Tình yêu của tôi

Bỗng dưng lớn dậy

Giấu sao được người"

(Hitosi)

Thiên nhiên tươi đẹp cũng là nơi để con người bộc lộ những tâm sự thầm kín về cuộc đời phù thế. Nhìn những cánh hoa đào, Komachi nghĩ về sự hư ảo của cuộc đời người con gái:

"Hoa đào ơi!

Nhan sắc phai rồi

Hư ảo mà thôi

Tôi nhìn thăm thẳm

Mưa trên đời tôi".

Thiên nhiên quyến rũ, xinh đẹp và khắc nghiệt của xứ sở Phù Tang được khắc họa chân thực, sống động trong tanka. ẩn chứa trong linh hồn thiên nhiên ấy là tâm hồn của con người với nhiều trở trăn, suy tư, hoài niệm. Thiên nhiên và con người dường như là hình và bóng của nhau, soi chiếu cho nhau trong những chỉnh thể thơ ngắn gọn và hàm súc. Thiên nhiên trong thơ tanka hầu hết là những bức tranh đẹp và buồn bởi tâm hồn con người gửi gắm vào đó là tâm sự chứa đầy "niềm bi cảm" về cõi đời phù thế.

Đặc trưng nổi bật nhất, cũng là linh hồn của mỗi bài tanka chính là chất "dư tình" (yoji) lắng đọng của nó. Tiến sĩ Mai Liên đã nhận định: "Đặc điểm nổi bật mà một bài tanka phải đạt tới là "dư tình" - tức những dư ba của xúc cảm bâng khuâng, xao xuyến, dịu dàng, không phải những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt. Chính vì vậy mà thơ tanka cũng rất "giàu nữ tính"[10]. Chất "dư tình" trong những bài tanka được tạo ra từ những cảm thức thẩm mĩ truyền thống của người Nhật như: aware, yugen, sabi, wabi.... Quan trọng nhất là cảm thức "aware".

Aware là "cảm thức thâm trầm trước cái đẹp não lòng của thiên nhiên và con người"[11]. Nói một cách khái quát, đây là "thứ cảm xúc hay tâm trạng sâu lắng khi chạm tới sự cơ vi và mong manh của đời người"[12]. Một học giả Nhật thế kỉ XVIII là Motoori Norinaga thì cho rằng đây là tư tưởng trung tâm của mĩ học thời Heian. Aware không chỉ là cảm thức chủ đạo mà còn là nguồn gốc của mĩ học Nhật Bản. Aware có mặt trong hầu hết các bài tanka, chi phối, quy định cảm xúc, ngôn ngữ và hình ảnh thơ.

Ngoài cảm thức aware, trong thơ tanka còn đặc biệt nổi trội một cảm thức thẩm mĩ khác đó là yugen (u huyền). "U huyền vốn là một từ Hán Nhật dùng để chỉ những cảnh giới sâu xa, vi diệu và thần bí mà con người không dễ dàng nắm bắt được, trong waka (tanka) thời trung đại, đây là từ dùng để chỉ một trạng thái lí tưởng mà ở đó, vẻ đẹp tao nhã đóng vai trò chủ đạo khiến nảy sinh những cảm xúc hay tâm trạng sâu xa nằm ngoài ngôn ngữ"3. Yugen cũng được coi là tiêu chí đánh giá vẻ đẹp của một bài tanka.

Như vậy, với aware, yugen,... tính nữ trong thơ tanka bộc lộ rõ nhất.

Thơ tanka luôn ẩn chứa sức mạnh quyến rũ kì lạ của tính nữ. Tanka có mềm yếu đấy (đặc trưng của tính nữ) nhưng đó không hẳn là những vần thơ quá bi lụy, bởi: "tanka hiếm khi thể hiện những cảm xúc dữ dội như sự cuồng nộ, uất hận, những khát vọng điên dại, sự kinh hoàng... những cảm xúc mà ta dễ bắt gặp ở những nền thơ ca khác, "nam tính" hơn, sử thi hơn".

Trải qua 13 thế kỉ, đến nay, tanka vẫn sống trong tâm thức của người Nhật như một biểu tượng của niềm hoài vọng cổ xưa, của tính nữ vĩnh cửu trong văn hóa, văn học. Cùng với haiku, tanka là bộ phận quan trọng trong nền thơ Nhật Bản nói riêng, thi ca nhân loại nói chung. N.I. Conrad đã nhận định: "Thơ trữ tình Nhật Bản thời sơ kì trung đại là một trong những khâu hay nhất của chuỗi thơ tráng lệ trong thi ca phong nhã thế giới và là một trong những hiện tượng tuyệt vời nhất của nền văn hóa Nhật Bản các thế kỉ từ X đến XII"[13]. Thơ tanka cùng với văn chương nữ lưu Heian là di sản văn hóa của xứ sở Phù Tang. Tanka là tiếng nói diễm tình không chỉ của riêng giai cấp quý tộc thời ấy mà nó còn có sức sống lâu dài trong đời sống tinh thần của không ít người Nhật hôm nay. Thơ tanka như những cánh hoa anh đào kiêu sa nở giữa cuộc đời mà chắc chắn sẽ làm say lòng bất cứ ai đến với nó.*

N.B.N.T.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ono no komachi

*

Người ta vẫn nói rằng

Có vùng nhỏ phẳng lặng

Giữa xoáy nước trào sôi

Vòng xoáy tình yêu tôi

Không nơi nào bình lặng.

Khuyết danh

 

*

Như băng tuyết đang tan

Mỗi khi mùa xuân đến

Chẳng để lại dấu vết

Tình yêu anh nồng nàn

Giá băng tim em hết

Khuyết danh

 

*

Nếu nghe thấy tiếng

Tuổi già đang tới

Hãy đóng cửa lại

Rằng tôi không có nhà

Và từ chối gặp anh ta

Khuyết danh

 

*

Có thể thế giới này

Từ xa xưa

Vẫn thường buồn như vậy

Hay nó trở nên như vậy vì

Rượu sake của tôi?

Khuyết danh

 

*

Đang héo tàn

Trong vẻ ngoài lộng lẫy

Có phải là bông hoa

Của trái tim chàng

Trong thế giới trần gian?

Ono no Komachi (TK IX)

 

*

Tôi cô đơn nhường ấy

Thân thể tôi là cây rong run rẩy

Nổi trôi, đứt lìa gốc rễ.

Làn nước dụ tôi đi

Tôi sẽ trôi theo, tôi nghĩ.

Ono no Komachi

 

*

Những bông hoa đã tàn

Những sắc màu đã nhạt

Tôi đi qua cuộc đời

Tẻ buồn và vô vị

Cơn mưa dài cứ rơi

Ono no Komachi

 

*

Nghĩ về anh,

Em ngủ, chỉ có anh

Xuất hiện trước em -

Nếu em biết đó là một giấc mơ

Em sẽ không bao giờ thức dậy.

Ono no Komachi

 

*

Thậm chí trong giấc mơ

Tôi không thể gặp anh lần nữa

Chiếc gương của tôi mỗi sáng

Hiện lên gương mặt võ vàng

Tôi quay đi xấu hổ

Ise (nữ sĩ & vợ của Hoàng đế Uda)

 

*

Nếu tôi coi

Thân thể tôi như một cánh đồng

Khô héo bởi mùa đông

Thì dù tôi đang cháy

Tôi vẫn đợi mùa xuân?

Ise

 

*

Những bụi gai mọc dầy

Anh không thể nhìn thấy

Lối mòn tới nhà em:

Lòng em mãi chờ đợi

Mà sao anh không tới.

Hòa thượng Sojo Henjo (815-890)

 

*

Trời hoàn toàn yên ắng

Ngày xuân tràn ánh sáng

Từ bầu trời mênh mông

Tại sao hoa đào đỏ

Rơi xuống mãi không ngừng?

Ko no Tomonori

 

*

Mặc dù tôi biết chắc

Rằng anh sẽ không tới

Trong ánh nắng chiều tà

Khi đàn châu chấu gọi

Tựa cửa, tôi đợi chờ

Khuyết danh

 

*

Sương mù giăng,

Những nụ hoa bừng nở.

Khi tuyết mùa xuân rơi,

Trong làng chẳng còn bông hoa nhỏ

Những bông hoa xoay tròn chơi vơi.

Ki no Tsurayuki

 

*

Màn sương ấm bao phủ

Những nụ hoa bừng nở

Tuyết mùa xuân xuôi dòng

Trong ngôi làng mùa đông

Rơi những cánh hoa trong suốt

Ki no Tsurayuki

 

*

Khi màn sương mờ giăng mắc

Chồi non đầu xuân đã mọc

Những cánh hoa tuyết lại rơi

Làng quê không hoa của tôi

Nằm dưới những bông tuyết rụng.

Ki no Tsurayuki

Mai Liên dịch (Nguồn: Tạp chí Thơ)

 

 

 

[1] Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 - Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 2003.

[2] Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản- Diễn từ Nobel văn chương 1968- Kawabata Yasunari. Đoàn Tử Huyến dịch từ bảng tiếng Nga. (Evan.com.vn)

[3] Thơ ca Nhật Bản- Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 1998.

[4] Khái quát về "Vạn diệp tập" (Manyoshu) – TS. Nguyễn Thị Mai Liên

http://vanhoa.blogspot.com/2005/04/khi-qut-v-vn-dip-tp-manyoshu.html

Evan.com.vn

[5] Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 - Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 2003.

[6] Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 - Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 2003.

[7] "69"- Ryu Murakami. Người dịch: Hoàng Long. NXB Văn học, 2009. Trích từ Phụ lục: "Sự biến đổi giá trị văn hóa thể hiện trong văn học Nhật Bản hiện đại" - Hoàng Long.

[8] Thơ thiền Việt Nam thời Lí Trần - Khảo sát từ góc độ nghệ thuật (chuyên đề cao học). PGS. TS Đoàn Thị Thu Vân. Đại học Sư Phạm Tp.HCM.

[9] Thơ thiền Việt Nam thời Lí Trần - Khảo sát từ góc độ nghệ thuật (chuyên đề cao học). PGS. TS Đoàn Thị Thu Vân. Đại học Sư Phạm Tp.HCM.

[10] Khái quát về "Vạn diệp tập" (Manyoshu) – TS. Nguyễn Thị Mai Liên

http://vanhoa.blogspot.com/2005/04/khi-qut-v-vn-dip-tp-manyoshu.html

Evan.com.vn

[11] Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 - Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 2003.

[12],3 Thế giới thơ và Tiểu thuyết từ Truyện Genji đến Murakami Haruki- Mitsuyoshi Numano, giáo sư văn học Đại học Tokyo (Tài liệu Hội thảo văn học Nhật Bản, tháng 9.2009. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam).

[13] Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 - Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 2003.

* Những bài tanka được sử dụng trong bài viết do Nhật Chiêu dịch.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *