Thời sự văn học nghệ thuật

24/4
9:42 AM 2019

CÓ MỘT CHIẾC VÕNG THƠ HUY CẬN

Anh Chi-Nhiều sách báo và từ điển đã ghi: Nhà thơ Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919. Còn chúng tôi, đã được nghe ông tâm sự rằng, đó là theo giấy khai sinh lập khi đi học, đúng ra, ông sinh ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thìn, dương lịch là 22/1/1917, tại Ân Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Ân Phú là một vùng quê có núi cao, sông dài, trời rộng, người dân rất ham hát Ví dặm, kể chuyện Kiều và ngâm Kiều. Những năm ấu thơ nơi miền quê nghèo nhưng đẹp đẽ ấy đã cho Huy Cận nhiều kỷ niệm khiến ông nhớ suốt đời. Đơn cử một chuyện mà ông đã ghi trong hồi ký: Có lần lên núi Mồng Gà bên sông Ngàn Sâu chăn trâu, Huy Cận căng sợi dây rừng ngang một hố đất, rồi bật dây, và có được một âm thanh trầm nặng cộng hưởng bởi hố đất vọng lên trời rộng. Chú bé chăn trâu Huy Cận lắng nghe, thấy kinh ngạc và thích thú, bởi dường như có không gian cao bao la lẫn sự thẳm sâu của đất đã nhập vào tiếng rung của sợi dây rừng… Và rồi, âm hưởng trò chơi tuổi nhỏ đó như là một trong những khởi nguồn tạo nên phong cách riêng của thơ Huy Cận sau này:

                        Tôi sinh ra ở miền sơn cước

                        Có núi làm xương cốt tháng ngày

                        Đất bãi tơi làm da thịt mát

                        Gió sông như những mảng hồn bay

                                                 (Tôi nằm nghe đất)

            Do nhờ một ông cậu đem vào Huế cho ăn học từ lớp tư, đến năm 1939 Huy Cận tốt nghiệp tú tài toàn phần. Thời gian học ở Huế, Huy Cận đã viết một số bài bình luận văn học, gửi đăng trên báo Tràng An; và cũng cho đăng lẻ tẻ một số bài thơ, trong đó có bài Chiều xưa, viết năm 20 tuổi do xúc cảm trước vẻ cổ xưa của kinh thành Huế, đã bộc lộ sức suy tưởng dồi dào, mới lạ cùng ngôn ngữ thơ lục bát đẹp chuẩn mực:

                        Đồn xa quằn quại bóng cờ,

                        Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về.

                        Ngàn năm sực tỉnh, lê thê

                        Trên thành son nhạt chều tê cúi đầu

Cuối năm 1939, Huy Cận được ra Hà Nội học ở trường Cao đẳng Nông lâm, và cũng dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác thơ. Tháng 11 năm 1940, ông cho xuất bản tập thơ Lửa thiêng, lập tức trở thành hiện tượng thơ ca đặc sắc trong đời sống văn chương đương thời. Hoài Thanh đã ghi nhận về Huy Cận trong tập Thi nhân Việt Nam, năm 1942: “Người đời ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc…”. Có thể nói, ngay từ buổi đầu bước vào làng thơ, Huy Cận đã đem đến cho người đọc một lối thơ luôn gắn liền với quê hương xứ sở, và với một tài năng thiên phú, ông luôn có được những cảm xúc lớn hướng tới thiên nhiên, vũ trụ. Tràng giang, một trong  những bài thơ đầu tay, bối cảnh sáng tác là dòng sông Hồng, Huy Cận đã tạo nên những câu thơ khác thường: Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu…; cho đến khi trải qua quá nửa đời người, bài Chiếc võng thơ, ngôn ngữ và hình tượng thơ ông thật siêu việt: Đầu treo vũ trụ, đầu treo loài người

            Từ năm 1942, Huy Cận vừa học trường Nông lâm vừa bí mật hoạt động trong Văn hóa cứu quốc mà vẫn sáng tác nhiều, ông còn cho xuất bản tác phẩm Kinh cầu tự, tập văn xuôi triết luận về cái nghĩa của sự sống. Đến chặng này, Huy Cận đã hoàn thiện một bản lĩnh thơ đầy cá tính, sức tư duy mạnh bạo, và đặc biệt, tỏ rõ một khả năng độc đáo là tìm thơ trong mối giao hòa giữa con người với không gian mênh mông, thời gian bao la. Đơn cử bài Nằm nghe người thở, với thể lục bát chân chất mà những câu thơ ông có sức ôm trùm thật lớn:

                         Nằm nghe người thở bên ta

                        Nghe ta cùng thở vui hòa đêm nay

                        Nghe xe nghìn kiếp đưa quay

                        Nóng muôn hạt gió bừng lay ngực đời

            Huy Cận xuất hiện trên thi đàn vào thời điểm phong trào Thơ mới lên đến đỉnh cực thịnh, cũng là lúc đời sống xã hội phong kiến nửa thuộc địa Việt Nam đang rất nhiều bức bối, đặc biệt là tại các đô thị. Trong tâm tư giới trí thức yêu nước nảy sinh những câu hỏi lớn về dân tộc, vận mệnh đất nước, về đường hướng cuộc sống… Huy Cận cũng vậy, nhưng ông không đặt câu hỏi làm gì với đời, mà nêu vấn đề đời (đòi) hỏi mình: Đời hỏi gì ta? hồn ta đây/ Nhìn đêm mắt rụng hay sao bay… Nêu vấn đề đời (đòi) hỏi gì ta, là để biết ta cần dâng hiến gì cho đời? Và, cái ông dâng hiến là hồn ta đây. Bút lực hùng mạnh, xúc cảm to lớn và hình tượng thơ Huy Cận thật phi thường: Âm binh rên khóc giữa trưa hè/ Quay tròn giọt lệ ba nghìn hướng/ Đời hỏi gì ta sau bánh xe? “Bánh xe” ở đây, là bánh xe luân hồi trong triết học Phương Đông, cũng là triết lý nhân sinh của người Việt ta.

Phong trào Thơ mới nước ta (1932-1944) là một cuộc hòa nhập đẹp ngoạn mục của thơ Việt và thi ca thế giới. Trong cuộc hòa nhập này, các thi sĩ Thơ mới đã tiếp thu những cái hay đã trở thành giá trị văn hóa của các trường phái thơ hiện đại của các nước Tây – Âu, cả Lãng mạn, Hiện thực, Tượng trưng và Siêu thực. Nếu thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Tế Hanh… có được cái đẹp của chủ nghĩa Lãng mạn; Nguyễn Bính, Anh Thơ, Yến Lan… tạo được nhiều mỹ cảm bởi phong thái Hiện thực; thì Chế Lan Viên, Huy Cận… đã sử dụng thủ pháp Siêu thực thật tài tình. Nhưng, quan trọng và thiết thực hơn, ngoài tạo nên bút pháp đột ngột mới so với thơ trước đó, các nhà Thơ mới tài danh của ta luôn viết về đời sống của người Việt, và viết bằng tâm hồn Việt Nam. Bởi thế, Thơ mới thực sự là một thành công đặc sắc của thi ca dân tộc Việt nói riêng và của Văn hóa Việt Nam ta nói chung!

            Phát triển rực rỡ được mươi năm, và rồi các nhà Thơ mới hầu như đã bắt đầu có sự lạc điệu trước đời sống, nhất là từ năm 1942 đến 1945. Những biến chuyển trong đời sống vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt, nhất là khi Mặt trận Việt Minh đẩy mạnh hoạt động sâu rộng trong dân chúng, nhiều thi sĩ hay buồn và mơ mộng đã có sự hạn chế trong việc nắm bắt những ý nghĩa của sự thay đổi thời cuộc. Còn Huy Cận, ông đã sớm viết được những bài thơ với khuynh hướng vươn tới một đời sống khác, nhân bản hơn:

Ta đã nguôi quên buồn thế hệ

Tâm tư bè bạn gió trăng ơi...

Ta đã buồn vui như sóng bể

Nghìn năm mặn đắng trải xa khơi

Cuối tháng 7 năm 1945, Huy Cận được Tổng bộ Việt Minh triệu tập đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, và được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa). Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống xâm lược Pháp, và lại kháng chiến chống Mỹ, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng, thứ trưởng của nhiều ngành: Canh nông, Nội vụ, Văn hóa. Liên tục là lãnh đạo chủ chốt những cơ quan lớn, nhưng Huy Cận luôn là nhà thơ viết được nhiều trong số các nhà thơ hàng đầu của thơ ca Việt Nam thế kỷ XX. Theo thời gian, thơ ông ngày càng bình dị hơn, đến được với đông đảo công chúng hơn, mà vẫn tinh tế trong ngôn ngữ và đằm sâu trong xúc cảm… Tới những năm bốn mươi, năm mươi tuổi, hình tượng và ý tưởng thơ ông vẫn tinh anh, nhiều khi còn đạt đến độ sâu sắc kinh điển. Đơn cử trường hợp bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương, những câu thơ có sức lay động lòng người thật lớn:

                        Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

                        Trán như nổi sóng biển luân hồi

                        Môi cong chua chát tâm hồn héo

                        Gân vặn bàn tay mạch máu sôi

            Huy Cận là nhà thơ đặc biệt nhậy cảm về những nỗi xót thương u ẩn trong cõi đời. Qua những pho tượng La Hán, ông viết về những thân phận người Việt ta: Là cha ông đó bằng xương máu/ Đã khổ không yên cả đứng ngồi… Huy Cận thường tư duy thơ rất khái quát, ngẫm nghĩ tạo dựng bài thơ từ những khái niệm ôm trùm nghĩa lý đời người. Bởi thế, không gian, thời gian trong bài thơ thường rất xa rộng. Ngay từ hai tập thơ đầu, Lửa thiêng và Vũ trụ ca đã cho thấy rõ phẩm chất đó của Huy Cận; và mấy chục năm sau cũng vậy, bài thơ Trò chuyện với Kim Tự Tháp là một điển hình cho lối tư duy khái quát và suy nghĩ ôm trùm của ông. Lối tư duy đó, khiến cái tôi trữ tình của Huy Cận thật lớn, thật sâu rộng, (Ta viết bài ca gọi biển về):

                        Ta, biển sinh đôi tự thuở nào

                        Sóng ngầm bao đợt nhói lòng đau

                        Cái vui đầu sóng, buồn chân sóng

                        Cùng lặn chiều hôm nét đỏ au

            “Đỏ au”, là màu đỏ trầm sâu, theo cách nhìn nhận dân quê. Huy Cận thực sự là một nhà thơ của nông dân, nông thôn. Ngôn ngữ ông dùng viết thơ là thứ ngôn ngữ tinh chất của người dân miền Trung mà dân chúng ở mọi miền quê khác hiểu và cảm được dễ dàng…

Không phải chỉ khi viết về đề tài nông thôn thơ Huy Cận mới thể hiện phẩm chất đó, mà nó đã là bản chất, phong thái thơ ông. Ngay cả trong thơ tình yêu, ta cũng thấy rõ phẩm chất ấy:

Yêu đời trong máu trong xương

Lòng anh hạt muối đại dương bồi hồi…

            Ngoài sáu mươi tuổi, Huy Cận về hẳn với môi trường văn học nghệ thuật, được cử làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhờ vậy, ông viết được nhiều hơn. Đã qua hai cuộc kháng chiến, mấy chục năm trường, từng nhiều phen lặn lội qua bùn lầy, đá sắc, thấu hiểu bao nghĩa lý của mồ hôi nước mắt và cả những máu xương người Việt. Gốc rễ thơ Huy Cận đã bắt chặt vào đời sống, ngày càng sâu dày, gắn bó thật bền dai với rất nhiều sự kiện xã hội trong thế kỷ XX, với biết bao buồn vui sướng khổ của thân phận con người…

     Anh tặng em những ưu phiền

                        Trong câu hát cũ nghe bên chợ cầu

                             Còn hằn trong chữ trong câu

                        Nỗi đau ngày trước cày sâu mặt người

                                                               (Bài Buổi sáng hôm nay)

            Vào nhưng năm bảy mươi tuổi, rồi tám mươi tuổi, là lãnh đạo chủ chốt của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Huy Cận vẫn đi nhiều nơi, tới nhiều địa phương để làm công tác phong trào. Đã thành thói quen, mỗi khi tới một địa phương, ông thường dành nhiều thì giờ để tìm hiểu về con người và những chuyện đời ở địa phương đó. Đấy là cách triển khai thơ của ông. Từ những mảnh chum vại vỡ của một làng quê, ông cảm nhận được vị mặn của mắm muối chất chứa chiều sâu những phận người. Từ cây đèn kéo quân đêm Trung thu, nhà thơ thấu cảm vòng quay vô cùng vô tận trong xã hội con người. Cái gốc rễ thơ Huy Cận càng bắt sâu vào nhiều thang bậc đời sống, vào muôn mối chuyện đời, thì gốc rễ ấy càng nuôi lớn hồn thơ ông, vươn tới những khoảng rộng xa, sâu thẳm. Với một tâm thế thơ thật cao, Huy Cận cảm nhận, cái trục đèn kéo quân đang kéo những cảnh giàu có yên vui, kéo cả những ưu phiền cực nhọc chạy vòng quanh, liên tục: …Kéo những bóng những hồn nhân thế/ Kéo giàu sang, kéo cả nghèo hèn…/ Quanh quẩn mãi sao không biết mỏi/ Đèn vẫn chong chong, đời chửa thay màu. Và, với một trái tim thi sĩ lớn, nếm trải nhiều những thăng trầm, được, mất trong cõi con người, những câu thơ ông thật giàu ý nghĩa nhân văn:

                        Trục nhọn cứ xoáy lòng ta mãi

                        Quanh trục đời vinh, nhục đua chen

                        Quanh trục đời thiện, ác đan xen

                                                               (Đèn kéo quân)

            Những người được sống gần Huy Cận biết rõ, tính tình ông xuề xòa, bình dị như một người dân quê miền Trung. Ngoài tám mươi tuổi, người ta vẫn thấy Huy Cận đều đặn đến văn phòng của mình, để đọc hoặc viết, mặc dù ông bước đi chậm chạp, đôi khi như trẻ con lẫm chẫm bước từng bước… Sống giản dị, đơn sơ hết mực, mà thơ ông lại tinh tế và sâu sắc vào bậc nhất trong nền thơ ca Việt Nam thế kỷ XX. Được sống thêm vài năm đầu thế kỷ XXI,Huy Cận còn ăn tết Ất Dậu 2005 với người thân, bạn bè. Không có bệnh tật gì, vậy mà buổi tối ngày mười một tháng Giêng, ông tạ thế. Mọi người thân thương và gần gụi ông đều hiểu, đó là một cây bạch lạp to lớn lạ lùng đã cháy hết mình. Và, người đời gần xa cũng hiểu, trong cõi đời này, có một chiếc võng thơ Huy Cận, một đầu móc vào xã hội con người, một đầu móc vào vũ trụ. Hồn ông còn đưa hoài, đưa mãi trên chiếc võng phi thường ấy. Để khép lại bài tiểu luận này, chúng tôi muốn nói thêm rằng, chiếc võng thơ đó, duy nhất Huy Cận có được trong thế giới thi ca bao la của nhân loại!                                                         

            Nguồn Văn nghệ số 16/2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *