Thời sự văn học nghệ thuật

15/2
7:54 AM 2019

NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XVII-2019 LÀ SỰ KIỆN “3 TRONG 1”

Đó là thông báo của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc họp báo chiều 13-2-2019 tại Hà Nội, về việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII-Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019. Nhà thơ Trần Đăng Khoa-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-Chủ trì cuộc họp báo trên đây. Tham gia chủ trì cuộc họp báo còn có nhà văn Dương Dương Hảo, Chánh văn phòng Hội Nhà văn và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, phụ trách công tác truyền thông của Ngày thơ VN lần thứ XVII.

Quang cảnh cuộc họp báo (Ảnh: Baomoi.com)

Thông báo của Hội Nhà văn VN cho biết: Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII-Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019 là sự kiện văn hóa đặc biệt quan trọng mở đầu năm mới 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là sự kiện văn học “ba trong một”, bao gồm chuỗi các hoạt động: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII. Các hoạt động trên đây sẽ diễn ra từ ngày 15-2 đến ngày 21-2-2019 (tức từ ngày 11 đến ngày 17 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động tổ chức đồng thời tại 3 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang. Gần 200 đại biểu quốc tế là những nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu tiêu biểu cho nền văn học đương đại của 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ tham gia các hoạt động trên đây. Cụ thể như sau:

Ngày 16-2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ hội thảo về sự phát triển chung của văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Buổi chiều cùng ngày, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam sẽ tham dự cuộc giao lưu và đọc thơ với sinh viên Văn khoa Đại học Sư phạm Hà Nội 1, với chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca”.

Ngày 17-2 (tức ngày 13 tháng Giêng), buổi sáng sẽ diễn ra Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, với chủ đề "Sông núi trên vai" hướng về hải đảo và biên giới của Tổ quốc. Buổi tối, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức Dạ hội thơ quốc tế tại Văn Miếu.

Ngày 18-2 (tức 14 tháng Giêng Kỷ Hợi), tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế.

Ngày 19-2 (tức Rằm tháng Giêng Kỷ Hợi), khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại thành Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều CLB thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức vào tối 20-2 tại Hà Nội.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giải đáp câu hỏi của các phóng viên báo chí (Ảnh: Baomoi.com)

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về việc tại sao năm nay lễ khai mạc Ngày thơ không tổ chức đúng ngày Nguyên Tiêu như thông lệ trước đây? Việc giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và giao lưu với các nền văn học khác được tiến hành như thế nào trong điều kiện thời gian hạn hẹp? Chủ đề ngày thơ tại Văn Miếu là “Sông núi trên vai” hướng về biên cương, hải đảo liệu có “hạn hẹp” đề tài không? v.v... Thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn VN và BTC Ngày thơ VN lần thứ XVII, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: Năm nay Ngày thơ Việt Nam không khai mạc vào ngày rằm tháng Giêng như truyền thống mà dời sang tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, vì đó là ngày nghỉ cuối tuần, những người yêu thơ sẽ có điều kiện tham dự sự kiện văn chương này. Mặt khác, vì Ngày thơ năm nay là sự kiện “3 trong 1” và tổ chức tại 3 tỉnh-TP, nên phải “đẩy” ngày khai mạc lên sớm thì chương trình mới trọn vẹn.

Về việc giới thiệu, quảng bá văn học VN và giao lưu văn học quốc tế, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: Văn học Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn. Từ nhiều năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã quảng bá, tuyên truyền văn học Việt Nam ra thế giới, nhưng lần này là việc quảng bá văn học Việt Nam với quốc tế một cách bài bản và kỹ lưỡng hơn để thế giới biết đến nhiều hơn về Việt Nam thông qua hoạt động thơ ca. Cuộc gặp gỡ lần này chỉ là một dịp để kết nối triển khai các kế hoạch đã thực hiện từ nhiều năm nay. Đồng thời trong thành phần các đoàn đại biểu quốc tế còn có nhiều nhà quản lý, xuất bản, nghiên cứu, dịch thuật... Cùng đó, dịp này Hội Nhà văn VN cũng đã biên soạn 3 ấn phẩm in song ngữ Việt-Anh: Khái quát 10 thế kỷ văn học Việt Nam; Tuyển tập thơ Việt NamTuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại làm tài liệu chính thức cho các đại biểu. Các ấn phẩm này sẽ như cẩm nang để những người yêu thơ ca Việt Nam cũng như các đại biểu quốc tế có cái nhìn khái quát về lịch sử văn học Việt Nam. Đặc biệt, chương trình lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII có phần thơ chủ đề “Sông núi trên vai” sẽ có nhiều đề tài để các nhà thơ thể hiện tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Bên cạnh những bài thơ thể hiện tinh thần dân tộc, trách nhiệm của các nhà thơ với công cuộc bảo vệ Tổ quốc còn có nhiều bài thơ về quê hương, tình yêu riêng-chung và thơ dịch v.v…

TUYÊN HÓA

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *