Thời sự văn học nghệ thuật

19/4
8:00 AM 2019

NHÂN NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21-4: ĐỌC BỘ BA TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN TẤN PHÁT

Về vai vai trò quan trọng của sách với việc nâng cao dân trí, tác giả Nguyễn Tấn Phát của bộ ba tiểu thuyết Ngôi sao hộ mệnh( NXB Tổng Hợp TP.HCM 2014), Đeo bám ( NXB Văn Hóa-Văn Nghệ TP.HCM 2017, giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật 2017), Vòng xoáy cuộc đời (NXB Hội Nhà Văn 2018) để nhân vật của mình phát biểu :“Nếu tớ là bộ trưởng bộ văn hóa hay Giáo Dục… tớ sẽ phát động toàn dân mỗi người trong đời viết một cuốn sách, mỗi người trong năm đọc hết một cuốn sách hay”.

1.   Nhân vật Khanh (Vòng xoáy cuộc đời), sau phát biểu như trên, còn thuyết phục người nghe bằng  thực tế, ở Thụy Sĩ “hầu như nhà nào cũng có một thư viện mini”. Và với dân Phần Lan thì “ một thư viện đối với họ không chỉ là nơi đọc sách, mượn sách, mà con là nơi kích thích tinh thần tìm tòi, sáng tạo, tinh thần giao lưu,  học hỏi”. Nhân vật Khanh quan niệm “động lực mạnh mẽ để mỗi con người, mỗi quốc gia vươn lên phía trước, chứa đứng trong những cuốn sách…”

                              “Mỗi người trong đời viết một cuốn sách” là một đề nghị “lãng mạn” nhưng không phải không có cơ sở thực tế. Bởi lẽ, nói như chính tác giả Nguyễn Tấn Phát, trong tiểu đoạn “suy ngẫm” ở chương cuối sách Ngôi sao hộ mệnh thì “Ai cũng có một lịch sử riêng, một cuộc đời riêng…mỗi người là một thực thể, là sự tổng hòa của vô số nhân tố làm cho Ta mãi mãi là Ta chứ không phải ai khác” (tr.398 ). Mượn lời nhân vật Khanh, một trí thức trẻ, một nhà khoa học nổi tiếng từng du học ở Mỹ nói như thế, tác giả chẳng những đề cao kinh nghiệm sống riêng biệt, độc đáo của mỗi cá nhân mà đương nhiên đã kiến nghị cách chia sẻ kinh nghiệm cá nhân ấy, bằng sách, với số đông không thể có được riêng biệt và độc đáo kia. Mà riêng biệt và độc đáo là không thể thiếu ở một tác phẩm văn học có giá trị.

                Thử tìm độc đáo và riêng biệt trong  Ngôi sao hộ mệnh. Ở  tiểu thuyết tự truyện này, người xưng tôi – tác giả Nguyễn Tất Phát nhân chứng lịch sử của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, đã được chữ nghĩa cắt gọt, chưng cất, được thăng hoa thành nhân vật văn học của tác phẩm viết về trường lớp, thầy trò, của nền giáo dục ấy! Nhân chứng – nhân vật kia,  đã khai tâm, đã vỡ lòng ở chiến khu Đồng Tháp Mười quê mình, học  tiểu học và trung học ở các trường miền Nam trên đất Bắc (sau 2 năm học tạm, khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc) học đại học sư phạm Hà Nội những năm Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, học cao học ở đại  học lớn nhất phe xã hội chủ nghĩa ngày ấy, trường Lômônôxốp trên đồi Lê Nin…để rồi trở thành Ủy viên trung ương Đảng, thứ trưởng thường bộ Giáo dục &Đào tạo kiêm Giám đốc ĐH quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

                Sàng lọc bằng ấy từng trải, tác giả giữ lại cho bạn đọc những trang thật văn chương!                 

                                Đây là cách học của học sinh Tấn Phát trong trường tiểu học chiến khu Đồng Tháp Mười: “Mỗi ngày ủy ban kháng chiến cấp cho mỗi người chúng tôi một lon gạo. Thức ăn thì tự túc…tổ tôi ở sát bờ kênh nên thường tổ chức …giăng mùng dưới kênh, bắt cá…” (tr.44)

                 Đây là hơi ấm còn mãi tới hôm nay trong tâm can người kể chuyện ngày ấy, khi một thân một mình tập kết ra Bắc: “Những chiếc thuyền đánh cá của dân chài cập mạn tàu đưa tất cả trung đội vào bờ. Người dân Thanh Hóa nói tiếng là lạ…trời se lạnh…chúng tôi được đưa thẳng vào lán trại, nằm nghỉ một chút trên những tấm đệm kết bằng rơm rạ ngoài đồng. Có mấy người phụ nữ đầu chít khăn mỏ qụa gánh mấy thùng cháo bốc hơi nghi ngút…Đang đói và lạnh, húp chén cháo đậu xanh nấu nhừ nóng hổi, căn miếng đường thẻ, tôi thấy lòng ấm lại như có ngọn lửa tỏa nhiệt khắp người” (tr.60)

                 Đây là vừng sáng đại học thời Tấn Phát đã là một giảng viên trẻ “Tiêu chuẩn mỗi người một tháng chỉ được cấp nửa lít dầu hỏa thắp đèn không đủ cho tôi chong đèn đọc sách trọn tháng. Tôi phải vặn thật ngỏ ngọn đèn như hạt đỗ, mua một cái gương soi cá nhân có chân chống, đặt sát vào đèn…ánh sáng phản chiếu làm trang sách sáng thêm”. Việc học còn sáng hơn nữa khi máy bay Mỹ ném bom vào khu vực khoa văn ĐHSP Hà Nội sơ tán, 5 nông dân thiệt mạng khi đang làm đồng, thầy trò chung sức cùng dân “an táng người chết, đốt đuốc lấp hố bom khi mặt trời lăn”!

                 Trở lên là những chuyện ấm, chuyện sáng của thời vừa đánh giặc dốt vừa đánh giặc cướp nước. Chuyện lạnh, chuyện tối của giáo dục thời ấy có không? Có đấy! Chính trò Phát kể “Kì cục nhất là những buổi tối thầy vào phòng kiểm tra nền nếp ngủ tối của tập thề phòng tôi. Thầy phê bình nhắc nhở giường nào chưa bỏ mùng, tấn mùng chưa kĩ, chỗ nào còn nghe tiếng thì thào chưa chịu ngủ, xong đâu đó thầy vén mùng tôi chui vô nằm kế bên, làm như đang rình phục những ai còn bướng bỉnh chưa nghe lời thầy. Nằm được một chút, thấy cả lớp ra chừng đã yên ngủ, thầy ôm ghi tôi chặt cứng, hôn hít lia lịa vào mặt, vào mũi tôi, thì thào nói yêu tôi nhất lớp…đó là những đêm kinh hoàng…” (tr.84).

                  Còn chuyện kì cục và kinh hoàng khác cậu bé Phát phải từng trải, là khi Phát cùng bè bạn sang học nhờ bên Nam Ninh Trung Quốc: “Đúng bảy giờ sáng ngày diệt chim sẻ, chúng tôi được bố trí mỗi người đứng dưới một gốc cây, đồng loạt la ó,  gõ xoong, nồi, chậu, thùng, khua gậy khua sào làm lũ chim sợ hãi nháo nhác bay…một lúc sau, nhiều con mệt mỏi, rã cánh, lìa đàn…sà đại xuống đất…bị chộp bắt hết con này đến con khác…tối hôm ấy xem phim thời sự…tôi nhìn thấy mấy xe cam nhông chở đầy xác chim sẻ” (tr.85)

                   Trong Ngôi sao hộ mệnh sự độc đáo và riêng biệt còn thể hiện khi hồi ức của nhân vật tự truyện dẫn chuyện học hành ngày ấy giao cắt với những biến động dữ dội của lịch sử Việt Nam! Nguyễn Tấn Phát có người em họ làm tới chuẩn tưởng phía bên kia - tướng Nguyễn Hữu Hạnh! Ông Hạnh ở bên Tổng thống - đại tướng Dương Văn Minh, ngày 30-4-1975 cho tới khi tướng Minh đọc lời đầu hàng vô điền kiện quân giải phóng. Tướng Hạnh ở vị trí ấy theo sự giác ngộ, khuyến khích,  động viên của ông Nguyễn Tấn Thành, mật danh Vô Tư, thân sinh tác giả Nguyễn Tấn Phát, người đã có chuyện “sanh tâm” bị khai trừ Đảng. Ông Tấn Thành, thực hiện nhiệm vụ được giao từ  ban Binh vận trung ương, để rồi ngày 30-4-1975  tướng Hạnh, theo lời kể của tác giả “Ngồi bên cha tôi trên chiếc xe jeep của ban binh vận trung ương cục…cắm cờ mặt trận giải phóng như một người có công góp vào hòa bình cho đất nước…”  và rồi trở thành Ủy viên mặt trận tổ quốc việt Nam TP.HCM, có tiếng nói quan trọng trong việc giúp gia đình những quân nhân trong diện phải học tập, cải tạo, được đoàn tụ bên Hoa Kỳ.

                 Với cách viết quyết liệt, đi tới cùng sự thật, để nhân chứng biến thành nhân vật một cách tự nhiên, câu chuyện của  Ngôi sao hộ mệnh đã tạo được niềm tin nơi người đọc. Tiến sĩ văn học Bùi Mạnh Nhị nhận xét “Thật thú vị khi thấy có những chiến công nhờ sự hi sinh, mưu trí, dũng cảm được khơi nguồn và đã kết thúc trọn vẹn,  bắt rễ sâu từ đạo lí, nghĩa tình của dòng họ huyết thống và nhân cách của con người”.

             2.Nhưng tác giả Nguyễn Tấn Phát không lạm dụng, không ỉ lại từng trải cá nhân, vì từng trải nào cũng có giới hạn của nó! Trong tiểu thuyết thứ hai Đeo bám người viết đã tự tin “giãn cách hiện thực” dùng khá nhiều phép bút để tăng sức lôi kéo bạn đọc, tăng lượng thông tin trong các hình tượng văn học mình xây dựng. Tác giả kiên trì phục bút, để dẫn bằng được bạn đọc theo dòng văn của mình. Kho báu của Trịnh Đố thấp thóang xuất hiện ở chính lũy tre mà khi 12 tuổi, anh ta bị hơi bom ném lên ngọn tre (tr.69). Nhưng tới trang 220 anh ta mới được chạm… chân vào, và mãi tới trang 230 “gõ đục chừng 10 phút chiếc nắp rương lì lợm bật tung ra…sau mấy lớp ni lông là vàng bạc châu báu”. Nguyễn Tấn  Phát tận dụng lối cầm chân bạn đọc đã có từ thời các thuyết thoại nhân kể chuyện chương hồi, để kể câu chuyện thiện ác đụng độ ở những năm đầu thế kỉ XXI tại tỉnh Bình Giang kia, nơi Vĩnh Thọ muốn có một đô thị đại học khang trang cho đất nước trong khi phe lợi ích nhóm chỉ muốn xây qua quýt một làng đại học úi xùi để dễ bề chấm mút.

                Trong đối đấu tốt xấu căng thăng, tác giả tự tin cho xuất hiện loại nhân vật đa nhân cách như Trịnh Đố - một  anh hùng thời chống Mỹ,  “vừa đáng thông cảm, vừa đáng giận, có pha trộn ánh sáng và bóng tối, không nằm ở đường ranh thiện ác rõ ràng như trong truyện cổ tích, một nhân vật như ta đã gặp đâu đó khắp quanh ta” (tr.203). Muốn vậy, theo Vĩnh Thọ nhân vật được nhận giải văn chương, “anh [nhà văn] không thể chỉ là người tường thuật tài ba, người miêu tả tinh xảo,  mà phải là người sáng tạo, hư cấu, tạo mới nhiều cái chỉ có trong tương lai” bởi vì chính hư cấu lại là cách “Phản ánh chân thật cuộc sống” (tr.293). Và để thoả sức hư cấu, tưởng tượng, nhân vật bà Vi của tiểu thuyết thứ ba Vòng xoáy cuộc đời, đã xuất hiện ở ngay những trang cuối tiểu thuyết thứ hai Đeo bám này nhằm tăng cường tính liên kết của một bộ ba tác phẩm, đồng thời đưa ra thông báo lôi kéo bạn đọc tới lối viết có thể làm “người chết sống lại”!

                 3.Đó là lối viết mang hơi hướng hiện thực huyền ảo, một bút pháp nổi lên ở các quốc gia Mỹ Latin sau thế chiến II, người đại diện là Gabriel García Márquez.  Những người theo hiện thực huyền ảo  quan niệm hiện thực bao gồm đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo; không chỉ là chính sử, hiện thực còn là các huyền thoại và truyền thuyết…

                   Vòng xoáy cuộc đời kể câu chuyện hai gia đình, khởi từ chiến trang biên giới 1979 ở các tỉnh phía Bắc. Trận pháo kích diễn ra vào đúng đêm hai bà mẹ trở dạ sinh hai bé gái. Người mẹ tên Vi (được nhắc trên kia) sinh ra bé Hoa, nhưng trong đêm tên bay đạn lạc, các bà đỡ trao nhầm cho bà bé Lan con ông hàng  xóm độc ác tên Tấn Bò Tót (mẹ bé Hoa, vợ ông Tấn, đã chết không  toàn thây đêm pháo kích ấy) để rồi bi kịch diễn ra, ông Tấn hãm hiếp đứa bé hàng xóm vốn là con ruột của mình khi Lan mới 8 tuổi. Quá đau đớn, sợ hãi, bà Vi mang bé Lan bỏ xứ trốn vào Nam, nhưng bi kịch chưa hết, ở đất mời, anh ruột của Lan, thằng Sung Mãnh một tay trùm buôn lậu lại rắp tâm chiếm đoạt em gái mình, khi mà ở nơi đất cũ, người vợ của Sung Mãn phát điên vì bị bố chồng – chính ông Tấn Bò Tót lạm dụng tình dục…

                 Có những quan hệ tính giao loạn luân như thế, lại bắt đầu từ vùng biên viễn có sự tích hòn vọng phu nổi tiêng với những li tán và hội tụ bất ngờ  Vòng xoáy cuộc đời có thể coi là một truyền thuyết hiện đại. Người đọc tìm thấy trong tiểu thuyết này, những chi tiết phi thường tác giả đưa vào như là cách tạo ra logic văn chương thuyết phục bạn đọc tin vào truyền thuyết được kể.

                  Hay nhất trong tiểu thuyết nay, là những trang mô tả nghi thức tẩm liệm thi thể bà Vi. Tác giả mô tả kĩ lưỡng chuyện “bác sĩ làm thủ tục…chở xác bà Vi về nhà”, để nếu bà  sống lại, thì hiện thực dương thế mà bà tham gia đã có một chiều kích mới, đã có mặt một người, từ cõi âm trở về. Bạn đọc thấy, nhà bà Vi đã treo cờ tang, đầu bé Lan đã chít khăn tang, cái xác đã được tắm nước thơm, đã được ngậm đồng tiền và những hạt gạo nếp rang… thì “khuân mặt tái xanh, lạnh tanh của bà Vi ấm dần, sáng dần…tiếng ho bật mạnh…bà Vi từ từ mở mắt và ngồi bật dậy. Ông Tấn Bò Tót thất kinh, đánh rơi loảng xoảng các vật đang cầm trên tay và ù ù bỏ chạy ra ngoài” (tr.75)

                  Để sự tái sinh của bà Vi thật hơn, tác giả mô tả kĩ lưỡng những giọt nước mắt hồi sinh lúc ấy, nước mắt của đứa con ruột – bé Hoa, tìm về huyết thống và của bé Lan, đứa con nuôi mới bị bố đẻ biến thành hiến vật “xả xui giải hạn”, cùng chan hoa, “Thấm ướt khuôn mặt, sống mũi, khóe mắt của bà Vi”. Và sau này chính thứ nước thánh của tình thương ấy, lại từ khoé mắt  Lan, “tới tấp rơi tràn trên mặt, trên hai khóe mắt” Đức Cừơng để anh, người tình trong tương lai của Lan đang mù thành sáng, đưa tới cho tiểu thuyết này một kết thúc có hậu!

                Trong thực tế đời sống văn học Việt Nam, việc tổ chức các hoạt động nhằm biến từng trải cá nhân thành các tác phẩm phục vụ đông đảo bạn đọc đã diễn ra dưới hình thứ các cuộc vận động sách tác, các trại viết. Nhờ cách này, Tổng cục chính trị thuộc bộ quốc phòng liên tục ra các sách “kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”. Và mới đây Bộ Giáo dự & Đào tạo mở cuộc thi viết  “kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” năm 2018. Với bộ ba tiểu thuyết của mình, tác giả Nguyễn Tấn Phát đã truyền cảm hứng cho cả nhà tổ chức, và những người được tổ chức để mảnh dạn sáng tạo văn chương!

                                                                                                                               TQT

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *