Tác phẩm và dư luận

15/1
8:42 AM 2017

TẬP THƠ “TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN VIỆT CHIẾN-GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2016

Nhà thơ Anh Ngọc: Nguyễn Việt Chiến là một người sống và làm nghề có ý thức. Những vấn đề cấp thiết của đời sống - mà một số trong đó mang tính vĩnh cửu - được anh quan tâm nồng nhiệt, luôn giành cho chúng vị trí hàng đầu trong thơ mình. Đó là những suy nghĩ và cảm xúc mang tính công dân, mang phẩm chất của con người xã hội.

20 BÀI THƠ TRONG TẬP THƠ “TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN VIỆT CHIẾN-GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2016

 

NHẬT KÝ MỘT NHÀ BÁO

 

Anh dành cho mình vài phút xa xỉ

Sau một ngày làm việc

Được ngồi một mình với cốc bia

Giữa những người xa lạ

 

Thành phố đang mưa

Đám mây trong đầu anh

Và ngọn lửa nghi ngại

 

Chiếc bàn uống nơi anh ngồi

Ướt và bẩn

Vài phút xa xỉ anh dành cho mình

Sau cơn giông

 

Anh không biết gì về những người xung quanh

Họ đang uống cũng như anh ngẫm ngợi

Trời mỗi ngày một tối

Và mưa mau hơn

 

Những đứa trẻ bán báo rong trong thành phố này

Cũng giống những đứa trẻ lang thang phía bên kia lục địa

Và, anh - người làm báo

Viết gì về trẻ thơ

 

Chiến tranh và cái đói

Tuổi thơ rét mướt

Anh đã từng đi qua

 

Giờ này

Bên cạnh chiếc máy chữ của anh

Đất đai đang cày xới

Những hạt giống được ngâm ủ trong bùn

Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi

Và anh

Kẻ nông phu cần mẫn

Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ

Bởi niềm tin lành lặn

Ở con người

 

NHỮNG NGÔI CHÙA TRONG ĐÊM

 

1

Mẹ đang cầu nguyện

mỏi mòn chuỗi hạt tháng năm

 

bóng mẹ in trên vách thời gian

như pho tượng tạc bằng nước mắt

 

Mẹ bảo: nước mắt ban ngày chảy xuôi đánh thức những ngôi đền

còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong

thấm đến một miền đức tin cứu rỗi

 

bởi thế

            trên gương mặt thời gian

            trên gương mặt người đời

nước mắt không bao giờ ngừng chảy

 

rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt

rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin

rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện

 

rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà đi con

 

2

Mẹ ơi !

đám mây lành kia là con trai của mẹ

dẫu ánh ngày đã tắt

mẹ vẫn nhận ra con dưới mái nhà này

mẹ vẫn nhận ra con

mùi mồ hôi bé bỏng quen thuộc

khi con chạy về từ một tuổi thơ xanh xao, còm cõi vì chiến tranh

cho đến ngày đám mây lành kia

dừng lại

trước một ngôi chùa

 

 

3

Một ngôi chùa

lặng lẽ nở trong đêm

như một đoá sương trong vắt

 

khi những bông sen

như búp tay nhân từ của Đức Phật

đang lẳng lặng vén bóng đêm u ám

trên gương mặt nhẫn nhục của con người

trong một tiếng chuông sâu

 

4

Suốt đêm gió lạnh về

những pho tượng trầm ngâm trên bệ đá

các ông có thể bị cảm lạnh

vì dưới mái đêm này

chỉ còn duy nhất một ngọn nến mong manh

 

các ông suy ngẫm gì khiến bóng đêm mất ngủ

các ông dằn vặt gì làm bóng đêm đăm chiêu

 

suốt đêm gió lạnh về

nến đã tắt và các ông vẫn nín lặng như thế

suốt đêm gió lạnh về

nến đã tắt và các ông vẫn trầm ngâm như thế

ngước nhìn thế gian

 

5

Ở nơi cao sang nhất

hay ở nơi thấp hèn nhất

người luôn ở bên ta

 

người luôn nhìn ta với ánh mắt bao dung nhẫn nại

để hướng thiện và nâng đỡ ta lên

 

và có nhiều khi người chẳng nói gì cả

người chỉ lặng lẽ thấm vào ta:

như hư vô thấm vào hư vô

như vật chất thấm vào vật chất

như hơi thở thấm vào hơi thở

như phù sa thấm vào phù sa

như niềm tin thấm vào niềm tin

 

6

Miệt mài và bền bỉ

trong đêm

tiếng mõ tụng

con đường thiền bền bỉ

 

mỗi bước chân là một tiếng mõ

ngân lên thăm thẳm dưới sao trời

 

ngân lên

tiếng đất thở phập phồng trong tượng đất

ta không phải là hoàng hôn nơi bùn lầy

ta là phù sa của hy vọng

 

ngân lên

tiếng gỗ thở trầm tư trong tượng gỗ

ta là ngọn gió diệp lục của đại ngàn

ta không phải rêu tối dưới thung sâu

 

miệt mài và bền bỉ

tiếng mõ trong đêm

không tự nhận mình là đại ngàn

không tự ví mình là hy vọng

chỉ ngân lên

thăm thẳm dưới sao trời

 

7

Tiếng hát đều đều và chậm rãi của người

     như nước chảy trong đá

     như trăng soi trong đá

     như máu thức trong đá

 

Tiếng hát mệt mỏi và tha thiết của người

     đưa bàn tay lại gần một bàn tay

     đưa ánh mắt lại gần một ánh mắt

     đưa con người lại gần một con người

 

Và chúng ta cất bước trên đường thẳm

trong tiếng hát đều đều và chậm rãi

trong tiếng hát thiết tha và mệt mỏi

hướng đến những ngôi chùa trong đêm

 

   nơi máu thức trong đá

   nơi trăng soi trong đá

   nơi nước chảy trong đá

 

 

8

  Mẹ ngồi, hai vạt áo nâu

Hương ba nén thắp, khói cầu nguyện bay

  Ngoài khuya tiếng vạc khô gầy

Sao dăm mảnh vỡ, gió day dứt lùa

 

  Nghe như vọng tự ngàn xưa

Trong sương khói tiếng mõ chùa đêm đêm

  Những ai trở lại thiên nhiên

Lánh đời về dưới cửa Thiền những ai

 

  Đức tin ở một ngày mai

Những tượng đất hát, những đền đài thiêng

  Đạp qua khổ nhục oán hèn

đạp qua dục vọng, cháy lên Niết Bàn

 

  Đêm nay, ba nén hương tàn

Nước trong một chén, kinh ngàn lời ru

  Mẹ tôi vạt áo nâu xưa

Tay thành kính chắp, khói mờ dương gian

 

 

VỀ KHỔ ĐAU VÀ ĐẠI BÁC 

 

Đại bác nổ và chiến tranh ụp xuống

Những mảnh vườn hôm trước nở đầy hoa

Bên ô cửa là cánh đồng lặng ướt

Tiếng trẻ con và khói những căn nhà

 

Đại bác nổ và mây đen cũng nổ

Trên ngói trường tan tác gió và chim

Có người lính vừa đi qua thành phố

Thuốc trên môi và trẻ nhỏ bên mình

 

Đại bác nổ và tiểu liên đốn gục

Những chàng trai vui tính nhất sư đoàn

Trên môi họ nụ cười còn thoáng gặp

Cô gái nào chiều ấy đợi bên sông

 

Đại bác nổ cuộc chiến tranh thứ nhất

Đất chiến hào cỏ chưa kịp nhú xanh

Thì lựu đạn và lưỡi lê cường tập

Lần thứ hai cỏ lại thấm máu mình

 

Đại bác nổ giữa đại ngàn trận mạc

Người lính đi thăm thẳm một phương trời

Người vợ ấy đã bao năm thầm lặng

Sống vì anh nuôi đứa trẻ nên người

 

Đại bác nổ và pháo hoa thắng trận

Không làm cho tóc bạc những mẹ già

Xanh trở lại một thời xưa yên ấm

Tóc bạc người, Tổ quốc, đứa con xa

 

Họ sinh ra không phải để làm lính

Đứa con nào của mẹ cũng vậy thôi

Bởi sữa mẹ nghìn năm không giọt đắng

Và hoà bình là vú mẹ bên nôi

 

Sau đại bác lửa hoa cương trầm lặng

Cháy trên mồ người chiến sĩ vô danh

Rất có thể các anh là mây trắng

Nước của sông, ngọn gió sớm mai lành

 

Và đại bác xin cúi đầu tưởng nhớ

Những người con bất diệt đã quên mình

Vì xứ sở ngàn đời mây trắng

Vẫn ngàn đời bất diệt giữa cỏ xanh

 

 

CÁC ÔNG TIẾN SĨ Ở VĂN MIẾU

 

   Nửa đêm. Trên gác. Khuê Văn

Thoảng. Nghe có tiếng. Thơ ngâm. Lạ thường

   Giọng thơ. Đau đáu. Xót thương

Lại. Nghe có khúc. Đoạn trường. Sẻ chia

 

   Những con rùa. Đá cõng bia

Ngàn ông tiến sĩ. Vinh quy. Chốn này

   Nửa đêm. Ở. Miếu đường. Đây

Hình như. Có tiếng các thầy. Gọi nhau

 

   Mấy ông.Tiến sĩ. Bạc đầu

Lên. Khuê Văn Các. Cùng nhau. Chuyện trò

   Chuyện đất nước. Chuyện văn thơ

Chuyện hưng thịnh. Các triều vua. Xứ này

 

   Ngàn năm. Bao cuộc. Đổi thay

Mà Văn Miếu. Vẫn. Còn đây. Lạ kỳ

   Đêm nay. Vằng vặc. Đá bia

Khói hương. Đón. Các ông về. Dưới trăng

 

   Các ông. Theo trẻ. Dung dăng

Sờ. Đầu rùa đá. Chơi. Dăm ván cờ

   Sang. Nhà Thái học. Đọc thơ

Cả Quốc Tử Giám. Nằm. Mơ. Dưới trời

 

  Nhưng. Rồi lác đác. Sương rơi

Miếu Văn. Bỗng. Vắng bóng người. Lại qua

   Lặng yên. Bia đá. Trăng tà

Các ông. Đợi. Một tiếng gà. Sang canh

 

   Đợi lâu. Mới gặp. Mộng lành

Các ông. Liền hoá thân. Thành đá bia

   Công lao. Dân. Nước. Còn ghi

Ngàn năm. Bia đá. Nói gì. Mỗi đêm

 

TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

 

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

 

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

 

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

 

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

 

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

 

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

 

(Trại viết Văn nghệ Quân đội Hạ Long 4-2009)

 

----------

* Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của

vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa

 

 

GA HÀNG CỎ

DỌC ĐƯỜNG NAM BỘ

 

Thưa mẹ

ba mươi ba năm trước

tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ

 

Mẹ về

nước mắt dọc đường Nam Bộ

đứt từng khúc tầu đêm

 

Ba mươi ba năm sau

ga không còn Hàng Cỏ

phố không còn Nam Bộ

 

con của mẹ

vẫn mãi mười tám tuổi

như chuyến tầu ngày ấy không về

 

Mẹ ở lại một mình

không phố

                   không ga

                                     không tất cả

còn gì để nhớ

ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ

 

Thưa mẹ

hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu

trong con vẫn còn một chuyến tầu

ba mươi ba năm trước chưa trở về

 

phải chăng vì thế

những câu thơ bây giờ

vẫn phải lên đường

                          làm một cuộc ra đi

 

 

   TỔ QUỐC LÀ TIẾNG MẸ

 

Tổ quốc là tiếng mẹ

Ru ta từ trong nôi

Qua nhọc nhằn năm tháng

Nuôi lớn ta thành người

 

Tổ quốc là mây trắng

Trên ngút ngàn Trường Sơn

Bao người con ngã xuống

Cho quê hương mãi còn

 

Tổ quốc là cây lúa

Chín vàng mùa ca dao

Như dáng người thôn nữ

Nghiêng vào mùa chiêm bao

 

Tổ quốc là ngọn gió

Trên đỉnh rừng Vị Xuyên

Phất lên trong máu đỏ

Bao anh hùng không tên

 

Tổ quốc là sóng mặn

Trên cồn cào biển Đông

Cát Hoàng Sa ghi hận

Đá Trường Sa tạc lòng

 

Tổ quốc là tiếng trẻ

Đánh vần trên non cao

Qua mưa ngàn, lũ quét

Mắt đỏ hoe đồng dao

 

Tổ quốc là câu hát

Chảy bao miền sông quê

Quan họ rồi ví dặm

Nước non xưa vọng về

 

Tổ quốc là tiếng mẹ

Trải bao mùa bão giông

Thắp muôn ngọn lửa ấm

Trên điệp trùng núi sông

 

    ĐẤT NƯỚC                                                                                                                                                                                         

 

Chúng đã

               ngủ

                      cả rồi

những

          con hươu

 

bị bóng đêm

                      săn đuổi

 

chúng

         đang

                gác cặp sừng

 

lên vầng trăng

                   cuối tháng

 

rồi nằm mơ

               về

                   một cánh rừng

 

không có thuốc đạn

                      và súng săn

Họ

     đã

           ngủ cả rồi

 

những người lính

                 bị chiến tranh

                          săn đuổi

 

họ nằm mơ

             gặp lại bầy hươu

gác sừng

             lên

                  người bạn vô danh

trên cánh rừng

                     đã chết

 

Chỉ còn lại

                 vầng trăng

                          và giấc ngủ

 

chỉ còn lại

       dấu vết cuối cùng

                                  của bầy hươu bị săn đuổi

 

chỉ còn lại

            câu thơ thầm lặng

về những người

                     đã ra đi

 

chỉ còn lại

             những gì

                      không còn lại

 

 

bởi

        người 

                   đau đớn nhất

                                  sau chiến tranh

không ai khác

                 ngoài mẹ

                         của chúng ta

 

những đứa con

                không trở về

hoà bình

             dưới

                     mưa phùn

được đắp

            bằng

                   cỏ non

                         và nước mắt

 

*

 

Đêm đêm

                những người con

 

        ngỡ đã đi thật xa

 

đang lặng lẽ

                   trở về

 

họ lẫn

       vào gió

                 vào sương đêm

không cần an ủi

 

họ chẳng ồn ào

                   như lời ca

                                 sôi sục

                                       ngày ra đi

 

họ còn nguyên

                  tuổi trẻ

 

những người lính

chưa

         tiêu phí

             một xu mơ ước

chưa

         tiêu hoài một đồng

                        thanh xuân

 

họ trở về

          tìm lại

 

trang sách học trò

               đêm đêm

                     còn thao thức

trên

       cánh đồng tiếng Việt

                  ngàn năm

 

Mẹ lại thấy

    chúng con về

               như cánh cò

                     tuổi thơ lưu lạc

 

đã bao ngày

               phải xa rời

         thôn ổ yêu thương

 

chúng con

       trở về tìm lại

 

giọt nước mắt

                xót xa

             và đắng cay của mẹ

 

một bên

           là núi sông

                   ngăn cách

còn bên kia

                 là bóng đêm

          chiến tranh

 

vẫn biết

           đạn bom

                     không có mắt

vẫn biết

              hận thù không thể

                           phân biệt nổi

đâu là hoa sen

                     và

                       đâu là bùn tối

 

nhưng các anh

                 vẫn phải ra đi

 

các anh

            phải ra đi

lời ru

       chùa Tây Phương

                             những La Hán mặt buồn

 

người thợ mộc

                     xứ Đoài

lấy thân xác

                  hom hem của mình

                                        làm mẫu vẽ

ba mươi sáu

              dẻo xường sườn

réo rắt

          tấu lên

                  bản đàn tam thập lục

người gẩy đàn

                   thì

                       đau đớn

mà bản nhạc

              viết cho đàn

                           lại reo vui

 

 

*

 

Mẹ

       đã sống

                  dưới mưa phùn

                                     ảm đạm

những ngày dài

                  nghèo đói

                           quắt quay

 

Mẹ thiếu sữa

                 sinh

                     đứa con thiếu tháng

Tổ quốc

           xanh xao

                        Tổ quốc

                                   hao gầy

 

Mẹ

        có mặt

                 trong dòng người

                    nhẫn nại

 

lặng lẽ xếp hàng

                từ mờ sớm

                       tới đêm hôm

Mẹ lần hồi

             thời cơm tem

                        gạo phiếu

nuôi lớn

            những người con

                                      rồi

                                           gửi tới chiến trường

 

Mẹ đã khóc

                   lúc rời ga

                                 Hàng Cỏ

những đoàn tầu

                  hun hút

                          tuổi hai mươi

một thế hệ

          hồn nhiên

                    không biết chết

chưa từng yêu

                   khi

                      gục ngã

                                 cuối trời

 

Mẹ ở lại

                với sông Hồng

                                      tần tảo

áo phù sa

            lam lũ tháng ngày

 

câu quan họ

                    cất

                trong bồ thóc cũ

 

sông Cầu trôi

                  như

            một tiếng thở dài…

 

 

*

 

Tàu

       xuyên đêm

 

tiếng gió xé

                bánh xe lăn

           quần quật

 

đêm nay

          họ trở lại

một thời gian lao

 

đường vào nam

             hun hút

                      những chuyến tầu

máu rất đỏ

             tuổi hai mươi

                              nằm lại

câu hát bảo:

                   tuổi hai mươi

                             những người đi trẻ mãi

câu thơ bảo:

                  đất nước

                           hình cánh võng

                                            mẹ ru ta

 

và ở

     hai đầu đêm

               võng mắc

                       dọc rừng già

 

trăng

       cũng sốt rét rừng

                             như ta sốt

trăng mất máu

               như bạn ta

                        thủa trước

dọc cánh rừng na-pan

 

 

sông

         Thạch Hãn

 

nước

          mùa này

                          còn ấm

 

và các anh

             trong suốt

 

những người

               hy sinh

                      thời gian lao

 

mây

        Quảng Trị

 

mùa này

            vẫn một mầu

                            huệ trắng

trên Cổ Thành

như  ngày

          các anh

                  ngã xuống

 

những người hy sinh

                     thời gian lao

 

    mưa gió

               Trường Sơn

mùa này

               vẫn tắm gội

                                những người con

                                                      nằm lại

thời đất nước

                   gian lao

 

 

những cánh rừng

                            cuối thu

                                          ngủ dưới mưa phùn

đất nước tôi

                     những người

                                          nằm trong đất

chất phác như bùn

                              hồn nhiên như cỏ

buồn đau

               không còn thở than

 

 

những ngọn sóng đất đai

                                        lưu giữ

                                                   mọi thăng trầm

người chép sử

                      ngàn năm

                                      là bùn đất

kiên trì

                 và nhẫn nại

 

máu của người

                        là

                            mực viết thời gian

 

 

 

 

NGÀY ĐẠI TƯỚNG ĐI XA

 

Hơn cả

          Quốc tang

Khi người dân

           quỳ khóc

Trước Linh xa người

Phút

        Đại tướng đi xa

 

Chỉ khi ấy

                Non sông này

                                    mới biết

Lễ Dân tang

Nước mắt

             của muôn nhà

 

Xin Đại tướng

                 cứ vui lòng

                               yên nghỉ

Trời quê hương

                      vẫn ấm áp

                                  mây lành

Đất quê hương

                   chở che như tình mẹ

Biển quê hương

                    con cháu vẫn giữ canh

 

Xin Đại tướng

                    cứ mỗi ngày

                                     hiển hiện

Một Điện Biên

                      trong Quốc sử

                                        ngàn đời

Để quét sạch

                    những bạo thù xâm lược

Non sông này

                    ngàn thủa

                                   vẫn sáng soi

 

Xin Đại tướng

                      một lần

                                  và mãi mãi

Triệu người dân

                        nức nở

                                   tiễn đưa người

Khi mây trắng

                      chỉ một lần

                                       mây trắng

Nâng cánh bay

                      đưa người

                                    về quê mẹ xa xôi

 

Thưa Đại tướng

                          lòng dân từng thấu hết

Những nỗi đau trần thế

                                    chẳng dễ gì

Nhưng người đặt non sông

                                     trên tất cả

Mọi tỵ hiềm

                   danh lợi với quyền uy

 

Thưa Đại tướng

                        Hoành Sơn nơi người chọn

Núi vươn mình

                       trước mặt sóng biển Đông

Và Đại tướng

                     người lính già vẫn thức

Suốt một thời trận mạc

                                  với non sông

Người vẫn thức

                      ngay cả khi yên nghỉ

Một tượng đài bất tử

                                 giữa lòng dân

 

TỔ QUỐC NƠI BIÊN THÙY

(Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở biên giới 1979-1984)

 

Mùa này biên giới hoa sim

Tím quanh mộ chí im lìm các anh

Bao người lính trận vô danh

Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình

 

Lặng thinh không thể lặng thinh

Trước bao xương máu hy sinh giống nòi

Quên ư ! không lẽ quên rồi ?

Đường lên biên giới một trời hoa sim

Mầu hoa chẳng chịu lặng im

Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương

 

Mùa này biên giới đầy sương

Có ai trở lại chiến trường về thăm

Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng

Các anh ngã xuống trẻ măng thủa nào

 

Các anh nằm dọc chiến hào

Từng cây số máu trên cao nguyên này

Trong tầm lựu đạn ném tay

Trong khe ngắm của những cây súng thù

 

Hòa An mây núi âm u

Đường lên Bản Giốc mịt mù còn nghe

Các con dưới cỏ xanh rì

Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm

Các con như cỏ hồn nhiên

Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la

 

Ta là con của phù sa

Cha là đất nước. Mẹ là quê hương

Còn nghe máu thấm biên cương

Mây buồn Lũng Cú. Đêm trường Nam Quan

Ta là con của Việt Nam

Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa

Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ

Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay

 

CẨM THẠCH VÀ CỎ XANH

 

1

Bức tượng ấy được dựng bằng cẩm thạch

Mắt xa xôi người góa phụ buồn rầu

Giai điệu xám ngân rung trong đá lạnh

Những nốt trầm mặc tưởng nữ nhân đau

 

Cũng đá này, người tạc cánh chim câu

Cánh khao khát đập qua bao thế kỷ

Trên bóng đêm chiến tranh đục ngầu

Tự do trắng bay lên không tàn phế

 

Cũng đá ấy được tạc thành bia mộ

Nhạc khúc buồn tưởng niệm một thời qua

Những họng súng hành trình cùng bão tố

Máu của người và khói đạn chiến xa

 

Hỡi cẩm thạch xin đừng là bia mộ

Tuổi xuân người đâu chỉ máu và hoa

 

2

 

Cỏ từ đất và lưỡi lê trên đất

Những gót giầy xâm lược cắm toàn đinh

Rơi từ mắt và cháy lên từ mắt

Giọt lệ đen, ngọn lửa rực hờn

 

Nhưng cỏ biếc không chỉ là nước mắt

Chảy trên mình trái đất những dòng xanh

Bị nghiến nát ở dưới vòng bánh xích

Những xe tăng và đại bác tự hành

 

Những con người gục ngã giữa chiến tranh

Giờ cỏ đã rờn xanh trên ngực họ

Dẫu ngày xưa lưỡi lê và giày đinh

Bước khốc liệt họ xéo dày lên cỏ

 

Hỡi những ai đã yên nằm dưới mộ

Cỏ bốn mùa xanh một khúc ru

Hỡi những ai chưa phải nằm dưới đó

Đừng làm đau một ngọn cỏ bao giờ

 

 

         SÔNG

 

   Đã nghe

              sông chảy mệt rồi

Thực hư năm tháng còn đôi bờ này

   Một miền ảo ảnh sương bay

Một miền nhân ảnh

                  tỉnh say mù mờ

   Ta mang trong ngực câu thơ

Tuần hoàn nhịp đập máu đưa về nguồn

   Ta mang trong ngực cách buồm

Khát khao sông bể vẫn còn hoang mang

   Mai rồi cập bến nhân gian

Người như sông - mộng vẫn còn chan chứa hoài

 

  Sông thao thức suốt đêm dài

Thương quê

                   sóng cũng chảy hoài như ta

  Suốt đời sông lấm phù sa

Để người thơm thảo người là cỏ cây

  Biết đâu ta cũng vơi đầy

Như sông trồi sụt tháng ngày nắng mưa

 

  Sông thao thức tự ngàn xưa

Ta như sông chảy mãi chưa gặp mình

  Qua bao ghềnh thác vô tình

Chảy hoài sông nước đã thành bao la

  Một mai về với biển xa

Nước sông rồi cũng mặn mà thân quen

 

  Sông thao thức chảy còn em

Em thao thiết với một miền không mưa

  Đêm nay sông đã ngủ chưa

Để ta làm sóng ta đưa sông về

 

 

CHỈ CÒN THƠ

VÀ NỖI CÔ ĐƠN CON NGƯỜI

                          Tặng Bế Kiến Quốc

 

Như được vẽ bằng khói thuốc lá

Gương mặt một người bạn

Mũi gồ lên  dưới tròng kính trắng

Hai bàn tay lúc nào cũng ướt

 

Không có sự lựa chọn nào khác

Ngoài thuốc lá và thơ

Bạn chọn cả hai  không bao giờ từ bỏ

 

Mười tám tuổi

Bạn nhìn đâu cũng thấy anh hùng

Họ nhiều hơn

Số người sống và người chết cộng lại

 

Nhưng nếu trừ đi tất cả

Bằng một phép tính giản đơn

Thế giới này chỉ còn lại cỏ

Và một điều gì đấy

Mơ hồ giống như thơ.

 

Ngoài năm mươi tuổi

Bạn vẫn tin yêu con người

Nhưng bắt đầu hoài nghi những đám mây không tưởng

Riêng đám mây khói thhuốc bạn mang trong ngực

Cứ mỗi ngày một âm u

 

Bạn mong muốn hàn gắn thế giới này

Bằng niềm tin ngây thơ

Bởi nếu không tin yêu con người

Chúng ta còn gì để mơ ước

 

Nhưng có nỗi đau không cách gì chữa được

Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người.

Sau tất cả mọi cô đơn

 

Tôi tin vào điều ấy

Không phải bởi ngày qua thấy bạn trên giường bệnh

Gương mặt tái nhợt cố nở một nụ cười khó khăn

Như muốn nói: tôi không thể nghỉ ngơi

Khi bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước

 

Nhưng bạn đã từ bỏ cõi sống này vào một sớm mai.

Nơi có những nỗi đau không cách gì chữa được.

Chỉ còn thơ và nỗi cô đơn con người.

Sau tất cả mọi cô đơn.

 

TỰ HỎI

 

Mắt anh nhìn như thấy

Mây đen dọc chân trời

Cuốn anh vào lốc xoáy

Muốn vùi sâu con người

 

Anh đã gượng đứng dậy

Từ hố thẳm cuộc đời

Với vết thương rách nát

Câu thơ nằm trên môi

 

Tóc anh như quầng lửa

Thao thức bao đêm dài

Bao đêm anh thầm hỏi:

Tổ quốc này của ai?

 

Dẫu không ai trả lời

Chỉ niềm tin anh biết

Trong trái tim mỗi người

Tổ quốc là bất diệt

 

Tổ quốc không thể chết

Mưa Trường Sơn mùa này

Bao người lính thủa ấy

Lẫn vào mưa vào cây

 

Tổ quốc nơi biên ải

Bao người con không về

Các anh nằm giữ đất

Hồn thiêng sông núi che

 

Tổ quốc nơi sóng cả

Máu Hoàng Sa nghẹn lời

Còn gửi muôn uất hận

Đến Trường Sa khôn nguôi

 

Tổ quốc của tất cả

Những người Việt hôm nay

Mang tình yêu đất nước

Vượt muôn trùng đắng cay

 

TIẾNG VĨ CẦM Ở SEN ĐAI

 

Cả thành phố bị san bằng sau động đất

rồi sóng thần

                     rồi phóng xạ

những vụ nổ trong đêm

 

tiếng vĩ cầm cất lên

bất chấp bánh và đồ ăn trong siêu thị đã hết sạch

nước không đủ dùng

                            điện không đủ dùng

những mái lều tạm cư trong tuyết lạnh

 

Nhưng tiếng vĩ cầm

                        vẫn bay lên như có cánh

trên nước Nhật đau thương vào tháng năm này

trên mênh mông đổ nát hoang tàn

trên những dòng người xếp hàng chờ suất ăn miễn phí

trật tự và không hỗn loạn

tất cả bên nhau để cùng sống sót

sức chịu đựng và niềm tin của các bạn

khiến thế giới phải nghiêng mình

 

Tiếng vĩ cầm cất lên

                     trên mùa hoa anh đào

khi ba mươi đứa trẻ ở một ngôi trường nhỏ

sáu ngày sau thảm họa sóng thần

vẫn chờ mẹ cha đến đón

có tiếng vĩ cầm nào đến được với các con không ?

 

Trên xứ sở này

tiếng vĩ cầm từng bay lên

                               trước đó nửa thế kỷ

ở Hyroshima và Nagasaki

nơi hai chiếc nấm khổng lồ của bom nhiệt hạch

đã cướp đi mạng sống của hơn hai mươi vạn người trong khoảnh khắc

có tiếng vĩ cầm nào đến được với họ không ?

 

Nhưng các bạn đã vượt lên đau thương để tồn tại

như tiếng vĩ cầm trên màu hoa anh đào

trong thảm họa hôm nay

là một  phần máu thịt của nhân loại bị tổn thương

đang gửi tới các thế kỷ mai sau

bài học lớn lao về sức sống của hy vọng

bởi màu hoa anh đào vẫn thức đêm đêm trong tuyết lạnh

sưởi ấm nỗi cô đơn và tuyệt vọng của con người

 

Cả nhân loại vẫn ở bên các bạn

tiếng vĩ cầm của đau thương và chia sẻ

đang thức tỉnh phần còn lại của thế giới này

khi màu hoa anh đào còn đọng máu tới hôm nay

 

HOÀN KIẾM HỒ

 

Hồ đã ngàn năm tuổi

Mà nước chưa chịu già

Đền Ngọc Sơn ngói cũ

Sóng bên đình Trấn Ba

 

Gươm đã trả lại thần

Từ sáu trăm năm trước

Mà rùa thiêng tới giờ

Vẫn đội mây đạp nước

 

Trầm ngâm một ngọn tháp

Viết gì lên trời xanh

Chữ thành mây bay hết

Bao người thơ khuyết danh

 

Cầu vẫn còn Thê Húc

Mỗi ban mai Kiếm Hồ

Soi mặt gương cổ kính

Gặp Thăng Long ngàn xưa

 

Trên Hoàng thành phát lộ

Những dấu tích đền đài

Hồn xưa trong ngọc nát

Bao vương triều tàn phai

 

Sau một trăm năm nữa

Ta thành cổ nhân rồi

Sau năm trăm năm nữa

Trăng trên hồ còn soi

 

Sau một ngàn năm nữa

Ai mượn gươm cho người ?

 

MỘT GÓC THIÊN ĐƯỜNG

         (Tặng Nguyễn Khắc Phục)

Người văn ấy đang hạnh phúc

Tiếng trẻ bi bô

                       Như kẹo vãi khắp nhà

Trang viết của anh ấm mùi giấy kẹo

Ký ức anh thơm tho mùi kẹo

Và một thiên đường mở ra

 

Người thơ ấy đang hạnh phúc

Sau nhiều năm mê mải vật lộn với kịch trường và văn trường

Chiều nay anh thanh thản ngồi nghe vợ hát

Con sẻ nâu rưng rưng rước mây ấm về nhà

Và một thiên đường mở ra

 

Người bạn ấy đang hạnh phúc

Dẫu hơi thở sền sệt trong cơn đau âm ỉ

Anh cố giấu chính anh

Trong bức tranh sơn mài của hy vọng

Màu dâng lên

Và một thiên đường mở ra

 

Chỉ một thao thức với thiên đường vừa mở ra

Sau nhiều đau đớn tuyệt vọng

Để gặp một thiên đường khác

 

 

          PHỐ PHÁI

 

Mùa đông chim sẻ phố bay rồi

Cây phố tần ngần phố nhớ ai?

Sương bay vào tóc sương chưa bạc

Đã trắng mây khua những dặm trời

 

Lá rụng mùa ơi! rụng nốt đi

Trên bàn tay vắng dấu chân khuya

Tôi nghe hơi phố không còn ấm

Mà lửa đèn đêm thức nhớ gì?

 

Chim sẻ mùa đông phố vắng em

Bụi mờ sương bạc gáy sách đêm

Lật từng trang nhớ không người hát

Khát khát thơ tôi cháy cháy tìm

 

Heo hút mưa về  xao xác đêm

Long Biên cầu cũ ngủ không đèn

Kéo sông lên đắp đôi bờ phố

Thương sóng sông còn tận Phà Đen

 

Phố Phái quanh co lúp xúp nhà

Đầu Ô Quan Chưởng bóng cây già

Đội sương từ thủa còn thành đất

Thăng Long ngàn tuổi vẫn bên ta

 

Phố Phái rêu nâu váng vất còn

Tường bong gạch rạn bóng ngày buông

Hè chiều lá phố  khua từng chiếc

Mấy giấc mơ xưa chẳng chịu mòn

 

Phố Phái tìm gì ta mải thức

Hồn trong tranh phố chẳng nguôi yên

Long đong mong thắp trong vô tận

Những sầu đã lặng nhạc đã quên

 

Trên bờ phố cổ cây đàn vỡ

Em mãi hoang vu những bãi bờ

Nhạc như thi, hoạ ta trần thế

Em đoá môi sương khép cánh chờ

 

Mai Lâm phố cũ chiều không cũ

Ta dưới trăng về chẳng gặp trăng

May còn chút lá bàng năm cũ

Nhạc ở trên cây mới vĩnh hằng

 

Sớm nay ngoài phố trăm dáng áo

Trăm sắc mây về dưới tán cây

Ngỡ như chim sẻ nghìn tay áo

mơ thấy xuân về rối rít bay

 

Còn chờ ai nữa hỡi bờ cây

Dưới mưa nụ lá mướt xanh ngày

Bâng khuâng phố cổ thềm xuân nhắc

Một giấc đông tan dưới ánh ngày

 

 

MƯA THỦY MẶC

 

Mưa trên sông vắng

Văng vẳng tiếng đàn cầm

Từ dưới sông vọng lên

 

Người con gái cầm đèn lồng đi trên sông kia

Có phải Kiều nương không?

Ta hỏi mưa, mưa cũng hỏi lại ta

Ta hỏi sông, sông cũng hỏi lại ta

Ta hỏi mình: Kiều nương- có phải nàng không?

 

Chiếc thuyền mưa đang phiêu bạt trong mưa

Kiều nương vừa vén mưa ngồi lên chiếc thuyền ấy

Cây đàn mưa bần bật ngón tay mưa

Điệu ru mưa trên ngực đàn phấp phỏng

 

Bức tranh thơ trong mưa

Nàng mới vẽ còn ướt

Mưa thủy mặc trên lụa mấy trăm năm

Những ngón tay thon dài

Những búp đàn thon dài

Những búp chân thon dài

 

Mưa là tiếng thở dài trên lụa

Lụa là tiếng thở dài của đêm trên sông vắng

Còn đêm là tiếng thở dài của mực nho

 

Mực nho, mực nho

Tiếng thở dài của nước

Không hiểu Nguyễn Du có viết truyện Kiều bằng mực nho

Mực nào chẳng là mực

Nhưng ta vẫn muốn Nguyễn Du viết truyện Kiều bằng mực ta

Có ai yêu nước mình bằng ông chủ báo Nam Phong cách đây hơn nửa thế kỷ:

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”

Mưa thủy mặc và tiếng thở dài trên lụa của máu…

 

 

HỌ BỊ BẮN TRÊN CAO MƯỜI NGÀN MÉT

(Tưởng niệm 3 mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh và 295 nạn nhân trên máy bay MH17)

 

Ba gương mặt, ba nụ cười thanh thản

Ba mẹ con giờ đã ở cuối trời

Họ trong sáng như bao người vô tội

Trước bọn độc tài đưa tội ác lên ngôi

 

Ba gương mặt, ba niềm tin đã mất

Khi lương tri tắt lặng giữa cõi người

Ba gương mặt, ba vầng trăng đã khuất

Cùng nỗi đau không thể nói thành lời

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Đây nỗi đau hai chín tám con người

Họ rơi xuống cánh đồng hoa vàng rực

Mắt nhắm nghiền, cháy bỏng mãi không nguôi

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Những người dân vô tội đến cuối đời

Không thể hiểu vì sao mình phải chết

Khi đang bay thanh thản dưới mặt trời

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Các thiên thần bé nhỏ mới rời nôi

Những phụ nữ rạng ngời trong hạnh phúc

Bên trẻ thơ trong giây phút cuối đời

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Hoa hướng dương vàng rực một góc trời

Những người chết bên hoa vàng đã ngủ

Một mặt trời đau đớn tắt trên môi

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Những búp bê, những gấu vải tươi cười

Chúng nhằm bắn vào những trang cổ tích

Bắn cháy luôn cả mơ ước con người

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Máu bật ra thấm đỏ một vùng trời

Hoàng hôn đỏ trên máu người rực đỏ

Hãy lặng yên nghe máu nói từng lời

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Kẻ vô lương bắn họ, trốn đâu rồi ?

Khi tội ác thản nhiên ngồi ăn tối

Trên cánh đồng la liệt xác người rơi

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Những đám mây nhuộm đỏ máu con người

Cứ bay mãi trong vòm trời phẫn nộ

Giữa hồn người đang sống chẳng yên nguôi

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Như hoa vàng, nắng rụng, cuối chiều rơi

Trước khi chết, hoa vẫn vươn cánh thắm

Để hồn hoa tươi lại phía mặt trời

 

Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét

Miền bạch dương hoá mộ táng lưng trời

Trong mây đỏ, trong hoa vàng rực nở

Hãy lặng yên tưởng nhớ những con người…

 

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ THƠ NGUYỄN VIỆT CHIẾN

NHÀ THƠ ANH NGỌC

“… Không chỉ đọc nhanh, chỉ đọc lướt qua, chẳng hạn các đầu đề và một số câu gần như tình cờ, thì tôi đã có trong đầu cái điều mà tôi định nói về thơ Nguyễn Việt Chiến, không phải về tất cả, vì nó rất phong phú, mà chỉ về cái phần mà tôi quan tâm nhất, ấy là: Nguyễn Việt Chiến là một người sống và làm nghề có ý thức. Những vấn đề cấp thiết của đời sống - mà một số trong đó mang tính vĩnh cửu - được anh quan tâm nồng nhiệt, luôn giành cho chúng vị trí hàng đầu trong thơ mình.

Đó là những suy nghĩ và cảm xúc mang tính công dân, mang phẩm chất của con người xã hội. Ở đây, Nguyễn Việt Chiến vừa tiếp tục làm công việc của các thi sĩ thuộc thế hệ chiến tranh trước đây, vừa đề cập kịp thời đến những vấn đề nóng bỏng của đất nước và dân tộc hôm nay. Và bằng chất giọng sử thi vốn có, chỉ với một bản tráng ca Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến đã cắm lên một ngọn cờ trang trọng, trong rừng cờ của thơ ca đang tung bay trên ngọn sóng Biển Đông, vào thời khắc mà cả Trời, Đất, Biển Cả của Tổ Quốc đang cần đến tiếng lòng của tất cả chúng ta hơn bao giờ hết. Tôi thật có trong lòng bao điều muốn nói, với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, với mọi người và với chính mình…. Nhưng dĩ nhiên không thể và không phải ở đây, vào lúc này…”

 

HOÀNG ĐỨC DIỄN

 

“…Trong dòng chảy của thơ Việt hôm nay, giữa bộn bề những “nổi loạn”, “phá cách”, mà một người như tôi, chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa, người vẫn thích tìm đến những bài thơ để đọc mỗi khi cầm trên tay một tờ báo hay lướt web mỗi ngày, đã không còn mấy cảm hứng để đọc; thế nhưng tôi đã đọc anh, bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, và ngay lập tức, tôi đã quên đi bao tranh cãi về cách tân và hiện đại hay siêu hiện đại trong thơ đương đại, để được sống rất giản dị với một đề tài quen thuộc (đề tài Tổ quốc), với một tâm hồn thơ thấm đẫm tình yêu đất nước của Nguyễn Việt Chiến. Có thể nói, nếu không có một tình yêu lớn đối với Tổ quốc thì không có một nhà thơ nào viết nổi những câu thơ lay động tâm hồn như vậy. Và đó cũng chính là điều ta nhận thấy ở Nguyễn Việt Chiến. Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, vì vậy là một thông điệp về tình yêu Tổ quốc và sứ mạng công dân…”

   

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *