Tác phẩm và dư luận

10/1
7:32 PM 2017

HỒI KÝ “LÍNH BAY”: MỘT MẢNH CÒN THIẾU CỦA BỨC TRANH LỊCH SỬ

MỘC MIÊN Những cây bút viết về hai cuộc chiến tranh chủ yếu mới chỉ đề cập được đến những trận đánh ở dưới mặt đất, còn chiến sự trên không dường như vẫn là khoảng trống trong “bức tranh” lịch sử dân tộc. Trong bối cảnh ấy, cuốn hồi ký “Lính bay” của Trung tướng Phạm Phú Thái vừa mới ra đời được xem như một mảnh thiếu của nó.

Hồi ký “Lính bay” viết về các cuộc chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong quãng thời gian từ 1965 đến 1968. Tác phẩm ghi lại chi tiết và sinh động những trận chiến, với máy bay Mỹ đầy cam go, khốc liệt trên bầu trời Việt Nam được thực hiện bởi các chiến sỹ phi công đương thời, mà Phạm Phú Thái – anh chàng binh nhất lúc bấy giờ là một trong số họ. Hồi ký ghi chép đầy đủ những sự kiện mà Phạm Phú Thái chứng kiến và trải qua từ khi anh còn là học sinh trường cấp ba Hùng Vương (Phú Thọ), thành tân binh của khóa bay, được sang Liên Xô học bay, rồi làm phi công tiêm kích của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, vào sinh ra tử trên bầu trời quân khu 4.

Cuốn hồi ký dành rất nhiều trang viết để mô tả các kỹ năng sử dụng chiến đấu cơ giúp bạn đọc có cơ hội hiểu hơn về lĩnh vực hàng không nói chung và đời sống của các chiến sỹ không quân nói riêng. Chỉ riêng việc nhảy dù thôi cũng không hề đơn giản. Mặc dù phi công đã được học đầy đủ những lý thuyết về cấu trúc, tính năng các loại dù, cách điều khiển dù, cách nhảy rơi tự do và nhảy tự mở khóa dù từ trên máy bay, cách sử dụng dù phụ nếu dù chính không mở được, động tác tiếp đất... nhưng khi vào thực hành vẫn là một thách thức không hề nhỏ đối với các phi công, nhất là đối với những người lần đầu nhảy. Rồi đến học bay, trước mắt là học những chuyến bay đơn với kỹ thuật bay từ đơn giản đến phức tạp; đến bay đội hình trên máy bay L-29, sau đó chuyển sang loại máy bay Mig21 cao cấp và khó “cầm cương” hơn... Chỉ trong vỏn vẹn hai năm rưỡi, các anh phải lĩnh hội biết bao nhiêu là kiến thức từ lý thuyết đến thực hành đầy rẫy những khó khăn. Cũng vì thời gian ngắn mà lịch học dầy đặc nên các anh ai nấy đều phải căng ra như dây đàn để học, thậm chí khi học lý thuyết, nhiều người phải tranh thủ học cả trong thời gian ngủ mà còn phải học chui, học trộm. Với mỗi bài học, dù khó đến đâu, Phạm Phú Thái cùng các đồng đội cũng cố gắng học cho được vì lòng tự tôn dân tộc cũng như trong lòng ai nấy đều muốn được về nước lái máy bay đánh giặc. Quãng thời gian học bay tại Liên Xô, Phạm Phú Thái đã rút ra được nhiều bài học quý giá, anh hiểu rằng, muốn trở thành người lính bay thì phải học, phải khổ luyện và biết rút kinh nghiệm qua từng chuyến bay.

Phạm Phú Thái là một trong bốn phi công bay khá hơn trong đoàn bay Mig 21 khoá 3 nên anh cùng ba đồng đội được trở về nước sớm. Phạm Phú Thái về đoàn Không quân Sao Đỏ, trung đoàn máy bay tiêm kích đầu tiên của Không quân Việt Nam. Anh được bay ở vị trí số hai trong đội hình ba chiếc. Phạm Phú Thái cùng các đồng đội đã chiến đấu ngoan cường với tất cả tâm và trí, bắn rơi đáng kể máy bay địch, góp công bảo vệ miền Bắc, đồng thời bảo vệ tuyến giao thông đường bộ, tạo thuận lợi cho việc chi viện cho miền Nam. Sau mỗi trận đánh dù là trận anh được trực tiếp tham gia hay chứng kiến cách chiến đấu của đồng đội, Phạm Phú Thái đều rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu và anh cẩn thận ghi chép lại để tránh lặp lại lỗi lầm, với một quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ.

Trong hành trình “hoàn thành nhiệm vụ” không ít người lính đã phải hy sinh. Đó là phi công Phạm Thành Nam bị hy sinh trên bầu trời Ninh Bình, phi công Trần Hóa chết trong trận đánh máy bay không người lái của Không quân Hải quân Mỹ tại biển Thụy Anh (Thái Bình), phi công Phạm Đình Tuân hy sinh trong trận đánh bảo vệ trọng điểm nối từ khu vực Khe Ve – Tân Ấp sang Lào... Các anh ra đi để lại nỗi đau xót khôn nguôi trong lòng đồng đội. Nhưng chiến tranh là vậy, lạnh lùng và tàn nhẫn, không thể có thắng lợi khi không có hy sinh. Phạm Phú Thái đau xót viết: “Rồi cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước. Những người còn sống phải đi tiếp trên con đường dài còn lại của cuộc đời. Chúng tôi cùng chia sẻ những mất mát, đau thương sau sự hy sinh của Trần Hóa, Phạm Đình Tuân, Phạm Thành Nam để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của mình và gánh vác cả những ước mơ, mong mỏi của các anh vào trận chiến mới”.

Mặc dù viết về chiến tranh – cuộc chiến tranh anh dũng mà cả dân tộc Việt Nam luôn tự hào nhưng Phạm Phú Thái không có ý viết một chiều theo kiểu tô hồng chiến tích. Trong “Lính bay”, bên cạnh việc ghi chép chân thực những trận chiến cam go, khốc liệt Phạm Phú Thái cũng không né tránh phản ánh những mất mát, tổn thất và khuyết điểm phía không quân ta. Ví như, ta đánh nhau còn phải dựa nhiều vào yếu tố may - rủi, Sở chỉ huy đôi khi mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, thông báo máy bay địch chứ chưa làm tốt việc dẫn dắt, chỉ đạo chiến thuật, hay còn xảy ra việc ta bắn phải ta... Phạm Phú Thái cũng không ngần ngại chỉ ra “gót chân Asin” của cuộc chiến, như chuyện người lính còn phải chịu những áp đặt, định kiến, những hiểu lầm...

Hồi ký “Lính bay” với chất văn mộc mạc, chân thành giúp người đọc dễ tiếp nhận ngay cả khi tác giả viết về những kỹ thuật khó hiểu nhất. Tuy nhiên, “Lính bay” hấp dẫn người đọc bởi cách kể chuyện đầy lôi cuốn của Phạm Phú Thái. Hồi ký dầy đặc những dữ kiện, nhiều tình tiết diễn ra nhanh chóng. Xung quanh những câu chuyện có thật, tác giả lồng vào các phán đoán, cảm xúc của mình khiến cho chuyện trở nên kịch tính, gay cấn, mang lại sự hồi hộp và tò mò cho độc giả. Đọc hồi ký nhưng độc giả như đang được đọc tiểu thuyết. Cũng bởi vậy, những ai đã “trót” đọc “Lính bay” lập tức sẽ bị cuốn theo, phải đọc một mạch chứ không dễ dàng bỏ lửng cuốn sách được. Mặc dù không là nhà văn nhưng Phạm Phú Thái đã viết hồi ký như một nhà văn chuyên nghiệp. Nếu không dồn được xúc cảm và không biết cách bộc lộ xúc cảm vào từng trang viết thì có lẽ cuốn hồi ký chỉ đơn giản là những sự kiện trần trụi, khô khốc, khó chạm được vào đáy lòng độc giả. Rõ ràng, Phạm Phú Thái không chỉ là một phi công tài năng mà anh còn là người có năng khiếu viết và có duyên với cây bút. Trong hơn 500 trang sách, Phạm Phú Thái đã tái hiện thành công cảnh ác liệt của chiến trường Quân khu 4. Ở đó có những cuộc đấu trí đầy căng thẳng giữa quân ta và quân địch, những trận đánh đầy kịch tính và cam go khi mà các phi công tiêm kích của ta phải chống trả và xua đuổi máy bay được lái bởi những phi công có kỹ thuật cao của địch...

Mặc dù viết hồi ký nhưng Phạm Phú Thái không viết kiểu kể theo thứ tự thời gian một cách lan man, nhàm chán. Trái lại, anh đã rất khéo léo khi chọn một trong những tình huống gay cấn nhất, tình huống đã làm nên ký ức mạnh mẽ nhất trong anh để mở màn cuốn sách, đó là lúc máy bay của anh bị bắn rơi. Nhờ vậy mà cuốn hồi ký hấp dẫn người đọc ngay từ khi giở ra những trang đầu.

         Không chỉ giúp người đọc có thêm một góc nhìn về cuộc đấu tranh chống Mỹ của dân tộc, biết được các trận chiến trên bầu trời của không quân Việt Nam, mà với kho dữ liệu chi tiết và quý báu về kỹ thuật lái máy bay, hồi ký “Lính bay” còn được xem như cuốn cẩm nang bay cho các phi công. Không chỉ vậy, Phạm Phú Thái còn tái hiện lại phần nào bối cảnh lịch sử trải dài từ Việt Nam qua Trung Quốc tới Liên Xô lúc bấy giờ. Đồng thời, với tâm hồn chứa chan xúc cảm, tài quan sát tỉ mỉ và cách thể hiện tinh tế, anh cũng đã vẽ lại quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Liên Xô thuở nào, nơi mà những người đã từng đặt chân đến đó vẫn thổn thức khi nhớ về và những người chưa từng đến thì khao khát được một lần chiêm ngưỡng.

Gấp lại cuốn sách, trong lòng tôi vẫn còn nguyên xúc cảm mãnh liệt.

Nguồn: Tạp chí NV&TP

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *