Tác phẩm và dư luận

21/12
8:51 PM 2016

KỶ NIỆM 22/12: NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN KHỞI ĐẦU BẰNG NHỮNG CA KHÚC VỀ NGƯỜI CHIẾN SĨ

Phạm Tuyên - nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc viết cho thiếu nhi nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông lại khởi đầu bằng những ca khúc về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

                                                    Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Chính những năm tháng được học trong môi trường quân ngũ của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của Trường sĩ quan Lục quân 1 ngày nay) đã tạo cảm hứng để người nhạc sĩ, chiến sĩ thuở nào đặt những bước chân đầu tiên trên con đường âm nhạc. Để bây giờ, khi bước sang tuổi 88, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sở hữu một gia tài âm nhạc đồ sộ với 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bài hát về người chiến sĩ.

Nhân kỷ niệm 72 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2016), phóng viên QĐND Online đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên về đề tài người chiến sĩ trong tác phẩm của ông.

Phóng viên (PV): Gia tài âm nhạc của ông có bao nhiêu ca khúc viết về người chiến sĩ?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi chưa bao giờ thống kê các tác phẩm cho từng đề tài bởi tôi nghĩ ca khúc của mình có chỗ đứng trong lòng khán giả là tôi cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Riêng các ca khúc về quân đội thì tôi viết nhiều lắm bởi tôi có rất nhiều kỷ niệm trong thời gian học ở Trường sĩ quan Lục quân 1. Tôi là cựu học sinh khóa 5 năm 1950 của trường này. Vì thế mà những ca khúc đầu tiên của tôi là viết về đề tài người chiến sĩ, sau đó mới là những ca khúc viết cho thiếu nhi.

PV: Những ca khúc nào về người lính để lại dấu ấn sâu đậm nhất với ông?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Khi tôi đang học ở Trường sĩ quan Lục quân 1, tôi viết bài hát “Đường về trại”. Thời gian tập luyện ở thao trường cùng các chiến sĩ đã giúp tôi hình thành nên tác phẩm này. Bây giờ, mỗi khi có dịp về thăm trường cũ, gặp lại các đồng đội năm xưa, chúng tôi lại cùng nhau hát lại bài “Đường về trại”.

Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” cũng là một ca khúc để lại nhiều dấu ấn với tôi bởi được viết trong thời điểm đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Tôi viết ca khúc này ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, (Hà Nội). Lúc đó, tỉnh mời tôi và nhạc sĩ Hoàng Vân đi viết bài, chúng tôi đã đến nhiều địa điểm và về làng Hóa Xá nghỉ tại trụ sở của ủy ban xã. Gần đến sáng, tôi bỗng thấy bước chân chạy dồn dập, tôi hỏi ông chủ tịch xã xem có chuyện gì thì đồng chí này cho biết đang chuẩn bị luyện tập rèn luyện sức khỏe để vượt Trường Sơn đi cứu nước. Tôi đứng trên gác nhìn xuống thấy nhiều thanh niên còn rất trẻ, mỗi người đeo trên vai một cái ba lô nặng, tay chống gậy tập hành quân. Ngày hôm sau, xã tổ chức tiễn các thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.

 

Hôm đó tôi ngạc nhiên lắm bởi tình cảm của người vào chiến trường và người ở lại dành cho nhau rất sâu đậm. Các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ trước lúc lên đường thì tặng người ở lại những chiếc nhẫn làm bằng xác máy bay, còn người ở nhà tặng cho những thanh niên chuẩn bị vào chiến trường mỗi người một chiếc gậy gọi là gậy Trường Sơn. Khi về đến Hà Nội, tôi viết ngay bài “Chiếc gậy Trường Sơn”, ca sĩ  Mạnh Hà hát lần đầu trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi ca khúc được phổ biến rộng rãi thì bà con làng Hòa Xá rất vui và nói với nhau rằng, trong bài này không có chữ nào nói về người dân Hòa Xá nhưng thể hiện tinh thần của tuổi trẻ vượt Trường Sơn đi cứu nước nên người dân nơi đây rất tự hào. Đến nay, mỗi khi có dịp về Hòa Xá, tôi như được trở về quê hương của mình bởi bà con nơi đây coi tôi như công dân của làng. Cách đây vài năm, tôi về thăm làng Hóa Xá thì thấy có một nhà lưu niệm rất lớn đặt tên là Nhà lưu niệm chiếc gậy Trường Sơn.

Trong một lần vào công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi nhận được một lá thư viết tay bài “Chiếc gậy trường sơn” của một chiến sĩ đã chép lời bài hát này qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí này đã hy sinh. Hiện tôi vẫn giữ bức thư này. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ với tôi về hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

PVHầu hết những tác phẩm âm nhạc của ông đều rất gần gũi với người nghe bởi ca từ, giai điệu nhẹ nhàng, đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Cảm nhận của ông ra sao khi viết những tác phẩm âm nhạc về người chiến sĩ?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Viết nhạc cho mỗi đối tượng đều có những nét khác nhau. Tôi nghĩ rằng, viết về người chiến sĩ nếu không trải qua cuộc đời binh nghiệp thì khó có thể cảm nhận để mà sáng tác mà nếu đã qua rồi, hiểu rồi thì sẽ thuận lợi hơn.

Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân, tôi về làm cán bộ giảng dạy ở Trường Thiếu sinh quân. Thời điểm này, tôi được tiếp xúc nhiều với trẻ em nên tôi bắt đầu hình thành ý tưởng viết ca khúc cho thiếu nhi và những bài hát đầu tiên viết cho các em là những ca khúc về thiếu nhi ở Trường Thiếu sinh quân.

PVĐược biết gia đình ông đang chuẩn bị làm chương trình âm nhạc “Nhớ và quên” để tặng nhạc sĩ nhân sinh nhật lần thứ 88 vào 20 giờ ngày 14-1-2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam. Xin ông cho biết điểm nhấn trong chương trình này?

Đây là một đêm nhạc dành cho nhiều thế hệ, từ những người lớn tuổi đến các em thiếu nhi đều có thể xem được bởi chương trình rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều người. Một số nghệ sĩ gạo cội đã từng thể hiện thành công nhiều ca khúc của tôi sẽ xuất hiện trong đêm nhạc như: NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSND Thanh Hoa và có cả các ca sĩ nhí tham gia vào chương trình.  

Tôi hy vọng, “Nhớ và quên” sẽ là chương trình âm nhạc ý nghĩa mà gia đình dành tặng cho tôi và tôi coi đây là món quà để tri ân khán giả đã dành tình cảm cho tôi trong những năm qua.

Nguồn: QĐND Online-KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *