Tác phẩm và dư luận

8/9
10:55 AM 2018

“THẤY” VÀ “TIẾC” KHI ĐỌC ĐỨC THÁNH TRẦN CỦA TRẦN THANH CẢNH

NGUYỄN THỊ TỊNH THY - Nói chính xác hơn, trong trường hợp này, nhà văn Trần Thanh Cảnh đã bồi đắp, diễn giải cho những khoảng trống của lịch sử bằng hư cấu và tưởng tượng. Cái chính là, ông đã thành công trong vai trò nhà văn, trong nhiệm vụ của văn chương. Không cần phải gán thêm vào đây những thuật ngữ (rối rắm) nào nữa cả.

   


Thấy gì?

Thấy tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc của một người con Đại Việt; trách nhiệm với lịch sử của nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Thấy lòng sùng kính, biết ơn vô hạn đối với vị anh hùng ba lần chiến thắng Nguyên - Mông.

Thấy tinh thần làm việc nghiêm túc và say mê của nhà văn khi đã tham khảo rất nhiều nguồn tư liệu: lịch sử, dã sử, cận sử, truyền thuyết...

Thấy tính chân xác của lịch sử được tái hiện sống động và cảm động trong văn chương qua hình tượng vị anh hùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng hàng loạt nhân vật lịch sử khác; qua những chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần cũng như những âu lo, do dự, khó khăn, khốn đốn của quân ta (chứ không phải chỉ là chiến thắng); qua lí tưởng chiến đấu bảo vệ non sông đầy quyết liệt nhưng không hề hiếu chiến, luôn ngậm ngùi vì những mất mát của chiến tranh (cho cả quân ta và quân giặc); qua nghệ thuật miêu tả chiến trận khá thuần thục của tác giả với không gian chiến trường kì vĩ, hoành tráng, sôi động, sống động và đầy ám ảnh cả trước, trong và sau những cuộc chiến…

Thấy tính hư cấu của văn chương khi viết về lịch sử được sử dụng đủ liều lượng đúng tôn chỉ: hư cấu là cái quyền cao nhất, tự do nhất của nhà văn; tuy nhiên nhà văn viết về lịch sử luôn phải biết giới hạn “bàn tay của Như Lai” khi hư cấu, đó chính là “bản chất lịch sử”. Nghĩa là nhà văn có quyền hư cấu tưởng tượng thêm về nhân vật và sự kiện nhưng không được phép làm thay đổi bản chất của nhân vật và sự kiện. Trần Thanh Cảnh đã làm được điều đó qua nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, nghệ thuật dẫn dắt và lí giải sự kiện (kể cả sự kiện lịch sử lẫn sự kiện đời tư). Và đặc biệt là qua ba trường đoạn miêu tả tình ái: mối tình “trên Bộc trong dâu” của dũng tướng Trần Quốc Tuấn với thôn nữ Quế Lan; mối tình “lửa gần rơm” của ông và công chúa Thiên Thành trong bối cảnh carnaval tình dục của lễ hội Mo Nang; mối tình “tự chui đầu vào thòng lọng” của tướng giặc Thoát Hoan với công chúa An Tư phóng đãng. Tất cả các “pha” tình dục đều được chuẩn bị và lí giải bằng dòng tâm tư, tâm lí, tính cách của nhân vật để trở nên phù hợp: hợp tình, hợp lí, hợp cảnh; đều được nghệ thuật hóa bằng thứ văn chương vừa say đắm nồng nàn vừa táo bạo mãnh liệt vừa phóng túng cuồng nhiệt vừa lãng mạn nên thơ với những câu chữ đầy cân nhắc đầy trau chuốt đầy nghiêm cẩn của nhà văn. Vì thế, chúng không gây “sốc”, không thô thiển, không đáng bàn về chuyện “dâm hay không dâm”. Đó chỉ là nước trong lửa, mềm trong rắn, trần tục trong thánh thiện, lạc thú trong trách nhiệm, thư giãn trong căng thẳng… mà ta thường thấy ở các “pha” tình ái trong phim và truyện về chiến tranh, chính trị, lịch sử, tôn giáo. Vì thế, tôi sẽ không tán thành với những ai dùng các cách nói “một diễn giải mới về lịch sử”, “một lối đi khác”, “viết lịch sử theo cách mới”, “giải thiêng lịch sử”, “giải mờ lịch sử”… để áp vào các trường đoạn này. Nhà văn giỏi thì không cần chộp lấy những điểm mờ, điểm thiếu của lịch sử để vui mừng trên sự trống vắng của người xưa rồi hư cấu. Họ vẫn có thể hư cấu như một cách biến tấu thêm trên chính nền tảng của sự thật. Cần nhớ rằng, khi viết sử, sử gia nghiêm túc và khoa học thường bỏ qua hoặc để trống một số nhân vật, tình tiết, sự kiện lịch sử vì nhiều lẽ: có thể vì chưa đủ tư liệu, có thể vì tư liệu chưa đủ chắc chắn để kết luận, có thể vì không tán thành với nhân vật, tình tiết, sự kiện đó… Đó chính là sự bày tỏ thái độ kín đáo qua cách viết “cố tình bỏ quên việc, bỏ quên người” vốn có từ bộ sử kinh điển Xuân Thu. Vì thế, văn chương không thể “giải mờ” lịch sử, bởi vì, muốn “giải mờ” lịch sử thì phải biết nguyên nhân của sự “mờ”; mà khi biết nguyên nhân thì bạn đã là một sử gia chứ không phải là nhà văn. Hơn nữa, mọi nỗ lực “giải mờ” lịch sử của văn chương chỉ càng làm cho lịch sử thêm “mờ” mà thôi. Bởi, theo thuyết tân lịch sử, “lịch sử là của tôi”, “tôi sáng tạo ra lịch sử”; thử hỏi có sự sáng tạo nào không mang tính chủ quan?

Nói chính xác hơn, trong trường hợp này, nhà văn Trần Thanh Cảnh đã bồi đắp, diễn giải cho những khoảng trống của lịch sử bằng hư cấu và tưởng tượng. Cái chính là, ông đã thành công trong vai trò nhà văn, trong nhiệm vụ của văn chương. Không cần phải gán thêm vào đây những thuật ngữ (rối rắm) nào nữa cả.

Viết về đời sống tình dục của một vài nhân vật nữ, mang lại cho người đọc sự hình dung về “sức mạnh mềm” cũng như sự cảm nhận hạnh phúc dục lạc đầy đam mê của đàn bà con gái nước Đại Việt cũng là một điều thú vị (bởi lâu nay, chúng ta quen nhìn người phụ nữ xưa trong tính dục theo khuôn mẫu hoặc là e lệ, kín đáo, thủy chung, dâng hiến, hi sinh; hoặc là bị cưỡng bức, hiếp đáp; hoặc là tránh đi, chẳng cần/ nên nhìn). Giải thích, bổ trợ cho hiện tượng nội hôn của triều đại Đông A bằng lễ hội Mo Nang với những cơn cuồng hoan túng dục cũng là một cách bản năng hóa đời sống tình dục bên cạnh mục đích chuyên quyền, độc trị của dòng họ. Ái tình và chính trị, hư cấu và chân thực, khoa học và nghệ thuật, duy lí và duy cảm, hi sinh và thụ hưởng… hòa trộn trong nhau đủ để một tiểu thuyết lịch sử với ba cuộc đại chiến và hàng chục âm mưu lớn nhỏ lay động cảm xúc của người đọc.

Trần Thanh Cảnh còn chú ý đến bối cảnh của các sự kiện. Cảnh chiến đấu, chiến thắng, cảnh yêu đương, nhung nhớ… đều được sắp đặt khá kĩ lưỡng từ cỏ cây hoa lá trời trăng mây gió gươm giáo thuyền bè đến nhân vật chính và nhân vật phụ, yếu nhân và quần chúng, tĩnh lặng và náo nhiệt, đàn sáo ca múa và chiêng gióng trống rền… Từ sự chăm chút này, có thể thấy yếu tố tiền điện ảnh là một ưu điểm của tiểu thuyết.

Tuy nhiên, đọc Đức Thánh Trần, vẫn thấy còn nhiều điều tiếc nuối. Tiếc gì?

Tiếc một số chi tiết lịch sử, dã sử bị lược bỏ hoặc khai thác chưa sâu. Theo tác giả trần tình bên ngoài tác phẩm, bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy những chi tiết đó ở nhiều nguồn tài liệu khác nhau(2). Nói như thế là không thuyết phục. Dù rằng, không thể đòi hỏi có đủ tất cả mọi điều trong một cuốn tiểu thuyết lịch sử - nó là tác phẩm văn chương chứ không phải một bộ bách khoa toàn thư. Nhưng đọc tiểu thuyết viết về một nhân vật lịch sử mà phải tra cứu thêm ở những sách vở khác thì quả là bất tiện. Nếu có thêm hình ảnh con voi trung thành chảy nước mắt tuyệt vọng nhìn chủ tướng khi bị lún dần giữa bùn lầy, khiến chủ tướng buông ra lời thề “Chuyến này không phá xong giặc Nguyên, quyết không về bến sông này nữa!” thì sẽ tăng thêm phần cảm xúc. Nếu hình tượng Hưng Đạo Đại Vương được tô đậm nhiều ở tư thế chiến tướng thay vì tư thế quân sư thì vầng hào quang võ nghiệp của nhân vật lịch sử này càng rực rỡ sống động…

Tiếc một vài dòng suy tư cần khai thác, đào sâu. Chẳng hạn nguyên nhân ra đời của Hịch tướng sĩ, tâm trạng của người sáng tác. Và, vì sao Trần Quốc Tuấn phải viết hịch; những trăn trở, âu lo, tức giận của ông ra sao; ông từng “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” thế nào...

Tiếc những khẳng định, khái quát rất chắc chắn nhưng chứng minh chưa thuyết phục. Đức Thánh Trần là người văn võ song toàn, nhưng tác phẩm nghiêng về chứng minh cho tài võ nhiều hơn tài văn. Tài văn hơi bị mờ nhạt (chỉ lặp lại lời người kể chuyện), chỗ cần tô đậm như Hịch tướng sĩ thì đã bị giản lược.

Tiếc một vài lời thoại không nên có. Như lời của công chúa Thiên Thành trong đêm hội Mo Nang: “Huynh hãy yêu muội đi”. Trong bối cảnh đó, lời lẽ trở nên thừa thãi (cho nhân vật), kém duyên (đối với nhà văn).

Dĩ nhiên, những điều đáng tiếc trên không làm ảnh hưởng nhiều đến thành công của hình tượng người anh hùng “võ nghiệp lẫy lừng, tình yêu bất diệt” mà nhà văn dày công dụng tâm tái hiện. Hãy đọc, và cần đọc Đức Thánh Trần, để thấy sức hấp dẫn muôn đời của lịch sử đối với văn chương; để hiểu hơn, yêu hơn, tự hào hơn, có trách nhiệm hơn với sự hi sinh của tiền nhân trong sự nghiệp gìn giữ vẹn nguyên non sông đất nước mình. Đồng thời, sẽ thấy sự cuốn hút của một tác phẩm văn chương mang cảm hứng lịch sử, chọn đề tài lịch sử, viết về nhân vật lịch sử với tất cả tâm huyết và bút pháp tài hoa của nhà văn Trần Thanh Cảnh.

N.T.T.T
_______
1. Đức Thánh Trần, tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh, Nxb Hội Nhà văn & Công ti cổ phần sách Thái Hà, 2018.
2. Xem: Tiểu Mục Đồng, Tiểu thuyết “Đức Thánh Trần”: Một lối đi khác của tiểu thuyết lịch sử, https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tieu-thuyet-duc-thanh-tran-mot-loi-di-khac-cua-tieu-thuyet-lich-su-n20180202065010441.htm.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *