Tác phẩm và dư luận

14/10
5:04 PM 2018

CÁI TỤC TRONG NGHỆ THUẬT!

NGUYÊN THANH-Cái tục, cái thông tục thuộc phạm vi cái hài góp phần tạo cho tiếng cười trào phúng mặn mòi hơn, mãnh liệt hơn, ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn. Truyện tiếu lâm có rất nhiều hình tượng cái tục, cái thông tục là phương tiện để tác giả dân gian lật tẩy, chế giễu, lên án, đả kích cái xấu, cái ác, cái bảo thủ, cái lỗi thời.

 

Nhưng ngay trong phạm vi văn học dân gian không có cái tục, cái thông tục vẫn có tiếng cười như trường hợp tiếng cười trí tuệ sâu sắc, thâm thúy, người đọc phải ngẫm nghĩ mãi rồi mới thấy độ châm biếm sâu sắc của hình tượng. Do ảnh hưởng của tinh thần đạo lý, lễ nghĩa của mỹ học Nho gia mà trong văn học viết trung đại cái tục xuất hiện với tần số rất thấp. Nhà thơ thiên tài Hồ Xuân Hương nói nhiều đến cái tục nhưng chúng lại bị ẩn đi lấp ló sau câu chữ như trêu ngươi, thách đố cả một nền mỹ học đạo đức giả phong kiến già nua, để rồi cho đến tận hôm nay vẫn còn tranh luận có tục hay không tục trong thơ Bà. Đến Nguyễn Khuyến, Tú Xương hình tượng cái tục nhiều hơn nhưng được sử dụng đích đáng nên người đọc không có cảm giác xấu hổ, thẹn thò...

Trong văn học hiện đại, nhất là thời kỳ Đổi mới cái tục được sử dụng thoải mái đến mức bị lạm dụng mà tiêu biểu là Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Ví như với xu hướng "giải thiêng cổ tích", trong Trương Chi nhà văn để nhân vật nhiều lần văng tục làm cho cổ tích vốn đầy chất thơ giờ ngập tràn chất thế tục. Nhân vật cổ tích bị kéo về thời hiện tại bắt nói ngôn từ thời hôm nay để tạo ra một nhân vật của "cổ tích giả". Nhà văn phải thực sự cao tay vì nhân vật phải sống trong tình trạng "lưỡng cư thể loại" sẽ rất khó dung hợp khí quyển văn hóa. Có người khái quát đó là lối viết "nhại/giả/chọi cổ tích". Thế giới truyện Nguyễn Huy Thiệp đầy những tiếng chửi, tiếng rủa, tiếng thề, rất nhiều những hình ảnh tục, nghịch dị, khác lạ để biểu hiện một thế giới "loạn cờ"... Văn xuôi Phạm Thị Hoài đầy ngôn ngữ kiểu chợ búa, ngoa ngoắt, mắng mỏ, hạ bệ theo lối vật hóa. Sử dụng cái tục là cần thiết để diễn tả thật đắt cái xấu xí, cái đáng nguyền rủa, lên án. Nhưng trong thực tế đời sống thì không phải tất cả đều thế nên trong tác phẩm của hai nhà văn tài năng này người đọc thấy một hiện thực không sáng sủa, thậm chí có độc giả hiểu sai cả động cơ tác giả, có một lý do là nói quá nhiều về cái tục.

Khuynh hướng hậu hiện đại rất hay dùng cái tục để biểu hiện một thế giới phân mảnh, tan vỡ, lộn ngược, thế giới bị giải thiêng... Khuynh hướng này tràn vào nước ta những năm cuối thế kỷ XX (mà văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài là những biểu hiện) đã gây ra những hệ lụy, mà dễ thấy nhất là làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, góp phần đẩy thị hiếu thẩm mỹ về phía tiêu cực. Dưới đây là một vài chứng minh.

Có "tác phẩm" lấy cảm hứng từ những câu chuyện làm tình (được gọi là diễn ngôn tính dục), miêu tả một cách cặn kẽ, chi tiết những cảnh sex khêu gợi bản năng, xa lạ với mỹ cảm người Việt. Có "tác phẩm" lại đầy những ngôn từ tục tĩu, chợ búa (được gọi là diễn ngôn thế tục)... rất thiếu trong sáng, khác với sự tinh tế kín đáo của tính cách Việt. Có ấn phẩm lại thẳng thừng chối bỏ văn hoá Việt đã sinh ra chính tác giả, kiểu như: "Bản sắc văn hoá Việt Nam/ Nó giống như một cái xác chết thối/ Giống như một cái gối cũ/ Như một vết thương bưng mủ...". Trong tập thơ của một nhà thơ trẻ được trao giải cao có những câu: "Hai con thạch sùng làm tình không đủ làm ô uế bàn thờ/ Cởi truồng trước ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ" (Làm tròn). Đúng là "ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ" (vì chúng không tình cảm, không tư duy) nhưng độc giả lại cảm thấy "xấu hổ"! So sánh sau ở một bài thơ thật thô thiển, không "thơ" một chút nào, không thuyết phục được người đọc vì giữa cái so sánh và cái được so sánh không có nét tương đồng nào: "Bầy tinh trùng như bầy đom đóm bay trong đêm". Trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm người con gái được đề cao đến tuyệt đỉnh, vẻ đẹp của con người sánh ngang với vẻ đẹp của vũ trụ: "Cười như mùa thu toả nắng". Ở ngày hôm nay hiện đại hơn lại có một sự liên tưởng ngược lại, vũ trụ như là người con gái nhưng đọc lên thật phản cảm vì đó là hình ảnh người con gái - vũ trụ ấy không thơ tý nào: Những đám mây hành kinh trời xa vòm xanh quần lót, mà đôi chân sông núi thập thò...

Trong sáng tác của một số ít người viết trẻ xuất hiện những hình ảnh "vùng kín" lẽ ra cần che giấu, tiếc thay lại được sự cổ vũ quá mức cần thiết. Tập thơ mang tên "Hở" có những câu như: "Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ À nhiều màu lắm vặt đi vẫn còn" (Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông). Có những câu: "Em ơi hở sịp rồi kìa/ Tôi không dám nhắc sợ lia lưỡi nhìn" (Hở), thì thật không thấy chất thơ, ý thơ, tư tưởng, tài năng đâu!

Tìm về tận ngọn nguồn của lịch sử âm nhạc thì trong thần thoại La Mã, thần âm nhạc có tên là Apollo, ngoài nhiệm vụ mang âm thanh thánh thót ngọt ngào đến cho loài người còn mang thêm nhiệm vụ là tiên tri (nghe nhạc mà biết trước được những gì sẽ đến) và chữa bệnh. Lịch sử văn học cho thấy, ở thời La Mã các chiến binh trước khi ra trận thường được nghe các khúc nhạc mạnh mẽ mang tính chất khích lệ để có thêm tinh thần chiến đấu. Khi giao tranh, người ta thường đánh trống, khua chiêng một cách dồn dập để cổ vũ các chiến binh xông lên. Khi trở về qua vùng biển Xiren nguy hiểm chàng Uylitxơ anh hùng trong Ôđixê phải nghĩ cách đút nút sáp ong vào tai các thuỷ thủ, bảo anh em trói mình vào cột buồm. Nhờ thế mà anh em không nghe được còn mình cũng thoát được sự quyến rũ mê hoặc của những tiếng hát du dương bởi các tiên nữ muốn chèo kéo các nam nhi ở lại... Rồi tiếng đàn chàng Thạch Sanh kỳ lạ, mê hoặc, tài tình Đàn kêu tích tịch tình tang... để minh oan cho chàng: Ai đem công chúa dưới hang trở về... Và đặc biệt là tiếng đàn ấy làm cho quan quân 18 nước chư hầu lăn quay ra ngủ mà quên đi cái tội định gây chiến bằng gươm đao... Quả là không có tiếng đàn thì nguy hại biết bao nhiêu, có khi người chết, có khi nước mất...!!!

Thế mà thời nay, lại có thứ âm nhạc không hề tấu lên, xướng lên các bản nhạc có sức mạnh chữa bệnh, ngăn chặn cái ác... mà hình như có phần ngược lại, kích động cho những cái gì không đẹp cũng chẳng hay... Xin chứng minh, hãy vào các quán bán đĩa nhạc, để xem tên các bài hát: Người yêu tôi ông cũng không chừa, Người đàn ông không được quên hết tình nghĩa, Người đàn bà ích kỷ, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông, Tình một đêm, Không còn gì để mất, Bên nhau dù không còn cảm giác, Yêu một người sống bên người khác, Anh chấp nhận là người tình thứ ba, Một lần nữa tôi bị lừa, Yêu một người là dại, Ăn bánh trả tiền... Ok, như vậy đi...

Thật là phản âm nhạc, vì đâu còn là sự nâng đỡ tâm hồn, giáo dục cái đẹp... Còn lời ca, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là ca từ... Xin nghe một vài lời chẳng đẹp, chẳng trong sáng, dĩ nhiên cũng chẳng tình tứ nữa:

...Yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai...

...Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người... Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa(?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao...

...Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi....

Có bài hát tên Cái nường 8x có câu: "Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi". Trong bài Ngũ sắc, có những câu mà người tử tế nghe thấy đã đỏ mặt xấu hổ vì những ca từ trần trụi, thô thiển, tục tĩu... Nếu nói về lingayoni, tức nhìn các bộ phận sinh dục nam và nữ dưới góc độ văn hoá phồn thực, thì các tín ngưỡng dân gian nói hay hơn nhiều, và dĩ nhiên, văn hoá hơn nhiều cách nói sống sượng trên. Đấy là còn chưa thể, và không thể so sánh với thơ của "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương, cũng nói về cái ấy, hành vi về chuyện ấy mà thật kín đáo, tao nhã, trong sáng, thánh thiện...

Liệu có thể "biện minh" nghệ sỹ cần một sự "tự do tuyệt đối" trong sáng tạo nghệ thuật. Không sa vào bàn luận khái niệm thế nào là "tự do tuyệt đối", chỉ cần hỏi: Tại sao rất nhiều nghệ sỹ khác không cần "tự do tuyệt đối" như thế vẫn có những ca khúc mang tư tưởng thẩm mỹ đích thực, có giá trị sẽ còn sống mãi với thời gian?

Liệu có nên quan niệm nghệ thuật là cuộc đời nên cuộc đời có ngôn ngữ gì cũng có thể đưa vào nghệ thuật. Đó chính là quan điểm của chủ nghĩa tự nhiên đã quá xưa cũ, lạc hậu.

Trong nhiều ngôn ngữ thì nghĩa của văn học là cái đẹp. Sử dụng quá nhiều cái tục liệu có tạo ra cái đẹp được chăng? Hầu hết các nền văn hóa đều quan niệm văn hóa có chức năng vun trồng, giáo dục nhân cách, hướng con người vươn đến cái thiện, cái tốt, cái đẹp. Dùng cái tục thì liệu có làm tốt được sứ mệnh ấy không? Ngôn từ nghệ thuật phải được trau chuốt, gọt rũa để nâng thành mẫu mực cho ngôn từ đời sống. Nếu vậy hiện tượng nói tục đang tràn lan ngoài đời sống, có lỗi thuộc về các nhà văn nhà thơ chưa chuẩn mực trong ngôn từ!?

Mấy ý nghĩ, có thể là còn đơn giản, nông cạn, nhưng là của một con người phát triển bình thường, xin được lạm bàn...

N.T.

 

Nguồn: Tạp chí Thơ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *