Tác phẩm và dư luận

7/7
9:21 AM 2018

“CHẤM NHỎ” GIỮA CÁNH ĐỒNG THƠ

Đinh Quang Tốn - Lê Nguyễn Yên Phong đã làm thơ và có thành công từ cách đây hơn hai chục năm. Chị đã được giải thưởng trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội danh giá năm 1997. Nếu như người khác, họ đã mạnh dạn gom thành một tập xuất bản ngay sau đó và có lẽ đã trở thành hội viên Hội nhà văn.

Rồi hơn hai chục năm, có thể đã có hơn chục tập thơ ra đời, và đã ít nhiều có tên  trong đời sống thơ. Nhưng, có thể vì cuộc mưu sinh, cũng có thể vì cách sống không hay phô của chị, hay vì nàng thơ không gõ cửa thôi thúc trái tim chị nữa? Là một người trung thực với lòng mình chị đã im lặng suốt một phần tư thế kỉ, để khi gặp tôi và nhà thơ Đỗ Bạch Mai, là những bạn học cùng khoa Văn với chị khích lệ, thơ của chị mới lại dào dạt tuôn trào? Để hôm nay có một “Chấm nhỏ” đến với bạn đọc!

Lê Nguyễn Yên Phong khiêm tốn đặt tên cho tập thơ của mình là “Chấm nhỏ” . “Chấm nhỏ” nhưng khá rõ về phong cách, thủ pháp, giọng điệu, suy tư, cảm xúc… tức là khá rõ mọi đặc trưng của thơ. Trong tình hình thơ mấy chục năm nay của chúng ta, xuất bản thì nhiều mà những tập thơ có được những đặc trưng thực sự của thơ thì quá ít, “Chấm nhỏ” trở thành một tập thơ đáng trân trọng.

Ngay bài mở đầu tập thơ “Thôi anh đừng đưa em qua cầu”, ta thấy một giọng điệu thơ sâu lắng, mới mẻ:

 “Thôi anh đừng đưa em qua cầu

lũ đổ về ngầu nước đỏ

em sợ không còn dấu cũ

lối cát mờ hun hút triền đê…

…………………………………

Xa kia, trời nước nối liền

chớp sáng một cánh buồm?

một cánh chim?

một khát vọng?

con sông tới được biển mặn

sẽ không còn bờ đâu…”

Nghĩa tình sâu nặng đối với người chiến sĩ đã hi sinh cho Lê Nguyễn Yên Phong những phát hiện mới mẻ thật xúc động, trong bài “Anh ở lại và miền Tây ở lại”:

“ Tha lỗi cho em

quá muộn cho cuộc kiếm tìm

hàng mộ không tên anh nằm trong đó

sau hy sinh, anh tiếp tục hy sinh lần nữa.”

 

Nói về những liệt sỹ với những ngôi mộ vô danh như thế tôi chưa thấy ai nói. Bây giờ Lê Nguyễn Yên Phong nói, nhẹ nhàng thôi mà thật cảm động, người đọc không khỏi rơm rớm nước mắt. Tình cảm của tác giả còn nén chặt trong những dòng thơ ngắn, hình ảnh mới lạ mà chính xác, khi phải chia tay với những ngôi mộ liệt sỹ:

“ Chiều chẳng nỡ

nắng bừng chới với

anh ở lại và miền Tây ở lại”

“Nắng bừng chới với” là một hình tượng thơ lạ và đẹp, thật xúc động, thật thảng thốt, không thể nói được, không thể diễn tả được…

Tư  tưởng nghệ thuật của tập thơ có lẽ nằm trọn trong bài “Chấm nhỏ”. Bài thơ ngắn gọn và sáng, tư tưởng cao và sâu xa, hàm súc và có dư ba. Bài thơ chỉ có ba khổ, mỗi khổ thơ chỉ có bốn câu, nhưng mà đầy đủ cuộc đời khi tác giả nói về mẹ, về con, về người yêu. “Chấm nhỏ” mà thật lớn khi Lê Nguyễn Yên Phong nói về mẹ, bởi trên đời ngoài mẹ ra còn có gì lớn hơn, ngoài tình mẹ ra còn có gì mênh mông hơn, mẹ không bị lấp đi mà hòa vào sự rộng lớn, sự vô cùng của trời đất:

“Chấm nhỏ trên cánh đồng là mẹ

mẹ nhỏ bé bởi ngập tràn biển lúa

con ngã nhoài lúa níu kéo chân

thấm vào con hương mẹ hương đồng”…

Ngoài tình yêu với mẹ đã cho Lê Nguyễn Yên Phong khổ thơ sáng đẹp như trên, tôi nhận ra Lê Nguyễn Yên Phong thường nặng lòng với những mất mát, sự không hoàn hảo. Có lẽ đây cũng là phong cách truyền thống của dân tộc, giống như một nhà thơ đã tuyên ngôn: “Tôi đứng về phía nước mắt”. Trong bài “Chuyện của tằm”, tác giả day dứt điều này như một điệp khúc:

“Lẽ ra tằm nhả tơ óng       

để không có thứ tơ lỗi…

……………………………

Lẽ ra không ăn thứ lá úa thừa thãi

lá dâu xanh non tằm tranh không nổi…

……………………………………….

Lẽ ra không có xóm nghèo

đìu hiu những người đàn ông đi hết ra trận”…

 

Cuộc đời thật chênh vênh, thật nhiều thác lũ, mưa gió bão bùng… Nhưng vẫn còn niềm tin và hy vọng, cái đẹp vẫn chiến thắng, cuộc đời thật nhân văn:

“ Rồi cuộc đời lật giở nhiều trang

chỉ có một thứ còn nguyên như cũ

mảnh vải tằm gói tấm ảnh người lính trẻ”…

Có những bài Lê Nguyễn Yên Phong cho người đọc cảm giác tác giả viết như chơi. Đó là chùm thơ ba bài viết về Sông Hồng: “Củi rều về chưa”, “Rơi”, “Chiều trên cầu”. Đó là những bài thơ phát ra từ hồn. Thơ từ hồn phát ra, người đọc chỉ cảm thấy hay tự nhiên, rất khó phân tích, không sửa chữa được. Bởi hồn tác giả như thế thì thành thơ như thế. Còn đẹp đến đâu thì tùy vào hồn của tác giả. Đây là bài thơ thứ hai trong ba bài tác giả viết về Sông Hồng, có đầu đề là “Rơi”:

“Chông chênh rơi xuống dòng thành sóng

gió rọi xuống dòng thành lũ cuốn

tháng năm rơi xuống dòng thành bến đỗ

áo rơi xuống dòng thành thương nhau.

 

Qua cầu mồ hôi rơi đi đâu?

qua cầu tan biến lo toan chất chồng

 

Nhẹ tênh sải cánh nước trời mênh mông.”

Gần đây, đầu năm 2018, Lê Nguyễn Yên Phong viết bài thơ “Đất”, bài thơ cuối cùng của tập. Vẫn với phong cách tự nhiên nhẹ nhàng mà sâu lắng như phong cách chung của tất cả những bài thơ trong tập, rất kiệm lời, câu chữ không thể ngắn hơn, nhưng độ nén thì căng hơn:

“Đợi đêm

những tiếng gọi huyền bí

đó chính là lời của đất

thăm thẳm, khôn cùng”….

Sau khi diễn tả khát vọng “Đợi mặt trời”, “Đợi mùa”, “Đợi ngày trở lại”, mỗi loại một sắc thái , chất cao lên thành khát vọng của con người, đó là khát vọng đối với đất mẹ mênh mông:

“ Và chính loài người đã đợi

giây phút linh thiêng hạnh phúc

gọi thầm: mẹ đất

 

Và chính loài người đã chọn chỗ dừng chân

đất mênh mông”.

Lê Nguyễn Yên Phong xuất bản tập thơ đầu khá muộn. Nhưng bù lại, đó là một tập thơ thực sự có chất lượng, chất thơ có ở tất cả các bài trong tập, tạo nên một tác phẩm thơ có phong cách riêng với bút pháp trẻ, giọng điệu mới, khá hiện đại mà vẫn mang bóng dáng truyền thống. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, chất lượng bao giờ cũng là yếu tố quyết định. Có người xuất bản hàng chục tập thơ nhưng không phải là nhà thơ. Nhưng chỉ với tập thơ “Chấm nhỏ”, ta thấy ngay tác giả của nó là một nhà thơ, một hồn thơ còn rất nhiều hứa hẹn.

         

28/3/2018

 

 

 

THƠ LÊ NGUYỄN YÊN PHONG

 

 

 

THÔI ANH

ĐỪNG ĐƯA EM QUA CẦU

 

Thôi anh đừng đưa em qua cầu

lũ đổ về ngầu nước đỏ

em sợ không còn dấu cũ

lối cát mờ hun hút triền đê.

 

Thôi anh đừng đưa em chiều qua cầu trở về

gió khô se mồ hôi sạn đắng

dễ lắm, đôi cánh thần tiên, một đôi cánh

thôi, anh đừng đưa em qua cầu.

 

Xa kia, trời nước nối liền

chớp sáng, một cánh buồm?

một cánh chim?

một khát vọng!

con sông tới được biển mặn

sẽ không còn bờ đâu.

 

Thôi, anh đừng đưa em qua cầu!

 

                           HN - 1985

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ANH Ở LẠI

VÀ MIỀN TÂY Ở LẠI

 

Tặng anh trai ls - Lê Quang Vinh­

 

 

Tàu siết trên đường ray

đường tới cổng trời lút vào núi

anh ở lại và miền tây ở lại!

 

Tha lỗi cho em

quá muộn cho cuộc kiếm tìm

hàng mộ không tên anh nằm trong đó

sau hy sinh, anh tiếp tục hy sinh lần nữa.

 

Im lặng mộ

im lặng cỏ cây

anh nhận của em nước mắt

thay cho mẹ không tới được.

Ngày mai em xa rồi

nước mắt của đời những hạt sương rơi

tràn tới anh mầu xanh miền Trung bất tận

thanh thản tin yêu bến đỗ đời người

 

Chiều chẳng nỡ

nắng bừng chới với

anh ở lại và miền tây ở lại.

 

                          Tây Quảng Bình 1994 -

                          Giải tư,  Giải thưởng văn học, VNQĐ 1997

 

 

 

 

 

 

TUỔI THƠ ANH GỬI LẠI

 

Tặng anh trai ls - Lê Quang Vinh­

 

 

Tuổi thơ anh gửi lại túp lều của mẹ

túp lều rạ nát

bóng xê dịch như tấm chiếu rách.

 

Tuổi thơ anh gửi trong sự lẫn lộn của mẹ

giữa cái mới và cái cũ

đêm, mẹ rờ rẫm lần tìm

đôi mắt đục mờ hiện hình kỷ niệm.

 

Ngoại ô

chiếc cầu ùn tắc

người làm than lẫn trong bùn

ngoạm vào mặt đường

hàng quán những chiếc răng xô lệch

Anh gửi lại vườn ổi tươi xanh trong ký ức

con đê làng mầu lam

cánh chim xanh đời mình.

 

Năm tháng hào hùng

thư anh không kịp kể

mộ không tên lặng im

lịch sử mầu thắm đỏ.

 

Anh chỉ còn tuổi thơ cho mẹ

khi chiếc ba lô theo tàu về một mình

mẹ vịn vào phần đời ấy gượng lên

lặng lẽ mẹ làm những gì anh mong mỏi

ngoại ô, những mùa xuân huyền thoại!

 

                             Ngọc Thụy - 1996

                             Giải tư,  Giải thưởng văn học, VNQĐ 1997

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỒNG HỚI

 

 

 

Một phần anh trong tôi là nỗi nhớ

một phần anh trong tôi là tuổi trẻ

anh và Đồng Hới

cho tôi một gia tài

 

Hít căng lồng ngực thứ gió mặn mòi

lấy lại thăng bằng giữa cuộc đời được mất

nhà thờ gọng vó trơ hoác:

“ta dành cho con cả một tháp chuông”

biển đợi tôi đến bên:

“sóng chừng này đã đủ?”

 

Là tôi

nguyện cầu, sám hối

gọi ra những im lặng

bóng của tôi, tuổi trẻ theo sát

bao nhiêu cái mất

tới được cuối con đường

lời trao gửi của đại dương

thuyền trở về

mồ hôi trên áo người, muối trắng

 

Là tôi

hong phơi, lọc sạn cát

giữa Đồng Hới bừng tỉnh rạng ngời

một thời đau thương bỏ lại

 

Ta dắt nhau tới nhà thờ đổ nghe anh

mang nhỏ nhoi chuyện tình gửi vào biển rộng.

 

                                                      Nhật Lệ - 2000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

SÔNG ĐÁY

 

 

 

Người đàn ông ra tới cửa sông

lẫn vào nước trời

em không còn anh nữa

bao nhiêu con thuyền mất hút như thế

làm nên cái thẳm xa.

 

Bỗng chớp bể mưa nguồn

anh trở lại

là ngày cỏ may chưa chạm mùa gió bắc

bông sen muộn ngọn đèn hao gầy

một ngày không thể khác

tờ giấy vo tròn mang câu thơ đơn độc

nằm trong bụi thời gian

bỗng biến thành những con chim giấy bay đi

ngọt lại nỗi buồn

cỏ may lăm lăm nhọn sắc cũng chẳng thể đau thêm

 

Cảm ơn nỗi buồn

làm cho cuộc đời đằm thắm sâu sắc

đừng chối bỏ

hãy mang vác!

 

Và mưa

bắt đầu từ một ráng đỏ

tím dần, thẫm lại

đổ sập!

 

Để sau đó rạng ngời sông Đáy của tôi

một con thuyền mất hút cuối trời.

 

                          Hà Đông – 2000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VÀ GIÓ VẪN THỔI

 

 

Và gió vẫn thổi

và sông không kể

người người ngã xuống

vùi trong đất vùi

còn ai trở về

một đời thảng thốt

đi qua sống chết

máu đổ một thời

 

Làm nên thành trì

xây bằng xương máu

vượt qua sông sâu

vượt qua bom đạn

sự sống gang tấc

sự sống không còn!

 

Em ơi hãy đến

khói hương tìm anh

Em ơi đồng đội

con sông nghẹn dòng

những điều ước nguyện

lá thư cuối cùng

Em ơi nước mắt

Xót cào bên trong.

 

Và gió vẫn thổi

như chưa từng đau

và sông không kể

ngày nước đổi màu.

 

Tổ quốc quá lớn lao

hy sinh thành bé nhỏ

lứa đôi cần lùi nữa

cuối, tận cùng niềm đau.

 

                       Quảng Trị - 2008

 

 

 

 

 

 

 

MẸ

 

                Tặng mẹ Nguyễn Thị Tân

 

Tưởng chẳng có gì phải kể

chiếc cối giã trầu làm từ mảnh máy bay rơi

tưởng chẳng cần chăm chú

trầu cau mẹ giã chầm chậm

tưởng chào mẹ là được rồi

bên hiên mẹ ngồi nhai trầu cùng nắng móm mém.

 

Tưởng còn đêm

mà đã sang ngày của mẹ

chầm chậm mẹ giã

tất tật đều đỏ

dành gửi vào hừng đông

còn cái cay, cái say

ở với mẹ

đưa mẹ đi từ đêm qua ngày

từ năm trước tới năm sau

từ thế kỷ này sang thế kỷ khác

 

Chiến tranh đi qua đời mẹ

cướp những đứa con của mẹ

chầm chậm mẹ giã

hoàng hôn bến sông con không về loang vệt trầu.

 

Thời gian đi cùng mẹ

giành giật mẹ

chầm chậm mẹ giã

mây lang thang cuộc hành trình chạm vào

ửng đỏ quết trầu.

 

Căn nhà cũ kỹ không giữ được mẹ

trăng non, mảnh cau phơi bỏ quên

chiếc cối giã trầu nằm đâu đó giữa nhân gian.

 

                                         NT – 2010

 

 

 

TÂY NGUYÊN

 

 

 

Người ở lại hôm nay còn nhớ

người rớt xuống xe cùng họ ngồi hát

cùng họ thổi lửa nâng cần rượu tràn

cùng họ siết chặt bàn tay tạm biệt

 

Người trở về hôm nay ngồi nhớ

nước da đen bóng mái tóc xoăn buông

tiếng cười vang khoẻ, mắt tròn ngơ ngác

mặt trời vượt dốc theo người về buôn

ngưng trên gương mặt nhễ nhại nắng gió

 

Chỉ có như thế Tây Nguyên xanh thầm

chỉ có như thế mặt nhìn lạ lẫm

vừa quen vừa lạ đã xa nhau rồi

lại thác lại ghềnh cái núi cái đồi

xa chạy lắc lư người thành chênh vênh

cái nhớ trước gió, ngọn lửa cháy bùng.

 

                                         Đắc Lắc 4/2010

 

 

 

 

CHẤM NHỎ

 

 

Chấm nhỏ trên bầu trời không nhỏ

là anh, những khát vọng của anh

em rời bỏ lo toan vụn vặt

bay tới anh, đôi cánh tay trần

 

Chấm nhỏ trên cánh đồng là mẹ

mẹ nhỏ bé bởi ngập tràn biển lúa

con ngã nhoài lúa níu kéo chân

thấm vào con hương mẹ hương đồng

 

Chấm nhỏ trên đường đời, quá nhỏ

đi về đâu con? mưa rét và đêm

mặt trời giữ lửa làm hòn than đỏ

vùi vào đêm cho con.

 

                              HN Đông 2011

 

ĐẤT MŨI

 

Ta mỏi mà nắng chẳng mỏi

cứ trải từ vàng tới phai

ta tới con sông dừng lại

rẽ sang mê mải làng chài.

 

Con đường thật dài

bao nhiêu cái mới

tới được đám mây cuối trời

đất mang tên Mũi

 

Chỗ con sông cắt ngang phà vừa tới giữa

tôi bắt gặp gấp gấp nụ cười ánh mắt

không ai chối bỏ tôi

tôi nhận được từ bà con

lời kể nồng nàn của màu áo sờn

tôi vịn tay chỗ thành phà nhẵn

những bàn tay thô ráp vừa rời phà

 

Mảnh đất như bè

tới rồi, tới nữa

cái trước nhường cái sau còn chỗ

ngực tôi mảnh đất trũng nhất chăng ?

 

Con người bình dị hồn nhiên nồng hậu

đoàn thuyền háo hức khơi xa

tre lá tuyềnh toàng đấy gọi là nhà

đước xanh rì trong nước mặn.

 

Vươn ra biển

mãi mãi mũi tàu

lúc sóng gió là điểm đầu

lúc này, đất Mũi

bộn bề một tình yêu.

 

                              Cà Mau - 2010

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *