Tác phẩm và dư luận

26/7
5:30 PM 2018

ĐỌC THƠ TÚ XƯƠNG

Lúc Tú Xương mất, Bính Ngọ (1907), cụ Nguyễn Khuyến có phúng hai câu thơ: "Kìa ai chín suối Xương không nát/Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn". Câu trên đã khẳng định là "không nát", câu dưới cũng phải nói dè dặt "có lẽ", một cái doute méthodique , một sự ngờ khoa học, vả lại đã hạ đến hai chữ "nghìn thu", mười lần một trăm năm, lâu dài lắm lắm, thì cũng phải ngoặc đơn hai chữ có lẽ, cho phải chăng.

Một nhà thơ lớn lão thành 72 tuổi mà đánh giá một nhà thơ chết mới 37 tuổi, tặng hai câu thơ như thế, thật là tri âm tri kỷ; thật ra, tâm hồn có lớn mới đánh giá lớn được.

Tại sao một chân tú tài chữ nho, hỏng đi hỏng lại, nửa đời nửa đoạn, chỉ được cái: làm thơ, mà lại "xương không nát, nghìn thu tiếng vẫn còn?". Tại vì văn học, vì các tác phẩm văn thơ hay, tác động đến tình cảm của con người, có một địa vị rất quan trọng trong đời sống tình cảm của xã hội; văn học mang tư tưởng nhưng xuyên qua tình cảm, xúc cảm, đó là đặc trưng của nó. Có hai viện bảo tàng: viện bảo tàng lịch sử và viện bảo tàng văn học. Viện bảo tàng lịch sử quan trọng hơn hết, quan trọng nhất. Lịch sử là sống chết của một dân tộc; còn viện bảo tàng văn học là một ngôi nhà con của tòa lâu đài lớn; bởi nó ở trong hệ tâm hồn của con người, cho nên nhiều khi viện bảo tàng đó cũng đặt ở trong trái tim, ở trong những trái tim của những triệu người làm ra lịch sử. Do đó mà người ta nhớ đến Tô Đông Pha hơn là nhớ đến Vương An Thạch[2]. Do đó mà người ta nhớ đến Tú Xương.

Bây giờ ta hãy thử lấy con mắt năm trăm năm mươi năm mà nhìn các nhà thơ truyền thống, từ Nguyễn Trãi (1380-1442) đến trước tháng Tám 1945. Nổi bật lên nhất là những ai? Là Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương. Và là ai nữa? Là Đoàn Thị Điểm, người dịch ra Nôm, người sáng tác trở lại Chinh phụ ngâm chữ Hán của Đặng Trần Côn; thơ Chinh phụ ngâm tiếng Việt hay lạ lùng,

Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu...

...

Hình khe thế núi gần xa,

Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao...

tinh tế, mượt mà, cô đúc, rất gọn chắc, mà vẫn cứ mềm mại uyển chuyển, một dây tơ vô hình chạy xâu chuỗi mấy trăm câu thơ từ đầu chí cuối, sức bút già dặn, nhạc điệu thanh tao, có thể nói: nếu không kể cái nội dung truyện, cái chất liệu thực đời sống của Truyện Kiều, nếu chỉ kể ở độ luyện của văn, thì Chinh phụ ngâm không nhường Kiều đâu. Bởi vậy nên sau ba thi hào dân tộc kia, tôi đặt tiếp liền Đoàn Thị Điểm. Và là ai nữa?

Đây chỉ mới là những ý nghĩ riêng của tôi từ hơn ba chục năm nay, từ lúc còn đi học ở cấp trung, tôi đã tâm niệm trái tim của Tú Xương:

Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn,

Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.

Bối rối tình duyên cơn gió thoảng,

Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông...

Tại sao mà buồn? Không phải tại trời đất sấm chớp gió mưa, vậy thì tại nguyên nhân vô ảnh; đây là chung một nguyên nhân với Pétsonrin (Petchorine) "một nhân vật thời đại" của Lécmantôp (Lermontov), với Ônêghin (Evguéni Oniéguine) của Putskin (Pouchkine), những người không chịu quay trong quỹ đạo của xã hội mình, tức là cái xã hội cũ nữa; họ chưa có sự phân tích sáng suốt, khoa học của chủ nghĩa Mác về sau này, cho nên họ không thể vươn vượt lên trên xã hội để mà thấy là họ buồn là bởi tại xã hội, tại bất ổn với xã hội, không công nhận nó; cho đến những nhà thơ của phong trào "Thơ mới" (1932-1945) mà vẫn còn Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn, kia mà, huống chi là Tú Xương ở tận cuối thế kỷ 19. - Mà nhạc điệu thơ tâm sự, thân mật biết bao: Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.

Bối rối tình duyên cơn gió thoảng đã vậy, chứ đến nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông thì thật là hay, nó không phải nhạt nhẽo mà là nhạt nhèo, nghĩa là mức độ nhạt hơn: ôi! làm thơ là cân nhắc từ phần nghìn gam của chữ, sao có người lại in ra là "nhạt phèo quang cảnh", nhạt phèo thì phèo một cái là hết chứ gì! Nhạt nhèo nó mới còn mãi như nước miếng nhạt ở trong miệng, cả lại bối rối thì phải đối với nhạt nhèo, "rối" không phải là trạng từ của "bối" nên không thể cân xứng với "phèo" là trạng từ của nhạt. Vả lại hai thanh "ối ối" (bối rối) cân xứng với hai âm "nhờ nhờ" (nhạt nhèo) thì mới hay. Tôi xin lỗi đã nói dài về một chữ, vì cũng phải lấy ví dụ một lần, bởi đây là đi vào thế giới của ngôn từ thơ, một ngôn từ gắn chặt với tâm tình, tâm cảm.

Từ lúc trên ghế nhà trường, tôi đã thuộc:

Ta nhớ người xa cách núi sông,

Người xa xa lắm nhớ ta không?

Sao đang vui vẻ ra buồn bã.

Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.

Thơ đây có một nhạc điệu tâm tình, cái mà rất nhiều bài thơ không có, thậm chí rất nhiều nhà thơ không có! Những lời thơ này có giá trị phổ biến cho rất nhiều hoàn cảnh tâm lý; đến câu thứ 5 và thứ 6 thánh thót lên, da diết hẳn lên:

Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng

Khi riêng riêng cả đến tình chung...

Những anh con trai đang lớn lên, tưởng như mình đang yêu ai đó, thì rất dễ vận ngay hai câu thơ ấy vào mình!

Vâng, từ mấy chục năm nay tự mình cânn hắc, chiêm nghiệm cho đến bây giờ, suy đi nghĩ lại, phần tôi, tôi đặt Tú Xương là nhà thơ lớn tiếp theo bốn vị kia. Bởi đâu? Bởi chất lượng của tâm hồn, bởi mức độ của cảm nghĩ, thông qua văn tài. Cũng là đả kích xã hội cũ, trong rất nhiều cây bút đả kích, ai đã đánh đến cái mức:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến,

Váy lê quét đất, mụ đầm ra.

Thơ đả kích thường làm theo lối chửi, mà chửi là đánh bằng lời nói, mà lời nói thì dễ gió bay. Tú Xương không chỉ đành lòng với thế, mà bám sát lấy đối tượng: thơ Tú Xương như một thứ axít đổ vào nó, cắn cho nó nát ra, cháy đi. Ngạn ngữ Âu Tây nói: "Cái lố bịch giết chết được người" (Le ridicule tue); Tú Xương lố bịch hóa đến cao độ: câu trên cười mà thương cho "lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ" để tương phản với câu dưới: các quan trường ậm ọe miệng thét loa, thét là oai phong lẫm lẫm, loa thì đưa tiếng đi rất xa, tiếng gì? Tiếng ậm ọe, đồng thanh với "dậm dọa" nhưng ậm là "ậm ừ", ọe là "nôn ọe", nói như là mửa, hách lắm, mà chẳng ai nghe rõ gì. Đến hai câu dưới, Tú Xương nấn rộng mãi ra: Lọng cắm rợp trời; kéo thật dài ra: váy lê quét đất; quan sứ đến, mụ đầm ra, cực nhục cho chúng ta biết bao nhiêu, chúng nó đến, chúng nó ra, đến cái kiểu, cái tuồng như thế. Tôi tự hỏi: trong tất cả các thơ đả kích, ai đã khắc họa được đến mức:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng?

Những bà đầm công sứ, bà đầm tòa án, bà đầm nhà đoan, bà đầm lục lộ, bà đầm chủ dây thép... những con mẹ "ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao" ấy ngồi bảnh chọe trên ghế, thỉnh thoảng muốn khoe sang, khoe oai vệ, lại ngoi đít vịt một cái, để thấy rằng ta đây ngồi đã thật nặng, thật vững. Chúng nó thỏa mãn! Trong khi đó, trong khi trên lễ đài cái đít đầm động đậy theo chiều ngang, thì "dưới sân ông cử ngỏng đầu đầu rồng" cử động theo chiều dọc, đội mũ cánh chuồn, ngẩng lên sụp xuống lạy tạ. Lạy ai? Lạy những cái đít đầm! Nhưng tựu trung, Tú Xương cũng trả thù ngầm cho các ông cử bằng một chữ "ngỏng".

Vâng, từ khi tóc thôi để chỏm, tôi đã thương mến trọng nể bà Tú Xương:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước lúc đò đông...

Phải nói rằng, thơ hay, hay ở ý tình; hay ở chữ, tiếng; hay ở sự việc; hay ở nhạc điệu; lặn lội, eo sèo, thân cò, mặt nước, quãng vắng, đò đông, mỗi chữ đều tình cảm. Ở mom sông là cheo veo, chênh vênh chứ không phải ở một cái bến ngang sông tấp nập bình thường. Nuôi đủ năm con với một chồng. Thì ra chồng cũng là một thứ con còn dại, phải nuôi. Đếm con, năm con, chứ lai lại đếm chồng, một chồng - tại vì phải nuôi như nuôi con cho nên mới liệt ngang hàng mà đếm để nuôi đủ; càng đọc, câu thơ càng nhiều ý vị.

Tôi đặt Tú Xương là nhà thơ lớn sau bốn nhà thơ lớn nhất vì:

Van nợ bao phen trào nước mắt

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi;

Vì:

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông,

Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không.

Một tuồng rách rưới con như bố,

Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.

Tú Xương đã nói là nói đến mức cao độ, đến mức điển hình, đến mức nổi bật hết tất cả những gai góc của vấn đề, của sự vật, tức là Tú Xương nói rất sâu, từ chỗ sâu thẳm của lòng mình mà nói ra! Lời thơ giản dị mà tình thơ rất mực chân thành, cho nên truyền cảm cho người khác, thấu tận trái tim người ta:

Cái khó theo nhau mãi thế thôi,

Có ai, hay chỉ một mình tôi!

Đó là một giọng nói cất lên rất là tâm huyết, nó trào phúng, nó đả kích cũng là tâm huyết, nó trữ tình lại càng tâm huyết, mà tâm huyết chứa đựng trong những lời thơ rất hay. Đó là vinh quang của nhà thơ Tú Xương. Trăm năm đã qua từ khi ông ra đời, một thế kỷ đó rọi ánh lên thơ ông, đúng như cụ Nguyễn Khuyến nói: "Xương không nát".

 

II.

Trần Tế Xương nguyên tên là Trần Duy Uyên, sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (Canh Ngọ) tại khu Đình Hữu làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Đình, nay là khu 8 thành phố Nam Định, tỉnh Nam Hà. Ít có nhà thơ lại gắn chặt với địa phương của mình như Tú Xương gắn chặt với Nam Định.

Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi,

Trông dòng sông Vị, tựa non Côi...

Cái nhà ấy không phải là nhà của Tú Xương, Tú Xương làm hộ thơ cho người khác, nhưng người ta cứ nhớ nó, đến mức tưởng như là nhà của Tú Xương, và Trần Thanh Mại đã đặt tên cho quyển sách của mình viết về Tú Xương là "Trông dòng sông Vị", bởi nó ở trong một cảnh trí đặc biệt trước là sông Vị, sau là non Côi hay núi Côi cạnh ga Côi. Trước đây sông Vị non Côi được dùng để chỉ thành phố Nam Định (cũng như sông Nhị núi Nùng được dùng để chỉ thành phố Hà Nội).

Nhà văn Nguyễn Tuân có dẫn một câu ca dao rất gợi cái không khí, cái tấm lịch xuân tươi của vùng núi Côi và cũng nói cái phong phú của Nam Định:

Mồng một chơi cửa, chơi nhà,

Mồng hai chơi chợ, mồng ba chơi đình.

Mồng bốn chơi chợ Quả Linh

Mồng năm chợ Trình, mồng sáu non Côi,

Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi,

Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng,

Chợ Viềng một năm mới có một phiên,

Cái nón em đội cũng tiền anh mua.

Cụ Trần Duy Nhuận là thân sinh nhà thơ Tú Xương. Nhà văn Nguyễn Công Hoan biết về nhà cửa Tú Xương rất là tường tận: "Khi cụ Trần Duy Năng, thân sinh cụ Nhuận, chia gia tài cho bốn con, thì cụ Nhuận được cái nhà ở phố Hàng Nâu, số 247. Năm Giáp Ngọ, nhà ấy bị cháy, cũng là năm nhà thơ đỗ tú tài và người con rể cụ là Mai Công Hoán (quê tỉnh Thanh Hóa) đỗ cử nhân. Muốn mừng hai con, cụ Nhuận cũng trong năm ấy lại làm nhà và làm bằng gạch:

Ông tu tác cửa cao, nhà rộng, toan để cho dâu;

Chồng lăm le bia đá, bảng vàng, cho vang mặt vợ.

Tú Xương làm bài văn tế sống vợ có câu ấy để nói lên việc đó. Về sau này cụ Nhuận bà buôn bán thua lỗ mới đem cầm cái nhà số 247 cho mụ Hai An ở phố Khách là tay chuyên môn cho vay nặng lãi để lấy nhà người ta. Nhà 247 bị Hai An tịch ký. Cụ Nhuận ông than thở:

Ăn tiêu trước bảy nay thành chín,

Công nợ vay mười trả được ba.

Và Tú Xương cũng:

Văn trường ngoại hạn, quan không chấm,

Nhà cửa giao canh, nợ phải bồi.

Còn cái nhà số 280 ở phố Hàng Nâu hiện nay có biển xếp hạng của Ty văn hóa Nam Hà, thì theo Nguyễn Công Hoan là do bà cụ nhạc của nhà thơ là bà Hai Sửu chi cho bà Tú sau này. Sau khi nhà thơ mất khá lâu, bà Tú mới bán cho người anh ruột là ông Kép Bạt, tục gọi là ông Kép Tiêu.

Nhà văn Nguyễn Tuân có dựng trở lại rất sinh động cái phố Hàng Nâu cổ truyền mà tên mới là phố Minh Khai: "Hàng Nâu là một cái phố cũ, nhiều nhà gac, cửa kiểu mắt cáo, cái nhô ra cái lùi vào như hàng răng khểnh của một cô gái không đẹp nhưng rất có duyên. Phố có nhiều kiểu nhà lối kiến trúc cổ, trong dễ bồn chồn vương vít. Khi còn con sông Vị ở ngay sau lưng phố, thuyền lái nâu vào sát nách phố Minh Khai này, những cái cót nâu, bịch nâu lù lù trên bến và trong nhà. Những dáng người tung nâu từ mạn thuyền tung lên, những tiếng đếm nâu, đếm từng củ một, nó không như tung gạch cặp díp đếm từng đôi một. Đúng với cái tên nâu sồng của nó, phố Hàng Nâu xưa là một cái phố lam lũ của người lao động chân tay. Nó cũng là cái phố của những nhà nho thanh bạch... Phố Hàng Nâu cứ tan chợ chiều là thấy diễn ra những quang gánh, thúng mẹt của những người bán tôm tép rau quả nhì nhằng. Nó là một cái phố ngoại ô, cái phố bìa bao tỉnh, giống như xóm nghèo vẹo bắn ra ở tận chân lũy tre làng. Nó rất đúng với cảnh trong thơ Tú Xương:

Trời kia khiến vậy sông nên bãi.

Ai khéo xoay ra phố cả làng...

Anh bạn thơ của tôi Thợ Rèn biết rằng tôi đang viết về Tú Xương. Sau mấy lần hẹn đi hẹn lại, chúng tôi gặp nhau tại nhà anh Thợ Rèn, anh chiêu đãi tôi nước chè và cả cà phê, bởi anh yêu mến thích thú Tú Xương. Anh nói chuyện từ thâm tâm của mình, anh gửi gắm ý tình của anh cho tôi viết; anh quê Nam Định, ông cụ anh là một nhà nho năm nay 84 tuổi. Tú Xương mất lúc ông cụ 22 tuổi, tức là ông cụ đương thời với Tú Xương. Qua bố của mình mà anh Thợ Rèn cũng sống trong cái không khí trọng mến Tú Xương và cảm như nhà thơ chưa xa gì lắm.

Ngày trước có câu: "hì hà hì hục như Nam Hạ vác đất", tả sự làm ăn cật lực của nhân dân vùng rộng lớn Nam Hạ này, bao gồm Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình mà tập trung nhất là ở Nam Định; anh bạn tôi tả như là mìnhd dã trông thấy thật: Thời Tú Xương, các thuyền buồm đổ nước mắm chủ yếu là ở Nam Định, từ đây rồi mới tia đi. Bến Thóc, Bến Củi, Bến Cau, phố Hàng Nâu, phố Hàng Song. Thuyền từ Thanh - Nghệ ra: khô dầu, cau khô, nước mắm, chượp, cho nên bây giờ còn lại những cặp vợ chồng Nam Định, Thanh - Nghệ lấy nhau.

Hỡi cô thắt dải lưng xanh,

Có về Nam Định với anh thì về.

Nam Định có bến Đò Chè,

Có tàu Ngô khách, có nghề ươm tơ.

Câu ca dao cũ còn văng vẳng. Có bến Đò Chè, và có bến Đò Quan. Cái phong phú của Nam Định hãy mới thử kể một chợ Rồng cũng đã thấy ngồn ngộn. Đặc sắc nhất của chợ Rồng mà không nơi nào sánh được, là tơ tằm và chuối ngự. Phủ Thiên Trường cũ của nhà Trần năm giữa thành phố Nam Định mở rộng ngày nay - ở nơi cái chỗ đào ba mươi hai vạn thước khối đất để làm hồ bơi Vị Xuyên đó - chắc hẳn cái tên chuối ngựa có dính líu đến phủ Thiên Trường, đến sự cung hiến chuối quý cho các vua nhà Trần.

Tơ vàng rực, lúa chóe vàng, chuối chín vàng thơm. Anh Nguyễn Tuân viết về chuối ngự Nam Định: "Vỏ mỏng tang, ruột chuối ngọt ánh lên chất cát đường. Có những buồng chuối khi mình vén những tua lá chuối khô phủ lên nó, như tấm áo nâu cũ màu, thì thấy, eo ôi! Nó xếp tầng gác lên tới hai chục nải. Có người vì buồng chuối ngự mang từ Nam lên Thủ đô làm quà mà đành đi tàu thủy; nó lâu thì giờ hơn tàu hỏa, ô tô, nhưng cho chuối đi tàu thủy nó đỡ bị lắc, gẫy, rụng, bảo đảm hơn". Đây không phải chỉ nói chuối, đây là lấy đại diện một quả chuối ngự, để ca ngợi sản phẩm thanh quí Nam Hà.

Nhà thơ Tú Xương ít đi các nơi, chỉ thấy nói trong bài văn tế sống vợ:

Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen.

Phố Giấy là một phố nhà hát ả đào ở Hà Nội; hoặc trong một bài thơ cảm hoài:

... Nay đi phố Giấy, mai đào hát,

Khi ở sông Thương, lúc tỉnh Hà...

thấy nói đến con sông Thương tỉnh Bắc Giang; còn thì trong bao nhiêu thơ đã nói về Nam Định. Tú Xương ở mãi tỉnh quê mình, Tú Xương ghi lại Nam Dinh thời đó, sắc thái của thời đại ấy rất đậm sống trong thơ Tú Xương; xã hội bấy giờ đang chuyển tiếp sang tư sản.

Vị Hoàng, làng Tú Xương, vốn lâu đời có nhiều người nho học; đây là phái chân nho, khác với phái "khuyển nho" ở những nơi "học hàng xáo", không thâm nho theo lối xứ Nghệ. Nhà Tú Xương là nhà nho gốc, trong dòng họ có một niềm kiêu hãnh về sự học thâm thúy của mình. Nhưng học chữ nho tàn dần, thi cử những khoa cuối cùng và cuối rốt thì không còn trường thi nữa.

Mực tàu giấy bản là thôi,

Nước non đi hết những người áo xanh.

Lỡ duyên búi tóc củ hành,

Trường thi Nam Định biến thành trường bay.

(thơ Nguyễn Bính)

Nước đã mất. Xã hội biến thiên. Các nhà nho nhìn thấy đạo đức truyền thống suy đồi. Tản Đà nói:

Văn minh Đông Á trời thu sạch,

Này lúc luân thường đảo ngược ru!

Một mặt những lứa đầu tiên người đi làm cho Tây: thầy phán, thầy ký, thầy thông: Chẳng ký không thông cũng cậu bồi. Những quan lại bẩn thỉu xuất chính một cách rất tàn tệ, những mật hám; mặt khác, những chủ nhà cho thuê... Thành phố Nam Định bắt đầu mở mang. Bọn thực dân, bọn giàu có, thế lực chiếm hết các phố lớn, phố sang, phố đông. Các nhà nho ở ngoại ô, tất cả bị lật ra rìa thành phố. Bác Việt Quyên kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm thiếu thời của mình, cũng đồng thời là gợi lại Nam Định ngày trước, thời Tú Xương, thời còn bà Tú Xương. Thuở ấy chưa có tiếng ô tô, chỉ có tiếng gõ chặt sắt ở nhà máy chai, tiếng máy chạy ì ì như động biển, tiếng người nói ồn ào cũng không có, thỉnh thoảng có tiếng xe kéo bánh sắt giội xuống đường lộc cộc, như là cả thành phố đang ngủ trưa. Chỉ có tên công sứ là có xe song mã. Đêm, cả thành phố soi đường bằng những đèn dầu tay ở trong hộp kính đặt trên những cột trụ sắt. Mấy phố lớn mới sáng, phố nhỏ, ngọn đèn chỉ thắp bằng hột đỗ, vì sở Cẩm ăn cắp dầu. Tỉnh Nam Định không phồn hoa như Hà Nội, không ồn ào như Hải Phòng, mà êm đềm dịu dàng như nửa thành thị nửa nông thôn. Đi ra đường sợ gặp Tây, sợ phúlít (Police: cảnh sát), sợ cả anh kéo xe cho Tây. Phố Hàng Giấy bán tứ thư ngũ kinh, các sách chữ Hán, chữ Nôm, mực tàu, giấy bản, bút lông, kèm giấy vàng mã. Phố Khách trên toàn Hoa kiều, buôn thuốc bắc, lụa, sợi; phố Khách dưới là người Việt Nam tư sản hóa, buôn nhỏ hơn. Gần giáp bờ sông là phố Hàng Dầu, chuyên bán dầu lạc, một phố đông nhất, đến phố Hàng Thao đông thứ nhì, chuyên bán thao nón và có nhiều cô đầu, lác đác các hiệu bán tạp hóa nhỏ, bán quả sơn, bán rễ bài hương, tầm kết. Các hiệu bánh đường, làm các thứ bánh su sê, bánh cốm... để bán cho các quan, các chức. Bà Hanh Tụ nổi tiếng về bánh đỗ xanh, Tú Xương có nói đến trong thơ:

Kẹo chú Thiều Châu nào đọ được

Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa.

Bà Hanh Tụ làm bánh lối nề nếp cổ truyền, chưa phải tư sản. Bột đỗ xanh xay rất mịn, bánh đậu khô không cho mỡ, ăn phải ngậm miệng, nếu ho một cái thì bay hết. Vùng Nam Định này có rất nhiều đỗ xanh và lạc, lạc chọn rất kỹ, cho nên kẹo chú Thiều Châu mới rất chi là ngon (do chữ Thiều Châu mà cả miền Bắc gọi thứ kẹo lạc ấy là kẹo sìu, tôi ở Trung kỳ ra Bắc học, phục kẹo sìu lắm). Phố Ngõ Ngang nhiều cao lâu, có hiệu Viễn Lai của Hoa kiều nổi tiếng. Hiệu của Pháp thì có khách sạn "Caran ôtên" đồng bào ta gọi là ôten "cá rán", hiệu này làm bánh mì; chiều thứ bảy, ngày chủ nhật, Tây ra đó, lính Tây ở trại lê dương ra. Nó thắp một đèn hơi (tức là cácbuya) sáng rực. Ta không ai dám bén mảng đến, vì sợ Tây.

Nói đến thơ Tú Xương, đời Tú Xương, cần phải gợi lại thời xưa tỉnh Nam Định như vậy, là bởi vì tính địa phương, Nam Định ở trong thơ Tú Xương rất cao. Nam Định đã cho Tú Xương cái màu sắc, cái dáng nét, cái hương vị độc đáo sâu sắc của mình, và Tú Xương đã hiến cho Nam Định cái tài thơ, cái sức hút, cái tâm hồn, cái khát vọng của mình.

Nam Định bây giờ hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà rộng lớn giàu có với hai triệu dân. Hà Nam, huyện Bình Lục là quê hương của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cái lẽ thuận của địa lý, của kinh tế cũng lại là cái duyên của hai nhà thơ ưu tú này thành ra cùng một tỉnh, một quê với nhau.

 

III.

Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV (1858-1930)[3] về Tú Xương có viết một câu ngắn gọn như văn bia "Tú Xương là một nhà thơ hiện thực trào phúng lớn của dân tộc". Nhiều sách về Tú Xương cũng nói thế; nhà thơ trào phúng lớn. Như vậy không phải là nhỏ nữa, là thường vậy. Nhưng tôi vẫn cứ không bằng lòng với cái lớn này. Xin bàn lại với "hải nội chư quân tử".

Nhà thơ trào phúng, thì cũng là rất vinh quang. Sở dĩ tôi phải bàn thêm, vì muốn cho đúng, cho thật thỏa đáng. Tú Xương có một trái tim thi sĩ. Tú Xương là một thi nhân, một nhà thơ có tài lớn. Thì ta đọc thơ xong, ngâm thơ xong qua một trăm năm, ta cứ gọi là nhà thơ lớn. Tại sao lại thu hẹp lại bằng cách thêm dài ra: "một nhà thơ hiện thực trào phúng lớn". Ta hãy lấy ví dụ trong các lịch sử văn học. Trước hết trong văn học Việt Nam. Hồ Xuân Hương có làm nhiều bài thơ, đoạn thơ đả kích, trào phúng rất sâu sắc, nhưng bao trùm lên tất cả là một trí tuệ đẹp đẽ, thâm thúy, một tâm hồn yêu đời tha thiết cho nên căm giận rất mực một thứ đời giả dối, lố bịch, tàn ngược. Thơ Xuân Hương rất hay, và Xuân Hương là một nhà thơ, một thi hào, thế thôi. Nguyễn Khuyến (1835-1909) là cỡ một nhà thơ lớn, đã làm các bài thơ hay về mùa thu Việt Nam Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, thu ở Bắc bộ chứ không ở nước nào khác, và là tác giả bao bài ẩn ý tâm tình; Nguyễn Khuyến trên cây đàn của mình có một dây đồng, chứ không những có dây tơ, dây đồng đả kích trào phúng mỉa mai. Ba vuông phấp phới cờ bay dọc, Một bức tung hoành váy xắn ngang, đó là nói kẻ lấy Tây; Bà quan tênh nghếch xem bơi chải, Thằng bé lom khom nghe hát chèo, đó là nói ngày hội Tây, ta xem chạc; không phải vì thơ trào phúng của cụ Tam nguyên Yên Đổ hay, mà người ta gọi cụ là một nhà thơ trào phúng. Trong văn học Pháp, Víchto Huygô (Victor Hugo 1802-1885) là nhà thơ trữ tình lớn, ông viết cả một tập thơ dày Trừng phạt, đả kích, trào phúng, thậm chí chửi rủa tên hoàng đế Napôlêông thứ III cướp quyền của nền Dân chủ cộng hòa; tập thơ này rất nổi tiếng, được cả thế giới hoan nghênh, là một tác phẩm lớn của ông, nhưng người ta không gọi Huygô là nhà thơ trào phúng. Trường hợp Pêtôphi (Sandor Petofi 1823-1849) trong văn học Hunggari khá là đặc biệt, thơ ông đả kích, đả kích rất mạnh, rất hiển đế quốc Áo nô dịch nước ông, mà lại ít trào phúng; người ta gọi Pêtôphi là nhà thơ trữ tình. Và trong văn học Đức, Hăngri Hainơ (Henrich Heine 1791-1856), cùng với những bài thơ trữ tình, những bài thơ tình yêu, những bài thơ theo dòng lãng mạn, về sau đã viết một phần rất quan trọng của sự nghiệp mình là những thơ chính trị, hoặc thơ thời sự, dùng một giọng đả kích rất mạnh, độc địa cay chua, có những bài thơ đả kích nổi tiếng như "Những người thợ dệt Xilêdi" v.v... Người ta gọi Hainơ là nhà thơ Đức lớn nhất sau Gơtơ (Goethe). Vả lại ngay ở tập thơ thứ nhất của mình: Đau khổ ban đầu, phần lớn là do tình yêu tuyệt vọng đối với cô Amêli, Hainơ đã có cái giọng thơ đả kích sắc sảo. Và trong loại thơ chính trị, ví dụ như bài "Hoàng đế Trung Quốc", Hainơ mỉa mai cay độc:

Hãy cứ rót, rót đầy chén nữa,

Ngọt ngào thay cái vị quỳnh tương.

Dân ta sướng, dân cần roi vọt,

Và tung hô: Vạn thọ vô cương.

1844

Một khía cạnh rất tinh vi nữa: trong thơ tình của Hainơ, một điểm khiến cho thơ ấy mới hơn thơ tình của các nhà thơ lãng mạn thời bấy giờ, là: trong khi các nhà thơ khác than vãn lê thê, thì hainơ nhiều khi đã dùng giọng mỉa mai, hài hước để chư giấu nỗi đau đớn của mình: chính sự ngược ấy làm cho thơ tình Hainơ thấm vào người đọc hơn.

Việc liên hệ với những trường hợp của văn học sử gần xa giúp ta một tầm nhìn khoáng đạt, một sức hiểu sâu sắc đối với nhà thơ Tú Xương, Nguyễn Công Trứ có thơ vịnh cây thông:

Ngồi buồn mà trách ông xanh

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người.

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo...

Tôi xem ý Tú Xương, đúng là "buồn tênh lại cười", gốc trào phúng của Tú Xương rất sâu, là một nỗi đau thấm đến tận gan ruột bật ra thành tiếng cười sằng sặc đắng cay. Nhiều nhà thơ khác cũng trào phúng, nhưng chất lượng cười không sâu được bằng Tú Xương, không phải như Tú Xương hộc ra tiếng cười:

Không dày mặt phấn quan không hỏi;

Chẳng đủ phù trang gái chẳng về.

Trát phấn vào mặt đi, trát nữa, trát dày thành một cái mặt nạ phấn đi, thì quan mới chịu nhìn hỏi đến cho; trát phấn dày đến mức đó, thật là sự nhục mạ nhân phẩm con người!

Cô hàng bán sách lim dim ngủ,

Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.

Nhìn bên ngoài cảnh sự: lim dim ngủ gà ngủ gật, nhấp nhổm ngồi suống đứng lên, thì buồn cười thật. Và:

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,

Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi,

thật cũng đáng chê cười! Nhưng Liên khu Năm nói "Khóc: hổ ngươi; cười: ra nước mắt", đúng như thế. Đây là một giọt nước mắt nó long lanh chừng như là cười.

Theo tôi nghĩ, sở dĩ có danh từ "nhà thơ trào phúng" trong khoảng ba mươi, ba mươi lăm năm tại đây, là do có Tú Mỡ. Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) khiêm tốn tự cho mình là học trò Tú Xương, đặt tên từ Xương đến Mỡ; Tú Mỡ làm rất nhiều thơ, và trường hợp này khá là đặc biệt, mà toàn là thơ trào phúng; Tú Mỡ không làm thơ trữ tình. Bởi Tú Mỡ không làm cả hai lối như Xuân Hương, nhưng Tú Xương, như Nguyễn Khuyến, mà làm rất nhiều thơ trào phúng hay, nên người ta tặng bác danh hiệu "nhà thơ trào phúng Tú Mỡ". Và cũng do trường hợp đặc biệt này, mà từ đó sản sinh ra một loại thơ chuyên trào phúng đả kích, chế giễu, chủ yếu là để đăng trên các báo. Và các báo có mục thơ trào phúng đóng khung riêng, không đăng chung một khung với thơ trữ tình. Sự chia loại này chưa chắc đã là có lợi cho thơ, nhưng nó đã tồn tại khách quan mấy chục năm như thế, với những "Đồ", "Tú", "Cử" cũng là khai sinh từ ông tổ nhất Tú Xương, tổ nhì Tú Mỡ: Tú Sụn, Tú Poanh, Tú Xơn, Cử Nạc, Đồ Phồn... Do một ngẫu nhiên nào đó, mà trong mấy chục năm hiện kim, thơ ta đã chia ra làm hai luồng, đó đúng là một sự ngẫu nhiên, bởi trong lịch sử văn học thế giới, lịch sử văn học dân tộc, không phân ra hai loại nhà thơ như vậy. Ngay Boalô ở nước Pháp (Boileau 1636-1711) làm những bài Satires ("Thơ trào phúng") nổi tiếng, nhưng còn viết thơ khác nữa, và là người cầm cân nẩy mực cho chủ nghĩa cổ điển trong văn học Pháp thế kỷ 17, cho nên văn học sử Pháp gọi Boalô là "nhà thơ và nhà phê bình". Tôi nghĩ chúng ta cần phải lần trở lên Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương và thống nhất hai luồng trữ tình và trào phúng lại trong một: một trái tim, một linh hồn, một trí tuệ, một tài năng, của một thi sĩ.

Và tôi gọi: Nhà thơ lớn Tú Xương.

X.D. (Nguồn: Tạp chí Thơ HNV)

 

 

 

 

[1] Chữ của nhà triết học Descartes, nghi ngờ theo phương pháp khoa học.

[2] Vương An Thạch là một tể tướng đời nhà Tống, sống đương thời với nhà thơ Tô Đông Pha, là một chức quan nhỏ, đã từng bị Vương An Thạch đày đi.

[3] Nhà xuất bản Văn hóa

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *