HẬU 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHẬT TUẤN CON SÓI GIÀ ĐƠN ĐỘC
Nhà văn Nhật Tuấn
Tôi tưởng tượng ra khuôn mặt bạn vong niên - Cố nhà văn Nhật Tuấn khi anh còn sống. Không biết ở cõi ấy, giờ này, anh sẽ vui hay buồn hay lại cười xòa như khi còn ở dương trần cứ hay hơn hớn cười xòa...
Nay để vài bạn đọc thêm chút ít tìm anh mà đọc. Tôi đi lại bài viết đã lâu về nhà văn này khi anh còn sống - (bài chính danh NVT đi trên báo Văn Nghệ bị edit vài chỗ...
Tập hợp nhiều tác phẩm đặt cạnh nhau, đọc cẩn thận, tôi kính trọng Nhật Tuấn, thấy cái tinh thần xuyên suốt của ông với nhân quần, với đất nước và dân tộc. Đấy là Nhật Tuấn, ấy là tinh thần Nhật Tuấn, trách nhiệm với con người, đất nước, xứ sở nơi sinh ra và cưu mang anh.
Thật buồn cười, năm nào ông mất, tôi lại đi bài về ông, treo cái ảnh ông bế con gà, vẻ mặt hơn hớn.
Năm nay năm gà, Ban chấp hành HNV VN vừa trao cho ông Sự vinh danh ở truy tặng giải Cấp nhà nước này. Khi nghe phong thanh ông có giải, tôi mừng chảy nước mắt. Đấy, cái gì cũng thế, khi đã hay, đã có một tấm lòng, đã rơi vào kí ức nhân dân, ai nỡ quên nhau. Tôi thầm cám ơn những người vì việc văn mà thay đổi cách nhìn 1 một văn tài, để một sớm sáng trong, giữa quận Ba Đình, bên con đường lớn thẳng tắp, đầy bóng sấu Hà Nội, HNV VN nhân dịp Lễ trọng 60 năm, đã gọi tên ông vang vang, vinh danh một nhà văn có tên là Nhật Tuấn, những danh tính và cụm tác phẩm sống cùng nhân dân của 21 cố nhà văn khác.
---------
NHẬT TUẤN CON SÓI GIÀ ĐƠN ĐỘC…
Tôi biết tới Nhật Tuấn bắt đầu từ truyện ngắn Con chim biết chọn hạt nổi tiếng trên văn đàn, bấy giờ đi trên Tuần báo Văn Nghệ năm 1973. Ngày ấy, câu chuyện của nhân vật chính là một trí thức, một kĩ sư, lực lượng rất cần cho xã hội xây dựng sau chiến tranh. Vấn đề được đặt trong truyện ngắn cần thiết, cấp thời và về mặt nghề nghiệp, nó cho người đọc như tôi nhận ra, tác giả hẳn là người thông minh, am tường về giới trí thức trẻ, lại có lối xử lí chi tiết, đàn dựng cấu trúc truyện ngắn đầy hấp dẫn và bất ngờ. Sau này tôi mới rõ, Nhật Tuấn vốn xuất thân trước khi viết văn làm khoa học, kĩ sư thiết kế đường ô tô, từng là lứa đầu tiên sử dụng máy tính Minsk22 của Bộ giao thông vận tải với đề tài “ Sổ tay giải tam giác cắm đường cong ô tô” . Do vấn đề cấp thiết tác phẩm đã đề cập, lại giầu kịch tính trong một tác phẩm văn học ngắn, Con chim biết chọn hạt được dựng ngay thành phim truyện, thu hút được khá nhiều người thưởng ngoạn trên truyền hình.
Rồi thời gian qua đi. Tôi sang Đức, 2001 gặp lại anh trên văn đàn hải ngoại với bút danh Phù Vân, khi viết chùm bài tranh luận quyết liệt trên Diễn đàn trí thức quanh văn bản bàn về Vai trò trí thức Việt Nam của nhà văn Phạm Thị Hoài bấy giờ viết ở Đức, do nhà thơ, nhà phê nghiên cứu văn học Đỗ Quyên tại Canada và Phạm Hoàng làm báo ở Đức chủ trương tranh luận.
Từ Con chim chọn hạt, còn ăm ắp khát vọng tuổi trẻ trí thức, ước mong thay đổi và cách mạng, bây giờ mang bút danh, tự là Phù Vân, như áng mây lênh đênh, hư ảo, chả cơm cháo, trò trống gì, lại bàn về vai trò của trí thức, Nhật Tuấn không mang sắc áo nào, chỉ với tư cách nhà văn có trách nhiệm với dân tộc, mà bàn về chính trị... Chùm các bài chính luận, mang bút danh Phù Vân khi ấy, không hề là mây vơ vẩn, Nhật Tuấn cùng Đỗ Minh Tuấn, chỉ duy hai nhà văn trong nước tham gia tranh luận, đã làm rúng động diễn đàn, để nhiều nhân sĩ trí thức Việt hải ngoại -Mỹ, Úc, Ca Na Da, châu Âu - kinh ngạc về sự sắc sảo, sâu cay của ngọn bút phê phán không khoan nhượng những quan điểm trong bài luận trên của nhà văn Phạm Thị Hoài, một người bạn văn cũ của anh.
Tới tận đại hội nhà văn vài năm sau, từ Đức về Hà Nội, tôi mới được gặp con người da thịt Nhật Tuấn.
Một người thấp đậm, trán rộng, tóc cứng, luôn hà hà cười. Bàn tay ấm và rắn chắc bắt chặt bàn tay, làm tôi tưởng như thân nhau quá lâu rồi.
Nhật Tuấn hơn tôi sáu tuổi, lại là hội viên Hội nhà văn từ 1978, tức là rất sớm so với nhiều nhà văn cùng trang lứa, nhưng ở những lần tiếp xúc với tôi, anh chả bao giờ tỏ ra lứa đàn anh, kẻ cả, lại chân tình thân mật như bè bạn. Nửa tháng sau lần gặp đầu tiên ấy, Nhật Tuấn điện thoại hẹn tôi, tới một khách sạn ở Hà Nội, gặp một người bạn anh. Tưởng có việc gì, hóa ra, muốn giúp bạn văn có thể sinh nhai, ở lại trong nước mà viết, anh đã mau mắn giới thiệu một mối làm ăn từ một nhà doanh nghiệp có cỡ. Thế mới biết, Nhật Tuấn tinh đời và nhậy cảm, nhận ra hoàn cảnh của tôi, dầu tôi không than vãn điều gì. Nhiều người bấy nay cứ tưởng nhà văn việt kiều Thọ Muối xông xênh lắm. Nhật Tuấn đi nhiều, ra hải ngoại, sang Mỹ nhiều lần, nên thừa biết hoàn cảnh sống của đám anh em cầm bút khi ra xứ người, nhất là những người từ bỏ kinh doanh, từ bỏ mọi công việc, dành hẳn thời gian để viết sẽ khó khăn ra sao. Việc đó làm tôi rất nhớ và cảm động.
Rồi tôi lại phải sang Đức, và chẳng mấy khi trò chuyện, cũng chỉ đôi khi có việc văn cần trao đổi qua Email.
Năm 2010, sau vài lần hứa hẹn, tôi quyết định mò vào phía Nam thăm anh.
Nhật Tuấn đã gần 70, sinh năm 1942, song vẫn còn rất phong độ, khi phi xe máy rào rào đón tôi, rồi veo veo dẫn đường, luồn lách đi trước, qua những con đường quanh co hun hút, dẫn về nơi anh trú ngụ.
Ta đang hiện Đi về nơi hoang dã đây! Tôi nhủ thầm!
Bên mảng truyện ngắn sớm thành công, Nhật Tuấn đóng góp cho văn chương đương đại 9 đầu sách tiểu thuyết. Đáng nói nhất là Đi về nơi hoang dã xuất bản năm 1988. Đi về nơi hoang dã là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong thời kì đổi mới, ăm ắp những dự báo xã hội cuả nhà văn. Nó không chỉ là thân phận nhiều con người trong xã hội bấy giờ, cả thời hậu chiến dằng dặc khó khăn, mà nó còn là tiếng chuông dóng lên ở một thời kì cần phải thay đổi, muốn thoát ra mô hình cũ…Tự điều ấy nói được cái lớn hơn thân phận đơn lẻ của con người là thân phận của đất nước. Văn trong truyện ngắn Nhật Tuấn không lề dề, chữ câu hiện đại, chạy tốc độ cao. Văn ở tiểu thuyết của Nhật Tuấn điềm đạm mà sâu cay hơn, nhưng tuyệt nhiên không thấy thái độ hẫm hữ, tức tối trong các vấn đề mà nhà văn đề cập. Đi về nơi hoang sau này đã được dịch sang tiếng Pháp với nhan tựa: Retour à la jungle (Edition Philippe Picquier – Paris 2002)
***
Chúng tôi dừng lại nơi bốn bề là rừng xanh ngan ngát, những lô cây đang mùa hiến nhựa màu mủ cao xu trắng rợm. Một cái cửa sắt rỉ toèn hoen, vang lên tiếng ken két khi mở ra. Nơi trú ngụ của Nhật Tuấn là ngôi nhà chìm trong khu đất hoang dã cả ngàn mét vuông, kề ngay giữa các khu rừng cao xu. Tôi nhận ra sự yên tĩnh gần như tuyệt đối ở đây. Không tiếng xe máy, ô tô, tiếng ồn ào đô thị. Đầy tiếng gió trên nóc thảm rừng và nhìn thấy trên mặt đất, từng vệt của kiến và mối trồi lên, đùn mùn ngoằn ngoèn, sau cơn mưa phương Nam mùa hạ. Nhật Tuấn chọn nơi đây sống, không hàng xóm láng giềng, không bè bạn tụ bạ. Nhìn quanh, bên phải vườn có cái chái đua ra và tôi nhận ra sinh vật duy nhất sống với nhà văn già là một chó già, giống Đức Schiffhund. Một loài chó gốc là chó sói hoang dã, lai giống với chó nhà, người Đức dùng để chăn cừu rất tinh khôn nay về đất phương Nam chung đụng sống với nhà văn già. Chú chó lông đen có vệt màu nâu ánh lửa ở hai sườn bụng đứng phắt lên, lừ lừ đôi mắt không chớp, chăm chăm nhìn khách lạ. Không một tiếng sủa! Tôi cảnh giác hỏi: “Anh xích nó chắc chắn rồi hả?” Nhật Tuấn không trả lời, quay về hướng con chó nòi Đức dõng dạc: “Bạn tao tới chơi! Nằm yên đấy!
Tôi dạo quanh nhà một vòng. Ăn một mình, ngủ tất nhiên một mình. Quanh quanh thưa thớt, không có ai mà thuê mướn dọn dẹp. Ngày đêm lao vào viết, khu vườn nhà Nhật Tuấn, từ trong nhà ra tới ngoài vườn và, đặc biệt chái bếp rộng, thiết kế kiến trúc chả nỗi nào, song đúng là vẫn thiếu một bàn tay của người đàn bà. Thiếu hơi đàn bà, gian nhà nào chả trống và lạnh. Hoang toàng, bừa bộn…
Chúng tôi nói chuyện văn chương, việc thế sự ngoài vườn, bên cái bàn tròn, xếp quanh vài cái ghế lỏng khỏng, cạnh nơi con chó Đức già im lìm nằm.
Đồng cảnh làm cho con người ta dễ đồng cảm hơn. Nhật Tuấn vài lần gia đình dang dở. Tôi cũng hai mối tình đổ vỡ. Nhật Tuấn gặp tôi hôm nào đưa người vợ cuối cùng rất trẻ ra Hà Nội chữa bệnh hiếm muộn; xong rồi, anh lại đưa vợ trở về Sài Gòn và chia tay. Dồn vét một khoản triền khá lớn, tặng cho vợ cũ, để sau chia tay: “Cô ấy trở về quê cũ đỡ rơi vào túng bấn”, Nhật Tuấn một mình trở lại khu vườn hoang toàng tới ghê người: “Để viết ông Thọ ạ!”
Lát sau có tiếng gọi cổng. Một tay xe ôm mang tới đôi vịt. Tay dao tay thớt, tụi tôi vừa nấu ăn vừa trò chuyện. Nhật Tuấn hãm tiết canh đông ra trò, có lẽ chẳng kém Nguyễn Duy, dù Nguyễn Duy thi sĩ làm chủ quán nhậu, kinh doanh như chuyên nghiệp cả tiết canh một thời!
Bữa ăn bắt đầu. Chú chó già ngóc đầu lên. Nó choãi hai cái chân dài ra, chừng cho đỡ mỏi, lại ngoắc cái miệng cực lớn, toang hoác đỏ lòm, đầy răng nhọn sắc, rồi đứng hẳn dậy, đăm đăm nhìn hai thằng người ăn uống thỏa thuê, nói chuyện rôm rả. Tôi đã từng nuôi chó đức nhiều năm ở vườn bên Đức, nhìn nó mà thương, bèn ném cho con Schiffhund một miếng thịt vịt. Nhật Tuấn la ngay: Ới, xin ông đừng thế. Nó sẽ hư. Dằng đứt xích ra bây giờ. Cứ để đấy, tí nữa tôi cho nó ăn riêng.
Rượu ngon, vịt béo xong, la đà bao chuyện trên trời dưới bể lại quay về văn chương. Rồi cũng vãn chuyện. Hai đứa mỗi người đuổi theo một ý nghĩ. Chúng tôi im lặng ngồi uống trà nơi kê hai ba cái ghế đá trước nhà dưới gốc bàng hiếm hoi phương Nam. Con chó vẫn im không sủa một tiếng. Sau khi ăn đĩa cơm do Nhật Tuấn trộn. Nó lại ngoan ngoãn lim dim mắt, im lìm nằm. Thi thoảng mới nhìn ra ngoài đường. Lại đứng phắt dậy, dỏng đứng hai cái tai lớn, ra chiều nghe ngóng, khi bên ngoài vọng về một tiếng động nào đó bất thường. Tôi tưởng ra cảnh khi tôi không có ở đây, hay khi tôi ra về. Nhật Tuấn sẽ lại trở lại bên bàn máy tính kia.
Con người tự biến mình thành cô độc này, đã bao nhiêu đêm và ngày, xồm xỗm ngồi nhọc công tra cứu, đọc, để viết 55 bài phê bình nghiên cứu văn học, vẽ ra chân dung nhiều nhà văn, rọi chiếu cả quá khứ và hiện tại, gần như những điểm mấu chốt chính nhất của văn đàn đương đại; Từ nhóm các nhà văn lứa Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi…tới lứa nhà văn lớp sau như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Huy Thiệp… đều là các nhà văn danh tiếng, dường cột của văn chương Việt đương đại bấy nay.
Ngọn bút Nhật Tuấn phê bình hay và dở, chân ngã từng hành vi cử chỉ, tạo ra chân dung từng nhà văn ông nghiên cứu, với tấm lòng và cách nhìn như trúc nhọn. Sắc bén, chẻ kĩ, chả phân biệt lề nào, cứ trên văn bản và những sự thật ông tìm hiểu, tra cứu; trên những chuyện thật đã xảy ra, đem phơi bầy lên trang giấy. Cung cách viết ấy, bằng lối luận chiến rất cụ thể và ngắn gọn, sắc lạnh, mang lại khá nhiều tư liệu và cách đánh giá theo góc nhìn Nhật Tuấn. Tôi từng nhâm nhi từng bài viết này ở Đức. Không có ác ý, nói xéo và buông tuồng. Đó, tôi trọng, coi là thái độ cần của trí thức khi viết về trí thức, dầu có thể chuẩn xác hay chưa nhưng cần chuẩn về mực thước của lề lối phê bình.
Sắc thái ấy mang như lối sống, lối giao tiếp ngày thường của anh, trung thực, thắn thắn mà không bỗ bã, mà vẫn giữ phép lịch sự của người cầm bút. “Cái gì viết ra cũng phải có chứng cớ, nguồn cội.”- Nhật Tuấn từng tâm sự với tôi.
***
Chúng tôi tạm biệt nhau ngay bên ngã ba bìa rừng. Nắng phương Nam chan chứa. Tận chiều muộn, vẫn vàng thắm, soi cái bóng dài đơn độc, ngay dưới từng bước chân anh. Tôi quay lại, nhìn theo hun hút Nhật Tuấn, khi anh quay về, cui cũi đi cái lưng vai bè bè như con gấu lớn Bắc cực, con sói đầu đàn Anpo... trên con đường rừng nhỏ, trở lại cái nơi hoang toàng có cái cửa sắt kêu rin rít ấy.
Trở về Sài gòn kể chuyện với nhà báo Đỗ Hương, cũng là một người bạn vong niên cũ, một người mến mộ anh, về ngôi nhà và cảnh sống của nhà văn Nhật Tuấn. Con người ta - Đỗ Hương triết luận – có nhiều giai đoạn khác nhau, người như Nhật Tuấn khi xưa tung hoành lắm. Năm 2000 mới đây thôi, anh làm bộ phim truyện truyền hình 38 tập: Giao thời. Phim hấp dẫn tới mức độ khi đó nhiều người thành phố Hồ Chí Minh bỏ cả việc chiều theo dõi từng ngày trên truyền hình. Nay về mãn chiều, có về một sống mình như vậy, cũng không có gì lo ngại cả. Bởi bản năng của nhà văn vốn vẫn cô độc giữa thành phố đông người cơ mà…
Vâng Đỗ Hương ạ. Một đời văn tới nay đã đủ năm mươi năm. Nhật Tuấn là nhà có dòng chứ không phải số phận run rủi mà rước vào cái nghiệp văn như tôi. Gia đình anh có bốn người làm văn chương, một ông anh bên Mỹ, nhà văn Nhật Tiến, một ông anh dịch giả Nhật Tân (đã mất), một bà chị Bút Vàng bên Pháp.
Nhật Tuấn bấy nay về chiều, ở lại trong ngôi nhà đơn độc trong khu đầy rừng ấy, như con sói già đơn độc tru lên những tiếng tru không đơn độc. Bạn đọc theo sát trang viết Nhật Tuấn trên báo chí trong nước, trên Blog của anh, rải rác khắp thế giới, trong đó có tôi.
Hà Nội tháng Ba, 2012
BOX: Họ tên thật: Bùi Nhật Tuấn - Bút danh: Nhật Tuấn. Sinh 1942 tại Hà Nội. Tác phẩm xuất bản: -Truyện ngắn: “Trang 17” (1978);“Con chim biết chọn hạt” (1983); “Tặng phẩm cho em” (1994); “Một cái chết thong thả”(1995); “Chó nhà đi làm xiếc”(1996); Con khủng long cuối cùng (2000) ;“Truyện ngắn Nhật Tuấn (2004)....Tiểu Thuyết: “Bận rộn” (1985); “Biển bờ”(1986);“ Mô hình và thực thể” (1986); “Tín hiệu của con người”(1987); “Lửa lạnh” (1988); “Đi về nơi hoang dã”(1988); “Niềm vui trần thế” (1989); “Nỗi buồn cho em” (1989);“ Những mảnh tình đã vỡ” (1990)…